T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn & Bạn Hữu: Vòng hoa cho Hà Chưởng Môn

Chuyên đề tưởng niệm nhà thơ Hà Thượng Nhân đã được thực hiện trong thời gian ngắn kỷ lục, dù vẫn còn nhiều khía cạnh liên quan đến con người, cuộc đời và gia sản thi văn của người làng Hà Thượng chưa được nhắc tới. T.Vấn & Bạn Hữu mong mỏi độc gỉa cũng như các bậc trưởng thượng làng văn coi công việc của chúng tôi chỉ như một bước khởi đầu khiêm tốn cho nhiều công trình mang đúng tầm cỡ nhà thơ sau này và như một vòng hoa tiễn chân ông lên đường về lại quê hương.

Theo bản Cáo Phó của gia đình nhà thơ vừa phổ biến, thì lễ hỏa táng sẽ được cử hành vào lúc 1 giờ trưa thứ Ba 18 tháng 10 năm 2011. Cơ sở Văn Thơ Lạc Việt và Thi Văn Đòan Bốn Phương, mà lúc sinh thời nhà thơ đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội Đồng Cố Vấn của cơ sở này, cũng sẽ tổ chức chương trình “ Giờ Vĩnh Biệt Hà Chưởng Môn” từ 10 giờ sáng đến 12 giờ trưa ngày Chủ Nhật 16/10/2011, tại Oak Hill Memorial Park, thành phố San Jose.

Phần tiểu sử nhà thơ, có một chi tiết khiến chúng tôi cứ phân vân. Nhà thơ Viên Linh, một người có những quan hệ khá gần gủi với ông, trong bản tin báo ông qua đời (mà chúng tôi đã trích đăng lại qua Diễn Đàn Thế Kỷ), ghi ông sinh năm 1920 và thọ 91 tuổi. Mặt khác, chúng tôi cũng được nhà thơ Phan Bá Thụy Dương, một người cũng đã có nhiều dịp “trà dư tửu hậu” với ông (xin đọc bài “Chuyện Vui Với Chưởng Môn Người Làng Hà Thượng “), cho biết rằng chính “cụ Hà cho tôi và anh Nguyễn Đình Tóan – nhà thơ Đông Anh của Văn Thơ Lạc Việt – biết là cụ sinh tháng 1 năm 1919″, vậy cụ thọ 92 tuổi. Bản Cáo Phó từ gia đình nhà thơ thì ghi ngày sinh là “ngày 15 tháng 1 năm 1922, thọ 90 tuổi”. Cũng theo nhà thơ Phan Bá Thụy Dương trả lời thắc mắc của chúng tôi, thì gia đình cụ Hà “căn cứ theo giấy thế vì khai sanh” nên mới ghi như thế. Theo hiểu biết của chúng tôi, tờ giấy Thế Vì Khai Sinh ra đời là do chính phủ Đệ Nhất Việt Nam Cộng Hòa cho phép những người không còn giữ được giấy tờ hộ tịch do tản cư, lọan lạc, chiến tranh làm lại giấy hộ tịch, trong đó có khai sinh (do đó có tên Thế Vì). Chi tiết trong những bản Thế Vì (Khai Sinh) thường dựa vào trí nhớ, với sự làm chứng của người quen biết, họ hàng. Vì dựa vào trí nhớ, ngày tháng có thể không được chính xác. Mặt khác, đôi khi trí nhớ đúng, nhưng người khai có thể tăng hoặc giảm năm sinh để phục vụ một mục đích riêng tư nào đó, nên sư khả tín của những bản Thế Vì thường bị nhượng bộ (compromised). Dù vậy, chúng tôi vẫn dựa vào con số năm sinh trong bản Cáo Phó chính thức từ gia đình nhà thơ, vì đây là một chi tiết không thuộc hàng tối quan trọng, để bầy tỏ sự tôn trọng gia đình ông trong giây phút đau buồn này.

Như thường lệ, anh Ngộ Không Phí Ngọc Hùng với chuyên mục Tác Giả Tác Phẩm- Hà Thượng Nhân, đã nhanh chóng “góp nhặt cát đá” từ nhiều nguồn khác nhau để tạo nên một cái nhìn tổng quát về con người, sự nghiệp và tác phẩm của thi sĩ Hà Thượng Nhân. Tất nhiên, như đã dẫn trong phần mở đầu chuyên mục, những góp nhặt của anh Ngộ Không đặt nền tảng trên sự rộng lượng của các tác gỉa được trích dẫn, với một mục đích duy nhất tạo cơ hội gởi đến độc gỉa những thông tin đa dạng, đa chiều về tác gỉa, tác phẩm.

Bài “Hà Thượng Nhân – người tiền bối vừa đi xa” của anh Đỗ Xuân Tê nêu bật những sự kiện có thật từ đời thường giải thích tại sao một Hà Thượng Nhân, ngòai ưu thế về tuổi tác, lại được rất nhiều người, trong cũng như ngòai làng văn mến mộ, ngưỡng phục. Cũng qua đó, chúng ta nhìn ra được nhân cách những cựu sĩ quan QLVNCH, “dậu đổ” nhưng “bìm không leo” và mối quan hệ tương tác hai chiều tạo nên hình ảnh “ông thầy-đệ tử” rất cảm động.

Bài “Cùng một lứa bên trời lận đận” của T.Vấn ghi lại cái nhìn của một người thuộc về thế hệ sau ông khá xa, cả về tuổi tác lẫn nghề nghiệp nhưng do những tình cờ lịch sử đã đẩy số phận của họ đến gần nhau để từ đó nẩy sinh nhiều mối cảm thông.

Anh bạn thơ Ngọc Phi, từ thẳm sâu đồng điệu của những người trời sinh để “bắt” làm thi sĩ, khi hay tin lão tiền bối vừa qua đời, đã bật ra những dòng cảm tác, kèm theo hai bức thư pháp vung vẩy như những cánh hạc tiễn người về trời. Chúng tôi được biết rằng dạo sau này Ngọc Phi đã bị hành hạ rất nhiều vì chứng thấp khớp, đau chân đau tay có khi không cử động được, nhưng vẫn cặm cụi ngồi lại nén đau nắn nót những dòng thư pháp đáng yêu.

Đặc biệt, chúng tôi nhận được sự tiếp tay bất ngờ từ nhà thơ Phan Bá Thụy Dương, một vị đàn anh khả kính mà chúng tôi đã có dịp làm quen (bằng thư từ) qua vài sinh họat nghệ thuật. Bài “Chuyện Vui Với Chưởng Môn Người Làng Hà Thượng” của ông là những ghi chép cận cảnh và thú vị về tính cách con người Hà tiền bối cũng như những giai thọai quý báu mà chắc hẳn sau này những người viết văn học sử không thể bỏ qua.

Trang T.Vấn & Bạn Hữu chân thành cám ơn sự cống hiến hết lòng của quý văn thi hữu. Chuyên đề tưởng niệm cố thi sĩ Hà Thượng Nhân sẽ rất vui mừng được tiếp tục đón nhận những đóng góp của mọi người, mọi giới để hành trang của người làng Hà Thượng được nặng thêm những yêu thương, nuối tiếc, dù có phải vì thế mà ngày về quê cũ của ông có chậm lại đôi ba khỏanh sát na.

Cũng nhân đây, T.Vấn và các bạn hữu xin kính gởi tới gia đình cụ Hà Thượng Nhân lời chia buồn trước sự mất mát không thể tránh khỏi này. Cầu nguyện linh hồn Phê-rô sớm được ơn Thánh Chúa.

Trân trọng,

T.Vấn & Bạn Hữu

Ngày 14 tháng 10 năm 2011

Chú thích: Chúng tôi vừa nhận được bài viết của nhà thơ Như Hoa “Tưởng Nhớ nhà thơ Hà Thượng Nhân” cho chuyên đề Tưởng Niệm Hà Thượng Nhân. Xin chân thành cám ơn nhà thơ Như Hoa của Hội Thơ tài Tử Việt Nam và trân trọng giới thiệu bài viết đến bạn đọc. TV&BH

©T.Vấn 2011

Bài Mới Nhất
Search