T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không : Tác Giả Tác Phẩm – Hà Thượng Nhân

Tên thật: Phạm Xuân Ninh. Bút hiệu khác : Ðông Phương Sóc. Nguyên danh Hoàng Sĩ Trinh.

Sinh năm 1922, tại Hà Thượng, Thanh Hóa. Ðịnh cư tại California từ 1990.

Mất ngày 11.10.2011 tại San Jose, California.

Tác phẩm :

Bên trời lận đận ; Thơ Hà Thượng Nhân.

Mục Lục :

Hà Thượng Nhân Tự Thuật

Viết về Hà Thượng Nhân : Hà Thượng Nhân, bảy bước thành thơ – Viên Linh -; Hà Thượng Nhân – Nhất Tuấn; Chuyện người Hà Thượng – Nhật Thịnh.

Đọc thơ Hà Thượng Nhân

 

 

Tự thuật

Hà Thượng Nhân

 

I

Muốn biết Xuân Ninh người thế nào?

Áo nâu, quần vải, khinh vương hầu.

Sông Trà diệu vợi thuyền Tô Tử,

Ðất Bắc ngang tàng đấng trượng phu.

Mải một nước cờ đêm gió mát, …

Ðùa ba tiệc rượu sáng trăng Thu.

Uống xong ngoảnh lại nhìn ai hỏi:

Ðời phụ ta chăng thế Vũ Hầu? *

II

Mà có tiên cho! Có tục cho!

Vườn đào ngõ trúc lối quanh co.

Bạc tiền, cung điện, khôn câu thúc,

Trăng gió, giang hồ chỉ tự do.

Lúc hứng nhớ cuồng dăm đứa bạn,

Khi buồn ngâm láo mấy câu thơ.

A ha! Ðường thế thênh thanh rộng,

Cửa động Thiên Thai hé đợi chờ.

 

Hà Thượng Nhân, bảy bước nên thơ

Viên Linh

Hà Thượng Nhân là tên gọi phổ thông nhất của một nhân vật có nhiều danh tính truyền tụng, song điều ấy không lạ trong một đất nước chiến tranh chia cắt suốt hai mươi năm; và trước đó mười năm nữa, từ Liên Khu Tư qua vùng Tề, ngược đường kháng chiến 45 tới Hà Nội hồi cư, rồi từ Hà Nội vào Miền Nam, cuộc đời ông trải qua vô số những thăng trầm, chứng kiến những đổ vỡ và xây dựng ngay ở trung tâm, để thấy rằng “Ðền đài miếu vũ ba trò hão.” (Tự Thuật).

Dáng người thẳng băng, lưng dài vai rộng, giọng ông lớn, tiếng ông khỏe, ý kiến ông đưa ra thường là độc lập, dứt khoát, không ở cái khoảng nửa tối nửa sáng bao giờ. Ông tham dự vào nhiều vận động khởi đầu của nhiều công tác văn hóa, hay văn hóa chính trị. Khi trẻ thì dạy học trường Dũng Lạc ở Hà Nội, rồi dạy trường đạo Vinh Sơn của Linh Mục Mai, hình như ở Bắc Ninh. Trong kháng chiến bị trưng dụng dạy Trường Thiếu Sinh Quân ở Liên Khu Tư, học trò sau này được biết đến là những Nguyễn Văn Ngân, (phụ tá Tổng Thống Thiệu), nhà thơ Phùng Quán, nhạc sĩ Y Vân,… và tham dự Ðại Hội Văn Hóa Văn Nghệ ở Thanh Hóa với Hữu Loan, Trương Tửu, thời Tướng Nguyễn Sơn làm tư lệnh Quân Khu. Ông cũng góp phần rất nhiều trong sự thành lập các cơ cấu chiến tranh chính trị của miền Nam, khi “Nha” Chiến Tranh Tâm Lý mới vỏn vẹn chỉ có 16 (mười sáu) nhân mạng.

Thời Ðệ Nhất Cộng Hòa, khoảng 1963, ông làm giám đốc Ðài Phát Thanh Quốc Gia. Trong sinh hoạt văn hóa miền Nam, ông được Phủ Quốc Vụ Khanh Văn Hóa mời làm giám khảo bộ môn Thơ của Giải Văn Học Nghệ Thuật Toàn Quốc, cùng với các thi sĩ như Vũ Hoàng Chương, Cao Tiêu, Nguyên Sa, Thanh Tâm Tuyền. Khoảng 1969, khi người viết bài này đang làm thư ký tòa soạn nhật báo Tiền Tuyến của QLVNCH – thì nghe tin Thiếu tá Chủ nhiệm Lê Ðình Thạch sắp được thay thế, tân chủ nhiệm là thiếu tá, sau Trung Tá Phạm Xuân Ninh, nhưng cái tên ấy chỉ thấy trên giấy tờ, người ta quen gọi ông là Hà Thượng Nhân, hay Hà Chưởng Môn hơn. Tôi được làm việc với ông cho tới 1972; thời gian không nhiều nhưng cũng không ít, để biết nhiều hơn về ông.

Trong năm 1971, khi ông và chủ bút cùng đi công du các nước Á Châu, người qua Ðại Hàn, người tới Ðài Loan, tôi nhận được sự vụ lệnh làm quyền chủ nhiệm, kiêm quyền chủ bút Tiền Tuyến, thay hai ông trong khoảng hơn hai tuần lễ. Bộ Biên Tập cơ hữu lúc đó phần lớn là bạn văn, như Ðại Úy Dzư Văn Tâm (Thanh Tâm Tuyền), Huy Vân, Hoài Ðiệp Tử… và hai dàn chữ typo hơn 30 thợ sắp chữ, các anh hùng hảo hán của giang sơn các “nhà chữ,” rất dữ dội của thế giới in ấn Sài Gòn.

Nhà thơ Hà Thượng Nhân tên thật là Hoàng Trinh, cũng có nơi viết là Nguyễn Sỹ Trinh, người làng Hà Thượng, huyện Hậu Lộc tỉnh Thanh Hóa, bạn học thuở thiếu thời của Hữu Loan, tuy nhà thơ này người huyện Nga Sơn cạnh đó, và lớn hơn ông vài tuổi. Hữu Loan cũng dạy Trường Thiếu Sinh Quân với ông. Ông sinh năm 1920, trưởng thành đi kháng chiến, làm thơ, đi dạy, mãi 1952 mới trở lại vùng Tề (vùng do Quốc gia và Pháp kiểm soát). Lúc ở Hà Nội ông đã có một bài thơ chữ Nho nổi tiếng, được Giám đốc Nha Học Chính Bắc Việt là Phạm Xuân Ðộ mời đến văn phòng, khen giỏi, và cho biết “Thủ tướng (Nguyễn Văn Tâm, tức nhà thơ Chính Ðạo) khen lắm đó.” Phạm Xuân Ðộ là cậu của một người bạn ông, nhân đó Hoàng Trinh than rằng vừa về Tề, chưa làm sao xin được thẻ căn cước vùng Quốc Gia. Thấy thế, ông Phạm Xuân Ðộ dẫn nhà thơ đến Sở Công An Hà Nội, nhận là con nuôi, và đặt tên là Phạm Xuân Ninh.

Năm 1954, Phạm Xuân Ninh di cư vào Sài Gòn, được trưng dụng nhập ngũ với cấp bậc đại úy đồng hóa. Ngay khi được phong cấp bậc, ông soạn thảo một tài liệu gọi là Sơ Thảo Lý Thuyết Chiến Tranh Chính Trị. Ông không ký tên thật, mà ký là Hà Thanh, vì thế, sau này, dân Chiến Tranh Chính Trị gọi ông là “Hà Chưởng Môn.” Khi được thành lập, Nha Chiến Tranh Tâm Lý đầu tiên chỉ có mười sáu người, do ông Tạ Văn Nho làm giám đốc. Năm 1957 ông được thăng cấp thiếu tá. Lúc ấy Phạm Xuân Ninh là chánh sở Kỹ Thuật của Cục Tâm Lý Chiến do Trung Tá Nguyễn Văn Châu làm cục trưởng, phụ tá có các ông Lê Ðình Thạch và nhà văn Nguyễn Ái Lữ.

Phần lớn những điều viết ở trên tôi đã tìm thấy trong bản tốc ký ghi chép bằng bút chì trong cuốn lịch để bàn, ngày 8 tháng 10, 2001, qua cuộc nói chuyện điện thoại viễn liên với nhà thơ Hà Thượng Nhân. Ông đã kể với tôi nhiều điều khi được hỏi; nay viết lại, thế nào cũng có những sai sót. (“Ðến như trời đất cũng sai lầm,” Hà Thượng Nhân, Cũng Phù Vân!) Một điều đáng kể Hà Chưởng Môn nói, tôi đã ghi lại: Ông hay đọc cho người khác chép, chứ không tự tay viết. Ông hay đi dự các hội nghị quốc tế nên có khi làm cả mười bài thơ trước – có lần làm đến 24 bài – để ở nhà báo đăng dần, (“Sớm còn tuyết trắng trời Âu, Chiều thôi nắng cháy địa đầu Nam Phi.” HTN, Bài 5, Bên Trời Lận Ðận.)

Từ thời niên thiếu, chàng Hoàng Trinh đã nổi tiếng là “bảy bước nên thơ.” Chàng tự hào mình không thua gì Tào Thực. Chính chàng kể: “Cách đây (1989) gần sáu chục năm (tức là thập niên ’30), tôi có dịp diện kiến Kỉnh Chỉ tiên sinh. Tôi nhớ lần đó tôi đi theo các bậc đàn anh đến họp tại nhà cụ Ưng Bình ở Vĩ Dạ (Huế), một đêm rằm Trung Thu. Ði theo chứ không phải được mời. Vì vậy tôi phải nói là đi “ké” mới thật là đúng. Ðêm ấy cụ Ưng Bình ra đề tài là Trăng Thu, nhưng trong bài thơ tuyệt đối không được có chữ Trăng và chữ Thu. Tuy chỉ đứng xớ rớ ở cửa, tôi cũng viết và cũng nộp bài như những bậc đàn anh của mình. Không ngờ bài thơ của tôi trúng giải. Khi xướng danh, cụ Ưng Bình và các cụ nhìn xuống thấy một anh học trò tóc cắt ngắn, mặc áo dài thâm khép nép đi lên. Người liền đọc đùa hai câu thơ:

Trăm mặt thẹn thua chàng tuổi trẻ,

Một bài cũng đủ gọi Thi-ông.

“Tôi là thanh niên mới lớn nên không biết đủ lễ độ, vội đáp ngay:

Bảy bước dám thua Tào Thực* trước,

Một lời xin gởi tạ tôn ông.

“Cụ Ưng Bình cười và khen là ‘Chân thiếu niên thi sĩ.’

“Lúc đi qua chỗ cụ Kỉnh Chỉ ngồi, cụ vẫy tôi lại và bảo: ‘Không chịu thua Tào Thực à?

Tào Thực thất bộ thành thi, cháu một bước thành thơ, không thua cũng phải. Nhưng cháu ạ, chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài…’ Tôi biết cụ có ý răn dạy và lui ra.”

* Nguyên văn bài thơ Trung Thu của “Tào Thực Việt Nam” như sau:

Sương mỏng manh canh, vắng lặng tờ

Buồn xưa náo động mấy vần thơ.

Rưng rưng mắt lệ chàng mong nhớ

Phơi phới mây xa thiếp hững hờ.

Bến quạnh, lau già người chểnh mảng,

Rượu tàn, canh vắng khách bơ vơ.

Lầu cao ai đó nâng rèm trúc,

Hồn lẻ đêm nay có thẫn thờ.*

Hà Thượng Nhân trước sau là một thi sĩ. Ông làm thơ loại biếm chích các thói hư tật xấu của quan lại, trí thức rởm, trọc phú gian thương kiểu “đàn ngang cung” rất nhiều, nhưng những bài thơ tình cảm, gần thiên nhiên, yêu con người, tin tưởng nồng nàn vào nhân tính, cái đẹp, điều thiện cũng không phải là ít, (“Tóc bù, mắt sáng lũ ta, Niềm tin hừng hực bao la đất trời.” Bài 6, BTLD). Bên trời lận đận là mấy chữ trong bài thơ dài Tỳ Bà Hành của Bạch Cư Dị (772-846), “Cùng một lứa bên trời lận đận,” Hà Thượng Nhân dùng làm nhan đề tập thơ của mình, làm trong nhiều giai đoạn: bốn năm ở tù cho tới 1979, và sau đó, những năm bị biệt giam tiếp theo tàn khốc hơn, phi nhân hơn, khiến giọng thơ của ông trở nên phẫn nộ hơn: “Tập 1 có chín bài, tôi viết khi chưa bị biệt giam. Lời thơ vì thế còn tương đối hiền lành. Khởi sự viết Tập 2 thì tôi bị biệt giam. Lời thơ do đó đau buồn và đầy uất hận.” (Trong lời dẫn).

Hà Thượng Nhân hơn người ở tài năng thi phú, bảy bước thành thơ, ông làm thể thơ nào cũng hay, cũng điêu luyện. Hà Thượng Nhân là thi sĩ làm thơ theo đạo người quân tử, như đời sống của ông cho thấy. Ông có thể nghiêm khắc với người đồng tuế, nhưng rất bao dung với các lớp sau. Ông lại rất phóng khoáng, vượt ra ngoài khuôn khổ của giáo điều, cốt đạt tới cái đẹp cái thiện cái thật, kể cả cái thực dụng: làm sao cho được việc, miễn không ra ngoài cái phải đạo. (…”chỉ cốt sao đừng tục.” Tự Thuật).

Một thi sĩ như thế thật hiếm hoi trong thời chiến địa phân tranh và ý thức phân tranh của Việt Nam cuối thế kỷ XX, và sang tới đầu thế kỷ này. Ông hẳn cũng cảm thấy cái lẻ loi, đôi khi lạc lõng của mình, và có lúc băn khoăn, đem cái băn khoăn hỏi người đồng điệu:

Muốn hú vía hỏi thăm người cổ,

Ta là Ai? Ai đó là ta?

Canh khuya vẳng tiếng tỳ bà,

Mênh mông dằng dặc bao la đất trời

Ðịnh mở miệng nghẹn lời chẳng nói,

Nói với ai? Bụng đói tay run.

Hỡi ơi! Mực cạn, bút cùn,

Văn chương nếu rẻ như bùn đã may!
Vốn chẳng sợ chất cay vị đắng,

Thì nắng mưa, mưa nắng sự thường.

Ông làm nổi giá Thịnh Ðường,

Liệu tôi góp với văn chương được gì?

(Bên Trời Lận Ðận, bài 5)

Người viết bài này, tin rằng văn chương rất quí giá, rất mắc mỏ, nhà thơ Hà Thượng Nhân đã góp vào Văn Chương Miền Nam, từ những ngày dựng nước Cộng Hòa đầu tiên, 1954, cho tới khi vận hạn, những ngày lưu vong, một nền móng nào đó không bao giờ sụp đổ, trong có chân đạo, thiện đạo, đạo về cái đẹp, những cái “bất năng,” và đạo bằng hữu ở đời, như ông không bao giờ quên trong Cải Cách Ruộng Ðất, cha mẹ ông bị cộng sản đấu tố, đêm khuya Hữu Loan bạn ông đã ôm một mo cơm khoai tới thăm hai cụ. Bằng hữu trong thơ ông, bằng hữu xung quanh ông, là nét đặc sắc ai cũng có thể thấy. “Náo thị, u lâm mạc luận, Cổ kim cao hữu năng tầm,” như Hữu Loan từng viết; (Chợ ồn rừng sâu chẳng kể, Xưa rày bạn quí tìm nhau. VL dịch.) Từ bằng hữu, thơ ông lên mây, từ bằng hữu thơ ông vào rừng, từ bằng hữu, thơ ông lưu vong.

Chú thích và Thư mục:

* Góp một vài lời, Hà Thượng Nhân, in trong Thơ Kỉnh Chỉ, (tr 19-20) do gia đình Bác Sĩ Kỉnh Chỉ Phan Văn Hy xuất bản chục năm sau húy nhật 100 năm của Phan tiên sinh (1989).

*Tào Thực (192-232), nhà thơ Trung Hoa, con Tào Tháo, nổi tiếng làm thơ nhanh, rất đặc sắc về thể thơ ngũ ngôn.

-Bài này được viết trong khi tác giả có quanh mình một số sách báo cũ, hoặc xem qua, hoặc đọc qua, hoặc có trích dẫn:

-Nói chuyện Ðiện thoại với Hà Thượng Nhân, Viên Linh, Sổ Tay, 10.2001.

-Bên Trời Lận Ðận, Hà Thượng Nhân, ba ấn bản 1992, 1996, 2007, Seal Printing, Bốn Phương.

-Thơ Kỉnh Chỉ, gia đình BS Phan Văn Hy xuất bản, Hoa Kỳ, khoảng năm 2000.

-Thi Nhân Việt Nam Hiện Ðại, Phạm Thanh, Khai Trí, 1960.

-50 Năm Thơ & Người Thơ, Dương Huệ Anh, Thụy Cầm, Phương Ðông, 2007.

-Một Phía Trời Thơ, Thi Ðàn Lạc Việt, 1995.

-Lưu Dân Thi Thoại, Diên Nghị, Song Nhị, Cội Nguồn, 2003.

-Emails, Ðông Anh, 2008.

-Emails, Trường Giang, 2008.

Viên Linh

Khởi Hành Năm thứ xiii, số 146,

Tháng 12.08. Midway City, CA.

 

 

Hà Thượng Nhân

Nhất Tuấn

Khoảng tháng Sáu năm 1973, nhân buổi họp mặt văn nghệ tại tòa soạn nhật báo Tiền Tuyến, tọa lạc tại số 2bis đường Hồng Thập Tự, Sài Gòn, có chiến hữu hỏi ký giả Lô Răng Phan Lạc Phúc, Chủ bút báo này về vị Chủ nhiệm Hà Thượng Nhân – Hà Thượng Nhân tên thật hay bút hiệu? Và ý nghĩa như thế nào? Ký giả Lô Răng cười đáp: Hà Thượng Nhân là bút hiệu, là con nguời của làng Hà Thượng. Thế thôi.
Người làng Hà Thượng được động viên vào Quân Đội Quốc Gia (*) những năm đầu thập niên 1950, khi ông từ “Vùng Kháng chiến” trở về Hà Nội, di cư vào Nam, bởi ông đã sớm nhận chân được chủ trương, đường lối của đảng Lao Động (tiền thân đảng Cộng sản) Việt Nam, ngày càng lộ rõ chân tướng chư hầu, tay sai của Cộng Sản Quốc tế. Thành phần, giai cấp tiểu tư sản như ông, sớm muộn cũng bị loại bỏ, thanh trừng:

Nói nhân nghĩa chẳng qua lừa bịp
Nói hy sinh có dịp giàu to
Chết vì một chữ Tự do
Là thôi! Lỡ cả chuyến đò hoa niên.

Vào Quân đội, cấp bậc Đại Úy, làm việc tại Nha Chiến Tranh Tâm Lý, Năm 1957 lên Thiếu tá, giữ chức Phụ Tá Phòng 5 Bộ Tổng Tham Mưu tại Sài Gòn. Ông chứng tỏ là mẫu người giàu kinh nghiệm về công tác Văn Hóa, tâm lý; đồng thời cùng là một người yêu thích thi ca. Có điều lạ, ông không bao giờ chạy thơ ông trên mặt báo, dù là báo nhà. Theo lời yêu cầu của nhà báo Như Phong, ông nhận phụ trách mục “Đàn Ngang Cung” trên nhật báo Tự Do. Năm 1958 ông phụ trách thêm mục “Những Điều Trông Thấy”, viết hàng ngày trên báo Ngôn Luận dưới bút hiệu Nam Phương Sóc.
Những bài thơ trào lộng đều đặn trong mục này đã nói lên nhiều điều, nhiều vẻ về những con nguời quyền chức, về những hiện tượng “khó coi” trong xã hội miền Nam thời bấy giờ. Vừa nhận diện, điểm mặt, vừa xây dựng từ “thói hư tật xấu” chuyển hóa thành cái lành mạnh, cái tốt đẹp cho chế độ chính trị và cuộc sống của quần chúng miền Nam.

Thơ ông viết với số lượng đáng kể, đủ thể loại dành cho sinh hoạt thi đàn, cho bạn hữu thưởng thức, cho những trao đổi, đàm đạo… Ông sở trường và rất yêu thích xướng họa thơ. Ông rất nhạy cảm chữ nghĩa, “xuất khẩu thành thơ” mà người xưa từng trân trọng khả năng này. Giới thi nhân quý trọng và cảm mến thi tài Hà Thượng Nhân, khi ông thể hiện những bài thơ ông làm tức thời trước một số bạn hữu hiện diện với đầy đủ tên gọi mỗi người và ý nghĩa của nó.
Hình như ông làm thơ đúng với nhận định “cuộc đối thoại giữa nhà thơ với cõi đời” thầm lặng, sâu kín hơn là in thơ thành sách, phổ biến trên thị trường văn chương chữ nghĩa. Chúng tôi nghĩ rằng, giá như ông làm thơ trước năm 1945, tên tuổi và thơ ông sẽ ngang tầm với Xuân Diệu, Huy Cận, Lưu Trọng Lư… Và có lẽ ông còn đứng trên một số nhà thơ tiền chiến khác trong “Thi Nhân Việt Nam” của Hoài Thanh, Hoài Chân.
Đọc một số thơ Ông trước năm 1975, so chiếu thơ ông ngày nay tại hải ngoại, dáng dấp, giọng điệu thơ ít thay đổi, vẫn là dòng cảm xúc tinh tế, mượt mà, trẻ trung, ấn tượng trong các thể loại truyền thống chân phương.
Bản tính vốn hiền hòa, đôn hậu, khiêm tốn, ông hòa nhập xuôi dòng tư tưởng Lão Trang, một phong cách sống an nhiên giữa trần lụy đầy bon chen, phức thành họa:

Sống chỉ lấy cái tâm làm trọng
Gửi ngàn sau mấy giọng tiêu tao
Cuộc đời thế chẳng đẹp sao?
Lựa là cứ phải anh hào thần tiên
Chẳng cầu cạnh, chẳng ưu phiền
Miễn sao lòng cứ an nhiên là mừng.
(Không Đề)

Qua lăng kính nhiều mặt của thi nhân, quan niệm tình yêu phải là tình yêu rộng lớn, không biên cương, và một khi tình yêu đượcc khắc chạm vào thi ca nghệ thuật, tình yêu càng bất tử:

Ta có một tình yêu
Bao la như trời đất
Ta viết vào trang thơ
Tình yêu ta không mất
(Tình Yêu)

Nội hàm chí thiết, đồng thời cũng là nhu cầu hòa cảm, kiếm tìm hạnh phúc giữa đời thường, tình bạn tạo động lực liên kết chuyển đổi tâm tư tình cảm, chắp cánh cho ý sống vươn lên:

Ta từ có bạn đến giờ
Lời thơ lại bỗng bất ngờ thành vui

Khi đã coi thường danh vọng phù phiếm, quyền lợi nhất thời, ông càng gần gũi đồng đội, bạn bè giữa vòng vây tù ngục cải tạo. Trung tá Hà Thượng Nhân thường nói với những ai dễ yếu lòng, sợ hãi bạo lực của kẻ thù rằng:”Nếu không có phong ba – Thì cây lớn và cỏ hèn cũng vậy”. Phải biết chịu đựng khổ đau, thử thách, đó chính là sự tôi luyện nhân cách để vươn lên phí trước ngày mai:

Nếu như không đau khổ
Làm sao biết căm hờn
Càng muôn trùng sóng gió
Tay chèo càng vững hơn

Đêm âm u của vũ trụ, nhân sinh quan lạc quan – bó đuốc thắp sáng của niềm tin – tín hiệu cùng tồn tại bền bỉ ý thức tự do của con người:

Chúng ta cùng có nhau
Nhìn nhau vui hớn hở
Trên luống cày khổ đau
Hoa Tự do vẫn nở
Những mái đầu cất cao
Không một lời than thở
(Thắp Sáng Muôn Vì Sao)

Nhà thơ Hà Thượng Nhân đã ngẩng cao đầu khi ra khỏi trại tù cải tạo trên đất Bắc, rồi cùng với bạn bè, đồng đội lần lượt đến quê hương mới tỵ nạn, thấm thía, chua xót cuộc bể dâu lịch sử. Từ lục địa Hoa Kỳ mênh mông, vĩ đại, ông nhìn về thủ đô Sài Gòn ngày cũ mà cảm nhận như xa xôi diệu vợi hơn cả từ trái đất đến mặt trăng, cũng chỉ vì khoảng cách chia của hệ tư tưởng khác biệt:

Người ta lên mặt trăng
Mặt trăng gần quá nhỉ!
Anh muốn về Sài Gòn
Sài Gòn xa đến thế!
Sài Gòn xa hơn trăng
trăng đêm đêm vẫn thấy
Lòng Anh, em thấu chăng
Thấm trên từng trang giấy.
(Nhìn Trăng)

Kinh qua hiện thực đầy biến động lịch sử, thơ ông biểu hiện lời tâm huyết của thời đại.
Phong phú ngôn ngữ, ý tưởng, thơ biểu đạt được phần sâu chính luận lý tưởng, mẫu người quân tử, đạo lý Nho giáo thanh lịch, tài hoa…

Thơ Ông tự nhiên như hơi thở – một chân khí tác dụng của sự sống con người vượt lên tầm cao trí tuệ.

Không cần thép, thơ vẫn là bó đuốc
Thơ nâng người cao sát với thần linh.

Thơ Hà Thượng Nhân đủ thể loại: Lục bát, Thất ngôn Đường thi, Ngũ ngôn, Song thất lục bát, Cổ phong trường thiên, thơ mới, thơ phá thể, Tứ tuyệt… dù ở thể loại nào thơ ông cũng điêu luyện, đặc sắc. Trong giới thơ văn người ta vẫn thường gọi ông là Hà Chưởng môn để tỏ lòng ngưỡng mộ thi tài đáng kính.

Tình ba mươi năm

Cuộc đời tan hợp có ai ngờ

Mới đó mà thành những chuyện xưa !

Tha thiết nghĩ vì chưa thấy đủ

Nhớ thương gửi mấy cũng không vừa

Câu thơ vẫn chứa bao niềm hận

Dòng nhạc còn nguyên những phiếm tơ

Em phải là em ngày tháng cũ ?

Gặp nhau lại cứ tưởng là mơ

 

Gặp nhau lại cứ tưởng là mơ

Chưa dứt làm sao nối lại tơ ?

Dâu bể nhiều phen còn thấy rộn

Thăng trầm đến thế vẫn chưa vừa

Em về có nhớ chăng ngày ấy ?

Anh há không buồn những chuyện xưa ?

Ai biết rằng đây rằng đấy nhỉ ?

Trông mong gì nữa có đâu ngờ !

 

Trông mong gì nữa có đâu ngờ !

Mái tóc đen huyền mái tóc xưa

Tâm sự viết ra nghe vẫn thiếu

Người thơ tả lại viết sao vừa

Về già cánh bướm chưa quên sắc

Ðến thác con tằm vẫn nhả tơ

Em ạ ! Tỉnh say ngày tháng cũ

Gửi cho ai nữa những cơn mơ ?

 

Gửi cho ai nữa những cơn mơ ?

Não nuột làm sao mấy tiếng tơ

Dân chủ bao lần xây chửa được

Di cư hai bận cũng là vừa

Ðàn vùi tơ lạnh rung tình cũ

Ðêm thức canh dài chép chuyện xưa

Tan hợp té ra là số mệnh

Gặp nhau thật khó có ai ngờ !

 

Gặp nhau!thật khó có ai ngờ !

Em vẫn người xưa vẫn mộng xưa

Ðất tạm bơ vơ thường khó tỉnh

 

Quê người lận đận biết đâu vừa

Thôi thì cánh bướm thì phô sắc

Lại vẫn thân tằm vẫn nhả tơ

Em có bao giờ trông trở lại

Cuộc đời nào khác những cơn mơ !

 

Cuộc đời nào khác những cơn mơ !

Tha thiết đàn ai mấy tiếng tơ

Cung bậc mang mang thương nhớ đủ

Câu ca điệp điệp ước mong vừa

Anh đâu quên đước tình khi ấy

Em vẫn đau hoài chuyện thuở xưa

Tám hướng mười phương giờ nghĩ lại

Hôm nay gặp gỡ có đâu ngờ

 

Thật chẳng làm sao có thể ngờ !

Còn đây còn những chuyện năm xưa

Khúc ca ân ái nghe chưa đủ

Tiếng hát si mê kẻ chẳng vừa

Tưởng nhớ bay về nhiều tháng cũ

Lòng riêng rung mãi những giây tơ

Còn gì ? Còn chút duyên năm cũ

Chưa hẳn đời toàn những giấc mơ

 

Chưa hẳn đời toàn những giấc mơ

Trêu nhau thôi lại mấy đường tơ

Bún bò một bát ăn vừa đủ

Nước ngọt vài ly uống cũng vừa

Thêm giận, thêm hờn tình lúc trước

Ðể buồn để nhớ chuyện năm xưa

Anh còn thư gửi câu tâm sự

Lại tấm lòng son thật chẳng ngờ

 

Lại tấm lòng son thật chẳng ngờ

Cùng nhau nhắc lại chuyện xa xưa

Nếu như nhiều lúc còn như tỉnh

Thì cũng đôi khi thật cũng vừa

Em bấm cung đàn gây khúc nhạc

Anh so bản cũ não đường tơ !

Họp nhau ngồi lại chung bàn tiệc

Ðể thấy đời đâu phải giấc mơ !

 

Ðể thấy đời đâu phải giấc mơ !

Chúng ta còn mãi đoạn đường tơ

Tình yêu thuở ấy như còn thiếu

Cuộc gặp hôm nay kể cũng vừa

Nói có ích gì lòng buổi trước

Khắc làm gì nữa chuyện ngày xưa

Thôi thì hai kẻ nay đầu bạc

Mới biết thời gian thật bất ngờ.

(Hà Thượng Nhân )

Nhất Tuấn

 

CHUYỆN NGƯỜI HÀ THƯỢNG

NHẬT THỊNH

Ngày 20 tháng 7 năm 1954, ký kết Hiệp định Genève, đất nước bị chia cắt tại vĩ tuyến 17, hơn một triệu người di cư vào miền Nam, trong số đó có các văn nghệ sĩ. Tại đây, Tam Lang, Mặc Đỗ, Đinh Hùng, Mặc Thu, Như Phong cho phát hành nhật báo Tự Do, và tuần báo Văn Nghệ Tự Do. Sau tờ nhật báo Tự Do được Phạm Việt Tuyền chủ trương, mời Phạm Xuân Ninh phụ trách mục thơ trào phúng Đàn Ngang Cung, thay thế Đinh Hùng ký bút hiệu Thần Đăng. Ngoài ra Đinh Hùng còn viết dã sử tiểu thuyết ký Hoài Điệp Thứ Lang. Về viết cho báo Tự Do khi hỏi tới bút hiệu, Phạm Xuân Ninh còn ngần ngừ suy nghĩ, Phạm Việt Tuyền đề nghị là Hà Thượng Nhân, tức người làng Hà Thượng, đây là nơi sinh quán của nhà thơ. Khi phụ trách mục thơ trào phúng của báo Ngôn Luận, Hà Thượng Nhân ký bút hiệu Đông Phương Sóc. Hai tờ nhật báo cùng một đề mục, viết đều đặn mỗi ngày, số lượng thơ tính ra trên 5000 bài thơ.

Tuy nhiên trong giới văn nghệ sĩ, Hà Thượng Nhân thường được gọi bằng cái tên thật thân thương, nghe tưởng như đứng đầu một môn phái võ lâm“Hà Chưởng Môn”. Mỗi khi nhắc tới cái tên này, không mấy ai trong nước từ ngày chưa thay tên đổi chủ, nay ra hải ngoại sống đời lưu vong, không tránh khỏi khơi dậy nơi tiềm thức một“con người” ít ra đã thấy đâu đây một lần, có một ấn tượng để trân trọng. Một con người, nếu người Đông phương hằng nâng chữ “sĩ”cao quý lên hàng đầu, vời vợi nét thanh cao, người ta đã phảng phất thấy hình ảnh đó nơi bản chất Hà Thượng Nhân. Một con người hễ ai đã tới khó mà dời, ai đã quen khó mà dứt, Hà Thượng Nhân như vậy, nhưng có những người tuổi đời chưa mấy cao, bề dày văn học chưa có sâu, hào quang chưa thật sáng tỏ đã len lén tìm mọi cách lui tới bên, hầu tỏ ra có một sự liên hệ thân thiết, chẳng qua muốn tự mình“tô son chát phấn”, biết thế Hà Thượng Nhân vẫn thản nhiên như không xảy ra một hiện tượng gì, tựa hồ một nhà nho vui thú bên hồ sen, dậu trúc, nhàn tản thơ phú. Không cảm thấy gì để phải “di lụy phiền toái”. Có hiểu thế mới không ngỡ ngàng thấy có những lời tựa sách, hay những khi phê bình thơ của những tay ngang, Hà Thượng Nhân có những phát biểu gây xao động, nên trong một số trường hợp, Hà Thượng Nhân đã ít nhiều bị ngộ nhận, bị phản ứng ngược, tuy nhiên làm sao tránh được các chướng ngại đó khi xã hội còn có vương vãi các phần tử háo danh. Chẳng qua đôi khi Hà Thượng Nhân bị dồn vào thế chẳng đặng đừng, vả chăng người Đông phương vốn có lối sống trầm lặng, hiền hòa, không thích ồn ào, tranh cãi những vấn đề đâu đâu không trúng đáp số của một bài toán đố, gây phiền phức, thành thử những gì khi được biểu hiện chớ vội nghĩ nó thuộc thể xác định của ngữ pháp, lắm khi nó đảo ngược 180 độ của chiều kim đồng hồ.
Những khi trà dư tửu hậu, câu chuyện văn chương diễn ra, Hà Thượng Nhân không muốn đề cao ai một cách vô lý hay bênh vực cho mình, lẽ phải trước hết. Bây giờ thì thiếu chi những nghịch cảnh này, nhắm mắt đẩy nhau lên, độc những “chướng tai gai mắt”. Trong trường văn trận bút, riêng bộ môn thi ca, Hà Thượng Nhân quan niệm:“Người phê bình thơ không nên có thái độ kiểu mặc áo thụng vái nhau.” Dư luận cho hay trong một buổi nọ, Hà Thượng Nhân đã kể chuyện với một nhà văn về trường hợp một nhà thơ nữ kia đem tập bản thảo đến nhờ viết tựa:”Cô ấy nhờ tôi viết tựa cho tập thơ ấy, nhưng tôi thoái thác, vì mình nhắm mắt viết các lời khen thì không được, mà phê bình trung thực thật khó vô cùng, nên tôi lấy cớ bây giờ tuổi già không còn tinh thần để đọc nhiều nữa.” Phải công nhận Hà Thượng Nhân trực tính, không những ngoài trường đời mà ngay cả khi bị cộng sản bắt đi tù. Tại trại tù Z30C, Hàm Tân, Thuận Hải, một cán binh thấy Hà Thượng Nhân bị say nắng, xây xẩm người, ngừng tay cuốc chui vào bụi cây nghỉ trong chốc lát, đã chạy ngay đến nơi quát tháo, nào chây lười lao động, quen thói ngồi không, ăn bám, trước đây chỉ biết ăn bơ thừa sữa cặn của đế quốc, nay làm việc vậy, chỉ có bốc phân mà ăn. Hà Thượng Nhân im nghe tên cán binh mạt sát cho chán, hết chuyện nọ tới chuyện kia, dây cà dây muống, khi hết thuyết giảng, mới nói:
-Cán bộ nói xong, bây giờ cho phép tôi thưa vài lời. Cán bộ có đồng ý để tôi trao đổi trên tinh thần cởi mở không?
-Được, cho phép, nhưng yêu cầu nghiêm túc.
-Nhìn khuôn mặt non choẹt, tôi đoán cán bộ chỉ vào hàng con cháu tôi. Còn nhìn chữ viết tôi đoán cán bộ là anh học trò lớp bảy, lớp tám là cùng. Trong khi ngoài đời học trò của tôi có người là giáo sư đại học, người tướng lãnh. Tướng Nguyễn Sơn của chế độ hiện nay cũng là học trò của tôi. Tôi đã xuất ngoại nhiều lần, nhiều nước để thuyết trình về văn hóa nước nhà, cán bộ bất quá lẩn quẩn trong thôn xóm, quen cái cầy, cái cuốc, nếu có nhiều lắm, cán bộ chỉ vượt Trường Sơn đi từ Bắc vào Nam là cùng. Cha ông ta nói đi một đàng học một sàng khôn, tôi đi xa cả ngàn lần thế mà cán bộ đòi giáo dục tôi, hỏi giáo dục cái gì ? Tôi thuộc hàng trí thức, được đào tạo để làm công việc bằng chất xám. Hãy thử giao cho tôi công việc đó, tôi sẽ không thua bất cứ một lãnh đạo nào của cán bộ kể cả Tố Hữu.
Cán bộ tức quá chặn lại:
-A, anh này láo thật Anh là cái thứ gì mà dám so sánh với phó thủ tướng.
-Muốn biết tôi là ai, cán bộ đi hỏi Tố Hữu khắc biết. Tôi và Tố Hữu từng một thời là bạn thơ. Ngay Tố Hữu còn chưa dám giáo dục tôi huống chi cái thứ cán bộ cắc ké. Chẳng qua cán bộ là kẻ chiến thắng, có súng trong tay, bắt tôi nói con chó là con bò, tôi vẫn phải nói theo thôi. Nhưng thâm tâm tôi không thể coi con chó như thứ gì khác được. Cho nên những điều cán bộ giáo dục khiến tâm tôi không phục mà khẩu cũng bất phục luôn. Trí thức con người không cho cho tôi tin theo mù quáng.
Tên cán bộ hết chịu đựng nổi, quát lớn:
-Anh tên ngụy cực kỳ phản động, bước ra hiên trường lao động, tối về viết tờ kiểm điểm nạp cho tôi ngày mai.
Dù cho cay cú vì bị Hà Thượng Nhân chửi khéo nhưng trót hứa nên tên cán bộ đành ngậm đắng nuốt cay. Kết quả Hà Thượng Nhân bị phê bình kiểm điểm nhiều tối liền trong đội, trước khi đưa ra toàn trại tuyên phạt 30 ngày biệt giam. Ngoài hình phạt cùm kẹp, đến tiêu chuẩn khẩu phần còn bị cắt giảm thê thảm, cộng sản tính dùng vật chất để áp đảo tinh thần. Hết thời hạn biệt giam, Hà Thượng Nhân không nao núng tinh thần, nhưng vì bị cùm lâu ngày, chân yếu không thể ra ngoài lao động được. Trại bố trí Hà Thượng Nhân vào công tác y tế, giữ vệ sinh trong phòng ăn tập thể bằng cách cầm cái quạt mo cau đập ruồi cho hàng chục dãy bàn dài đặt sẵn cơm và thức ăn. Tức cảnh sinh tình Hà Thượng Nhân làm ngay bài thơ:

Tại sao cách mạng lại thành công?
Lao động vinh quang có biết không?
Vì bước suy tư dài vĩ đại,
Nên khâu y tế rộng vô cùng.
Phát huy truyền thống thời trung cổ,
Khẳng định tài năng thuyết đại đồng.
Cái mặt đập ruồi nay đã mạnh,
Mà sao ruồi bọ vẫn còn đông

Hà Thượng Nhân viết đủ thể loại, thơ lên đến con số hàng ngàn bài, tỏa ngát hương thơm, ai thích ghi chép lưu giữ, không quan tâm vấn đề xuất bản, dù  có nhiều mạnh thường quân đề nghị bảo trợ tài chính. Mãi năm 2010 ái nữ Phạm Hoàng Minh Phi và một số thân hữu đứng ra thực hiện thi phẩm“Thơ Hà Thượng Nhân” coi như một quà tặng gửi Hà Thượng Nhân, sách biếu không, tiếc rằng tổ chức không được rộng rãi, bởi dễ mấy ai ở những nơi xa xôi tại hải ngoại này có thể về San Jose, California, đúng ngày ra mắt sách, 13 giờ 30 ngày Chủ nhật 19.12.2010 để hân hạnh đón nhận sách biếu. Một thiệt thòi không nhỏ cho những ai yêu thích văn học và những nhà phê bình văn học. Thà đem bán còn đến tay họ.
Bản chất Hà Thượng Nhân thế, vậy mà họa sĩ Tạ Tỵ – tên thật và là bút hiệu, sinh ngày 24.9.1922 tại Hà Nội, tốt nghiệp trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Hà Nội năm 1943, viết văn, làm thơ, qua Mỹ sống ở Nam California, nay đã qua đời – cho rằng vì Hà Thượng Nhân không muốn mất lòng ai bao giờ, nên vô tình trở thành ba phải. Điều này xét ra không hoàn toàn chính xác, có tiếp xúc với Hà Thượng Nhân mới thấy trong nhiều vấn đề khi thảo luận, Hà Thượng Nhân đã bảo vệ lập trường một cách vững chắc đến cùng. Và nếu có“ba phải” chỉ là khi mạn đàm mang tính cách thù tiếp, có vấn đề nếu đem đặt lên hàng quan điểm sẽ không đi tới đâu, tổn phí công sức, thời giờ, nên Hà Thượng Nhân có thái độ muốn dẹp đi, khơi gợi nên không có ích lợi.
Tình cảm Hà Thượng Nhân tràn đầy, được lòng nhiều người nhờ cậy, vui vẻ, không thù hằn. Có giao tiếp với Hà Thượng Nhân mới thấy một con người bình dị trong ngôn từ, cử chỉ, không thích phô trương“cái ta là cái đáng ghét” (le moi est haissable) nói theo Pascal. Cho nên ít thấy ai cầm bút có trình độ hiểu biết mà cứ trở tới trở lui mãi một vấn đề đã được khai thác, bàn luận, Hà Thượng Nhân thì bởi khiêm nhường nên thường tránh né điều này.
Ngay tới Võ Phiến – hay Tràng Thiên, tên thật Đoàn Thế Nhơn sinh ngày 20.10.1925 tại Bình Định, viết phê bình, tường thuật sinh hoạt văn nghệ, dịch sách ngoại quốc, viết truyện, tạp bút, biên khảo văn học, đoạt giải Văn Chương Toàn Quốc năm 1960 với tập truyện“Mưa Đêm Cuối Năm”, hiện sống tại Nam California – đã có một sự tương giao có thể nói rất thân cận với Hà Thượng Nhân bên ngoài cuộc sống và trên trường van trận bút, nhưng trong tập “Văn Học Miền Nam Tổng Quan” khi viết về Hà Thượng Nhân, Võ Phiến chỉ sơ sài có dăm dòng, và thoảng qua đây đó một đôi chi tiết vụn vặt, thiếu một bề sâu khám phá, nghiên cứu. Bởi một lẽ dễ hiểu Hà Thượng Nhân không muốn phô bầy nhiều cái tôi cho ai thấy. Ngược lại, có những người sau cuộc biển dâu của lịch sử đất nước, mới đặt chân vào làng văn làng thơ đã được người ta nói tới mọi góc cạnh cuộc đời, một hai tác phẩm bao gồm mọi thể loại của họ được vội vàng đem ra mổ xẻ chi li từng góc cạnh lăng kính, không thiếu một chân rết trên những trang sách tạm gọi có tính cách văn học, người được viết và người giới thiệu những trang sách kia đều muốn được chấp nhận ta đây có đất đứng trong thế giới chữ nghĩa. Làm văn học nếu chỉ giới hạn chừng mức trong hạn hẹp quen biết, thiếu tìm tòi khách quan thì lịch sử văn học không thoát khỏi thiếu sót, và làm thui chột các “kỳ hoa dị thảo”.
Hà Thượng Nhân, chính thức trên giấy tờ tên Phạm Xuân Ninh, khai sinh là Hoàng Sĩ Trinh, sinh năm 1919, tại làng Hà Thượng, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa trong một gia đình nho phong. Tại đây có ba nhân tài Hữu Loan, Hà Thượng Nhân và Anh Bằng. Nhà thơ Hữu Loan sinh năm 1916, qua đời ngày 18.3.2010, nhạc sỹ Anh Bằng sinh năm 1926 tại huyện Nga Sơn, nơi nổi tiếng với nghề dệt chiếu cói và sự tích quả dưa hầu của An Tiêm. Chắc phải nói thêm về những đồi sim tím chiều hoang biền biệt. Huyện Hậu Lộc nằm ở phía nam huyện Nga Sơn, giáp ranh nhau. Hữu Loan và Anh Bằng đều có tác phẩm viết về các đồi sim hay hoa sim. Hồi đầu thập niên 1940, Hữu Loan và Hà Thượng Nhân từ Thanh Hóa ra Huế học, thi đỗ Tú Tài Pháp, về quê nhà dạy học. Do đó, người ta gọi Nguyễn Hữu Loan, Hà Thượng Nhân là Tú Loan, Tú Trinh (Phạm Xuân Ninh bút hiệu Hoàng Trinh), được trọng nể, kính phục, vì thời đó những ai có bằng Tú Tài Pháp ở địa phương rất hiếm. Hà Thượng Nhân tham gia kháng chiến chống Pháp 7 năm, trong vai trò cán bộ văn hóa. Tại Liên khu 4bị trưng dụng dạy trường Thiếu Sinh Quân ở Liên Khu 4. Năm 1950 về Hà Nội, dạy trường Dũng Lạc, Vinh Sơn, Khi Hiệp định Geneve ký kết ngày 20.7.1954, Hà Thượng Nhân bỏ vào Nam, Hữu Loan ở lại miền Bắc dính vào vụ “Nhân văn Giai phẩm”, bị án treo bút, mười mấy năm thành người đẩy xe cút-kít giữa trưa hè nắng gắt ở miền đồi núi Nga Sơn, thồ những phiến đá đẽo từ khu núi đồi quê nhà. Sau năm 1975 Hữu Loan còn vào Sài Gòn, đạp xe rong ruổi khắp nơi, đi ăn phở gánh ở mấy đường hẻm khu ngã ba Ông Tạ, nhà ga Phú Nhuận.
Vào Nam, Hà Thượng Nhân nhập ngũ. Do nhu cầu của tâm lý chiến và do thân hữu đề cử, thủ tướng Ngô Đình Diệm ký sắc lệnh đặc cách cho Hà Thượng Nhân mang cấp đại úy trừ bị. Cấp bậc này theo quy chế đồng hóa của Bộ quốc phòng. Sau Hà Thượng Nhân được đề nghị thăng cấp thiếu tá và trung tá, làm việc suốt 21 năm tại Tổng cục Chiến tranh Chính trị. Có thể nói cả cuộc đời Hà Thượng Nhân là một đời văn nghệ, vào quân đội từ cấp đại úy đến trung tá mà không hề liên quan đến quân trường, súng đạn. Làm nhật báo “Tiền Tuyến” nhưng luôn đóng chốt ở hậu phương. Hà Thượng Nhân có bài in báo năm 1936, chính thức gia nhập làng báo năm 1945. Thực sự năm 1935, khi 16 tuổi, Hà Thượng Nhân có thơ dự thi với các bậc tiền bối, bài “Trăng Thu” đoạt giải, làm náo động “Hội thơ Vỹ Dạ”:

Sương mỏng manh, canh vắng lặng tờ
Buồn xưa náo động mấy vần thơ
Rưng rưng mắt lệ chàng mong nhớ
Phơi phới mây xa thiếp hững hờ
Bến quạnh lau già người chểnh mảng
Rượu tàn canh vắng khách bơ vơ
Lầu cao ai đó mây rèm tím
Hồn lẻ đêm nay có thẫn thờ

Nguyên Trung Thu năm ấy, Hà Thượng Nhân được Nguyễn Tiến Lãng, chuyên viết Pháp văn, dọ ý có muốn tham dự hội thơ không. Hà Thượng Nhân theo Nguyễn Tiến Lãng đến biệt thự của nhà thơ Ưng Bình Thúc Giạ Thị (1877-1961) ở Vỹ Dạ, cháu nội của Tuy Lý Vương và thân sinh của nữ sĩ Tôn Nữ Hỷ Khương. Hà Thượng Nhân vì không được mời nên không có chỗ ngồi. Khách toàn hạng trung, lão niên, mặc quốc phục đeo thẻ bài. Chủ đề thơ “Trăng Thu”, nội dung tuyệt đối cấm sử dụng chữ “Trăng”, chữ “Thu”. Một tháng sau hội thơ tuyên bố kết quả, Hà Thượng Nhân trúng giải, mọi người ngạc nhiên thấy một học sinh tóc cắt ngắn lên nhận giải. Ưng Bình bèn đọc:

Trăm mặt thẹn thua chàng trẻ tuổi
Một bài cũng đủ gọi thi ông.

Hà Thượng Nhân ứng khẩu đáp:

Bảy bước dám thua Tào Thực trước
Một lời xin gửi tạ tôn ông  

Sau tham gia kháng chiến chống Pháp, năm 1952 bỏ về Hà Nội dạy học. Năm 1954, di cư vào Sài Gòn, phục vụ tại Nha Chiến Tranh Tâm Lý, chủ bút các báo Phụng Sự, Chiến Sĩ Cộng Hòa của quân đội, cuối cùng làm chủ bút nhật báo Tiền Tuyến. Trung tá Lê Đình Thạch tức Thạch Lê chủ nhiệm, Phan Lạc Phúc tức ký giả Lô Răng tổng thư ký. Sau Tết Mậu Thân 1968, Lê Đình Thạch bận điều hành Khối Kế Hoặch, Hà Thượng Nhân thay thế làm chủ nhiệm, Phan Lạc Phúc chủ bút, nhà thơ Thanh Tâm Tuyền phụ tá chủ bút. Trước khi nhận lãnh trách nhiệm mới Hà Thượng Nhân được Tổng cục Chiến tranh Chính trị dành cho một số điều kiện đặc biệt. Tất cả nhân viên báo Tiền Tuyến, kể cả ấn công, đều miễn trực gác, mặc thường phục đi làm và được chọn các binh sĩ chuyên nghiệp làm phóng viên, trong khi điều lệ ấn định phóng viên là sĩ quan.
Năm 1957, được bổ nhiệm Phụ Tá Phòng 5 Bộ Tổng Tham Mưu, chuyển sang làm việc tại Đài Phát Thanh Sài Gòn. Liên tiếp trong 10 năm từ Đệ nhất Cộng hòa Ngô Đình Diệm đến Đệ nhị Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu, Hà Thượng Nhân đều có chân trong Ban Giám khảo giải Thi ca Toàn quốc. Và đại diện Việt Nam Cộng Hòa tham dự các Hội nghị Thi ca Lưỡng niên, Văn Bút, Báo chí tại các nước Pháp, Anh, Bỉ, Hòa Lan, Brazil, Nhật Bản, Đài Loan, Đại Hàn, Phi Luật Tân…Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, Hà Thượng Nhân bị cộng sản giam tại nhiều trại “cải tạo” từ Nam ra Bắc, từ Bắc vào Nam, cuối cùng định cư tại San Jose, California năm 1990 theo chương trình HO, gia đình khá đông con và đều thành đạt. Hầu như mỗi khi chuyển trại Hà Thượng Nhân đều có một ấn dấu để lại nơi lưu đày, những bài thơ châm biếm chống cộng sản, nội dung nói lên những sự chướng tai, gai mắt của chế độ vô sản.
Hà Thượng Nhân cầm bút từ năm 1936, đã dịch các kịch phẩm Le Cid (1636) của Pierre Corneille (6.6.1606-1.10.1684), Andromaque của Racine ra thơ Việt, dịch Chinh Phụ Ngâm của Đặng Trần Côn – không rõ năm sinh và năm mất, chỉ biết sống vào khoảng nửa đầu thế kỷ 18 – theo nguyên điệu, và dịch hầu hết các bài cổ văn danh tiếng của Trung quốc gồm cả Sở TừLy Tao của Khuất Nguyên (340-278 trước công nguyên). Đã xuất bản một số tác phẩm thuộc lãnh vực nghiên cứu, ký bút hiệu Việt Hà, Hà Thanh, do Nha Chiến Tranh Tâm xuất bản: 1.Vấn đề Cải cách Ruộng đất ở miền Bắc – 2.Dự thảo Lý Thuyết Chiến Tranh Chính Trị, được Bộ Quốc Phòng dùng làm tài liệu huấn luyện ngành Chiến Tranh Chính Trị – 3.Vấn đề Đoàn kết, Một Chiến thuật nguy hiểm của cộng sản – 4.Vấn đề Chỉnh phong ở Trung Quốc. Năm 1998 xuất bản tập “Bên trời lận đận.”
Hà Thượng Nhân, bút hiệu này có từ năm 1950 do một sự tình cờ khi phụ trách mục“Đàn Ngang Cung” trên nhật báo “Tự Do” xuất bản tại Sài Gòn, ngay sau ngày dòng sông Bến Hải được dùng làm bờ ngăn hai miền Nam Bắc, bởi Hiệp định Genève ký kết ngày 20 tháng 7 năm 1954 – thực sự ngày 21 tháng 7 năm 1954 – bên kia bờ hồ Leman, nơi Võ Thành Minh cất cao tiếng sáo Trương Lương, phẫn uất bởi cảnh đất nước tang thương, đã bị cộng sản hạ sát sau biến cố ngày 30 tháng 4 năm 1975.
Thoạt đầu nhật báo“Tự Do” do Tam Lang, Như Phong, Mặc Đỗ, Đinh Hùng, Mặc Thu đứng tên, trong ban biên tập còn tập trung một số ngòi bút di cư từ miền Bắc như Vũ Khắc Khoan – tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa” giải thưởng Văn Chương Toàn Quốc năm 1958-1959 – Tchya tức Đái Đức Tuấn ký bút hiệu Mai Nguyệt, phụ trách mục phiếm luận“Nói Hay Đừng”, sau bận việc riêng bàn giao cho Nguyễn Hoạt – đã chết trong ngục tù cộng sản sau năm 1975 – ký tên Hiếu Chân, và họa sĩ Phạm Tăng hiện sống tại Pháp chuyên vẽ biếm họa rất sâu sắc và linh hoạt…
Về sau tờ “Tự Do” được Phạm Việt Tuyền – bút hiệu Thanh Tuyền, mà ít ai biết đến như tên thật, sinh ngày 15.8.1926 tại Thanh Hóa, hiện sống tại Pháp – điều khiển. Mục “Đàn Ngang Cung” chuyên chở những bài thơ châm biếm, ban đầu do Đinh Hùng phụ trách, lấy bút hiệu Thần Đăng, được một thời gian vì bận trông coi ban “Tao Đàn” của Đài Phát Thanh Sài Gòn nên ngưng. Ngoài ra, Hà Thượng Nhân còn viết cho nhiều tạp chí văn học.
Tới khi Phạm Việt Tuyền đem mục“Đàn Ngang Cung” giao cho Hà Thượng Nhân phụ trách, thoạt đầu Hà Thượng Nhân tỏ ý không muốn nhận, viện lẽ trong cả cuộc đời người không hay đùa nghịch, có một lối sống hơi nghiêm túc, nên không thể viết được thơ châm biếm. Phạm Việt Tuyền đoan chắc  Hà Thượng Nhân đảm trách được, ra sức thuyết phục, và quả nhiên Hà Thượng Nhân đã cộng tác đều trong 9 năm liền. Cũng cần biết khi bấy giờ Hà Thượng Nhân đang nằm điều dưỡng tại bệnh viện, trước tình thế đó đã phải gượng viết một số bài.
Thơ viết xong Hà Thượng Nhân lưỡng lự không biết nên để tên thật Phạm Xuân Ninh hay lấy bút hiệu Hoàng Trinh thường được ký trên nhiều bài thơ trữ tình xưa nay, bèn bỏ trống. Khởi đầu Phạm Việt Tuyền lựa một số bút hiệu nhưng Hà Thượng Nhân từ chối không chấp thuận, ra điều kiện tìm một cái tên sao cho đứng đắn. Suy đi nghĩ lại Phạm Việt Tuyền chọn bút hiệu Hà Thượng Nhân có nghĩa người làng Hà Thượng, không phải người họ Hà, tên Nhân, bởi Hà Thượng Nhân vốn quê tại làng Hà Thượng, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa.
Hà Thượng Nhân lúc đầu nghĩ chỉ tạm viết thế một ít lâu, chờ Đinh Hùng trở lại. Không ngờ Hà Thượng Nhân lâm trận đều, được nhiều người mến mộ. Năm 1967, trong dịp Tết Đinh Mùi, khi bấy giờ Nguyễn Cao Kỳ làm Chủ tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương như chức vụ Thủ Tướng, Hà Thượng Nhân cho in trong mục Đàn Ngang Cung bài thơ “Ông về ông kẻ lông mày tí chăng” tạo được nhiều thích thú trong dư luận, đoạn đầu viết:

Ông làm Thủ tướng, tôi làm thơ,
Tôi gửi cho Ông thật bất ngờ
Tuy chẳng quen đâu, nhưng chẳng lạ,
Dẫu không thân nữa, cũng không sơ.
Nếu chưa láo lếu từ khi ấy,
Sao có ngông nghênh lúc bấy giờ.
Nghe nói rằng Ông chơi được lắm,
Thử xem Ông quả có cao cờ.
Ghế Thủ tướng? Ờ ờ cái đó,
Có ra gì, mây chó mà thơi
Gặp thời cũng ghé đít ngồi,
Đeo râu, đội mũ một hồi đã sao?

Đọc xong bài thơ này, Nguyễn Cao Kỳ giao cho Trung tá Vũ Đức Vinh  tức nhà văn Huy Quang khi đó giữ chức Tổng Giám đốc Nha Vô tuyến Truyền thanh Sài Gòn đem đến biếu Hà Thượng Nhân một hộp thuốc lá mạ vàng có khắc dòng chữ viết tay của Nguyễn Cao Kỳ:“Nguyễn Cao Kỳ thân tặng nhà thơ Hà Thượng Nhân”, một cái bật lửa, một cặp bút máy, mời Hà Thượng Nhân đến chơi nhưng Hà Thượng Nhận từ chốo không nhận lời và không chịu gặp khi Nguyễn Cao Kỳ còn tại chức.
Tới tờ nhật báo“Ngôn Luận” của Hồ Anh ngỏ lời mời Hà Thượng Nhân cộng tác trong mục thơ trào phúng, kéo dài được 6 năm. Thành ra Hà Thượng Nhân bỗng dưng phải viết cho hai tờ báo một ngày. Nhưng phức tạp một điều là Hồ Anh muốn giữ cái tên Hà Thượng Nhân cho báo mình, e dùng bút hiệu khác độc giả không quen, báo không tiêu thụ được mạnh. Còn đòi hỏi Hà Thượng Nhân viết khoảng 20 câu có tính cách vui đùa về xã hội, văn hóa, châm biếm thói đời, và những mẫu người tiêu biểu những thói hư tật xấu thời bấy giờ, trái lại, báo Tự Do hạn định khoảng 40 câu về đề tài chính trị. Vậy là do tình cờ Hà Thượng Nhân phải nhận viết cho nhật báo“Ngôn Luận” , ký bút hiệu Nam Phương Sóc, có ý tự bỡn cợt trò đời.
Hà Thượng Nhân được nhiều người biết đến trong những năm đầu của nền Đệ Nhất Cộng Hòa khi sáng tác những bài thơ trào phúng ký bút hiệu Hà Thượng Nhân trên nhật báo “Tự Do” và bút hiệu Nam Phương Sóc trên báo “Ngôn Luận”, đó chẳng qua do sự ngẫu nhiên. Hà Thượng Nhân bản chất nghiêm túc, xuất thân từ một nhà giáo, phải nhập ngũ bởi tình thế nên không ưa bỡn cợt, trêu chọc ai. Không vu khống đả kích ai cho được nổi danh trên văn đàn chữ nghĩa, như một số đối tượng từng có hành động đó khi bước chân vào. Hà Thượng Nhân làm thơ trữ tình và viết nhiều trong một số lãnh vực khác.
Lối họa thơ của Hà Thượng Nhân rất mẫn tiệp, chỉ nghe dứt một bài thơ của ai là có thể phóng bút họa ngay không cần suy nghĩ. Và khi nghe Hà Thượng Nhân nói chuyện về thơ phú thì không ai có thể bỏ ngang, nói thao thao bất tuyệt, bàn luận thơ đông tây kim cổ, dẫn chứng có bài bản. Hà Thượng Nhân phát biểu hoạt bát, nhanh nhẹn những điều mà người khác phải cau mày bóp trán suy nghĩ, say sưa nói tưởng chừng quên người đối diện.
Sau năm 1963, khi chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ, hai anh em Tổng thống Ngô Đình Diệm và cố vấn Ngô Đình Nhu bị chết thê thảm sau cuộc đảo chánh của các tướng lãnh, một số nhật báo bị đóng cửa, trong đó có tờ “Tự Do” của Phạm Việt Tuyền, Hà Thượng Nhân sau một thời gian làm việc ở Bộ Quốc Phòng, được thuyên chuyển về Nha Chiến Tranh Tâm Lý, làm Chủ nhiệm báo Tiền Tuyến. Do thời cuộc có một thời gian Hà Thượng Nhân được cử giữ chức Giám đốc Đài Phát Thanh Sài Gòn. Và bởi nhu cầu chiến tranh, Nha Chiến Tranh Tâm Lý trở thành Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị, bên dưới phân chia thành các cục: Cục Tâm Lý Chiến, Cục Xã Hội, Cục An Ninh, Cục Chính Huấn và các Nha Tuyên Úy Phật Giáo, Nha Tuyên Úy Thiên Chúa Giáo và Nha Tuyên Úy Tin Lành…
Chức vụ cuối cùng của Hà Thượng Nhân là Trung tá Chiến Tranh Chính Trị khi Sài Gòn đổi tên. Thời gian làm việc tại đây Hà Thượng Nhân bởi quân vụ đã viết những bài và những tác phẩm có tính cách chính trị, mang nhiều bút hiệu khác nhau, nên nhiều khi tìm hiểu Hà Thượng Nhân không thực sự dễ dàng.
Thời gian Hà Thượng Nhân điều khiển tờ nhật báo “Tiền Tuyến”, trong tòa soạn có Phan Lạc Phúc viết phiếm luận ký bút hiệu Lô Răng, tốt nghiệp Khóa 2 Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức, đi chiến đấu bị thương ở mắt cá chân, bị cà nhắc nhẹ nhàng, khó mà phác giác. Hiện phụ trách tờ báo“Chiêu Dương” xuất bản tại Úc Châu. Nghe nói Phan Lạc Phúc sinh trưởng ở Sơn Tây cùng quê với Quang Dũng – nổi tiếng với những bài thơ phảng phất chất hoài niệm, lắng đọng pha chút hùng ca như “Tây Tiến”, “Đôi Mắt Người Sơn Tây”, “Đôi Bờ” – và trong dòng họ có nhiều người hoạt động văn học, đó là Phan Lạc Tuyên, Phan Lạc Giang Đông – sinh năm 1940, con nhà văn Phan Vọng Húc viết nhiều về văn học cổ điển trên tạp chí Bách Khoa trước đây, phục vụ ngành Chiến Tranh Chính Trị Không Quân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa – và Phan Lạc Tiếp. Đặc biệt Phan Lạc Phúc thích chơi xì phé, chứ không đánh chắn như Hà Thượng Nhân.
Chính bởi thế Hà Thượng Nhân đã bị tù đầy nghiệt ngã và dã man trong các trại tù cộng sản gọi là trại cải tạo, được thả tự do tháng tư năm 1983, sang Hoa Kỳ cuối năm 1990. Từ bỏ trại tù nhỏ hẹp – sà lim biệt giam còn chật hẹp hơn – bước chân vào nhà tù rộng lớn là xã hội cộng sản, Hà Thượng Nhân gặp trở lại Hữu Loan – tác giả bài thơ nổi tiếng “Màu Tím Hoa Sim” viết để khóc vợ bị chết đuối khi xa nhà, trong thời kỳ kháng chiến công tác văn nghệ trong bộ đội, sau giải ngũ, đi dạy học tư, tham gia nhóm“Nhân Văn Giai Phẩm” của Phan Khôi cùng những ngòi bút khác như Trần Dần, Phùng Quán, Phùng Cung, Văn Cao, Hoàng Cầm, Sĩ Ngọc, Chu Ngọc, Đào Duy Anh, Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường, Hoàng Tích Linh, Như Mai, Tạ Hữu Thiện, Trần Duy…bị cộng sản trù dập – khi này sống rất thiếu thốn và tỏ ra căm thù chế độ đương thời cực độ. Kể từ ngày định cư tại Hoa Kỳ, Hà Thượng Nhân đã nhiều lần dọn nhà theo con, nay mới có nhà riêng, hóa ra nhiều tài liệu sáng tác, chuyển ngữ không còn biết đóng ở thùng nào.
Hai năm sau, vào năm 1992, khi định cư tại San Jose, California, Hà Thượng Nhân chân còn yếu, phải chống ba-toong mỗi khi di chuyển mà xem ra vẫn không được vững vàng. Đó chẳng qua hậu quả của bệnh thấp khớp sau khi ra khỏi nhà tù cộng sản, các y sĩ cộng sản nghiệp vụ non nớt, chữa trị cẩu thả, chiếu lệ. Hà Thượng Nhân được dùng trường kỳ loại thuốc có chất cortisone, khiến các xương hầu như bị mục xốp. Khi được phép xuất ngoại qua Hoa Kỳ, Hà Thượng Nhân đã được khiêng lên máy bay. Sang tới miền đất hứa nhờ được chữa trị đúng phương cách, thuốc men đầy đủ, và hàng ngày tập theo phương pháp vật lý trị liệu, Hà Thượng Nhân đã dần dần hồi phục. Không còn phải dùng gậy.
Khi được thả về Hà Thượng Nhân ngưng cầm bút, bởi không thể sáng tác trong một môi trường không có tự do tư tưởng, không thể có văn nghệ, thi ca nếu vắng thiếu tự do, hơn thế lắm khi còn mang lụy, tuy nhiên lắm lúc nằm buồn, thời gian nhiều trống rỗng, Hà Thượng Nhân đã dịch một số văn cổ Trung Hoa. Nguyên thời đó giáo sư Trần Trọng San nay đã mất đã trao tay cho Hà Thượng Nhân quyển “Cổ Văn Quán Chỉ” đọc để giải trí bởi thời đó không mấy ai dám đọc sách ngoại ngữ – và không có mà đọc – sau vì được khuyến khích, Hà Thượng Nhân đã chuyển ngữ sang Việt ngữ. Đã có người bàn tính đem xuất bản nhưng Hà Thượng Nhân không chấp nhận, sau nhờ một cô làm ở đài BCC của Đài Bắc chuyển giúp ra ngoại quốc, dày khoảng 600-700 trang, chưa in, nay không nghe biết tình trạng ra sao. Ngoài rag, Hà Thượng Nhân đã dịch“Sở Từ” của Khuất Nguyên. Những năm sau này bởi đã phục hồi được thể lực, mắt đã mổ xong và tinh tường, Hà Thượng Nhân khởi sự cầm bút trở lại:

Người về người có nhớ không?
Mảnh trăng ngày cũ giờ trông đã gầy !

Tuy nhiên, có những bài thơ của Hà Thượng Nhân nếu gặp in nơi một tờ báo nào đó như Văn, Thời Sự, Bách Việt…nhiều khi chỉ là những bài cũ, được những bạn tù nhớ lại, đem phổ biến. Bởi vậy đôi khi bị sai lạc, không thuận lợi cho Hà Thượng Nhân. Nhiều bài được người mến mộ sưu tầm từ đâu cho in lại, Hà Thượng Nhân không còn nhớ. Ấy cũng may cho Hà Thượng Nhân không gặp trường hợp một chủ báo nào đó do bất đồng chính kiến với một tờ báo khác, lên tiếng hạch hỏi nguyên nhân cộng tác với báo ấy, vi phạm quyền tự do của người khác. Hà Thượng Nhân nhiều khi giữ thế yên lặng không muốn khơi sâu vấn đề cho phức tạp trong một xã hội vốn đã đa dạng.
Thơ Hà Thượng Nhân cầm bút từ hồi niên thiếu, viết nhiều, tới nay có ngót sáu ngàn bài thơ đủ mọi thể loại, đặc biệt các bài thơ tình cảm Hà Thượng Nhân ít khi phổ biến rộng rãi, bởi bản thân các bài thơ đó vốn đã riêng tư, Hà Thượng Nhân chỉ đọc cho những thân hữu thâm giao nghe, hoặc gửi cho họ thưởng thức, nhiều khi không còn nhớ biết từ đâu. Chẳng hạn bài“Khóc Nguyễn Du” viết hồi nào không rõ, vậy mà có người nhớ. Hỏi ra mới hay ngày đó Hà Thượng Nhân ngồi đánh chắn ở một nhà kia, bỗng tòa soạn nhật báo “Tự Do” cử người tới xin bài cho số tưởng niệm 200 năm ngày kỵ Nguyễn Du. Bị hỏi bài bất chợt Hà Thượng Nhân phải chịu mấy ván bài để lui vào nhà trong viết. Do đó cả bàn chắn tò mò muốn biết Hà Thượng Nhân viết gì và đã chia nhau chép, giữ lại bài thơ ấy, do đó đã không bị thất lạc.
Kỷ niệm sâu đậm trong nghiệp thi ca có lẽ là bài “Bên Trời Lận Đận” được viết trong trại tù cộng sản sau tháng Tư đen năm 1975. Hồi đó Hà Thượng Nhân được nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm trao cho bài “Tỳ Bà Hành” của Bạch Cư Dị nguyên văn bằng chữ Hán, nhờ dịch và giải nghĩa sang tiếng Việt. Bản này Phan Huy Vịnh đã dịch thành 88 câu. Đêm đến Hà Thượng Nhân bỗng cảm thấy buồn, nghĩ tới bài “Tỳ Bà Hành”, bèn làm bài “Bên Trời Lận Đận” hay “Đọc Tỳ Bà Hành Tâm Sự Với Bạch Lạc Thiên” cũng dài 88 câu.
Viết xong Hà Thượng Nhân thấy tâm hồn chưa thật bình lặng, còn như thiếu một cái gì, bèn viết tiếp tới 1000 câu, lấy bối cảnh xã hội đương thời làm đề tài, viết theo thể song thất lục bát mà Phan Huy Vịnh đã dùng để dịch bài “Tỳ Bà Hành”:

“Những chiều mưa gió thê lương
Nhớ vô cùng nhớ con đường vào Nam
Nhớ hè phố xanh lam tà áo
Nhớ trên tay trang báo vừa in
Quán Chùa những buổi săn tin
Vây quanh bàn nước mắt nhìn ngu ngơ”

Hà Thượng Nhân làm thơ thì nhiều, làm thơ châm biếm còn nhiều hơn, ngày hai bài cho hai báo trong nhiều năm, không nói đã mường tưởng thấy số lượng thơ cất cao thế nào. Nhiều khi do những xúc tác từ đâu đó những vần thơ được thành hình, xuất phát từ đấy mang theo trong suốt cuộc đời những kỷ niệm ấm êm, người cầm bút cảm thấy trẻ trung tâm hồn, nhạy bén trong sáng tác.
Nói đến chuyện thơ, Hà Thượng Nhân kể chuyện năm 1946, nhân một chuyến đi chơi về tỉnh Thanh Hóa, quê hương của mình, có Xuân Diệu, Hữu Loan đi cùng. Khi gặp một cái quán, Xuân Diệu tiết lộ cho Hà Thượng Nhân hay ở đây có một thiếu nữ thi đỗ bằng Thành Chung (Brevet Élémentaire), thơ khá hay. Xuân Diệu rủ Hà Thượng Nhân vào trong quán vắng nghe cô dạo đàn dương cầm (piano) và nghe thơ. Xuân Diệu được cô ngỏ ý trước, xin cho nghe một bài thơ, nhưng bởi cô yêu cầu quá vội vàng nên đành phụ lòng cô, đến lượt Hữu Loan cũng từ chối luôn. Thấy thế cô bèn chỉ Hà Thượng Nhân khi đó chưa nổi tiếng, hạ ngay một câu tựa như một “mệnh lệnh”:
    –Xin anh vậy.
Nghe cô nói chữ vậy Hà Thượng Nhân đã tỏ ý bất mãn, bởi cô đã thường tài làm thơ của Hà Thượng Nhân vào đâu, bèn hỏi vặn cô có biết làm thơ không. Nếu đã không biết thì chớ xin thơ. Ý Hà Thượng Nhân muốn trách khéo cô đã không biết thơ mà còn lên giọng kẻ cả. Cô đáp cộc lốc một cách thản nhiên:
-Biết chứ.
-Được, nếu biết thì xin đem giấy bút ra đây.
Cô vào trong nhà đem ra trao cho Hà Thượng Nhân một tờ giấy học trò. Hà Thượng Nhân nói:
-Vậy cô viết thử một câu đi.
Cô quơ bút viết ngay một câu xuống giấy như đã thuộc sẵn:”Sông đời rồi vẫn nhịp nhàng trôi”.
-Thôi được sẵn đàn đây, cô dạo một bài dài ngắn tùy cô và hễ tiếng đàn dứt là tôi có một bài thơ cho cô. Tôi dùng độc một vận của cô.
Hà Thượng Nhân viết theo tiếng đàn, coi cô tựa khách qua đường viết một hơi 50 câu, được Xuân Diệu đem phổ biến. Kết thúc Hà Thượng Nhân viết:

Đừng bảo sông đời trôi mãi mãi
Não lòng anh lắm đó em ơi
Và ngâm: thế sự dòng lưu thủy
Đêm đó bên ta có một người

Họ xa nhau bởi chiến tranh, mấy chục năm sau Hà Thượng Nhân tình cờ gặp người con gái năm xưa tại nhà một người quen, cô không nhớ rõ ra ai. Hà Thượng Nhân bèn đọc lại câu thơ cũ của cô: “Sông đời rồi vẫn nhịp nhàng trôi”. Cô reo lên:”A! Anh hả?”. Do đó Hà Thượng Nhân bị nhiều người hiểu lầm, thực sự không có sự quan hệ nào. Đó là bà Thái Thị Chi Lan nay đã qua đời, thân mẫu của ca sĩ Thanh Lan hiện nay.
Sức sáng tạo của Hà Thượng Nhân bây giờ cho dù không còn sung sức như những ngày nào, ngay như bút hiệu Hà Thượng Nhân cũng dường như ít được nhắc tới nhiều nơi cửa miệng người đời, tuy nhiên đây vẫn là một bút hiệu đánh dấu những bài thơ châm biếm của một thời, và còn nhiều bút hiệu khác được sử dụng tới. Thể lực tất nhiên tàn tạ theo năm tháng, con người không thể cưỡng lại luật tuần hoàn của vũ trụ, thành trụ hoại không. Hà Thượnbg Nhân đã một thời kỳ thoát không bị tàn phế nghĩ tưởng đã có một phép lạ, giờ đây ngồi nhìn thế sự chông chênh trước mắt mà không thể cầm bút diễn tả, âu không thoát khỏi những xốn xang trong lòng, hy vọng thể trạng được hầu phục còn đi cho trọn những hoài bão mong muốn.
Hà Thượng Nhân lúc này vẫn như chưa nghĩ tới việc xuất bản tác phẩm bởi không muốn “làm phiền” người khác, và phân vân không biết nên in cái nào và bỏ cái nào, ngồi lục lại những công trình sáng tạo cả một đời người, xem ra thật khó thực hiện được trong độ tuổi hoàng hôn nay. Điều này không khỏi là một thiệt thòi to lớn cho di sản văn học, hơn nữa nó còn là một khổ tâm cho các nhà ngự sử văn đàn không còn biết căn cứ vào đâu để nghiên cứu. Tú Mỡ trong Tự Lực Văn Đoàn có một giọng thơ đùa cợt, lả lơi, đôi khi sắc gọn, cay chua trong tập “Giòng Nước Ngược” 1-2, phác thảo một bức tranh vân cẩu muôn màu sắc của xã hội cho thế hệ sau nhìn vào, ôn cố tri tân hầu rút tỉa kinh nghiệm trong phương diện xử thế, và các nhà xã hội học căn cứ vào mà tìm hiểu được một giai đoạn lịch sử của đất nước.
Hà Thượng Nhân đã sáng tác không ngưng nghỉ, đọc tham luận hàng trăm lần trên các diễn đàn quốc tế và quốc nội, và nay trong những năm rời xa đất nước, dù trọng tuổi, Hà Thượng Nhân đã tham vấn và khích lệ cho thế hệ kế tiếp đóng góp phần nào trong việc xây dựng nền văn hóa dân tộc tại hải ngoại. Tước danh Hà Chưởng Môn bất biến với thời gian, từng được yêu mến trong quân đội trước ngày miền Nam tan hoang vỡ đỗ năm 1975, trong trại giam cộng sản sau ngày đất nước đổi tên, bây giờ vẫn tồn tại trong thế giới văn thơ của tập thể người Việt tỵ nạn cộng sản tại hải ngoại. Trên tinh thần đó ngày 18 tháng 10 năm 2002 ở Mexica Theater, San Jose, I.R.C.C khi tổ chức lể kỷ niệm 26 năm phục vụ dân sinh đã long trọng trao cho Hà Thượng Nhân bảng tuyên dương và tượng vàng bởi thành tích đã tạo được trước và sau Tháng Tư Đen năm 1975. Đây là phần thưởng dành cho những bậc cao niên trên 70 tuổi đã phụng vụ trên 50 năm trường trong các bộ môn văn học nghệ thuật dân tộc. Âu đó cũng là một phần thưởng xứng đáng dành tặng cho một Hà Thượng Nhân đã trọn đời đóng góp tâm tình cho văn học. Tương tự năm 1973 Vũ Hoàng Chương đã tiếp nhận được giải thưởng “Tuyên Dương Sự Nghiệp Văn Chương”, nhưng bất hạnh thay, ngày 13.4.1976 khi Vũ Hoàng Chương đang đau bệnh nằm nhà đã bị công an còng tay bắt đi tù, ngày phân phát cho chén cơm gạo mốc đầy sạn và miếng cá thối, đã lìa đời ngày 23.8.1976 để lại cho đời nhiều thương tiếc, ngay cả Hà Thượng Nhân vốn là đôi tri âm:

Cuộc thế chẳng qua là quán trọ
Ghé vào gửi lại chút văn chương
Từng khi khắp cả và thiên hạ
Một kiếp say dài giữa sắc hương
Đầu bạc lạc loài dăm bảy kẻ,
Đâu ngờ chữ nghĩa cũng tang thương
Đêm nay ta gục trên trang sách,
Cứ tưởng trăng vàng cũng vấn vương.

Đọc thơ Hà Thượng Nhân

 

Về bài thơ : Trăng thu

Hà Thượng Nhân

Năm 1935 tôi được ông Nguyễn Tiến Lãng, chuyên viết văn Pháp hỏi: .“Cậu có muốn đi dự hội thơ không?” . Tôi mừng quá liền thưa ngay : rất muốn . Trung Thu năm đó tôi theo ông lên Vỹ Dạ. Biệt thự của nhà thơ Ưng Bình. Tôi đi theo chứ không được mời nên không có chỗ ngồi . Khách toàn vào hạng trung, lão niên , hầu hết đều mặc quốc phục và đeo bài ngà. Ðầu đề bài thơ hôm đó là Trăng Thu, nhưng có một điều cấm kỵ : trong bài tuyệt đối không được dùng chữ Trăng cũng như chữ Thu .bài thơ của tôi như sau:

Sương mỏng manh canh vắng lặng tờ
Buồn xưa náo động mấy vần thơ
Rưng rưng mắt lệ chàng mong nhớ
Phơi phới mây xa thiếp hững hờ
Bến quạnh lau già người chểnh mảng
Rượu tàn canh vắng khách bơ vơ
Lầu cao ai đó mây rèm tím
Hồn lẻ đêm nay có thẫn thờ

(Hà Thượng Nhân – Thu 1939)

Ðến tháng chín ngày Rằm hội thơ lại họp để tuyên bố kết quả. Lần ấy tôi cũng bất ngờ trúng giải . khi gọi đến tên thì thấy một cậu học trò đi lên đầu tóc cắt ngắn húi carê . Cụ Ưng Bình vừa thoạt thấy hơi ngỡ ngàng . Bỗng cụ đọc :

Trăm mặt thẹn thua chàng trẻ tuổi
Một bài cũng đủ gọi thi ông

Tôi nhanh nhẩu vội đáp ngay :

Bảy bước dám thua Tào Thực trước
Một lời xin gửi tạ tôn ông

Bấy giờ trong hội nghị có cụ Kỉnh Chỉ là Bác sĩ mà cũng là thi sĩ. Sau này cụ làm tổng trưởng y tế trong chính phủ Trần Văn Hữu hay Nguyễn Văn Tâm, tôi không nhớ rõ . Cụ Kỉnh Chỉ nói lớn : “Tào Thực thất bộ thành thi, cháu không chịu thua à ?Kiêu ngạo nhỉ !Tào Thực phải bảy bước mới thành thi, cháu chỉ cớ một bước đã thành thi, thế thì cháu nói đúng. Nhưng cháu à : “Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ tài” . Khi đi qua cụ Kỉnh Chỉ, tôi khoanh tay cúi đầu , thưa khẽ để cụ nghe : “cháu xin vâng lời dạy bảo của cụ . Ðó cũng là lý do, tuy đã viết rất nhiều thơ , hàng mấy chục tập, tôi vẫn không chịu xuất bản dù có dư điều kiện .
Bây giờ đọc lại bài thơ tôi mới thấy mình không công bằng. Ngày ấy vì nghe chuyện tình của một đàn anh mà hạ một câu :

Phơi phới mây xa thiếp hững hờ

Nay tôi xin sửa lại là :

Phơi phới mây xa thiếp đợi chờ

Cụ Kỉnh Chỉ có người con trai là trung tá Phan Văn Cẩm là học trò của tôi năm đệ ngũ , hiện giờ ở Santa Ana. Khi tôi ra tù gặp Cẩm . Anh mời tôi ghé nhà vì hôm ấy là ngày húy nhật cụ . Tôi đến, khi vái lạy cụ ở bàn thờ thì cả nhà lạy lại để đáp lễ trong đó vài người ở vào tuổi cha chú tôi . Tôi cảm động lắm có viết một bài thơ để lại, hiện gia đình cụ Kỉnh chỉ còn cất giữ .
Người phụ trách quán thơ Trà Sơn có đọc cuốn sách của Tôn Nữ Hỷ Khương , nhà thơ con gái cụ Ưng Bình có nhắc đến giai thoại này nên hỏi tôi . Tôi xin thuật lại và hết lòng xin lỗi những lời ngạo mạn của mình lúc vào tuổi “ ăn chưa no lo chưa tới”.

Hà Thượng Nhân

 

Thơ Hà Thượng Nhân

Mừng thọ 91

 

Nếu cuộc sống trăm năm đẹp đấy
Thì chín mươi cũng lấy làm vinh
Thế nhưng trong cuộc hư sinh
Chữ vô thường xóa cái hình phù du
Vốn hữu hình là thù hữu hoại
Ðâu có vì đồng loại điểm tô
Ba ngàn một nhóm ngũ hồ
Có ra gì nhỉ cơ đồ ấy đâu
Lại một đám cỏ khâu xanh ngắt
Lại câu thơ xanh ngắt thịt da
Nhưng mà trong cõi thiết tha
Trong vô thường vẫn như là tồn sinh
Cho nên lấy chuyện mình làm quý
Cũng vui chung thì chỉ ít người
Cũng là thêm một trận cười
Thì xin theo gót cuộc đời cũng vâng


 

Chiêu niệm quái thơ

(nhớ gì hơn nhớ những bài thơ quái đản)

Hãy về đây
Những bài thơ
Một chữ
Hai chữ
Mười lăm chữ
Chúng mày chửa khai sinh
Ðã vội gì khai tử …
Cha chúng mày
Ðọc sách Tây
Khoái dữ
Môt ý dắt ngang tai
Một ý cài dưới khố
Là thơ
Tự do
Của thời đại Cộng Hòa
Vượt lên chữ nghĩa thông thường
Mẹo vần lạc hậu
Vượt lên tất cả
Trơ còn
Rỗng không
Hãy về đây
Những bài thơ
Con hoang thời đại
Cha chúng mày trót dại
Ðẻ chúng mày thiếu tháng thiếu năm
Dù bện tơ lụa chúng mày nằm
Dù mặc áo trăm màu sặc sỡ
Dị kỳ quái gở
Ðời nhìn phút chốc quên ngay
Bấm đốt ngón tay
Thương chúng mày trẻ dại
Muốn hú vía dựng chúng mày sống lại
Ðọc bài thơ chiêu niệm chúng mày nghe
Bảo là vè hay ký sự
Gì cũng tốt miễn chúng mày biết chữ
Biết lòng ta thương nhớ chúng mày
Như thương nhớ bàn tay
Ăn mày ngoài phố
Mưa rơi trên ngõ lầy

 

(trích trong nhật báo Tự Do
ngày ngày 13 tháng 9 năm 1958)

 

 

 

Cũng phù vân

 

“ Ý hẳn non sông nhiều cát bụi,
Xui nên son phấn cũng phong trần ”*
Ðọc xong thơ của Phan Thanh Giản,
Nghĩ đến em tôi, nước mắt đầm.
Tài hoa ngang ngược là như thế,…
Mà mỗi đêm say vẫn khóc thầm.
Mà mỗi làm thơ đều thổn thức,
Ðến như trời đất cũng sai lầm,
Sai lầm tất cả, sai lâm hết,
Còn nhắc làm gì đến chữ Tâm ?
Tâm ấy, tài kia đành có một,
Thân sao vùi dập đến trăm lần ?
Hỡi ơi ! Tài tuấn trong thiên hạ,
Xin nhắn giùm nhau nhé cố nhân !
Xích lại gần đây cho đỡ lạnh,
Có gì đi nữa cũng Phù Vân .
* Thơ Phan Thanh Giản

 

 

 

Ngư phủ – Khuất Nguyên

 

Bị ruồng bỏ Khuất Nguyên thơ thẩn
Dọc bờ sông ngơ ngẩn gầy gò
Có ông chài thấy hỏi dò:
“ngài từng giữ chức Tam Lư, thưa ngài ? …
Sao đến nỗi hình hài tiều tụy
Vì cớ gì liên lụy đến thân ?
Rằng : “ nay khắp cả thế nhân,
Riêng mình ta tỉnh cõi trần đều nhơ !
Ta trong sạch không cho vấy bụi
vậy cho nên mới phải đi đầy”
Ông chài liền nói : “ xưa này,
Thánh nhân vẫn phải buông tay theo thời
Khư khư một chết chẳng dời,
Có đâu cố chấp như người mà than?
Ðời nếu đục khuấy bùn, khua sóng
Người mà say mình cũng cùng say”
Khuất rằng: “nghe nói xưa nay
Tắm xong ắt phải rủ ngay áo quần
Ðầu đã gội, ắt cần phải mũ
Tấm thân này cố giữ thanh cao
Lại đành nhơ bẩn được sao ?
Thà đem mạng sống gửi vào sông Tương
Ðâu lại chịu trăm đường tủi hổ”
Lão thuyền cười tay gõ thuyền ca :
“ Nước trong ta giặc mũ ta
Mà sông Tương đục, thôi thà rửa chân”
Rồi chèo đi không cần nói nữa.

(SG chiều ngày 5 tháng 6 năm 1985)

 

 

 

Thơ say / sầu say

 

Khó đem bút mực làm giông tố,
Trải rộng lòng say một tối say,
Rượu uống tưởng ai mời đắm đuối
Tưởng đâu trời rộng cánh chim bay.
Ta ơi ! Tri kỷ ngàn năm cách, …
Chưa đủ vơi trong một chén đầy!
Chưa đủ cho mình lau nước mắt,
Rằng em sợi nhớ tóc như mây.
Ðâu còn những lối hoa đào nở,
Thôi Hộ tìm chi những chốn này?
Mặt ngọc đã không còn trước cửa,
Sao thơm màu má thuở thơ ngây?
Ca Dao mẹ hát lưng chừng giấc,
Em hứng mùa Thu lạnh tối nay!
(San Jose, Sơ Thu 1998)

 

 

 

Tiền Xích Bích Phú

 

Thu Nhâm Tuất sau rằm tháng Bảy
Tô Ðông Pha cùng mấy bạn chơi
theo dòng Xích Bích thuyền xuôi
Gió hiu hiu thổi, nước trời mênh mông
Hát ngao ít khúc vừa xong …
Thoắt thôi trăng mọc xứ Ðông bồi hồi
Móc trăng tỏa, nước trời bát ngát
Mặc con thuyền trôi dạt tự do
lướt trôi trong cõi hư vô
Bao la nào biết bến bờ là đâu ?
Tưởng mọc cánh bay vào tiên giới
Rượu mời nhau vui lại vui thêm
Khi vui say gõ mạn thuyền
Hát rằng: “chèo quế, dầm lan bềnh bồng
Khua sóng nước ngược dòng trăng sáng
Man mác thay là tấm tình thương
Hỡi ơi ! Người đẹp canh trường
Ngóng trông chỉ có một phương trời này.”
Khách thổi sáo theo bài họa lại
Tiếng não nùng sầu tủi triền miên
Dư âm vọng mãi bên thuyền
Khiến thuồng luồng chốn đầm đen vẫy vùng
Lệ gái góa rơi trong lặng lẽ
Tô tử nghe kêu khẽ : “lạ chưa !”
Khách rằng trăng sáng, sao thưa
Quạ bay há chẳng là thơ họ Tào ?
Tây , Hạ khẩu nhìn vào thăm thẳm
Ðông Vũ xương mấy dặm đường đi
Vời trông cây cốii xanh rì
Chốn này Tháo bị khốn vì Chu Lang
Phá Kinh Châu, hạ Giang lăng
Xuôi dòng trống mở, cờ giăng rợp trời
Trước núi sông rót mời chén rượu
Tay cầm ngang ngọn giáo làm thơ
Anh hùng đã mấy ai chưa ?
Mà con người ấy bây giờ ở đâu ?
Tôi cùng bác giăng câu kiếm lá
Kết thân cùng tôm cá hưu nai
Cưỡi con thuyền nhỏ dông dài
Lại nâng chén rượu cùng mời mọc nhau
Chút thân hờ gửi vào trời đất
Nhỏ như là hạt thóc giữa khơi
Khá thương ngắn ngủi cuộc đời
Khen cho sông nước dặm dài vô biên.
Ðã chẳng thể đất tiên bay lượn
Lại khó ôm trăng mượn trường sinh
Biết thôi mình lại với mình
Vang thừa đành gửi chút tình bi thương!
Tô hỏi khách biết chăng trăng nước ?
Nước có trôi nhưng thật không đi !
Trăng dù tròn khuyết từng khi,
Thủy chung cũng vẫn suy vi chút nào
Lấy biến đổi thấp cao mà xét
Thì cuộc đời chớp mắt cũng y
Lấy không biên đổi mà suy
Ta cùng vạn vật có gì mất đâu ?
Vả trong khoảng trời sâu đất rộng
Mọi vật đều có đấng chủ trương.
Nếu không phải của ta chăng ?
Tơ hào ta cũng thưa rằng ta không .
Chỉ gió mát trên sông hây hẩy
Chỉ trăng trong giữa dẫy non cao.
Tai nghe thành tiếng tiêu tao
Mắt trông thành sắc thành màu vui tươi
Lấy ai cấm ? Dùng thời chẳng hết
Kho trời cho không xiết bao la
Cũng là sở thích chúng ta
Vẫy vùng trăng gió mới là thần tiên
Khách hớn hở tay liền rửa chén
Rót rượu thêm, đồ nhắm không còn
Nhìn vào mâm bát ngổn ngang
Gối nhau quên cả phương Ðông sáng rồi
(Hà Thượng Nhân dịch)


Xuân hành

 

Ðường vẫn còn dài, núi vẫn cao

Tháng năm tù ngục buồn ôi chao!

Dặm về chưa hẳn là vô định

Mà chẳng về cho, biết tại sao?

Ai giam ta tháng ngày heo hút?

Ta nhớ ai tháng ngày lao đao?

Nước suối, khoai sắn chẳng no bụng

Chẳng nghe bên tai tiếng ngọt ngào

Chỉ nghe căm thù đang réo gọi

Chỉ biết trăm họ đang khổ đau

Nhân danh đoàn kết gây chia rẽ

Không cần nội trị hay ngoại giao

Chỉ biết đầy dân như súc vật

Chỉ biết làm sao đạt yêu cầu

Nhân nghĩa chẳng thể bằng quyền lợi

Trời Phật cũng quy vào địa hào

Nhìn nhau kinh ngạc, ai còn mất

Chẳng biết về đâu tới những đâu!

Mỗi đêm gục đầu thương vợ trẻ

Mà buồn trăng khuyết đĩa dầu hao

Mỗi đêm thương con trào nước mắt

Xưa nay mình vẫn khinh gian lao

Tự do dù vẫn trong tù ngục

Còn miệng làm sao không thét gào?

Còn tay làm sao không nắm chặt?

Còn chân làm sao khôn đi mau?

Còn tấm lòng này son sắt vậy

Tết về biết gửi gì cho nhau?

Gửi chung thiên hạ lời thăm hỏi

Sao vẫn thiên thu một chữ sầu?

Sao thơ chưa phải là thương nhớ

Sao nhớ thương này chất ngất cao?

Bạn về nhìn lại hành tinh biếc

Nghe lại rừng xuân gió rạt rào

Mừng thấy rằng mình còn vẫn trẻ

Mười năm đầy đọa có gì đâu!

Ta về lại ấm tình đồng đội

Nắm chặt bàn tay hả biết bao!

Ta về như trải cơn hồng thủy

Ngửa cổ nhìn trời rực rỡ sao

Mấy gã đầu bù trong quán cóc

Ðập bàn hào khí đã dâng cao

Chúng dù ác độc hơn lang sói

Tấm lòng sau trước chẳng vênh vao

Lại thấy mùa xuân như vẫy gọi

Ý thiếp lòng chàng thật khít khao

Ba mươi năm đọc bài thơ cũ

Thơ của chúng mình xưa đấy sao?

 

 

 

Đoạn Trường Tân Thanh

Cứ xé mãi thơ rồi lại viết
Thơ nguyên xé nát, đêm thừa nguyên !
Một chữ nguyên đau như nỗi nhớ
Đau tưởng đất trời cùng đảo điên.
Đêm thừa vì bởi đêm dài quá,
Mà tại làm sao thức sáng đêm ?
Người có biết: ngày xưa Lý Bạch,
Múa kiếm tự cho là Trích Tiên.
Nỗi đau nào lại đau không dứt ?
Nỗi nhớ nào đây nhớ chẳng cùng ?
Người hãy về chơi lại biển Đông,
Biển Đông sóng dậy, biển trùng trùng.
Chúng ta loài ốc ngoài khơi rộng,
Nuốt cả đại dương vào trong lòng.
Ốc vặn mình đau dâu bể cũ,
Ta đau vì còn biết chờ mong.
Nếu chẳng có thơ, không cả nhạc,
Nếu như chỉ có tiền và bạc.
Người thử nghĩ xem cuộc đời này,
Còn có gì đâu mà khao khát ?
Người thử nghĩ xem không đau khổ
Không thương không ghét dửng dưng như…
Gỗ đá chắc đâu không tưởng nhớ,
Chắc đâu là thực chắc đâu hư ?
Người hãy làm thơ, hãy nhớ thương,
Hãy điên trong những phút vô thường.
Nếu ông Đỗ Phủ không đau khổ,
Dễ gì bây giờ còn văn chương ?
Ta thương ngươi lắm, thương ta lắm,
Nên khúc Tân Thanh mới đoạn trường !

 

 

 

 

Hành tuổi sáu mươi

Ðời có còn chăng buổi Thịnh Ðường?

Phế hưng bày mãi cảnh tang thương

Ta ngoài đất khách mưa sùi sụt

Thơm ngát mùa Thu dạ lý hương

Bỗng nhớ người thơ ngày tháng cũ

Cỏ hoa sao chẳng xóa biên cương ?

Cùng chung thời đại, chung oan khổ

Cùng bước chung trong một hý trường

Người nhớ những ai bằng hữu cũ

Ngàn phương ngoảnh lại vẫn đôi phương .

Ngày xưa ta với người không nói

Lịch sử soi vào những tấm gương

Rồi tưởng đâu mình người Chiến Quốc

Ngàn năm rút cục vẫn vô thường

Cũng là vô nghĩa lời chung thủy

Chờ đến ngày nào tóc điểm sương

Ngày ấy xa nhau ngàn vạn dặm

Mưa Thu ướt đẫm những canh trường

Người giờ bảy chục Tường Linh ạ !

Nhìn lại, thôi toàn chuyện ẩm ương

Ta đọc thơ người về hỏi lại

Ở đâu đã nhiễu lại không nhương ?

Nhiễu nhương thì cũng trò dâu bể

Hỏi hết, làm sao biết tận tường ?

Họ Nguyễn núi Hồng bình cạn rượu

Gió Thu xào xạc mãi sau vườn

Người còn mở tiệc mừng sinh nhật

Ta thuở nào đây giữa đại dương

Duyên phận may sao còn gặp lại

Ðời vẫn vui đâu nỡ chán chường ?

Vẫn rượu vẫn thơ như thuở ấy

Con tằm đến thác nghiệp còn vương

Ta hơn người tính gần con giáp

Cũng bởi tài hoa mới đoạn trường

Rút cục chẳng qua là mộng cả

Mộng nào tỉnh giấc chẳng bi thương ?

 

Rừng phong đã mấy lần thay lá

Xóm cũ khi về loạn gió sương

Câu hỏi nửa chừng không kẻ giải

Chao ôi ! Trời đất lạnh mười phương

A ! “ Cổ Lai Hy ”, anh bạn cũ !

Hoa cau, hoa bưởi lạc mùi hương

Vợ con tấm cám còn no đủ

Thì quản gì đâu gió bụi đường

Miễn ngẩng nhìn lên không thấy thẹn

Ðói nghèo là vẫn bạc hiền lương

Vẫn ta từ thuở trong tay mẹ

Cơm áo đôi khi dẫu thất thường

Nhưng vẫn vần thơ mình gửi lại

Gan bào ruột có nát như tương !

 

Khuya nay dưới ánh đèn hiu hắt

Ta đọc thơ người đứng trước gương

Xem ảnh Tường Linh ta mới thấy

Thương nhau trên những bước đường trường

Bảy mươi đã trải nhiều dâu bể

Hình như bất hoại chỉ kim cương

Hình như một chút tình xưa gửi

Ðủ ấm lòng nhau nỗi đoạn đường

Nước mắt ta rơi đầy ngọn bút

Bao giờ mình trở lại Quê Hương ?

 

 

Bài ca tiễn người

1
Ngay từ nhỏ khi đọc thơ Trung Quốc,
Vẫn mơ hoài hàng liễu đất Tô Châu.
Mây trắng bay lớp lớp lạc về đâu ? ……
Ta cứ tưởng hoa đào ngàn dặm đỏ.
2
Ta cứ tưởng mùa Xuân nào Thôi Hộ,…
Tìm về thăm đã lạc bóng giai nhân.
Ðứng bơ vơ không tìm thấy mùa Xuân !
Chuyện giản dị như nắng mưa sớm tối,
3
Mà làm sao bỗng dưng lòng bối rối,
Như là mình trong cảnh ngộ ai xưa !
Ta mơ hồ nhớ lại những chiều mưa,
Ai tiễn bạn trên bờ sông Dịch Thủy ?
4
Ta chợt nhớ đến bài ca Tận Túy
Sở Bá Vương nghe tiếng sáo Trương Lương,
Cả ba quân ngơ ngẩn suốt canh trường
Những chuyện đó ta tìm trong sách vở
5
Nên vẫn ước : rồi một ngày nào đó
Mình sẽ về thăm lại nước Trung Hoa.
Chưa lần nào thấy nắng đổ chan hòa,
Trên ly rượu Tô Ðông Pha đã uống.
6
Ta vẫn thấy trên trời cao đổ xuống,
Sông Hoàng Hà soi kính tóc như tơ.
Ta bỗng nhiên lại nhớ đến bài thơ,
Tương Tiến Tửu ! Ngàn sau còn kẻ đọc.
7
Ôi Lý Bạch người không còn cô độc,
Chúng ta còn tri kỷ khắp muôn phương.
Ðọc Nguyễn Du thấy sông nước Tiền Ðường,
Những tên đất rất quen mà rất lạ.
8
Em hãy đến Hàn San chiều cuối Hạ,
Nghe tiếng chuông trên bến cũ Tần Hoài.
Quạ kêu sương, sương đổ mái hiên ngoài,
Chén rượu cạn trăng hạ huyền lạnh lẽo.
9
Em có thấy như một điều kỳ diệu,
Là tại sao mình lại đứng nơi đây ?
Sông Trường Giang nước mắt chứa chan đầy,
Em hãy đến trước đền thờ Tào Tháo.
10
Em hãy khóc một thời làm gió bão,
Ngàn năm sau nấm cỏ xác xơ buồn !
Em ơi em, nước cứ đổ về nguồn,
Ta vẫn cứ là ta ngày trẻ dại.
11
Em có biết Khổng Minh dân áo vải,
Chỉ nằm dài trên xó núi Nam Dương,
Mà dựng nên một sự nghiệp phi thường
Sông Xích Bích mùa Thu năm Nhâm Tuất
12
Trăng như mộng bốn bề xanh bát ngát,
Rượu và thơ rung động mãi lòng nhau.
Nghe em đi, anh bỗng tự dưng sầu,
Anh chợt nhớ tiếng chầy xưa đập vải.
13
Những thiếu nữ dưới đêm sương mê mải,
Ðến bây giờ còn nhớ gái Tây Thi.
Xứ của Liêu Trai, xứ của Hồ Ly,
Của nhóm Thất Hiền sống trên rừng trúc.
14
Cả của bọn giang hồ Lương Sơn Bạc,
Xứ của thi ca, xứ của Bạo Tần,
Của những người hảo hán Mạnh Thường Quân.
Trăng vẫn chiếu trên Trường Thành đấy nhỉ ?
15
Tiếng Trụ Vương mê nụ cười Ðắc Kỷ.
Ðến mà xem lồng lộng bến Cô Tô,
Dìu giai nhân đi du ngoạn Ngũ Hồ,
Chưa có cuộc tình nào hơn thế nữa !
16
Ôi Trung Quốc, ta chưa hề đến đó,
Mà thân quen như mảnh đất Quê Hương.
Nghe mùa Thu hiu hắt bến Tầm Dương,
Lệ Tư Mã đã đổ vì son phấn.
17
Em thử đến Ðồng Tước đài một bận,
Thỏa những ngày nằm đọc truyện Chu Du.
Em có nghe Hồ Dzếnh nói Tô Châu,
Từng lớp lớp Phù Kiều nằm bảng lảng.
18
Những cô gái cười như trăng chợt sáng,
Liễu còn xanh trên những dặm đường dài?
Sen còn thơm như những bước chân ai,
Em có nhớ đường đi lên đất Thục ?
19
Em có gặp ngọn gió mùa Tây Vực,
Khi Lý Lăng nằm chết ở quê người ?
Về Thiên An thăm một chút em ơi !
Ðể thấy máu sinh viên đang réo gọi,
20
Chúng cấm nói nhưng sinh viên vẫn nói.
Ðè tự do dưới xích sắt xe tăng,
Có còn chi ghê tởm nữa cho bằng ?
Ta muốn được cùng em vào tửu điếm,
21
Uống chén rượu hoàng hoa không dễ kiếm,
Ðọc bài thơ Hoàng Hạc líu lo cười.
Muốn cùng em đi dạo khắp muôn nơi,
Vào thiền viện nghe hồi chuông đổ muộn.
22
Nghe sương sớm trên cành cây gió cuốn,
Chợt nhớ ra: mình đang ở Trung Hoa.
Sao văn chương toàn những chữ thiết tha,
Mà thù hận vẫn đầy trong sử sách ?
23
Sao đã có những người như Lý Bạch,
Lại còn sinh bọn quỷ dữ họ Mao ?
Gái Hàng Châu nghe nói mắt như sao,
Bom đạn vậy vẫn còn nguyên mới lạ.
24
Thế mới biết chỉ tình yêu, người ạ !
Chỉ tình yêu sống mãi với thời gian.
Chỉ thi ca truyền hơi thở nồng nàn,
Cho cuộc sống không còn gì tẻ nhạt.
25
Khi về nước, hãy ghé thăm Ðà Lạt,
Giữ trong tà áo mỏng chút hương xưa.
Ðứng trên đồi nhớ lại, dẫu dư thừa,
Những sợi tóc ngày xưa không còn nữa.
(Men Thu)

 

 

Tiễn người, ta khóc

 

Người về. Ta bỗng nghe đau nhói
Xé nát từ đây môt chữ tình
Xương máu chẳng hề vì lý tưởng
Mà là thiết thực chuyện mưu sinh
Người về để đổi thù ra bạn
Tiếng thét người dân có bão bùng
Người ngoảnh mặt đi không biết đến
Mặc cho sóng gió bốn bề rung
Người về! Nơi đó là quê mẹ
Ta nhớ như nhau suốt cuộc đời
Quê mẹ bây giờ là xứ lạ
Lưu đày trên đất lạ mà chơi!
Người về. Như thế mà về được
Nếm miếng canh thừa liệu có chua?
Người vẫn đô la còn nặng túi
Việc gì chúng nó nỡ lòng xua?
Người về. Ta thực lòng thương hại
Tiếng Tự Do gào đã đứt hơi
Mảnh áo cà sa còn vấy máu
Làm sao có thể nói nên lời
Là sao dám viết cho dân tộc?
Chén rượu bên hè dưới ánh trăng
Có thẹn lời thề năm tháng cũ?
Có nghe tiếng ngựa hí âm vang?
Người về.Ta nói gì thêm nữa
Có nói càng thêm thấy bẽ bàng
Đào ngũ chẳng trong thời loạn lạc
Bây giờ lại trở lối sang ngang!
Ta thương thơ cũ người từng viết
Mới biết không đâu cũng đoạn trường
Trước mặt kẻ thù kêu bạn thiét
Nỡ nào ta viết chữ bi thương.
(2002)

 

 

©T.Vấn 2011

Bài Mới Nhất
Search