T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng: Một Chút Dối Già – Tập 4

Xin Bấm Vào Đây Để Mở Hoặc Tải Về Máy

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng: Một Chút Dối Già – Tập Bốn

 

Đôi lời bộc bạch

         Đùng một cái 75 đứt phim, đu tàu Mỹ qua đây “ngụ cư”, trong khi ngộ chữ tôi đánh vật với cơm áo gạo tiền thì thiên hạ sự tiêu pha chữ nghĩa cùng Những trận chiến cũ. Những mất mát đau thương. Những đất khách bơ vơ, Những hình bóng xưa, v..v…Họ là những nhà văn lưu vong góp nhóp với “Tại sao viết? Viết cho ai?” qua mỗi ngữ cảnh, mỗi cảm khái khác nhau…

(…) Tôi là nhà văn sống và viết. Tôi tìm chất liệu ở con người thật của tôi. Khi tôi ở trong quân đội, tôi viết về người lính, khi tôi đào ngũ, tôi viết về kẻ đào ngũ, khi tôi trở lại đơn vị bị giáng lon, thì viết về tâm trạng của người lao công chiến trường… Khi tôi ở trong trại cải tạo, tôi viết về sự thật cảnh tôi vồ chụp lấy thau cơm của bạn tù vì quá đói. (…) – (Trần Hoài Thư)

       Qua người cầm bút đứng bên lề cuộc chiến….

(…) Điên sầu có lẽ là động cơ để viết. Viết cho giết hết mọi hoang liêu? Mới đầu hăm hở viết. Trút tâm sự nhớ nước nhớ nhà vào trang giấy! Thấy đơ đỡ… buồn. Bèn viết nữa. Ngày nọ qua tháng kia, nỗi buồn vẫn còn nguyên đó. Đọc lại văn, càng thêm ngao ngán. Bởi vì văn chương không chỉ là nỗi nhớ nhà. Tuy nhiên, điều cuối cùng vẫn là ý hướng muốn sống và muốn viết. Tôi tự hỏi “Sống để làm gì?”. Câu hỏi ấy bám lấy tôi cho đến một hôm bật ra tiếng trả lời: “Sống để viết”. Có lẽ, với tôi, bây giờ là câu tôi vừa ý nhất. (…) – (Tường Vũ Anh Thi)

Cùng chuyện người chuyện ta…

Thêm một cái “đoàng” nữa nhè vào một ngày…ngày qua tháng lại, nắng trưa mưa tối, ngộ chữ tôi tôi quáng quàng chuyện viết lách ở cái tuổi hơi trễ nải. Vào lúc người khác đã bẻ bút, thong dong cùng ngày trời tháng Bụt thì ngộ chữ tôi lực đực với cái bàn gõ và gõ lóc cóc. Thoạt đầu trộm nghĩ chả phải là nhà văn, nên chả cùm nụm cùm nựu với câu hỏi “Tại sao viết? Viết cho ai?”. Thú thực, ngộ chữ tôi cảm thấy thích viết vậy thôi. Như đã thưa thốt ngộ chữ tôi viết thư tình rồi quen tay và viết cho bạn cũ trường xưa riết róng thành cái nghiệp.

Để thai nghén và đang bụng mang dạ chửa bài tạp bút Vướng nghiệp này đây.

Nếu như bạn đọc ngất ngư con lạc đà và hỏi thật không? Nói cho ngay, ngộ chữ tôi lấy cái thật để làm cái giả, với chữ là nghĩa hiện thực giả hư cấu thật. Như gặp bạn bè trong lúc tửu lạc vong bần, rồi góp nhặt sỏi đá qua chuyện kể lể, hiểu chả là như thị ngã văn. Lại nữa, có một dạo ngộ chữ tôi cỏ hoa lạc lối dẵm lên con lộ chữ nghĩa của những người đi trước, và i xì như cái đèn cù xoay quanh những trận chiến cũ (bạn bè kể lại), những mất mát đau thương (vợ mất), những đất khách bơ vơ (gà trống nuôi con), những hình bóng xưa (đang ở Sài Gòn).

Như bạn cũ trường xưa đã hòm hõm những bài viết về cuộc chiến đã phai tàn, ngộ chữ tôi đục chữ đẽo câu dựa hơi thằng bạn lính ở ngoài trận địa (ngộ chữ tôi ở trong…thành phố):

(…) Người mặc áo có gắn phù hiệu của tiểu đoàn 5 không bị thằng Việt Cộng này bắn nhưng bị thằng Việt Cộng khác bắn. Người mặc áo có gắn phù hiệu tiểu đoàn 3 bị bắn bởi thằng Việt Cộng không bắn người mặc áo của tiểu đoàn 4. Chúng tôi lột hết bảng tên và phù hiệu tiểu đoàn. Cuộc bắn giết thưa dần rồi chấm dứt. Để rồi chấm dứt như trong Vài mẩu chuyện mà thằng gãy súng đã buông bút. Vì: Chiến tranh đã hết rồi mà. (,,,)

Với những mất mát đau thương thì gọt chữ đẽo câu về quê nhà (về Sài Gòn lấy vợ…trẻ):

(,,,) Một nhẽ khác nữa là trào lưu văn học hôm nay, có hội chứng cho rằng người viết ngòai nước như bật ra khỏi cái gốc, cái rễ của cây đa bến cũ, con đò xưa, nên đánh mất bản sắc, chữ nghĩa đầy rẫy những tha hóa vong thân. Vì vậy tôi đành khăn gói gió đưa về quê nhà, nghe tận tai, nhìn tận mắt, hiểu theo nghĩa là mục sở thị chứ chẳng phải là dệt chuyện”. (,,,)

Hoặc giả với biên khảo,…biên chép, chạy trời không khỏi nắng câu kết bao giờ cũng chẻ câu vót chữ cho nhọn hoắt (ngại bạn đọc chửi cho rỗ mặt):

(…) Người sưu tầm sàng chữ ra câu, sẩy câu ra chữ để có bài sưu khảo này. Nhưng cái sẩy nẩy cái ung là sàng lúa ra thóc, lại sẩy thóc ra trấu với những nguồn trích lục cứ “hục hặc” nhau mà người sưu tầm thiên bất đáo, địa bất chi. Thế nên trăm sự nhờ bạn đọc thông thiên địa nhân viết nho, thượng thông thiên văn, hạ thức địa lý, trung trí nhân sự trông giỏ bỏ thóc dùm. Xin ghi lòng tác dạ với muôn vàn cảm tạ – Nay cẩn thư. (…)

Sàng chữ sẩy câu đổ vào bồ chữ, thế là ngộ chữ tôi có…Một chút dối già.

       Bỗng dưng bạn đọc hoắng huýt rằng “giối già” chứ chẳng phải…dối già. Lý sự này ngộ chữ tôi lựng bựng theo cụ Trần Dần: “Chữ là nghĩa”. Ngộ chữ tôi…ngộ ra chữ cột với nghĩa. Mà nghĩa thì giời ạ, mông lung, bất định. Lắm khi chữ một đàng nghĩa một nẻo chả biết đâu mà lần. Bèn lần mò ăn mày chữ nghĩa trong Chữ nghĩa làng văn của cụ Ngộ Không. Cứ theo cụ mọt sách mọt chữ thì giối, biến thể ngữ âm của trối. Mà “trối già” là làm việc gì được coi như là lần cuối trong đời. Còn “dối già” là làm việc gì để nhân sinh quý thích chí trong tuổi già.

Vậy mà bạn đọc già như quả cà chả chịu hỏi bút danh của ta đây gì sất, bèn dón chuyện muốn có bút danh ngon cơm: Ta đây phải theo người thơ Nghiêu Minh lặn lội vào chùa hỏi sư, hỏi Phật Vào chùa ta hỏi Phật – Phật nhắm mắt lặng thinh. Cho đến một ngày thiên địa tù mù…

Ta lang thang vào tiệm

Gọi chai bia ngồi đồng

Chợt nhìn ông thổ địa

Cười nhìn ta: Ngộ Không

Nhưng không ngon như ăn óc chó vì bút danh dây mơ rễ má đến cái tuổi thân chết tiệt với Tôn Ngộ Không. Theo Ôta Tatsuo, chữ “Không” trong Ngộ Không lấy từ câu “Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc” của Bát Nhã Tâm Kinh để giới răn đe tính…háo sắc. Nghe không…xong!.

Đành bám víu vào Isobe Akira cho biết trên thực tế có ông sư hiệu Ngộ Không, người đời Huyền Tông đi lấy kinh ở Tây Phương cực lạc, cực khổ khác gì con khỉ Tôn Hành Giả. Bởi nhẽ đó từ ông sư hiệu Ngộ Không. Ngộ chữ tôi…ngộ chứng ra mình là…thiền sư. Quá đã!

Ôi thôi gì mà óc ách từ thiền thật đến thiền giả nên bạn bè hỏi bút danh nghĩa lý gì đành bí rị: Ngộ Không là…không ngộ. (ra ý ngộ đây tiếng Bắc là…hâm hâm, tiếng Nam là…mát mát).

Bút danh được hặm hụi chữ thư pháp trên bìa sách để in ấn Một chút dối già. Vì không là hàn nho mãi tự nên gửi bạn bè như một món qua chữ nghĩa. Đủng đoảng thế quái nào một bạn văn đừa lên mạng lưới bài văn thuộc dạng ngự sử văn đàn với tựa đề: Từ chàng in sách.

(Về người bạn văn này với trường phái “Văn chương ai điếu”, xem Một chút dối già – Tập 5)

Ý đồ bạn văn là khọm rồi,…ra mắt với đời đi chứ trước khi về với ông bà. Nghe phát khiếp! Vì ra mắt sách như ra mắt cô dâu với khăn đống áo dài, nẩy sinh tập tục áo thụng vái nhau cộp cộp như con bửa củi. Bởi nhẽ ấy, phán quan Đặng Trần Huân phang ngang bửa củi:

(…) Việc “ra mắt sách” đưa đẩy người viết xa rời thực tế. Trường hợp điển hình là nhà văn Hồ Trường An khi viết tựa cho tác phẩm của một nhà văn nữ, ca tụng tác phẩm chưa đủ, ông còn ca tụng cả nhan sắc của tác giả mặc dù ông chưa gặp mà chỉ nhìn qua ảnh. Ông viết:

“Ở bìa sau quyển sách có in tấm ảnh màu của chị…Có lẽ đem thơ của cụ Nguyễn Du khi mô tả Thúy Vân: “Vân xem trang trọng khác vời – Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang”. Thì đúng diện mạo chị…ngay. Khuôn mặt chị tròn nét mày hơi dầy và đậm nhưng tỉa gọt thanh nhã. Thúy Vân có thêm Hoa cười ngọc thốt đoan trang. Trên tấm ảnh kia, nụ cười của tác giả…tươi ơi là tươi, phô bày đôi hàm răng ngọc trai khít khao và đều đặn: Đoá hoa cuời”. (….)

Cười không nổi, bèn lẫn đẫn chuyện ra mắt thơ ở thành phố Hút-tân.

Ông nhà thơ Hút-tân đăng đàn giới thiệu thơ và người thơ ngục tù Nguyễn Chí Thiện thì ít mà ông nói văng mạng về thơ và “cái tôi” của ông thì nhiều. Chuyện một ngày như mọi bữa tập tục ra mắt sách do nhà văn Duy Lam kể lại: Lần đầu tiên ông tham dự giới thiệu sách của bạn văn ông. Sau khi MC giới thiệu “thân thế sự nghiệp” bạn ông, ông ngỡ ngàng vì bạn ông trở nên…một người xa lạ. Từ đó, ông cạch đến già không bén mảng đến…ra mắt sách nữa.

Gần đây có “hội chứng” mấy ông chủ trì hội thoại trên TV, đài phát thanh nhẩy bổ vào văn đàn ra mắt sách làm MC. Khổ nỗi lại giống chuyện người viết tựa dùm không đọc tác phẩm của tác giả. Thế nên họ lang thang lếch thếch với văn hoá ra mắt sách một hồi với nhà không số phố không tên rôi…lạc đường vào văn hoá phố, văn hóa phường hồi nào không hay.

Bèn hình dung đến một ngày không có mây sao có mưa, một MC “trân trọng” giới thiệu tác giả là “một tôi” xong. Xong xuôi rồi xin một tràng pháo tay thật to, “một tôi” mặt đực ra như ngỗng đực chả biết “một tôi” là ai. Và hoang tưởng tiếp đến phần tiệc trà, gặp “quan khách” ai nấy đều chào hỏi “một tôi” là: Nhà văn. Ấy là không tưởng thôi, thảng như có thật, ngộ chữ tôi lại ngỡ mình là nhà văn thật thì bỏ bu. Và chắc như gạch nung sau đấy mắc chứng hoang tưởng văn mình vợ người (sau đó không đọc văn của ai khác). Thêm bệnh giời bò,…bò đi đâu gặp ai đó chỉ đợi hỏi có “tác phẩm” mới nào chưa? Để nổ bậy, nổ như kho đạn Gò Vấp. Vì đâu phải có môt hai tác phẩm là…nhà văn, nhà thơ. Thế mới rõ khỉ. Thế nên ai đấy đã bòn vót…

(…) Một tác giả có nhiều tác phẩm xuất bản chưa chắc là tác giả nổi tiếng. Ngược lại, một tác giả không có tác phẩm xuất bản cũng chưa chắc là tác giả tầm thường. Một ví dụ là thơ Vũ Hữu Định. Ai lại không nhớ những câu thơ như Em Pleiku má đỏ môi hồng…(…)

Tác giả và tác phẩm bòn gio đãi sạn xong, ngộ chữ tôi lang thang như thành hoàng làng khó để rình rình…lang thang qua trường phái “Văn chương ai điếu”. Với ai điếu chết kèn trống, sống dầu đèn thì ra mắt sách cũng có kèn trống đầy đủ lễ bộ nên tốn kém cũng bộn. Mọi nhẽ chỉ thiên hạ sự mua danh ba vạn bán “văn” ba đồng vì cái danh: Nhà văn.

Bởi vì con người ta sống trên đời, vô danh thì dễ, thưa bạn đọc.

Nghe vậy bạn đọc giục giặc “Nhà văn là ai? Họ viết cho ai?”. Nói cho ngay, ngộ chữ tôi ăn mày chữ nghĩa của ai đó …

(…) Những nhà văn, sở dĩ là nhà văn, bởi vì họ biết cách trình bầy thế nào để những điều hết sức dễ hiểu thành…khó hiểu. (…)

Còn nhà văn viết cho ai ư? Theo ngộ chữ tôi đùm đậu: có nhà văn viết cho nhân sinh hôm nay. Thì có nhà văn viết cho mai hậu (khi rày người đọc một thước hai thước hết rồi), viết cho đám hậu bối (hậu sinh không rành tiếng Việt). Nói cho lắm tắm cởi truồng hay là hãy vay mượn nhời nhẽ của người ngự sử văn đàn Saint Beuve đã nhận dạng: Họ viết cho…cái tên của họ.

          Bạn đọc lại chết kèn trống, sống dầu đèn với: Nhà văn là ai? Vì bạn đọc tịt mít rằng muốn là nhà văn thành danh phải…chết trước đã. Với chết chóc thì: Nhà văn là…thượng đế!.

Vì nếu bạn đọc là “nhân vật” trong tác phẩm của nhà văn. Sướng nhá. Nhưng vì nhà văn là thượng đế nên buồn tình cho bạn đọc (nhân vật chính) chết tức tưởi ngay ở…chương đầu.

       Bạn đọc sợ chưa! Vì vậy mới có trường phái văn chương ai điếu, thưa bạn đọc.

Thạch trúc gia trang                                                          

       Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

(Xem trường phái “Văn chương ai điếu” ở Một chút dối già – Tập 5)

 

Tủ Sách T.Vấn & Bạn Hữu

 

 

 

 

©T.Vấn 2019

Bài Mới Nhất
Search