T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng: Một Chút Dối Già – Tập Năm

Xin bấm vào đây để mở hoặc tải về máy

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng: Một Chút Dối Già – Tập Năm

 

Đôi lời bộc bạch

       Trước 75, ở miền Nam không có tập tục văn hoá “Ra mắt sách”. Qua đất tạm dung, một sớm một chiều có thêm văn chương lão hoá, kéo theo một số nhà văn hải ngoại rơi rụng dần, với tre già măng mọc…mọc lên một nữ nhà văn trẻ măng xuất thân,…xuất thần từ trường phái “Văn chương ai điếu”. Bạn văn nghiệp dư bộc bạch: “…tôi làm liều viết chơi một bài điếu văn” qua bài phiếm Một chốn để về và đầu trở xuống cuống trỏ lên thề này đây…

(…) Mấy năm trước khi tôi còn là tay mơ chưa quen biết ai thì nhờ vào cáo phó mà biết một vì sao vừa chợt tắt. Một lúc nào đó tôi làm liều viết chơi một bài điếu văn, không ngờ rất được thưởng thức. Kể từ đó, dần dần người lạ mách người quen mà tôi được nhờ viết điếu văn dài dài, bi zi nét ngày một khá. Ai không quen biết tôi tra tiểu sử liệt kê tất cả mọi chi tiết thành đạt của người ấy, tất cả những lời khen đã từng được trao ra. Với người tôi thích hay có quen biết thì tôi đổi giọng nỉ non ngậm ngùi thương tiếc.(…) Bây giờ tôi xông cả vào lãnh vực giới thiệu văn thơ. Kinh nghiệm điếu văn giúp tôi viết được cả năm bảy trang giấy mà không cần rõ nghĩa, bởi tôi cũng đâu thực biết văn chương là gì. Tôi rất hài lòng về thành tích của mình, bởi viết lách mà được nhiều mối như vậy thì rõ ràng là chữ nghĩa của tôi phải rất có chiều sâu và trọng lượng. Tôi cũng nghĩ mình rất quan trọng, bởi một tên tuổi mất đi mà thiếu sự tiếc thương cần mẫn thì nó eo sèo nhân thế lắm, thế giới chữ nghĩa này làm sao có thể thiếu được tôi (…).

Nếu như ra mắt sách sinh sau đẻ muộn thì văn chương ai điếu, theo ngộ chữ tôi tầm chương trích cú xuất hiện từ thời Tản Đà, khi cụ về trời bán văn, ông Nguyễn Tuân đã viết Chén rượu vĩnh biệt để tiễn biệt cụ . Đến nay văn phái ai điếu đông như quân Nguyên qua một số người chỉ đợi nhà văn, nhà thơ nào có danh phận, họ làm đám ma khô (vì chết ở xa) mâm cao cỗ đầy với ơn bằng cái đĩa, nghĩa bằng con ruồi và họ làm văn tế ruồi đại loại như…phở:

(…) Nhà thơ Hà Thượng Nhân viết bài khen bài Bát phở đầu đời của Nguyễn Tử Đóa như sau: “Chỉ với bài thơ nhỏ tôi dám nghĩ rằng Nguyễn Tử Đóa có cái phong cách của Bạch Cư Dị lẫn Đỗ Phủ. Bạch trong sáng và Đỗ thẳm sâu”. (…)

Vì ông Bạch, ông Đỗ sơi phở nên hai cụ Nguyễn Tuân, Vũ Bằng chạy te. Nên văn phái ai điếu không thiếu những hỉ, nộ, ái, ố vì một người mới hai tấm ngắn bốn tấm dài, chưa kịp cái quan định luận đã có người dựng quan tài dậy gõ…gõ như Trang Tử…gõ bồn. Thêm chuyện khi sinh tiền người làm thơ và người viết phiếm chửi người vắng như mắng người chết, nhưng khi người viết phiếm về với cõi thì người làm thơ…làm thơ ô hô ai tai như cha chết mẹ chết.

Ấy là trong chốn trường văn trận bút, văn chương ai điếu có chuyện mà ngộ chữ tôi không đủ chữ nghĩa để dàn trải những ngậm ngùi bên bờ tử sinh với sinh lão tử bệnh…

Nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng, trong đỏan văn viết về Nguyễn Tất Nhiên nhân cái chết của nhà thơ năm 1992, đã mở đầu như sau : Sống trong sự quên lãng và chết dưới những vòng hoa, chuyện đó vẫn diễn ra thường ngày. Ở đâu có con người, ở đó có sự quên lãng. Và, tất nhiên có cả những vòng hoa. . . “. Gặp buổi mưa chiều gió sớm một môn sinh gặp lại ông thầy cũ Nguyễn Xuân Hoàng khi ông đang bên bờ tử sinh và ông sẽ không rơi vào quên lãng. Vì với người môn sinh ngoài tình nghĩa giáo khoa thư. Còn cái tình chữ nghĩa, người môn sinh biết rằng mây vẫn bay ngày vẫn trôi đi qua một kiếp phù sinh nên đang trăn trở cho…một ngày.

       Bạn đọc bối rối nhìn trời nhìn đất và bơ bải làm nhà văn có khó khăn lắm chăng?

Ừ thì để là nhà văn không khó lắm. Tất nhiên nhà văn phải biết cách…chấm câu. (Phùng Nguyễn). Nếu chữ là yếu tố của câu. Câu ngắn câu dài, hay chữ đẹp, chữ đắt. Câu, chữ, quánh, nén, tạo ra một thế giới đơn giản, rất ít lời, lại nhiều việc. Hơi chữ bốc lên hăng hăng và cay không kém gì mùi ớt (hiểm).thì những câu mới tạo nên một bài văn có văn phong.

(…) Văn phong của Du Tử Lê và Mai Thảo có nét chung là cầu kỳ, trau chuốt. Cái khác nhau là trong lúc Du Tử Lê tiết chế, chọn lọc thì Mai Thảo phóng túng. Những con chữ óng chuốt, mượt mà được Mai Thảo thả rong trên trang giấy. Đọc Mai Thảo, tôi tưởng như chữ đẩy mình trôi, trôi mãi trôi hoài, không biết sẽ đến đâu. (…) – (Trần Doãn Nho)

Theo Mai Thảo: “Nhà văn nên biết chút ít chữ Hán. Nếu viết văn không có chữ Hán giống như ngồi ghế không có cái dựa lưng”. Ngộ chữ tôi với bất khả ngôn truyền, nôm là không nói ra được bấy lâu nay…Nay với Mai Thảo, dậu đổ bìm leo qua cuộc phỏng vấn giữa hai nhà văn

(…) Trong truyện có những câu: “tốt số hơn bố giàu” hay “bắc bếp nấu ăn, nằm lăn đánh bạc”. Có phải nhà văn Lê Minh Hà ảnh hưởng tiếng ru ca dao tục ngữ của mẹ và bà?

– Bà nội tôi không biết chữ, nhưng nói mười câu là phải ba bốn câu ca dao tục ngữ. Và những bà lão nhà quê mà tôi có dịp hóng chuyện. Họ là một kho từ ngữ ca dao đầy biến ảo.

Truyện ngắn của chị có nhiều chữ lạ như ngõi, ngẫn ngẫn, to hó, nhảo, nhuôm nhuôm, chỉn chu. Như thế, có cần một chú thích cho các độc giả không?

– Không có từ nào thật lạ, thật sáng tạo của riêng tôi trong số những từ chị vừa dẫn. Những ngõi, nhảo, nhuôm nhuôm, tôi học từ các bà, các chị ở quê tôi. To hó, từ này tôi mượn của ông Tô Hoài trước năm 45. Ngẫn ngẫn tôi học được từ mấy anh chị đi từ miền Nam. Chỉn chu thì có trong tự điển. Và nói chung, nhiều chữ tôi dùng hiện vẫn được sử dụng hàng ngày ở VN. Vậy thì đâu có cần chú thích. Vì đó là ngôn ngữ văn học không phải là ngôn ngữ thống kê học.

Nếu người đọc không nắm bắt được thì có thể là tôi đã không chọn từ đúng rồi. (…)

Từ hai nhà văn Hà Nội trên, ngộ chữ học mót chữ của ông Tô Hoài…

(…) Ông rất chú ý học chữ và chê nhiều người viết văn bây giờ thiếu chữ và dùng chữ rất ẩu. Nhiều chữ họ không hiểu. Làm văn thì phải học chữ. Có cách học và chịu khó thì học được. Ông phân biệt cờ nhà chùa thì phải gọi là cờ “điều” chứ không phải là cờ đỏ, sơn đen thì phải gọi là sơn “then”, quần đen thì phải gọi quần “thâm”. (…) – (Nguyễn Đăng Mạnh)

Mượn lược thầy tu thì nhà văn phải biết chơi chữ như các cụ ta xưa chơi câu đối, thả thơ (chọn chữ). Với ngữ bất kinh nhân, tử bất hưu nôm là chữ dùng không làm thiên hạ giật mình thì chết không…nhắm mắt. Nhà văn tìm được chữ “cấu” vào hồn thi lạc bất khả ngôn, là sướng tê người không nói được. Như nhà văn Võ Phiến “lực đực” dưới đây, thưa bạn đọc…

(…) Tôi đang xun xoe khám phá ra địa phương tính trong cái mới thì chợt nghe bên tai một tiếng cười nghịch ngợm, ngang tàng, của Trần Dần. Bài Thằng thịt của ông viết năm 1962:

Vũm vĩm, đưa đảy

Một cột thịt lực đực vọt đứng

thồn thỗn ao thịt

      Vũm vĩm, lực đực, thồn thỗn, e khó bề gặp được trong tự điển. Lời giải đáp chưa thấy, nhưng hiểu đại khái, cảm xúc mơ hồ. Không hiểu. Nhưng nghe thấy hay hay lực đực….

Xưa nay, trong quá trình tiến hóa vẫn có cái được giữ lại, lại có những cái bị đào thải, dần dần mất dạng. Đến nay đã có bao nhiêu thứ tiếng nói xấu số tàn rụi, chết đi, rồi mất tích? Tử ngữ la liệt. Ngôn ngữ vẫn còn táo bạo, vẫn còn sức sống. Mang trên đầu mấy nghìn tuổi thọ mà vẫn sinh động, vẫn mắn con tới tấp những thồn thỗn kháu khỉnh…vũm vĩm! Thích nhá! (…)

***

Nằm gác đầu lên gối sách bấy lâu, vắt tay lên trán tự thấy mình nhuốm màu mực tầu giấy bản qua nhân sinh đầy rẫy những cửa tiên công xây đắp đỉnh chung với những bèo trôi xốc nổi. Một chiều ngộ chữ tôi…ngộ ra vèo trông lá rụng đầy sân, công danh phù thế có ngần ấy thôi nên cảm khái công danh phù thế chẳng qua là hư ảo của thế tục, chỉ là giấc mộng đầu hôm cuối bãi…nên ngộ chữ tôi viết cho nhân sinh quý thích chí, cứ ngay đơ là viết để dối già…

Một ngày bạn hỏi viết văn hả? Nghiệp rồi! Từ ngày ấy ngộ ra hai chữ: Vướng nghiệp.

Thế nhưng “chữ” không ngon sơi như nhà văn Trần Doãn Nho vật lộn với chữ nghĩa…

(…) Sau này, nghiện văn, tôi sa đà với chữ. Không từng con chữ một, mà là từng loạt chữ, nói cho văn hoa là …sáng tác. Lúc đầu, tôi cố cố đẻ chữ, chế chữ, vặn vẹo câu kéo với mục đích chuyên chở chữ nghĩa. Mà chở nặng quá, chữ không bay được lên trời, không bơi được ra biển lớn. Không…văn chương. Thôi thì hãy đùa chơi với chữ. Nghiệm lại, những áng văn hay thường bịa nhiều hơn thực. Cái hay khó tách lìa khỏi cái bịa! Nói bịa, nghe bôi bác.

Xin nói lại: Hư cấu.

Hư cấu chẳng là bịa sao, nhưng nghe đã hơn nhiều! Vì sao? Có lẽ vì chúng là…chữ.

Chữ đuổi bắt nhau, vật lộn nhau ngay trước mắt nhưng ta không hề thấy. Ngược lại, ta nghe, ta ngửi. Y như những con chữ có thể bốc lên, tỏa ra. Nghe có hơi. Tôi gọi là hơi chữ (…)

Ấy vậy mà vẫn không thoát nợ với chữ, với nhà văn Phùng Nguyễn…

(…) Chữ không là những cái xác nằm bẹp dí trên trang sách, như chúng vốn nằm trong các cuốn từ điển, mà chúng trở thành những sinh vật biết ngọ nguậy hay biết nhảy múa. (…)

Ấy đấy khởi đầu ngọ nguậy viết thư tình, viết truyện tình. Đến cái tuổi quy khứ lai từ, những người tình lần lượt rủ rê nhau trốn vào quá vãng. Thất tình, ngộ chữ tôi tỏ tình với chữ nghĩa. Bây giờ ngộ chữ tôi chỉ còn “người tình chữ nghĩa”. Trăm tội ở nhà văn Henry Lewis Mencken súi dại: “Viết văn cũng như làm tình”. Bởi lý do thồn thỗn ấy vào một ngày mây đơ đơ nắng ong ong, ngộ chữ tôi làm một đám cưới rất thương tâm với…người tình chữ nghĩa.

(…) Tôi mê muội chữ nghĩa đến độ nhìn cái gì tôi cũng thấy ra hình chữ. Ngay cả vợ tôi cũng xuất hiện dưới mắt tôi như một con chữ ngọ nguậy. Con chữ ấy nói chuyện với tôi, cơm nước cho tôi, săn sóc tôi, vuốt ve tôi, hờn giận tôi. Con chữ ấy quằn quại và lâu lâu lại rên lên khe khẽ dưới bụng tôi. Ðến khi con chữ ấy bỏ tôi ra đi, ngồi một mình trong căn nhà lặng ngắt, tôi mới thấy, thấp thoáng từ xa, thật xa, hình ảnh thật, bằng xương bằng thịt…

Lần đầu, tôi làm tình với chữ nghĩa. (…)

Ngày tháng như quạ bay ta nghiêng tai nghe lại cuộc đời, chợt hãi hùng hoàng hôn trờ tới: Ngộ chữ tôi hoá thân thành…lão. Đến niệm khúc cuối đây, lão mang nỗi ám ảnh khôn nguôi: Viết văn trở thành một cách hành lạc đau đớn của những người bị bất lực.(Nguyễn Hưng Quốc). Cho đến ngày vợ lão vào chùa quy y ăn chay niệm Bụt, nhằm vào lão hong hanh ở cái tuổi bóng ngả đường chiều. Lão mới ngộ chứng ra: Nhà văn là gì. Nhà văn là “làm sương cho sáo”, nôm là làm sao cho sướng, bằng cách thủ dâm với chữ nghĩa. (James Joyce).

***

Từ ngày hoá thân thành lão…Lão nhập hồn nhập vía cùng ngày trời tháng Bụt, khi trưa phơi sách khi chiều tưới cây, trong cõi mụ mị lão gõ chữ như mõ sớm chuông chiều từng dấu phẩy, dấu chấm, để cho ngòi bút đẩy đưa như bèo dạt nổi trôi về…một bến cô liêu.

Lão mường tượng mươi năm sau, chiều đến, cũng ở chỗ ngồi cũ, tay điếu thuốc, tay ly rượu, lão ngồi rị mọ đọc lại dăm trang sách cũ vàng ố có tựa đề Một chút dối già để tìm thời gian đánh mất. Cho đến lúc bóng ngả đường chiều phủ lên vườn nhà, nắng quái chiều hôm chụp xuống cái tuổi lá xanh lá vàng. Lão nhẹ dần theo mây khói với ngày qua tháng lại, không còn biết mình đang ngồi đây hay mây đang bay trên trời cao trong những ngày nhạt nắng…

Nay xin thưa.

Thạch trúc gia trang                                                        

      Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

Tủ Sách T.Vấn & Bạn Hữu

30 tac pham-11-2017

©T.Vấn 2020

Bài Mới Nhất
Search