T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Captovan: Tâm Sự Nàng Bông-Xô.

                 

(Ai giầu óc tưởng tưởng tượng thì không nên đọc)

Chúa Nhật vừa qua, tôi đi chợ trời Golden West, Westminster thì bất ngờ gặp hai cô bạn gái người Mỹ đang ngồi trong một căn lều bán vật dụng nhà binh cũ. Hai cô này đã từng tình nguyện sang Việt Nam chiến đấu và từng chung vai sát cánh với lính chiến nên thoáng trông là tôi nhận ra họ ngay. Nhưng chưa vội ra mắt chào mà đứng quan sát những người bạn cũ xem có gì thay đổi. Cô em là chuyên viên làm việc nhẹ, còn cô chị thì đa năng đa tài gánh vác nhiều trọng trách.

Cả hai cô tuy có già đi đôi chút, nhưng vẫn đẹp và hấp dẫn như ngày nào, da cô chị tuy có dăm ba nếp gấp và vết chân chim bên khóe mắt nhưng nước da hồng quân, nước da biểu hiện nhiệt tình và đầy sức sống. Còn cô em thì vẫn mặt hoa da phấn, một làn da mềm mại như nhung. Tuyệt vời nhất là nếu lạnh mà chạm vào em thì ấm, hè nóng bức mà rờ tới cô nàng thì mát rười rượi.

Đang nhìn trộm hai cô cho mãn nhãn, thỏa lòng thì có một anh chàng gốc Á, trông có vẻ Việt Nam lắm đến thì thầm to nhỏ già cả gì đó rồi chàng móc bóp trả tiền và cầm tay cô em đi kéo đi! Tên Mỹ của cô em là gì tôi không nhớ nhưng phiên âm ra tiếng Việt thì hình như là Bông-Xô-Lai, còn cô chị thì vẫn ngồi đó. Càng tốt, tôi mến cô chị hơn, tuy không xinh bằng em nhưng đã giúp đỡ và săn sóc lính chiến nhiều lần. Nhân cơ hội vợ cho đi một mình nên đây là dịp may, là lúc phải nhào vô, kẻo lại có người đến dẫn cô đi thi hỏng việc. Tôi tiến vào bắt tay cô, da tay cô mềm và mát lạnh:

_ Hi Cô Bông..! How are you?

_ Hi, How are you?

Lạ nhỉ? Trả lời kiểu “trớt-guớt” này chắc là cô ta không nhận ra mình rồi!

_ Don’t you remember me?

_ Sorry. Who are you?

Quê biết chừng nào! Một ông già Việt mà nhận cô gái Mỹ là bạn cũ rồi bị hỏi ngược lại “ông là ai” thì chán quá! Nghề này tôi từng dùng khi còn là học sinh, hễ thấy cô nào đẹp là lẽo đẽo đạp xe theo sau rồi vọt lên sánh vai hỏi:

_ Hê-lô hoa khôi Nga (Tuyết, Mai, Lan, Cúc, Trúc), khỏe không em?

_ Ông là ai?

_ Anh là Hùng (là Phước, Miên, Giáng, Chiến, Cường, Dương v.v..) bạn cùng lớp cùng trường Gia Long với em trước đây mà

_ Xin lỗi ông, tôi chưa bao giờ biết ông, trường GL không nhận quỷ sứ.

Ngày đó muốn tán ai thì cứ gọi cô ta là hoa khôi, nếu bị từ chối thì gọi là hoa còn “khôi” thì bớt đi chữ “K” rồi nhe răng cười, không quê tí nào mà còn tiếp tục hỏi nhiều cô nữa, may ra trúng tên thì trúng tủ. Nay thì khác rồi, một già một trẻ lại khác màu da, mà bị hỏi “ông là ai” thì kỳ quá, nhưng cũng cố gỡ gạc dùng ngôn ngữ quốc tế song song với tiếng Việt cho dễ hiểu:

_ My name is Vanto, TQLCVN, là lính chiến đã từng sát cánh với em nhiều lần rồi mà, từ Đông Hà tới Cà Mâu và 7 giờ sáng ngày 29/3/75 tại bãi biển Non Nước Đà Nẵng, anh và em ôm nhau bơi ra tàu Hải Quân đó, nhớ không?

_ Oh yes. Em nhớ ra rồi, sáng hôm đó chúng mình cùng bơi ra biển, nhờ phổi em to, ngực em lớn chứa nhiều không khí nên em nổi bập bềnh và anh bám vào lưng em nên hai ta cùng lên tàu được, còn một số khác thì chìm! Đau đớn quá anh nhỉ, trong khi đó thì những Mr BIGSHIPS lại nhởn nhơ như cỡi ngựa xem hoa ngoài khơi. Thôi tạm gác chuyện buồn sang một bên, mình ôn lại những kỷ niệm vui. À mà quý danh anh là gì nhỉ? Sorry nha, tên các anh tiếng Việt khó nhớ và khó viết quá, anh nào cũng tovan, tranvan, levan, nguyenvan v.v.

_ OK, tell me about your cuộc đời và những kỷ niệm vui buồn kể từ khi em sang VN và sát cánh chiến đấu cùng các anh trên khắp các chiến trường.

_Tụi em sinh trưởng và lớn lên tại Mỹ, nhưng thực ra tổ tiên em là người Việt, dòng họ “Aotoi”, em sẽ kể lai lịch gốc gác sau. Khi chiến tranh VN bùng nổ thì tụi em được lệnh sang VN để sát cánh cùng các anh, nhiều nhiệm vụ khác nhau, thành phần tham gia trực tiếp chiến đấu là các cô Garant-Emot, Carbine-Emot, Carbine-Emhai và sau cùng là các em trẻ tuổi hơn, chừng 16, cũng đôi khi có mấy bà già 79 v.v.. còn tụi em thì thuộc thành phần yểm trợ, cung cấp nơi ăn chốn ngủ, lo giường chiếu chăn mền cho các anh

Thấy cô ta có vẻ vui tính nên tôi ngồi xích vô, tay xoa xoa cái vai mà ngày xưa đã từng vỗ về rồi gợi chuyện để nghe cô tâm sự:

_Vậy thì em kể anh nghe nhiệm vụ của tụi em là làm những việc gì nào?

_ Ngay từ khi các anh vừa gia nhập quân đội là tụi em phải theo sát rồi. Dù quân trường Rừng Cấm, Quang Trung, Đồng Đế, Thủ Đức hay Võ Bị thì cứ một kèm một, nhiệm vụ tương đối nhàn, thông thường các anh đi bãi tập thì tụi em ở lại doanh trại, ăn mặc gọn gàng, tắm rửa sạch sẽ, son phấn nghỉ ngơi sẵn sàng chờ đợi các anh về. Nhưng lợi dụng lúc các anh không có mặt là mấy ông niên trưởng hay cán bộ, những ông trời con, đến phòng tụi em ve vãn, mắt láo liên nhòm ngó. Hễ thấy em nào phồng phồng phốp pháp là các ông xông vào nắn nắn, bóp bóp, thậm chí còn thọc tay vào xem tụi em có độn gì bên trong không. Của đáng tội là nếu em nào độn, dù trên hay dưới thì các anh tân khóa sinh bị phạt chứ tụi em thì vô can, chắc vì cán bộ hay các niên trưởng ghen

Có hai kỷ niệm đáng nhớ nhất hồi ở quân trường, đó là lúc anh khổ thì em đồng lao cộng khổ, còn khi anh sung sướng thì em bị vùi hoa dập liễu.

_ Nghe sao mà hấp dẫn thế, nói cho rõ xem nào?

_ Lúc anh còn là khóa sinh, khi bị phạt đứng ngoài nắng thì các cán bộ cũng bắt em đứng chung với anh cho có đôi! Khổ hơn nữa là em phải bao bọc anh để che nắng cho anh, em dương mặt với trời, nắng cháy da khô cổ họng, còn anh ở bên trong thì nước non dầm dề, ướt cả quần lót lẫn áo ngoài, thế có chán không. Người thì dư nước đổ ra kẻ thì bỏng da khát khô cổ họng.

Nhưng ngược lại, sáng Chủ Nhật khi anh sướng thì em vẫn khổ. Trong lúc còn là tân khóa sinh, các anh chưa được đi phép thì Chủ Nhật thân nhân và người yêu được phép đến thăm, các anh thường dẫn em đi theo phòng khi khu tiếp tân chật chội ồn ào thì chúng mình rủ nhau ra bãi cỏ, bụi cây bày tiệc ăn uống, hú hí, các anh càng sướng thì tụi em càng khổ.

_ Tầm bậy nào, làm gì có chuyện đó?

_ Tại anh không để ý đó thôi. Này nhá, anh nào càng đông người đến thăm nuôi thì em càng khổ, mọi người đè đầu cỡi cổ tụi em, gà luộc, sôi chiên, chả lụa, bánh mì bày ra la liệt, tụi em không được một miếng thì thôi lại còn bị ngậm xương, dính mỡ, rồi kiến bu, kiến cắn, vừa ngứa vừa nhột vừa đau, vừa rát! Khốn khổ hơn nữa là khi xôi thịt vào ắt phải lên men, lên men ắt sinh khí, tức khí thì vỡ bờ, xì ra thế là tụi em lãnh đủ! Ôi những tràng súng hơi, không điếc tai mà điếc lỗ mũi. Nghĩ lại mà coi xem có đúng thế không?

Nếu chỉ có một mình người yêu đến thăm các anh thì tụi em đỡ vất vả hơn, nhưng nhiều khi mắc cỡ đến đỏ mặt. Lúc đầu thì anh chị còn tử tế dìu em ra chỗ vắng, em lịch sự quay đi và đứng che mắt cú vọ của mấy ông cán bộ niên trưởng dùm anh chị. Nhưng khi hăng tiết vịt lên thì đẩy em vào bụi rậm, đè em lên bụi tre, gai đâm vào lưng đau thấu xương, có cái miệng thì bị chị ngồi đè lên rồi làm sao mà kêu! Mà có kêu thì chắc gì anh chị đã nghe, để em nằm “mồ côi” một mình.

_Tại sao em lại “mồ côi một mình” bên cạnh còn có 2 người mà?

_ Anh có nhớ bài hát “Về Phép” không?Trong đó ông nhạc sĩ nhân cách hóa giấc ngủ bẳng câu “Đêm lạnh lùng giấc ngủ mồ côi”. Nghĩa là khi về phép thì chàng và nàng thức trắng đêm, không ai ngủ cả, bỏ giấc ngủ một mình nên nó mồ côi. Ở đây cũng thế, cả tuần, cả tháng mới gặp nhau nên dù có đem em theo thì cũng chỉ để làm trái độn, lót đường, có ai chú ý đến em đâu! “Mồ côi” là vậy.

Nhiều khi nhìn thấy anh chị hôn nhau mà em mắc cở muốn chết. Xong việc đứng dậy, túm đầu túm tóc em rũ rũ khiến chân tay em muốn lìa ra, rồi cuộn em lại, may mà xương sống em mềm, nếu không thì cũng gẫy rồi. Tuy nhiên em vẫn không than phiền, miễn sao anh chị hạnh phúc là em vui rồi. Không có em che mắt cán bộ dùm thì các anh tiêu đời rồi.

_ Đời sống quân trường là thế còn đối với lính chiến thì sao?

_ Khi các anh ra đơn vị chiến đấu, đây mới chính là lúc chúng mình cùng vui cùng khổ. Nói cho thực tế thì lính chiến nào mấy khi vui đâu? Người ta nói “niềm vui chiến thắng” là vui ở chỗ khi vũ khí các anh lính thu được càng nhiều thì công trạng từ trên ban xuống càng cao, nhưng qua nhiều cửa, lọt “sàng” tới “nia” thì chẳng còn bao nhiêu, họa chăng là mấy cái bé tẻo-tèo-teo. Cái không teo được, cái to lớn còn lại là những nỗi buồn mênh mang bên xác đồng đội!

Thí dụ như trường hợp anh Nguyễn Văn Đá cùng người bạn nối khố từ hồi học sinh là Đấm, rủ nhau vào lính, Đá vừa mới tử trận đêm qua sau khi cùng Đấm lao vào mục tiêu. Vậy thì Đấm có cười được không khi đứng nhận ngôi sao đồng? Trong tiệc mừng chiến thắng, Đấm cười sao được khi cầm chai bia mà tu? Các anh tu chứ không uống, vừa tu vừa cười sặc sụa, đó là biểu hiện thái độ đau đớn nhất. Người ta nói “cười ra nước mắt” là thế! Đời lính tác chiến  đ..vui bao giờ cả.

_  Hey Bông-Xô! Calm down, calm down. Em là gái mà sao hot thế! You hot you say so, ok? Đó là quy luật chiến tranh, mọi quân nhân phải chấp nhận như thế, phải hiểu và bằng lòng với nhiệm vụ mình, vị trí của mình và “nhất tướng công thành vạn cốt khô” là chuyện đương nhiên, miễn sao  “sao” đừng khô trái tim, đừng khô tấm lòng và đừng quên ngôi sao từ đâu tới, từ đâu mà có là được rồi. Đã quên cốt khô suốt 35 năm trời nay, bỗng giật mình thức giấc, như đồ cổ trong tủ kính được mang ra bán, sai quần thần lập đàn chay cho “sao” nói lời cám ơn thì “bà tú đễ” quá.!

Sorry Bông-Xô, anh cũng dễ hót khi nhắc chuyện trăng sao thời kỳ mạt vận. Thôi, hãy quên chuyện buồn quá khứ đi, nói chuyện vui khi em và các anh ăn nằm với nhau ra sao, như thế nào đi, già rồi nhắc chuyện yêu đương tuổi trẻ thời chinh chiến cho đỡ nhớ.

_ I never eat, I always nằm với và nằm dưới các anh.

_ Thôi, em nói tiếng Việt đi cho dễ hiều, tiếng Mỹ anh ăn đong, em nói thế làm những anh có óc tưởng tượng phong phú dễ hiểu lầm. Anh biết gốc gác em là VN, em có biết gì về dòng họ “aotoi” nhà em không?

_ Nghe Dady em nói ông bà cố em ngày xưa ở miền Bắc, tên là Trần Như Áo Tơi, rất giản dị và nghèo nàn, vài miếng lá nón, bẹ chuối ghép lại là xong, chỉ làm việc khi mưa nhỏ, gió chiều nào che chiều đó, che được phần trên thì lòi phần dưới, không đầu, chân tay cũng không nên mưa to là ướt hết. Sau 1954 di cư vào Nam thì thay da đổi thịt, lá nón thay bằng nylon, thêm đầu thêm tay nên dẫu có mưa to cũng đỡ hơn thời áo tơi vói nón lá, vì vậy các bà thường khen:

“Trời mưa thì mặc trời mưa, chồng tôi đi cày bừa đã có áo tơi”.

_ Anh đề nghị Bông-Xô nên chú ý điều này, miền Nam thì gọi là áo mưa, miền Bắc gọi là áo tơi. Nhưng câu trên, dù là Nam hay Bắc thì cũng phải luôn luôn  viết là áo tơi, nếu đổi thành “áo mưa” thì rất dễ hiểu lầm với sản phẩm của công ty Henri  Ca-bốt-Lốt, nhất là hai chữ “áo mưa” lại đi theo câu “cày bừa” là nguy hiểm lắm đấy.

_ Nghĩa là làm sao? Anh nói rõ cho Bông em nghe tí đi.

_ Theo nghĩa nhà nông, “đi bừa” có nghĩa là con trâu (không phải Trâu Điên) đi trước cái bừa theo sau. Cái bừa có hàm răng thưa bằng sắt đùng để nhai đất cho nhuyễn ra mà gieo mạ cấy lúa. Còn theo mấy anh hùng tuổi trẻ bạt mạng thì  sung sức “cày bừa” là nhắm mắt ủi bãi bừa bãi, dù nắng dù mưa cũng không cần áo mưa, uống café đen, đái ra café sữa đã có ông thầy lang ..lo.

_ Tiếng Việt của các anh rắc rối và phong phú quá, nghe anh giải thích mà em chẳng hiểu gì cả! Vì vậy xin các anh đừng tưởng tượng linh tinh khi em thuật lại cuộc đời thân gái mười hai bến nước đã từng ngủ với nhiều anh lính chiến. Còn lính văn phòng lính thành phố thì tụi em chê.

_ Bông-Xô em! Nên ăn nói cẩn thận kẻo mích lòng nhau, nhất bên trọng nhất bên khinh. Nếu Bông có khinh ai thì cũng nên giữ kín trong lòng. Kể chuyện nằm với lính đánh giặc nghe coi.

_  Các anh lội ruộng, vượt suối băng rừng, leo lên đồi, bò lên núi tìm địch mà còn cõng em theo, tình nghĩa keo sơn biết là chừng nào nên khi các anh muốn ngủ thì dù là gò mả, bờ mương, vũng nước, đám sình, cỏ mục trong rừng sâu v.v.. bạ đâu cũng là giường, các em sẵn sàng  trải ra để các anh nằm lên là mọi chuyện êm xuôi, cứ việc ngủ say sưa. Đời lính chiến luôn thiếu ngủ, tức ngủ không đủ, vậy thì dẫu cho đỉa từ dưới chui lên, muỗi từ trên phóng xuống, hay lũ vắt núp trong lá mục chui vào quần các anh mà hút máu thì cũng đếch sợ, cứ ngủ. Máu lính chiến là “hăng máu” chứ đâu phải máu dê để bị hy sinh mà tế thần ..tài. Khi lính chiến đang ngủ giữa khách sạn ngàn sao mà trời mưa thì cứ yên tâm mà ngủ tiếp vì đã có tụi em ôm lấy anh, chùm lên anh, và ca vọng cổ:

_ Trời mưa thì mặc trời mưa, chàng cứ ngủ say sưa, đã có em .. ứ ư .rồi”.

_ Các em đã chu đáo miếng ăn giấc ngủ cho anh lính chiến, nhưng có bao giời em “sang sông” để bị các ảnh cho viên đạn đồng làm kỷ niệm không?

_ Sang ngang hay “sang sông”  không phải là của các em mà là của các chị gái hậu phương! Chúng em với anh lính chiến thì lúc nào cũng như đũa có đôi, cùng sang sông một lúc. Thế này nhá, đứng trước con sông chắn lối ngăn đường, lệnh trên là phải vượt qua, nếu không có tàu bè thì các anh đừng có lo, đã có chúng em đây. Dù súng dài, lựu đạn to nặng cũng chỉ cần các anh tụt giầy là đủ. Ví, bóp, xách tay,  túi đeo lưng v.v.. tất cả giao cho em rồi anh cột chặt giải rút lại, khi qua sông anh chớ có đè hay cỡi lên em mà chỉ nên vịn hờ vai em để chúng ta cùng qua, Nhớ kỹ một điều là giải rút em đã cột chặt rồi thì đừng có mó máy vào, nó mà tụt ra là đôi ta cùng thác đấy.

_ Sang sông thì dễ, còn vượt biển thì các em làm sao?

_ Tụi em không có vượt biên, vượt biển, và cũng chẳng bao giờ “vượt biển một mình” như các chị nhà, vì theo Cọp Biển nên nhất định không ra biển mà chỉ từ biển đổ bộ vào bờ. Vả lại “đi biển một mình” thì thân gái mong manh, sóng gió ba đào vùi dập tụi em chịu gì nổi. Chỉ có một lần duy nhất là lội từ bờ ra tàu HQ ờ bãi biển Non Nước Đà Nẵng vào sáng ngày 29 tháng 3 năm 1975. Sáng hôm đó sóng lớn quá, có mấy anh dùng xuồng Zodiac bị sóng rút ra xa xong rồi hất lên bờ trở lại, một số các anh Cọp Biển đeo phao choàng qua cổ, tưởng chắc ăn, nhưng càng nổi thì càng bị sóng dập vùi, kéo ra xa, rồi xô lại vào bờ, hất tung lên bãi cát thế là chết ngộp. Anh nào đi với tụi em thì tạm thành công. Cũng áp dụng theo luật vượt sông, chỉ nổi bập bềnh, khi sóng lớn ập đến là ôm nhau lặn xuống nên không bị đẩy trở lại. Cứ như thế, từng bước từng bước dìu nhau mấp mé mặt nước mà chúng em cùng các anh đã ra được tầu đậu cách bờ khoàng 200 tới 300m.

_ Nói điều này có vẻ dị đoan khôi hài, nhưng thiên hạ đồn rằng vì Bông-Xô em láng quá nên hay mang lại điều không vui, xúi quẩy cho anh em.

_ Tầm bậy nào, cũng nhiều lúc hạnh phúc ra phết lắm  đấy chứ, em nhớ đã đọc được ở đâu một câu tiếng Việt khá hay như sau:

“Không có gì sung sưóng cho bằng đắp chăn nằm ngủ mà nghe mưa gió ở ngoài”.

Mưa to gió lớn bên ngoài mà đắp chăn nằm trong nhà rồi cũng mây mưa là chuyện của hậu phương, cỏn chúng em đang đi hành quân trong rừng trong núi thì có cái hạnh phúc khác. Mưa rừng dễ sợ lắm, cứ ào ào như thác đổ, gió hú từng cơn mà anh lính chiến vẫn phải chịu ướt mà đi, lầm lũi băng rừng vượt suối tiến về mục tiêu. Nếu MT không có gì mà được lệnh dừng quân thì là lúc hạnh phúc nhất đời. Hạnh phúc lính chiến đơn giản thế thôi

_Thế nào? Nói nghe coi.

_ Này nhá, khi được lệnh đóng quân, nhiệm vụ của tụi em là căng lều, mắc võng, khi các anh trải quân, hầm hố xong xuôi, trở về lều, tụt quần áo ướt ra rồi leo lên võng, em gái Bông-Xô-Lai nằm chờ sẵn đó rồi. Thế là họ quấn vào nhau còn em đứng ngoài che mưa. Chưa hết đâu, một chị Café nóng, một cô Ruby Quân Tiếp Vụ đến tăng cường, anh lính chiến mỉm cười rung đùi, mi Café, hít Ruby rồi lấy hình người yêu ra ngắm. Rít một hơi thở khói vòng tròn làm khung cho hình người tình hậu phương mà quên tụi em bên cạnh. Cái hạnh phúc nhất đời anh lính chiến và em Bông-Xô chỉ đơn giản có thế thôi. Khi người yêu “sang sông” thì ông nhạc sĩ đòi tặng viên đạn đồng làm kỷ niệm! Sao nỡ ác thế! Lính chiến thì không, mất em hậu phương thì còn em Bông-Xô, em Garant, em Carbin, em Grenade Mini trơn láng, em Hai Sáu xù-xì, em Bẩy-Hai lòng rộng, em Sáu-Mươi và em Tám-Mốt với cái những bàn tiếp hậu hai anh ôm cũng mệt. Chưa kể  em Bốn-Tám và Một-một-ba, bao nhiêu anh lính thì em 113 cũng cân hết

_ Chung tình như thế ắt hẳn là em và anh lính chiến sống chết có nhau?

_ Dĩ nhiên, anh hỏi thì em phải trả lời chứ đây là điều đáng buồn nhất. Người xưa có nói “da ngựa bọc thây”, bây giờ thì Bông-Xô bọc thây.

Tại sao phải bọc thây mà không có “hòm gỗ cài hoa” với hai hàng nến trắng, vòng cườm bao quanh, hàng quân danh dự bồng súng canh chừng? Tại vì anh là lính chiến, là lính ngã xuống tại chiến trường, tại mặt trận thì không bao giờ toàn thây cả! Nhẹ thì đạn đồng xuyên qua óc, máu phun có vòi! Tệ hơn thì đứt tay gẫy gọng, cụt chân, bay hòn dái, tệ hơn nữa thì banh thây! Tất cả chỉ xẩy ra trong chớp mắt! Cha đâu mà đọc kinh cầu nguyện! Sư đâu mà tụng kinh gõ mõ! Toàn là những thứ xa xỉ phẩm. Nằm đó mà chờ quan tài à! “Quan tài” nào lại ra trận? Nằm đó mà chờ áo quan ư! Quan áo mũ xênh xang, cầm “can”, lon với lá thì không thích ra trận. Nằm đó mà chờ thì không cọp tha cũng ma bắt, ruồi bu kiến cắn, phơi nắng dầm mưa không rữa thì cũng sình! Thôi thì “có rau ăn rau, có mắm mút mắm”, Bông-Xô tụi em hy sinh gói các anh lại.

Tại sao lại gói? Nhiều anh trúng pháo phân thân, dẫu cho có gom góp thịt xương nát tan cùng cỏ cây đất đá thì cũng chưa đủ một xách tay! Thôi thì tượng trưng, chết là về với đất, ai cũng như nhau cả. Buồn là buồn cho thân nhân còn sống, đau là đau cho quả phụ với nghĩa phu thê, chồng tôi chết mà sao không toàn thây? Cứ phải hy sinh đến như thế mới trả hết nợ nước hay sao?

Bông-Xô em ôm xác anh không quản ngại tanh hôi, máu anh đổ ra là máu anh hùng, danh thơm muôn thuở. Bông-Xô ôm anh cho trọn tình đồng đội để chờ di tản, chờ trực thăng đến đón, xếp hàng nối đuôi chờ tại phi trường, chẳng cần phủ kỳ, cũng chẳng cần điếu văn với kèn trống. Chi xin “ơn trên” ban cho anh 6 tấm, 4 dài, 2 ngắn mà đời mỉa mai là anh được thăng quan sáu. Người ta cầm cặc-táp, đảo chánh, chinh lý mà lên quan sáu, còn anh 6 tấm mà sao lại còn bị mỉa mai!

Chưa hết anh ạ, có ông nhạc sĩ sáng tác lời ca “người chết hai lần”, tưởng là đùa, nhưng thật đấy, thật 100%. Nếu anh có dịp ghé ngang Cồn Tiên và đồi núi vùng Trị Thiên giới tuyến thì sẽ thấy đồi trọc vì pháo địch, cổ thụ còn bị tróc gốc thì những Mũ Xanh, Mũ Đỏ, Mũ Nâu gói trong Bông-Xô hàng hàng lớp lớp chờ về đoàn tụ thì lại bị pháo lần thứ hai, thứ ba, thứ tư. Chết nhiều lần chứ đâu chỉ có hai! Chưa hết, gói các anh rồi mà chưa có trực thăng tải thương là ròi bọ bò ra làm tụi em nhột nhạt khó chịu lắm

_ Thôi thôi, nghe em kể sao mà ghê thế. Chào em anh về.

_ Ơ kìa, thế anh không cho em theo à, ít ra cũng đãi em ly café chứ. Anh quả là người đáng khinh vì mau quên quá khứ. Không lẽ giờ đây tha phương cầu thực, dư cơm thừa cá, lên xe hơi, xuống xe bus, cửa garage tự động mở cho anh chui vào, đầu không chạm mưa, chân không dính đất rồi đành quên em Bông-xô này sao? Anh quên đồng đội  đã đành mà anh lại quên cả chính anh! Những người như các anh thì..

_ Thôi mời anh xéo, em đếch cần.

Bông-Xô & Poncho-liner kính bái

Phila Tô

 

 

©T.Vấn 2011

Bài Mới Nhất
Search