T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Với nắng vàng và âm nhạc: ra mắt tuyển tập ‘Tiếng Hát Thu Vàng’

blank

Với nắng vàng và âm nhạc ra mắt

tuyển tập ‘Tiếng Hát Thu Vàng’

Nguyên Giác

  Chiều Thứ Bảy 11/9/2021, khi nắng rơi xuống rất vàng, nhiều văn nghệ sĩ đã tụ hội để giới thiệu tuyển tập  ‘Tiếng Hát Thu Vàng’ — một tác phẩm với bài viết của khoảng 40 nhà văn, nhà thơ, nhà giáo, nhà báo, nhạc sĩ và họa sĩ ghi nhận cảm nghĩ về tiếng hát của nữ ca sĩ Thu Vàng. Tổ chức tại thị trấn Garden Grove, nơi vườn và nhà của cặp vợ chồng Hiền-Hoa rất nghệ sĩ — nơi anh Hiền, khi được men rượu làm cho ngày thêm vui đã thổi saxophone nhiều bài, và chị Hoa, cũng là một tay đàn khiêm tốn, tinh tế.
Cũng rất tình cờ, chị Phan Dụy đi công việc từ Texas qua, được mời làm MC cho chương trình văn nghệ thân mật này. Ban tổ chức là Lê Lạc Giao, Phan Tấn Hải, Tô Đăng Khoa. Hiện diện trong buổi giới thiệu tuyển tập có nhiều văn nghệ sĩ, trong đó có Nguyễn Thị Khánh Minh, Tràm Cà Mau, Chân Huyền, Diệu Trang, Thành Tôn, Phan Thanh Tâm, Nghiêm Phú Phát, Diễm Uyên, Nguyên Khai và phu nhân, Phan Chánh Khánh, Phạm Quốc Bảo, Trịnh Y Thư, Thái Hoàng, Trung Nam, Thu Thủy, Yến Tuyết, Trúc Chi và phu nhân, Doãn Hưng và phu nhân, Michael-My Nguyen, Thân Trọng Nhân và một số thân hữu khác.

Khi bản tin này chưa viết ra, ngay hôm sau buổi văn nghệ, nhiều bạn văn tại nhiều nơi trên thế giới đã biết tin, qua lời kể của chị Ngô Thu Thủy trên Facebook, trích:

Buổi ra mắt sách Tiếng Hát Thu Vàng đầu tiên.

Đây là một tuyến tập nhiều bài viết về Thu Vàng, tiếng hát có một không hai ở thế kỷ 21. Tác giả là các nhà thơ, nhà văn, nhà báo, nhạc sĩ, v.v, đương thời đã viết và đăng bài rải rác trên các báo, tạp chí trong những năm tháng qua.

Chúng tôi đến tư gia của anh Lê Lạc Giao, người tổ chức buổi tiệc ngoài trời.

Nhân dịp được nghe tiếng đàn guitar rất hay của anh Doãn Hưng, là con trai của nhà văn Doãn Quốc Sĩ, hòa điệu cùng giọng hát đặc biệt hiếm có của Thu Vàng. Rồi lại tương phùng anh Trịnh Y Thư, một người đa tài trong giới văn nghệ sĩ hiện đại.

Cũng là duyên gặp lại anh hoạ sĩ Nguyên Khai, người quen từ thưở tôi còn 13 tuổi. Và Chị Phương, vợ của anh NK từng dạy cùng trường trung học Nguyễn Thượng Hiền với tôi trước khi vượt biển, vượt biên.

MC hôm nay là người bạn thân thương Phan Dụy, từ Houston đến giới thiệu chương trình.

Chúc mừng ca sĩ Thu Vàng.

Cũng cần thanh minh thanh nga một chút… Chị Thu Thủy vì quá thương, nên viết “Thu Vàng, tiếng hát có một không hai ở thế kỷ 21” hiển nhiên có thể là quá lời. Chị Thu Vàng rất mực khiêm tốn, chưa bao giờ dám tự nhận quá lời như thế. Chỉ nên nói đơn giản rằng, Thu Vàng là một trong nhiều giọng ca vàng, hy hữu.

blankblank
MC Phan Dụy đã trình bày về cơ duyên nghe được giọng ca Thu Vàng. Chị kể rằng ban đầu là người bạn Thu Thủy cho nghe tiếng hát Thu Vàng qua CD, “âm nhạc là chung tình muôn đời của chúng ta. Cảm ơn Thu Thủy.” Phan Dụy nói, thứ nhì là vì anh Lê Lạc Giao “sai khiến, Dụy sang California vì công việc, nhưng anh đặt đâu ngồi đó.” Tiếp theo, MC Phan Dụy cảm ơn anh chị chủ nhà Hiền/Hoa đã cho không gian ấm cúng, thân tình cho một buổi chiều văn nghệ.
Nhà phê bình văn học Tô Đăng Khoa nói cảm nghĩ về Thu Vàng, rằng có nói gì đi nữa cũng không đủ, cũng như chở củi về rừng, so với những lời các nhà văn đã viết trong tuyển tập Tiếng Hát Thu Vàng, và dẫn lời nhà văn Đỗ Hồng Ngọc: “Giọng ca Thu Vàng là ở con tim, đi thẳng vào con tim.”

Nhà báo Phan Tấn Hải nói rằng ông có cơ duyên là người quan sát và viết tin nhiều nhất về hoạt động của ca sĩ Thu Vàng nơi hải ngoại. Chỉ nói được ngắn gọn rằng nếu chị xuất hiện thập niên 1960s thì sẽ nổi tiếng hơn, bởi vì xuất hiện ở Miền Nam trong thời 1980s thì tất nhiên là cũng gian nan theo phận nước.

Nhạc sĩ Nghiêm Phú Phát kể về lần đầu nghe giọng ca Thu Vàng, rất ngạc nhiên, rất tuyệt vời, rất hãnh diện, và cũng rất lúng túng vì không biết khi anh đàn đệm dương cầm có chở được tiếng hát đẹp như của Thu Vàng hay không, “tôi nói thật lòng mình.”

blankblank

Ca sĩ Thu Vàng đã cảm ơn tất cả các văn nghệ sĩ hiện diện, cảm ơn tất cả những cây bút đã góp bài trong tuyển tập Tiếng Hát Thu Vàng, cảm ơn tất cả những người đã khuyến khích và quý trọng giọng ca của chị, và đó là sức mạnh để chị làm đẹp cho cuộc đời và nghệ thuật.

.

Tiếp theo, nhà văn Lê Lạc Giao nói về giọng ca Thu Vàng. Trích lời anh nói như sau:

blank

“Hôm nay bằng tấm lòng của mình tôi rất vui và vinh hạnh được nói chuyện cùng các bạn về quyển sách của chị ca sĩ Thu Vàng vừa xuất bản.

Quyển “Tiếng hát Thu Vàng” tập hợp nhiều hình ảnh bài viết về người ca sĩ có giọng hát mang ấn tượng sâu đậm mãnh liệt tâm hồn người nghe. Và cũng qua nội dung tập sách, nhất là cuộc đời ca sĩ Thu Vàng  cho tôi xúc cảm về một thời đã qua, một quãng thời gian đầy ắp bao chia sẻ sâu sắc điển hình một quê hương, một thế hệ con người VN gắn liền với cuộc chiến tranh tương tàn, để rồi khi chiến tranh chấm dứt lưu lạc khắp nơi trên thế giới; và một ngày gặp gỡ nhau trong buổi văn nghệ, nghe một giọng hát rưng rưng nhìn nhau nhận ra “cùng một lứa bên trời lận đận” như câu thơ trong bài Tỳ Bà Hành của Bạch cư Dị.
Tôi không có may mắn làm bạn với chị Thu Vàng thời gian lâu dài như một số các bạn ở đây, tuy nhiên dầu chỉ mới quen biết chưa đến năm năm, tôi cảm thấy mình thật vui sướng  và vinh hạnh làm bạn với người ca sĩ có chất giọng sâu lắng truyền cảm đồng thời là một trong những tiếng hát mà cuộc đời thưởng thức âm nhạc của tôi cho đến ngày hôm nay hết sức tâm đắc.
Thưa các bạn, Âm nhạc là một loại hình văn hóa nghệ thuật, và bản nhạc hay bài hát nôm na là sản phẩm trực tiếp biểu hiện của nghệ thuật âm nhạc. Và tôi vẫn thường tư hỏi nhân loại nếu thật sự thiếu vắng âm nhạc chừng một tháng sẽ như thế nào? Một cách chủ quan, tôi cho rằng số người bị bệnh tâm thần sẽ gia tăng vì khủng hoảng, và nói như thế tôi quan niệm âm nhạc có vai trò quan trọng chừng nào trong đời sống con người chúng ta! Và một hệ luận tiếp theo là những bài hát dù có mặt trên cõi đời này, nhưng không có ca sĩ, ban nhạc để trình diễn thì có cũng như không, thật vô ích và vô dụng. Do đó cuối cùng có thể kết luận vai trò người ca sĩ, người trình diễn âm nhạc quan trọng không kém người nhạc sĩ sáng tác.  Tuy nhiên, trong đời thường tế nhị nhìn chúng ta thấy thân phận người nghệ sĩ nói chung hay ca sĩ nói riêng khá thảm thương. Nếu thái độ người nghe hay thưởng thức âm nhạc tích cực bao nhiêu thì thân phận người hát lại thường tiêu cực bấy nhiêu!

blank

blank
Người ca hát thật sự “cho đời mua vui” thực ra phải đáng trân trọng vì nếu niềm vui hay hạnh phúc con người là món quà quí giá tinh thần mình có được trong và sau khi nghe một bản nhạc do ca sĩ hát, thì giá trị tinh thần toàn bộ có được từ bản nhạc kia không loại trừ ý nghĩa giá trị người ca sĩ  đóng vai trò quan trọng hàng đầu. Và một cách tổng quát, ca sĩ đáng lẽ được trân trọng lại thường không mấy được chú ý một khi buổi trình diễn chấm dứt để rồi sau đó mau chóng lãng quên. Phải chăng tính chất nhẹ nhàng, hời hợt chóng vánh ấy, tự thân đã trở thành thứ định mệnh kiểu “kiếp cầm ca” đặc biệt dành riêng cho người ca sĩ!?
Tôi nói dài dòng chỗ này cũng chỉ để cảnh giác chính mình một thái độ. Tuy quan niệm rõ ràng vai trò của người ca sĩ đi nữa nhưng cũng không khó khăn đánh mất mình trong truyền thống thưởng thức của đám đông.
Nghe một bài hát với tôi trước tiên thấy lại chính mình đôi khi bằng xương bằng thịt, bằng tình cảm đau buồn hay an vui hạnh phúc trên giòng thời gian. Có thể là một quãng kỷ niệm hay một xúc cảm bất chợt thực tại nhưng tất cả trong vận hành tâm thức trở về. Và điều quan trọng mình có được tâm tình, xúc cảm ấy nhờ giọng  hát của người ca sĩ. Qua “Lệ đá Xanh”, ca sĩ Thu Vàng đã cho tôi thấy lại bao tâm tình đau đớn lẫn ngọt ngào cay đắng thời kỳ khó khăn nhất, và không bao giờ quên của mình.

blank

Nghe ca sĩ Thu Vàng hát “tiếng thời gian”, tôi cảm thấy biển lòng phẳng lặng của mình như đón nhận từng giọt âm thanh từ trời cao rớt xuống tạo  nên những con sóng thổn thức, nuối tiếc hay đắm chìm trong hương vị ngọt ngào êm ái một thời vang bóng, rồi cuồng nhiệt thanh xuân của “vọng ngày xanh”, “bến xuân” hay “xuân và tuổi trẻ”.

Phần xúc cảm người nghe ca sĩ hát tùy thuộc cảm quan cá nhân, nhưng tôi xin đọc bốn câu thơ của Hoàng Trúc Ly khi mô tả, ngợi ca người ca sĩ để chia sẻ với các bạn:
Từ em tiếng hát lên trời

Tay xao dòng tóc, tay vời âm thanh

Sợi buồn chẻ xuống lòng anh

Lắng nghe da thịt tan tành xưa sau . . .

Và một kỷ niệm khác: Vào năm 1970, trong một buổi chiều trình diễn văn nghệ tại câu lạc bộ Phấn Thông Vàng trên đường Nguyễn Thông, nhà thơ Văn Nhược Ba sau khi nghe cô ca sĩ sinh viên văn khoa Tường Lan hát bài tình ca của Phạm Duy, anh đã viết:
Ai đã hát đau thương chiều tóc rối

Cho mười phương thiên hạ rủ nhau buồn

Anh muốn chết như mặt trời mất nắng

Máu si tình rờn rợn mãi trong xương

Tôi vinh dự được nghe nhiều lần những buổi trình diễn của chị Thu Vàng, mỗi lần như thế là mỗi lần tâm hồn mình đắm chìm trở lại chặng đời thời gian với nỗi niềm tình cảm riêng tư gắn bó của mình mà điều đó tôi cho là hạnh phúc. Tôi đã nghe chị hát hầu hết những bản nhạc mà tôi thích để rồi nghĩ mình may mắn và vinh hạnh có được người bạn ca sĩ như chị trong  cuộc hành trình một đời thưởng thức âm nhạc của mình.

Cám ơn chị Thu Vàng và tập sách của chị. Và xin cám ơn tất cả các bạn có mặt hôm nay.”

.
blankblank

Đặc biệt, nhà báo Huỳnh Kim Quang ghi nhận qua bài viết nhan đề “Giới Thiệu Tuyển Tập Nhiều Tác Giả Viết Về Tiếng Hát Thu Vàng” — trích như sau:

“Cầm trên tay tuyển tập nhiều tác giả viết về Tiếng Hát Thu Vàng vừa mới xuất bản tại California, Hoa Kỳ, mà chị Thu Vàng nhờ nhà văn và nhà báo Phan Tấn Hải mang đến tặng cho anh chị em trong Tòa Soạn Việt Báo, đọc qua mục lục tôi thấy có khoảng 40 nhà văn, nhà thơ, nhà giáo, nhà báo, nhạc sĩ và họa sĩ viết về tiếng hát của nữ ca sĩ Thu Vàng. Tôi nghĩ tiếng hát của nữ ca sĩ Thu Vàng đã thực sự chinh phục được cảm tình của nhiều người nghe, trong đó có tôi.

Cuốn tuyển tập nhiều tác giả viết về Tiếng Hát Thu Vàng dày gần 250 trang bìa màu và bên trong có nhiều tranh phụ bản màu và trắng đen của các họa sĩ Bé Ký, Cao Bá Minh, Duyên, Lê Ký Thương, Nguyên Khai, Nguyễn Đình Thuần, Nguyễn Thiên Chương, Trương Đình Uyên, Trương Vũ. Họa sĩ Khánh Trường thiết kế bìa, ảnh bìa của nhà văn nhà báo Phan Tấn Hải, với lời giới thiệu của nhà thơ Nguyễn Thị Khánh Minh và lời bạt của Trần Thị Nguyệt Mai.

Các tác giả viết về Tiếng Hát Thu Vàng gồm nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ (đã qua đời năm 2021), nhà văn Trần Doãn Nho, nhà thơ Đặng Tiến, nhạc sĩ Hoàng Quốc Bảo, nhà văn Phan Tấn Hải, giáo sư Nguyễn Châu, nhà văn nhà thơ Hoàng Xuân Sơn, nhà thơ Nguyễn Thị Khánh Minh, nhà văn nhà thơ Đỗ Hồng Ngọc, nhà thơ Du Tử Lê, họa sĩ Nguyễn Quang Chơn, Trần Thị Nguyệt Mai, nhà thơ Trần Trung Đạo, nhà thơ Hoàng Lộc, nhà văn Tô Thẩm Huy, nhà văn Văn Công Tuấn, nhà văn Zulu DC, nhà văn Trương Văn Dân, nhà thơ Luân Hoán, nhà văn Lê Lạc Giao, nhà thơ Lê Giang Trần, nhà văn Cao Kim Quy, nhà báo Huỳnh Kim Quang, họa sĩ Nguyễn Thiên Chương, nhà thơ Vũ Hoàng Thư, nhà thơ Duyên, nhà văn Nguyễn Xuân Thiệp, nhà thơ Trịnh Y Thư, v.v…

blankblank

Trong bài phỏng vấn ca sĩ Thu Vàng do nhà văn Trần Doãn Nho thực hiện, ca sĩ Thu Vàng đã kể về cơ duyên đến với âm nhạc của chị:

“Tôi còn nhớ những năm đầu Trung Học Đệ Nhất Cấp, tôi thích nghe nhạc của chương trình thương mại, thích thú hát theo những bản Bolero. Sau đó ba tôi hướng tôi nghe những bản nhạc xưa do những ca sĩ Thái Thanh, Kim Tước, Mai Hương, Anh Ngọc, Duy Trác… hát, nghe quen rồi dần dần yêu thích. Thời điểm này, tôi được sinh hoạt trong ban nhạc “Tuổi Thơ” ở Hội An do anh Thái Tú Hòa thành lập.

“Anh Hòa và  thầy Lê Khuê, hiệu trưởng trường Nam Tiểu Học, cùng một số anh văn nghệ trong phố đã tập cho bản “Tuổi Thơ” hát những trường ca quan trọng như “Mẹ Việt Nam,” “Con Đường Cái Quan” của Phạm Duy, những bản hùng ca, nhạc thiếu nhi của Hùng Lân, Lê Thương, Phạm Duy… và nhiều tác phẩm giá trị khác. Giai đoạn này thực sự định hình thể loại nhạc tôi theo đuổi đến giờ. Tôi có may mắn được học rất nhiều từ những người thầy rất có tâm này.” (trang 56)

Và chính nhờ được hun đúc bởi những “người thầy có tâm” mà ca sĩ Thu Vàng đã hát bằng cái tâm của chị để được nhiều người yêu thích như chị đã nói trong cuộc phỏng vấn của nhà văn Trần Doãn Nho:

“Nghĩ cho cùng, mọi việc đều đến từ cái duyên cả anh ạ. Cuộc đời đã cho tôi nhiều đau khổ, mất mát nhưng tôi nghĩ, có thật sự kinh qua những đau khổ, mất mát, thiếu thốn thì mới khao khát thương yêu, yêu hết thảy: quê hương, thiên nhiên, con người… Và tôi tin, cái gì xuất phát từ tâm thì sẽ đi vào lòng người.” (tr. 64)

Ca sĩ Thu Vàng đã hát bằng cái tâm và những bản nhạc mà chị chọn lựa để hát là những bản nhạc mà nhà văn Trần Doãn Nho trong cuộc phỏng vấn ca sĩ Thu Vàng nói là “nhạc cổ điển hay nhạc thính phòng,” chuyên chở nội dung sâu lắng, cho nên khi nghe ca sĩ Thu Vàng hát, nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ nói ông đang “nghe kinh.”

“Nghe Thu Vàng hát như nghe kinh

Dịu cơn đau thời buổi điêu linh

Tang thương vẫn trôi song lạc chợ

Ngẫu lục còn chảy đời gập ghềnh” (tr. 52)
Nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ dùng chữ “nghe kinh” ngụ ý tiếng hát của chị Thu Vàng có khả năng làm lắng dịu những đau khổ của “thời buổi điêu linh” giống như kinh kệ có khả năng xoa dịu nỗi đau của kiếp người.

blankblank

Trong bài “Lấp Lánh Sao Mai” là Lời Giới Thiệu CD Dạ Khúc do ca sĩ Thu Vàng hát, nhà thơ Đặng Tiến thì cho rằng tiếng hát của nữ sĩ Thu Vàng là “tiếng hát hồn nhiên, óng ả”:

“Khi xuất thần, những trắc ẩn bỗng thăng hoa thành tiếng hát. Tiếng hát hồn nhiên, óng ả đầy xúc cảm và truyền cảm.” (tr. 69)
Trong bài “Thu Vàng – Một Tiếng Hát, Một Tài Hoa, Một Nhân Cách,” nhạc sĩ Hoàng Quốc Bảo đã viết về giọng ca Thu Vàng như là “tiếng hát đặc thù”:

“Nhưng điều hạnh hữu hôm nay, lại xuất hiện một tiếng hát Thu Vàng, tiếp nối được các đàn chị kể trên. Lắng nghe, ta sẽ thấy, 90% nghệ thuật của Mai Hương, Quỳnh Giao và Thái Thanh như đang ẩn hiện. Một tài hoa kết tinh tự nhiên có một không hai, đến lạ kỳ. Như thu nhiếp cái chung để làm nên cái riêng, làm nên tiếng hát đặc thù cho chính mình.” (tr. 75)

Nhà văn và nhà báo Phan Tấn Hải trong bài viết “Những Đêm Nhạc Thu Vàng” đã nói lên cảm nghĩ thích thú của anh khi nghe nữ ca sĩ Thu Vàng hát:

“Trong chương trình đêm nhạc khoảng hai giờ đồng hồ, tôi ngồi nghe, như quên hết tháng ngày đang trôi. Có phải đây là đêm, sao giọng ca chị Thu Vàng như dường chói ngời ánh sáng của một chiều xuân? Có phải đây là ca khúc Bến Xuân của Văn Cao, sao nghe như nửa đêm có tiếng chim hót lảnh lót trong giọng ca của chị Thu Vàng? Có phải đây là sân khấu của đài truyền hình 57.3 với ánh đèn màu, sao thấy như chen cánh bay vào có một đàn chim trắng vỗ cánh giữa màu trắng của ngõ vàng quỳ.” (tr. 79)

blankblank

Nhà thơ Nguyễn Thị Khánh Minh trong bài “Thu Vàng – Đêm Nay” đã mô tả tiếng hát của Thu Vàng có sức mạnh “đặt người ta vào nơi chốn vừa thực vừa mơ”:

“Tôi biết Thu Vàng có không ít tri kỷ, dù chị ít xuất hiện, chỉ thu đĩa rồi tặng bạn hữu, hoặc hát mê say ở nơi chỉ có bạn thân. Và những người nghe như tôi, một căn phòng vắng, một đêm rất đầy, một nỗi sầu chưa vơi, đó là những hòa âm chuẩn nhất với thánh thót buồn của tiếng hát Thu Vàng. Một âm giọng đẩy đưa người nghe lên nhiều cung bậc cảm xúc, đặt người ta vào nơi chốn vừa thực vừa mơ, và xóa thời gian dưới tiếng rót trong trẻo của âm thanh.” (tr. 112)

Còn bác sĩ và cũng là nhà thơ Đỗ Hồng Ngọc thì kể chuyện ông nhớ về tấm lòng của ca sĩ Thu Vàng trong bài viết “Thu Vàng ‘Vọng Ngày Xanh’.”

“Rằng, không chỉ vậy, ở Thu Vàng còn có tấm lòng. Cái tình. Tôi không thể quên Nguyễn Quang Chơn kể lần Thu Vàng ôm bó hoa vào tận Bệnh Viện ở Đà Nẵng, thăm người bạn thơ của chúng tôi, nhà thơ Phạm Ngọc Lư đang bệnh nặng. Cô ôm vào một bó hoa và hát cho nhà thơ nghe. Hôm đó nhà thơ đã khóc. Những bệnh nhân nằm cùng phòng cũng khóc. Thu Vàng còn thường hát cho bạn bè bất cứ nơi đâu… khi Hội An, lúc Huế, lúc Saigon, và nay Lagi.” (tr. 127)

blank

Còn nữa, nhà thơ Du Tử Lê đã viết trong “Ca Sĩ Thu Vàng Và Đam Mê ‘Lội Ngược Dòng’:

“Bằng đam mê và niềm tin mãnh liệt, Thu Vàng đã tự nguyện tìm về dòng nhạc Tiền Chiến. Sự “lội ngược dòng” của Thu Vàng cho thấy, chí ít cũng là ý thức đáng trân trọng của một tiếng hát, muốn tạo cho mình một nhan sắc riêng. Một chỗ đứng khác, dưới bầu trời trình diễn tân nhạc Việt hôm nay và, ngày mai.” (tr. 138)
Với nhà thơ Trần Trung Đạo trong bài “Tiếng Hát Thu Vàng, Dòng Suối Xanh Vẫn Chảy,” thì tiếng hát của Thu Vàng vẫn mãi mãi trẻ trung như chính tâm hồn của người nữ ca sĩ này:

“Thật vậy, nghe những nhạc phẩm trong các CD của chị chúng ta sẽ ngạc nhiên khi khám phá ra một điều kỳ diệu trong nữ ca sĩ Thu Vàng, đó là thời gian không mất đi khi niềm mơ ước chưa phai. Giọng ca của chị vẫn trẻ trung như mơ ước mãi xanh tươi trong tâm hồn chị.” (tr. 146)
Nhà văn Văn Công Tuấn đã nghe ca sĩ Thu Vàng hát bài “Chiều Về Trên Sông” của nhạc sĩ Phạm Duy mà ngộ ra một điều mà từ 40 năm ông chưa hiểu:

“Hơn 40 năm lưu lạc xa xứ, phải chờ đến khi nghe Thu Vàng hát câu nhạc cuối của bản Chiều Về Trên Sông tôi mới hiểu được tại sao nhạc sĩ Phạm Duy viết như vậy: Bể sầu không nhiều, nhưng cũng đủ yêu!” (tr. 165)
Và còn rất nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà giáo, nhạc sĩ, họa sĩ khác đã trình bày cảm nhận của mình khi nghe ca sĩ Thu Vàng hát đâu đó, từ trong nước cho đến hải ngoại.

Sự thành công của người ca sĩ đến từ giọng thiên phú, có kỹ thuật điêu luyện và biết chọn nhạc phẩm thích hợp cho mình. Qua khoảng 40 tác giả viết trong tuyển tập Tiếng Hát Thu Vàng, cho tôi thấy nữ ca sĩ Thu Vàng đã có đủ ba yếu tố trên. Ngoài ra, chị còn có tấm lòng không những với nghệ thuật mà còn với bạn bè và người nghe. Bởi thế, chị đã thành công và đã được nhiều người yêu thích là điều dễ hiểu.
Mong rằng chị sẽ tiếp tục góp tiếng hát truyền cảm của chị để làm cho cuộc đời lắng bớt những đau thương và khổ lụy.

Cảm ơn ca sĩ Thu Vàng và tất cả nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà giáo, họa sĩ, nhạc sĩ đã viết trong tuyển tập này.”

.

Nơi đây, xin mời độc giả nghe ca khúc:

Chiêu Niệm Khúc

Nhạc và lời: Hoàng Quốc Bảo & Hoàng Khai Nhan

Ca sĩ Thu Vàng

https://youtu.be/MyKIqql5ZIY

.

Hình của Michael-My Nguyen về buổi giới thiệu tuyển tập Tiếng Hát Thu Vàng:

https://photos.app.goo.gl/FzHz8DLMC7Ajcqy29

Độc giả quan tâm, có thể liên lạc với ca sĩ Thu Vàng qua: nguyenthuvang@gmail.com

.

Bài Mới Nhất
Search