T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Chuyện về . . . những chiếc nón cối

Hơn 36 năm sau, nhìn trở lại chiếc nón cối từng gieo kinh hòang cho một nửa đất nước, tôi thấy nó cũng chỉ là chiếc nón mà một nửa đất nước đội trên đầu theo thói quen, theo những số phận lịch sử. Nó chẳng thể là biểu tượng cho sự lừa dối, phét lác mà một số những người đội nó trên đầu chiếm hữu.

Đọc “Những chiếc nón cối” của Ngộ Không Phí Ngọc Hùng, tôi mới sực nhớ mình cũng là dân Bắc kỳ “ri cư”, năm 1954 theo lũ ruồi tái béo lổn nhổn bò xuống tàu há mồm xuôi Nam. Và, tin hay không tin tùy người đối diện, tôi đã từng làm chủ một chiếc nón cối. Ngày ấy, mỗi khi đội chiếc nón cối lên đầu, mặt tôi lại vênh lên với vẻ ta đây.

Hiệp định Geneve 1954 ký kết vào ngày 20 tháng 7, lấy con sông Bến Hải (hay vĩ tuyến 17) làm mốc phân chia hai miền Nam Bắc. Hơn 1 triệu người miền Bắc đã bỏ làng quán xứ sở chạy vào miền Nam để tránh nạn Cộng sản. Gia đình tôi, sau một thời gian định cư ở Cái Sắn (khu kinh tế mới dành cho đồng bào miền Bắc di cư tọa lạc ở Rạch Giá, miền Tây Nam phần), vì nhớ ánh đèn phố thị, bố mẹ tôi lại một lần nữa bỏ mảnh đất vừa mới tạm lập nghiệp lên Sài Gòn sinh sống bằng nghề bán phở rong.

Lúc ấy, bố mẹ tôi thuê nhà ở khu đường rầy xe lửa Trần quý Cáp (bây giờ là Võ Văn Tần). Như phần lớn người miền Bắc di cư, gia đình tôi có đạo. Ngôi nhà thờ gần với chỗ thuê nhà là nhà thờ Huyện Sĩ (góc Võ Tánh và Bùi Chu). Lúc ấy, họ đạo thuộc nhà thờ Huyện Sĩ gồm hầu hết là người miền Nam. Tất cả các vị linh mục phụ trách nhà thờ, các bà sơ, các chức sắc họ đạo đều là người miền Nam chính gốc. Bên trong khuôn viên nhà thờ, có trường tiểu học Đòan Kết, do các bà sơ trông nom. Tôi được bố mẹ cho theo học trường này. Dạo ấy, tòan trường, từ lớp Năm (tức vỡ lòng) cho đến lớp Nhất (lớp cao nhất của bậc Tiểu học), chỉ có mình tôi là Bắc Kỳ (ăn cá rô cây). Tuy con nhà nghèo, ngòai thì giờ cắp sách đến lớp học, tôi còn phải xách cái sô nước rửa bát theo gánh phở rong của bố khắp các nẻo đường Sài Gòn, nhưng tôi học không đến nỗi tệ lắm. Cuối năm, được xếp vào danh sách học trò giỏi, và dĩ nhiên, được lãnh phần thưởng. Ở năm học lớp Ba, trong lúc phần thưởng dành cho những bạn cùng lớp khác (đều là người miền Nam) là sách vở, bút mực, tự điển v..v.. thì phần thưởng của tôi là . . . chiếc nón cối màu trắng. Có lẽ, dưới con mắt của những bà sơ, linh mục điều hành nhà trường vào thời điểm ấy (Sài Gòn những năm 55, 56, 57 . . .), hễ người Bắc là phải đội nón cối. Do đó, họ nghĩ rằng dùng chiếc nón cối làm phần thưởng dành cho thằng học trò Bắc kỳ là phù hợp nhất. Ngay đến bây giờ, khi nhớ lại, tôi vẫn không thể quả quyết được quyết định chọn chiếc nón cối làm phần thưởng cho tôi là một “sự ưu ái đặc biệt” hay là một “hành động mỉa mai” của quý sơ, quý cha nhà thờ Huyện Sĩ. Nên nhớ rằng, Miền Nam vào thời điểm ấy vấn đề kỳ thị Nam Bắc vẫn là một đề tài nổi cộm trong mọi lĩnh vực sinh họat của đời sống.

Dù sao đi nữa, thằng bé Bắc Kỳ là tôi lúc ấy rất hồn nhiên đội chiếc “mũ” cối, tay xách sô nước rửa bát lẽo đẽo theo bố với một niềm hãnh diện mà đứa bé nào ở tuổi tôi cũng đều cảm thấy vì đó là biểu hiện cho sự cố gắng học hành của mình.

Còn đối với người Sài Gòn lúc ấy, nhìn thằng bé Bắc Kỳ với chiếc nón cối hẳn thấy tất cả sự quê mùa, ngô nghê, lam lũ mà chiếc nón cối ấy chỉ làm tăng thêm thành kiến khó gột bỏ trong đầu họ. Mà quả thật là như vậy. Ai cũng có thể hình dung ra sự nhếch nhác tội nghiệp của những con người phải lìa bỏ quê cha đất tổ đi tìm sự sống nơi xứ người, lạ nước lạ cái, lạ cả lời ăn tiếng nói, cách đi cách đứng, phong tục tập quán.

Tháng 4 năm 1975, hơn 20 năm sau, hình ảnh chiếc nón cối mang cùng một ý nghĩa như 20 năm trước. Nó cũng tượng trưng cho sự quê mùa, nghèo khổ mà những người miền Bắc đem vào miền Nam. Hơn thế nữa, nó còn mang ý nghĩa lừa lọc, giả dối, phét lác đối với những người miền Nam từng là nạn nhân trực tiếp của một tập đòan những người đội nón cối.

Những tình cờ cay đắng của lịch sử khiến thằng bé Bắc Kỳ đội “mũ” cối 20 năm trước, nay chẳng những không còn đội nón cối mà còn trở thành nạn nhân mà chiếc nón cối là hình ảnh tượng trưng cho sự ám ảnh của những nhọc nhằn, khốn khổ, mất mát đời mình.

Hơn 50 năm sau (kể từ 1954), nhìn trở lại chiếc nón cối của thời thơ ấu, tôi vẫn thấy thương cho sự hồn nhiên của nó. Nó là biểu trưng cho nỗ lực học tập của một cậu học trò nhà nghèo. Một cách khách quan, nó không thể đồng nghĩa với sự quê mùa, nhếch nhác của hơn 1 triệu người di cư tị nạn Cộng sản năm nào.

Hơn 36 năm sau (kể từ 1975), nhìn trở lại chiếc nón cối từng gieo kinh hòang cho một nửa đất nước, tôi thấy nó cũng chỉ là chiếc nón mà một nửa đất nước đội trên đầu theo thói quen, theo những số phận lịch sử. Nó chẳng thể là biểu tượng cho sự lừa dối, phét lác mà một số những người đội nó trên đầu chiếm hữu.

Vì rằng, không ai có thể tùy tiện phán quyết rằng hễ đội trên đầu chiếc nón cối phải là người mang trong mình những thuộc tính gắn liền với nó như: quê mùa, nhếch nhác, lừa dối, phét lác v..v..

Chiếc áo chẳng bao giờ làm nên ông thầy tu. Ai cũng biết điều đó nhưng lại mặc nhiên cho phép sự trở lại của chủ nghĩa bái vật. Chọn biểu tượng thay cho thực chất sự vật. Chọn thành kiến thay vì nhìn vào con người thực sự.

Vì thế, tôi chẳng ngạc nhiên gì khi ông Ngộ Không, tác giả “Những chiếc nón cối” tiết lộ rằng, khi ông đưa cho một số bạn bè thân quen xem truyện ngắn này, đã có người buộc tội ông là “thân Cộng” ở đọan văn mà tôi đã trích dẫn trong phần giới thiệu cái truyện ngắn hết sức độc đáo của ông. Với họ, những kẻ đội nón cối không thể là những con người tốt được. Vì họ đội nón cối, vậy họ phải là những kẻ xấu. Phe Ta (tức miền Nam) có thể thua phe Nón Cối trên chiến trường, nhưng nhất quyết không thể thua “ở cái tình người” được, như ông Ngộ đã “thú nhận” trong những trang truyện của ông.

Ai cho phép “phe Ta” độc quyền cái “tình người”? Ai cho phép “phe Ta” độc quyền “không đội nón cối” tức không phét lác, lừa đảo?

Ngay cách đặt câu hỏi như vậy đã thấy tất cả sự ngô nghê, quê mùa, dốt nát của người đặt câu hỏi (là tôi). Nhưng hỡi ôi! Dường như tôi không tự mình “đặt” (phịa) ra những câu hỏi đó, mà chính tôi đang một cách hồn nhiên ghi chép những gì tôi đang nghe, thấy, cảm, sờ được ở thế giới quanh tôi!

T.Vấn

29 tháng 6 năm 2011

T.Vấn©2011

Bài Mới Nhất
Search