T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không : Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 44)

clip_image001

A Di Đà Phật

Trong thơ Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu có câu: “Thỉnh ông Phật tổ A-Di”.

“A” có nghĩa là vô. “Di Đà” có nghĩa là lượng.

A Di Đà Phật là tiếng Phạn, là lời niệm mong khi tịch được trở về cõi cực lạc (nguyên nghĩa “vô lượng thọ Phật”). Cũng là lời chào của những Phật tử trong giao tế.

Cây viết ma

Trong ngành viết hồi ký, một bí mật hầu như ai cũng biết, đó là nhiều tác giả những sách viết này không phải là người thực sự viết. Sách của họ do người khác viết dùm.

Nên người Mỹ gọi người viết dùm này là “Cây viết ma”.

(Vũ Thụy Hoàng – Múa bút)

Chữ nghĩa làng văn

Cụ Nguyễn Du tả cảnh Thúc Sinh như thế này:

Thú quê thuần vược bén mùi

Giếng vàng đã rụng một vài lá ngô

“Thuần” đây là rau rút.

(Trà Lũ – Nơi có quê hương)

Truyện ngắn III

Ở nước ta truyện ngắn lối mới kiểu Tây phương bắt đầu từ thế kỷ 20 với Phạm Duy Tốn và Nguyễn Bá Học.

Truyện ngắn của Phạm Duy Tốn là Câu chuyện gia đình (Nam Phong – 4/1918), Sống chết mặc bay (Nam Phong – 12/1919), Con người sở khanh (Nam Phong – 3/1910).

Câu chuyện ông Lý Chắm (Nam Phong – 7/1918) của Nguyễn Bá Học.

Vũ Ngọc Phan nhận xét: “Phạm Duy Tốn với những truyện ngắn của ông là đã đánh dấu một quãng đường văn học nước nhà”.

(Trần Bích San – Văn Khảo)

Giai thoại làng văn

 

Nguyễn Huy Thiệp có tài bịa chuyện như thật. Không phải chỉ trong văn đâu, trong đời sống cũng vậy. Ngày khánh thành pho tượng Phật của anh, anh mời tôi đến đánh chén. Anh hỏi tôi khi đứng ngắm pho tượng: “Anh thấy mặt tượng giống nam hay giống nữ?”. Tôi nói, giống nữ. Thiệp bảo: “Thế là nam tính của anh mạnh. Nếu thấy giống nam là nữ tính mạnh” . Có người lại thấy giống Phạm Thị Hoài.

Hình như càng ngày, Thiệp càng cố tình tạo ra trong tác phẩm của mình những cảnh đời quái đản, tăm tối, với những con người, từ thể xác tới tâm hồn, như chui từ bùn rác, cống rãnh lên – Một thái độ hư vô chủ nghĩa, nhạo báng tuốt, nói ngược lại tuốt, cố tình gắn cái cao cả với cái thấp hèn, cái to tát với cái bé mọn, cái trinh trắng với cái bẩn thỉu tục tĩu…

Hình như Thiệp có hứng thú (và có sở trường) ném ra những lời như sấm ngôn, như thánh phán, với những mệnh đề triết lý tù mù, bí hiểm, có thể suy ra nhiều nghĩa. Tôi ngờ rằng, chưa chắc Thiệp đã có tư tưởng gì thật sự nên mới làm ra thế để loè thiên hạ, đồng thời che giấu bản chất còn mù mờ của tư tưởng mình. Người đọc có thể thấy đây đó những điều có vẻ loé sáng, nhưng không bao giờ thấy có ngọn lửa chân lý hẳn hoi. Tôi đưa ra một loạt dẫn chứng và khẳng định hầu như không có ngoại lệ: Tướng về hưu, Những bài học nông thôn, Những người thợ xẻ, Không có vua, Trái tim hổ, Muối của rừng…

(Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh)

Những người muôn năm cũ

Lần này điện thoại (T.Van) sang thăm, Thy Nga yêu cầu bà đọc cho nghe thơ của ông. Bài gì thì chỉ nói tựa đề, là bà biết ngay ở trang mấy trong cuốn nào, như về bài thơ “Sợi tóc” khắc trên mộ Nguyên Sa, bà Nga thuật lại:

“Mộ của Nguyên Sa gần một hồ nước nhỏ, như là trong góc một khu rừng nhỏ. Khi anh ấy làm bài thơ này, không ngờ nó lại giống nơi anh ấy được nằm ở đó…”:

Nằm chơi ở góc rừng này
Chưa thiên thu cũng đã đầy cỏ hoang
Xin em một sợi tóc vàng
Làm hoa khởi sự cho ngàn kiếp sau
Biết đâu thảo mộc bớt đau
Biết đâu có bản kinh cầu dâng lên?

(Thy Nga – T.Van)

Giống cái, giống đực

Vì giống cái có tiềm năng sinh sôi nẩy nở nên chữ Hán hai vạch ngắn ký hiệu cho âm, một vạch dài ký hiệu cho dương. Đồng thời số chẵn thuộc âm, số lẻ thuộc dương.

Theo Lê Quý Đôn cho biết muốn phân biệt tre đực, tre cái thì xem cành thứ nhất trên gốc: Nếu có 2 cành là tre cái. Còn nếu 1 cành là tre đực.

(Trần Ngọc Thêm – Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam)

Lễ và hội

Khái niệm lễ mà chúng ta đang bàn đến ở đây không phải là chữ lễ của đạo Khổng.
Lễ trong lễ hội là một các hành vi, động tác nhằm biểu hiện lòng tôn kính của dân làng đối với các thần linh nói chung, với thần thành hoàng nói riêng.

Hội là một sinh hoạt dân dã phóng khoáng diễn ra trên bãi sân để dân làng cùng vui chơi. Những trò chơi, trò diễn phong phú và đa dạng theo đặc trưng của nó:
– Trò chơi thượng võ gồm: đấu vật, đua thuyền, đánh đu, tung cầu, hất phết, kéo co.
– Trò chơi thi tài gồm: thổi cơm, đồ xôi, làm bánh, dệt vải, bện thừng.
– Trò chơi luyến ái, bao gồm: bắt chạch, múa mo, chen nhau, hát nõ nường.
– Trò chơi giải trí gồm: cờ người, tổ tôm, đáo cọc, đáo đĩa, thi thơ, ca hát.
– Trò chơi phong tục: ôm cột, chạy hồi loan, chém chữ.
Hội là để vui chơi thoải mái. Nó không bị ràng buộc bởi lễ nghi, tôn giáo và tuổi tác, tuy ồn ào, náo nhiệt nhưng hội không hề hỗn độn, sa đà… Phải chăng vì trong hội có lễ.
Cũng cần phải nói thêm về quan hệ giữa lễ và hội trong nhiều trường hợp không đơn giản. Hai yếu tố lễ và hội đã thâm nhập vào nhau khá chặt chẽ, thiết tưởng rằng gọi là lễ cũng đúng mà gọi là hội thì cũng không sai. Như vậy có lúc ngay trong lễ đã có hội và ngay trong hội đã có lễ.


(
Lê Văn KỳCơ cấu và việc tổ chức lễ hội)

An phận thủ thường

Thành ngữ “An phận thủ thường” nguyên gốc là “An phận thủ kỷ”.

Cái chết trong văn chương

Thời văn học miền Nam 54-75, Bình Nguyên Lộc đưa người đọc đến vùng đất mới nơi có những cái chết và những hồn ma: Ba con cáo, Hồn ma cũ…

Dương Nghiễm Mậu cũng viết về Kẻ sống đã chết, Một cái chết không tên, Cái chết của một lão ăn mày…

 

Nguyên Vũ với Trở về từ cõi chết, Chết không nhắm mắt, Khung cửa chết của người tình si, Tiếng cười môi hôn và nghĩa trang…

Sau 75, ở ngoài nước có Viên Linh dựa lên hình ảnh qua thơ với Thủy mộ quan.

Và gần đây với Mai Thảo qua Ta thấy hình ta những miếu đền.

(Nguyễn Vy Khanh – tạp chí Tân Văn)

Tục ngữ Ta và Tầu

 

Môn đăng hộ đối

Ba môn đối ba môn, bản môn đối bản môn

(Cửa phên đối cửa phên, cửa gỗ đối cửa gỗ)

(Nguyễn Lập Sơn – Dư Phát Linh)

“q”

Nhiều học giả cho rằng phần lớn các âm tiếng Việt biểu thị một cái gì đó. Như phụ âm “q”, hàm ý nghe rất…cứng cỏi. Như:

Quát, quạt, quất, quăng, quẳng..v..v..

(Chữ nghĩa của Ta hay thật).

(Nguyễn Triệu Việt – tạp chí Tân Văn)

Hủ tíu, hủ tiếu

Theo Vương Hồng Sển là từ chữ “quế tiểu” trong chữ Hán mà ra.

Người Triều Châu xướng âm là “củi tiếu” là bánh bột cọng nhỏ với tôm, cá, gan, bao tử.

Hủnát ra như đậu hủ, tầu hủ.

Tiếng Việt, dễ mà khó

Chữ “nói mớ” thật ra là biến âm của chữ “nói mơ”, nói trong giấc mơ.

“Nước miếng” thật ra là biến âm của “nước miệng”, nước chảy ra từ miệng, cùng cách kết cấu với các chữ nước mắt hay nước mũi.

(Nguyễn Hưng Quốc – e-cadao.com)

Xóm vạn đò

Những thuyền chài sinh sống trên sông nước với nhiều đò họp thành một đơn vị hành chánh gọi là “vạn” tương đương với làng xã. Và được gọi chung là “Xóm vạn đò”.

Thơ Con cóc

Con cóc trong hang

Con cóc nhảy ra

Con cóc nhảy ra

Con cóc ngồi đó

Con cóc ngồi đó

Con cóc nhảy đi

Bài ‘Thơ con cóc ra đời đã lâu, lâu lắm, được Trương Vĩnh Ký sưu tập, in trong quyển Chuyện đời xưa xuất bản lần đầu tiên năm 1866.

(Nguyễn Hưng Quốc – Một bài thơ hay)

Phẩm hàm

Xưa chức hàm do vua ban cho dân gồm có “Cửu hàm”, “Bát hàm”.

Chức hàm ban cho quan từ “Thất hàm” trở lên.

Bá hộ tức “Bách hộ”, chức quan võ dưới triều nhà Minh được điều khiển 100 binh lính.

Xưa, nhà giầu ở nước ta có công trận được triều đình ban cho phẩm hàm “bá hộ”.

Sau ở làng xã ta gọi nhà giầu có lớn là…bá hộ.

Ngộ Không

 

 

 

©T.Vấn 2013

Bài Mới Nhất
Search