T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không : Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 45)

clip_image001

Ăn mày chữ nghĩa

Khổng Tử đi chơi ra phía đông, thấy hai đứa bé cãi nhau, hỏi tại làm sao, thì một đứa nói rằng: “Tôi thì tôi cho mặt trời, lúc mới mọc, ở gần ta hơn. Về buổi trưa, ở xa ta hơn.”
Còn một đứa nói: “Tôi thì tôi cho mặt trời lúc mới mọc ở xa ta hơn. Về buổi trưa, ở gần ta hơn.”

Ðứa trước cãi: “Mặt trời lúc mới mọc to nhứ cái bánh xe. Đến giữa trưa, nhỏ như cái bát ăn, thế chẳng phải tại xa ta mới nhỏ, gần ta mới to là gì?”
Ðứa sau cãi: “Lúc mặt trời mới mọc, thì mát mẻ. Đến giữa trưa thì nóng nực, thế chẳng phải tại gần ta mới nóng, xa ta mới mát là gì?”

Khổng Tử nghe nói, không giải quyết được ra làm sao.

Tiếng Việt mình… khó quá!?

Xin sang chuyện viết. Cháu nội tôi học lớp 5 của một trường tiểu học, khi ngồi cùng với ông nội để “làm quen với máy tính”, thấy ông đánh trên máy “Công ty ứng dụng kỹ thuật…”, cháu vội sửa “Ông mắc lỗi chính tả rồi! Phải đánh là Công ti ứng dụng kĩ thuật”, tức là không dùng chữ “y”, vì “cô giáo bảo thế”.

Trước mặt cháu phải tôn trọng cô giáo, ông nội… không dám cãi, nhưng thử hỏi cả nước này, có ai viết “Ti i tế” (thay cho Ty Y tế) hay không? Nếu là ngành giáo dục…”dại” (dạy) như vậy, cả nước sẽ…mắc lỗi chính tả mất thôi! Và biết bao nhiêu cơ quan, công sở…sẽ phải sửa lại biển hiệu để thay chữ y bằng chữ i cho đúng chính tả?
(Nguyễn Lê Bách – Nguồn ĐatViet.com)

Truyện ngắn IV

Một số nhà văn miền Nam quan niệm truyện ngắn là tiến trình có trước truyện dài.

Dương Nghiễm Mậu: “Phải trải qua truyện ngắn trước truyện dài”.

Nguyễn Thụy Long: “Truyện ngắn là bước khởi đầu của nhà văn”.

Mai Thảo: “Truyện ngắn là những bước chân đi vào văn chương”.

Tuy nhiên cái tinh thần coi trọng truyện dài từ thế kỷ 18 của Tây phương khi truyện ngắn chưa định hình được lập đi lập lại bởi chính những nười cầm bút:

“Nhà văn chưa phải là nhà văn nếu chưa viết được truyện dài”.

Đã đến lúc phải xét lại với quan niệm sai lầm và lỗi thời.

(Phụ chú: Thanh Tâm Tuyền định nghĩa: “Truyện ngắn không phải là truyện dài”)

(Trần Bích San – Văn Khảo)

Giai đoạn phiên âm

Đây là những chữ trích trong sách của giáo sĩ Christoforo Borris xuất bản năm 1631 tại La Mã, viết bằng chữ Ý. Chúng ta có thể coi những chữ phiên âm trong sách nầy đã được ông dùng trong thời gian từ 1618 đến 1621, là thời gian ông sống ở Đàng Trong.

Phiên âm : Nghĩa

Anam : An Nam
Cacciam : Cả chàm (Kẻ Chàm)
Quamguya : Quảng Nghĩa
Quignin : Qui Nhơn

Bũa : Vua
Chiuna : Chúa

Chià : Trà…….

Nuoecman : Nước mặn
Tuijciam,biet: Tui chẳng biết

Scin mocaij : Xin một cái

Hồng mao

Không ai lạ gì hai câu này trong Chinh phụ ngâm “Chí làm trai dặm nghìn da ngựa – Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao”.

Nhưng nhiều người nhầm “hồng mao” là sợi lông mầu hồng.

Thực ra “hồng mao” là lông con chim hồng. Một giống nhạn bên Tầu (hồng nhạn).

(Duy Lý – báo Tự Do)

Truyện chớp – Chiến tranh

Khi bị bại trận, hắn kê khẩu súng sát vào màng tang.

Và bóp cò.

Gần ba mươi năm sau, hắn vẫn chưa nghe tiếng súng nổ.

Tùy bút hay

Tùy bút – tùy hứng là phóng bút – là một thể rất tự do, gặp gì chép nấy, nghĩ sao nói vậy: Một cơn mưa, một giọng hát, một hớp trà, một trang sách, một tà áo phất phơ dưới gió, một tiếng ve rỉ rả trong rừng... bất kỳ một cảnh vật nào, một sự việc nào, hễ gợi hứng cho ta cũng có thể là đề tài một thiên tùy bút. Nó tựa như nhật ký mà không phải là nhật ký, vì nó là “bút” chứ không phải là “ký”; nó tựa như nghị luận mà không phải là nghị luận, vì nó là tùy hứng suy đoán chứ không phải dụng ý biện luận.
Nó phóng túng như vậy nên ta tưởng là dễ, nhưng có viết thử mới thấy khó. Trước hết nó phải thanh thoát, nhẹ nhàng như ngồi bên giàn hoa hay một ấm trà. Nó không dài, trung bình mươi trang trở lại, nhưng lời phải tự nhiên, có duyên, nội dung phải có ý vị.
Quan trọng nhất vẫn là nghệ thuật. Tiểu thuyết mà dở thì người ta vẫn gọi là tiểu thuyết; thơ mà dở thì cũng vẫn là thơ – thơ con cóc. Còn tùy bút mà thiếu nghệ thuật thì không có tên để gọi vì lẽ không ai thèm biết tới. Cho nên lựa thể tùy bút là làm một công việc mạo hiểm: Chỉ có thành công hay thất bại, không thể nhùng nhằng được.

(Nguyễn Hiến Lê – Gocgio.net)

Tiếng Tầu tiếng Việt

Từ chuyện An Tiêm bị đày ra đảo Hải Nam, nhặt được hạt trồng thành cây có quả và đặt tên là “tây qua”. Người Tầu ăn thấy ngon khen là “hẩu lớ”.

Từ “hẩu” biến âm ra “hấu” nên có tên là quả dưa…hấu.

Âm vận

Trong thơ có câu Văn chương, âm vận phú thi đành rành.

Âm vận là những tiếng đồng âm trong thi phú.

Tiếng nói xưa và nay

Theo ý kiến của giáo sư Lê Thước và nhà văn Hoàng Ngọc Phách thì từ ghép “Chùa chiền” được hiểu như sau:

Chùa – có nguồn kinh tế là tự điền (ruộng sở hữu của nhà chùa) để lấy hoa lợi dùng vào việc đèn hương cúng tế.

Chiền – không có tự điền nhưng được thu thuế ở một ngôi chợ bên cạnh để dùng vào việc đèn hương cúng tế. Các chợ này thường có tên gọi là chợ chùa.

Báo chí và văn học

Ở miền Nam, trong giai đoạn 1954-75, những cây bút hàng đầu như Doãn Quốc Sỹ và Nguyên Sa đều đi dạy học, Võ Phiến suốt đời làm công chức; trong khi đó, ở miền Bắc, trong cùng thời kỳ, tất cả đều làm cán bộ và ăn lương cán bộ. Hai là, nếu muốn dấn thân hoàn toàn vào công việc viết lách, người ta chỉ còn một cách là làm báo. Có ba cách thức làm báo: tự mình làm chủ báo; làm nhân viên toà soạn hay biên tập viên thường trực; và làm cộng tác viên hưởng tiền nhuận bút theo từng bài được in. Lâu nay nói đến quan hệ giữa việc viết văn và làm báo, chủ yếu người ta chỉ đề cập đến hai cách thức đầu.

Ở hai cách thức ấy, tỉ lệ nhà văn Việt Nam làm báo khá đông. Theo Võ Phiến, trong tổng số 33 nhà văn viết tiểu thuyết, phóng sự và bút ký quen thuộc ở miền Nam trong giai đoạn từ 1954 đến 1975, có đến 19 người, tức chiếm 58% là chủ báo hoặc cộng tác thường xuyên với các toà báo. So với thế giới chắc chắn tỉ lệ này thuộc loại rất cao. Theo thống kê của R.D. Altick, tại Anh, trong giai đoạn từ 1800 đến 1835, trong số 282 nhà văn tương đối có tiếng, chỉ có 17 người là nhà báo chuyên nghiệp; trong giai đoạn từ 1900 đến 1935, trong số 363 nhà văn, chỉ có 37 người là nhà báo chuyên nghiệp.

Nếu chúng ta nhìn từ cách thức làm báo thứ ba nêu trên, tức dùng các tờ báo như một phương tiện công bố tác phẩm đồng thời tăng thêm nguồn thu nhập từ số tiền nhuận bút do các toà báo trả thì có thể nói gần như toàn bộ các cây bút viết văn làm thơ chuyên nghiệp và bán chuyên nghiệp của Việt Nam đều làm báo.

(Nguyễn Hưng Quốc – Văn học Việt Nam: một nền văn học nghiệp dư)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Sáng đèo cơm đi ăn phở

Trưa hăm hở rước phở đi ăn cơm

Chiều cơm về nhà cơm, phở về nhà phở

Tối nằm với cơm, nghe thơm mùi phở

Chữ nghĩa biên khảo: Trà hay chè

Với tự điển thì trà là búp trà đã sao, đã chế biến để pha nước uống (pha trà tầu).

Chè là lá, búp bỏ vào ấm hay nồi, đun sôi lên làm nước uống (chè tươi).

Theo Võ Phiến dân dã ở thôn quê miền Trung, người ta gọi nó là Chè, mà không gọi là Trà. Uống Trà Tàu là cái thú của hạng giàu sang; người bình dân thì uống Chè Huế.

Trà Tàu, pha theo lối Tàu. Chè Huế nấu lối Huế. Lối Huế không giống lối nấu chè tươi hay chè khô ngoài Bắc. Từ Huế, lần vào các tỉnh nam Trung phần, lối nấu chắc chắn cũng có thay đổi ít nhiều ở Nam Ngãi, Bình Phú…

(Võ Phiến – Hạt bọt trà)

Tương tư

Nói đến tương tư, Kinh thi có câu:

Nhất nhật bất kiến như tam thu hề

(Một ngày không gặp như xa cách ba thu)

Nguyễn Bính nước ta cũng có bài Tương tư với hai câu đầu:

Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông

Một người chín nhớ mười mong một người

(Xuân Đẩu – Vài nét chấm phá trong thơ)

Tứ thời bát tiết

Cuối năm, cụ Nguyễn Khuyến được anh hàng thịt hàng xóm góa vợ mang sang biếu bát tiết canh và đôi bồ dục để xin câu đối Tết.

Tứ thời bát tiết canh chung thủy

Ngạn liễu gò bồ dục điểm trang

Cụ phóng bút hai câu tả cảnh xuân với liễu bên gò cỏ bồ. Cụ ghép chữ thứ 4 và 5 ở câu trên và dưới ra “tiết canh” và “bồ dục” để đối với anh hàng thịt.

Tứ thời: năm theo âm lịch có bốn mùa. Mỗi mùa ba tháng. Năm chia làm 24 tiết. Môt tháng có hai tiết (đầu tháng và giữa tháng).

Bát tiết: tám tiết trong một năm: xuân phân, thu phân, hạ chí, đông chí và lập xuân, lập hạ, lập thu lập đông.

Đêm chia ra năm canh: Canh một vào khoảng từ 7 giờ tối cho đến 9 giờ. Canh hai từ 9 giờ cho đến 11 giờ. Canh ba (giờ Tý canh ba) bắt đầu từ 11 giờ đến 1 giờ sáng.v..v..

Ngày chia làm sáu khắc, bắt đầu từ 5 giờ sáng đến 7 giờ tối.

Ngộ Không

 

 

 

©T.Vấn 2013

Bài Mới Nhất
Search