T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Lưu Na: PHAN NHẬT NAM GIỮA CHÚNG TA

clip_image002

(Nhà văn Phan Nhật Nam –bìa phải – trong buổi RMS/BHTO của nhà văn Nguyễn Đình Tòan –hình: Lưu Na 2012)

Giữa một buổi ra mắt sách, tôi thấy một bóng hình. Một cái đầu bóng lưỡng, một ánh mắt đã tà, đã mỏi với thời gian. Tôi tiến đến gần xin chụp một bức hình, và trước khi lời yes or no được buông ra, tôi bấm đại vài bức rồi mới trả lời: Dấu Binh Lửa !!! Dấu Binh Lửa huơ tay, “đó là một người khác.” Lời nói như tự cáo, một xác nhận ngậm ngùi. Nào phải tôi không biết không hay, vì chính tôi cũng thấy mình trong cái bể dâu đó.

Phan Nhật Nam, tôi chắc lứa 20 của tôi khi đến đất này ít nhiều biết tên, nghe nhắc. Tôi không phải là người lạc quan để tin rằng ai cũng biết PNN, nhưng có lẽ cũng khó để không biết đến một người đã gắn liền với những tang thương của đất nước _ bằng tuổi trẻ trong chiến tranh, lao tù khi kết thúc, và bằng chữ viết _ nói với mọi người chung quanh những tâm tình những nghĩ suy, và nhất là, những “lẽ thật” khi đã đi qua đoạn đường khổ ải với người cộng sản. Trong bước tha hương, chữ viết là điều duy nhất nối tôi với quê hương bỏ lại. Nhưng những hàng chữ của Phan Nhật Nam mở ra một quê hương nhức nhối, mở ra những mảnh đời vốn hiển nhiên chung quanh mà lại là một bí mật mới được khám phá _ người lính, người dân vùng lửa đạn, những nạn nhân trong cuộc phong ba… Đau khổ của quê hương, của con người, qua Phan Nhật Nam, thật khôn kham. Tôi cứ lẽo đẽo theo ngòi viết ấy, nửa ngán ngẩm nửa mụ mị, sau cùng phải nhắm mắt quên đi và cấm mình không đọc nhiều thứ sau khi đọc những lời đã viết ấy.

Có lần vào trang nhà Hợp Lưu thấy bài “Gặp Lại Phan Nhật Nam Trên Quốc Lộ 1” của Trần Vũ phỏng vấn Phan Nhật Nam, tôi ngần ngừ không dám đọc sợ mở lại vết thương ngày cũ, nhưng rồi vẫn phải đọc.

Đã. Trần Vũ hỏi những câu thật đã. Ngoài kia chắc có nhiều bạn đồng trang lứa như tôi, muốn mà không biết hỏi sao hỏi gì và Trần Vũ đã hỏi hộ.

Cảm kích. Vì như Trần Vũ nhắc, tôi sinh ra là người quốc gia, và đọc ông Nam rồi thì thành người quốc gia, phải vậy, không thể nào khác.

Trần Vũ đã đẩy cánh cửa thời gian, mở ra, và nhìn vào cánh cửa đó tôi tìm lại được những bóng người xưa mà mình đã bắt gặp thuở 20 trên đất khách: “Hơn một khám phá chiến tranh, tôi khám phá chân dung của người lính Cộng Hòa mà tôi thực sự tin vào những điều anh viết. Chân dung của người lính miền Nam, cao cả, bình lặng, bi tráng trên một đất nước điêu linh, trầm thống” Cảm nghĩ tâm tư, cái điều rất riêng của Trần Vũ bỗng dưng thấy như của mình… Nhưng, ông Nam là một hình ảnh hơi khác biệt, một hình ảnh với “cái gì đó thật con người, cực kỳ cô độc lặng lẽ giữa sắt thép hỗn độn ầm vang.” Ngoài cái gánh 36 kg trên vai 50 ký, ông Nam còn tự quàng thêm vào mình cái ách tiếng lời cho sự thật.

Khói lửa chiến tranh nhìn tận mắt và số liệu tư bề để trưng dẫn, ông Nam có điều kiện để gióng lên lời, có lời để gióng. Ông kêu gào ông thiết tha. Những sự kiện sống tươi không chỉ có máu cuả anh em, khổ đau cuả người dân, mà có cả mảnh hồn của người lính trẻ. Mà gánh nặng nói lên sự thật là của muôn dân cuả tất cả chúng ta, sao thấy như ông Nam mãi đơn độc. Những ảnh hình những đớn đau. Không thể nào đọc ông Nam mà không xúc động tâm can.

Qua chiến tranh, sống là cái tội, “nếu không chết được thì người ta sẽ sống thản nhiên với tất cả mọi hoàn cảnh.” Mấy mươi năm sau, bầm dập đòn đày đoạ của cả 2 phía, ông vẫn miệt mài gióng tiếng kêu. Bền bỉ dù mòn mỏi hụt hơi. Nhưng nói sao cho đủ. Thanh bình lặng lẽ, trại cải tạo và xã hội tha hoá, phận người tàn mạt như kim giữa đống rơm gai như chứng liệu bị xóa nhoà, “em ơi biết đâu tìm.” Làm sao nói lên được hết cái ác và tráo trở tinh vi trong hơi thở trong máu tim cuả người cộng sản, cái thờ ơ ngây thơ của người Việt ở xứ ngoài. Người lính viết văn đâm loay hoay, chữ nghĩa nó phụ bạc người. “Đêm tận thất thanh.” Ông Nam bị chữ nghĩa nó đè. Nhiều khi đọc những lời đầy rối reng sau này mà ngậm ngùi_ổng đang lên đồng, hằng bị lên đồng và bị bà nhập !!!

Cách đây 5,7 năm, Hoàng Khởi Phong có hỏi Phan Nhật Nam trong chương trình truyền thanh, đại khái là sao bây giờ đọc ông (PNN) khó quá. Hỏi ông chuyện chữ nghĩa là đã quên câu trả lời sẵn của ông từ thời Pháp đô hộ: tôi chỉ là người lính viết văn (chữ lính đúng ra phải in đậm viết hoa, và biết rồi, khổ …) Bây giờ Trần Vũ hỏi, mà hỏi những điều ông đã viết chứ không hỏi chữ nghĩa cuả ông là đã rà trúng đài, đã đánh thẳng vào nội thành, đã pháo kích trúng mục tiêu. Địch có muốn lên đồng (đã muốn) cũng không thể nào trật quỹ đạo.

Trúng đài, đại ca nói thật đã. Chữ nghĩa nó tự tìm mình và thỏa hiệp với ý mình. Phan quân của Võ Phiến, với chút trân trọng quý mến và chút khỏang cách cho một nền nã kỷ cương, vẫn còn đây. Nhưng có lẽ Phan nhật Nam của dấu binh lửa vẫn chỉ là cánh chim nặng nặng buồn buồn trên phá Tam giang. Anh vẫn còn đây. Những người lính, những người muôn năm cũ ấy vẫn còn đây. Tháng Ba Gẫy Súng: “ tôi là lính chuyên nghiệp” và “tôi” nói chuyện đồng đội tôi. Dấu Binh Lửa: “tôi là quân nhân chuyên nghiệp, biết tuân lệnh và biết ra lệnh,” và tôi cũng nói toàn chuyện cuả những anh em tôi, thêm phần cho những nạn nhân không tiếng không lời. Nhịp nhàng, hoà điệu, dù chưa hề và không hề ăn ý với nhau, không có chính ủy nào chỉ đạo.

Holocaust, điạ ngục giữa trần gian, đã được ghi lại vào lịch sử, nhưng thấm xót lòng người là những dòng trẻ thơ cuả Anne Frank. Lao cải cuả Trung quốc vĩ đại dĩ nhiên khó quên, nhưng càng khó quên với những lời của Trương hiền Lượng. Với Phan quân, ngoài những sự kiện như 3 lữ đoàn trưởng và 10 tiểu đoàn trưởng trong 12 tiểu đoàn dù đã có mặt ở trại tập trung, chữ viết và hình ảnh như lên đồng thường trực của Phan nhật Nam là lời chứng mạnh mẽ nhất phơi bày sự ác và những gì đã _ đang bị bôi xoá.

Đọc những câu hỏi và trả lời tôi ước mình được góp mặt. Trong nỗi ước ao tôi tưởng tượng hình ảnh Trần Vũ với sơ mi trắng quần soọc xanh, và tôi trong bộ áo cộc trắng_2 đứa trẻ đứng trước bức tượng sống Tiếc thương-Phan Nhật Nam. Vẫn biết là người thật nhưng vẫn phải chọc 2 ngón tay nhỏ nhoi qua lớp áo thấm bao máu xương nước mắt mồ hôi và khổ đau để biết sau lớp áo đó là xương dù đã muốn hóa đồng, là thịt dù đã ngả màu đồng. Nụ cười son trẻ sau bìa sách chỉ còn là một hình ảnh xa mờ. Người lính Tiếc thương ấy vẫn bước dù mệt mỏi, đi cho hết quãng đường trần còn lại, đêm ngày. Và nhìn mình như chút cặn nước sau cuộc bể dâu.

Tôi đi Mỹ cứ như hắt cặn nước. Tôi đi Mỹ nhẹ tênh vất điếu thuốc. Quê hương gầm gừ khinh miệt. Đất xa trọn chốn lưu đầy…

Những lời choáng váng. Sự thật, cảm giác thật, xông thẳng vào tim mình bằng những lời giản dị. Khi quên mất bổn phận tiếng lời, ông Nam có những chữ đau đớn và muôn vàn thấm thía. Lời chứng gói trọn phận người. Hình như thời nào cũng có những người bị quê hương ruồng bỏ giống nòi khinh. Làm sao tôi không mãi thấy nợ nần những người lính ấy, và một món nợ chữ nghĩa với Phan Nhật Nam.

Từ ý nghĩ viết xuống cho riêng mình đến nay, Cao Xuân Huy đã đi xa, Lê Thiệp vừa từ giã. Còn lại giữa chúng ta,

Khói mù nghi ngút ngàn khơi

Cánh chim bạt gió lạc loài kêu sương

Phan Nhật Nam, Phan Nhật Nam…

Lưu Na

07/17/2013

Ghi chép (ké)  với Lưu Na

Phan Nhật Nam giữa chúng ta. Chúng ta đây có thể hiểu những người thuộc thế hệ Lưu Na, Trần Vũ và những người thuộc thế hệ của Phan Nhật Nam, của tôi. Thế hệ của Lưu Na, Trần Vũ là thế hệ chỉ ngửi mùi thuốc súng, chỉ nghe âm vang đạn bom đì đùng. Thế hệ của Phan Nhật Nam, của tôi là thế hệ ở trong chiến tranh, mùi thuốc súng ấy là từ thứ vũ khí chúng tôi cầm trên tay tạo ra, âm vang đì đùng ấy là từ đạn bom chúng tôi bắn vào đầu kẻ thù.

Đọc Ghi Chép của Lưu Na, tôi tin rằng Phan Nhật Nam đã bắc được chiếc cầu quý gía nối liền khỏang cách giữa hai thế hệ: Phan Nhật Nam, Tôi – Trần Vũ, Lưu Na.

Đó là điều thật mừng vui. Ít nhất là cho thế hệ chúng tôi, những kẻ sắp sửa dọn mình để bước ra khỏi trần gian hệ lụy đầy những chiến tranh, tù đầy, và sau rốt là ảo tưởng này.

Đối với tôi, chữ nghĩa Phan Nhật Nam biểu trưng cho một thứ ý thức của thế hệ chiến tranh. Thứ ý thức đáng sợ. Đáng sợ vì nó sắc sảo quá, thật quá. Đáng sợ vì nó bất nhân quá. Trời đất bất nhân coi mọi thứ như cỏ rác. Cái ý thức mang tên Phan Nhật Nam cũng bất nhân chẳng kém trời cao đất dầy. Bất nhân vì nó phá vỡ tan tành mọi hầm trú ẩn mà kẻ sống sót sau cuộc chiến cần đến để tránh khỏi sự kết án vì chẳng may mang tội sống sót. Bất nhân đến độ không buông tha cả chính mình.

Ai bảo cỏ rác không biết đau. Mấy mươi năm trôi qua, thế hệ chiến tranh chúng tôi tiếp tục mang trên mình vết thương thể xác – vì bom đạn, vì tù đầy. Nhưng vẫn chưa thấm gì so với vết thương trong hồn. Đã thế, vết thương ấy lại bị khóet sâu thêm vì bao hệ lụy oan nghiệt từ cuộc chiến tưởng đã chấm dứt ngày nào. Chiến hữu cùng chiến tuyến năm xưa quay lại nã đạn chữ vào nhau một cách hết sức tận tình không kém gì ngày xưa nã đạn thật trên đầu kẻ thù. Và hình như Phan Nhật Nam , người tù 13 năm trong các trại cải tạo cộng sản cũng không tránh khỏi “bầm dập đòn đày đoạ của cả 2 phía”.

Lưu Na viết trong Ghi Chép của mình: “Qua chiến tranh, sống là cái tội, “nếu không chết được thì người ta sẽ sống thản nhiên với tất cả mọi hoàn cảnh.”

Chúng ta đang mang cái tội sống sót. Không có chỗ lánh nạn (asylum ) vì Phan Nhật Nam đã phá hủy hết rồi. Nhưng liệu chúng ta có thể sống thản nhiên với tất cả mọi hoàn cảnh?

Nếu vậy thì những trang Ghi Chép này có mang được chút giá trị gì? Hay chỉ là lời than thở hèn mọn như chính sự hèn mọn của bản thân mình?

T.Vấn

Ngày 18 tháng 7 năm 2013

©T.Vấn 2013

Xem thêm :

– Gặp Lại Phan Nhật Nam Trên Quốc Lộ 1- Trần Vũ

-Dấu Binh Lửa – Phan Nhật Nam

Bài Mới Nhất
Search