T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Ngộ Không (bài Ba) – Văn tức Người- Ông già Bắc “cực kỳ”

clip_image002

Các cụ xưa thường nói: Văn tức Người. Có nghĩa là văn chương của một người là tấm gương phản chiếu tính cách của người đó.

Ở trường hợp của Ngộ Không Phí Ngọc Hùng, tôi tin rằng mình cũng có thể dùng câu nói trên của người xưa khi nhận xét về văn chương Ngộ Không.

Có thể nói, trong số những độc giả của Ngộ Không, tôi là người đọc ông nhiều nhất, kỹ nhất.

Với công việc của người phụ trách bài vở cho trang TV&BH, tất cả những bài của các tác giả, của thân hữu gởi tới, tôi phải đọc, thẩm định và đôi khi phải làm công việc đáng ghét là edit (sửa bài) trước khi cho bài lên mạng. Có khi chỉ là lỗi chính tả, hỏi ngã, có khi phải chỉnh sửa đôi ba dòng về tính chính xác của sự kiện, vấn đề nêu lên trong bài. Thường thì tôi liên lạc với tác giả trước để xin sự chấp thuận, ngọai trừ những lỗi chính tả, lỗi hỏi ngã thông thường.

Trong những thân hữu cộng tác, Ngộ Không đóng góp bài vở nhiều nhất, dài nhất và đa dạng nhất. Mỗi lần đọc bài của Ngộ Không tôi phải để dành ra cả buổi trời.

Vì thế, tự nhận mình đọc Ngộ Không nhiều nhất, kỹ nhất, tưởng không phải là ngoa ngôn.

Ấn tượng đầu tiên khi tôi gặp Ngộ Không là ở khổ người thấp, dáng vẻ cục mịch, rất “nhà quê” của ông. Tôi càng bất ngờ hơn khi biết ông học ở Kiến Trúc ra và làm việc ở Mỹ nhiều năm. Nhưng đôi mắt sáng lóang, sắc như dao của ông khi nhìn tôi khiến tôi vững bụng tin rằng ông . . . nói thật. Rõ là đôi mắt ấy phải là cửa sổ của một đầu óc trí thức, một tâm hồn nhạy cảm với thế giới bên ngòai.

Sau này, mỗi khi đọc văn Ngộ Không, ý nghĩ của buổi gặp gỡ đầu tiên tại quán cà phê bên đường ở thành phố Houston cứ lởn vởn trong đầu.

Trước hết là ở cái giọng văn. Cái giọng đục thuốc lào lúc nào cũng đầy những câu chữ của ca dao, của tục ngữ, của thơ phú quen thuộc, của lời những bài nhạc mà ai cũng nghe cũng biết. Giọng văn của Ngộ Không không thể lẫn với bất cứ ai. Trước kia, đương thời, và cả sau này. Trước kia, vì không có tác giả nào tôi đọc qua có cái giọng văn này. Đương thời cũng vậy. Cả sau này vì Ngộ Không là Ngộ Không, tôi không tin rằng sẽ có một Ngộ Không thứ hai. Giữa đám đông, tôi tin rằng mình có thể nhận ra được Ngộ Không mà không cần phải chú ý lắm. Về khía cạnh này, “ngừơi viết mới” Ngộ Không đã đạt được tiêu chuẩn khá gắt gao của nhà văn quá cố Mai Thảo: Phải thóat ra khỏi hiện tượng đồng phục trong bút pháp. Ý Mai Thảo muốn nhắc nhở người viết trẻ đừng bắt chước lối viết của những người mà mình tôn là thần tượng, nhất là bắt chước những nhà văn đã thành danh. Nhưng Ngộ Không khởi bút khi không còn trẻ nữa. Mà với người già thì gánh đời chồng chất khá nặng trên vai nên họ không còn hơi sức đâu bắt chước người này, lập lại người kia. Vả lại, với họ, đọan đường trước mặt còn lại . . . hơi bị ngắn. Tìm lại chính mình còn chưa kịp, nói gì đến theo người này, bắt chước người kia. Ở khía cạnh này, người viết già Ngộ Không là một tiêu biểu.

(Từ nhận định này, tôi không thể không nhắc đến một thói quen rất riêng của Ngộ Không. Ở mỗi cuối bài của mình, Ngộ Không đều trích dẫn một lọat tên những tác giả có tác phẩm gây ở ông sự hứng khởi để viết nên bài viết. Mới đầu, tôi tưởng ông trích dẫn họ, nhưng trong bài không có đọan văn nào chú thích là trích dẫn của ai, kể cả không in nghiêng. Sau đó, qua những trao đổi với ông, tôi được biết cái ý nghĩa của những chú thích cuối bài đó. Ông cho rằng, phàm là người viết, không nhiều thì ít, đều bị những ảnh hưởng hoặc thu nhặt được kiến thức do đã đọc qua một số tác giả nào đó . Đến khi ngồi viết tác phẩm của mình, một cách vô thức, ngừơi viết đã tiêu hóa (nhuần nhuyễn hay không nhuần nhuyễn thì còn tùy bản lĩnh người viết) những gì mình đã đọc để tạo thành cái riêng của mình, công việc mà ông thường gọi là “đắp chữ vá câu”. Ông liệt kê tên những tác giả đã có thể góp phần giúp ông hòan thành bài viết là trong ý nghĩa đó. Cũng không thể không “trích lại” ở đây hai câu thơ mà ông thường trích dẫn của Hòang Vũ Thuật: Chữ nghĩa của người này/Là cái bóng của người kia).

Đọc Ngộ Không, qua bút pháp, người ta không thể không liên tưởng đến ngôn ngữ của một ông già nhà quê, chính xác hơn, ông già nhà quê miền Bắc. Bắc rặt từ câu chữ, cách diễn tả, và nhất là ở những chữ . . . tục.

Cung cách ấy bàng bạc qua hầu hết các tác phẩm của Ngộ Không, kể cả ở những bài mang một nội dung sưu khảo bác học, trí thức.

Hãy chọn bài “Chửi mất gà” của Ngộ Không làm thí dụ.

Những truyện viết về đề tài chửi mất gà của người nhà quê miền Bắc thì nhiều không kể hết. Bỏ qua một bên nội dung những lời chửi thường giống nhau vì đó là kho tàng văn chương dân gian truyền khẩu mà tự chúng đã mang một giá trị không thể chối cãi.

Nhưng cái cách Ngộ Không dựng truyện để tạo sân khấu cho lời chửi trình diễn, cái cách Ngộ Không dẫn truyện để lời chửi xuất hiện theo lớp lang thứ tự và những đọan độc thọai của mỗi nhân vật mang trọn vẹn tính cách riêng của văn phong Ngộ Không: nhà quê, bỗ bã, tục tằn, chân thật.

Hãy thử đọc một đọan tiêu biểu rất Ngộ Không bỗ bã, quê mùa, nhưng vẫn không quên ngân nga ca dao tục ngữ:

“ . . . Số là ông mới ở bên Tây về. Về đến nhà, hôm trước hôm sau ông đảo mắt qua bên hàng giậu thưa và tự hỏi chồng chị là ai, nào ai hay biết. Và ông chả phải đợi lâu vì đợi đến ngày mai, dòm sang kẻ liếp là gặp ngay cái chị hàng xóm vừa mới góa chồng là anh phó rèn mới rõ…hay. Ông được thể lâm râm cơm chín tới, cải vồng non, gái một con, gà nhảy ổ, rồi ông râm ran cau phơi tái, gái đoạn tang, chim ra ràng, gà mái ghẹ. Tiếp, ông búng lưỡi đến “tách” một cái rằng các cụ ta dậy cấm chả sai tí tẹo nào. Thảo nào cái thứ giềng tỏi xóm gừng ấy trông sao mà cứ phễn phễn ra. Tối về, ông vắt tay lên trán nghĩ dại là thắm da đỏ thịt như thế ấy, rằng không ai nắm tay được đến tối, gối tay được đến sáng được mãi đâu. Và ông để cái đầu củ chuối của ông lêu bêu rằng gớm sao mà ngực căng thây lẩy, cứ nổi phễnh lên như cái gáo dừa, thế mới rõ khổ ông.

Ấy vậy mà sáng hôm sau lại bắt gặp chị phó đang vớt bèo bên cầu ao, quần vén lên tận bắp đùi, cặp đùi trắng như ngó cần, trông phát khiếp, cứ rợn cả người lên ấy. Dẫu gì ông cũng từ mẫu quốc về, ông bước tới tính xí xô “bông-dua”…bông hoa cho nó Tây. Nghe tiếng chân ông đi đến. Chị phó quay lại, mặt đang trắng nông nỗng, sau đỏ lựng dần. Mọi ngày lờ đờ như chị vịt chống gậy, vậy mà ngoắt một cái cắm đầu chạy le te về nhà. Ông lững thững đi theo, tưởng chị phó đi đâu hóa ra đang lúi húi chổng mông cho lợn ăn. Buồn tay, và cũng rất Tây, ông phát vào mông đánh đét một cái. Thấy chả nói năng gì, người ngợm hiền hậu thế đấy. Và ông húyt sáo, chống “ba toong” bỏ đi một nước. Quay lại, ông bắt gặp con mắt có đuôi liếc xéo theo ông.

Bây giờ ông chỉ biết cười tủm và…”

Để rồi, chuyện gì phải đến sẽ đến, để sau này sẽ là cái cớ cho bài chửi mất gà đạt đến đỉnh điểm của chua ngoa:

“. . . Khỉ một nỗi chị ta lại mặc váy. Phiền thật chứ đâu có rỗi hơi nói chơi. Vậy đấy. Vậy là ông đâm ra…ngứa mắt. Từ đằng sau ông tốc váy lên. Ông chả thấy gì ngoài thấy rõ tổ con chuồn chuồn. Khi không bỗng ở góc chuồng lợn có tiếng con cộp cộp đực giục giã “ì oạp, ì oạp” gọi con cộp cộp cái. Thì như đã bảo, đúng là số ruồi. Và ông…”ì oạp, ì oạp” thế chó nào chả biết nữa, mà chị phó nhà ta cứ cắn răng ôm khư khư cái nồi cám. Mồm miệng chả chịu hở môi cho một tiếng. Thì đã bảo người ta lành như đất mà. Nói cho đúng ra, chỉ…ư…ư…thôi. Ấy vậy mà cái nồi cám lăn kềnh ra đất mới…hay chứ lị. Lúc này chị phó mới bật văng ra khỏi miệng câu “Lợn vừa chứ”. “.

Những đọan tiêu biểu như vậy không phải mất công tìm đâu xa, cứ giở bất cứ bài viết nào của Ngộ Không là người đọc lại được tắm đẫm trong không khí nông thôn miền Bắc, thứ không khí mà người trẻ Lưu Na bảo là của “những ông già Bắc “cực kỳ,” Bắc thuốc lào sang sảng” (Chàng Phí –Lưu Na).

Lại còn những chữ Bắc Kỳ nhà quê rặt mà ông dùng. Cái thành ngữ “Lợn vừa chứ!” ở trên là một thí dụ thật đắt. Phải là “lợn vừa chứ” mới đầy đủ ý nghĩa phớn phở của nó, chứ nếu thay vào bằng “heo vừa chứ” thì chẳng còn “nước non mẹ” gì. Hoặc như ông dùng nhóm từ “tổ con chuồn chuồn” để tả chân khi nhìn từ phía sau cái váy đã bị tốc lên của chị Phó Rèn góa chồng thì lại càng không kém phần đắc địa. Tôi đã nghĩ đến nhóm từ “tổ con săn sắt” hay “tổ con nhèm nhẹp” nhưng nghĩ lại thấy chúng thiếu cái hóm hỉnh (dù bỗ bã) của “tổ con chuồn chuồn”. Tục nhưng phải hóm, thiếu cái hóm, tục sẽ chỉ là tục (tằn), khó thể bước vào văn chương. Ngộ Không của chúng ta quả là một tay không vừa gì. Chỉ riêng cái khỏan về “tục, dâm” trong văn chương Ngộ Không, tôi sẽ phải bàn đến ở một bài khác (nếu tôi tìm được thì giờ).

Thực sự, nhìn ở khía cạnh “nông thôn miền Bắc” trong bút pháp và ngôn ngữ Ngộ Không, tôi không ngừng ngạc nhiên mỗi khi vớ được những bài kiểu “Chửi Mất Gà”, hay Nhất bạch nhì vàng tam khoang tứ đốm”, hay “Hà Nội một thóang hương xưa” .

Ngay dòng đầu tiên của “Hà Nội một thóang hương xưa”, ông viết: “Tôi xa Hà Nội năm chín mười tuổi . . . “. Là “Bắc kỳ chín nút” (1954), cùng với những “con ruồi tái béo”, ông bước chân lên “tàu há mồm bò lổm nhổm” vào Nam. Ở miền Nam sáng dội, để thi đậu vào và theo học đại học kiến trúc, ông phải sinh sống ở Sài Gòn, ở thành thị, chứ không phải miền quê Cái Sắn, Hố Nai nơi người di cư mang theo cả quê hương miền Bắc cùng với mọi phong tục, lề thói, thổ ngơi, ngôn ngữ. Đọc “Sài Gòn đầu đường cuối ngõ”, tác giả của nó, con ma xó Ngộ Không phải là người uống nước máy Sài Gòn trong suốt thời thanh niên trai trẻ chứ không thể là kẻ ở miền xa nhập cư lậu vào thành phố. Kịp đến ngày 30 tháng 4 năm 1975, ông nhanh chân bỏ của chạy lấy người ngay trước khi người anh em miền Bắc của ông tiến vào phất cao ngọn cờ bách chiến bách thắng của chủ nghĩa Mác-Lê. Từ dạo ấy đến nay cũng đã gần nửa thế kỷ. Vậy ông có ở đâu được cái cung cách rất “nông thôn miền Bắc” để hà hơi cho cung cách ấy sống hùng sống mạnh trong những trang viết của mình. Cứ theo lời ông kể (dĩ nhiên qua những trang viết rất ít tính hư cấu của ông), ông có đôi ba lần đi “thực địa” ở quê cũ tận ngòai Bắc xa xôi. Chỉ đôi ba lần mà đã hồi sinh được một cách sống động không khí nông thôn miền Bắc thì hẳn ông phải là người nhạy cảm, nhạy bén và có trí nhớ hơn người. Thì chẳng phải đôi mắt nhanh như điện của ông đã tố cáo đó sao?

Tính cách “nông thôn miền Bắc” của Ngộ Không còn thể hiện ở cả những lỗi chính tả mà có lẽ chỉ có tôi – người phụ trách biên tập của TV&BH – mới có dịp nhìn thấy. Ngộ Không Phí Ngọc Hùng của chúng ta, người ăn nằm với chữ nghĩa cả ngày lẫn đêm, người có những kiến thức phong phú, đa dạng, lại phạm những lỗi chính tả chỉ bị mắc phải bởi những chàng nông dân Bắc kỳ ít học. Ông hay lầm lẫn, giữa “ch” và “tr”, giữa “x” và “s”. Chẳng hạn “cái trôn” (như trong Hàn Tín luồn trôn) ông viết “cái chôn”. Chẳng hạn “sụp lạy”, ông viết “xụp lạy”. Khi tôi hỏi lại, ông thú nhận cái sai của mình bằng phong cách của một “ lão gìa Bắc Kỳ chính hiệu”. Thêm một nét đáng yêu khác ở Ngộ Không.

Cái ông già Bắc “cực kỳ” này trong văn Ngộ Không, theo như ấn tượng ban đầu của tôi vào “một ngày không nắng cũng không mưa”, chỉ có bụi và tiếng ồn ào xe cộ ở một quán bên đường của thành phố Houston dạo nọ, so với con người thật ngòai đời cũng chẳng khác gì mấy.

Văn tức Người. Các cụ ta nói cấm sai bao giờ! (câu này là tôi mượn tạm từ một bài viết của Ngộ Không mà bây giờ tôi không còn nhớ bài nào. Một thí dụ điển hình của sự tiêu hóa kiến thức sau khi đọc chăng?).

T.Vấn

Kỳ sau: Ngộ Không (bài Bốn)- Gã biết chữ

 

 

 

©T.Vấn 2013

Bài Mới Nhất
Search