T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Như Hoa : Về Hưu

clip_image001

Nhân một hôm cô cháu Phi Hồng ở Anaheim, Cali. gởi chúng tôi bài “Tâm Sự Người Hưu Trí”với nội dung gởi gắm tâm tình mình đến các bạn đồng nghiệp từng chia sẻ nỗi vui buồn trong quá trình 40 năm phục vụ đồng hương với bao thăng trầm đổi thay của cuộc sống. Bài viết này gợi cho chúng tôi ý nghĩ muốn đóng góp vài ý kiến thô thiển về sự chuyển hướng trọng đại của đời người khi đến tuổi hưu trí.

Đời người từ khi được cha mẹ sinh ra cho đến khi lìa trần được chia ra làm nhiều giai đoạn hay thời kỳ. Thời kỳ thứ nhất là thời của tuổi niên thiếu dưới 12, ăn chưa no lo chưa tới, chỉ biết học hành, rong chơi với bè bạn. Thời kỳ thứ hai là giai đoạn phát triển cơ thể và trí tuệ, có thể gọi là thời thanh niên, tuổi từ 13 đến 19. Thời kỳ thứ ba tuổi từ 20 đến 35, người thanh niên đã đến tuổi trưởng thành, tự lập nghiệp và ổn định cuộc sống. Thời kỳ thứ tư ở vào tuổi từ 36 đến 50, đó là thời kỳ mong đợi cho con cái khôn lớn và thành đạt. Thời kỳ thứ năm là giai đoạn từ 51 đến ngày về hưu là 62 hoặc 66 để được an nhàn, thư thái sau bao nhiêu năm vật lộn với cuộc sống đầy sóng gió. Thời kỳ thứ sáu là giai đoạn áp chót của cuộc đời. Mong cho giai đoạn này kéo dài được 10 năm là quý, nếu được 20 năm là đại phúc. Ở giai đoạn này người cao niên thường quay nhìn về quá khứ để tiếc nuối một thời đã qua, tuy vất vả, nhưng đầy ý nghĩa trong nghĩa vụ và trách nhiệm đối với đất nước và tha nhân; để luyến tiếc những tình cảm bạn bè cùng sở làm, cùng chí hướng từng chia sẻ những nỗi vui buồn và sự cảm thông nhau trong những hoàn cảnh khó khăn; và nhìn xung quanh mình để tìm hiểu thực tại, rồi nhìn lại mình để thấy chính mình: sức khỏe và niềm vui của tuổi già đối với gia đình và con cháu…Kế đến là giai đoạn chót của cuộc đời. Nói cho văn hoa đó là mùa Đông của đời ngưởi. Nói cách thực tế đó là giai đoạn chuẩn bị cho cái chết đến bất cứ lúc nào, như trái chín trên cây, một cơn gió đi qua vô tình làm nó rơi rụng…Sinh, Bệnh, Lão, Tử cũng giống như bốn mùa Xuân-Hạ-Thu-Đông. Ai sinh ra rồi cũng phải chết, đó là quy luật tự nhiên của tạo hóa mà con người phải chấp nhận và sẳn sàng chờ đợi để được thanh thản từ giã những nỗi vui buồn thế tục mà ra đi. Người có đời sống tâm linh thì chuẩn bị cho phần linh hồn để được về Nước Trời hay cõi Niết Bàn mà hưởng hạnh phúc đời đời.

Đời người sống đến 70-80 tuổi đã là thọ. Ngày nay ở thời đại văn minh, phương tiện khoa học đầy đủ, con người có thể thọ đến 90-100 tuổi. 25 năm đầu ăn học, tiếp theo 40 năm phục vụ đất nước, gia đình và xã hội, 65 tuổi về hưu, 10 năm nghỉ hưu, và sau đó là thời gian chuẩn bị sẳn sàng ra đi bất cứ lúc nào…!

Trong bài này chúng tôi xin tản mạn đôi điều câu chuyẹn “Về Hưu”. Hưu là nghỉ; về hưu hay nghỉ hưu là trở về với sự nghỉ ngơi sau những năm tháng góp mặt với đời trong cuộc sống đầy gian nan thử thách lẫn lộn với vui buồn. Thời gian nghỉ hưu là một phần căn bản của đời sống. Sau thời gian làm việc cực nhọc thì chính thời gian nghỉ hưu cho phép đời sống được kéo dài thêm tuổi thọ. Đó là thời gian tốt nhứt để đi du lịch, thăm viếng những thắng cảnh đẹp của thiên nhiên với cảnh sắc muôn màu; cảnh trí hùng vĩ, nên thơ của núi rừng, sông biển để tâm hồn rung động, cảm kích trước sự sáng tạo tuyệt diệu của Tạo Hóa; hay chiêm ngưởng những kỳ quan nhân tạo của thế giới mà cảm xúc và ngưỡng mộ tài năng của con người. Có đi đây đi đó mới biết trời cao đất rộng, mở rộng tầm nhìn, nâng cao kiến thức, tâm hồn được thanh thỏa, yêu đời…

Sau du lịch là đọc sách, một thú tiêu khiển nhiều người ưa thích vì ít tốn kém hơn là đi du lịch. Qua sách vở chúng ta cũng có thể biết được nhiều nơi, nhiều điều trên thế giới về nhiều mặt như khoa học, chính trị, kinh tế, xã hội …hầu mở mang kiến thức. Hay đọc những tác phẩm nổi tiếng xưa và nay để giải trí cũng là một thú vui thanh tao. Trong thời đại kỹ thuật hiện nay, chúng ta có thể đọc trên mạng toàn cầu mà khỏi tốn tiền mua sách nếu nhà có máy vi tính.

Ngoài hai thú tiêu khiển nói trên mà nhiều người ưa thích, chúng ta còn có chút thì giờ để suy nghĩ về quá khứ, tìm hiểu chính mình và bạn hữu, để sống lại những kỷ niệm vui buồn trong thời đã qua. Trích từ bài “Tâm Tình Người Hưu Trí”, Phi Hồng viết về bạn hữu như sau: ” Trên con đường sự nghiệp, kể từ lúc ra khỏi đại học cho đến lúc hưu trí là 40 năm, tôi dành 3/4 thời gian cho nghề. Công việc thật vất vả, nhiều lo lắng, đòi hỏi sự sáng suốt của lý trí và con tim, nhưng tôi đã đi trọn đoạn đường. Tôi đi trọn đoạn đường là vì có các bạn. Một lần nữa xin cám ơn người, cám ơn đời. Tôi thật may mắn . Tôi yêu bạn và bạn yêu tôi, thật còn gì bằng! Những bữa ăn trưa với tiếng cười vang như pháo nổ, với những câu chuyện thanh thanh tục tục, diễn tả bằng tiếng đất Mẹ, làm các bạn trẻ tuổi (intern) ngồi cùng bàn e thẹn hồng cả má. Rồi những nồi bún bò, mì Quảng, bánh bèo, bánh lọc, hương vị quê hương có mãnh lực xoa dịu nỗi nhớ quê nhà biết mấy!”.

Khi còn ở quê nhà đâu có chuyện ông bà nội ngoại phải giữ cháu (babysit) như ở xứ Mỹ này. Đã về hưu muốn nghỉ ngơi cho khỏe cái thân già nhưng rồi cũng phải gánh lấy cái Job bất đắc dĩ này, cũng bởi vì thương con, thương cháu. Nếu có con đông thì năm này giữ cháu nội, hai năm sau giữ cháu ngoại. Chăm sóc con nít đâu có nhàn hạ gì. Cho bú, thay tã, tắm rửa, bồng bế mỏi cả tay. Tuy vậy nhưng cũng có sự đền bù khi thấy chúng mỗi ngày mỗi lớn lên, tập ăn tập nói, tập bò tập đi, vui cười hồn nhiên làm mình cũng cảm thấy vui lây, cái vui hạnh phúc của tuổi già. Khi chúng lớn lên đến tuổi đi học lại thêm cái job đưa rước đến trường, về nhà còn hướng dẫn làm “home work” nữa. Có nguời nghĩ vậy mà hạnh phúc, bởi trước kia lo làm ăn chạy gạo đâu có thì giờ để chăm sóc vui đùa với con cháu như bây giờ. Nghỉ hưu mà không có việc gì làm, chẳng bù suốt ngày đi lui đi tới trong căn phòng chật hẹp thì cũng thật là buồn chán!

Trong sách “Dưỡng Lão Phụng Thân”,ông Trần Trực, một nhà dưỡng sinh đời nhà Tống viết về thú tiêu khiển cho người cao niên như sau: “Con người do cuộc sống khác nhau nên tánh tình không giống nhau. Mỗi người có sở thích riêng và khi làm việc hợp với sở thích thì thấy vui. Người thích đọc sách, xem tranh, người thích chơi đàn, đánh cờ, người thích nuôi chim trồng hoa, người thích cổ vật, người thích tụng niệm, người thích luyện đơn. Sở thích con người thật đa dạng, không sao kể xiết. Người già do cơ thể suy nhược nên dễ mệt mỏi, không thể lo nghĩ việc gì lâu dài, nhưng nếu không có việc gì để bận rộn thì rất buồn chán. Cho nên khi có những vật mà họ ưa thích xung quanh, tự nhiên người già sẽ lo chăm sóc để làm thú vui cho mình. Mặc dù lắm khi tỏ ra mệt nhọc, nhưng về tinh thần sẽ cảm thấy rất thoải mái.”.

Phước, Lộc, Thọ là ba điều mà người Á Đông thường hay ao ước cho mình và cho người. Nói chung thì ai trong chúng ta cũng mong được Thọ, sống lâu sức khỏe để hưởng Phước, hưởng Lộc. Như trên đã nói, “nghĩ hưu là trở về sự nghỉ ngơi, và chính đó là căn bản của đời sống”. Về hưu non ở tuổi 62, hưu trọn vẹn ở tuổi 66. Nói đến về hưu , mỗi người mang một tâm trạng. Có người phấn khởi trông ngóng ngày mình có thể nghỉ hưu để được ung dung thong thả, có thể làm nhiều việc theo ý mình. Có người lại nhạy cảm với hai chữ “về hưu” vì nghĩ đến sự vô dụng, ăn không ngồi rồi, không làm gì hữu ích cho đất nước, cho xã hội. Có người đã đến tuổi về hưu nhưng thấy mình còn sức khoẻ để phục vụ tha nhân, họ vẫn tiếp tục đi làm thêm một thời gian nữa rồi mới chịu nghỉ hưu.

Khi đã đến tuổi về hưu thì quỹ thời gian của mình không biết còn được bao nhiêu, nhiều hay ít. Hãy cố gắng duy trì sức khỏe, ăn ngon, ngủ kỹ, lòng trí yên vui để an hưởng Hiện Tại, xa rời Quá Khứ và hướng về Tương Lai là niềm hạnh phúc vỉnh cữu trên Cõi Trời.

Như Hoa Lê Quang Sinh

Dallas,01-01-2013

 

 

 

©T.Vấn 2013

Bài Mới Nhất
Search