T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Như Hoa : Đôi Dòng Cảm Nghĩ Nhân Đọc "Ta Vẫn Lạc Nhau" của Nhà văn Ngân Bình

 

clip_image002

“Ta Vẫn Lạc Nhau” là tuyển tập thứ hai sau “Gửi Chút Niềm Riêng” của Nhà văn Ngân Bình. Sách dày 310 trang gồm 32 truyện ngắn xoáy quanh các đề tài nói về Tình yêu, Hôn nhân, và Gia đình. Vẫn một lối hành văn trong sáng, mạch lạc, khúc chiết, đối thoại linh hoạt, tác giả đã đào sâu tâm lý, phân tích cặn kẽ bản chất, tánh tình từng nhân vật trong câu chuyện nói lên đủ mọi tình huống hỉ nộ ái ố của con người trần tục, qua các vai trò làm vợ làm chồng, làm cha làm mẹ, con cái, người bạn, người tình…

Phần lớn những câu chuyện kể trong đó người phụ nữ (vợ hay người tình) đóng vai chính dù kết cục vui hay buồn. Người ta thường nói trong mười trường hợp tội lỗi của người đàn ông gây ra, thì có đến tám chín lần do sự thúc giục, chi phối của người đàn bà con gái tạo nên. Ngày xưa ông A-dong phạm tội bị Chúa đuổi ra khỏi vườn Địa Đàng cũng bởi bà E-và xúi bậy ông ăn phải trái cấm! Quả thật vậy. Kinh nghiệm thực tế cho thấy cái nhan sắc quyến rũ của người phụ nữ, cái gợi cảm lẳng lơ của người con gái cộng thêm cái bản tính yếu mềm, nhạy cảm, dễ xúc động của con tim, họ dễ ru mình vào men say tình ái để làm khổ mình và khổ người. Đứng trước một đối tượng mà họ cảm thấy yêu thích, thấy rung động thì họ liền bị sa ngã, bất kể người đó có gia đình hay chưa, bất kể tuổi tác chênh lệch hoặc giàu hay nghèo. Đó là tình yêu hợp lý, không phải tình yêu lý sự. Vì yêu là bởi muốn yêu. Một cơn mưa bất chợt, một tiếng sét hãi hùng, một lời nói mật ngọt cũng đủ làm duyên cớ khơi nguồn cho bao cuộc tình lãng mạn mà cũng đầy sóng gió bi thương…!

Nhưng nói rằng nhiều gia đình bị tan vỡ là do người vợ thì hẳn không đúng. Người đàn bà xa chồng lâu ngày dễ bị quyến rũ bởi dục vọng, tiền tài, vật chất. “Xa cách ngắn ngủi khích động say mê, nhưng xa cách lâu dài giết chết say mê” (danh ngôn). Cái cảnh cô quạnh của người đàn bà đối diện với tấm nệm trước lò sưởi là một hiểm họa. Một người chồng có thể là một thằng ngốc, một tên phản bội, hay là một đứa thô bỉ mà ở luôn bên cạnh vợ cũng giữ được danh dự của mình hơn là một anh chồng rất hào hoa phong nhã mà vắng nhà lâu ngày.

Tuy vậy, vẫn có những người vợ gần chồng, đảm đang lo lắng cho chồng con đủ điều, nhưng không may gặp phải ông chồng có máu me nghệ sĩ, làm thơ, viết văn, vẽ chân dung thiếu nữ, tánh tình bay bướm, nay cô này, mai bà nọ, làm người vợ cũng đôi phen buồn lòng, tỏ ý ghen tương. Thế mà ông chồng khéo giải bày, rồi bà cũng nguôi ngoai. Vì bản tính hiền lành, người chồng lập mưu để ly dị bà rồi bỏ nhà đi theo người tình thơ văn. Câu chuyện đuợc kể qua đề tài “Uổng Công Bớt Lửa” (trang 203).

Nếu nói hôn nhân tan vỡ là do người chồng phụ bạc vợ con, trai gái, cờ bạc, ăn chơi đàng điếm thì cũng không hẳn là hoàn toàn đúng. Nó vẫn có cái động lực tiềm ẩn nào đó thúc đẩy người chồng đi lạc đường. Chỉ cần một ngày lạc lối thôi là mọi sự đều thay đổi. Bởi lẽ có hạng người đàn bà quá quắt, chua ngoa, hay xen vào công việc của chồng, mắng mỏ chồng trước mặt thiên hạ, muốn nắm quyền và cbỉ huy chồng trong gia đình. Sức chịu đựng có giới hạn, người chồng chán cảnh gia đình tăm tối, buộc phải đi tìm thú vui để giải tỏa sự bức xúc và vô tình đưa đến sự đổ vỡ hạnh phúc gia đình.

Văn hóa mỗi nước mỗi khác. Người Việt mình lưu lạc xứ người chịu ảnh hưởng văn hóa Mỹ không ít từ cách ăn mặc, xã giao. Người Việt tôn trọng giá trị tinh thần, người Mỹ thì tôn trọng giá trị vật chất. Người chồng bị thất nghiệp không kiếm được việc làm, thế là người vợ ra tòa xin ly dị. Tỷ lệ ly dị ở xứ Mỹ rất cao, có năm lên đến 80%. (Cali, 1974). Càng ngày người phụ nữ ra gánh vác việc xã hội càng nhiều, có người làm lương cao hơn chồng, do đó họ không bị ràng buộc vào nguồn tài chánh của chồng, họ dễ dàng ly dị với bất cứ lý do gì để có một người chồng khác mà họ thích hơn. Hiện nay có một số thanh niên Việt Nam ở Mỹ đã đỗ đạt, tuổi trên 40, nhưng không muốn lập gia đình, lý do là bởi họ sợ không có hạnh phúc khi gặp phải một người vợ đua đòi văn minh, gặp cảnh “cơm không lành, canh không ngọt”, ra tòa đòi ly dị, chia gia tài…Chẳng thà ở một mình tự do, sung sướng hơn, khỏi lo vợ lo con!?

Thế nhưng, vẫn có những Việt Kiều vê quê Việt cưới vợ đem sang Mỹ. Biết bao cảnh chồng già vợ trẻ làm đau lòng người trong cuộc. Trong dân gian có câu “Trâu già gặm cỏ non”. Cưới vợ trẻ đem qua Mỹ muốn giữ gìn để khỏi mất nàng qua tay người khác nên đã “nhốt” vợ trong bốn bức tường, không cho tập lái xe, không dẫn đi phố shopping, ăn tiệm. Buồn chán quá, nàng bèn xin trở về lại Việt Nam. Ngược lại, có người cưng người vợ trẻ, lo cho đủ điều: mở cửa hàng để nàng làm chủ, mua xe Mercedes cho nàng lái. Sinh nhật đứa con đầu lòng mời cả ngàn người dự với dàn nhạc và ca sĩ nổi tiếng trình diễn giúp vui. Người chồng tưởng làm vậy để vui lòng cô vợ trẻ mà giữ gìn hạnh phúc gia đình. Không ngờ sinh được cho chàng đứa con thứ hai, thì nàng “say good bye” bỏ chàng và hai con dông qua bang khác với nguời tình mới!

Đọc câu chuyện “Đêm Đen” tác giả Ngân Bình kể về một ông Việt kiều đã lớn tuổi về Việt Nam cưới cô gái 17, lâm cảnh nhà nghèo, phải bán thân để giúp gia đình, cha mẹ đau ốm, anh em bỏ học đi làm thuê, làm mướn quá vất vả, khổ cực, mà cảm thấy xót xa, đau lòng muốn ứa nước mắt thương cho thân phận người con gái phải hy sinh cuộc đời ngây thơ trong trắng của mình, và oán hận người đàn ông không còn nhân tính đã hành hạ người con gái đáng tuổi con cháu mình một cách tàn tệ, không có tình người, chỉ biết có nhục dục và thú tính! (trang 230).

Như trên đã trình bày, người con gái mới lớn, ăn chưa no lo chưa tới, dễ bị thu hút bởi những lời mật ngọt của đàn ông, thanh niên và kết quả là tấn thảm kịch diễn ra sau đó ám ảnh suốt cả cuộc đời mình. Gần gủi nhau, yêu nhau và có con ngoài hôn nhân. Phần sợ tai tiếng, phần một mình mang gánh nặng nuôi con trong khi người tình đã “quất ngựa truy phong”, bỏ của chạy lấy người! Và người mẹ đã giết đứa con thơ vô tội. Đó là câu chuyện thương tâm kết quả của môt mối tình thơ dại qua truyện ngắn “Sám Hối” (trang 299).

Người con gái là vườn nho khó giữ; đàn ông là thợ săn, đàn bà là con thịt của họ. Từ lúc còn nhỏ, người con gái cần được cha mẹ dạy dỗ “công dung ngôn hạnh”, nhất là cái tinh thần trách nhiệm cần phải có. Nhờ trang bị trong người tinh thần trách nhiệm, người con gái khi ra đời sẽ trở thành một công dân tốt, một người vợ quán xuyến trong gia đình, biết bổn phận làm vợ, làm mẹ, để bảo vệ hạnh phúc gia đình. Một cô gái vô trách nhiệm sẽ trở thành một người vợ bê bối. Người vợ không săn sóc chồng con, rảnh rang thì đi Shopping, khiêu vũ, nhà cửa không dọn dẹp cho ngăn nắp…Có khi đi sớm về khuya. Người chồng phải để ý câu ngạn ngữ: “Gà mái và đàn bà xa nhà là lạc lối”.

Tác giả Ngân Bình qua tập truyện ngắn “Ta Vẫn Lạc Nhau” đã cho chúng ta những kinh nghiệm về cuộc sống lứa đôi, tình yêu và hạnh phúc gia đình. Đọc “Ta Vẫn Lạc Nhau” (trang 104), mà Ngân Bình đã chọn làm tựa đề cho tập sách mới thấy cái quan niệm về tình yêu của tác giả: “Phải có tình yêu đưa dẫn tới hôn nhân thì đôi bên mới hưởng trọn vẹn thi vị của ái tình và xây dựng được hạnh phúc lâu dài với nhau”.

Nhưng trên thực tế, chúng ta phải làm thế nào để có thể sống lâu dài với nhau với người bạn đời của mình? Câu trả lời có thể là đơn giản: “Nhường nhịn là thái độ khôn ngoan nhất”. Bởi lẽ điều bất hạnh của một người không phải là sư nghèo khổ mà chính là ở chỗ có một người vợ, người chồng bất xứng, không hòa hợp hiểu biết mình. Một khi đã hiểu nhau, thông cảm nhau thì hai bên có thể chịu đựng và nhường nhịn nhau. Lý thuyết là thế, nhưng trên lãnh vực thực hành thì khó vô cùng. Ai mà chẳng có “cái tôi” của mình, và khi hai “cái tôi” gặp nhau , chắc chắn sẽ không tránh khỏi những va chạm! Rồi sau khi “xung trận”, lẽ tự nhiên cả hai sẽ không còn nguyên vẹn – cả người thắng lẫn kẻ thua. Thế nhưng, trong đời sống gia đình, đừng có ai trong chúng ta “cố giành chiến thắng”. Không thể có chuyện thắng – thua trong mối quan hệ vợ chồng! Trong một cuộc cãi lộn người nào cũng có lý. Ở đây sự chịu đựng không có nghĩa là cam chịu số phận, mà với mục đích đạt được sự êm ấm trong gia đình. Viên đá cứng ném vào vào nắm đất mềm sẽ chỉ biết nằm in đấy mà thôi. Người ta gọi đó là sự nhường nhịn. Thái độ hiếu chiến sẽ không giúp gì cho ta đâu; biết đâu ta sẽ chẳng cảm thấy ê chề, ân hận khi đối thủ của mình bị “hạ đo ván”.

Như vậy thái độ nhường nhịn nhau trong mọi tình huống chỉ có thể được xem là cử chỉ khôn ngoan nhất của những đôi vợ chồng đặt hạnh phúc là mục đích cao nhất của đời sống. Và điều kiện cần và đủ để lối xử sự khôn ngoan ấy được thể hiện là lòng khiêm tốn, nó sẽ mang đến sự dễ chịu và sự tốt lành.

Xin chân thành cám ơn Nhà văn Ngân Bình đã dành tặng chúng tôi tập truyện ngắn ” Ta Vẫn Lạc Nhau”, một quyển sách có giá trị cho những ai quan tâm đến Tình Yêu và Hạnh Phúc gia đình. Xin trân trọng giới thiệu cùng độc giả bốn phương.

Lê Quang Sinh

Dallas, May 2012

 

Liên lạc:

Ngân Bình

PO. Box 451704

Garland, TX 75045-1704

Email: nganbinh13@yahoo,com

Tel. 469-471-8932

 

©T.Vấn 2012

Bài Mới Nhất
Search