T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không : Tác Giả và Tác Phẩm – Nguyễn Xuân Hoàng (II)

 

 

clip_image002

 

Ảnh Nguyễn Hoàng Nam

Mục Lục

Tủ sách của Trần Phong Giao

Đọc một chữ, trăm nỗi niềm – Võ Phiến

Phụ đính:

Tạp chí Văn từ lòng đất

Người bạn thân cũ, mùa hè – Một người ngồi trong ghế bành

Đọc Kiệt Tấn, nghĩ tới Milan Kundera – Bậu cửa mẹ ngồi – Nhớ Nguyễn Thụy Long

Viết một cuốn đọc nghìn cuốn – Những trang văn xuôi lương thiện và…

 

 

Tủ sách của Trần Phong Giao

1.

Trong nhà tôi ở Sài Gòn hồi đó có một kệ sách nhỏ đặt trên gác lửng. Kệ sách là những thanh gỗ dài, bào láng, đặt trên những viên gạch đỏ xếp cao theo chiều đứng của sách. Sách mỗi ngày một nhiều, kệ sách cứ chồng thêm các thanh gỗ cao lên mãi, lên gần tới trần nhà. Đến lúc không đủ sức chứa, tôi bắt đầu cho sách vào thùng giấy, rồi cứ thế đánh số thùng theo thứ tự, thùng này chồng lên thùng kia.
Căn nhà quá nhỏ, sách lấn qua chỗ nằm, tôi đành phải nghĩ đến chuyện vất bớt những cuốn không cần đọc nữa. Vất nhưng tiếc, vì tuy không cần lúc này, nhưng biết đâu về sau có lúc cần tìm một đoạn, một câu. Một câu trích mà không có sách dẫn thì sao? Sách mang ra thùng rác rồi lại mang vô.
Làm cách nào để giữ được những cuốn sách mà lúc này chưa cần đến? Tôi hỏi Trần Phong Giao, lúc đó là thư ký toà soạn tờ Văn, cách giải quyết những cuốn sách của tôi. Anh hỏi lại tôi: “Cậu làm sao thế? Có chuyện gì vậy?” Chẳng có chuyện gì hết. Tôi nói với anh là tôi cần thanh toán mọi thứ trước nhất là sách vở.

2.

Trần Phong Giao là một người to lớn, vạm vỡ, khuôn mặt hơi lạnh và ít khi cười.
Với những người mới gặp anh lần đầu dễ cảm thấy khó chịu vì cái vẻ như là hơi “kênh kiệu thờ ơ” của anh. Thật ra, anh chỉ lạnh với người lạ trong giao tế buổi đầu, nhưng quen anh lâu mới thấy anh là người rất tử tế và nồng nhiệt. Tôi không biết những thư ký toà soạn các tạp chí văn học khác thế nào, chứ với Trần Phong Giao tôi có thể nói anh là một thư ký toà soạn đặc sắc nhất. Hơi bảo thủ, và khắt khe, có vẻ như anh chỉ tin vào những tài năng đã được xác nhận, nhưng không phải vì thế mà anh không sẵn sàng mở tay ra đón nhận những người viết mới.
Cách đây vài năm, một tình cờ may mắn tôi được nhà bình luận thời cuộc-kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa gửi tặng mấy số báo Văn cũ trước năm 1975, trong đó có số 164, ra ngày 15 tháng Mười, 1970, “Đi Giữa Mưa Thu” / Tuyển tập những cây bút trẻ.

Như tên gọi của nó, đây là một số báo Trần Phong Giao thực hiện, dành riêng cho những người mới đến với Văn. Mới từ người vẽ tranh bìa: hoạ sĩ Hồ Đắc Ngọc. Và tất nhiên cái mới chính là từ những người làm thơ viết văn: Lê Văn Thiện, Đặng Tấn Tới, Kinh Dương Vương, Nguyễn Đường-Thai, Nguyễn Lệ-Uyên, Hoàng Ngọc Châu, Hồ Minh Dũng, Lộc-Vũ, Mường-Mán, Hoài Tuyết Trang, Phạm Ngọc Lư, Nguyễn Lương Vỵ, Nguyễn Văn Ngọc, Lê Miên Tường, Phạm Thanh Chương.

Tôi không biết trong số những người viết trên số báo này [cách đây đã 35 năm] ai còn ai mất, ai vẫn cầm bút và ai đã thay tên đổi họ đổi nghề, nhưng tôi biết ít ra chúng ta còn Kinh Dương Vương [của truyện ngắn, ký Dung Nham khi làm thơ, và Rừng khi vẽ], Hồ Minh Dũng vẫn còn sáng tác mạnh mẽ ngoài nước, [Nguyễn Lương Vỵ vừa cho in tập thơ mới tại hải ngoại, California, 2009 – và trong nước vẫn còn Mường Mán vừa mới cho xuất bản tập thơ lục bát Dịu Khúc, Sài gòn, 2008]. Trong thư toà soạn, Trần Phong Giao thông báo sẽ còn thực hiện thêm nhiều số báo với những người viết mới khác.

Tôi không nhớ sau số này anh còn làm thêm được bao nhiêu số giới thiệu người viết mới, nhưng trong mục hộp thư tôi đọc được có nhiều người hiện có tên tuổi trong làng văn trong nước. Như Khuê Việt Trường là một. Tờ Văn thời Trần Phong Giao thực sự làm sống dậy một đam mê chữ nghĩa của nhiều người viết trẻ. Trong thời gian làm tờ Văn, Trần Phong Giao thực hiện nhiều số đặc biệt không những về các nhà văn nhà thơ tiền chiến hay đương đại mà còn giới thiệu nhiều khuôn mặt văn học đương đại thế giới.
Không mở đường và khai phá như Sáng Tạo, không bắt mắt với lối trình bày nghệ thuật và trẻ trung như Khởi Hành, Thời Tập, nhưng Văn có được một chỗ đứng đáng tin cậy nhờ thư ký toà soạn Trần Phong Giao.

3.

Trần Phong Giao là người khéo hỏi bài người viết và đối xử khéo sau khi đăng bài. Trong ngăn kéo anh bao giờ cũng có sẵn nhiều bài cho vài số báo. Chưa kể, anh còn đặt bài cho những số chuyên đề từ cả sáu tháng đến một năm trước. Có thể nói, tạp chí Văn thời Trần Phong Giao là một tạp chí văn chương hơi cổ điển và đặc biệt…ít lỗi chính tả nhất, bởi vì trước hết anh là người cẩn trọng, chăm sóc từng chữ, từng câu, từng trang bài, và sau nữa vì anh còn có một người phụ tá cần mẫn tỉ mỉ, giỏi chính tả ngữ vựng: Đàm Gia Tuấn. Đưa bài cho Trần Phong Giao, người viết có thể yên tâm nhiều mặt: bài không bị sai lỗi chính tả và, tiền nhuận bút có ngay sau khi báo ra.

Tôi nhớ anh đi chiếc mobylette cũ, một chiếc xe xấu xí, nhả khói tợn và máy kêu hơi to, chân đi dép thường hơn đi giày, áo sơ mi ngắn tay bỏ ra ngoài. Trần Phong Giao ít cười và hơi nghiêm. Tuy vậy cần ghi nhận, thời làm tờ Văn anh cũng bị nhiều trận đụng nặng. Như một lần với thi sĩ Nguyên Sa, và một lần với những độc giả miền Trung. Ở quán Cái Chùa, bọn tôi: Huỳnh Phan Anh, Nguyễn Đình Toàn, Nguyễn Nhật Duật, Đặng Phùng Quân, đôi khi vẫn đề cập đến anh như một “đề tài”. Tuy vậy, tôi vẫn nghĩ, có một ông thư ký toà soạn như Trần Phong Giao, “bố già” chủ nhiệm Nguyễn Đình Vượng yên tâm lắm.
Thế nhưng, năm 1972, không hiểu vì lý do gì đã làm cho hai ông chủ nhiệm và ông thư ký toà soạn “cơm không lành, canh không ngọt” nữa. Trần Phong Giao phủi áo ra đi. Anh đứng ra làm một tạp chí khác, tờ Chính Văn với nhà văn Nguyễn Mạnh Côn. Nhà thơ Viên Linh nói “anh em lúc đó rất tiếc, phải chi Trần Phong Giao làm một tờ giống như tờ Văn có lẽ anh thành công ngay.” Tờ Chính Văn chỉ sống đến số thứ hai thì chia tay.

Đó là thời gian ông Nguyễn Đình Vượng kéo tôi về với tờ Văn thay chỗ Trần Phong Giao. Lời đề nghị của “bố già” Nguyễn Đình Vượng làm tôi phân vân và nghĩ ngợi. Thời gian đó ngoài giờ dạy học ở Petrus Trương Vĩnh Ký, tôi có nhận lời dạy thêm ở nhiều trường tư thục khác như Văn Học của anh chị Nguyên Sa, Trường Sơn của Nguyễn Sỹ Tế. Và trong những giây phút dư thừa hiếm hoi, tôi vẫn la cà ở quán cà phê nhiều hơn ở lớp học, tối nào tôi cũng ngồi ở Chợ Đủi với Tạ Ký, Tôn Thất Trung Nghĩa, Lê Tấn Lộc nhiều hơn nằm nhà. Nhưng trên tất cả các bạn tôi, ông Vượng là người lo cho tôi nhiều thứ khó khăn trong đời sống mà tôi đang vấp phải.
Tôi gọi ông Vượng là “bố già của tôi” vì quả thật không ai bỏ thì giờ và tình cảm nhiều cho tôi như ông, mặc dù sức khoẻ ông trong thời gian này đã không còn như xưa. Tôi là người chịu ơn ông quá nhiều. Nhưng tình cảm mà tôi có với Trần Phong Giao cũng lớn không kém.

Tôi hỏi ý Trần Phong Giao về lời mời của ông Nguyễn Đình Vượng, anh nói “thì cậu cứ nhận lời đi”. Tại sao? Tôi hỏi, anh trả lời “chẳng lẽ cậu cứ đi dạy học suốt đời sao? Bỏ bớt giờ đi dạy đi! Viết nữa đi! Tôi biết gia đình cậu có chuyện không vui, thử thay đổi không khí coi sao?” “Nhưng anh sẽ không giận tôi chứ?” “Tại sao?” Anh hỏi ngược lại tôi. Và đột nhiên, một buổi sáng Chủ Nhật, Trần Phong Giao đến nhà tôi, hỏi: “Có đi cà phê không?” Đối với tôi đây là một điều lạ.
Trần Phong Giao ít khi cà phê, anh chỉ thích rượu và là người biết thưởng thức rượu ngon mặc dù anh không phải là tay nhậu. Anh cũng không có tật lê la đầu đường xó chợ như tôi. Tôi trả lời ừ đi thì đi. Anh đứng giữa nhà nhìn quanh. “Nhà tôi đã chật mà nhà cậu coi bộ còn chật hơn. Sách báo đâu hết rồi?” Tôi chỉ tay lên gác lững. “Trên đó! Không còn chỗ nằm nữa.” “Cái phòng khách này ban đêm dựng chiếc lambretta của cậu vẫn còn có thể để một tủ sách nhỏ đấy.” Trần Phong Giao chỉ nói khơi khơi. Chúng tôi ra quán Cái Chùa. Tôi gọi cà phê, nhưng anh chỉ uống một hớp và xin lỗi có chuyện phải đi.

Chiều tối khi tôi về tới nhà thấy có gì lạ. Chiếc lambretta của tôi không còn chỗ đậu. Tôi thấy một tủ sách bằng gỗ đánh vẹc ni bóng có cửa kính kê sát vách phòng khách. Trong tủ chỉ có một cuốn sách, bản dịch bài diễn văn nhận giải Nobel văn chương của Albert Camus. Người dịch: Trần Phong Giao. Tôi biết anh sẽ không giận tôi, nếu tôi nhận lời “bố già” Nguyễn Đình Vượng về làm tờ Văn.
Sau đó tôi dọn nhà, nhiều thứ cồng kềnh phải bỏ lại. Tuy vậy, tôi không quên mang theo tủ sách Trần Phong Giao cho. Căn nhà ở Khu Mã Lạng – căn nhà mà “bố già” Nguyễn Đình Vượng dành cho tôi khi tôi về nhận vai thư ký toà soạn Văn – sách đã chất đầy tủ. Và cuốn Sứ Mệnh Văn Nghệ in bài diễn từ Nobel của Albert Camus do Trần Phong Giao dịch, không bao giờ thay đổi vị trí.
Thời gian này tôi rất ít khi gặp anh.

“Bố già” Nguyễn Đình Vượng thời gian này sức khoẻ sa sút nặng. Báo Văn từ bán nguyệt san chuyển qua Giai Phẩm và không đánh số. Tôi bận rộn với chuyện nhà trường nhiều hơn trước, nhất là sau ngày “Bố Già” ra đi vào ngày 31.3.1974. Số báo Tưởng Mộ Nguyễn Đình Vượng phát hành ngày 2 tháng Năm, 1974, Mai Thảo và tôi chia nhau viết bài và mời người viết. Đó cũng là số báo sau cùng tôi ngồi với Văn. Sau đó tôi dành toàn thời gian cho nhà trường.

Mỗi ngày, tôi vẫn chạm tay vào tủ sách Trần Phong Giao. Cho tới ngày 30 tháng Tư, 1975, tủ sách Trần Phong Giao bị một trận “hồng thủy” cuốn trôi hết, bất kể đó là tự điển hay sách triết học, là sách biên khảo hay lý luận nghiên cứu phê bình văn học. Cứ sách là người ta tịch thu tuốt luốt cho chắc ăn. Sách được những người trẻ tuổi “hăng hái, cuồng nhiệt, điên cuồng” đưa xe ba gác đến chở đi như chở xác chết của những tội đồ. Cái tình cảm vất tay này nhưng tay kia lấy lại ngày xưa không còn nữa. Căn nhà nhỏ của tôi đột nhiên trống trải gọn gàng một cách đáng sợ.

Cuốn Sứ Mệnh Văn Nghệ của Albert Camus, bản dịch của Trần Phong Giao cũng không còn – đương nhiên – và đầu óc tôi cũng trống rỗng như cái tủ sách trống trơn kia.
Thế rồi những năm tháng sau, chợ trời sách cũ dần dần xuất hiện rải rác nhiều nơi ở Sài Gòn. Tôi nhớ một hôm đi trên con đường Bùi Quang Chiêu, xem sách cũ, bất ngờ thấy sách Thanh Tâm Tuyền, Nguyễn Đình Toàn, Mai Thảo, Doãn Quốc Sỹ, Thảo Trường, Trùng Dương, Nhã Ca, Nguyễn Thuỵ Long và nhiều tác giả khác của Sài Gòn.
Tôi tha về một cuốn đóng bìa da đã từng “nằm trong tủ sách của tôi” trước đây, cuốn L’Être et le Néant của Jean-Paul Sartre ở trang đầu có mấy ghi chú của giáo sư Linh Mục Alexis Cras viết cho tôi trong những ngày tôi học Đại học Đalat. Tôi muốn giữ chữ viết của Cha Cras như một kỷ niệm. Có điều là tôi vẫn không tìm thấy cuốn Trần Phong Giao dịch bài diễn văn của Albert Camus.

Mười năm ở lại trong nước tôi chưa một lần gặp lại Trần Phong Giao. Và mặc dù mươi năm sau ngày xa quê tôi có đôi lần gửi quà cho anh nhưng chỉ là những món quà không đáng kể. Mới đây, tôi hỏi nhà văn Trùng Dương có phải chị là người vẫn thường liên lạc và giúp đỡ Trần Phong Giao nhiều trong thời gian anh ấy còn sống không. Chị nói chuyện ấy không sánh gì với lòng tốt anh ấy đã giúp gia đình chị đâu. Chả là Trùng Dương còn một người anh ở lại Sàigòn sau 75, khi nghe tin anh của chị bị stroke, Trần Phong Giao đã đến thăm và giới thiệu bác sĩ Ngô Thế Vinh đến chăm sóc thuốc men. Và khi người anh của Trùng Dương qua đời, chính Trần Phong Giao đã đánh điện báo tin cho gia đình Trùng Dương biết. Chị nói “chính tôi mới là người biết ơn anh ấy. Tuy muộn màng, nhưng tôi vẫn muốn nói ‘tạm biệt Trần Phong Giao!’ và thêm một lời cám ơn bạn Ngô Thế Vinh của chúng ta.”

Tôi nhớ lại thời gian làm báo Người Việt ở Nam Cali dù lương thấp không đủ nuôi sống gia đình, tháng nào tôi cũng trích trong số lương ít oi của mình gửi cho các bạn thuyền nhân ở trại tị nạn Bataan Phi Luật Tân vài ba chục mỹ kim. Những người thiếu may mắn, đến đảo trước tôi cả mấy năm mà vẫn chưa thấy tên trên list định cư. Tôi thấy mình làm như thế là đúng thôi, nhưng bây giờ nghĩ lại thấy mình có phần tệ bạc với Trần Phong Giao. Lẽ ra, tôi phải nên giúp anh nhiều hơn ai hết, mặc dù những thư anh viết cho tôi không hề hé ra một lời than thở.
Cho đến một buổi sớm thức dậy mở email thấy thư Đặng Tiến. Một dòng chữ ngắn trên cái email gửi chung cho các bạn quen. Trần Phong Giao đã ra đi.

Rất ít chi tiết về Trần Phong Giao. Tôi nhờ Trần Thị NgH. – tác giả Nhà Có Cửa Khoá Trái – ở Sài gòn cho một bài về anh. Chị viết một hồi ức về lần đầu đưa sáng tác của mình cho Trần Phong Giao. Một tiếp xúc khó chịu của ông thư ký toà soạn với một người viết mới là một ấn tượng còn ở lại hơi lâu với Trần thị NgH.

3bis.

Mới đây, nhân soạn lại những thùng sách báo cũ, tôi tìm thấy lá thư của Trần Phong Giao. Thư đề ngày 27/1/95, viết từ Sài gòn gửi cho tôi ở thành phố Garden Grove, Quận Cam, California, anh báo cho tôi một tin buồn là nhà anh “bị cháy [nhà] khi đã bước cả hai chân qua tuổi sáu-mươi (ôi cái tuổi tuần thời!) tôi những tưởng bị gục luôn. Nào ngờ còn gượng dậy được. Đi phải chống gậy nhưng vẫn là đi….” Và đồng thời anh cũng báo cho tôi một tin vui là anh đã làm xong cuốn từ điển về thành ngữ tiếng Anh. Nhưng, anh viết thêm “[l]àm từ điển thì, bạn dư biết đấy, đói dài.” Trần Phong Giao cũng nhắc chuyện cũ “[S]ực nhớ, có lần Huỳnh Phan Anh đãi uống bia lon. Hỏi sao sang thế? Đáp, ấy có thằng bạn định về thăm quê, nhưng tới Bangkok lại quay về. Hình như nó rét. Có điều, trước khi về nó có nhờ chuyển cho moa tí tiền còm: chầu bia hôm nay. Khỉ thật, phải chi hắn đãi rượu…”

Trần Phong Giao luôn là người dị ứng với bia. Anh chỉ thích rượu và phải là rượu ngon. Thư anh kể thêm là trên kệ rượu nhà anh mới có ba chai: Cutty Sark, the famous Grouse và Grand Macnish. “Phải chi có các bạn ở đây để ‘nghiêng bầu mà hỏi’ thì vui biết mấy!”

Và Trần Phong Giao nhắc tới bạn bè đang ở Mỹ: “Mà lạ, bạn ạ, hễ uống Chivas Regal là nhớ cụ Mặc Đỗ. uống X.O. là nhớ Thu Vàng*, uống Back and White là nhớ cô Thảo Mai**… cỏ xanh đất mát, nhớ V.K.K***.,…” Trần Phong Giao cho tôi biết anh muốn biên thư và đọc thư của Trùng Dương, Nguyễn Quang Hiện, Ngô Thế Vinh,… nhưng không biết các bạn có còn ở chỗ cũ không?
Cuối thư, anh viết: “Bản thân tôi, viết được cánh thư dài như thế này cũng là chuyện hiếm hoi rồi đấy”, và Trần Phong Giao kết thúc bằng 4 câu thơ:

Sáu mươi lăm tuổi rồi đây hả?
Sóng vỗ chân cầu nghe xốn xang.
Đốt tay ngồi đếm, già? Đâu có!
Một tuổi trời cho: một tuổi vàng….


“Cho dù có sống mòn, sống thêm, cũng vẫn là sống. Và còn sống là còn thương, còn nhớ, còn ‘rót thêm ly nữa’ mà không biết mời ai.”

Trần Phong Giao không quên bạn bè cũ dù trong hoàn cảnh nào, và bạn bè anh khi nhắc tới tờ Văn, không ai là không nhớ tới anh…

4.

Ở Mỹ chuyện mua một tủ sách gỗ có đánh vẹc ni có vân đâu phải là chuyện khó. Tìm cho nó một chỗ để trong phòng khách hay phòng làm việc, thậm chí trong phòng ngủ cũng là chuyện dễ như trở bàn tay. Tôi đã có nhiều kệ sách như thế, nhưng cái linh hồn tủ sách Trần Phong Giao tôi không tìm ra.

Tôi muốn nói lời tạm biệt anh. Và nói lời cám ơn người đã xây dựng cho tờ Văn có một chỗ đứng trong trí nhớ chúng ta!

* Nhạc sĩ Cung Tiến
** Nhà văn Mai Thảo
*** Kịch tác gia Vũ Khắc Khoan

 

 

Đọc một chữ, trăm nỗi niềm

Võ Phiến – Nguyễn Xuân Hoàng

(đàm thoại)

Nguyễn Xuân Hoàng(N.X.H.): Rồi đây e không còn ai viết truyện dài, không có những công trình văn nghệ qui mô nữa. E nghệ phẩm cứ theo thời mà teo dần…
Võ Phiến (V.P.): Uả, có chuyện gì xảy ra vậy?
N.X.H.: Ai cũng bận hết, ai cũng quen thói đọc nhanh cả, riết rồi hễ bốc phải cuốn sách dày là phóng như ngựa phi đường trường. Chết sách thôi. Truyện ngắn, sách mỏng: cứ trình ra thị trường những món nhè nhẹ dễ tiêu như thế có hi vọng được chiếu cố kỹ hơn. Không đến nỗi uổng công đẽo gọt. Có lẽ đó là chiều hướng sáng tác của tương lai chăng?
V.P.: Ấy chết. Hoá ra ông vẫn còn bị ám ảnh về một biện pháp đối phó với hoàn cảnh mới, ông vẫn đang tìm kiếm đường hướng mới. Khoan đã, ông ơi. Việc gì phải đến rồi nó sẽ đến. Bây giờ hãy tiếp tục suy nghĩ thêm đôi điều về những hậu quả của một thời vội vã.
Theo chỗ tôi nhận thấy, khi đọc nhanh thì bộ sách nghìn trang bị thiệt thòi, mà bài thơ bốn câu cũng cứ bị thiệt như thường. Ðọc vội thì đọc văn chết văn, đọc thơ chết thơ, đọc sách dày chết sách dày, đọc sách mỏng chết sách mỏng. Cái mẹo của ông vị tất cứu thoát nổi văn chương.
N.X.H.: Ông có ngon trớn mà đi quá xa chăng? Tôi chưa hiểu vì sao một bài thơ ngắn cũng đến nỗi bị nguy hại vì thói đọc nhanh.
V.P.: Cái đó có đấy. Ông có biết hai câu lục bát này không?
“Chờ anh em mãn kiếp chờ,
Chờ cho ến xại vượt bờ khùi ui.”
N.X.H.: Ông vừa đặt ra đấy hả?
V.P.: Không. Ca dao đấy. Truyền tụng đã lâu trong nước.
N.X.H.: Nước nào?
V.P.: Việt Nam. Vùng Bạc Liêu. Bạc Liêu là đất sinh sống của dân Tiều. Trong câu ca dao nọ tiếng Tiều xen lẫn vào tiếng Việt. Trên một số báo xuân gần đây, ông Lê Văn Lân đã cao hứng đưa ra mấy câu cho bà con thưởng thức chơi.
N.X.H.: Ðiệu này thưởng thức gì nổi.
V.P.: Thì đấy. Ông Lê có giải thích: “ến xại” là hai chữ “ung thái” phát âm theo giọng Triều Châu. Ung thái tức rau muống. Còn “khùi ui” là “khai hoa” theo giọng Triều Châu. Hai câu đó, ông Lê dịch:
“Chờ anh em mãn kiếp chờ,
Chờ cho rau muống vượt bờ nở bông.”
N.X.H.: Nghe thắm thiết lắm.
V.P.: Vậy thì nghe thêm:
“Chim kêu ngồ ố, láng dài
A hia xủa bố, a mùi ùm chai.”
Thắm thiết không?
N.X.H.: Ông Lê Văn Lân dịch thế nào?
V.P.: “A hia” là anh, “xủa bố” là cưới vợ, “a mùi” là em, “ùm chai” là không biết. Ông Lê dịch:
“Chim kêu ngồ ố, láng dài,
Anh đi lấy vợ, em rày chẳng hay.”
Ca dao “xủa bố”, ca dao “ến xại”, ở Bạc Liêu trai gái hát đi hát lại bao đời, anh ngậm ngùi em thổn thức, ông lại chê! Ông nghe thêm mấy bài nữa nhé.
N.X.H.: Có lẽ đủ rồi. Cũng biết thêm một loại văn chương…
V.P.: Ông thấy loại ấy ra sao? Bây giờ, nhờ ông Lê, chúng ta đã hiểu ý nghĩa những câu ấy đầy đủ, ông đọc lại nguyên bản thấy thích không? “Chờ cho ến xại lên bờ khùi ui.” Thế nào? “A hia xủa bố, a mùi ùm chai.” Thế nào?
N.X.H.: Thì ông sao tôi vậy. Chắc đại khái như nhau. Ðọc lên, không thấy có cảm xúc gì. Nghĩa là chưa có, chúng ta chưa kịp có cảm xúc. Có lẽ những bà con ở Bạc Liêu…
V.P.: Ðấy! Biết rõ cái nghĩa chữ trong một câu văn một câu thơ, không đủ. Ðọc cuốn sách toán, sách thiên văn, địa lý, hiểu rõ nghĩa là đủ; nhưng đọc văn nghệ phẩm thì như thế chưa giúp ta thưởng thức được gì.
Tôi hiểu ý ông mà. Ông vừa thoái thoát: “Ðủ rồi”, tôi hiểu ngay. Ông nói thế cũng như cụ cố Hồng kêu “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi.” Thơ “ến xại”, biết chừng ấy quá đủ. Còn chị Trúc đọc thơ Nguyễn Bính, tôi chắc chắn không vội kêu đủ đâu:
“Chị có một em, em một chị
Trời làm xa cách mấy non sông”…
Lời lời như thế, chán thế quái nào được. Ðọc một chữ thích một chữ, đọc một câu sướng một câu. Ðọc qua một lần chị rơm rớm nước mắt. Muốn đọc lại ngay. Ðọc lại chị vội vơ khăn lụa. Chữ đậm chữ nhạt, tiếng có tiếng không, lời mờ lời tỏ, chúng nó kết hợp với nhau diễn bày cái gì vậy cà. Chữ nghĩa của chú em sao mà tha thiết tình tứ quá trời. Và tội nghiệp ơi là tội nghiệp. Thương quá sức. Thơ chú em đâu có bí hiểm gì, cái biết chị biết từ khuya. Nhưng chữ nghĩa ấy cứ còn nhẩm trên môi nó còn nhả ra tình cảm, làm mềm cả lòng người. Từng chữ từng lời từng tiếng trong câu văn câu thơ thành công, nó không chỉ chứa cái để biết, nó còn tiết ra từ từ muôn vàn cái để cảm. Từ từ, xin nhắc lại là từ từ.
Xem sách, gặp chữ. Mỗi chữ là một ký hiệu. Mỗi ký hiệu tương ứng với một ý tưởng, hay với một hình ảnh, một âm thanh, một sự vật cụ thể. Cái chủ yếu trong nghệ phẩm là những hình tượng cụ thể được gợi lên. Một chữ, một ký hiệu xa lạ mắt ta gặp thấy, miệng ta đọc lên mà nó không gợi nên một hình ảnh gì cả thì nó không có khả năng gây xúc cảm. “Ến xại”, “khùi ui” đều có mang theo ý nghĩa rõ ràng, nhưng (đối với chúng ta) nó không mang theo hình ảnh nào, nên không gây được rung động. Ngay những tiếng “ngồ ố”, “láng dài”, chúng ta cũng thấy nó xa lạ, nó không có âm vang tình cảm trong tâm hồn những người ở các địa phương cách xa Bạc Liêu.
Trường hợp đọc nhanh cũng có chỗ liên quan với trường hợp đọc ngôn ngữ xa lạ.
N.X.H.: Có phải ông muốn nói đọc nhanh thì không bắt được hình ảnh?
V.P.: Có thế ông à. Từ cái lúc con mắt mình bắt gặp ký hiệu (chữ viết) cho đến lúc một hình ảnh nào đó được gợi lên, dựng ra trong trí, phải có một khoảng thời gian.
Một câu văn có nhiều chữ, một đoạn văn có nhiều câu, một bài văn có nhiều đoạn. Ký hiệu này gợi một hình ảnh, ký hiệu kia gợi một mùi, ký hiệu nọ gợi một âm thanh, một vị, một màu, một tình cảm, một rung động v.v… Phải có thời gian tối thiểu cho nó. Phải chờ nó xuất hiện, chờ nó kịp tác động. Ðừng hối hả quá, đừng xô đẩy nó gấp quá. Chữ viết trên một thông cáo, một văn thư hành chánh chỉ nhả ra cái nghĩa. Chữ viết trên một tác phẩm văn chương, nó nhả ra một thế giới cảm xúc. Ðọc nhanh, hỏng hết. Thành ra thơ “ến xại”, “khùi ui” tuốt.
N.X.H.: Có thế. Bài thơ nhạt vị hẳn đi. Dù sao, phải nhận rằng cách ông phát biểu có phần cực đoan.
V.P.: Có lẽ. Khi mình mải mê đuổi theo một lý luận, say sưa chứng minh một điều gì, mình bị cuốn hút theo một chiều hướng, dễ đâm cực đoan. Ông can thiệp đúng lúc. Vậy đừng hăng hái quá. Chúng ta thư thả, lai rai, tản mạn từ chuyện nọ sang chuyện kia. Này, tôi chợt nhớ mấy câu thơ của Huy Cận thời tiền chiến:
“Tới ngả ba sông, nước bốn bề,
Nửa chiều, gà lạ gáy bên đê.”
N.X.H.:
“Làng xa lặng lẽ sau tre trúc;
Bến cũ thuyền em sắp ghé về.”
Bài ‘Em về nhà’ trong Lửa thiêng, phải không?
V.P.: Chính đấy. Ông cũng thích cũng nhớ mấy câu ấy hả? Ngày tôi tiếp xúc lần đầu với những câu thơ đó tôi chưa trông thấy cái ngả ba sông nào, chưa biết con đê nào cả, vậy mà vẫn thấy xao động lạ lùng.
“Tới ngả ba sông, nước bốn bề
Nửa chiều, gà lạ gáy bên đê.”
Tiếng gà gáy thì tất nhiên là quen thuộc. Cái tiếng gà gáy vào lúc nửa chiều, ở chỗ sông nước mênh mông, tiếng con gà lạ nơi một ngả ba… Trí tưởng tượng tha hồ vẽ vời. Từ cái biết rồi, mơ tưởng đến những cái chưa biết. Từ cái đã có sẵn trong kỷ niệm đến những cái mình tiếp tục dựng lên. Chúng ta bị cuốn đi xa, thật xa…
Sau này Xuân Diệu viết cuốn Thế giới thơ Huy Cận, có đoạn đề cập tới câu thơ nọ. Ông ta bảo hai câu thơ vừa rồi “chứa cảnh, chứa hồn, chứa cả những gì không thể nói được.” Ông có chú ý tới cách nói ấy không? Ngay Xuân Diệu, gần gũi Huy Cận là thế, gắn bó với thơ trước sau là thế, mà cũng không nói được cái chứa của câu thơ: “Những gì không thể nói được.” Mơ hồ quá, rộng lớn quá. Quả như mình cảm tưởng.
Xuân Diệu không biết hết cái “chứa” của câu thơ, nhưng ông ta biết rõ về khung cảnh trong câu thơ. “Ðây là Ngã ba Tam Sa trên sông Phố, tại Linh Cảm, ở quê Hà Tĩnh của Huy Cận.” Linh Cảm: Ðịa danh ấy làm tôi liên tưởng đến mối tình đau đớn của người bạn lớn hơn tôi ba bốn tuổi… Người nữ sinh anh yêu chính ở Linh Cảm. Bấy giờ tôi nào biết Linh Cảm là đâu, nhưng cái cách anh ấy nói đến hai tiếng Linh Cảm trong những đêm tâm sự truyền cho nó bao nhiêu là thắm thiết, bi thương, quằn quại… Tôi có dịp trông thấy một lần ngắn ngủi cô nữ sinh nọ trong cuộc gặp gỡ giữa hai người. Tôi có cảm tưởng tình yêu ấy chỉ một chiều. Cô gái không nói gì mấy. Nét mặt dịu dàng, nhẫn nhục, thương cảm. Gặp nhau một lần ấy rồi thôi, sau này không có sự qua lại nữa. Tuy nhiên, trong nhiều năm trời sau đó tôi nhận thấy anh bạn tôi vẫn không thoát nổi mối tình. Ðang dạy học ở Huế, anh bạn bỏ dạy; hỏi đi đâu, bảo nghe mách có chỗ dạy ngoài Hà Tĩnh, muốn ra xem thử. Lại lần khác gặp biến cố lớn, gia đình chờ mãi bặt tin anh, rất lo lắng. Về sau anh về, bảo rằng lúc ấy bị kẹt ở Linh Cảm v.v… Tôi lén lút nhìn anh, thương xót.
Từ đó, tiếng gà lạ gáy bên đê lại gợi lên trong trí tôi những liên hệ u ẩn, khổ đau, gợi một nét mặt đẹp dịu dàng và buồn bã; cái ngã ba sông nước bốn bề tự dưng liên hệ với nỗi đau âm thầm một đời v.v…
Mình càng gần gũi lâu một ngôn ngữ càng thấy nó chất chứa trong mỗi lời mỗi tiếng lắm điều ngổn ngang. Hãy thư thả, thư thả. Ðể cho mỗi tiếng từ từ nhả ra hết cái chứa đựng tình cảm của nó. Cầm khúc xương gà mút qua một cái, thấy vô vị, vứt đi. Kẻ nhẩn nha cắn vỡ nó ra, hút được cái tủy trong xương, thấm lắm ông ơi.
N.X.H.: Trong câu văn, nhất là câu thơ, tất nhiên có chứa những cái nói được. Nhưng quan trọng nhất lại là có chứa cả những gì không thể nói được…
V.P.: Và cái đó mới là cái mình cần thưởng thức cho kỳ được. Cái phần tinh túy ấy, câu văn câu thơ nào cũng ôm ấp giữ riệt lấy như giữ của quí, như gái giữ thân, chỉ chịu trao cho bậc tri kỷ. Những tiếp xúc văn chương nhanh chóng, dễ dàng, không đi đến đâu…
N.X.H.: Nhưng, xin lỗi, tôi nghĩ cách thưởng thức văn thơ như thế có gì không ổn.
Trong câu thơ của Huy Cận không hề có hình ảnh một khuôn mặt nữ sinh dịu hiền, không có tâm trạng tan tác của mối tình một chiều v.v… Trong ấy Huy Cận gửi vào một hình ảnh cũng đẹp đẽ nhưng khác xa: cô em đi thuyền “về nhà” nọ có thể đã nhiều lần nép mình trong vòng tay anh v.v…, chia xẻ những phút giây nồng nàn… Cái được gửi vào trong mỗi chữ khác với cái được chữ nhả ra.
V.P.: Thì vẫn thế. Tác phẩm văn chương chẳng qua là những quán trọ Y-pha-nho. “Ta chỉ giàu những của sẵn mang theo.” Nếu người đọc đi vào sách chỉ mang theo cái tâm sự của đứa trẻ lớp mẫu giáo thì chẳng tiếp nhận được mấy tình cảm đâu, dù sách là đại danh phẩm. Câu thơ hay chỉ khua dậy những tình cảm trong lòng người đọc “giàu”. Nhưng dù có “giàu” tới đâu, có chất chứa bao nhiêu của cải bên trong, cũng phải kịp có thì giờ dàn ra chứ.
N.X.H.: Nói về cái thơ cái thẩn, lan man một chút như thế có bớt căng.
V.P.: Thì lan man thêm chút nữa đi. Theo chân ông Bùi Giáng nhé. Có ông Bùi Giáng thì hết căng ngay.
N.X.H.: Bùi Giáng cũng có nói về hoàn cảnh mới cho sáng tác văn nghệ nữa sao?
V.P.: Ðâu có, đâu có. Bùi quân vượt ra ngoài không gian lẫn thời gian. Ông không lý đến chuyện hoàn cảnh đổi thay này nọ đâu.
Chính bởi ông Bùi vượt thời gian mà tôi muốn nói đến ông lúc này. Số là cách đây vài tháng bà Phan Thị Trọng Tuyến có gửi cho mượn cuốn Ngày tháng ngao du, in từ năm 1971, đọc thấy có những ý kiến bây giờ vẫn còn hay còn đúng. Tôi khoái quá, liền ca ngợi ngay, giờ lại muốn ca ngợi nữa. Không nhịn được.
N.X.H.: Uả, việc gì phải nhịn cho nó bí người? Muốn ca, xin cứ ca bằng thích.
V.P.: Xin vâng. Này nhé, ai nấy đều biết Nguyễn Du có câu “Phong lưu rất mực hồng quần” chứ gì? Ông Bùi Giáng liền đặt ra vấn đề: “Hồng quần là quần hồng. Quần hồng là biểu tượng đàn bà. Nhưng chỗ kỳ dị là: không thể dùng tiếng ‘Ðàn bà’ thay thế cho tiếng hồng quần trong câu thơ đó. Thử đọc: ‘Phong lưu rất mực đàn bà’??? Và kỳ dị hơn nữa: không thể đem tiếng quần hồng thay thế cho tiếng hồng quần. Thử đọc: ‘Phong lưu rất mực quần hồng’ thì mọi người đều phì cười. Tại sao có sự lạ đó.”
Bùi quân lại còn giải rõ thêm: “Nếu đem quần hồng thay thế cho hồng quần, thì lời thơ tan hoang tinh thể. Làm sao một ông giáo sư trịnh trọng có thể giải thích sự huyền bí đó cho học sinh luyện thi? Ông chỉ có thể bảo rằng: Nàng Thúy Kiều sống phong lưu rất mực, ngày ngày tháng tháng nàng luôn luôn vận chiếc quần hồng. Và học sinh sẽ cười rộ suốt cả lớp. Còn học hành gì được nữa?”
N.X.H.: Ông Bùi Bàng Giúi vui thật. Vừa thâm vừa vui.
V.P.: Chưa hết. Bùi quân còn vui còn thâm hơn nữa. Ông ấy giễu Crayssac bằng cách trích đúng y nguyên bản dịch cho bà con coi chơi thôi, không hề thêm bớt gì cả:
“Elle vivait ainsi, de facon indolente,
Les beaux jours de loisir d’une vie élégante,
De par le rang des siens pouvait porter, selon
La coutume chinoise, un rouge pantalon.”
Ông phán: “Ngôn ngữ tèm nhem”! Ðố René Crayssac cãi được.
N.X.H.: Ngộ thật. Chỉ có sáu chữ đơn giản mà loay hoay dài dòng tới bốn câu vẫn không dịch được. Hồng quần là quần hồng mà không phải là quần hồng. Thay thế bằng quần hồng không được, bằng quần đỏ quần điều đều không được; thậm chí thay thế bằng những tiếng đàn bà hay phụ nữ v.v… đều bất khả. Cắc cớ thật.
V.P.: Ðã sẵn lan man, mình lan man luôn. Hãy tưởng tượng mai kia rồi nước ta lại xảy ra cách mạng. (Ối, gì chứ cách mạng thì ai cấm được nó xảy ra bất cứ lúc nào). Cách mạng xong, xuất hiện một nhà lãnh đạo văn hoá rất mạnh tay, một vị tên là Giang Tục nào đó chẳng hạn, từng là cựu tù nhân Côn Lôn, cựu nạn nhân Chuồng Cọp. Bèn có chủ trương triệt để tiêu diệt tàn tích văn hoá phong kiến, xoá sạch dấu vết dâm thư đồi trụy có thể làm bại hoại luân thường đạo lý. Truyện Kiều đi đời. Khi cách mạng hoàn thành sứ mạng lịch sử và bị xua đuổi như đuổi tà, đất nước thở dài khoan khoái, nhiều người sực nhớ lại Truyện Kiều, muốn tìm đọc để mua vui một vài trống canh chơi, bấy giờ mới hay Truyện Kiều đã mất tích hẳn trên đời. Ðây đó trên thế gian chỉ còn rải rác các bản dịch nằm trong góc các thư viện Âu Mỹ. Có còn hơn không. Có người tóm được bản René Crayssac, quyết tâm căn cứ vào bản này để phục hồi Truyện Kiều Việt ngữ. “Phong lưu rất mực hồng quần” bèn được dịch phăng phăng. Dịch rằng:
“Thế là nàng sống nhởn nhơ
Những ngày đẹp đẽ phong lưu tuyệt trần
Giàu sang cùng một giai tầng
Mặc theo lối xẩm cái quần đỏ tươi.”
Ông nghĩ sao?
N.X.H.: Tôi nghĩ dịch như thế, đọc bản Kiều “phục hồi” tha hồ mua vui suốt năm canh.
V.P.: Không những học sinh cười rộ, mà bà con cả nước sẽ cười bò lê bò càng, còn luyện thi luyện thiếc, còn nói chuyện văn hoá văn huyếc gì được nữa.
Ðấy, ông thấy không? Hồng quần là cái quần hồng, nghĩa nó thì giản dị mà lắng nghe cho được cái xúc cảm đích thực nó gây ra nơi lòng mình lại không hề giản dị. Mấy tỉ người trên đời không ai giống ai, mỗi người một vẻ. Cái tiếng, cái chữ cũng vậy. Mỗi chữ một tướng mạo. Có chữ trông hung tợn, có tiếng nghe chịu liền. Có chữ mới chạm mặt nó đã phát dội, có tiếng đọc lên càng ngẫm càng thấy nó có cái duyên ngầm, ý vị thấm thía v.v… Ông Bùi bảo: “Làm sao (…) có thể giải thích sự huyền bí đó?” Tôi khoái Bùi quân ở cái chữ “sự huyền bí”.
Người độc giả vội vàng, hớt hơ hớt hải, sớn sa sớn sác, đọc một chữ bỏ một chữ, phớt qua một cái nhanh như điện, thì bắt sao được “sự huyền bí” của chữ nghĩa. Từ từ, hãy đợi chữ nghĩa nó nhả ra cái huyền bí. Cho nên một bài thơ ngắn, thậm chí một câu sáu chữ cũng đừng tưởng nó không thể xếu mếu vì lối đọc cóc nhảy.
N.X.H.: Hôm nay ông chú trọng về thơ. Chữ trong thơ nó thường ngậm kỹ nhả lâu…
V.P.: Không hẳn. Cố nhiên là lời thơ vẫn trau chuốt hơn lời văn, mỗi một chữ trong câu thơ thường được chọn lựa đắn đo hơn trong câu văn. Tuy nhiên, không phải chữ viết trong câu văn là thực thà đơn giản đâu. Một tác giả đã nói: “Không có một người viết tản văn nào, dù là người sáng suốt nhất, có thể biết được ‘hoàn toàn’ mình muốn nói gì; hoặc ông ta đã nói mạnh quá hoặc nói yếu quá, vì mỗi lần viết ra một câu văn là chấp nhận một cuộc đánh cá, một mạo hiểm; cứ càng sờ soạng vào càng thấy cái chữ viết nó lộ sắc thái riêng; đúng như Valéry đã cho thấy, không ai có thể hiểu thấu đến cùng một chữ một lời. Như vậy mỗi một chữ được dùng là đồng thời dùng trong cái nghĩa rõ ràng thông dụng của nó và dùng luôn cả vì một số âm vang u ẩn nào đó, cơ hồ có thể nói là vì cái diện mạo của nó nữa.”
N.X.H.: Có phải là lời của Sartre?
V.P.: Ấy chết! nói ra thấy xấu hổ. Cái biết của mình là một cóp nhặt đó đây. Trả lại cho người cách sòng phẳng, mình chẳng còn gì. Tự mình nghiệm ra suốt đời không suy nghĩ được mấy điều ra hồn. Tệ thật.
Thôi, xin bỏ qua Sartre. Ông nhớ cuốn Louis Lambert của Balzac chứ ạ?
N.X.H.: Một cuốn tiểu thuyết tự truyện. Louis Lambert chính là Balzac ấy chứ gì?
V.P.: Ðấy. Thuở bé, cậu bé bị mẹ hất hủi, lúc nào cũng thui thủi một mình với cuốn sách. Mới mười hai tuổi, cậu đã đọc được rất nhiều, và tâm trí thu hút vào sách mạnh mẽ đến nỗi mắt nhìn trang sách mà trí tưởng tượng có thể dựng lên cả cảnh tượng ngoài đời rõ mồn một. “Khi tôi đọc một đoạn tả trận đánh ở Austerlitz tôi trông thấy cả mọi cái đã xảy ra. Tiếng súng nổ vang, tiếng binh sĩ gào thét dội vào tai tôi, chấn động sâu xa. Tôi có thể ngửi thấy mùi thuốc súng và nghe tiếng vó ngựa cũng như tiếng người la hét v.v…”
Ðọc mà “kỹ” đến thế, thì chữ viết trong cuốn tiểu thuyết cũng bật ra hình ảnh, âm thanh, mùi vị, màu sắc được. Ðâu phải chỉ có trong thi ca?
Nhưng ngày nay mấy ai trong chúng ta mơ tưởng tìm ra một độc giả đọc sách mình kỹ như thế! Ðọc không còn đọc như thế nữa, mà viết vẫn cứ tiếp tục viết như thế, sao được? Cái viết phải liệu thân nó cho kịp thời chứ.
5 – 1993

Tạp chí Văn từ lòng đất

Ban Mai

 

clip_image004

Những ngày cuối cùng của cuộc chiến, tháng 4/1975 như vết nước mắt loang dài của miền Trung ngắn dần đi khi dân chúng di tản vào Nam kiệt sức đến không còn nước mắt khóc cho những xác người ven đường. Khóc cho nhà cửa vườn tược bỏ lại bị thiêu cháy, cho ruộng nương hoang tàn, cho trâu bò lạc lõng bơ vơ như thân phận của chính mình giữa dòng người chạy loạn.

Gia đình tôi như số đông dân Quy Nhơn chạy vào đến Tuy Hòa, rồi ráng qua được đèo Cả vào đến Nha Trang, lê lết thêm một quãng nữa đến Cam Ranh là hết sức. Chân phồng lên vì dộp. Mi mắt phồng lên vì mất ngủ, chúng tôi như những bóng ma của chiến tranh mang trong óc trí não phồng lên vì lo lắng. Chiến tranh có quy luật của loạn lạc. Chiến tranh Việt Nam có quy luật riêng: Dân không chạy ngược lên phía Bắc mà luôn chạy vào Nam. Xuôi Nam, là tìm đường sống, là tìm tự do, dù trên danh nghĩa được giải phóng.

Gia đình tôi cũng vậy. Chạy tất tả bờ bụi, ngay sau khi vỡ mặt trận. Mỗi ngày các chuyến xe đò và quân xa dồn dập đổ dồn về bến xe chính thị xã thải những con người lầm than, màn trời chiếu đất. Dân đất Quảng liều chết vượt đèo Hải Vân vô cho được Quy Nhơn. Hải Vân như rặng núi thiên nhiên chống đỡ, biết có ngăn được nguy biến cho chúng tôi? Ba tôi ở Phòng Thông tin về thất thần, tin Đà Nẵng mất như quả bom nổ giữa nhà. Thế là hết, Đà Nẵng, thành phố lớn nhất miền Trung sụp đổ, là vỡ mặt trận. Tuổi mười hai tôi hiểu: Tam Kỳ, Quảng Ngãi, Đức Phổ liên tiếp vỡ mặt trận. Đức Phổ là đã sát Tam Quan, Hoài Nhơn, Bồng Sơn. Là đã vào đến Bình Định. Dân Quy Nhơn chỉ còn biết chạy. Gồng gánh, bồng bế nhau chạy theo đoàn người lam lũ mà mới hôm qua chúng tôi hãy còn sót thương, gói ghém thức ăn giúp đỡ khi họ lây lất nằm ngồi trên vỉa hè thị xã. Giờ chúng tôi thành họ, bỏ nhà cửa nhập vào cái đuôi rồng rắn dài ngoằn thậm thược bò trườn về phía Nam. Phía Nam… thật xa như biển Thái Bình vỗ sóng. Phía Nam… ở cuối chân trời còn trong xanh như giấc mơ tuổi thơ. Phía Nam mang hình ảnh nhu mì thanh bình của những đồng ruộng miền Tây, của lộng lẫy Sàigòn làm tuổi thơ tôi nô nức. Vâng, tôi hãy còn nhỏ, còn là cô bé đệ thất hóng chuyện người lớn, lo âu theo nỗi lo cha mẹ, sợ hãi theo nỗi sợ hãi của các anh chị, học lóm các danh từ quân sự từ miệng chú bác. Tuổi thơ chiến tranh trong Nam không hực lửa dữ dội như tuổi thơ miền Bắc mà êm đềm dịu lành như miền Nam, tuy chiến tranh xảy ra ở đây, nhưng những người lính Cộng hòa bảo vệ chúng tôi được yên bình. Đến tháng 4/1975, tôi sống trong sự an lành bấp bênh này.

Qua khỏi Nha Trang, gia đình tôi vào tạm trú trong cư xá Cam Ranh. Dừng lại vì đuối sức. Để thở. Để hô hấp. Để kịp nhìn quanh xác định vị trí thân phận gia đình mình giữa dòng loạn lạc, là điều cha mẹ đánh liều, vì các con hết sức, vì không biết làm gì khác. Cả nhà đã đuối. Tôi kiệt sức. Tôi muốn lả. Tôi uống ca nước mưa trong cư xá tìm vị nước mưa của quê hương mát lịm ngọt ngào.

Buổi chiều hôm ấy thật căng thẳng. Tôi còn nhớ tin quân giải phóng bị chận ở đèo M’Drak không cho xuống Khánh Dương tràn xuống miền duyên hải làm cả khu cư xá hân hoan, lên tinh thần. Rồi vụt đến tin lính mình tan hàng. Tôi chưa biết tan hànglà gì, nhưng nhìn gương mặt người lớn âu lo chùng xuống, tôi biết tin không lành. Ba mẹ tôi bằng mọi cách muốn con mình phải sống.

Sống, nên mấy chị em tôi đóng cửa ở trong nhà như ba mẹ dặn. Cả hai đi đâu chúng tôi không được quyền biết, chuyện người lớn, chiến tranh là của người lớn, nhưng chính chúng tôi đang cùng sống chiến tranh với họ. Thỉnh thoảng tôi len lén nhìn qua khe cửa. Cư xá vẫn náo động, nhưng tôi muốn nhìn ra bên ngoài, qua vách tường thấp trông ra mặt hè phố. Chị tôi la, mở cửa sổ cho chị, chị ngộp thở quá. Nhà gì mà kín mít. Được phép, tôi mở toang cửa sổ. Cảnh tượng ập đến như phim chiến tranh. Tôi gọi chị ra xem. Tôi la: Chị ơi, lính của mình vứt binh phục đầy đường rồi, họ quăng giày bốt trên vỉa hè… Chị lao tới, chị cũng sửng sờ, những người lính oai hùng hôm qua, những người lính điển trai sạm nắng, đàn ông tính và hiên ngang làm những thiếu nữ như chị mơ ước…

Tôi giật thót, khi nghe tiếng gõ cửa. Ba tôi trong khung cửa, ba trở về với một người lính trẻ thất thần, hối hả tháo binh phục, gần như muốn lột da anh để không ai biết da anh từng rằn ri lúc trước. Anh tháo hối hả áo trận, áo thun xanh lục bên trong, vứt thẻ bài tiếp tục lấp lánh trong góc tối rồi anh vội vã xin chúng tôi bộ quần áo. Anh còn trẻ lắm, chắc vừa xong tú tài. Tôi ngắm anh xương xương, tóc ngắn, da ngăm nhưng còn tươi nét thị thành, anh không phải là nông dân, mà phải xuất thân thành phố. Tôi luýnh quýnh lấy đồ dân sự đưa cho anh.

Người lính vứt xuống ba lô đầy bụi đất. Bộ sách English for today của Lê Bá Kông rơi ra đất. Trọn bộ 6 quyển và thêm 5 cuốn tập san Văn. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy tập san Văn. Thật ra tôi vẫn trông thấy chúng trong hiệu sách chú Thiện gần nhà, nhưng tôi hãy còn quá nhỏ để vươn tới văn chương của người lớn, tôi hài lòng với nguyệt san Tuổi ngọc của Duyên Anh, nguyệt san Thiếu Nhi của Nhật Tiến, nguyệt san Thằng Bờm và mục Mai Bê Bi trên báo Chính Luận. Tháng 4/1975 làm tôi vụt lớn, giống như trông thấy xác chết làm đứa trẻ lớn lên vì hiểu cuộc đời là khổ đau và chết chóc. Tôi cảm giác cô bé Quy Nhơn hôm qua, đã là thiếu nữ lúc này, ánh mắt tôi nhìn đăm đăm tạp chí Văn và người lính nhìn thấy. Anh nhìn ra ánh mắt tôi trên tập san Văn, như để trả ơn tôi đem quần áo của ba cho anh, anh buồn buồn nói: mấy quyển tạp chí này anh cho em. Hết rồi, không còn gì nữa, anh không cần nữa. Anh không cần chúng nữa. Em hãy giữ lấy.

Tần ngần một lúc, anh đưa cho tôi. Tôi nhìn được vẻ ngậm ngùi trên gương mặt anh, hãy còn bơ phờ và cháy nắng. Bụi đất, thuốc súng, vết đạn bạn anh trúng thương như hãy còn nguyên trên trán anh. Trán của một người lính mang 5 quyển tạp chí Văn trong ba lô mà tôi không hiểu quan trọng đến mức nào khiến anh không vứt suốt đoạn đường lui binh, khiến anh chấp nhận mang ít đạn dược, lương khô để dành chỗ cho bộ English for today của Lê Bá Kông và 5 tập nguyệt san Văn.

Tôi hỏi: Đi lính mà mang theo sách văn chương chi vậy anh?

Anh nói: Đọc cho đỡ buồn để nhấc mình ra khỏi chiến tranh.

Rồi anh kể, anh mơ ước sẽ đi học tiếp. Anh học năm thứ nhất Văn khoa Sàigòn trước khi bị động viên. Anh muốn trở về trường cũ, hy vọng phía chiến thắng xem phía thua trận là anh em, cho phép anh sống bình thường, ước mơ bình thường, tốt nghiệp Văn khoa đi dạy một trường trung học tỉnh lỵ nào đó, đạm bạc mà yên ổn với cuộc đời. Anh không thích chiến tranh, anh không muốn đánh nhau hoài, thua trận nhưng cũng là dịp tốt chấm dứt nội chiến. Anh đưa tay vuốt tóc tôi, bàn tay có những đốt chai của người lính mà tôi cảm được khi lướt qua trán mình, lớp da tay sần có thể vì khuân đạn, vì phải đào công sự, chạm vào da làm tôi hơi giật mình. Da của một người đàn ông lạ, tôi nghĩ. Da của một bàn tay ham đọc sách văn chương, tôi cũng nghĩ. Chúng tôi tiễn anh ra cửa, bóng anh vụng về trong đồ dân sự cố đi bình thản nhưng bước chân như chạy trốn người lính là chính anh vừa ban nãy, còn đồ trận, giờ anh đã bỏ lại và muốn thoát bóng cũ.

Ngày ấy, tôi còn rất nhỏ. Tháng 4/1975 tôi chưa là thiếu nữ, tôi chỉ cảm thấy vô cùng thương tâm, lòng như lửa đốt vì lo lắng khi nghĩ đến người thân. Các anh con bác tôi cũng đi lính, những ngày này, các anh tôi lầm than đang trôi dạt nơi nào.

Rồi thời gian qua như bão sa mạc. Gió tốc tan hoang chỉ còn lại đất, tất cả biến mất khi chúng tôi trở về. Trong cơn bão, tủ sách của gia đình tôi bị đốt sạch, ba nói người ta sẽ vào nhà lục soát và kết án tàn dư chế độ cũ, ai giữ sách là phạm pháp. Ba sợ. Mẹ sợ. Cô chú, thím, bác, dì, dượng sợ. Không ai dám giữ, dám giấu hay cất hộ. Tôi và các chị lén ba, giấu những tập sách mà mình yêu thích nhất trong một hòm gỗ dưới chân cầu thang tầng 2, những quyển sách mà người lính đã tặng tôi cũng để lại không nỡ đốt đi. Ánh mắt anh như còn trên bìa sách. Ánh mắt lấp lánh hy vọng anh có thể theo học Văn khoa tiếp tục phảng phất trên trang giấy ố vàng. Thời gian làm những Tạp chí Văn ấy đã trở thành “di sản” của văn chương Miền Nam. Chính tôi cũng không ngờ tới, và có lẽ anh cũng không ngờ đến. Tôi đã giữ, đã đọc, đã “nhấc mình lên” khỏi cuộc chiến như anh dặn. Bằng văn chương.

Cách đây mấy năm, khi đọc trên online Tạp chí Văn ở Hoa Kỳ của nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng, thấy trên danh mục thiếu những tập năm 1969, tôi nhớ ngày xưa người lính đã cho tôi mấy cuốn nên lôi ra, sách đã ố màu và mối ăn lỗ chỗ. Tôi khẽ khàng lật từng trang sách vì giấy đã mục nát. Tôi cảm giác kỳ lạ là chính anh cũng đang cùng tôi lật khẽ khàng từng trang sách cũ. Lật từng chữ cũ, với sự hoài niệm của một thời đã mất.

Tôi lật từng trang.

Văn số 140, ra ngày 15 tháng 10 năm 1969, gồm 128 trang. Số đặc biệt về Yasunari Kawabata là một nhà văn nổi tiếng của Nhật Bản được giải Nobel văn chương năm 1968. Hình bìa là bức ảnh nhà văn mặc áo kimono đen với gương mặc thiền tông, do Văn Thanh trình bày. Bài nhận định Yasunari Kawabata cuộc đời và sự nghiệp của Vũ Thư Thanh viết từ Tokyo, tháng 7 năm 1969. Yasunari Kawabata dưới nhãn quang Tây phương của Chu sỹ Hạnh viết từ Melbourne, tháng 3 năm 69. Tiếp theo giới thiệu 5 tiểu thuyết tiêu biểu của Kawabata: Cô đào miền Izu, Tiếng núi rền, Ngàn cánh hạc do Vũ Thư Thanh dịch từ nguyên tác, riêng truyện Thủy Nguyệt do Chu Sỹ Hạnh dịch từ bản tiếng Anh, Nốt ruồi do Mai-Dzam dịch. Văn khi ấy, như thế đã cập nhật văn học thế giới rất nhanh vào miền Nam. Miền Nam, cảnh cửa văn chương mở ra thế giới của toàn Việt Nam. Tháng 4/1975 đã đóng lại phũ phàng.

Bên cạnh đó, Văn số 140 năm 1969 đăng tiếp truyện dài nhiều kỳ Khu rừng hực lửa của Nguyễn Xuân Hoàng.  Mục Tin văn… do Thư Trung và các bạn đảm trách: đưa tin Mường Mán cây bút trẻ của Văn vừa ra chiến trường; Lê Bá Lãng thì được biệt phái trở về nghề gõ đầu trẻ; giới thiệu tập sách mới nhất của Nguyễn Mạnh Côn “Hòa bình…nghĩ gì?làm gì?”, tựa mà về sau Phan Nhật Nam lấy  lại trong một chương của bi ký Tù binh và Hòa bình; rồi Hội Bút Việt cử phái đoàn tham dự hội nghị Văn Bút Quốc tế, ở Pháp. Tin ngoài nước: giới thiệu giải thưởng văn hóa ở Đại Hàn, Genève vừa tổ chức cuộc gặp gỡ quốc tế lần thứ XXII giữa các nhà văn hóa, để thảo luận về đề tài “Tự do và trật tự xã hội”.

Tiếp theo mục Thư tòa soạn loan báo trước chủ đề của những số báo sắp tới, cuối cùng Hộp thư bạn đọc Tòa soạn Văn giới thiệu những tác phẩm mới do các tác giả và nhà xuất bản gửi tặng.

Bờ sông lá mục của Phan Lạc Tiếp, là một tập bút ký chiến tranh, trình bày cuộc nội chiến Nam Bắc hiện tại qua cái nhìn của một người đi biển.

Nhật ký quân trường của Trần Châu Hồ, viết trong những ngày ở lại quân trường không đi nghỉ phép của nhà giáo Trần Châu Hồ khi thực tập quân sự tại TTHL Quang Trung.

Vực xoáy của Bàng Bá Lân, tập truyện dị thường gồm 10 đoản thiên, dịch từ nhiều tác giả Âu Mỹ nổi danh.

Những giọt đắng của Võ Hồng gồm 7 đoàn thiên, Bìa của Đinh Cường.

Mặt trận miền tây vẫn yên tĩnh của Erich Maria Remarque, Phạm Trọng Khôi dịch từ bản tiếng Pháp Rien de nouveau à l’Ouest, viết về tâm trạng phản chiến của binh sĩ Đức trong Thế chiến Thứ Nhất, đã được chuyển thành phim và dịch sang nhiều thứ tiếng. Bìa do Đinh Cường vẽ.

Văn chương tranh đấu miền Nam của Nguyễn Văn Sâm, khảo sát 24 tác giả quan trọng của văn chương nam bộ thời kỳ 1945-1950, là một công trình nghiêm túc và đáng tán thưởng.

Thơ Lữ Quỳnh, thi phẩm đầu tay gồm khoảng 30 bài. In Thạch bản, trình bày trang nhã, phổ biến hạn chế trong vòng thân hữu.

Viết cho những người còn lại của Lê Trúc Khanh, Hà Huy Khanh và Lệ Thy. Thi phẩm đầu tay của ba tác giả tại Cần Thơ.

Quyển Tạp chí Văn hơn 30 năm trời đã lưu giữ tâm hồn bao con người, như một thước phim quay chậm, từng con chữ, từng con chữ hiện lên những cuộc đời. Số phận những nhà văn Miền Nam này đã ra sao sau biến cố tháng 4/1975, họ còn sống hay đã chết…, với tôi tạp chí Văn như một nấm mồ bí ẩn.

Nhưng chính những trang sách ẩn chứa bao điều bí ẩn đã giúp tôi thoát khỏi nỗi buồn trong những năm dài cay nghiệt của cuộc đời. Văn chương tự do giúp tôi “nhấc mình” lên khỏi thực tế u buồn của xã hội thực tại. Tôi nhấc tôi lên bằng văn chương quá vãng của miền Nam, nhấc tôi lên khỏi cuộc đời thăng trầm trăm nỗi lo toan. Mà vây quanh là khẩu hiệu. Khẩu hiểu trên tranh cổ động không giúp nhấc mình mà nhấn mình xuống vì phải làm theo chỉ thị, theo khẩu hiệu, mà mình không muốn, vẫn phải làm. Làm tối mặt. Tối mắt. Để về nhà buồn bã là đã không sống thật với mình. Tạp chí Văn khi ấy tôi lưu giữ trong nhà rất lạ, không giống những tập san văn nghệ bày bán trên sạp báo bên ngoài, cũng không giống báo văn nghệ hội nhà văn, là một cái gì khác.

Văn chương tự do cho mình cuộc đời khác, sống cùng nhân vật, đem mình bay đến những miền đất lạ và tuy trong khoảnh khắc, nhưng cuộc đời bỗng hạnh phúc biết bao.

Bây giờ tôi đã hiểu vì sao ngày trước, người lính miền Nam ra chiến trường vẫn mang theo trong hành trang Tạp chí Văn cất trong ba lô của mình, như lời anh nói, giúp anh “nhấc mình ra khỏi chiến tranh”. Ra khỏi sắt thép, lửa và tham vọng. Trong văn miền Nam không có thép, nên anh tìm bình an trong Tạp chí Văn Sàigòn ngày ấy.

Tôi cũng vậy, tôi cũng muốn tìm bình an trong văn chương.

Quy Nhơn, 20/01/2011

 

***

Phụ đính:

Người bạn thân cũ, mùa hè


Suốt một tháng nay tôi bồi hồi vì được nối lại liên lạc với một người bạn thân cũ. Tôi không biết chúng tôi bặt tin nhau đã bao nhiêu năm, nhưng nếu lấy tháng Tư 1975 làm mốc thì chúng tôi xa nhau có đến 40 năm hơn. Hồi đó chúng tôi còn ở tuổi thiếu niên. Thành phố Nha trang với những ngôi trường đầy những cây phượng vĩ, tiếng ve kêu râm ran chào đón mùa hè, và biển xanh, những cây dừa, những lùm dương, cát và gió, và một bầu trời không mây.
Bạn tôi là một thiếu niên không chỉ đẹp trai mà còn học giỏi. Toán và sinh ngữ anh luôn đứng đầu lớp. Anh có nước da màu nâu như cô bé đón xe ở ngã tư Washington và Oregon. Và anh có mái tóc rất đẹp, vàng mịn và xoăn. Mà anh đẹp là phải. Anh rất giống mẹ anh. Người mẹ mà anh vẫn gọi là Dì. Bà giống như một phụ nữ Tây phương hơn là Á đông. Ít nói nhưng dịu dàng, nghiêm mà bao dung. Bà là chủ một tiệm ăn, khá sang, ít chỗ ngồi nhưng toàn khách chọn lọc. Thỉnh thoảng tới thăm bạn, tôi luôn luôn được Dì cho ăn, không phải như một người khách mà như một đứa con. Và tôi đã ăn theo kiểu “ăn cho bõ những ngày cơ cực” như cách nói của Bùi Bảo Trúc. Cái làm cho Dì ít giống như Tây phương nhất đó là Dì hút thuốc lá cẩm lệ như những phụ nữ Huế.
Hơn 40 năm tôi chưa gặp lại bạn, cho nên hình ảnh bạn còn trong trí nhớ tôi là một Tôn Thất L. thời Trung Học. Một thời với Ðoàn Lân, Trần Lâm Cao, Lê Văn Quyền, Thái Hồng Ngọc, Vĩnh Tiễn, Lê Quang An, Võ Văn Trưng, Dương Ðức Quảng, Sao Trên Rừng-Nguyễn Ðức Sơn, Duy Năng- Nguyễn Văn Trí, Hoàng Thị Ngọc Táo, Nguyễn Thị Hoàng, Tôn Nữ Nha Trang, Cao Hoành Nhân, và các bà chị xinh đẹp hoa khôi một thời thuở đó như Túy Hoa, Tôn Nữ Dạ Khê, Như Phú, Bích Hường Bích Ngân…

Thành phố biển. Và những mối tình của tôi: Bích, Bạch Mai, Bouquet Odette. Mãi về sau này, khi đọc Métisse Blanche tôi mới biết tác giả Kim Lefèvre chính là Lâm Kim Yến, một trong mấy bà chị xinh đẹp của thành phố mà mối tình của chị (cũng như mối tình của Nguyễn Thị Hoàng trước khi viết Vòng Tay Học Trò) đã làm sóng biển Nha Trang trở thành bão tố. Dù sao thuở đó, tôi vẫn thấy Dì tôi là người đàn bà đẹp nhất. L. nói Dì không ở Montréal mà ở với một người con khác bên Mỹ. Tôi gọi dây nói thăm Dì. Tôi nói với Dì là “con đã già”, Dì bảo Dì cũng không còn khỏe như ngày xưa. Dì đọc kinh và niệm Phật suốt ngày. Dì gọi tôi là “anh” như Dì vẫn gọi con trai của Dì, bạn L. của tôi là “anh” khi chúng tôi còn nhỏ.
40 năm sau, tôi chỉ gặp lại L. bằng điện thoại. Tôi vẫn chưa nhìn tận mặt anh. Chúng tôi biết là chúng tôi đã già. Mùa hè năm Ðệ Nhị, sau khi lấy được cái Tú Tài I, chúng tôi chia tay nhau. Cả hai chúng tôi đều vào Sài Gòn và điều kỳ lạ là chúng tôi lạc nhau trong cái thành phố Sài Gòn nhỏ bé kia. L . vào Quốc gia Hành chánh. Mấy năm sau tôi nhận được cái bưu thiếp từ Tokyo, L. viết mấy dòng ngắn về nơi anh đến. Và đó có lẽ là những dòng chữ duy nhất mà chúng tôi trao đổi với nhau trong suốt 40 năm.
Mùa hè, năm lên Ðệ nhị, chúng tôi bắt đầu chơi boxing và nói chuyện sẽ đi Sài Gòn học. Tôi muốn làm một người có thể chịu đựng những cú đấm, vì ngày nào đi tắm biển cũng bị những thằng to con đuổi đánh. Tôi muốn có sức chịu đựng của những thỏi thép. Tôi đã làm được điều đó và không lâu, khi cha tôi biết tôi chơi quyền Anh, ông bảo quả đấm của mày thì làm được gì. Liệu mày có đủ sức đấm trả Huỳnh Tiền không? [một tay võ sĩ lừng danh thuở đó]. Tôi hỏi, vậy con phải làm sao. Mày chơi súng đi! Tôi đã ăn cắp khẩu súng của anh tôi, khi anh từ Ban Mê Thuột trở về thăm gia đình. Khẩu súng ngắn Beretta rất đẹp, gọn và nhẹ, như một đồ chơi và tôi đã có dịp sử dụng nó trong một buổi tối ở biển. Viên đạn bắn trượt không giết chết ai, nhưng quả thật nó đã cứu tôi khỏi những thằng lục lâm ở biển. Mấy ngày sau cha tôi hỏi súng làm được gì? Tôi nói mấy thằng lâu la ở biển hết dám đụng con. Cha tôi cười, súng ống thì nhằm nhò gì! Có thứ còn hơn súng nữa kia. Tôi hỏi thứ gì? Cha cười “cái đầu của mày. Ði học đi, cái đầu còn hơn cái súng.” Tôi trả cây Beretta lại cho anh tôi, tôi không chơi boxing nữa.

Tôi chơi trò chơi văn chương. Qua đường dây viễn liên L. hỏi tôi tại sao viết văn? Viết hồi nào vậy? Tôi có đọc đâu đó những bài của ông, nhưng tôi cứ muốn hỏi tại sao? Hồi tụi mình chơi với nhau, ông đâu có thích chuyện này, phải không?
L. gửi cho tôi ba cuốn sách của Thích Nữ Trí Hải trong đó có hai cuốn dịch của W. Rahula (Phật Dạy Những Gì – Con Ðường Thoát Khổ với Lời Tựa của Hòa Thượng Thích Minh Châu, 1966) và cuốn của Geshe Kelsang Gyatso (Phật Giáo Truyền Thống Ðại Thừa). Tôi dừng lại ở cuốn Lấp Lánh Sao Trời. Cuốn sách mỏng hơn 100 trang gồm những bài viết ngắn, gọn súc tích. Tôi đã đạc rất nhiều lần bài thứ 27: Sống Chết Và Thời Gian của Thích Nữ Trí Hải. Tôi đọc trước hết vì sách do L. gửi cho tôi. Và tôi đọc nhiều lần bài viết ngắn này vì nó trả lời tôi những câu hỏi tôi đi tìm.
“……….đời sống chúng ta quả không khác gì một đốm lửa nhỏ chợt lóe lên trong đêm tối mênh mông rồi vụt tắt. Trước ta và sau ta là những gì, ta hoàn toàn mù tịt:

Tiền tế vô cùng
Hậu tế ninh khắc
Ðường trước mênh mang
Nẻo sau nào biết
(Qui sơn cảnh cách)
Ấy thế mà, trong khoảng thời gian ngắn ngủi của đốm sáng nổi (lên) giữa biển tối bao la đó, mấy ai đã tận dụng đời sống của mình một cách vẹn toàn hạnh phúc? Chúng ta hay than cuộc đời ngắn, nhưng nếu dài hơn ta sẽ làm gì? Làm gì nếu không phải là tiếp tục thở than và bất mãn? Càng theo đuổi những dục vọng, ta càng thêm khát khao, càng thấy không bao giờ đủ. Ðã đành là có những ý dục thanh cao hơn vật dục, như lòng ham muốn hiểu biết chẳng hạn, nhưng phải chăng đó cũng là đau khổ trá hình, còn vi tế sâu xa hơn cả lòng ham vật dục? Bởi vì cái hữu hình, vật chất, dù sao vẫn có hạn, chứ cái vô hình – hiểu biết – thì thật vô cùng. Do đó con người càng nhiều tri thức càng lắm khổ đau, vì sống chưa chắc được đến trăm năm mà cứ toan tính những kế hoạch ngàn năm thì chỉ luống công nhọc sức.”
Thích Nữ Trí Hải viết: “Ðức Phật chỉ thẳng nguyên nhân của mọi nỗi khổ và khuyên ta trở về tìm ngay trong thân tâm này, xem cái gì là cái ta chủ chốt của mọi sự sống chết, ham muốn, yêu ghét, quan niệm, khổ vui, hiểu biết…. ấy. Tìm cho ra cái ta ấy đã, rồi hẳn xét đến những cái phụ thuộc vào nó như vui khổ, trí ngu, sống chết, nắn dài. Nếu tìm không có cái ta nào cả, thì những thuộc tính kia, do cái ta mà có, đương nhiên vô nghĩa, như sừng thỏ, lông rùa, hiện hữu còn không có, huống nữa là có ngắn có dài. Ðức Phật dạy: “Sắc, thọ, tưởng, hành, thức đều không phải của ngươi, ngươi nên từ bỏ.” Ở đây hành chính là những quan niệm, ký ức, tư tưởng, ước muốn âm thầm hoặc lộ liễu trong ta, cái ý thức sai lầm về một cái tôi và về tương tục tính mà kinh Kim Cương gọi là thọ giả tướng (cái tôi trên phương diện thời gian). Chỉ khi nào con người hiểu rõ cơ cấu cái ta, chủ tể của sự sống chết, khi ấy họa may mới hiểu được sống chết là gì,và khi ấy có thể sẽ không còn chuyện tham sống ghét chết, phát sinh do mù tịt về thời gian, về sống chết và cái ta.”

Cám ơn bạn. Mùa hè đã trở lại. Bốn mươi năm có là bao. Già thì đã sao. Vấn đề là những năm tháng ấy bạn có hạnh phúc không? Bạn thấy chưa, tôi đã đọc cuốn sách bạn gửi. Tôi đã tìm được một cách lý giải đời sống. Liệu tôi có đủ khả năng nắm bắt được điều đó không? Tôi biết cái ta có gì đâu. Tại sao cứ nghĩ tưởng cái ta của mình là lớn lắm, lớn đến nỗi sân si cả một chữ vô tình, một lời không hàm ý? Nhưng tình yêu thì sao? Có phải là thọ giả tướng không?
Nhớ một tiếng nói, tương tư một khuôn mặt, thèm một đôi môi, quen một mùi hương của da thịt, ….có phải là thọ giả tướng không?
Cơn Gió Sau Một Cái Chết
Sau cái chết là gì? Là không gì hết. Có chăng là những ngọn gió. Ngọn gió thổi những lời bay đi. Ngọn gió thổi trả những lời trở lại. Cây cải về trời, rau răm ở lại. Tất nhiên cây cải rau răm ở đây không cùng nội dung với câu ca dao. Nhưng dù sao thì cũng là cây cải, rau răm. Trịnh Cung đã nói về Trịnh Công Sơn sau cái chết của người nhạc sĩ tài hoa. Hoàng Phủ Ngọc Tường được nhắc tới.
Trịnh Cung nói vào thời điểm 1975, Trịnh Công Sơn phải làm kiểm điểm nộp cho Hoàng Phủ Ngọc Tường, Tường không bằng lòng và ra lệnh cho Trịnh Công Sơn phải đi học tập cải tạo. Hoàng Phủ Ngọc Tường trong thư thanh minh nói “Ðây là chuyện hoàn toàn bịa đặt.” /

Và Trịnh Công Sơn cũng như nhiều người khác, kể cả công nhân viên nhà nước, đã đi “thâm nhập thực tế” làm “nghĩa vụ lao động theo xã hội chủ nghĩa” theo danh từ hồi đó.” Ông cũng cho biết ông là người viết văn làm báo, suốt đời chưa bao giờ có chút quyền hành gì, thì làm sao ra lệnh được cho ai?” Ông cũng cho biết “không hề có việc Trịnh Công Sơn phản ứng lạnh nhạt với ông, bằng cách đóng cửa không thèm tiếp ông trong một thời gian dài, bằng chứng là Trịnh Công Sơn đã nhờ ông đề tựa tập nhạc Em Còn Nhớ Hay Em Ðã Quên.” Người ta biết cả hai ông Trịnh Cung và Hoàng Phủ Ngọc Tường đều là bạn thân của Trịnh Công Sơn.

Một người ngồi trong ghế bành

Tôi gõ cửa một lần nữa. Vẫn không nghe thấy tiếng trả lời. Chắc không có Diệp ở nhà. Tôi châm thêm một điếu thuốc khác, và trong đốm lửa nhỏ lập lòe, tôi dò dẫm từng bực thang trở xuống. Cầu thang hôi một mùi khó chịu và thanh gỗ vịn tay rít nháp làm tôi nghe lợm ở cổ họng. Kỳ quá, không biết cô nhỏ này đi đâu. Mới hồi sáng này gặp tôi ngoài phố, cô ta còn nhắc, anh nhớ đến, thế nào anh cũng phải đến nghe, vậy mà tôi đã gõ cửa không biết bao nhiêu lần, đốt không biết đến điếu thuốc thứ mấy vẫn biệt tăm nàng.
Xuống đến mặt đường tôi mới biết trời đang mưa. Cơn mưa không to lắm, có lẽ bão rớt của miền Trung, nhưng gió từ bờ sông thổi lùa trong hơi nước mát lạnh làm tôi rùng mình. Thời tiết thay đổi đột ngột như vậy, nên buổi sáng sớm nay có chút sương mù và còn lâm râm vài hột nữa. Tôi đi nép trong hàng hiên tránh mưa và trong bụng thầm tiếc về việc đã tới thăm Diệp. Sẽ đi đâu bây giờ đây? Tôi nghĩ đến quán nước quen có mấy người bạn ngồi ở đó. Từ xa ánh đèn pha của một chiếc xe chạy ngược chiều làm tôi chói mắt. Tôi bước ra lề đường đưa tay đón xe. Trời vẫn mưa lặng lẽ. Bỗng nhiên tôi khám phá ra là dù có hơi tiếc về việc thất hứa của Diệp, nhưng tôi không xúc động về thái độ của nàng. Ðốm lửa đỏ của điếu thuốc cho tôi cái cảm giác ấm áp và tỉnh táo hơn. Chiếc xe trờ tới và bất ngờ đậu sát bên tôi. Ðèn chiếu vụt tắt.
Taxi!
Tôi cúi đầu xuống chực hỏi người tài xế coi có đi không, nhưng đèn trong xe đã vụt sáng. Tôi thấy Diệp ngồi trong xe và nàng đang mở xắc tay lấy tiền.
– Anh!
Diệp thò đầu ra cửa xe kêu tôi. Cái vẻ hối hả của nàng làm lạ hẳn một Diệp lặng lẽ và trầm tĩnh mà tôi từng quen biết. Trả tiền xong nàng bước xuống xe, cầm tay tôi kéo đi, không nói thêm một lời nào khác.
*
Và chúng tôi trở lại căn gác của nàng. Diệp ấm áp đi trong cánh tay tôi. Nàng nói:
– Anh không giận em phải không?
– Không.
– Tin chừng bao nhiêu?
– Một ngàn phần trăm.
– Thôi, đừng có giận giả bộ, ông ơi!
Diệp ôm chặt cánh tay tôi bên hông nàng.
– Cám ơn anh. Ấm quá.
– Ấm cái quái gì. Lạnh thấy mồ.
– Ðừng có thô bỉ với đàn bà con gái nghe ông!
Nàng thả tay tôi ra, nhưng mùi thơm của tóc nàng bay tận mũi tôi.
Ðến chân cầu thang, Diệp mở sắc tay lấy cây đèn bấm nhỏ, và chúng tôi lần lên gác.
– Em có chút chuyện nhờ anh.
– Biết rồi. Nhưng chuyện gì vậy?
– Bí mật.
Diệp mở khóa đẩy cửa vào.
– Chút nữa em nói cho anh nghe.
Nhà tối mù mù, tôi đứng im trên bục cửa, Diệp lần đến bên vách bật đèn trên trần. Ánh sáng chói chang đổ ập xuống làm ngợp mắt. Diệp nói: “Anh ngồi xuống đây chờ em một chút.” Và nàng bỏ ra nhà sau. Tôi ngồi lên ghế dựa, bắt tréo chân và tình cờ ngó thấy một mảng bùn vấy ở đầu mũi giầy. Con đường từ quãng nhà tôi xuống phố thật tệ, những hôm trời mưa đường lầy lội không thể tưởng, những lỗ trũng đầy nước, ổ gà tùm lum, mặt lộ dợn sóng làm chao xe, nhiều bữa đang chạy ngon trớn tôi bỗng hụp xe xuống một cái, tá hỏa tam tinh, tưởng chết đi được. Diệp đã thay quần áo xong. Nàng đứng trước mặt tôi, trong tay ly trà đang bốc khói:
– Anh nghĩ cái gì vậy. Anh coi nhà em có đẹp không?
Nhà của Diệp là một căn phòng hẹp, trần nhà thấp, tường quét vôi màu vàng sẫm tối ám và trơ trẽn. Tôi không ưa lắm cái tối tăm ảm đạm và cái vẻ nhớp nhúa của căn phòng. Tuy vậy tôi đã nói, dù tôi không tin lắm điều tôi nói:
– Ðẹp. Ðẹp lắm!
– Thôi đi ông. Ðừng bày đặt nịnh đầm.
– Ðẹp thiệt mà!
Diệp ngồi xuống ghế đối diện tôi, đẩy cái gạt tàn thuốc bằng sành về phía tôi. Lúc này tôi mới nhìn thấy Diệp rõ hơn. Nàng đã thay chiếc áo dài mầu xanh thẫm, choàng trên vai một chiếc áo len nhẹ cùng màu nhưng nhạt hơn nhiều, hai cánh tay bỏ lửng, quần chẽn, ống khá rộng phủ gót chân. Da mặt Diệp xanh xao, và trên đôi gò má hơi hóp của nàng, tôi nhìn thấy lấm chấm những nốt mụn nhỏ, hai con mắt đen sâu và rộng chìm dưới lớp màu xanh (khá xanh) của phấn. Nhìn màu da ấy của Diệp, tôi như nghe thấy lại có lần nàng nói, anh thấy không, da em khô héo thế này, đầu em không có đến lấy một sợi tóc mượt, em bị đau gan đó anh, chịu không cách nào trị cho hết được. Dù sao, tôi phải công nhận là Diệp đẹp. Có lẽ vì cái dáng cao cao của nàng, đôi ngực khỏe mạnh trên một thân thể khá mong manh của nàng, cái vẻ lạnh lẽo ở khuôn mặt cẩm thạch nàng, cùng với mớ tóc rối đen khô của nàng làm tôi choáng váng.
– Nhất định là anh nịnh em.
– Nịnh em thì tôi ăn cái giải gì.
– Thôi, được rồi. Anh uống nước đi, rồi đưa em đến đó nghe.
– Ðến đâu?
Diệp sửa cách ngồi:
– Chỗ anh vẫn thường ngồi với mấy ông bạn của anh đó!
– Ở đâu? Hồi này em làm sao vậy?
– Thôi, anh đưa em đi rồi em sẽ chỉ cho.
Tôi đốt thêm một điếu thuốc nữa và nhìn những ngón tay ăn khói vàng nghệ của mình.
Tôi thực tình không hiểu Diệp muốn gì.
– Nhưng sao em lại nhờ tôi?
– Chớ em còn biết phải nhờ ai bây giờ.
– Có cái gì ở chỗ đó?
– Em cần gặp một người.
– Một người? Quen?
– Em không biết người ta, nhưng người ta nói người ta biết em. Người ta nói người ta ao ước được quen em.
– Tóm lại là em muốn gặp một người đàn ông ngưỡng mộ em, phải không?
– Không phải vậy đâu…
– Thì đó là một người yêu em cũng vậy thôi.
– Ðừng có xịa ông.
– Tôi có nói là em yêu người ta đâu. Rồi. Bây giờ đi được chưa?
Tôi dụi điếu thuốc cháy dở xuống cái gạt tàn và đứng dậy.
*
Mưa lâm râm nhỏ hạt và trời vẫn lạnh. Diệp đội khăn lên đầu, mái tóc giấu sụp dưới lớp vải. Chúng tôi đi dọc trở lại theo những hàng hiên. Phố vắng. Diệp nói:
– Phải biết đón xe khó thế này, lúc nãy em đã giữ chiếc taxi cho xong.
Rốt cuộc chúng tôi phải kéo bộ một quãng khá dài. Khi đi ngang qua chiếc xe mì của người Tàu núp dưới chái hiên tôi hỏi Diệp:
– Em có thấy đói không? Mình ăn cái gì đi!
– Ở chỗ đó có bán thức ăn mà – Diệp cười – có lần ở sở về đi ngang qua đó em thấy anh ngồi ăn với mấy ông bạn của anh. Mình có thể vừa ăn vừa chờ đợi được mà anh.
– Chờ đợi? Chờ đợi cái gì mới được chớ?
– Trời đất! Mới nói đó mà anh đã quên rồi. Sao mau quên dữ vậy ông?
Tôi nắm tay Diệp băng qua con lộ nhỏ. Những ngón tay tròn mềm và lạnh lẽo của nàng nằm trong tay tôi làm tôi sợ. Chúng tôi đã ra đến đường lớn. Mặt lộ đọng nước mưa sáng lấp lánh ánh điện từ những cột trụ trồng dọc theo hai bên lề đường. Xe cộ chuyển động ồn ào đến chóng mặt. Mặc dù Diệp đội khăn, tôi tưởng nhìn thấy mái tóc nàng ướt sũng trên một đôi mắt hân hoan cười cợt. Diệp đi bên tôi tung tăng như một thiếu nữ mới lớn. Có lúc nàng giống một chiếc bong bóng mà sức căng đã giảm không bay được lên cao, lơ lửng trên sợi chỉ nằm trong tay một cậu bé lúc nào cũng chực ngã. Một chiếc xe nhà binh phóng qua thật nhanh làm bắn nước lên người chúng tôi. Diệp giật tay tôi nhảy lui lại. Tôi nghe rõ ràng giọng nàng lẩm bẩm nguyền rủa người lái xe mắc dịch. Ðến ngã tư đường Diệp bảo tôi:
– Anh qua đây với em một tí.
– Chỗ này sao? Tôi có bao giờ ngồi ở chỗ này đâu.
– Ðâu có. Em muốn mua cho anh một gói thuốc mà.
– …
– Anh hút Winston phải không?
– Sao biết?
– Sao không biết. Anh làm gì mà em không biết. Anh làm gì, đi đâu, ở đâu, quen ai, em biết hết.
– Biết gì nhiều dữ. Còn gì nữa nói nghe chơi.
– Muốn nghe thiệt không. Nói toạc móng heo, không được giận à nghen.
– Bộ tưởng tôi con nít à. Hồi này làm sao vậy, cô ba?
– Có sao đâu. Anh thực tế một chút coi. Lè phè quá trời. Lông bông lêu bêu cái kiểu anh, ai mà yêu cho nổi ông.
Ðiếu thuốc kẹp giữa hai ngón tay, sắp đặt vào môi đã bị tôi kéo lại. Một lần nữa, tôi vỗ điếu thuốc lên bao diêm. Tôi nói:
– Ai mà yêu cho nổi. Yêu ai mà ai yêu?
– Ðừng có hỏi giọng nhà quê, ông! Lại đây, em mua cho ông mấy tờ báo. Tờ này phải không?
Tôi đứng lại giữa chừng, hơi sợ hãi một chút. Cái cách hiểu biết và nói năng của Diệp với tôi làm tôi bối rối. Tôi nghịch chiếc nắp bật lửa, hỏi:
– Em chẳng quên thứ gì hết. Sao em còn đợi gì mà chẳng lấy quách tôi đi có hơn không.
– Ðừng có giễu nghe bạn.
Ðâu có ai ngăn cản không cho chúng tôi cười thả ga giữa đường phố trong một đêm lạnh lẽo và riêng tư như thế này.
Quả như lời Diệp nói, quán nước quen, trần bằng gỗ đánh vẹc-ni, ghế bành rộng thấp, điện ấm và không sáng lắm. Tôi đẩy cửa kính và đứng qua một bên nhường Diệp vào trước. Nàng lột khăn xuống rũ nước mưa và chúng tôi chọn một chiếc bàn hơi khuất trong góc phòng.
– Anh thường ngồi bàn này phải không?
– Ðúng rồi.
– Anh uống cà phê đen nghe. Kêu cho em một ly sữa nóng đi anh.
– Không, để tôi gọi cái gì bỏ bụng. Ðói muốn chết đây này.
Diệp biên món ăn lên giấy đưa cho người hầu bàn, kéo tay áo nhìn đồng hồ, thở dài.
Tôi hỏi:
– Mệt hả?
– Ðừng giễu ông. Em khỏe lắm mà.
Diệp có vẻ khỏe thật, dưới ánh đèn chụp bóng tròn, da mặt Diệp hồng hào hơn lúc nãy nhiều, nàng đập tay lên vai tôi:
– Kìa anh, anh có thấy chiếc ghế bành da màu đỏ kia không. Ừa, ở chỗ đó đó, cá với anh mười ăn một, là thế nào cũng có một người ngồi ở đó.
Tôi nói:
– Tôi chẳng hiểu trời trăng gì hết.
Và tôi phá lên cười.
– Còn em, bộ anh tưởng em hiểu trăng sao gì hả?
Nói xong, Diệp ngã đầu ra sau ghế, cười bằng tất cả cái dáng điệu kỳ cục của nàng. Người hầu bàn đến bên chúng tôi, nghiêng mình lễ phép:
– Ông bà gọi thêm món chi?
– Không.
Diệp nói trong tiếng cười,
– À mà có; làm ơn gọi cho tôi một chú bồi khác.
Nhưng liền ngay khi đó tôi nghe rõ nụ cười của nàng chợt tắt sau câu nói và mắt nàng mở lớn ngạc nhiên hướng về phía chiếc ghế bằng da màu đỏ. Một người đàn ông đã ngồi trong ấy tự bao giờ.
Thức ăn đã mang lên và tôi bắt đầu bữa cơm tối một mình.

Đọc Kiệt Tấn, nghĩ tới Milan Kundera

Tôi đọc thơ của Kiệt Tấn từ những năm 60 ở Sài Gòn, và mãi đến nhiều năm sau — thập niên 80 — tôi mới đọc truyện của ông ở Mỹ. Từ những bài thơ trong tập Điệp Khúc Tình Yêu và Trái Phá (do Sáng Tạo in năm 1966) đến tập truyện Nụ Cười Tre Trúc (do nxb Văn Nghệ in năm 1987), Kiệt Tấn sau 21 năm đã chuyển một bước đi khá ngoạn mục.[1]

Nếu những bài thơ của Kiệt Tấn khi vừa chào đời cho tôi ấn tượng ông có vẻ như không phải là người miền Nam, thì truyện của Kiệt Tấn cho thấy ngay ông là nhà văn “miệt vườn” Nam Bộ, tài hoa như Vương Hồng Sển, Sơn Nam, Lê Xuyên, Nguyễn Văn Sâm, Hồ Trường An… Tất nhiên là Kiệt Tấn mang một sắc thái cá biệt, rất riêng và rất độc đáo, không giống Sơn Nam cũng không giống Lê Xuyên. Ông không những viết rất có duyên, mà hơn thế, ông là người kể chuyện “phăng phăng la tu líp” cứ thế mà đi tới không sợ gì những cấm kị (?) trong thế giới chữ nghĩa mà một số (nhiều?) tác giả khác còn dè dặt. Kiệt Tấn viết như nói, lôi kéo người đọc, người nghe đi vào thế giới của ông, cái thế giới đầy da thịt và hơi thở gấp gáp, thế giới của “yêu ma tinh quái”, của “Đừng anh! Đừng anh! Thôi! Thôi anh! Thôi anh! Đừng!”. Thế giới của “Chết em! Anh! Chết em rồi! Hết nổi rồi anh!” Thế giới của những lời nói ngược! Cái cố ý làm văn chương không có trong những trang chữ của ông, nhưng khi xếp trang sách của ông lại, người đọc luôn luôn mỉm cười và biết rằng mình vừa đọc xong một truyện ngắn đặc biệt.

Viết cùng thời với Kiệt Tấn — cũng giống như ông, năm 1966 là năm nhà xuất bản Thời Mới của Võ Phiến in tập truyện ngắn đầu tay của tôi. Tuy vậy, chúng tôi dù ở cùng thành phố, nghe biết tên nhau mà ít có cơ hội đi lại với nhau. Kiệt Tấn nhắc lại hồi đó ông có đến toà soạn tờ Nghệ Thuật ở đường Phạm Ngũ Lão, tại đây thỉnh thoảng ông có gặp Thanh Nam, Trần Thanh Hiệp, Thanh Tâm Tuyền, Tạ Tỵ, Phan Lạc Phúc, Cung Trầm Tưởng, Mai Thảo và… nhưng ông nói: “Văn nghệ văn gừng không mắc mớ gì tới tôi hết”. Kiệt Tấn nói ông không thích bàn cãi hay tranh luận văn nghệ. “Tôi chủ trương ‘Viết không có chủ trương’, và viết từ bên trái sang phải, từ trên xuống dưới là ăn chắc”. Ông kể lại thời viết cho tờ Nghệ Thuật: “Thỉnh thoảng tôi xách một chai Johnny Đi Bộ tới toà soạn, rồi kéo nhau đi nhậu. Thế là xong”. Kiệt Tấn thú nhận là ông không có bạn văn nghệ, không thích bàn chuyện văn chương, “đi nhậu nhẹt và trai gái vui hơn”. Với ông, người ta sinh ra ở đời là để sống, mọi thứ khác chỉ là bày đặt. “Còn văn chương nghệ thuật?” Ông chẳng dành cho nó một vị trí đặc biệt nào cao hơn hoặc thấp hơn trong đời sống. Nó chỉ là một sinh hoạt như mọi sinh hoạt của con người. Với ông, đời sống bao trùm văn chương nghệ thuật chớ không phải văn chương nghệ thuật bao trùm đời sống. Ông nói từ lâu ông đã đi tới ý nghĩ sau đây: “Trong đời sống, cái gì cũng quan trọng. Nhưng nghĩ cho cùng, cũng chẳng có gì là quan trọng”. Nhớ Milan Kundera trong tác phẩm Đời Nhẹ Khôn Kham:

Mọi thứ chợt đến chợt đi trong đời sống, không hề có dấu hiệu báo trước, như người diễn viên diễn xuất một mình. Và đời sống có đáng giá gì không nếu buổi tập diễn đầu tiên cho đời sống lại chính là đời sống? Đó là lý do sao đời sống bao giờ cũng chỉ là bức phác hoạ. Không, “phác hoạ” cũng không đúng, bởi phác hoạ còn cho thấy đại cương sự vật, cho thấy nền tảng của bức tranh, trong khi bức phác hoạ đời sống hoàn toàn trống trơn, nó là một đại cương vô hình tượng. Einmal ist keinmal... Câu phương ngôn Đức nói cái gì xảy ra chỉ một lần tốt hơn đừng bao giờ sống.[2]

Trong Sự Bất Tử:

Trong hoàn cảnh đó chúng ta có thể quyết định được một lần duy nhất, không lập lại… chúng ta không bao giờ có thể xác định được trong các quyết định của chúng ta cái nào đúng cái nào sai. Chúng ta không còn có cuộc đời thứ hai, thứ ba, thứ tư… để có khả năng đối chiếu các quyết định đã đưa ra… Các nhân vật tiểu thuyết của tôi đó là những khả năng riêng của tôi mà tôi không thực hiện được…[4]

Trả lời phỏng vấn của Christian Salmon trên tạp san văn học The Paris Review năm 1983, khi người phỏng vấn nhắc lại rằng trong Đời Nhẹ Khôn Kham, Milan Kundera từng nói: “Tiểu thuyết không phải là lời tự thú của tác giả, nó là cuộc chiêm nghiệm đời sống con người trong cái bẫy thế giới này đang dần dà biến thành. Nhưng ý nghĩa của “bẫy” là gì?” Milan Kundera nói:

Đời sống là cái bẫy chúng ta vẫn luôn biết: chúng ta sinh ra đời không phải vì chúng ta yêu cầu, bị nhốt trong thân xác không phải do chúng ta lựa chọn, và cuối cùng chết.[3]

Milan Kundera nói rõ tiểu thuyết của ông không phải là tiểu thuyết tâm lý. Nhưng cái gì nằm bên kia cái gọi là tiểu thuyết tâm lý? Milan Kundera nói rõ hơn vậy thì phương cách phi-tâm lí dùng để thấu hiểu bản ngã là phương cách gì? “Thấu hiểu bản ngã trong tiểu thuyết tôi có nghĩa là thấu triệt cái cốt lõi của bài toán hiện sinh. Thấu triệt cái ám mã hiện sinh.”[3]

Thử đọc một đoạn trong Đời Nhẹ Khôn Kham của Milan Kundera

Mỗi lần trải qua một kinh nghiệm yêu đương, ký ức anh chỉ ghi giữ con đường dốc đứng và chật hẹp của cuộc chinh phục dục tình: câu nói tấn công đầu tiên, cái ve vuốt đầu tiên, lời nói suồng sã gợi dục đầu tiên giữa hai người, những đòi hỏi dâm đãng anh ép cô ưng chịu và những đòi hỏi cô nhất định không cho…[3]

Trong Sự Bất Tử:

Đối với Laura yêu một người có nghĩa là dâng tặng cơ thể mình cho người đó, như nàng đã tặng cho người chị chiếc đàn piano trắng; đem đặt cơ thể mình giữa nhà người đó: em đây, năm mươi bảy ký của em đây, thịt da em, xương cốt em đây, chúng là để cho anh, em để chúng lại nhà anh…[4]

Đọc Kiệt Tấn, người ta thấy la liệt dục tình, ông viết về nó nhẹ nhàng như chơi, như một người kể chuyện đời mình, một thứ tự truyện. Ông tuyên bố khi trả lời phỏng vấn: “Hầu hết những truyện tôi viết đều là tự truyện”. Và như là tự truyện, Kiệt Tấn cho biết “tôi cố gắng tôn trọng sự thật tới mức có thể được”. Cái tôi trong truyện của Kiệt Tấn chính là cái tôi ngoài đời của tác giả. Thử mở tập truyện Thương Nàng Bấy Nhiêu (nxb Người Việt, California, 1988) của ông ra xem. Sách có tất cả 7 truyện, không có truyện nào mang tên Thương Nàng Bấy Nhiêu. Cái tên đó coi như là tên chung cho cả tập truyện. Cái tôi trong “Lệ Dung Sang Tề”, “Chuông Ngân Chạnh Nhớ Người Yêu Đầu”, “Đêm Cỏ Tuyết”, “Người Em Xóm Học”, “Sáng Dậy Nghe Em Khóc”, “Những Đoá Hạnh Phúc Không Ngờ”, không ai khác hơn là tác giả. Kiệt, Kiệt Tấn. Ông viết về những người đàn bà (?) của ông — những Lệ Dung, Tuyết, Diane, Hường… với những “đụng chạm xác thịt nồng nàn, dục tính, đam mê cuồng nhiệt…” Lật dở một trang (195) trong truyện “Sáng Dậy Nghe Em Khóc” của Thương Nàng Bấy Nhiêu sẽ thấy Kiệt Tấn viết thật đến như thế nào. Ngay ở trang kế tiếp, ông cho thấy nhân vật nữ cấu lấy lưng ông và lầm thầm đứt quãng “chết em, Kiệt… anh Kiệt thôi anh, Kiệt!.. Đừng anh! Kiệt, anh Kiệt!…”. Đọc sang một đoạn trong Đêm Cỏ Tuyết (Thương Nàng Bấy Nhiêu, tr.56):

Tuyết vừa ngồi xuống là tôi đi thẳng vào nỗi ám ảnh của mình. Bàn tay tôi sục sạo tìm kiếm đoá hoa thầm kín của nàng. Mềm mại, ấm áp, trơn mướt, nhung êm. Mê mẩn, sung sướng, hạnh phúc. Cứ gọi là hạnh phúc, dù tôi chẳng có định nghĩa nào về hạnh phúc. Lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với đoá hoa thầm kín của đàn bà thân mật, chi tiết và trọn vẹn đến như vậy. Cả người tôi cháy thành một khối cảm giác đê mê. Tôi đã biến mất.

… Yêu? Gọi thế nào cũng được, có đặt tên cho tình cảm hay không thì nó cũng vậy thôi. Riêng tôi, tôi không quan niệm tình yêu mà không có tình dục. Tôi thường ngạo các cô tình nhân khi các nàng từ chối tình dục: “Em yêu anh bằng linh hồn còn xác thịt em để cho người khác? Nếu vậy hãy cho phần thứ hai, anh trả lại em tình yêu”.

Tôi ở đây không phải là một nhân vật hư cấu. Tôi chính là tác giả. Là Kiệt, là Kiệt Tấn, phát biểu đó có quá đáng không?

Tuy vậy, có một ngoại lệ, truyện “Cho Thiếp Theo Cùng”, trong đó cái tôi không phải là tác giả, mà chính là “bà Kiệt” của ông. Kiệt Tấn để cho “bà Kiệt” vẽ chân dung ông, bằng ngôn ngữ của chính ông. Nếu ở những truyện khác, Kiệt Tấn là người tự hoạ chân dung mình, nói lên cảm xúc của mình, nhìn người phụ nữ bằng đôi mắt của mình, yêu thương, ôm ấp, dày vò, sờ soạng… bằng tất cả giác quan của mình thì với “Cho Thiếp Theo Cùng”, Kiệt Tấn cầm tay “bà Kiệt” vẽ mắt mũi chân tay đầu óc suy nghĩ của ông, luồn lách trong tận cùng tim gan ruột già ruột non của ông, đem ông ra pháp trường. Một hình thức phản hồi tuyệt vời, một lời tự thú trước bình minh của Kiệt Tấn. Toàn bộ những “tội lỗi” của ông trước mắt “phu nhân”, tôi nghĩ đã được, sẽ được “bà Kiệt” xoá bỏ tha thứ không một hình phạt nào phải ghi sổ. Cuốn sổ bình sanh của ông không ghi công, nhưng chắc cũng không ghi tội. Kiệt Tấn với cuốn Thương Nàng Bấy Nhiêu là một phạm nhân hoàn toàn được quan toà tha bổng. “Trưa hôm qua, thêm một lần nữa, đấng lang quân yêu dấu của tôi lại làm cho tôi mất mặt bầu cua: Chàng la tôi trước mặt mọi người!” Đó mới chỉ là mở đầu. Kiệt Tấn còn để cho bà vợ miêu tả ông là người có “tiếng cười vô duyên”, gọi ông là “đực rựa” yêu dấu, có lúc “ốm teo, xếp ve, ngơ ngác”, “nói ra nghe kỳ chứ những lúc chàng điên điên, khùng khùng tôi mới cảm thấy chàng thuộc về tôi. Lúc nào chàng ngoắc ngoải ngồi dậy được là tôi lại sợ mất chàng.” Nhưng rồi, chứng nào tật nấy, bà Kiệt bắt gặp ông nay chở cô này mai chở cô kia. Chưa đủ, khi bà lấy khẩu cung, ông khai hết không thiếu chi tiết nào đến nỗi bà chỉ khóc và “không muốn nghe nữa”. Rồi cô Nhung Bắc Kỳ, cô Louise Gia Nã Đại,… Tự mình hoạ mình chưa đủ, Kiệt Tấn để cho “bà Kiệt Tấn” vẽ chân dung ông từ một góc nhìn khác. Một Kiệt Tấn được nhìn từ nhiều góc. Ở góc nào thì ông cũng dành cho người đàn bà một chỗ đứng đặc biệt “tay chưn rối beng, thịt da bát ngát, đồi núi chập chùng, cỏ hoa tưng bừng rậm rạp, động hang thăm thẳm”…

Nhắc Milan Kundera khi nói về Kiệt Tấn, tôi hoàn toàn không có ý so sánh, kết hợp, phân tích… Đơn giản là vì trong khi đọc Kiệt Tấn tôi nhớ Milan Kundera, nhân vật của hai ông “tôi” của Kiệt Tấn và Tomas của Milan Kundera; Diane, Hường, Tuyết… của Kiệt Tấn và Teresa, Sabina… của Milan Kundera, có một số điểm tương đồng trong chuyện làm tình, nhưng rất khác nhau trong suy nghĩ (tất nhiên!). Đọc truyện của hai ông, người ta không thấy gì thô tục, bẩn thỉu… chỉ là — như cách nói của Thụy Khuê:

Qua cái vỏ ngoài có vẻ sống sượng, trần truồng của ngôn ngữ, bên trong ấp ủ một tình yêu dịu dàng, êm ái… Kiệt Tấn ngó đàn bà trong trạng thái nguyên thủy (không quần áo), với con mắt của một hoạ sĩ trước vệ nữ khoả thân… Sự thèm muốn trước cái đep thể xác là điều tất đến như đói thì ăn, khát thì uống, không có gì xấu xa, không có gì cần phải che đậy, thật thà và hiện hữu như những nhu cầu chính yếu của con người.

“Viết về tình dục, tôi đặt nghệ thuật lên hàng đầu.” Kiệt Tấn phát biểu như vậy, và ông tiếp: “… viết về tình dục một cách nghệ thuật đòi hỏi một sự điêu luyện và một bản lĩnh rất cao ở người viết. Chỉ cần sai chạy một chữ là hỏng bét…”

Tôi chia sẻ ý này của Kiệt Tấn.

Bậu cửa mẹ ngồi

Tên sĩ quan đi sau tàn nhẫn thúc mạnh báng súng vào giữa lưng Khải. Anh cố kìm một tiếng kêu chợt bật ra trên đầu lưỡi đã dập nát. Chiếc áo chemise trắng của anh rách toạc nhiều chỗ. Cú thúc báng súng vừa rồi làm toạc thêm một mảnh lớn ở lưng.

Khải không còn cảm thấy đau đớn. Anh chỉ nghe toàn thân tê dại. Hai cánh tay bị trói giật khuỷu, suốt từ ngày hôm qua đã không còn một chút cảm giác nào. Nó tê cứng và lèo khèo như hai khúc củi vô dụng. Bị trói giật, Khải đi rất khó khăn. Anh cũng không biết là bọn chúng sẽ giải anh đi đâu. Đêm tối và lạnh. Con đường nhỏ nhem nhép bùn đất, mấp mô đây đó những đụn phân bò còn ấm. Khải đoán có lẽ là anh sắp đi qua một cánh đồng. Sương lạnh khiến anh rùng mình. Máu đang tuôn ra từ những vết thương trên lưng xon xót. Tụi nó đã xúm lại đánh đập anh từ hôm qua đến giờ. Chúng đánh anh bằng bất cứ thứ gì có trong tay. Cách đánh của hận thù, nó bỉ ổi và đê tiện. Cũng suốt từ hôm qua đến giờ, Khải không nói một lời. Đôi mắt anh đỏ rực như hai đốm lửa ánh lên cái nhìn khinh miệt khiến thằng đại úy thét lên “mi là Việt Cộng, mi là thi sĩ, đồ thi sĩ mi là đồ cứt…”. Trước sự trầm tĩnh kỳ lạ của Khải, thằng đại úy như bị động kinh, nó lao vào anh bằng tất cả sự điên rồ của một con ác thú không còn kiểm soát được hành vi của mình. Khải vẫn im lặng. Anh không muốn nói chuyện phải không với loài cầm thú. Chiều hôm qua, anh đã nhổ cả một bãi nước bọt lớn bầy nhầy máu vào giữa mặt thằng đại úy. Gương mặt xanh mai mái như rắn hổ mang ấy làm anh tởm lợm. Cũng những gương mặt ác thú như thế này đã giết học trò của anh, giết bạn bè anh, giết những đóa hoa rực rỡ, vùi dập sự sống hằng ngày. Thằng đại úy có thể là một đứa học trò của Khải. Nó có vẻ biết rất nhiều về anh. Nó biết anh thích món ăn nào, làm thơ ban đêm hay ban ngày, trước học trò anh đã nói những gì. Nó không giấu diếm bảo thẳng với Khải là cuộc nói chuyện nào của Khải nó cũng có mặt. Nó căm ghét những người như Khải, sự căm ghét hằn học rất vô cớ, lầy lội bản năng. Nó bảo nó thật sự sung sướng khi được đích thân hành hạ Khải, bắt Khải cúi đầu.

Nhưng Khải không hề cúi đầu. Thân thể mảnh khảnh của anh không còn một chỗ nào nguyên vẹn. Mái tóc dài bồng bềnh bết máu thành từng mảng xam xám run run trong gió lạnh. Nỗi đau nhục thể làm Khải chợt nhớ Thúy, mối tình sâu nặng nhất đời anh. Những lần cùng nhau đi dạo trên con đường đầy lá phượng bay, Thúy vẫn ao ước có một tổ ấm gia đình. Thúy nói về công việc đi dạy của Khải, về những đứa con tương lai kháu khỉnh… Khải nghe những điều ấy rất mơ hồ. Anh ngắm mái tóc rủ đầy những cánh phượng hồng của Thúy. Liệu lúc này có nên lấy nhau không. Một tổ ấm giữa thời tao loạn này có lẽ là không phải lúc. Khải suy nghĩ như vậy, nhưng anh không nói ra. Thúy đang vui, cứ để cho nàng được thỏa thích theo đuổi trước tương lai ít nhiều hoang tưởng của mình. Trong cuộc tranh đấu đầy tù tội và chết chóc này, Thúy là đóa hoa đồng nội làm ấm áp lòng anh. Anh biết ơn những gì mà nàng đã mang lại cho anh. Những giây phút sống thật yên tĩnh và thanh thản bên nàng. Gió thổi rất mạnh. Tóc Thúy lay bay bám vào cổ anh nhồn nhột. Hương tóc bồ kết của nàng ngai ngái thơm. Khải mong một ngày nào đó đất nước hòa bình thống nhất, không còn bom rơi, đạn lạc, không còn những vành khăn sô xót xa. Bấy giờ, bên bờ sông lộng gió, anh sẽ chải tóc cho nàng, làm tiếp những trường ca hãy vẫn còn dang dở, và hằng ngày lên bục giảng dạy dỗ đám học trò hồn nhiên. Bài thơ gần đây viết cho Thúy, anh vẫn thích nhất khổ thơ giữa:

Tin em trao về hồng như nụ chín
Mai có hòa bình khác thể yêu thương.
Đường dù ngái đi rừng chen lớp lớp
Nhớ nhau thì về cho kịp trời thu (1)

Bao giờ ngày ấy sẽ đến, Khải cũng không thể biết được. Máu đã đổ nhiều lắm rồi, nhưng vẫn cần phải đổ thêm. Nếu không có mệ già bán trứng vịt lộn cố tình làm đổ thúng trứng ngoài cổng chợ Ngự, rồi hô hoán kéo áo thằng lính Mỹ, thì lần ấy anh đã bị bắt. Trong cuộc đấu tranh này, vũ khí của Khải là thơ ca và tấm lòng yêu nước. Những vần thơ siêu thực của anh đã sớm đâm hoa kết trái trong tim bạn bè. Khải đến với cuộc tranh đấu tự nhiên như rằng bổn phận của anh là vậy. Không đắn đo, không lựa chọn, chỉ có một con đường dẫn tới hòa bình, dẫu con đường đó phải đi qua cái chết. Thúy cũng đã lường hết những hiểm nguy đang chờ Khải. Kẻ thù có thể thủ tiêu anh bất cứ lúc nào. Những “cái đuôi” vẫn lảng vảng bám theo anh từ nhà đến trường, từ trường về một số địa điểm bạn bè… Bám dai dẳng, lì lợm, như một sự đe dọa. Có lần chúng còn đặt trước cửa nhà anh một quả lựu đạn dằn mặt. Khải vẫn như không. Anh đã có sự lựa chọn duy nhất của mình.

Khải tụt chân vào một mô đất bùn. Trời lạnh giá khiến anh nhớ đến chiếc áo len dài tay Thúy đan tặng anh ngày sinh nhật. Chiếc áo thật ấm, mùi len ram ráp thơm gợi nhớ nụ hôn mềm và ấm của nàng. Có lần anh đã đùa rằng lưỡi Thúy ngọt như đường phèn. Mà đúng là lưỡi Thúy ngọt thật hay đó chỉ là ảo giác của riêng anh. Anh nhớ mãi nụ hôn đê mê mềm và ấm dưới gốc cây muối dại ngày nào. Tê cứng hạnh phúc, Thúy áp sát người vào anh. Khuôn ngực đầy đặn của nàng căng cứng lời mời gọi thanh xuân. Dòng nhựa xanh sức sống chảy tràn lên người Khải. Những chùm muối lúc lỉu màu ô liu mời gọi từng bầy chim đàn trở về phố nhỏ. Cảm giác về một hạnh phúc quá đỗi bỗng như không có thật. Khải thấy mình chơi vơi như khi anh đang dẫn đầu đoàn biểu tình hướng về phía những chiếc nón sắt lấp lóa ánh lưỡi lê. Tiếng nổ chát chúa của lựu đạn, miểng thép văng rào rào, hàng người loang máu đỏ. Mái tóc Thúy chơi vơi chơi vơi phía trước khiến anh lo thắt lòng. Nàng vẫn ở bên anh trong cuộc đấu tranh khốc liệt này. Chiếc áo len đen dài tay của Thúy tặng là một xác tín của Khải. Anh vẫn thường gặp may khi mặc chiếc áo này. Chiều hôm bị bắt, Khải không mặc áo len. Anh vừa mới tắm xong, vận chiếc chemise trắng và đang làm khổ thơ cuối cùng của một trường ca siêu thực.

Khải đi rất chậm. Anh thở có vẻ khó nhọc. Con đường đi qua cánh đồng dài lê thê trong đêm tối. Khải nghe rất rõ tiếng bầy dế hoang gáy ầm ĩ ở những chân ruộng cao. Cánh đồng bước vào thì con gái ngòn ngọt mùi lá non. Thằng đại úy chửi rất tục rồi tiện tay đụi thêm một báng súng nữa vào lưng Khải. Vết báng súng mới chồng lên vết báng súng cũ làm máu ở lưng anh bật ra đỏ thắm cả chiếc áo chemise. Khải hức lên một tiếng nhỏ. Anh cố nén tiếng hức khô khốc bằng đôi môi sưng vều dập nát. Chất nước ngòn ngọt có lẽ là máu sộc từ phổi lên miệng anh cái cảm giác mằn mặn. Khải bỗng nhớ đến mẹ. Nhớ ngôi nhà nhỏ, bậu cửa đã mòn vẹt, mà chiều nào mẹ cũng ngồi đó để đợi Khải về. Suốt bao nhiêu năm trời, mẹ vẫn đợi anh như vậy. Khải mười tuổi, mẹ đợi anh mười năm. Khải hai mươi tuổi mẹ đợi anh hai mươi năm. Khi Khải đã là giáo sư nổi tiếng, mẹ vẫn còn đợi anh nhiều hơn. Với nỗi lo sợ thường trực rằng người ta sẽ giết con của mẹ. Lo sợ vậy, nhưng mẹ tin con đường Khải đi. Chưa bao giờ mẹ ngăn cản anh. Gánh bánh bèo của mẹ đã nuôi Khải lớn thành người, đôi vai gầy của mẹ chỉ cho anh con đường đi. Bỗng dưng Khải nhớ ray rứt bàn tay mẹ vẫn thường vuốt ve gương mặt Khải khi bà tưởng anh đã ngủ. Những lúc như vậy, anh nằm yên, nín thở, nghe làn da gầy trên tay mẹ ram ráp niềm yêu thương.

Khải há miệng cố nuốt từng ngụm không khí lạnh buốt. Chưa chắc ngày mai anh còn sống để hít thở bầu không khí trong lành trên cánh đồng này. Cái chết đang lởn vởn theo Khải. Anh đoán chắc là mình không có thời gian để kịp suy nghĩ cho trọn vẹn một lẽ đời nào đó. Ôi! Cuộc sống này quý giá với anh biết bao nhiêu. Tiếng dế hoang kêu gần gũi dưới chân Khải kéo anh về với tuổi thơ êm đềm ngày nào. Những trò chơi náo nhiệt bên bến sông. Có lần Khải đã suýt chết đuối nếu không có bạn bè cứu. Khải khẽ mỉm cười một mình trong đêm tối. Anh cũng không hiểu tại sao mình có thể cười được trong lúc này, khi mà những cơn đau đang hành hạ anh, da thịt dập nát, tóc bết máu, đôi chân tê dại không giày lết trên con đường nhỏ lạnh buốt bùn lầy. Khải tin rằng, nếu Khải chết, bạn bè anh sẽ làm tiếp phần việc mà anh còn dang dở. Rồi Thúy, nàng cũng sẽ nguôi vết thương lòng. Chỉ có mẹ làm Khải ái ngại. Mẹ rồi sẽ côi cút một mình. Ai sẽ đỡ đần mẹ những lúc đau ốm. Chưa một ngày nào anh làm cho mẹ vui. Trong cuộc dấn thân này, đó là điều xót xa nhất của lòng Khải. Lẽ ra thì anh nên để lại một giọt máu. Đến bây giờ Khải mới nghĩ đến điều này, nhưng chắc là không còn kịp nữa. Không còn kịp nữa đâu hở mẹ. Không còn kịp nữa đâu Thúy ơi. Khải thầm thì thành tiếng giữa cánh đồng mông quạnh. Bầy dế hoang vô tư vẫn kêu gào một khúc nhạc đứt ruột đứt lòng.

Thằng đại úy giật sợi dây thừng bắt Khải đứng lại, rồi ra hiệu cho hai tên lính đi theo áp sát người Khải. Chiếc cọc tre được đóng vội vàng dưới chân ruộng bên con đường nhỏ. Khải bị trói chặt vào cọc. Cật tre lành lạnh khiến người anh tỉnh ra. Đêm như chợt sáng hơn. Bầu trời đêm cuối năm sà thấp xuống với những ngôi sao xa xa lấp lánh. Gió thổi rất nhẹ. Khải nghe mùi hương lúa thơm thơm nồng nàn. Bùn dưới chân anh âm ấm. Một cái hố cạn được đào bên cạnh Khải. Thằng đại úy vừa đào vừa thét lát, ba cái bóng mờ mờ chết chóc như đang ngụp lặån trong dòng phù sinh. Cái chết đang rất gần với Khải. Anh như nghe được mùi vị của nó trên lưỡi mình. Khải căng người giãn sợi dây trói, anh cố đứng thẳng lên đường hoàng trong đêm tối. Bấm đèn pin soi chiếc hố nham nhở với vẻ hài lòng, thằng đại úy chửi thề một tiếng, đưa năm ngón tay bẩn thỉu giật rách chiếc bọc áo ở ngực trái của Khải. Lồng ngực anh lộ ra sáng rực trong bóng tối.

Ba phát đạn nhỏ và đanh vang lên khô khốc.

Bầu trời bất chợt sáng lên. Những tia chớp soi rõ màu máu đỏ thắm trên ngực Khải.

Khải ngước nhìn lên vòm trời lần cuối. Những vì sao chợt nhòe trong mắt anh. Bóng sao rơi lả tả xuống đường chân trời.

Ba mươi năm sau ngày Khải mất, người viết truyện này đã tìm về ngôi nhà xưa của anh. Ngôi nhà nhỏ nằm trong quên lãng. Cảnh vật hầu như không có gì thay đổi kể từ khi nhà thơ nằm xuống. Không gian im vắng. Mái ngói âm dương rêu phong. Những chiếc cột mít nài thanh thanh lên nước bóng loáng theo thời gian. Cây vải trạng trong khu vườn xưa cũng đã chết. Chỉ còn lại một mảnh sân đất nâu nâu ngày tháng u hoài. Trên chiếc bàn gỗ đầy mối mọt, trang thơ siêu thực cuối cùng của Khải vẫn còn để mở. Nét chữ tài hoa như một định mệnh hằn rõ trên trang giấy đã ố vàng.

Nhớ Nguyễn Thụy Long
1938-2009

Trong một bài viết cách đây không lâu trên tạp chí Văn [hải ngoại] về Trần Phong Giao, tôi có nhắc đến những cuốn sách bị ‘bức tử’ sau tháng Tư, 1975, khiến cho nhiều tủ sách gia đình trong thành phố trống trơn, trơ trọi. Gần hai mươi năm sau từ California, tôi bỗng nhận được cuốn Kẻ Tà Đạo [nxb Nguyễn Đình Vượng]. Cuốn sách của mình viết ra trước năm 1975, sau một thời gian gió bụi thất lạc bỗng một hôm trở lại tay mình ở một nơi rất xa quê hương. Cuốn sách bị nhầu nát, bìa rách, giấy đen… Thời gian tưởng đã mất, rốt cuộc hình như cũng tìm lại được. Người chuyển sách cho tôi là nhà văn Nguyễn Đạt vẫn còn ở Sài Gòn. Anh cho biết người gửi sách cho tôi là Nguyễn Thụy Long. «Anh Long đã tìm ra được cuốn sách này của anh ở chợ trời và Long gửi tặng anh.»

Tác giả Loan Mắt Nhung vẫn không quên tôi, mặc dù thời ở Sài Gòn trước năm 1975 chúng tôi thi thoảng lắm mới gặp nhau. Đôi khi ở toà soạn Văn số 38 đường Phạm Ngũ Lão, đôi khi ở quán Cái Chùa trên đường Tự Do… Thời gian đó, dù sống cùng thành phố, bọn tôi mỗi đứa vẫn chơi với một dúm bạn riêng cùng chia sẻ nhau một số suy nghĩ trong đời sống cũng như chuyện viết lách của nhóm. Tuy vậy, mỗi lần gặp Long, tôi vẫn thường hỏi anh về những cuốn sách mà anh đang viết và ngược lại Long cũng có những nhận định và suy nghĩ trong cách viết của bọn tôi. Hơn 20 năm sau, mặc dù chúng tôi không còn sống chung trong một thành phố, lạ thay, chúng tôi lại thường liên lạc nhau hơn.

Những bài viết của Nguyễn Thụy Long dành cho tuần báo Việt Mercury cũng như cho tạp chí Văn đưa chúng tôi lại gần nhau. Tôi biết anh có cuộc sống vất vả, gia đình lạnh lẽo, đời sống xã hội chua cay, nhưng lúc sau này anh vẫn viết và sống bằng chính ngòi bút của mình. Tôi đã gặp lại tác giả Loan Mắt Nhung, gặp lại những ngày tháng của Sài Gòn xưa, gặp lại những kỷ niệm hiếm hoi về một buổi sáng ngồi với nhau ở quán cà phê Cái Chùa hay buổi chiều ở nhà hàng Thanh Thế.

clip_image005

Bài thơ và thủ bút của Nguyễn Thụy Long viết từ tháng 8, 1975

Hồi đó chúng tôi còn quá trẻ, anh ít nói và tôi không phải là người nói nhiều. Có lần Long hỏi tôi, «sao ông cứ chạy trốn cuộc đời này hoài vậy?» Long muốn nói đến tập tùy bút Ý Nghĩ Trên Cỏ tôi vừa mới phát hành.

Nguyễn Thụy Long thở với hơi thở đời sống, đi trên kênh rạch, lội xuống bùn đen, đứng giữa tiếng động của sắt thép, của dao và búa, nhập vào bóng đen của mặt trái thành phố… Còn tôi, kẻ luôn bị ám ảnh bởi câu nói của Albert Camus trong cuốn Le Mythe de Sisyphe: «Il n’y a qu’un problème philosophique vraiment sérieux: c’est le suicide.»* Tôi đã nghĩ đến cái chết từ những ngày học [Triết] ở Đà lat, nghĩ đến cái chết khi ở Sài Gòn [lúc chiến tranh ăn ruỗng mục tuổi trẻ đất nước], nghĩ đến nó khi nằm ở nhà tù Rạch Giá, Kinh Làng Thứ Bảy, U Minh … Nghĩ đến nó khi bị bắt trong đêm ở một khu đầy mồ mả trên bờ biển Phan Thiết chờ giờ xuống ghe [vượt thoát quê hương]…Tôi hiểu tại sao chúng tôi không gần nhau, tôi hiểu tại sao Long nói tôi là người chạy trốn cuộc đời.

Giờ đây, Nguyễn Thụy Long đã ra đi. Anh đã sống hết cuộc đời anh, với khổ đau nhiều hơn hạnh phúc, với bóng tối nhiều hơn ánh sáng, với một hiện tại [cơ cực] hơn là một tương lai [ung dung tự tại]… Anh đã thoát ra khỏi bóng tối, khỏi khổ đau, khỏi hiện tại. Còn tôi? Người ở lại nói với người ra đi:

Chia tay bạn ta, vĩnh biệt Nguyễn Thụy Long. Hẹn gặp!

Hẹn gặp! Tôi đã nói hai chữ này với ai? Bao nhiêu lần? Chắc chắn không phải chỉ một lần. Với Mai Thảo, với Nguyên Sa, với Hoàng Anh Tuấn, với Trần Phong Giao,…và bây giờ với Nguyễn Thụy Long…

Hẹn gặp! Bởi vì, nghĩ cho cùng trên đời này tưởng là chia tay mà vẫn là gặp gỡ và tưởng là gặp gỡ đôi khi đã là chia tay. Con người giống như những hạt bụi bay tán loạn giữa bầu trời và tình cờ gặp nhau, rồi những cơn giông bất ngờ ập đến bắn tung ra, những hạt bụi lại rời nhau bay về những phương hướng khác. Những hạt bụi có còn gặp lại nhau không hay mãi mãi không bao giờ tái hợp? Nào ai biết!

Nhưng hẹn gặp là một điều chắc chắn. Tôi vẫn nghĩ vậy!

Viết một cuốn đọc nghìn cuốn

Nguyễn Xuân Hòang, Võ Phiến

Nguyễn Xuân Hoàng (N.X.H): Lần trước ông đề nghị nên bắt đầu thảo luận về ý nghĩa các dữ kiện nêu ra…

Võ Phiến (V.P.): Có lẽ nên thế, ông ạ. Nếu không, lâu ngày ta quên mất đã nêu ra những gì. Rối lắm.

N.X.H.: Chúng ta đã nhận thấy:

– Ngày nay ít đọc sách hơn xưa,

– Ngày nay viết nhiều sách hơn xưa,

– Ngày nay đọc qua quít hơn xưa…

Ðơn giản thôi. Chưa có gì rối rắm. Dù sao, đưa ra cái gì, giải quyết ngay cái đó vẫn hơn.

V.P.: Tôi xin có mấy ý nghĩ về cái qua quít. Theo tôi, đọc mà nhảy lóc cóc, đọc một dòng nhảy một dòng, đọc vài đoạn nhảy một đoạn v.v…, đọc như thế tức là không phải đọc cuốn sách tác giả đã viết ra. Ðọc như thế là đọc một ấn bản đặc biệt, có đục bỏ nhiều khoảng trống. Một ấn bản như thế không phải là công trình nghệ thuật thể hiện phong cách của tác giả, mỹ quan của tác giả…

N.X.H.: “Ấn bản đặc biệt” là công trình hợp soạn giữa tác giả và độc giả!

V.P.: Không được thế đâu. Chữ “hợp soạn” giả thiết một suy tính, cân nhắc, một sửa đổi cố ý. Ðàng này, không có thế. Vừa đọc vừa nhảy, người ta chỉ có thể “thưởng thức” một tác phẩm ngẫu thành, đầy may rủi, xệch xạc, bôi bác. Tác giả thường thoạt tiên làm một bản phác thảo đơn giản, qua loa (hoặc trong trí hoặc trên giấy); từ đó ông ta cặm cụi dựng lên một công trình nghệ thuật. Công trình hoàn tất, được trao qua tay độc giả, tức khắc biến trở lại thành những phác thảo đơn giản qua loa. Cái biến thành ấy là do phép nhiệm mầu của thời đại: phép đọc nhanh. Cái biến thành ấy cũng có thể gọi là sự phá hủy tan tành cố gắng nghệ thuật.

Trong cố gắng ấy, mỗi chi tiết là một tử công phu. Trong phép đọc nhanh, mọi chi tiết đều là những vướng víu cần vượt thoát.

Bao nhiêu tác giả xưa nay đã nhiều lời tha thiết về chi tiết. Tôi không nhớ trong một bức thư nào đó của Tolstoi, ông so sánh văn với hoạ, văn với nhạc, và trong so sánh nào ông cũng nhấn mạnh vào tầm quan trọng sinh tử của cái “một chút xíu”. Trên bức vẽ kém cỏi của người học trò, lắm khi ông thầy chỉ cầm cây cọ phết vào một nét sửa chữa là bức họa có sinh khí. Trong cuộc trình diễn âm nhạc, một nốt nhạc kéo dài hơn hay dứt ngắn hơn, lên cao hơn hay xuống thấp hơn mức độ cần thiết một chút, thế là sức tác động của bản nhạc bị ảnh hưởng tai hại ngay.

Một tác phẩm nghệ thuật chỉ gây được tác động tâm lý mong muốn trong cái hình thức nhất định của nó. Mọi xô đẩy, sai lệch, làm méo mó cái hình thức ấy đều hại tác phẩm. Ông tưởng tượng xem: Một bức tranh xưa của Vương Duy bị dán cắn chỗ này nước mưa dậm chỗ nọ, trông thì vẫn còn nhận ra là chim đậu cành trúc hay đạo sĩ dạo dưới núi đấy, nhưng người xem có còn nhận được cái cảm xúc mà Vương Duy cố truyền vào tranh không? Một bức tranh bị xoá trắng đi chừng dăm ba khoảnh đã không còn là tranh, lẽ nào một tác phẩm văn chương bị xoá đi năm chục khoảng vẫn còn là văn phẩm? Ðối với họa phẩm, nhạc phẩm, không thể sửa đổi chút xíu nào; tại sao có thể bứng từng tảng, từng khối lớn của văn phẩm vất đi? Trong cuốn khảo luận nào về Truyện Kiều đều có phần tóm lược cốt truyện này; đọc xong bài tóm lược, các cô cậu học sinh có thể nào cho rằng mình đã được “thưởng thức” Truyện Kiều, đã biết tài nghệ của Nguyễn Du? Người đọc nhảy còn cẩu thả hơn kẻ soạn sách khảo luận nhiều chứ.

Ðọc truyện không phải là đọc cốt truyện; đọc thơ không phải là đọc ý thơ. Tác phẩm văn nghệ bây giờ bị hất hủi quá lắm. Nó không thể cúi đầu chịu cái nhục ấy mà vẫn còn xứng đáng là nghệ phẩm.

N.X.H.: Ông vừa nói đến cốt truyện và đến vấn đề chi tiết trong truyện. Tôi nghĩ đến Nhất Linh. Nhất Linh coi thường cốt truyện, không muốn gọi bằng cái tên thường gọi là cốt truyện: ông đặt tên nó là “Các việc xảy ra”! Theo ông thì trong một cuốn tiểu thuyết cái đó không quan trọng chút nào, vậy muốn viết nên cuốn tiểu thuyết hay tốt hơn là đừng bận tâm về cốt truyện. Quan trọng nhất là chi tiết. Theo Nhất Linh, các nhà văn hơn kém nhau ở chỗ tìm chi tiết.

Ông có cho rằng nói như thế là quá đáng không?

V.P.: Ối, tôi mà cho là thế này thế nọ thì có nghĩa gì đâu. Có lần trong một cuộc đàm thoại về tiểu thuyết, hai nhà văn lớn của Nhật bản là Yukio Mishima và Kenzaburo Oe cũng đi đến những ý kiến của Nhất Linh.

Thoạt tiên Oe bảo không nên chú trọng quá về chi tiết; Mishima hoàn toàn bác bỏ ý nghĩ của nhà văn đàn em, và cuối cùng đã thuyết phục được Oe. Họ đồng ý với nhau rằng đặc điểm của tiểu thuyết Nhật là sở trường về chi tiết, và đó là chỗ thành công của tiểu thuyết Nhật. Tiểu thuyết là một công trình hư cấu, giả tưởng. Cái giả ấy mà thành tuyệt diệu được là nhờ những chi tiết rất thực. Chi tiết mà thực thì công trình giả cấu hoá nên sống động.

Oe kể rằng ông vừa đọc một câu chuyện cấu trúc lỏng lẻo loạng choạng nhưng có nhiều chi tiết hay. Ông định chê, nhưng Mishima bênh vực. Mishima nói ngay là ông thích Oe cũng chính vì trong truyện Oe có những chi tiết hay, ông khen Oe thành công về chi tiết. Như vậy ở đây cũng lại cốt truyện không cần, chi tiết là nhất. Trong khi ấy, kẻ đọc nhảy đọc nhanh lại nhảy phóc qua đầu các chi tiết, chỉ lo rượt đuổi cái cốt truyện. Ông nghĩ coi: vậy có khốn khổ cho nghệ thuật, có tàn đời nghệ thuật không chứ?

Nhưng trình bày các quan niệm của nhà văn này nhà thơ kia, chuyện ấy làm tôi khổ sở quá. Tôi chẳng đọc được bao nhiêu, mà đọc xong lại chóng quên, mỗi lúc truy tầm tư tưởng của các vị ấy thật là vất vả. Xin phép ông cho tôi xả hơi một chút, bằng cách kể chuyện mình. Nói cái của mình thì về tư tưởng nhất định là nghèo nàn, nhưng về dữ kiện may ra chính xác. Tôi muốn kể với ông vài kỷ niệm, được chứ ạ?

N.X.H.: Ấy, ông cứ tự nhiên. Không nên giữ ý quá đáng, xin tự nhiên.

V.P.: Năm ngoái khi vào nhà thương chịu giải phẫu, tôi bỏ theo trong cặp vài tờ tạp chí và cuốn Kiếp người của Somerset Maugham do Nguyễn Hiến Lê dịch, để đọc lai rai trong khi chờ mổ. Bản dịch của ông Nguyễn đã in ở Sài Gòn, nhưng hồi đó tôi không có dịp đọc. Bây giờ nằm trên giường bệnh đọc gần hết cuốn sách, thỉnh thoảng thấy có điều ngờ ngợ, nhưng vẫn chưa nhận ra là sách quen, và quen từ bao giờ. Bỗng nhiên đến cái chết của mục sư Carey. Người bệnh nằm mê man đã lâu; trong gian phòng vắng vẻ chỉ có mình Philip ngồi canh chừng ông bác già, chờ đợi từ giờ này sang giờ khác. Một con nhặng xanh vo ve đâm đầu vào cửa kính. Bên ngoài trời nắng đẹp, không mây, khu vườn đầy bóng mát. Thình lình nghe có tiếng ọc ọc, ông già run bật bật rồi tắt nghỉ. Con nhặng xanh vẫn còn đâm đầu, đâm đầu hoài vào cửa kính.

Ðến đây tôi vụt tỉnh người. Không những tôi nhớ rõ ràng đã từng đọc cuốn truyện, dần dần lại nhớ đích xác đã đọc ở đâu, lúc nào, trong khung cảnh ra sao. Nhớ bấy giờ là vào khoảng 1944, bốn mươi tám năm trước, nhớ buổi sáng hôm ấy, mùa thu, trời lành lạnh, ở Huế, không hiểu sao tôi lại có mặt tại trường, trong lớp học không người ở tầng lầu một, một mình ngồi đọc cuốn truyện (bấy giờ trong bản tiếng Pháp). Sau gần nửa thế kỷ, một đêm trên giường bệnh ở Los Angeles tôi ngừng giữa trang sách, sống lại cái xao xuyến năm xưa khi gặp cái chết của ông mục sư già, tiếng ọc ọc, con nhặng xanh… Không những thế, không những nhớ cảnh trong sách, mà còn nhớ đến tâm trạng mình lúc bấy giờ. Bấy giờ tôi cũng ngừng đọc giữa trang sách, cũng thẫn thờ, nhìn ra bên ngoài. Trong buổi sáng của thành phố Huế vắng xe cộ, tai nghe từ đâu đó vang lại đều đều tiếng búa đập xuống sắt beng beng… Trí óc dần dần tách rời khỏi cái chết của ông cụ già, tôi chú ý đến tiếng búa nghĩ mãi không biết từ đâu. Và cái tiếng nọ cứ bám vào trí nhớ. Cách chừng ấy thời gian, tôi nghe lại rõ mồn một!

Bao nhiêu biến cố chìm nổi trong cuộc đời điên đảo phong ba của Philip kể lại ở tác phẩm dày cộm nọ đã mờ lạt hết, thế mà cái chi tiết về con nhặng xanh trong cái chết yên lành cứ ám ảnh mãi. Kỳ cục thật.

May quá, cả hai lần đọc tôi đều không nhảy qua chi tiết nhỏ mọn ấy, mặc dù sau này tôi cũng “bận” lắm.

N.X.H.: Xin lỗi. Tôi tò mò một chút. Có phải đó là cách đọc sách riêng của ông? Ý tôi muốn nói lúc nào đọc truyện có phải ông cũng chú tâm lục soát các chi tiết?

V.P.: Ấy, không biết đâu. Tôi không nghĩ mình có riêng một phương pháp, một kỷ luật nào. Vả lại tôi cũng chưa có dịp tự phân tích thói quen của mình. Bất thần bị hỏi, e không có câu đáp đúng đắn. Tuy nhiên có thể nói ngay rằng trường hợp vừa kể không phải chỉ xảy đến một đôi lần. Tôi đã gặp nhiều lần như thế.

N.X.H.: Xin ông vui lòng kể thêm đôi kỷ niệm nữa.

V.P.: Cuộc trao đổi tình yêu bằng mắt giữa Dũng và Loan một buổi trưa trên ngọn đồi ở Quỳnh Nê, tôi đã nói đâu đó rồi, giờ xin được nhắc lại. Những gì đã xảy ra giữa cặp trai gái ấy suốt cuốn Ðôi bạn (của Nhất Linh) khá loằng ngoằng, không phải lúc nào muốn ôn lại cũng dễ dàng. Thế nhưng mỗi lần nói đến Ðôi bạn tôi liền nghĩ ngay đến khoảnh khắc nọ. Nắng chan hoà, tiếng thông reo, thợ gặt nói cười văng vẳng trên cánh đồng dưới chân đồi, vài người bạn nằm ngủ bên cạnh, mắt Dũng gặp mắt Loan nhìn trộm mình, Loan vờ nhắm mắt lại rồi mở mắt ra, hai người nhìn nhau âu yếm qua những lá cỏ rung rung trong gió.

Có những mối tình diễn ra giữa những cuộc đấu hót ríu rít liên tu bất tận (trong Vợ thầy Hương, Chú Tư Cầu của Lê Xuyên v.v… chẳng hạn); có mối tình qua ánh mắt lặng lẽ. Có những đổ vỡ diễn ra giữa tiếng đĩa bát loảng xoảng, tiếng chửi rủa tru tréo, tiếng đay nghiến ác độc; có cuộc đổ vỡ xảy ra trong một tiếng ngáy, đột ngột, ngắn ngủi, phát lên khẽ khàng bên tai mà đủ khiến người nghe cảm thấy sự cách biệt vô phương hàn gắn…

Ánh mắt nọ, tiếng ngáy kia, nó loáng thoáng chợt hiện chợt tắt, khó bắt như một chi tiết nhỏ ở mấy dòng trong pho sách dày; và kẻ không bắt được những cái ấy tưởng chừng không bắt được cái thần của tác phẩm.

Trong cái đọc cũng lắm cơ duyên, ông ạ. Ðọc nhảy, mất hết cơ duyên.

N.X.H.: Ông vừa nói đến tiếng ngáy đổ vỡ…

V.P.: Ấy chết. Tôi nhảy lóc cóc từ chuyện nọ sang chuyện kia, không mạch lạc, không báo trước, khó theo dõi được. Xin lỗi ông. Chỗ này tôi muốn nói về một chi tiết trong cuốn Anna Karénine của Tolstoi. Kể ra, ngay cả cái này cũng đã từng viết ra rồi. Nhân tiện xin trở lại chút xíu thôi.

Lúc bấy giờ hình ảnh của chàng trai Wronski đã ám ảnh Anna Karénine, nhưng trong tâm hồn thiếu phụ còn những giằng co. Ðêm ấy, nàng trăn trở bên cạnh người chồng lớn tuổi. Ông vừa phát lên tiếng ngáy, bỗng vấp một một cái, ngưng nín một lát, rồi lại tiếp tục ngáy đều. Thiếu phụ một mình thao thức, đôi mắt long lanh trong đêm tối, nàng chợt cảm thấy rõ là mình đã đi xa, quá xa. Nàng ý thức rõ cái khoảng cách tuyệt vọng giữa vợ chồng…

Hiện thời tôi không có cuốn sách trong tay. Không biết tôi có nói gì sai lạc chăng, ông bỏ qua cho. Không chừng trí tưởng tượng của tôi đã vô tình xuyên tạc chi tiết của Tolstoi. Dù sao… Lạ chứ ông: Tất nhiên tôi thì làm gì có kinh nghiệm về cái tâm lý của người đàn bà ngoại tình, vậy mà tôi cứ đinh ninh là ông Tolstoi viết “đúng” quá! Còn ông Tolstoi nữa, ngay ông cũng làm gì có được cái kinh nghiệm u ẩn của một thiếu phụ trong trường hợp éo le như vậy? Vậy mà ông viết ra; sâu sắc quá trời. Thần sầu. Kẻ viết cũng như người đọc thấy đều… vô căn cứ! ông có thể bảo thế. Nhưng tôi vẫn có cảm tưởng làm nên giá trị của tiểu thuyết Tolstoi là những cái như vậy, chứ không phải những biến cố ngoạn mục như vụ tự tử của Anna Karénine.

Ông có nghĩ rằng phải cần đến một thiên tài như Tolstoi mới xô nổi thiếu phụ xinh đẹp nọ vào bánh xe lửa không? Hừm, nhiều tác giả còn dám tạo nên những chuyện động trời, gay cấn, khủng khiếp hơn nhiều chứ lại. Ngã vào xe thì nhằm nhò gì.

N.X.H.: Những chi tiết nhỏ nhặt có phải là then chốt thành công của tiểu thuyết hay không, có phải đó là điều kiện cốt yếu của giá trị không? chúng ta không có nhiệm vụ phải quyết định. Dù sao, nó phải có vai trò quan trọng…

V.P.: … mà sự đọc nhanh phế bỏ hoàn toàn. Ông nghĩ coi: Khi người đọc nhảy thì họ nhảy bỏ những gì? Có ai bỏ qua được một vụ tự tử hay một trận đấm đá, một hành hung, một tai nạn chết người đâu. Chỉ toàn bỏ qua những đôi mắt trao đổi âm thầm lén lút, những tiếng ngáy đứt nối giữa đêm khuya thôi. Mà bỏ qua những cái đó đi! Trời ơi, những trường hợp vừa kể cho thấy khi vứt bỏ những cái đó đi là tiêu tan sức sống của tác phẩm nghệ thuật.

Nghệ phẩm là hư cấu, thì những chi tiết nọ lại rất thực. Chính những cái thực nhỏ thổi sinh khí vào cái giả lớn. Thế nhưng những cái thực nhỏ ấy chỉ trao sự sống, chỉ thổi được sinh khí khi nó được nhìn tới. Không nhìn thấy nó, không đọc đến nó, thì nó nằm đó đầy sách mà nó không hề có. Nó nằm ngổn ngang như rác như rến, lù lù, bẩn thỉu. Nó vô dụng và gây vướng víu. Gây vướng víu cho người đọc sách để biết chuyện, để giải trí.

Kẻ đọc bộ Chiến tranh và Hòa bình trong hai tuần, người đọc bộ sách ấy trong hai đêm, hai độc giả không cùng đọc một tác phẩm đâu. Tuy cùng nêu ra một nhan đề, họ đọc hai tác phẩm khác nhau. Và họ cảm xúc khác nhau xa, khác hẳn nhau. Từ vị trí một công trình nghệ thuật, bộ tiểu thuyết đọc nhanh bị kéo tụt xuống hàng một món giải trí rẻ tiền. Nó không bồi bổ, không làm phong phú cảm xúc của người đọc; nó chỉ giết giúp người ấy một số thì giờ (vốn đã eo hẹp).

Bộ Chiến tranh và Hòa bình vài nghìn trang chăm chút thận trọng từng chữ là tác phẩm nghệ thuật của Tolstoi, còn những bản Chiến tranh và Hòa bình chừng nghìn trang hay dăm bảy trăm trang do các nhà xuất bản rút ngắn hay những độc giả sốt ruột tự ý rút ngắn bằng cách đọc loáng thoáng, cũng gọi là tác phẩm của Tolstoi được sao?

Bản Truyện Kiều 3254 câu, lời lời châu ngọc, là tác phẩm của Nguyễn Du. Chỉ có bản ấy thôi. Giá dụ có những bản Truyện Kiều nghìn câu hay bảy tám trăm câu lưu hành, cũng gọi được là của Nguyễn Du sao? Tác giả những bản nọ chỉ có thể ký tên là “Kẻ đâm sau lưng Nguyễn Du” thôi, Trời ạ.

N.X.H.: Ông nổi dóa rồi.

V.P.: Ai cũng thế thôi, ông ơi. Cuốn Trăm năm cô độc của Gabriel G. Marquez được dịch sang Nga ngữ bị cắt bỏ chỗ này chỗ nọ. Người ta mời tác giả sang Mạc-tư-khoa, ông không sang, dù là sang để nhận tiền bạc, để hưởng tôn vinh mến mộ.

Ðáng thương là những kẻ đã qua đời, những tác giả của các thế kỷ trước viết sách để lại cho các thế hệ sau này: Họ không còn nổi doá được. Tolstoi, ông gom góp từng chi tiết quí báu, ông sửa chi chít bản thảo, ông bắt bà cụ chép đi chép lại những tác phẩm đồ sộ mấy nghìn trang, để rồi…

N.X.H.: Tolstoi, ông cụ ấy giàu sụ, thừa thãi thì giờ và tiền bạc, ông muốn sửa chữa bản thảo bao nhiêu lần, bắt thợ xếp chữ đi xếp lại mấy lần cũng được, giữ lại bản thảo bao lâu cũng được. Theo tôi, trường hợp Balzac mới thực là đáng phục. Ngày nào như ngày ấy, ông uống cà-phê đậm đắng, viết một mạch từ 12 giờ khuya tới 8 giờ sáng. Vậy mà dừng lại điểm tâm và tắm một cái xong, ông lại chúi đầu sửa chữa bản vỗ cho tới xế chiều. Ðoạn nào cũng sửa đi sửa lại năm, sáu lần, sửa chi chít làm điên đầu thợ in. Có những đoạn sửa lại đến mười sáu lần luôn. Sửa đến thế thì toà báo nào, nhà xuất bản nào chịu thấu, tác giả phải xuất tiền túi ra trả công thợ in. Có lần một ông chủ báo sốt ruột không chịu đựng nổi, đã cho in một đoạn truyện không chờ tác giả chữa lần chót và ký tên cho phép in, Balzac liền nghỉ chơi tức khắc, chấm dứt ngay sự cộng tác với tờ báo ấy. Nợ nần đầy đầu, phải viết hối hả tới kiệt lực như Balzac mà cứ nhất định chi tiền, chi thì giờ như ông cho sự toàn thiện toàn mỹ của nghệ phẩm, thật là can đảm dị thường.

V.P.: Balzac rất ý thức về sự can đảm của mình, biết đánh giá đúng mức thái độ cao cả của mình. Ông còn nhớ các cuốn sách đặc biệt tặng những người đặc biệt thân hữu chứ ạ? Ðối với những người như bà De Hanska, bà De Castries, như người chị thân thiết của mình – chị Laure – , như bác sĩ Nacquart vừa là tri kỷ vừa là người săn sóc mình v.v…, Balzac thỉnh thoảng tặng những cuốn sách dày gấp mười lần cuốn sách bày bán cho thiên hạ. Chẳng hạn ấn bản bày bán ngoài tiệm sách dày hai trăm trang thì, cũng chính tác phẩm ấy, bản Balzac tặng người thân dày chừng hai nghìn trang. Bởi vì ông đã cố tình cất giữ các ấn cảo những lần chữa đi chữa lại, rồi ông gom góp, cho đóng chung vào một tập với ấn bản cuối cùng.

Làm như thế, ông tự mình tuyên dương cái công phu miệt mài, cái thiết tha nghề nghiệp, sự hi sinh lớn lao của mình.

N.X.H.: Balzac dứt khoát bỏ một ông chủ báo muốn hạn chế sự sửa chữa của tác giả, là Balzac đã nổi dóa. Balzac nổi dóa thì được, còn chúng ta mà nổi dóa thì hỏng, vì không hợp thời, vì là một sự nổi dóa muộn màng. Muộn mất một thế kỷ.

Vào thời Balzac, ông ta nhất định đòi độc giả phải đọc đúng ấn bản tác phẩm tuyệt hảo, đã được sửa chữa đến nơi đến chốn của mình; bây giờ đâu có tác giả nào được phép đòi hỏi điều kỳ cục như thế. Thời Balzac kẻ nào không thoả mãn sự đòi hỏi ấy, tác giả nghỉ chơi; bây giờ không tác giả nào được phép nghỉ chơi với độc giả, vì đại đa số độc giả đều từ chối, không chịu đọc ấn bản chính. Bây giờ, tác giả cho lưu hành một ấn bản, thiên hạ xăng phú, cứ tha hồ đọc những dị bản linh tinh. Mỗi độc giả có một dị bản riêng của mình. Mỗi tác phẩm có muôn vạn dị bản khác nhau, tự thành rồi tự xoá trong trí mỗi độc giả…

V.P.: Trước hoàn cảnh ấy người cầm bút ngày nay hoàn toàn bất lực, vô phương phản đối; họ phải chấp nhận ngoan ngoãn. Ðó là điều kiện mới, luật mới dù là luật bất thành văn nhưng cứng rắn. Thế hệ sáng tác này phải liệu mà sửa mình chứ ông. Viết một đàng cho người ta đọc một nẻo: phải có cách viết khác, có quan niệm viết khác đi chứ ông.

N.X.H.: Khác ra sao?

V.P.: Ấy. Khoan, khoan đã. Nêu sự kiện; tìm ý nghĩa của sự kiện, ảnh hưởng của nó đến quan niệm sáng tác, lề lối sáng tác v.v… Thế đã là hai bước rồi.

Chưa xong, đã đặt ra vấn đề giải pháp: Giải quyết cách nào? đường lối nào thích hợp? v.v… Thế là vội vàng quá đấy.

5 – 1993

 

Những trang văn xuôi lương thiện và giản dị về con người

Nguyễn Xuân Hòang

LTG: Sau cuốn Tháng Ba Gẫy Súng ấn hành năm 1986, mùa hè năm nay Cao Xuân Huy vừa cho ra mắt tác phẩm thứ hai: cuốn Vài Mẫu Chuyện.

Trước đó Huy đã gửi cho tôi pdf cuốn sách mới của anh và mấy tuần sau, trong ngày Đại Hội Thuỷ Quân Lục Chiến tổ chức tại San Jose, Huy đã mang theo bản in giấy cho tôi. Chúng tôi gặp lại nhau cùng với Trần Như Hùng, một bạn thân của Huy thời Thuỷ Quân Lục Chiến từ Úc qua cùng tham dự đại hội với Huy. Trong bữa gặp riêng, tôi gọi rượu nhưng Huy không uống, chỉ có Hùng, tôi và một bạn khác của Huy cạn ly thôi. Huy nói bác sĩ cấm anh uống rượu từ lâu rồi. Và Huy cho biết anh không còn khoẻ như xưa. Tuy vậy, tôi thấy Huy vẫn bình tĩnh, cười nói, như không có gì xảy ra cho anh. Cao Xuân Huy vốn là người can đảm và nhìn đời bằng một cái nhìn lạc quan – ít ra lạc quan và bình tĩnh hơn tôi nhiều. Tôi nói với Huy trong tập sách mới này tôi muốn viết về truyện Hành Phương Nam của anh. “Tại sao Hành Phương Nam mà không là truyện nào khác?” Tôi nói với Huy: “Chờ đó, rồi tôi sẽ cho cậu biết tại sao tôi thích truyện này.” Nhưng tôi chưa thực hiện lời hứa với Huy thì anh đã ra đi.

Xin gửi đến các bạn lời bạt tôi đã viết cho Tháng Ba Gẫy Súng, tác phẩm đầu tay của Cao Xuân Huy. Tôi muốn nói với Huy lời xin lỗi. Tôi vẫn còn nợ Huy một lời hứa.

***

Cuối tháng Giêng 85, cùng với một số đồng bào may mắn muộn màng khác ở đảo Bataan, chúng tôi có tên trong danh sách rời trại tỵ nạn Phi Luật Tân, lên đường đi định cư ở một thành phố miền đông bắc Hoa Kỳ, nơi tôi sẽ được gặp lại cô em út sau mười năm xa cách.

Cảnh vật mùa Đông ở Springfield đẹp mà buồn. Cây cối trụi lá trơ cành khẳng khiu in mờ nhạt trên một bầu trời xám xịt. Mặt đất phủ đầy tuyết trắng lạnh giá. Tuy vậy, tôi còn nhớ rõ trong lòng tôi tràn ngập một niềm hạnh phúc ấm áp. Giờ đây khi bước sang mùa Đông thứ hai, tôi nghiệm thêm một điều là không phải bao giờ tuyết cũng trắng sạch, cũng đẹp đẽ và cũng thú vị như cái cảm giác tôi đã có trong những ngày đầu. Dù sao, đó sẽ lại là một chuyện khác.

Tôi muốn nói, chính trong những tháng ngày thong thả tạm thời này, tôi có một niềm vui là được đọc những trang viết đầu tay của một tác giả mà tôi chưa hề quen biết: Tháng Ba Gãy Súng của Cao Xuân Huy.

Tháng Ba Gãy Súng. Hình như tên gọi của truyện kể là điều trước tiên lôi cuốn tôi. Tựa đề của một cuốn sách vốn đơn giản. Tháng Ba Gãy Súng là sự đơn giản quyến rũ. Tháng Ba là tháng thọ nạn của miền Trung, khi cơn lốc đỏ từ miền Bắc lao xuống địa đầu của chúng ta. Phải một thời gian sau nữa nó mới đổ ập tới Sài Gòn yêu dấu cái Tháng Tư Đen hãi hùng và thống khổ. Cao Xuân Huy đặt câu hỏi: Ai đã bẻ gãy súng của quân đội ta, những người lính dũng cảm, có thừa mưu trí và kinh nghiệm chiến trường? Ai đã làm cho người lính chúng ta bó tay, khi súng còn đó mà đạn đã hết ở trong nòng?

Tác giả cho thấy bên dưới những người và việc là sự mất niềm tin của người lính trận trước một số cấp chỉ huy, những đàn anh “khả kính” đã dứt bỏ hàng ngũ trong cơn quẫn bách để chạy lấy thân, còn thì sống chết mặc bay!

Tháng Ba Gãy Súng vẽ lại cơn hồng thủy của một cuộc chiến không thương tiếc, phủ chụp và vùi dập số phận của cả một dân tộc. Trên bờ cát lạnh lẽo của biến cố, người ta nghe thấy tiếng động của những vòng xích sắt nghiến lạo xạo trên sọ người.

Đó là cuốn sách chứa rất ít nụ cười nhưng rất nhiều máu và nước mắt; niềm vui thì khô cằn mà đau thương và bất hạnh thì màu mỡ phì nhiêu; tàn bạo và căm hờn là bình thường nhưng dịu dàng và thuận thảo là điều xa lạ.

Chữ nghĩa trong Tháng Ba Gãy Súng giản dị, tự nhiên và trong sáng. Nhưng người đọc biết rõ một cách mười mươi rằng để có được những dòng chữ “tưởng chừng như dễ dàng” đó, Cao Xuân Huy đã phải trả một giá khá đắt: sự thách đố của anh với tử thần trong những đường tơ kẽ tóc để đổi lấy phẩm giá làm người. Có thể nói Tháng Ba Gãy Súng đã được viết bằng một trái tim nóng bỏng trước khi được gọt dũa và trau chuốt bằng một bút pháp nghề nghiệp. Nhưng điều này không hề làm hạn chế sức sống của tác phẩm.

Những ai ham đọc sách đều biết rằng các nhà văn lừng danh trên thế giới như Flaubert, Hemingway, Dickens, Tolstoi… đều đã viết bằng một thứ ngôn từ tự nhiên và giản dị.

Trong một lần gặp gỡ tác giả, tôi hỏi anh tại sao lại xếp Tháng Ba Gãy Súng vào thể loại Hồi Ký mà không là Truyện Kể hay Truyện Ký, Cao Xuân Huy trả lời “Bởi vì tôi đã không lồng vào đấy bất cứ một hư cấu nhỏ nào. Tôi viết lại hoàn toàn sự thật những điều mắt thấy tai nghe. Chỉ tiếc một điều là tôi đã không đủ khả năng để viết được tất cả những gì tôi cần phải viết.”

Thật vậy, văn chương vốn cần hư cấu, nhưng hiện thực tự nó cũng thừa sự lớn lao và sâu sắc mà một trí tưởng tượng khiêm tốn đôi khi còn nghèo nàn và nông cạn hơn. Nói cách khác, hư cấu trong một tác phẩm tuy cần thiết, nhưng hiện thực bao giờ cũng là nền tảng để từ đó hư cấu có thể thành hình và đứng vững.

Chính cái hiện thực này đã khiến cho ngòi bút của Cao Xuân Huy có được cái sắc sảo đặc biệt, đồng thời cũng làm cho Tháng Ba Gãy Súng giữ được cái vẻ tươi mát nóng bỏng mà mọi thứ hư cấu rắc rối không sao đạt được. Và nghệ thuật của Cao Xuân Huy nằm ở chỗ làm cho tác phẩm của anh có được sức thuyết phục mạnh mẽ hơn cái nó vốn có trong thực tế.

Thích nhất là những mẩu đối thoại trong Tháng Ba Gãy Súng. Nó nguyên chất, nhưng không dư thừa và tầm thường. Nó chưa bị chảy qua cái máy lọc “văn chương triết lý” nào. Nó sống và chát. Và rất gần với chúng ta. Trả lời câu hỏi động cơ nào khiến anh viết Tháng Ba Gãy Súng, Cao Xuân Huy nói “Không ai là không quay lại nhìn chỗ mình vừa ngã, và cũng không ai là không quay lại nhìn đống phân mình vừa thải. Ngã là lỗi của chính mình và phân có thối cũng là phân của mình. Vậy mà tại sao cả chục năm nay vẫn không thấy ai dám quay lại nhìn cái lỗi đã làm cho mình ngã ngay trên đống phân của mình, ngoài những lời chửi bới và đổ lỗi cho người khác.”

Tất nhiên câu nói của anh còn có chỗ phải bàn thảo lại, suy nghĩ thêm, nhưng ở đây trong khung cảnh đặc biệt của Tháng Ba Gãy Súng, câu nói đó có cách lý giải riêng của nó. Trước khi cầm bút viết lại những ngày tháng của lịch sử một trận chiến mà mình là một chứng nhân, Cao Xuân Huy đã là một sĩ quan chiến đấu thuộc một binh chủng lừng danh chiến trường mà mọi người chúng ta đều nghe tiếng: Thủy Quân Lục Chiến.

Chiến trường, sống và viết, Cao Xuân Huy có đủ những yếu tố đó để viết những trang văn xuôi nóng bỏng của mình. Cao Xuân Huy nói: “Đất nước ta đâu phải là một bàn cờ mà hễ đánh thua ván này thì xóa đi xếp quân làm lại bàn khác, mà tướng vẫn là tướng, quân vẫn là quân, đâu phải những con xe, con mã, con chốt đã chết đều có thể dựng đầu dậy để làm lại một trận đấu mới!” Những suy nghĩ đó của anh không hề có ý định dừng lại ở chỗ chỉ là những điều viết ra để ngẫm nghĩ.

Khi trang cuối của Tháng Ba Gãy Súng được gấp lại, người đọc hình như vẫn cảm thấy còn một điều gì đó chưa xong chưa hết. Cái dấu chấm hết của mệnh đề sau cùng vẫn còn là một lời hứa hẹn sẽ mở ra một trang sách khác.

Dù sao những hình ảnh tàn nhẫn và khủng khiếp, những nỗi lo âu và hãi hùng vẫn còn đọng lại trong ta. Vẫn còn đọng lại trong ta những địa danh, địa hình, địa điểm quen thuộc của một vùng đất quê hương khô cằn, cả thời tiết của đất trời mà da thịt ta vốn từng chịu đựng, và nhất là vẫn còn đọng lại trong ta hình ảnh những con người – trong đó có chúng ta – với số phận hẩm hiu cô quạnh bị bủa vây trong cơn cuồng nộ của những biến cố bạo tàn… Tất cả những người và việc ấy chừng như mới xảy ra ngày hôm qua, vẫn còn luẩn quẩn đâu đây…

Với Tháng Ba Gãy Súng, Cao Xuân Huy đã viết được “những trang văn xuôi lương thiện và giản dị về con người”, điều mà Ernest Hemingway gọi là “trên đời này thật không có gì khó khăn hơn”.

Santa Ana, tháng Tư 1986

Bài Mới Nhất
Search