T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không : Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 50)

clip_image001

Bắc Nam

Người Bắc lúc nào cũng lịch sự, khi nói chuyện với bạn của người thân trong gia đình vai vế nhỏ hơn mình thì luôn luôn hạ danh xưng mình bằng người thấp hơn. Tôi còn nhớ khi còn học tiểu học, một cậu bé đến nhà rủ tôi đi học chung. Lúc ấy tôi đang tắm, bố tôi ngồi trong nhà mới nói với cậu bé:

– Em còn đang tắm, anh vào nhà ngồi chơi một chốc đợi em nó xong thì sẽ ra đi với anh.

Thằng nhỏ người Nam chỉ mới mười tuổi thấy ông già ngồi trên ghế sa-lông gọi mình là anh nên sợ vãi đái ra cả quần không dám đứng đợi tôi, bỏ ù chạy mất.

(Nguyễn Tài Ngọc – Bắc kỳ)

Thằng Mõ

Mọi người còn nhớ thằng Mõ của Ngô Tất Tố có tài băm thịt gà, xứng đáng với danh hiệu nghệ sĩ. Chỉ có thằng mõ mới gánh nổi trách nhiệm chia phần công bằng cho cả làng. Một con gà “một người ăn cố mới hết”, được Mõ chặt ra chia làm 23 cỗ, 83 suất. Không có “thiên tài” băm gà của Mõ, làng nước sẽ khó tránh được những cuộc cãi nhau, tranh giành, thậm chí hại ngầm nhau.

Nhưng có lẽ giỏi nhất, thông minh nhất trong làng Mõ, thì là thằng Mõ làng Cổ Nhuế của Hồ Hữu Tường. Thằng Mõ được ông tiên chỉ của làng mời làm cố vấn, giải quyết tất cả những chuyện rắc rối điên đầu. Mõ được sứ Tàu bái phục sát đất.

Nam Cao đưa ra một thằng Mõ, hiền lành lương thiện nhưng bị xã hội làm cho xấu đi.

(Phụ chú: Làng Cổ Nhuế là tên Hán, tên Nôm là làng Kẻ Noi)

Nói lái

Ông Lãng Nhân, trong quyển Chơi chữ có nhắc đến những chuyện nói lái như Trạng Quỳnh hay nghịch ngợm phá phách qua chuyện nói lái “đại phong” ra đổ chùa đến “lọ tương”. Một hôm nghe một bà mệnh phụ phu nhân đi dạo ngoài thành, ông Trạng Quỳnh ngồi đón bên chân cầu, bà mệnh phụ đi qua thấy ông Trạng đá nước vung tứ tóe. Bà hỏi ông làm gì, ông trả lời là…”đá bèo cho vui”.

Với …”đá bèo” nói lái là “đéo bà”.

(Nguyễn Hữu Phước – Nói lái)

Chinh phụ ngâm

Khúc Chinh phụ ngâm bằng chữ Nôm là bản diễn nôm Chinh phụ ngâm chữ Hán của Đặng Trần Côn. Hiện nay người ta chưa biết chắc ai là dịch giả, bà Đoàn Thị Điểm hay ông Phan Huy Ích. Nhưng Bộ giáo dục Hà Nội đã theo Hoàng Xuân Hãn mà nhận là Phan Huy Ích. Hoàng Xuân Hãn dựa vào chuyện là con cháu của cụ là Phan Huy Chiêm có những chứng từ gia phả dòng họ Phan ở phủ Quốc Oai, từ thời Tây Sơn với bản chép tay “Chinh Phụ Ngâm Diễn Âm Tân Khúc” cơ đấy.

Gần đây, hỏi Phan Huy Chiêm về chứng từ ấy, ông không đưa ra được…bản chép tay “Chinh Phụ Ngâm Diễn Âm Tân Khúc” của Phan Huy Ích từ gia phả dòng họ Phan.

(Chuyện cứ như đùa!)

(Tạ Quang Khôi – tạp chí Tân Văn)

Tiếng Việt vừa khó vừa dễ

Các chữ nói về con lợn : Trư, Thỉ, Ðồn, Trệ.
– Trư Bát Giới : Lợn trong Tây Du Ký của tác giả Ngô Thừa Ân
– Trư tiến môn, bách phúc lâm : Lợn vào nhà, trăm điều may mắn.
– Trư Bát Giới đảo đả nhất bà : Ý nói vừa đánh trống vừa ăn cướp.
– Trư đa phì đa : Càng nhiều heo, càng được nhiều phân bón.
– Trư vãng tiền củng, kê vãng hậu vát – cách hữu cách đích hoạt lộ : Y nói ai cũng có cách làm việc riêng để đạt kết quả
– Dưỡng nam bất giáo, bất như dưỡng lư – Dưỡng nữ bất giáo, bất như dưỡng trư. (Nuôi con trai mà không giáo dục thì chẳng bằng nuôi con lừa. Nuôi con gái mà không giáo dục thì chẳng bằng nuôi con heo).
– Thỉ nghĩa nguyên thủy là chuồng heo. Sau trở thành chuồng xí hay cầu tiêu.
– Thỉ đột lang bôn: ý nói chạy đi đột ngột và nhanh như heo và lang sói.
– Thỉ giao thú súc : đối xử như súc vật, ý nói không được lễ phép.
– Đồn đề nhương điền : Đồn là lợn sữa, bỏ ra thì ít, lấy lại thì nhiều.
– Loài cẩu trệ : Câu chửi, loài chó lợn.

Hán Vũ Đế lúc sanh ra tên là Trệ (con heo). Khi lên 7 tuổi thì Hán Canh Đế mới đổi ra thành Triệt dựa vào câu nói “Trệ giả, triệt giả”.

(Khó thiệt!).

(Trau giồi tiếng Việt – ĐatViet.com)

Chữ nghĩa làng văn

Chính sự giao lưu giữa các nền văn hóa đã sản sinh ra những loại từ như “chó “, “tre pheo“, “vườn tược“.

“Chó”, “tre”, “vườn” là tiếng Việt,

– “” là tiếng chỉ “chó” của người Tày (to ma).

– “pheo” và “tược” là tiếng chỉ “tre” và “vườn” của người Mường.

Cũng như “hằm bà lằng” là xuất phát từ tiếng Ba Na mà ra.

(Trần Quốc Vượng – Văn hóa Việt Nam, tìm tòi và suy ngẫm)

Sách báo miền Nam

Về nhật báo cũng có nhiều khuynh hướng khác nhau. Trong khi có những tờ báo thiên về thông tin, và bình luận như Chính Luận thì cũng có những tờ báo mang sầu sắc chính trị, không chấp nhận Cộng sản có Xây Dựng, Hòa Bình, Ngôn Luận, Tự Do..v..v.. Chống chính phủ có Tin Sáng, Tiếng Nói Dân Tộc.

Ngoài ra quân đội cũng có báo riêng như Tiền Tuyến, Chiến Sĩ Cộng Hòa, Diều Hâu, Lý Tưởng. Đặc điểm những tờ báo này bài vở nội dung không thua gì như những báo tư nhân trên.

(Phụ đính: Đúng ra là Đại Dân Tộc).

(Mặc Giao – Văn hóa Việt Nam)

Chữ nghĩa biên khảo

Mắm bò hốc: Xuất xứ từ Cao Miên. Tên chữ là “po-ro hốc”.

Mắm bò hốc khác với mắm Thái được làm bởi cá lóc. Cá được thái thành sợi, ngâm muối sau đó được chao đường Thốt Nốt thắng cho có chỉ rồi thêm gia vị, màu thính phải tươi, hạt thính nhuyễn, đường thắng kẹo sệt có màu vàng đỏ. Đu đủ trộn với mắm bào thành sợi mỏng. Tỷ lệ thịt và đu đủ sao cho sợi mắm không bị nhão, có vị bùi của mắm, vị ngọt, dòn của đu đủ. Mắm ruốc là mắm làm từ…con ruốc)

(Nguyên Nguyên – Những mùa xuân năm cũ)

Câu cú

Giáo sư dậy văn, đồng thời cũng là nhà phê bình văn học…phê bình văn học miền Bắc: Khuynh hướng lấy châu Âu làm chuẩn mực quả đã gây tác hại trong việc xây dựng ngữ pháp tiếng Việt. Người ta máy móc dựa vào mô hình mệnh đề của châu Âu, nhất là của Pháp, chủ từ + động từ + bổ từ để viết những câu ngô nghê kiểu như: “Tôi đã gửi các tài liệu cho ông, ngày mai ông sẽ nhận được chúng”.

Trong tiếng Việt, nói cũng như viết, bổ từ thường được tinh lược, để hiểu ngầm: “Tôi đã gửi tài liệu cho ông, ngày mai ông sẽ nhận được”. Chỉ vậy là đủ, không cần phải các để chỉ số nhiều và chúng để bổ nghĩa cho động từ nhận.

Người Việt nói (và viết):

“Lùa vịt ra đồng”. Chứ không: “Lùa những con vịt ra đồng”. Hoặc: “Hắn rút một điếu thuốc châm lửa hút”. Chứ không: “Hắn rút một điếu thuốc, châm lửa nó và hút nó”.

Giai thoại làng văn 54-75

Sau buổi tối hội ngộ đó, tôi (Tạ Tỵ) đã coi Nguyên Sa như người bạn cũ. Tôi nhớ, trước khi về Nguyên Sa có tặng tôi một bài thơ mang tựa đề “Nga”, in trên giấy láng, được dùng thay thiệp báo hỷ, ấn loát tại Ba-lê ngày 10-12-1955. Bài thơ này Nguyên Sa sáng tác tại Solden, năm 1954. Tôi yêu bài thơ đó lắm, tuy nội dung chưa vượt khỏi ước lệ thông thường với suy tư và rung cảm của một tình nhân đối với một tình nhân.
“Hôm nay Nga buồn như con chó ốm
Như con mèo ngái ngủ trong tay anh
Đôi mắt cá ươn sắp sửa se mình
Để anh giận sao chẳng là nước biển…”

(Tạ Tỵ – Nguyên Sa và ngôn ngữ tình yêu trong thi ca)

Truyện cực ngắn – Con ma nhảy múa

Truyện chớp hay cực ngắn có truyện chỉ một vốc chữ, thậm chí một dúm câu. Nhưng truyện vẫn có hồn, có cốt, có tráng qua một chút văn chương. Nghĩa là đọc nó, người ta không có cảm giác ngột ngạt như bị vo nén lại rồi nhét vào trong cái ống điếu, như…

Bạn đã bao giờ thấy một con ma nhảy múa chưa?

Nó đang ở trước mặt bạn đấy.

Chơi chữ

Văn chương của các cụ ta xưa chỉ lẩn quẩn với làm thơ, và chơi câu đối. Hiểu theo nghĩa là chơi chữ. Thế nên cụ Nguyễn Khuyến đùa dai cùng chữ nghĩa hóc hiểm với “
me Tây” qua câu đối diễn nôm:

“Người đẹp như ngọc, làm gió, làm mưa, linh không lường hết.

Âm đức cứu đời, giúp dân, giúp nước, ơn đội vô cùng”.

Câu này từ câu đối chữ Nho của cụ:

“Mỹ nhân như ngọc, hành vũ, hành phong, anh linh mạc trắc .

Tế thế kỳ âm, hộ dân, hộ quốc, thượng lại vô cùng”.

Thế nhưng hãy để ý…”hai chữ nghiêng” ở câu trên và câu dưới.

(Triều Nguyên)

Tục ngữ Ta và Tầu

Qua sông đấm bòi vào sóng

Niệm hoàn liễu kinh, đả hòa thượng

(Kinh kệ xong xuôi, đả ngay hòa thượng)

(Nguyễn Lập Sơn – Dư Phát Linh)

Từ điển văn học bộ mới

Vừa được phát hành đầu năm 2005. Nói là tái bản của Từ Điển cùng tên, ra đời trước đây hai mươi năm và có nhiều thay đổi cái nhìn mới, tư duy mới, và cái mới nghiêm túc. Một ví dụ đánh dấu cởi mở, là nhiều tác giả miền Bắc và nhiều tiết mục đã được thay thế hoàn toàn – thay cả người chấp bút ; những bài, rất nhiều, trước đây ký tên Phương Lựu được thay bằng bài của Lại Nguyên Ân, lấy ra từ sách có sẵn là 150 Thuật Ngữ Văn Học, in năm 1999, mục nào không có trong số 150 này thì loại bỏ, như ” trào lưu văn học ” ” trường phái văn học ” ; bỏ cả Tư Tưởng Văn Nghệ Lê Nin ; Tư tưởng Văn Nghệ Mac-Angghen hai đề mục dài bốn trang rưỡi của Phương Lựu ngày xưa.

Không hiểu đây là chọn lựa hay tranh chấp nội bộ, nên tôi không dám lạm bàn.

(Đặng Tiến – Chimviet.free.fr)

Ngộ Không

 

 

 

 

©T.Vấn 2013

Bài Mới Nhất
Search