T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Trần Hòai Thư: Miền Nam và chị ôm nhau chết

clip_image001

Tiếng sóng ru con – tranh Thanh Trí

(Nguồn: Blog Trần Hòai Thư)

Cứ mỗi lần nhìn bức tranh “tiếng sóng ru con” của Thanh Trí, thì tôi lại liên tưởng  đến Phùng Thăng mà Nguyễn Đức Sơn đã đề cập trong “Đêm thăm bạn sắp đẻ ở Di Linh”  :

clip_image002

Tranh Đinh Cường

Sắp đẻ ở Di Linh cây cối chào chị
Sắp đẻ ở hư không rừng và chị ôm nhau hát
Tôi giấu mặt đi ven hồ lạnh giá
Căn nhà gỗ phần mộ thanh xuân
Những ván thông dày đặc gỗ quan tài
Của tóc của chị của tình nhân
Của dương cầm bỏ phế đúng một năm
Sắp đẻ ở Di Linh cô đơn hùng dũng
Chị thu mình như một con mèo mun
Chị thu mình như một vũ nữ Ba Lan
Chị thu mình như một đĩa hát cũ
Oh my tormented heart
Buổi chiều chết trên cây thánh giá
Hãy quên tôi như một mũi tên
Hãy quên tôi như một loài chim đêm
Anh đưa chị về đây để tự vận
Chị thổ huyết ba lần tôi chứng kiến
Khi rừng già thấp xuống thấp xuống
Buổi sáng chị tắm sương mù
Buổi chiều chị đốt cỏ để hong đời chị
Hiu hắt như đời tôi chị đứng lên
Hai mươi bảy năm tuột mất thanh xuân
Ôi nắng vàng dòng thác Gougah
Rừng và chị ôm nhau hát
Sẽ đẻ ra một đứa con
Rừng và chị ôm nhau chết .

Phùng Thăng tức là Công Tằng Tôn Nữ Phùng Thăng  cùng chị là Phùng Khánh tức là ni cô/ni sư/sư bà Trí Hải, đồng dịch giả của tác phẩm Câu Chuyện Một Dòng Sông, Ca Dao của Hoài Khanh xb, sau đó Lá Bối tái bản. Ngoài Câu chuyện một dòng sông,  chị còn dịch giả những tác phẩm:

Sói Đồng hoang của Hermann Hesse   (với Chơn Hạnh).  Buồn nôn La nausée của J.P Sartre,   Bắt trẻ Đồng Xanh của Salinger (với Phùng Khánh).

Đó là các  tác phẩm gối đầu giường của chúng tôi, thời ấy.  Chúng  xuất hiện giữa lúc lính Mỹ ồ ạt đổ vào miền Nam cùng với một nền văn chương, văn hóa xa lạ, ngoại lai.

Phùng Thăng sinh năm 1943. Tôi sinh năm 1942. Phùng Thăng từ Đồng Khánh chuyển qua Quốc Học. Chị học Đệ Nhất C (văn chương). Còn tôi đệ nhất B (toán). Nhớ đến chị lànhớ đến  hình ảnh của người nữ sinh thùy mị, thanh tú, với mái tóc thắt hai con rít. Nhớ chị  cái dáng gầy nhưng thanh thoát. Cứ ngỡ những viên đá cuội của sân trường  còn hân hoan khi bước chân chị dẫm lên.

Với tôi lúc ấy, chỉ biết sách vở, những bài toán, lý hóa, và những ý thức phản kháng qua những cuốn sách dịch của Phạm Công Thiện hay những bài thơ của Nguyễn Đức Sơn.  Dù vậy, vì số học sinh nữ của trường thì quá ít, nên hình ảnh của người con gái ấy, ít nhiều vẫn còn như hiện ra trong tâm trí tôi, sau này.

Và giờ đây, hình ảnh ấy lại thêm một lần nữa trở lại. Lần này, tim tôi nhói. Tôi đã tìm ra một phần nào lai lịch người đàn bà mà NĐS đã nễ trọng dành cho ngôi vị “Chị” và Bùi Giáng đã  vinh danh là thân mẫu:

Con thương phùng khánh vô ngần
Phùng thăng thân mẫu cũng gần như  nhiên

Qua những tài liệu mà tôi sưu tầm, được biết chị kết hôn với Trần Xuân Kiêm, nguyên chủ tịch Tổng Hội Sinh Viên Huế. Hai người bỏ lên núi rừng Di Linh mà sống. Như Nguyễn Đức Sơn, họ từ chối văn mình cơ khí, không chấp nhận xã hội đang dần dần bị vật chất hóa và ngoại lai hóa.
Sau đó, hai người chia tay, Phùng Thăng đi tu.  Sau 1975, Phùng Thăng bồng con tìm đường vượt biển.  Trên phả hệ của gia đình, chỉ cho biết Phùng Thăng chết vào tháng 6 năm Ất Mảo (1975) tại Kampuchia. Nhưng theo Nguyễn Đạt, thì ghi rõ ràng về cái chết này, như sau:

Ngày 14-3-1978 Tại Xã Mỹ Ðức Bọn Diệt Chủng Pôn Pốt Ðã Tàn Sát 130 Người. Công Tằng Tôn Nữ Phùng Thăng (em ruột ni sư Trí Hải-Phùng Khánh, đã mất vì tai nạn giao thông, dòng dõi Tùng Thiện Vương), cùng một người con và nhiều người Việt Nam khác, bị Khmer Ðỏ “cáp duồn” từ đảo Nam Du (thuộc Kiên Giang), mang về Campuchia bắt đi lao động khổ sai ở công-nông-trường, cả hai mẹ con chết tại đó. Thời điểm ấy cũng có nhiều du khách Việt kiều hôm nay, vượt biển từ Kiên Giang đi tìm tự do.

Nguyễn Đạt/ Người Việt – Ký Sự Về Miền Tây (1)

(nguồn Internet)

***

Bài thơ của Nguyễn Đức Sơn sáng tác vào năm 1972 được chấm dứt bằng câu:

Rừng và chị ôm nhau chết .

Tôi muốn được thay bằng

Miền Nam  và chị ôm nhau chết .

Để khóc cho đồng bào miền Nam của tôi.

***

Viết thêm:

Tự nhiên  tôi có một niềm ao ước vô biên là  một ngày nào đó tạp chí Thư Quán Bản Thảo  sẽ dành trọn vẹn cho chủ đề  viết về Phùng Thăng . Với văn học, Phùng Thăng là một dịch giả đã đóng góp rất lớn vào lảnh vực dịch thuật miền Nam bằng những dịch  phẩm để đời: câu chuyện một dòng sông, buồn nôn, Bắt trẻ đồng xanh…. Với một cuộc sống hạnh tu, với trái tim chảy cả một giòng sông Hằng, vậy mà chị đã bị thảm sát một cách đau đớn như vậy, ai lại không xa xót và thương cảm !

_____

(2) Chúng tôi đăng lại bản tin này với tất cả sự dè dặt. . Trong phả hệ của ông Trần Xuân Kiêm, dịch giả Phùng Thăng và con gái Trần Nguyễn Thường Nga sinh ngày 31 tháng 08 năm 1966, Bính Ngọ, mất  tại Campuchia ngày 10/06/1975, Ất Mão.
(THT)

Bài Mới Nhất
Search