T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

CUỘC CHIẾN TRANH TRUNG-VIỆT 1979 NHÌN TỪ CÁC QUAN HỆ LỊCH SỬ GIỮA HAI NƯỚC

YU INSUN

Sookmyoung Women’s University, South Korea

CUỘC CHIẾN TRANH TRUNG-VIỆT 1979 – NHÌN TỪ  CÁC QUAN HỆ LỊCH SỬ GIỮA HAI NƯỚC

Ngô Bắc dịch

(Nguồn : http://www.gio-o.com)

*****

Lời Người Dịch

       Bài nghiên cứu được dịch nơi đây đưa ra một cái nhìn từ lịch sử bang giao hai nước Việt – Trung của một vị giáo sư Hàn Quốc 32 năm sau về cuộc chiến tranh biên giơi Việt – Trung năm 1979, là một trong những khảo luận gần đây nhất về cuộc chiến 16 ngày đẫm máu này.  Tác giả, Giáo Sư Yu Insun, là học giả hàng đầu về Việt Nam tại Hàn Quốc.

       Như trong phần giới thiệu bài viết của Giáo sư Masashi Nishihara nhan đề CUỘC CHIẾN TRANH TRUNG – VIỆT NĂM 1979: Mới Chỉ Là Hiệp Thứ Nhất?  (đã được đăng tải trên Gió O), một trong những bài nghiên cứu sớm nhất về cuộc chiến tranh biên giới Việt – Trung 1979,  tác giả Nishihara đã có một cái nhìn sâu sắc hơn về mặt lịch sử Á Châu, khi cho rằng “bản chất bên dưới của sự rạn nứt nằm ở sự thù hận lịch sử giữa hai dân tộc, hay sự tức giận của Trung Quốc trước sự thách thức của một nuớc yếu hơn trong lịch sử đối với khu vực ảnh hưởng truyền thống của chính Trung Quốc”.  Ý kiến này được triển khai một cách chi tiết hơn trong bản dịch bài viết dưới đây bởi Giáo Sư Yu Insun, khi phân tích cuộc chiến từ quan điểm lịch sử bang giao giữa hai nước Việt-Trung,

       Với cái nhìn trường kỳ, tác giả Masashi Nishihara đã kết luận: Đặt trong quan điểm lịch sử, sự căng thẳng như thế đánh dấu một tiêu chuẩn bình thường, chứ không phải là ngoại lệ — các quan hệ hợp tác được duy trì trong cuộc chiến tranh ba mươi năm chống lại “chủ nghĩa đế quốc Tây Phương”, đúng ra, đã chỉ là một khúc đệm bất thường chen vào giữa, và đã đặt câu hỏi như trong tựa đề: có phải trận chiến tranh biên giới Việt-Trung 1979 mới chỉ là hiệp thứ nhất? 

       Tương tự, tác giả Yu Insun cùng đã cho rằng,  “từ một cái nhìn rộng rãi, … thực sự, cuộc chiến tranh đã có căn nguyên trong các sự xung đột các quyền lợi giữa Trung Quốc – vốn theo đuổi trật tự thế giới tập trung về Trung Hoa cổ truyền – và Việt Nam, nước sẽ chống lại Trung Quốc” và đã kết luận rằng: “Nhưng một điều thì rõ ràng: không có tình huống nào người Việt Nam sẽ nhượng bộ trước áp lực của Trung Quốc và họ sẽ đứng ngang hàng với Trung Quốc”.

       Lời kết luận quả quyết này của tác giả Yu Insun khiến ta nhớ đến lời nhắc nhở của tác giả Olivier Wolters khi nhận xét về chính sách ngoại giao nhu nhược đối với nhà Minh vào cuối thời nhà Trần, một triều đại mà mới chỉ một thế kỷ trước đó, đã anh dũng đánh bại ba cuộc xâm lăng của quân Mông Nguyên, rằng “hoàng đế Việt Nam ngang hàng với hoàng đế Trung Hoa”.

Thực tế cho thấy sự kiện chiên tranh biên giới Việt – Trung là chính là một trong hai bước khởi đầu cho cuộc chiến tranh lâu dài hơn, mà ở một số khía cạnh vẫn còn tiếp diễn đến ngày nay, được các học giả thế giới đặt tên là Cuộc Chiến Tranh Đông Dương Thứ Ba.  Như tác giả Yu Insun đã đề cập đến trong bài viết, cuộc Chiến Tranh Đông Dương Thứ Ba này đà được mở rộng ra đến Biển Đông với sự tấn công và chiếm đóng đảo Gạc Ma và một số đảo khác thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam bởi hải quân Trung Cộng từ Tháng Ba năm 1988 và còn tiếp tục tìm cách lân chiêm hơn nữa cho đến nay. 

Cuộc Chiên Tranh Biên Giới Việt-Trung năm 1979 cũng đánh dấu màn đấu tranh quân sự công khai giữa các nước thuộc khối Cộng Sản, sự bắt đầu suy yếu của Liên Bang Sô Viết và sự tan rã của khối Công Sản Nga Sô và Đông Âu một thập niên sau đó.  Chủ nghìa cộng sản không tưởng đã chỉ là một sự xuất hiện bất thường và bất hạnh trong khoảnh khắc của lịch sử nhân loại, và Việt Nam, không may mắn, ở vào tình trạng “bất thường của sự bất thường” khi vẫn còn là một trong vài nước cộng sản sót lại, với điều nghích lý hơn nữa, rằng Việt Nam hiện chỉ có một “đồng minh ý thức hệ” duy nhất chính là kẻ không ngừng lấn chiếm lãnh thổ Việt Nam trong chính sách bành trướng lâu đời của chủ nghĩa Đại Hán..  Như tác giả Yu Insun đã viết, “dân tộc chủ nghĩa đứng trước ý thức hệ đã là một tác nhân quan trọng trong cuộc chiến tranh này” và trong bất kỳ sự xung đột khả hữu nào trong tương lai.

Một mâu thuẫn quan trọng khác cần được nêu ra, chủ nghìa quốc tế của Mác-xít trong thực tế, ngoài việc phủ nhận, tự bản chất, dân tộc chủ nghĩa, đã chỉ được lợi dụng bởi các nước công sản lớn như một chiêu bài nhằm khuyến dụ và khống chế các nước đàn em, và khi có sự đụng chạm đến các quyền lợi dân tộc của các nước cộng sản đàn anh, các nước nhỏ luôn luôn là con cờ thí.  Hiệp ước bất tương xâm giữa Liên Bang Sô Viết và chế độ Đức Quóc Xã hồi năm 1939 là một thí dụ điển hình.

Từ cái nhìn trường kỳ của lịch sử, những gì mà các tác giả Yu Insun là Masashi Nishihara nói về Việt Nam, xin hiểu đó là nói về dân tộc Việt Nam với  ý chí độc lập và nghị lực sinh tồn trong nhiều nghìn năm, bên cạnh một láng giềng khổng lồ không ngừng tìm cách bành trướng./-

*****

Bài viết này tìm cách khảo sát cuộc Chiến Tranh Trung-Việt Tháng Hai 1979 không chỉ trong khung cảnh hiện thời mà còn từ quan điểm của các quan hệ lịch sử giữa hai nước.  Các nguyên do trực tiếp là các vấn đề lãnh thổ và các sự tranh chấp biên giới, sự trục xuất người Hoa tại Việt Nam, các quan hệ hữu nghị giữa Liên Bang Sô Viết và Việt Nam, và cuộc xâm lăng của Việt Nam vào Căm Bốt hồi Tháng Mười Hai 1978.  Tuy nhiên, từ một cái nhìn rộng rãi, các biến cố trên đã chỉ phục vụ như các chất xúc tác; thực sự, cuộc chiến tranh đã có căn nguyên trong các sự xung đột các quyền lợi giữa Trung Quốc – vốn theo đuổi trật tự thế giới tập trung về Trung Hoa cổ truyền – và Việt Nam, nước sẽ chống lại Trung Quốc.  Đã không có kẻ chiến thắng hay bị khuất phục trong cuộc chiến tranh này, bởi cuộc xung đột đã được giải quyết không nghiêng về bên nào.  Trung Quốc và Việt Nam đã bình thường hóa các quan hệ ngoại giao của họ trong năm 1991; về mặt lịch sử và địa dư, tuy nhiên, có mọi xác xuất rằng các vấn đề chưa được giải quyết giữa hai nước sẽ xuất hiện ngay hàng đầu bất kỳ khi nào thời đại thay đổi.  Khó mà tiên đoán các tình huống này sẽ phát triển ra sao.

I. Dẫn Nhập

Vào ngày 17 Tháng Hai 1979, các binh sĩ Trung Quốc đã phóng ra một cuộc xâm lăng toàn diện vào Việt Nam với việc băng qua biên giới Trung-Việt.  Sau khi đã chiếm cứ tỉnh lỵ Lạng Sơn giáp biên giới, một hành lang tiến xuống Châu Thổ Sông Hồng vào ngày 5 Tháng Ba, họ đã tuyên bố rút quân, khởi sự lui binh, và thực sự kết thúc cuộc chiến tranh kéo dài 16 ngày.  Cả thế giới sững sờ vì Trung Quốc, nước đã hành sử quyền lực quân sự của nó đối với nước xã hội chủ nghĩa anh em, Việt Nam.

Trung Quốc đã đưa ra sự biện minh chính thức cho cuộc chiến, có nghĩa, đó là một cuộc hoàn kích tự vệ, nhưng có nói rõ rằng mục đích thực sự của nó là để “trừng phạt” Việt Nam vì các sự khiêu khích của họ dọc biên giới Trung Quốc và vì cuộc xâm lăng của Việt Nam vào Căm Bốt.

Cách nói của Trung Quốc về cuộc xâm lăng của họ vào nước khác để trừng trị nước này có thể nghe lạ tại với chúng ta, song nó hoàn toàn tự nhiên để Trung Quốc phải nói như thế, ít nhất đối với những ai có một ít hiểu biết về lịch sử Trung Quốc.  Sự trừng phạt là một từ ngữ hiện đại; tuy nhiên, trong thế giới tiền hiện đại, từ ngữ “accusation: 問罪: vấn tội [hỏi tội] “ đã được sử dụng.  Điều thông thường cho nhiều triều đại Trung Hoa liên tiếp – nếu phía Việt Nam không vâng lời họ — huy động binh sĩ của họ để “hỏi tội” Việt Nam.  Trong năm 1400, khi Hồ Quý Ly soán ngôi nhà Trần (1225-1400), Hoàng đế Yongle (Vĩnh Lạc) nhà Minh (1403-1424) đã phái một đoàn viễn chinh đại quy mô trong mùa đông 1406.  Trong năm 1527, khi Mạc Đăng Dung chiếm ngôi nhà Lê (1428-1788), vốn được chỉ định bởi phía Trung Hoa, triều đình nhà Minh một lần nữa phái các lực lượng trừng phạt vào năm 1540.  Tương tự, trong năm 1788 khi chế độ Tây Sơn đe dọa triều đình nhà Lê, Hoàng Đế Càn Long nhà Thanh (1736-1795) cũng gửi một đoàn viễn chinh sang cứu giúp.  Các triều đại Trung Hoa đã nhìn bất kỳ sự soán ngôi mà họ đã chấp thuận như một sự thách đố thẩm quyền của  họ.  Trong khung cảnh này, điều tự nhiên là Trung Quốc phải trừng phạt Việt Nam, nước đã xâm lăng chế độ Pol Pot vốn được ủng hộ bởi Trung Quốc.

Tuy nhiên, nhìn từ quan điểm của Việt Nam, đó là câu chuyện khác.  Theo Giáo Sư Phan Huy Lê, Chủ Tịch Hội Sử Học Việt Nam, Việt Nam đã bị xâm lăng bởi các nước ngoài 15 lần kể từ khi có sự lập quốc cho đến năm 1975; 11 trong 15 lần này là bởi Trung Hoa (Phan Huy Lê, 1998, các trang 495-497). 2  Vì thế, khi chúng ta nói về các đặc tính của lịch sử Việt Nam, các thành ngữ thường được dùng như “ý chí bất khuất vì độc lập”, ‘cuộc chiến đấu không khoan nhượng chống lại quân ngoại xâm”, và “sự kiên cường vì độc lập dân tộc”, chị em bà Trưng được tôn thờ như các nữ anh hùng của lịch sử, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Văn Huệ v.v… tất cả đề nhấn mạnh đến tinh thần kháng cự sự thống trị và xâm lăng của Trung Hoa (Chesneaux, 1969, các trang 33-38; Văn Tạo, 1979, trang 4).

Phía Việt Nam chưa bao giờ nhượng bộ trước các cuộc xâm lăng của Trung Hoa với sự đồng ý của chính họ, ngoại trừ Mạc Đăng Dung như đã nêu ở trên. 3 Họ đã chiến đấu đến cùng bất kể mọi loại khó khăn và đã đánh đuổi quân xâm lược ngoại trừ hai thời kỳ, tức Hán Vũ Đế vào năm 111 Trước Công Nguyên, và Hoàng Đế Vĩnh Lạc nhà Minh vào năm 1407 Sau Công Nguyên.  Không chỉ thế, các nhà vua kế tiếp đã triều cống Trung Hoa và tiếp nhận sự chỉ định và chấp thuận của Trung Hoa.  Tuy nhiên, về mặt đối nội, họ tư xưng là các hoàng đế giống như các hoàng đế Trung Hoa, dùng các niên hiệu trị vì của mình và từ Bang Giao [邦交: các quan hệ quốc tế] thay vì Triều cống [朝貢:tribute] trong các quan hệ ngoại giao của họ, chính từ đó biểu tỏ tư thế ngang hàng với các đối nhiệm Trung Hoa của họ. 4 Hơn  nữa, như sẽ đề cập đến sau này, họ đã tìm cách trị vì trên các nước chung quanh tại bán đảo Đông Dương bằng cách xây dựng một trật tự đế quốc thuộc thẩm quyền của chính họ.

Nếu chúng ta cứu xét sự kiện rằng Việt Nam đã hành động như một nước ngang hàng với Trung Hoa, vốn hành xử thẩm quyền tuyệt đối trong trật tự quốc tế Đông Nam Á thời tiền hiện đại, thật khó có lý do cho Bắc Việt Nam phải cúi đầu trước Trung Quốc trong suốt thời kỳ 1960-1970, khi Liên Bang Sô Viết xuất hiện như một quyền lực và đã cung cấp sự trợ giúp kinh tế và quân sự.  Nhìn trong khung cảnh này, điều tất nhiên khiến Trung Quốc (Mio, 1988, các trang 229-267) – nước theo đuổi “Chủ Nghĩa Quyền Lực Nước Lớn Đại Hán: 大漢民族大國主義, Great Han Power Chauvinism”” ngày nay y như trong kỷ nguyên tiền hiện đại, và Việt Nam, 5 nước đứng thẳng và từ khước không chịu “khấu đầu: kowtow” trước Trung Quốc, sẽ đụng dộ với nhau, kết quả như được biểu thị trong cuộc Chiến Tranh Trung-Việt năm 1979. 6 Nói cách khác, dân tộc chủ nghĩa đứng trước ý thức hệ đã là một tác nhân quan trọng trong cuộc chiến tranh này.

Từ các quan điểm này, bài viết này nhắm trước tiên vào việc tìm hiểu các đặc tính của các quan hệ Trung-Việt truyền thống ra sao và khảo sát đâu là những nguyên do của cuộc Chiến Tranh Trung-Việt năm 1979.  Sau đó, bài viết này phát hiện việc Trung Quốc đã chuẩn bị cuộc xâm lăng ra sao và phía Việt Nam nhận thức về việc này như thế nào.  Cuối cùng, chiến tranh đã kết thúc như thế nào và đích xác những gì mà hai nước đã nhận được từ cuộc chiến sẽ được thảo luận. Một điều xin nói thêm, bởi Trung Quốc đã tuyên bố một cuộc chiến tranh hạn chế từ lúc khởi đầu và cuộc chiến tranh thực sự đã chấm dứt trong 16 ngày, việc đề cập một cách ngắn gọn tiến trình cũng khá đầy đủ cho sự sử dụng.

II. CÁC ĐẶC TÍNH CỦA

CÁC QUAN HỆ TRUNG-VIỆT TRUYỀN THỐNG:

TRIỀU CỐNG VÀ BANG GIAO

Việt Nam có một lịch sử 2,700 năm, nhưng thời kỳ thành lập của một quốc gia Việt Nam cổ đại như được trình bày trong Lịch Sử Hàn Quốc có thể được nói đã bắt nguồn tại Nam Việt vốn được sáng lập bởi Triệu Đà vào năm 207 Trước Công Nguyên.  Trong hai nghìn năm từ sự thành lập Nam Việt cho đến khi có sự suy thoái của nó thành một thuộc địa của Pháp trong thập niên 1880, Việt Nam đã ở vào một mối quan hệ bất khả phân chia với Trung Hoa.   Trước tiên, Triệu Đà được chỉ định bởi nhà Hán làm vua không lâu sau khi thành lập Nam Việt.  Sau đó, Nam Việt bị hủy diệt (111 Trước Công Nguyên) bởi Hán Vũ Đế, kể từ đó cho đến khi độc lập vào năm 939 là thời kỳ được đánh dấu bởi sự đô hộ chính trị một nghìn năm của Trung Hoa.  Một nghìn năm này có thể được đặc trưng bởi cuộc tranh đấu không ngừng của người Việt Nam chống lại sự cai trị của Trung Hoa.  Cuộc tranh đấu tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa được thực hiện bởi Chị Em bà Trưng (40-43 Sau Công Nguyên).

Được nêu ra như một trong những phong trào kháng chiến tích cực nổi tiếng nhất trong lịch sử Việt Nam, phong trào này đã được châm ngòi bởi sự bắt giữ và hành quyết bởi Tô Định (Su Ding), người khi đó là huyện lệnh của Giao Chỉ, ông Thi Sách, chồng của người chị tên Trưng Trắc, về tội vi phạm luật lệ của triều đại.  Phản đối sự việc này, bà Trưng Trắc đã tấn công trung tâm của Giao Chỉ cùng với em gái là Trưng Nhị, kết quả là sự thất trận của Tô Định và kẻ này đã chạy trốn về phương bắc.

Nghe tin về một cuộc nổi dậy, nhà Hán sau đó đã cử Mã Viện (Ma Yuan) chỉ huy một cuộc viễn chinh để dập tắt cuộc khởi nghĩa.  Binh sĩ của Mã Viện đã đánh đuổi đoàn quân kháng chiến của Trưng Trắc, bắt giữ hai chị em làm tù binh trong Tháng Một năm 43, chặt đầu họ và mang đầu về dâng lên triều đình hoàng gia tại Luoyang (Lạc Dương) (Hou han Shu: Hậu Hán Thư, 1996, trang 838; Bùi Quang Tung, 1961, trang 77). Trái lại, các sách lịch sử Việt Nam mô tả Chị Em bà Trưng đã bị giết chết trong khi hành động vì niềm tự hào dân tộc, không nhìn nhận sự lăng nhục chị em bà Trưng (TT, 1984, trang 127; Lý Tế Xuyên, 1960, trang 11).

Trong một nghìn năm khác sau khi Việt Nam đã tự giải phóng mình ra khỏi sự cai trị của Trung Hoa, một mối quan hệ triều cống, có nghĩa, các quan hệ hữu nghị, đã được duy trì giữa hai nước như một quốc gia chủ tể và một quốc gia chư hầu, với nhau.  Nói cách khác, Trung Hoa chính thống hóa Việt Nam khi một triều đại được thiết lập tại Việt Nam hay một nhà vua mới lên ngôi, trong khi nhà vua Việt Nam tuân theo lịch của hoàng đế Trung Hoa và triều cống theo các sự quy định.  Một thí dụ điển hình giữa hai nước có thể được tìm thấy trong sự ban hành danh xưng Việt Nam, tên của nước hiện được dùng tại Việt Nam.  Danh xưng Việt Nam đã được ban hành bởi Nguyễn Phúc Ánh (sau này là Hoàng Đế Gia Long, trị vì từ 1802-1819), người sáng lâp ra triều đại cuối cùng (nhà Nguyễn, 1802-1945) của Việt Nam sau nhiều hiệp thương thảo với nhà Thanh và sau cùng với sự chấp thuận của nhà Thanh (Đại Nam thực lục chính biên [ĐNTL] I, 1963, Tập 23, các trang 1b-2a; LT, 1962, Tập 1, trang 2a; Suzuki, 1966, các trang 353-358).  Sự kiện rằng Việt Nam bị buộc phải có được sự chấp thuận từ Trung Hoa trong việc ban hành danh xưng của một nước rõ ràng cho thấy địa vị của Trung Hoa trong mối quan hệ của nó với Việt Nam thời tiền hiện đại.

Như đã đề cập bên trên, một trong các lý do quan trọng tại sao các triều đại liên tiếp tại Việt Nam đã chấp nhận hệ thống triều cống Trung Hoa, trên hết, là nhằm bảo tồn sự ổn định của triều đại bằng việc né tránh sự đối đầu và phát huy các quan hệ thân hữu với Trung Hoa. 7 Trong thực tế, Trung Hoa đã toan tính xâm lăng Việt Nam mọi khi có thời cơ.  Thí dụ, lợi dụng sự tranh chấp nội bộ của triều đại nhà Đinh (966-980), nhà Tống đã tìm cách chinh phục Việt Nam bằng việc huy động các lực lượng lục và hải quân.  Bởi sự kiện này, Lê Hoan [Hoàn?] (980-1005), người sáng lập triều đại Tiền Lê (980-1009), lợi dụng các động lực như thế, đã đẩy lui cuộc xâm lăng của binh sĩ nhà Tống trong năm sau đó và đã lập tức gửi một phái đoàn sang Trung Hoa để tìm kiếm các quan hệ thân hữu (TT, 1984, trang 190; Kawahara, 1977, các trang 22-23).  Với cùng lý do đó mà Lê Lợi đã gửi phái đoàn của mình sang Trung Hoa để có được sự chấp thuận của Trung Hoa ngay dù ông đã đánh bại quân Minh sau 10 năm giao tranh dữ dội chống lại họ (TT, 1985, các trang 562-563; Fujiwara, 1977, các trang 256-259).  Trong thực tế, đã không có lợi cho Việt Nam đứng ra chống Trung Hoa.  Về mặt diện tích và dân số, Việt Nam rất nhỏ so với Trung Hoa.  Chính vì thế, một cuộc đánh nhau vũ trang với Trung Hoa có thể làm phương hại đến chính sự tồn vong của triều đại.  Sự hủy diệt chế độ Hồ Quý Ly bởi cuộc xâm lăng của nhà Minh là một trường hợp vững chắc thích hợp.  Ngược lại, Mạc Đăng Dung lựa chọn sự thân hữu với Trung Hoa và đề nghị dâng trình các sổ sách của mình lên phía quân Minh, hậu quả ông ta đã được bổ làm An Nan Du Thong Shi (An Nam Đô Thống Sứ: 安南都統使, người cai quản An Nam).  Ông ta đánh mất tư thế chính thức quốc gia độc lập của xứ sở nhưng đã duy trì quyền chủ tể tối cao trong nước.  Hơn nữa, nhờ ở sự bảo vệ ban cấp cho nhà Mạc bởi các triều đại nhà Minh và nhà Thanh, ngay dù sau khi ông ta bị đánh bật ra khỏi kinh đô Đông Kinh (Hà Nội ngày nay) bởi các lực lượng trung hưng nhà Lê, ông đã có thể tồn tại với cơ sở đặt tại khu vực biên giới ở Cao Bằng (Ming Shi (Minh Sử), 1997, trang 14638; TT, trang 917).  Lý do tại sao các triều đại Truung Hoa đã cung cấp sự bảo vệ như thế cho nhà Mạc là vì sự hiện hữu của một triều đại Việt Nam hùng mạnh không được xem là điều đáng mong ước đối với họ.  Như sẽ đề cập đến sau này, Trung Hoa vẫn không muốn có một Việt Nam hùng mạnh ngay trong thời đại này.

Việc duy trì các quan hệ thân hữu với Trung Hoa còn quan trọng hơn khi đang xung đột với các lực lượng thù nghịch nội địa.  Lý do tại sao Nguyễn Văn Huệ đã chấp nhận đề nghị hòa đàm của nhà Thanh ngay dù ông đã đánh đuổi các lực lượng viễn chinh nhà Thanh là vì ông đã cứu xét đến sự xung đột của ông với người anh cả Nguyễn Văn Nhạc đặt căn cứ tại Quy Nhân (Nhơn) và các sự đe dọa từ Nguyễn Phúc Ánh và quân Xiêm La (Thái Lan ngày nay) được phái sang theo lời yêu cầu của Nguyễn Phúc Ánh (Qing Shi Gao, 1998, trang 14638; Suzuki, 1977, trang 451; Trương Bửu Lâm, 1968, các trang 173-174).  Cuộc đầu hàng của Mạc Đăng Dung trước các lực lượng nhà Minh bị gây ra bởi sự xuất hiện của các lực lượng phục hưng nhà Lê.  Trong thực tế, triều đại nhà Minh đã không có nguồn lực để huy động các lực lượng quân sự đại quy mô hầu chinh phục Việt Nam.  Vì thế, đã có cuộc tranh luận sôi nổi giữa các thượng thư, vốn được chia thành hai phe: một phe lập luận rằng Việt Nam phải bị khuất phục bằng vũ lực để tuân thủ nghiêm ngặt với Chủ Nghĩa Tập Trung Vào Trung Hoa (Sinocentrism), và phái kia chống lại một cuộc viễn chinh đại quy mô dựa trên chủ nghĩa thực tế.  Sau cùng, như một sự dung hòa, nguyên tắc chiến tranh và hòa bình đã được chấp nhận (Osawa, 1977, các trang 343-356).  Nếu Mạc Đăng Dung đứng vững tại mặt trận nội địa lắng đọng, nhà Minh có thể né tránh một sự đối đầu toàn lực với ông ta và phải thừa nhận thẩm quyền của ông.

Một sự khảo sát kỹ càng mối quan hệ triều cống giữa các triều đại Việt Nam với Trung Hoa cho thấy nó không phải có tính chất lệ thuộc một chiều.  Có thể thích đáng để hiểu điều đó không gì khác hơn một phương thức thực tiễn để đạt được sự an toàn của chúng.  Trong thực tế, các nhà vua Việt Nam và tầng lớp cai trị đã tìm cách duy trì một mối quan hệ bình đẳng với Trung Hoa đến mức tối đa mà họ có thể làm được.  Đinh Bộ Lĩnh đã bổ nhiệm con trai của ông là Đinh Liễn làm Nam Việt Vương [南越王, vua nước Nam Việt] và đã phái một sứ giả dưới danh nghĩa của người con, với chủ ý không làm tổn hại đến thẩm quyền của ông như một vị hoàng đế (Yamamoto, 1943, trang 116).  Hơn nữa, trong năm 990, nhà Tống đã gửi một phái đoàn sang Lê Hoàn để ban phong một tước cao quý cho ông, nhưng Lê Hoàn được nói đã né tránh không khấu đầu khi tiếp nhận sắc dụ hoàng triều.  Ông đưa ra lý cớ không thể xuống ngựa bởi ông bị đau chân khi giao tranh với quân man rợ, nhưng thực ra ông đã không muốn mang vẻ phục tùng của một chư hầu (Song Shi: Tống Sử, 1995, trang 14061; TT, 1984, các trang 192-193; Wolters, 1979, trang 74).  Chúng ta có thể có một cảm nhận của một thí dụ nền tảng hơn trong sự biên soạn quyển Đại Việt Sử Ký [大越史記, Lịch Sử Đại Việt] bởi Lê Văn Hưu.

Trong năm 1257, khi nhà Trần trị vì, quân Mông Cổ đã xâm lăng và chiếm cứ kinh đô Thăng Long (Hà Nội ngày nay); tuy nhiên, dưới sự chỉ huy của Trần Hưng Đạo, các lực lượng Việt Nam đã đẩy lui chúng.  Tuy thế, sự đe dọa của quân Mông Cổ vẫn tiếp tục, và chúng có thể quay trở lại bất kỳ khi nào.  Trong tình trạng này, Lê Văn Hưu, theo lệnh của vị hoàng đế thứ nhì, Thánh Tông (1258-1278), đã biên soạn quyển Đại Việt Sử Ký trong ăn 1272 để trình lên hoàng đế.  Như một quan chức và một học giả, tất cả những gì ông có thể làm được vào lúc đó là soạn thảo một quyển sách lịch sử (Sử Ký) để giúp nhà Trần duy trì sự độc lập của triều đại đang đối diện với sự xâm lăng ngoại lai.  Vì thế, sau sự cứu xét nghiêm chỉnh, ông đã đặt việc biên soạn theo quyển Zi Zhi Tong Jian [ 資治通鑑, Comprehensive Mirror for Aid in Government ] được viết bởi Si Ma Guang [Tư Mã Quang?] và đã biên soạn chủ đề trung tâm của Đại Việt Sử Ký chung quanh sự độc lập của các triều đại Việt Nam và sự bình đẳng với Trung Hoa.  Kết quả, ông đã viết lịch sử Việt Nam bắt nguồn từ Nam Việt của Triệu Đà và quy kết sự độc lập khỏi sự thống trị của Trung Hoa không phải cho Triều Đại nhà Ngô (939-963) của Ngô Quyền là kẻ đã mang tước hiệu quốc vương, mà cho Triều Đại nhà Đinh của Đinh Bộ Lĩnh.  Lý do: cả Triệu Đà lẫn Đinh Bộ Lĩnh đều tuyên xác sự bình đẳng với hoàng đế Trung Hoa bằng việc mang tước hiệu hoàng đế (Yu, 2006, các trang 48-50).

Một thí dụ khác về cảm nhận của Việt Nam về sự bình đẳng với Trung Hoa có thể được tìm thấy trong bản Bình Ngô Đại Cáo [平吳大誥, Great Proclamation upon Laying Low the Ngo] bởi Nguyễn Trãi, kẻ đã đóng vai trò phụ tá thân cận khi Lê Lợi chiến đấu chống lại nhà Minh và giành được độc lập.  Phần đầu tiên như sau (Nguyễn Trãi, 1972, trang 319; O’Harrow, 1979, các trang 159-174):

Duy ngã Đại Việt chi quốc,

Thực vi văn hiến chi bang.

Sơn xuyên chi phong vực ký thù,

Nam bắc chi phong tục diệc dị.

Tự Triệu Đinh Lý Trần chi triệu tạo ngã quốc,[1]

Dữ Hán Đường Tống Nguyên nhi các đế nhất phương.

[Bản dịch của Ngô Tất Tố, do người dịch sao lục và bổ túc]

Như nước Đại Việt ta từ trước

Vốn xưng nền văn hiến đã lâu

Núi sông bờ cõi đã chia

Phong tục Bắc Nam cũng khác

Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập

Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương

{Bản dịch sang Anh ngữ trong nguyên bản, chú của người dịch}

Now think about this Dai Viet land of ours,

Truly it is a cultured nation.

As mountain and river make for various lands,

So must our Southern ways differ from the North.

It was the Trieu, the Dinh, the Ly, and Tran

Who in succession built this country.

Even as the Han, the Tang, and the Sung and the Yuan,

Each was sovereign in its own domain.

Nguyễn Trãi nhấn mạnh rằng Nam [Việt Nam] và Bắc [Trung Hoa] là các xứ sở hoàn toàn khác nhau về mặt địa dư và phong tục, tập quán.  Vì thế, y như đã có các triều đại nhà Hán, Đường, và Tống ở Trung Hoa, cũng đã có các đế quốc nhà Triệu, Đinh, Lý, Trần như thế.  Hơn nữa, bằng việc chiếu sáng Việt Nam như một “quốc gia văn minh”, ông nhấn mạnh rằng Việt Nam không phải là một nước man rợ ở phương nam.  Điều này ám chỉ sự ngang bằng văn hóa của Việt Nam với Trung Hoa (O’Harrow, 1979, trang 168).

Khi lục địa Trung Hoa bị cai trị bởi các sắc dân ngoại quốc, cảm nghĩ Việt Nam về sự bình đẳng đi đến mức xem mình cao hơn người [nội địa] Trung Quốc.  Chính vì thế, dưới thời nhà Nguyễn, Việt Nam được gọi là Trung Quốc [ 中國, Vương Quốc Trung Tâm], người Việt Nam được gọi là Hán nhân [ 漢人, người Hán] hay Hán dân [漢民, dân Hán], và người Trung Hoa là Đường nhân [唐人, người [nhà] Đường, hay Thanh nhân [ 淸人, người [nhà] Thanh] (ĐNTL I, 1963, Tập 26, trang 22a; Tập 38, trang 12a; Tập 44, trang 19a; Woodside, 1971, các trang 18-19).  Nhìn nhà Thanh của người Mãn Châu như dân man rợ, điều này về mặt biểu trưng chỉ cho thấy rằng họ [Việt Nam] thực sự là một dân tộc văn hóa.  Sự tự hào văn hóa của vị hoàng đế thứ nhì, Minh Mạng (trị vì 1820-1840) thì lớn lao đến nỗi ông đã chỉ trích quy luật y phục của các quan chức trong triều trong quyển Qing Hui Dian [淸會典, Thanh Hội Đỉển] về việc tuân theo một cách nông nỗi quy luật của các dân man rợ và đã cảnh giác họ đừng làm như thế (ĐNTL II, 1973, Tập 70, trang 2a; Takeda, 1977, các trang 539-540).  Không chỉ thế, Hoàng Đế Minh Mạng đã chọn Đại Nam [ 大南, Great Nam: Nước Nam Vĩ Đại] làm tên nước thay cho Việt Nam trong năm 1838 và đã sử dụng nó trong năm kế đó (ĐNTL II, 1975, Tập 190, các trang 1a-2a; Tập 200, các trang 8a-b).  Có lẽ ông bực dọc khi thấy nhà Thanh, không phải là triều đình ông ưa thích, tự xưng là “Đại Thanh” và ông đã làm như thế từ tâm lý kháng cự.  Giống y như như các hoàng đế Trung Hoa, ông cho làm Ấn của Hoàng Đế Đại Nam [ 大南天子之璽: Đại Nam Thiên Tử Chi Ấn] bằng ngọc thạch và đã dùng nó trong mọi loại văn kiện trong nước và ngoại giao khác ngoại trừ cho nhà Thanh (ĐNTL II, 1976, Tập 200, các trang 16a-b).  Trong khi đó, chính trong thời nhà Nguyễn mà từ ngữ Bang Giao [ 邦 交, international relations: các quan hệ quốc tế] đã chính thức được sử dụng.  Với vấn đề danh xưng của xứ sở trong thời kỳ trước tiếp theo sau sự thành lập của nó được giải quyết với nhà Thanh, điều được tuyên bố trong lịch sử chính thức của nhà Nguyễn [rằng] “”Đại Nam” [ 大南寔錄] theo “nghi lễ ngoại giao” đã được ấn định từ năm này (1803) (ĐNTL I, 1963, Tập 23, trang 3a).

Cảm nhận về sự bình đẳng như thế đã đặt nền tảng cho tinh thân chiến đấu đến cùng.  Một trường hợp điển hình thích đáng sẽ là sự kháng cự mãnh liệt chống quân Nguyên.  Trong năm 1284, các lực lượng quân Nguyên đã dễ dàng chiếm cứ kinh đô Thăng Long với quân số áp đảo của họ, nhưng các binh sĩ nhà Trần chỉ huy bởi Trần Hưng Đạo đã tấn công các lực lượng quân Nguyên từ mọi hướng và cuối cùng đã đẩy lui chúng trong năm kế đó.  Tức giận vì sự thất trận, Kubilai của nhà Nguyên đã ra lệnh binh sĩ ông ta tấn công Việt Nam lần nữa.  Trận chiến đã mở ra trong một cung cách tương tự với trận chiến hai năm trước đó.  Trần Hưng Đạo đã triệt thoái các lực lượng của ông khỏi Thăng Long, do đó các lực lượng quân Nguyên đã chiếm cứ kinh đô một cách dễ dàng.  Song, hạm đội tiếp tế quân lương của nhà Nguyên đã không đông cân sức với hải quân của nhà Trần; các lực lượng quân Nguyên đã phải rút lui, và các binh sĩ của Trần Hưng Đạo đã đuổi theo quân Nguyên và đã giáng một đòn nặng nề lên chúng.  Trong khi đó, nhà Nguyễn, dự kiến một “trật tự thế giới Đại Nam” độc lập (Yu, 1994, các trang 81-87) rập khuôn theo một trật tự thế giới với Trung Hoa làm trung tâm đối với các nước láng giềng, trị vì trên các quốc gia nhỏ ở ngoại vi với ưu thế văn hóa và chính trị, mệnh danh mối quan hệ với các nước ngoại vi này là “nhu viễn: 柔遠] (sát nghĩa, đối xử nhu hòa, tử tế với nước ở xa”), — có nghĩa, dỗ dành các nước xa và khiến chúng tuân phục.  Sự ưu việt văn hóa của Việt Nam trên các nước láng giềng nhỏ đã sẵn khởi sự từ thời kỳ tiên khởi của nền độc lập khỏi Trung Hoa.  Lê Hoàn được nói đã khước từ sự triều cống từ xứ Chàm vào năm 994 vì các lý do có sự vi phạm nghi lễ ngoại giao (TT, 1984, trang 194).  Hơn nữa, sách sử cho biết rằng xứ Chân Lạp (Căm Bốt ngày nay) đã triều cống trong năm đầu tiên lên ngôi của vua Thái Tổ (1010-1028) nhà Lý (TT, 1984, trang 120).  Từ ban đầu, Việt Nam đã áp đặt mối quan hệ triều cống đặc biệt trên xứ Chàm.  Chính vì thế, điều rất thường để khuất phục xứ Chàm bằng việc huy động các binh sĩ nếu xứ Chàm không chịu triều cống Việt Nam.  Một thí dụ tốt về sự ưu việt văn hóa của Việt Nam trên Chàm là thái độ của giới trí thức nhà Trần, nguyên là các kẻ đã phản đối cuộc hôn nhân của vị công chúa hồi đầu thế kỷ thứ 14.  Vào lúc đó, thái thượng hoàng Nhân Tông, trong sự tham lam muốn thụ đắc châu Ô và Châu Lý thuộc xứ Chàm, nằm ở phía bắc thành phố Huế ngày nay, đã gả em [hay chị] gái của vua Anh Tông (1293-1314) cho vua xứ Chàm với điều kiện rằng hai khu vực đó được dâng cho ông.  Chống đối cuộc hôn nhân này, các văn gia thời đó đã so sánh sự việc này với Công Chúa Wang Zhao được gửi đến vua Hung nô (Kawamoto, 1967, các trang 168-169).

Một thí dụ tốt về sự ưu việt văn hóa của Việt Nam trên các vùng lân cận trong thời nhà Nguyễn là sự thay đổi từ ngữ tiếng Hán Gao Mian [ 高綿: Cao Miên], có nghĩa Căm Bốt, thành Cao man [ 高蠻 ] mà người Việt Nam nhìn như dân man rợ (LT, 1962, Tập 31, trang 1a).  Các nước mục tiêu cho mối quan hệ nhu viễn bao gồm không chỉ Lào, Thái Lan, Miến Điện ngày nay ngoài Căm Bốt, mà còn cả Anh Quốc và Pháp Quốc, song các quốc gia triều cống thực sự được giới hạn vào Căm Bốt và Lào.  Việt Nam vẫn cảm nhận theo cùng cung cách về các xứ sở này như trước đây, điều nằm đàng sau đế xướng của Việt Nam để tổ chức và cầm đầu Liên Bang Đông Dương.  Cuộc xâm lăng của Việt Nam vào Căm Bốt vào cuối Tháng Mười Hai 1978, châm ngòi cho sự trừng phạt của Trung Quốc, có liên hệ đến loại tư tưởng này.  Điều có thể đúng để nói rằng cuộc xâm lăng của Việt Nam vào Căm Bốt đã là một sự biểu lộ cơn thịnh nộ của Việt Nam đối với việc Căm Bốt tìm cách đứng bình đẳng với Việt Nam cùng với thái độ thiếu niềm nở của Căm Bốt trước đề xướng của Việt Nam về việc tổ chức một Liên Bang Đông Dương.

III Nguyên Do Trực Tiếp Của

Cuộc Chiến Tranh Trung-Việt

Toàn thể thế giới đã sững sờ bởi cuộc tấn công của Trung Cộng vào Việt Nam lúc rạng sáng ngày 17 Tháng Hai, 1979.  Ngạc nhiên hơn nữa, nó đã không chỉ là một cuộc chiến tranh giữa các đồng minh cộng sản, mà Trung Quốc còn cung cấp viện trợ kinh tế và quân sự cho Việt Nam khi nước kể sau đã phát động chiến tranh với Pháp và Hoa Kỳ từ 1950.  Vì thế, điều gì đã gây ra chiến tranh?

Nhân Dân Nhật Báo [ 人民日報 ] đề ngày 19 Tháng 3, 1979 liệt kê 4 nguyên do sau đây: 1) các khát vọng bá quyền được theo đuổi bởi chính phủ Hà Nội trong phạm vi Đông Nam Á; 2) các tranh chấp dọc theo biên giới Trung Quốc và các sự xâm lăng lãnh thổ phát sinh; 3) sự đàn áp người Hoa bên trong Việt Nam, và; 4) các quan hệ thân hữu chặt chẽ với Liên Bang Sô Viết, nước có khuynh hướng mở rộng ảnh hưởng của nó tại Đông Nam Á.

Tuy nhiên, cần ghi nhận rằng chính phủ Việt Nam đã nhìn các mục đích xâm lăng của Trung Quốc nhằm: 1) chiếm đóng các tỉnh dọc biên giới Việt Nam, 2) di chuyển một các lực lượng Việt Nam đồn trú tại Căm Bốt lên biên giới phía bắc, 3) phá hủy nền tảng kinh tế của Việt Nam, 4) đẩy chính trị Việt Nam vào sự hỗn loạn bằng việc xúi giục sự nổi loạn bởi các phần tử phản cách mạng, v.v… 8

Trong khi đó, các nhà phân tích ngoại quốc không luôn luôn nhìn sự việc theo cách đó.  Theo tác giả Hood (1992, các trang 50-57), Trung Quốc đã xâm lăng Việt Nam để phân tán các lực lượng Việt Nam khỏi cuộc xâm lăng vào Căm Bốt.  Ngược lại, tác giả Ross (1988, các trang 240-246) đã nhìn nó như một phản ứng trước cuộc xâm lăng của Việt Nam vào Căm Bốt và trước sự cộng tác của Việt Nam với Liên Bang Sô Viết, nhằm toan tính bao vây Trung Quốc ra khỏi vùng Đông Nam Á.  Trong thực tế, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã cảm nhận được các sự đe dọa của Sô Viết sau các cuộc tranh chấp biên giới Trung Quốc – Sô Viết hồi Tháng Ba 1969.  Khi các binh sĩ Hoa Kỳ khởi sự triệt thoái khỏi Việt Nam không lâu sau khi có các sự đụng độ biên giới Trung Quốc – Sô Viết, Mao Trạch Đông đã tin tưởng rằng kẻ thù tiềm năng của Trung Quốc đã chuyển hướng từ miền nam Trung Quốc lên miền bắc Trung Quốc (K. C. Chen, 1979, trang 19).

Tuy nhiên, như đã được đề cập dài dòng trước đây, từ một khung cảnh rộng lớn hơn, chiến tranh có thể được nói là hậu quả của sự xung đột các quyền lợi giữa Trung Quốc – vốn theo đuổi trật tự thế giới lấy Trung Hoa làm tâm điểm truyền thống của nó – và Việt Nam, nước kháng cự trong sự chống đối nó.  Mao Trạch Đông đã thừa kế di sản của Trung Hoa như thế trong khi thực sự là kẻ theo chủ nghĩa Mác-xít Lê-nin-nít.  Chính vì thế, ông ta đã tức giận rằng cộng sản Việt Nam đã không đi theo đường lối của ông ta trong các cuộc tranh chấp Nga-Hoa sau năm 1965 (Zhai, 2000, các trang 219-220).  Tương tự, Việt Nam ngày nay không quên sự cai trị và các cuộc xâm lăng trong quá khứ của Trung Hoa vào đất nước của họ, hay, như được phát biểu một cách chính xác bởi Hồ Chí Minh khi ông ta nói với các kẻ chống đối trong năm 1946 về sự rút lui khỏi các cuộc thương thảo đang được thực hiện giữa ông ta và đại diện quân đội Quốc Dân Đảng Trung Hoa đến trú đóng để giải giới các lực lượng Nhật Bản sau khi kết thúc Thế Chiến Thứ II, “Ông không biết những gì sẽ xảy ra nếu người Trung Hoa quyết định ở đây ư?  Mọi lần họ đến, họ ở đây cả nghìn năm.  Mặt khác, người Pháp sẽ chỉ ở lại đây một lúc, và sau cùng họ sẽ rời đi” (Duiker, 2000, trang 361).  Các nhà lãnh đạo Hà Nội kế tiếp ông ta nghĩ rằng chủ nghĩa Mao “không gì khác hơn Chủ Nghĩa Đại Hán Cường Quyền Nước Lớn thoái hóa thành Chủ Nghĩa Bành Trướng Đại Chủng Tộc và Chủ nghĩa Bá Quyền Trung Quốc Vĩ Đại” (Mio, 1988, trang 253), chính vì thế, sự căng thẳng với Trung Quốc – hay ngay cả đụng độ với nó – đã là điều không tránh khỏi.

Trong các phần tiếp theo, bài viết này sẽ tái duyệt nguyên do trực tiếp của cuộc chiến tranh 1979 dựa trên những gì đã được thảo luận cho đến nay.  Có các sự bất đồng giữa các học giả về mức độ quan trọng của một vài nguyên do; tuy nhiên, nói chung, rõ ràng có sự đồng ý rằng 4 nguyên do – các vấn đề lãnh thổ và các tranh chấp biên giới, sự trục xuất người Hoa tại Việt Nam, sự cộng tác thân hữu giữa Liên Bang Sô Viết và Việt Nam, và cuộc xâm lăng của Việt Nam vào Căm Bốt hôm 25 Tháng Mười Hai 1978 – đều có liên can.

Các vấn đề lãnh thổ và các sự tranh chấp biên giới nói đến 3 khu vực giữa Trung Quốc và Việt Nam: Paracel Islands, Spratly Islands ( 西沙群島: Tây Sa Quần Đảo) và 南沙群島: Nam Sa Quần Đảo trong tiếng Hán; Hoàng Sa và Trường Sa trong tiếng Việt), 9 và ranh giới trên biển và biên giới đất liền dọc theo 1,287 cây số của Vịnh Bắc Việt.

Sau Thế Chiến II, Trung Quốc cũng như chính quyền Nam Việt Nam lần luợt tuyên nhận chủ quyền trên Quần Đảo Paracel và Quần Đảo Spratly; vào đầu năm 1959, chính quyền Sàigòn cho đổ bộ các binh sĩ lên bờ, bắt cóc các ngư phủ Trung Hoa, và đặt toàn thể các hòn đảo thuộc vào tỉnh Quảng Nam trong năm 1961.  Trong Tháng Bảy 1973, chính quyền Sàigòn đã trao các quyền khai thác dầu hỏa tại khu vực bao quanh Quần Đảo Spratly cho một công ty ngoại quốc và đặt nó trực thuộc tỉnh Phước Tuy (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ngày nay) trong Tháng Chín, châm ngòi cho các sự phản đối dữ dội của Trung Quốc. Sau đó, trong Tháng Một 1974, quân si Trung Quốc đã chiếm cứ Quần Đảo Paracel bằng vũ lực.  Chính phủ Hà Nội tỏ lập trường rằng vấn đề phải được giải quyết giữa các bên liên hệ trên căn bản tương kính và tinh thần hữu nghị; Hà Nội không ủng hộ Trung Quốc (Chang Pao-min, 1980, các trang 136-137; Chanda, 1986, trang 21), điều cho thấy rằng chủ nghĩa dân tộc đứng hàng đầu khi liên quan đến lãnh thổ.  Trong khi đó, Hà Nội đã gửi các binh sĩ trong Tháng Tư năm sau ngay trước khi có sự sụp đổ của Sàigòn và chiếm đóng sáu đảo trong Quần Đảo Spratly.  Chủ đích rõ ràng của nó để bảo toàn quyền sở hữu các hòn đảo này trước khi Trung Quốc toan tính chiếm đoạt chúng.  Sự tranh giành dữ dội trên hai quần đảo này được thúc đẩy bởi các mỏ dầu phong phú ở đáy biển và tầm quan trọng của chúng nối liền Ấn Độ Dương với Biển Nam Trung Hoa (South China Sea).

Khởi điểm của sự tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam là việc đánh dấu toàn thể hai quần đảo này bởi nước kể sau như thuộc về Việt Nam trên một bản đồ được công bố trong nửa sau của năm 1975.  Hai lần, trong Tháng Sáu và Tháng Tám 1976, Bộ Ngoại Giao Trung Quốc minh định rằng tất cả các hòn đảo tại Biển Nam Trung Hoa là các lãnh thổ thiêng liêng bất khả tranh cãi của Trung Quốc.  Đối phó với việc này, chính quyền Hà Nội đã có một lập trường cứng rắn trong Tháng Mười Hai 1978 rằng bất kỳ sự khai thác hay chiếm đóng ngoại quốc nào trên hai quần đảo này và các đảo lân cận là bất hợp pháp (Chang Pao-min, 1980, trang 141, 152).  Cuối cùng đã không có chỗ cho sự thương thảo giữa hai nước, và các quan hệ trở nên tồi tệ hơn.

Ranh giới trên biển tại Vịnh Bắc Phần và biên giới đất liền đã không được vẽ rõ ràng trong lịch sử cho đến khi Hiệp Ước Thiên Tân được ký kết trong năm 1887 như một hậu quả của Cuộc Chiến Tranh Trung-Pháp (1884-1885), dựa trên đó, các ranh giới được phân định (Fourniau, 1981, các trang 114-149). 10 Chính vì thế, sự tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam liên can đến ranh giới được ấn định bởi Hiệp Ước Thiên Tân.  Cuộc tranh chấp phát xuất từ chính phủ Hà Nội khi nó đã biểu lộ ý định của mình về sự khai thác dầu hỏa tại Vịnh Bắc Việt trong năm 1973 và tranh luận trong các cuộc nói chuyện giữa hai nước trong năm 1974 rằng ranh giới được vạch ra bởi Hiệp Ước Thiên Tân là ở 108 độ đông kinh tuyến.  Như thế, 2/3 Vịnh Bắc Việt thuộc về Việt Nam, ví vậy Trung Quốc tuyên bố lập trường của nó rằng sự điều tra bởi một nước thứ ba thì hoàn toàn không thể chấp nhận được, đã nói khi trả lời rằng Hiệp Ước Thiên Tân đã không phân chia hải phận mà chỉ phân định ranh giới các hòn đảo (Chang pao-min, 1980, trang 132 & 137; K. C. Chen, 1979, trang 48; White Paper (Bạch Thư), 1979, trang 85). 11 Trong Tháng Mười 1977, phiên đàm phán thứ nhì đã được tổ chức, nhưng đã không có chỗ cho sự thỏa hiệp bởi khoảng cách rộng lớn giữa các sự tuyên xác của hai bên.  Trong Tháng Năm trước kỳ họp này, Bộ Ngoại Giao Việt Nam đã đơn phương tuyên bố Vùng Độc Quyền Kinh Tế (Exclusive Economic Zone: EEZ) 200 dậm (K. C. Chen, 1979, trang 48; Chang Pao-min, 1980, trang 144); lập trường căn bản của Hà Nội rằng ranh giới được ấn định bởi Hiệp Ước Thiên Tân phải được tôn trọng.  Cuối cùng, cảc hai bên đồng ý thảo luận nó một lần nữa, với mỗi bên vẫn bám chắc quan điểm của mình; tuy nhiên, sau đó, đàm thoại đã sụp đổ do sự phức tạp của tình hình.  Còn như cho rằng Việt Nam trong thời tiền hiện đại đã nhượng bộ Trung Hoa như Mạc Đăng Dung mỗi khi Trung Hoa có một sức mạnh ưu việt, nay tuyệt đối không cần phải làm như thế bởi quyền lực thế giới đã trở thành đa cực; chính vì thế, Việt Nam đã không nhúc nhích một phân trên bàn thương thảo.

Liên hệ trực tiếp đến Chiến Tranh Trung-Việt nhiều hơn hai quần đảo và Vịnh Bắc Việt nói trên là ranh giới trên đất liền.  Theo truyền thống, có các dân tộc ít người sinh sống tại các khu vực này, vì thế các sự tranh chấp kéo dài giữa hai nước về sự cai trị các dân tộc này.  Một thí dụ điển hình là cuộc đụng độ toàn lực giữa nhà Tống và nhà Lý trong các năm 1075-1076 (TT, 1984, các trang 248-249); Việt Sử Lược, 1936, trang 39).  Mặc dù Hiệp Ước Thiên Tân đã phân định biên giới, các dân tộc ít người vẫn băng qua biên giới để sinh sống.  Trong cuộc chiến tranh Đông Dương 30 năm, các đồ cứu trợ của Trung Quốc thường được chở qua biên giới; chính vì thế làm cho các sự phân chia hành chính được vạch vẽ một cách rõ rệt trở nên điều không thực sự hiện hữu.  Hơn  nữa, phần lớn trong số 333 cột mốc dựng lên vào thờI Hiệp Ước Thiên Tân đã bị biến mất.

Vấn đề biên giới đầu tiên khởi phát trong năm 1974 với câu hỏi về địa điểm của đường ranh giới của Ải Hà Nội – Youri [Ải Hữu Nghị, tức Ải Nam Quan, chú của người dịch] nằm giữa hai nước.  Chính quyền Hà Nội đã đề nghị điều chỉnh lại đường ranh giới, lập luận rằng trong năm 1954 các công nhân Trung Quốc đã ấn định nó một cách nhầm lẫn, lấn hơn 300 mét sâu bên trong biên giới Việt Nam; tuy nhiên, đề nghị như thế đã bị bác bỏ thẳng thừng bởi các nhà cầm quyền Bắc Kinh.  Các cuộc cãi cọ tiếp diễn cho đến khi các cuộc đụng độ biên giới xảy ra, được nói lên tới hơn 100 vụ trong năm 1974, khoảng 400 vụ trong năm 1975, và hơn 900 vụ trong năm 1976 (Chang Pao-min, 1980, trang 143).  Sau cùng, trong Tháng Năm 1977, một vụ đẫm máu đã xảy ra tại Hữu Nghị Quan.  Theo các lời tuyên bố của phía Việt Nam, con số các cuộc đung độ đã tăng cao một cách rõ rệt lên tới 2,175 vụ trong năm 1978 do các sự xâm nhập lãnh thổ của Trung Quốc. 12

Trong các cuộc nói chuyện Tháng Mười nêu trên, Trung Quốc đã đề nghị việc ký kết một hiệp ước biên giới Trung-Việt mới thay thế cho Hiệp Ước Thiên Tân; Việt Nam đã không chỉ bác bỏ nó, mà còn khởi sự điều đuợc gọi là “chiến dịch thanh lọc khu vực biên giới” vài tháng trước khi xua đuổi các dân tộc ít người, ngoại trừ những người thuộc dòng giống Trung Hoa và Việt Nam (Chang Pao-min, 1980, trang 150).  Hành vi như thế nhằm loại bỏ các nguồn cội của sự tranh chấp bằng việc kiểm soát hoàn toàn khu vực biên giới.  Giữa một loạt các sự phản đối bởi phía Trung Quốc và một sự gia tăng rõ rệt các sự tranh chấp biên giới cộng với sự trục xuất người Hoa tại Việt Nam, sự căng thẳng giữa Trung Quốc và Việt Nam tất nhiên đã vươn tới đỉnh điểm của nó.

Theo các dữ liệu từ chính phủ Hà Nội, con số người Hoa tại Việt Nam trong năm 1978 vào khoảng 1.2 triệu, 1 triệu trong đó sống tại miền nam và khoảng 200,000 có cư sở tại miền bắc (White Paper, 1979, trang 96). Liên quan đến quốc tịch của những người gốc Hoa này, Trung Quốc và Việt Nam đã đồng ý rằng chính phủ Việt Nam sẽ có thẩm quyền tài phán trên các người Hoa tại miền bắc Việt Nam, và rằng họ sẽ thụ hưởng cùng quyền hạn và dần dần thụ đắc quốc tịch Việt Nam tùy theo ý muốn tự do của chính họ. 13 Trong lúc đó, khi Trung Quốc phản đối sự cưỡng bách của chính quyền Sàigòn buộc mọi người Hoa tại miền nam phải nhập quốc tịch Việt Nam trong các năm 1956 và 1957, chính quyền Hà Nội đã ủng hộ Trung Quốc. (Chang Pao-min, 1982, các trang 198-199).  Vào lúc đó, tình hình chính trị ở vào thế buộc Hà Nội phải làm như thế để có được sự trợ giúp của Trung Quốc, nhưng khó nghĩ rằng Hà Nội đã thực sự muốn đứng về phía Trung Quốc như được trình bày dưới đây.

Sau khi tái thống nhất trong năm 1975, chính phủ Hà Nội đã có các biện pháp quyết liệt để hội nhập người Hoa tại miền nam hầu đáp ứng các nhu cầu kiểm soát chính trị tại miền nam và thỏa mãn các như cầu chính sách xã hội chủ nghĩa.  Trước khi có sự kiện này, vào tối ngày 30 Tháng Tư 1975 khi thành phố Sàigòn bị chiếm cứ, đã có một cuộc biểu tình đại quy mô tại khu định cư người Hoa ở Chợ Lớn bởi các cư dân trương cờ Trung Quốc và các ảnh chân dung Mao Trạch Đông; một số người Hoa đã lợi dụng sự bất ổn xã hội làm trầm trọng hơn tình trạng kinh tế bằng cách ép giá thị trường (FEER, 16 Tháng Sáu, 1978, trang 20; Chanda, 1986, trang 233, 239).

Trong Tháng Một 1976, chính quyền Việt Nam đã ra lệnh tất cả các người Hoa tại miền nam phải đăng ký quốc tịch của họ và buộc họ phải chấp nhận quốc tịch Việt Nam trong Tháng Hai.  Không tuân hành biện pháp này khiến họ phải chịu sự tài định thuế khóa nặng nề và sự kỳ thị trong sự phân phối thực phẩm.  Trong Tháng Hai năm kế tiếp, chính quyền Hà Nội đã hạn chế các cơ hội tìm việc làm và quyền tự do đi lại đối với các người Hoa từ chối không chấp nhận quốc tịch Việt Nam và lập kế hoạch để hoàn trả họ về xứ sở theo ý muốn tự do của họ (Chang Pao-min, 1982, trang 200, 203).  Điều này làm nhớ đến vua Hy Tông (1675-1705) thời nhà Lê (1428-1788), kẻ đã ban hành một chỉ dụ buộc người Hoa vào đất Việt Nam phải thay đổi kiểu tóc và y phục theo lối Việt Nam (Fujiwara, 1970, các trang 52-53).  Chỉ dụ này dường như có chủ định Việt Nam hóa người Hoa nhằm cắt đứt các quan hệ của họ với Trung Hoa.

Chính quyền Trung Quốc đã phản đối Hà Nội, nhưng Việt Nam – phản ứng một cách lạnh lùng – đã thực sự phát động các phong trào tích cực bài Hoa trên toàn quốc được thúc đẩy bởi các sự thù ghét quyền lực kinh tế của người Hoa tại Việt Nam và đã không phải là phong trào đầu tiên được tổ chức vào thời đại này.  Đã từng có, đảng Lập Hiến (Constitutionalist party) vốn được thành lập tại miền nam trong nửa sau của thập niên 1910, với mục đích chủ yếu là phóng ra một chiến dịch để kết án sự giàu có kinh tế của người Hoa (Duiker, 1976, các trang 136-137).

Sau cùng, vào ngày 24 Tháng Ba 1978, cảnh sát, binh sĩ, và sinh viên học sinh Việt Nam mang băng tay màu đỏ đã tràn vào Chợ Lớn (khu định cư người Hoa tại Sàigòn) và lục soát các cửa hàng người Hoa để tịch thu vàng và đô la cất giấu và đã quốc hữu hóa cùng ngăn cấm mọi sản phẩm của họ.  Dưới các tình huống này, một cuộc di cư ồ ạt đã khởi sự, với số người chạy trốn lên tới 160,000 người vào cuối Tháng Bảy 1978.  Phần lớn trong họ là các cư dân tại miền bắc; tuy nhiên, tại miền nam, đã có những người được gọi là “boat people: thuyền nhân” đi tới mọi nước thuộc Đông Nam Á, con số của họ lên tới 30,000 người trong 8 tháng đầu tiên của 1978 và 100,000 vào cuối năm (Chang Pao-min, 1982, các trang 207-208, 222).  Trung Quốc và Việt Nam trao đổi các lời phỉ báng, Trung Quốc kết án các sự tàn bạo của Việt Nam và Việt Nam phủ nhận chúng, song không bên nào có thể đưa ra bằng chứng rõ rệt.  Tuy nhiên, cứu xét sự kiện rằng 95% những người vượt trốn về phía bắc và 85% thuyền nhân là người Hoa, họ hẳn đã cố gắng để gỡ bỏ sự hành hạ, không thể chịu đựng được chiến dịch bài Hoa có tổ chức của chính phủ Việt Nam (FEER, 22 Tháng Mười Hai, 1978, các trang 8-12).

Trung Quốc đã đình chỉ mọi sự trợ giúp kinh tế trong Tháng Bảy 1978 để làm áp lực trên Việt Nam và đã rút về các kỹ sư của họ tại Việt Nam.  Song Việt Nam đã không lùi bước bởi họ chẳng có gì để mất.  Họ không có lý do để quan tâm đến sự ra đi cho 160,000 người gốc Hoa đó, những kẻ mà lòng trung thành không chỉ bị nghi ngờ mà sự giàu có kinh tế cũng không còn cần thiết nữa.  Chùm lên đầu sự kiện đó, chính phủ Việt Nam có thể thu hái lợi lộc đáng kể bởi việc cho phép một cách có hệ thống sự ra đi của người Hoa với giá từ $2,000 – $3,000 mỹ kim hay số vàng tương đương trên mỗi đầu người (sách đã dẫn, các trang 9-10).

Trong khi đó, khi các nhà cầm quyền Trung Quốc khóa cổng biên giới miền bắc, phần lớn các kẻ vượt trốn ra đi sau này thường được dẫn đường bởi lính gác Việt Nam để sử dụng các lối đi xuyên qua rừng núi, tạo ra các vấn đề an ninh biên giới cho Trung Quốc.  Như biện pháp đối phó, lính tuần cảnh biên giới Trung Quốc đôi khi băng qua biên giới được tuyên xác bởi phía Việt Nam, dẫn đến các vụ đụng độ ở biên giới: việc này giống như đổ thêm dầu vào lửa khi nói đến các sự tranh chấp biên giới căng thẳng sẵn có (Chang Pao-min, 1982, trang 224).

Một nguyên do quan trọng khác của cuộc Chiến Tranh Trung-Việt là sự hợp tác thân hữu giữa Liên Bang Sô Viết và Việt Nam.  Như đã nói trước đây, Trung Quốc hiển nhiên nhìn Liên Bang Sô Viết như một mối đe dọa tiềm năng cho nó sau khi có các cuộc tranh chấp biên giới Nga-Hoa hồi Tháng Ba 1969.  Trên bối cảnh này, cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Henry Kissinger trong Tháng Bảy 1971 và Tổng Thống Nixon trong Tháng Hai năm kế tiếp đã có thể sang thăm Trung Quốc xuyên qua điều được gọi là “ngoại giao bóng bàn”.  Song, khi có khoảng trống quyền lực tại Đông Nam Á với sự tái thống nhất của Việt Nam hồi Tháng Tư 1975, Trung Quốc đã lo sợ sự can thiệp của Liên Bang Sô Viết.  Khi Liên Bang Sô Viết đánh tiếng cổ vũ một hệ thống an ninh tập thể cho Á Châu giống như tại Âu Châu tiếp theo sau sự ký kết Các Thỏa Ước Helsinki hôm 1 Tháng Tám, 1975, Trung Quốc đã tức thời tố cáo nó như một mưu toan của Liên Bang Sô Viết nhằm thiết lập bá quyền tại Đông Nam Á thay thế cho Hoa Kỳ (Ross, 1988, trang 57).

Thực sự, Liên Bang Sô Viết có quan tâm đặc biệt đến một mối quan hệ với Việt Nam.  Vào dịp kỷ niệm lần thứ 30 ngày độc lập của Việt Nam (Tháng Chín 1975), Thủ Tướng Aleksei Kosygin đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của các quan hệ chặt chẽ với Việt Nam.  Đáp lại, Việt Nam đã đi đến việc ủng hộ Liên Bang Sô Viết trong các vấn đề giữa Sô Viết và Trung Quốc.  Trong cuộc thăm viếng của ông tại Moscow hồi Tháng Mười 1975, Bí Thư Thứ Nhất Lê Duẩn đã loan báo một thông cáo chung với Brezhnev, nhấn mạnh rằng cuộc thăm viếng của ông là một bước tiến quan trọng cho sự phát triên liên tục các quan hệ hữu nghị (Ross, 1998, trang 60).  Trong kỷ nguyên tiền hiện đại, Việt Nam sẽ dùng đến hình thức triều cống để đối phó với sự đe dọa của Trung Hoa; tuy nhiên, giờ đây Lê Duẩn đã thay thế phương pháp đó bằng việc sáp gần lại Liên Bang Sô Viết.

Hoàn toàn là điều tự nhiên để Trung Quốc quan ngại về sự phát triển mối quan hệ giữa hai nước; điều này được minh chứng bởi sự kiện rằng, trong khi trả lời sự yêu cầu của Việt Nam về viện trợ kinh tế, Trung Quốc đã tranh luận về các chính sách của họ.  Dù thế Trung Quốc đã kiềm chế không nêu các sự phàn nàn của mình với Việt Nam một cách trực tiêp – ít nhất trong nhất thời.  Vào lúc đó, Đặng Tiểu Bình có nói rằng viện trợ kinh tế là một việc, nhưng sự đụng độ biên giới lại là một việc khác.

Trong khi đó, Liên Bang Sô Viết tiếp tục lên án “Tập Đoàn họ Mao” trong khi ủng hộ Việt Nam về vấn đề tranh chấp trên các quần đảo Paracel và Spratly giữa Trung Quốc và Việt Nam.  Không chỉ thế, Liên Bamg Sô Viết đã loan báo các kế hoạch của nó nhằm xây dựng các cơ sở cung cấp dầu hỏa cho các tàu ngầm của họ và các cơ xưởng sửa chữa gần hải cảng Hải Phòng.  Trong Tháng Mười Hai 1976, Đại Hội Đảng Lao Động Việt Nam Lần Thứ 4 được tổ chức lần đầu tiên sau Chiến Tranh đã chứng kiến mọi đảng viên thân Trung Quốc trong ban chấp hành bị mất chức (K. C. Chen ,1979, các trang 25-26). 14 Sự việc như thế đặt ra một vấn đề nghiêm trọng cho Trung Quốc.

Trong năm 1977, Việt Nam đã không có lựa chọn nào ngoài việc nghiêng về phía Liên Bang Sô Viết giữa cuộc khủng hoảng kinh tế gây ra bởi các sự thâm thủng mậu dịch và nạn hạn hán.  Thủ Tướng Phạm Văn Đồng đã thăm viếng vài nước Âu Châu, nhưng không nước nào đáp ứ ng với các yêu cầu của Hà Nội.  Trung Quốc cũng bác khước lời yêu cầu của Việt Nam trên căn bản rằng nền kinh tế nội bộ của Việt Nam [? Trung Quốc] thì không mấy khả quan.  Không có lựa chọn nào khác, Việt Nam đã có bước tiến đầu tiên trong Tháng Tư trong việc gia nhập tổ chức kinh tế Đông Âu (khối COMECON) đứng đầu bởi Liên Bang Sô Viết, đã trở thành hội viên chính thức trong Tháng Sáu 1978.  Brezhnev tức thời hứa hẹn sự ủng hộ hoàn toàn của ông ta cho phía Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền bất khả chuyển nhượng của họ, nói rằng ông ta kính phục dân tộc Việt Nam (Ross, 1988, trang 189).  Sự đình chỉ của Trung Quốc mọi loại viện trợ cho Việt Nam như được nói trên có liên hệ một cách chặt chẽ với sự phát triển này.

Không lâu sau sự việc này, Liên Bang Sô Viết đã di chuyển một số tàu thuộc hạm đội Thái Bình Dương xuống phía nam, thả neo chúng tại hải phận quốc tế không mấy xa bờ biển Phi Luật Tân.  Nó cũng đã quyết định cải thiện phẩm chất của các binh sĩ đối diện với các lực lượng Trung Quốc và bố trí các vũ khí tinh vi, kể cả các hỏa tiễn gắn đầu đạn tầm trung cũng như các chiến đâu cơ mới nhất.  Trong Tháng Tư, Nga Sô đã thực hiện một cuộc thao diễn quân sự phối hợp hải lục không quân dọc biên giới Trung Hoa với sự tham dự của Brezhnev và Bộ Trưởng Quốc Phòng (Ross, 1988, trang 175).

Cảm nhận được áp lực gia tăng từ Liên Bang Sô Viết, Trung Quốc nghĩ rằng một chính sách bao vây họ đã hiện thực bởi nó đối diện với Liên Bang Sô Viết ở phương bắc và Việt Nam ở phương nam.  Dưới các tình huống này, Trung Quốc đã phải tìm một sự khai thông tại phương nam, nhìn Việt Nam như một “Cuba của Á Châu” (Chanda, 1986, trang 354; Ross, 1988, trang 176, 189).  Chính cuộc xâm lăng của Việt Nam vào Căm Bốt đã chứng minh cho một sự khai thông như thế.

Theo truyền thống, Trung Quốc không hài lòng với sự hiện hữu của một lực lượng hùng mạnh chung quanh nó, như được chứng minh bởi các cuộc viễn chinh của các triều đại liên tiếp chống lại một chủng tộc phương bắc.  Trong một tình trạng không thể nào tấn công Liên Bang Sô Viết, Trung Quốc có thể nói đã toan tính một cách gián tiếp để tự giải thoát mình ra khỏi sự đe dọa của Liên Bang Sô Viết bằng việc xâm lăng Việt Nam.

Về mặt lịch sử, các cuộc xung đột giữa Trung Quốc và Việt Nam trên vấn đề Căm Bốt có thể được định nghĩa như một sự đối đầu giữa Đại Bá Quyền – trật tự thế giới xem Trung Hoa là trung tâm truyền thống – và Tiểu Bá Quyền, tức trật tự Đại Việt Nam.  Thực sự, Trung Quốc đã không nhìn một cách bất động trong kỷ nguyên tiền hiện đại khi Việt Nam can thiệp vào các nước chung quanh.  Như một thí dụ điển hình, người ta có thể có được một cảm nhận về vài trong số 20 lý do khiến Hoàng Đế Vĩnh Lạc đã phái các binh sĩ của ông sang chinh phục Việt Nam, có nghĩa, Hồ Quý Ly đã xâm lăng một nước triều cống của Hoàng Đế, xứ Chàm (Yamamoto, 1950, các trang 333-334).  Trong thập niên 1970, sự đối đầu giữa hai nước đã bị tăng cường độ một cách tất nhiên bởi Liên Bang Sô Viết đang cung cấp sự ủng hộ tích cực cho Việt Nam.

Căm Bốt là một quốc gia triều cống của Trung Hoa nhưng cùng lúc có triều cống Việt Nam trước khi trở thành một thuộc địa của Pháp trong thập niên 1860.  Tuy nhiên trong khi Trung Quốc đã không can thiệp quá nhiều vào các vấn đề của Căm Bốt, Việt Nam không chỉ chiếm cứ nhiều lãnh thổ của Căm Bốt mà còn xâm lăng nó vài lần trong tiến trình của điều được gọi là Cuộc Nam Tiến (Southward Movement).  Vì lý do này, cảm thức dân tộc chủ nghĩa của Căm Bốt đối với Việt Nam thực sự rất xấu.  Đó là lý do tại sao Căm Bốt lo sợ rằng nó có thể bị rơi vào khu vực ảnh hưởng của Việt Nam sau khi có sự kết thúc Chiến Tranh Việt Nam (Kenny, 2003, trang 219; FEER, 1979, các trang 19-20).

Khmer Đỏ lãnh đạo bởi Pol Pot đã chiếm cứ Phnom Penh hôm 17 Tháng Tư 1975 ngay trước khi có sự cộng sản hóa Việt Nam.  Trước đó, Pol Pot đã nhận sự giúp đỡ từ Việt Nam; tuy nhiên, trong năm 1970, Đảng Cộng Sản Căm Bốt đã chấp nhận một nghị quyết tuyên bố rằng nó sẽ không chịu bị ảnh hưởng bởi bất kỳ nước ngoài nào, cùng lúc tuyên bố rằng Việt Minh đã phản bội phong trào cộng sản Căm Bốt trong thập niên 1950. 15 Điều này được quy kết cho cảm nhận của người Căm Bốt như đã nói ở trên.  Tuy nhiên, trong thời Chiến Tranh Việt Nam, Khmer Đỏ đã cung cấp một nơi ẩn náu cho phe cộng sản Việt Nam trong khi Việt Nam đã trợ lực Khmer Đỏ trong cuộc chiến đấu của nó chống lại chế độ Lon Nol.  Chính vì thế đã không có các vấn đề đặc biệt giữa họ.  Dĩ nhiên, phe Khmer Đỏ đã không quên rằng Việt Nam là “kẻ thù số 1” của họ (Sihanouk, 1980, trang 18).

Khi Chiến Tranh Việt Nam đi dần đến hồi kết cuộc, phe Khmer Đỏ, đang cố gắng tự giải thoát mình ra khỏi khu vực ảnh hưởng của Việt Nam, đã xem Trung Quốc sẽ là đồng minh hùng mạnh nhất.  Trong khi đó, Trung Quốc bắt đầu bị lôi kéo vào Căm Bốt và trợ giúp tích cực Căm Bốt để nước này kiềm chế chính sách bá quyền của Việt Nam tại bán đảo Đông Dương.  Trên bối cảnh này, trong Tháng Tám 1975, Trung Quốc đã ký kết một hiệp ước trợ giúp kinh tế và kỹ thuật với phe Khmer Đỏ.

Trong khi đó, từ 1975 đến 1978, chế độ Khmer Đỏ đã tiếp tục yêu cầu Việt Nam triệt thoái binh sĩ của nó đồn trú tại khu vực miền đông từ thời Chiến Tranh Việt Nam.  Việt Nam đã miễn cưỡng di chuyển các binh sĩ đến đồn trú tại biên giới phía tây gần Căm Bốt, nơi các sự xung đột thường trực phát sinh giữa hai bên.  Vào ngày 30 Tháng Tư, 1977, sự việc đã đi đến mức các binh sĩ của Pol Pot phóng ra một cuộc tấn công đại quy mô vào tỉnh An Giang của Việt Nam.  Trong cơn lốc xoáy này, Việt Nam đã ký kết một hirệp ước hợp tác thân hữu với Lào trong Tháng Sáu 1977 và đã yêu cầu Căm Bốt cùng ký như thế, nhưng Căm Bốt lại nhấn mạnh đến một hiệp ước không xâm lược.  Chính vì thế, các cuộc thương nghị đã thất bại (K. C. Chen, 1979, trang 34).  Nguyên do của sự thất bại là sự không chấp nhận của Hà Nội thái độ của Căm Bốt đòi ngang hàng với Việt Nam và ước muốn của Căm Bốt về việc duy trì sự độc lập.  Như đã nói trước đây, Việt Nam theo truyền thống đã nhìn Căm Bốt như một quốc gia man rợ, coi Căm Bốt như một nước triều cống của mình.

Trong Tháng Hai 1978, chính phủ Việt Nam sau cùng đã quyết định loại trừ chế độ Pol Pot vào Tháng Mười Hai (Turley & Race, 1980, trang 98).  Chẳng cần nói, đàng sau quyết định này là chủ định nhằm chặn trước kế hoạch của Trung Quốc muốn dùng Căm Bốt tạo áp lực trên Việt Nam.  Tháng Mười Hai đã là một thời điểm thích hợp để tấn công bởi nó khởi đầu mùa khô.  Vấn đề là Trung Quốc sẽ đáp ứng ra sao.  Vào lúc đó, Trung Quốc đã không chỉ mở rộng sự trợ giúp quân sự cho Phnom Penh; khoảng 6,000 cố vấn quân sự và nhiều kỹ sư hơn số người đã từng được phái sang Căm Bốt (Duiker, 1986, trang 80) cũng đã được gửi đi.  Sau nhiều sự suy tính, các nhà cầm quyền Hà Nội đã dựng lên một mặt trận thống nhất, phán đoán rằng Trung Quốc sẽ không can thiệp trực tiếp tại Căm Bốt khi nhìn thấy hiệp ước hữu nghị giữa Việt Nam và Liên Bang Sô Viết và sự tăng cường binh sĩ Liên Bang Sô Viết tại khu vực biên giới phía bắc Trung Quốc (FEER, 22 Tháng Mười Hai, 1978, trang 17).  Cùng lúc, Việt Nam đã sắp xếp Heng Samrin để dựng lên một Mặt Trận Thống Nhất Quốc Gia Kampuchea Cứu Nguy Dân Tộc vào ngày 3 Thzáng Mười Hai.  Huy động hơn 100,000 binh sĩ với một số lượng đáng kể các xe tăng và xe chuyên chở bọc sắt, hôm 25 Tháng Mười Hai, Hà Nội đã phóng ra một “trận đánh chớp nhoáng: blitzkrieg) vào Căm Bốt và đã chiếm Phnom Penh hôm 7 Tháng Một, 1979. 16

IV. Tiến Trình Cấu Tạo Quyết Định

Cuộc Xâm Lăng ‘Trừng Phạt” Của Trung Quốc

Vào ngày 13 Tháng Mười Hai, 1978, một tháng trước khi có cuộc tấn công của Việt Nam vào Căm Bốt, Trung Quốc đã cảnh cáo Việt Nam rằng sự thù nghịch tiếp tục sẽ đẩy Trung Quốc đến giới hạn của sự kiên nhẫn, và rằng Việt Nam phải “đôi diện với các hậu quả” (Duiker, 1986, trang 83). 17 Các nước khác cũng như Việt Nam đã không chờ đợi rằng sự cảnh cáo này sẽ dẫn dắt đến cuộc xâm lăng của Trung Quốc vào Việt Nam (Kenny, 2003, trang 228).  Chính phủ Hà Nội, mặc dù lo sợ cuộc xâm lăng khả hữu của Trung Quốc và nhìn nhận rằng sự việc như thế thường khả dĩ, đã tin tưởng rằng sự kiện như thế sẽ dẫn đến không gì nhiều hơn một sự đụng độ cấp nhỏ ở  biên giới khi nhìn về các quan hệ thân hữu với Trung Quốc trong thời Chiến Tranh Việt Nam.  Thực sự, một ngày trước khi có sự sụp đổ của Phnom Penh, Phó Thủ Tương đưong thời Đặng Tiểu Bình có nói rằng cuộc xâm lăng vào Căm Bốt là một bộ phận của chính sách bành trướng của Sô Viết cũng như một sự đe dọa từ Liên Bang Sô Viết và Việt Nam đối với Trung Quốc, đã gạt bỏ khả tính của sự can thiệp quân sự tức thời (K. C. Chen, 1979, trang 37).  Tuy nhiên, vào lúc này, Trung Quốc, ngược với những gì ông ta nói, đã sẵn sắp đặt phạm vi, thời khoảng, chiến lược và mục đích của cuộc xâm lăng của Trung Quốc vào Việt Nam.

Nhìn từ một quan điểm rộng lớn, cuộc đụng độ Trung-Việt nhất định sẽ xảy ra, với các biến cố trình bày ở trên chỉ tác dụng như các chất xúc tác; sự kiện như thế có thể hiểu được một cách dễ dàng với ít sự khảo sát về các quan hệ giữa hai nước trước khi có sự bùng nổ của chiến tranh.  Trong thực tế, dù chính phủ Hà Nội có tuyên bố, “Cuộc (xâm lăng của Trung Quốc) này không hề là một sự thay đổi đột ngột, mà là một thành quả tất nhiên của Chủ Nghĩa Bành Trướng Đại Chủng Tộc và Chính Sách Bá Quyền Nước Lớn” của Trung Quốc trong 30 năm qua”. (Bạch Thư, 1979, trang 8).

Đảng Cộng Sản Trung Quốc, phe đã thành công trong việc cộng sản hóa lục địa Trung Hoa hồi Tháng Mười 1949, đã chính thức thừa nhận Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đang lâm chiến với Pháp hôm 18 Tháng Một 1950 và đã hứa hen trợ giúp quân sự cho Việt Nam cùng lúc đó.  Theo sau Trung Quốc, Liên Bang Sô Viết, gần như thờ ơ với chính phủ Hồ Chí Minh nhưng cũng không muốn có các quan hệ thù nghịch với Pháp tại Âu Châu, đã chính thức thừa nhận Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa hôm 30 Tháng Một, và đã thiết lập các quan hệ ngoại giao với Việt Nam.  Có thể an toàn để nói rằng sự tranh giành Sô Viết – Trung Quốc trên Việt Nam đã khởi sự từ điểm này.  Trong bất kỳ trường hợp nào, Hà Nội đã nhận được nhiều viện trợ từ Trung Quốc hơn Liên Bang Sô Viết trong cuộc chiến tranh với Pháp; Hà Nội nhìn nhận rằng chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 có thể tạo được nhờ sự trợ giúp quân sự của Trung Quốc (Bạch Thư, 1979, trang 31). 18 Sau này, Trung Quốc đã cung cấp sự ủng hộ hoàn toàn cho Hà Nội trong việc phát động một cuộc chiến tranh với Hoa Kỳ.  Trong thực tế, khi các quan hệ thân hữu giữa hai nước lên đến đỉnh điểm, Hồ Chí Minh có nói, “chúng ta không chỉ là các đồng chí mà còn là anh em”.

Tuy nhiên, một cách mỉa mai, sau khi Hiệp Định Geneva được ký kết trong Tháng Bảy tiếp theo sau chiến thắng tại Điện Biên Phủ, một sự rạn nứt vô hình đã sẵn được phát triển.  Bất kể sự kiện rằng Hà Nội được giả định sẽ thu gặt được các thành quả của cuộc chiến thắng của mình, Việt Nam đã bị phân chia trái với ý muốn của Hà Nội dọc theo bắc vĩ tuyến 17 độ bởi áp lực của Sô Viết và Trung Quốc, vốn có khuynh hướng theo đuổi các quyền lợi liên hệ của chúng.  Hơn nữa, kế hoạch của Hà Nội nhằm giành đạt được một vùng tự trị cho Pathet Lào tại miền bắc Lào đã không diễn ra như chủ định. 19

Trung Quốc đã đặt áp lực trên Hà Nội thuần túy vì các quyền lợi dân tộc của riêng Trung Quốc.  Trước tiên, nó quan tâm đến kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm vốn đã được cứu xét từ năm 1953 và đên sự giải phóng Đài Loan.  Thứ nhì, nó lo sợ sự can thiệp quân sự trực tiếp của Hoa Kỳ trong trường hợp chiến tranh Đông Dương tiếp diễn.  Trung Quốc đã không muốn Hoa Kỳ tiến gần đến biên giới nó hơn nữa.  Thứ ba, Trung Quốc muốn có một luồng liên lạc sắp sẵn cho các cuộc nói chuyện với các nước tây phương cũng như với Pháp và Anh Quốc bằng cách chấp nhận lập trường chung sống hòa bình tại các cuộc đàm phán ở Geneva (Chen Jian, 1993, các trang 107-108).  Ngoài ra, Trung Quốc đã không bằng lòng với sự kiện rằng Hà Nội sẽ dựng lên một liên bang Đông Dương và không chế nó.  Như đã nói trước đây, Trung Quốc đã không muốn Việt Nam hiện lên như một quyền lực trong vùng.

Thứ nhì, chúng ta có thể có được một cảm nhận của thí dụ về sự bất hòa Trung-Việt trong sự can thiệp của Trung Quốc vào Chiến Tranh Việt Nam hồi giữa thập niên 1960.  Khi  các binh sĩ Trung Quốc tiến vào Việt Nam năm 1965, các nhà cầm quyền Việt Nam đã từ chối không để họ tiếp xúc với người Việt Nam và còn cấm cả việc đeo các huy hiệu có hình họ Mao.  Ngoài ra, tạp san hàn lâm Việt Nam hay nhất “Nghiên Cứu Lịch Sử” đã đăng tải một loạt các luận đề thảo luận về việc người Việt Nam đã kháng cự các cuộc xâm lăng của các triều đại Trung Hoa trong quá khứ như thế nào (Chen Jian, 1995, trang 380).  Các bài viết này đà trình bày lịch sử Việt Nam về mặt các cuộc đấu tranh giành độc lập, điều, không cần nói ra, là chống lại Trung Quốc.

Sau này, Trung Quốc không hài lòng với các cuộc thương thảo của Hà Nội với Hoa Kỳ, nhưng điều đã làm trầm trọng hơn các quan hệ đã sẵn tồi tệ giữa hai nước là kết quả của các sự tranh chấp biên giới Nga-Hoa.  Như đã nói trước đây, Trung Quốc, cảm nhận một sự đe dọa từ Liên Bang Sô Viết, đã nỗ lực cải thiện các quan hệ với Hoa Kỳ xuyên qua cuộc thăm viếng của Kissinger tại Trung Quốc hồi Tháng Bảy 1971, được tiếp nối bởi cuộc thăm viếng của Tổng Thống Nixon trong Tháng Hai năm sau đó.  Vào lúc đó, Chiến Tranh Việt Nam đã phát triển thuận lợi cho các lực lượng cộng sản, vì thế các nhà cầm quyền Bắc Việt tin tưởng rằng họ sẽ ở vào vị thế thuận lợi tại bàn thưong thuyết hòa bình ở Paris.  Tuy nhiên, cảm thấy rằng vị thế thưong thảo của họ với Hoa Kỳ đã bị phá hủy bởi sự hòa hoãn giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, Hà Nội đã tố cáo Trung Quốc về việc tìm kiếm một cách vô liêm sỉ một sự thỏa hiệp với Hoa Kỳ cho các quyền lợi riêng của Trung Quốc (Mio, 1988, trang 247).  Nơi đây cũng vậy, chúng ta có thể có một cảm nhận về Việt Nam không đơn phương đi theo các chính sách của Trung Quốc mà đã bám chặt lấy lập trường độc lập của mình.

Trong khi đó, Trung Quốc nghĩ rằng Việt Nam đã mắc nợ nó bởi Trung Quốc đã cung cấp 2 [ sic, ?20, xem đoạn văn phía dưới, chú của người dịch] tỷ mỹ kim viện trợ cho Việt Nam trong hơn 20 năm chiến tranh của Việt Nam chống lại Pháp và Hoa Kỳ.  Vào ngày 22 Tháng Mười 1985, Hồ Diệu Bang, Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Trung Quốc, có nói trong cuộc nói chuyện với Honecker, Bí Thư Thứ Nhất của Đảng Cộng sản Đông Đức, “Chúng tôi đã phái hơn 100,000 binh sĩ và nhân viên điều hành cho cuộc Chiến Tranh Việt Nam.  Chúng tôi đã cung cấp 20 tỷ mỹ kim viện trợ kinh tế và quân sự.  Hơn 10,000 binh sĩ chúng tôi đã bị chết trong khi công tác.  Đây là một sự kiện lịch sử”. 20 Ngoài ra, Trung Quốc đã nhìn như sự kiện còn quan trọng hơn rằng cuộc chiến thắng của Hà Nội trong Cuộc Chiến Tranh đã trở thành khả dĩ xuyên qua sự trợ giúp và viện trợ của Trung Quốc, khiến cho Hoa Kỳ tin rằng một cuộc tấn công trên đất liền bởi Hoa Kỳ vào Bắc Việt sẽ châm ngòi cho sự can thiệp của Trung Quốc (Kenny, 2003, trang 234).  Dù vậy, Hà Nội đã vô ơn trước sự trợ giúp và viện ttợ như thế, điều làm cho Trung Quốc tức giận.

Về sau, các quan hệ tồi tệ giữa hai nước còn leo thang hơn nữa cho đên, vào năm 1975, khi các nhà lãnh đạo Việt Nam trở nên tin tưởng rằng Trung Quốc đã không tìm kiếm sự tái thống nhất của Việt Nam. 21 Về mặt lịch sử, đó là một sự kiện minh bạch, bởi một Việt Nam thống nhất hùng mạnh chắc chắn không có cách nào có lợi cho Trung Quốc; thay vào đó, nó sẽ đòi hỏi đuợc đối xử trên căn bản đồng đẳng.  Nguyễn Văn Huệ của chính quyền Tây Sơn, kẻ đã đánh bại các binh sĩ nhà Thanh hồi đầu năm 1789, đã thiết lập các quan hệ thân hữu với nhà Thanh xuyên qua nền ngoại giao triều cống; tuy nhiên, như một kẻ chiến thắng, ông ta không chịu mang một thái độ thần phục.  Sau khi đánh bại các lực lượng nhà Thanh, ông đã đưa ra lời yêu cầu được phong làm An Nam Quốc Vương [An Nan Guo Wang: 安南國王 ] trong một văn thư ngoại giao gửi đến hoàng đế nhà Thanh, nhưng nếu bị từ chối, sẽ không có sự lựa chọn nào khác hơn là dựa vào vũ lực (LT, 1962, trang 37a).  Nhà Nguyễn, triều đại đầu tiên lập ra lãnh thổ Việt Nam ngày nay, đã ban hành quốc hiệu Việt Nam xuyên qua sự thương thảo với Trung Quốc, nhưng đã không dùng nó.  Thay vào đó, nó đã thiết lập trật tự thế giới riêng nó tại bán đảo Đông Dương như đã sẵn nói ở trên.

Các nhà lãnh đạo Việt Nam đạt được sự tái thống nhất trái với các ước muốn của Trung Quốc, đã nhận thức Trung Quốc như một mối đe dọa cho họ trong tương lai.  Bí Thư Đảng Lê Duẩn, kẻ đã đến Phi Trường Sàigòn trong Tháng Năm 1975 với một trạng thái hân hoan của sự tái thống nhất, được nói đã có nhận xét: “Giờ đây chúng ta đối diện với hai khó khăn: nạn đói và các kẻ phản động Trung Quốc” (Chanda, 1986, trang 238).

Trong thực tế, trong cuộc chiến tranh với Pháp và Hoa Kỳ, các thương thuyết gia Việt Nam luôn luôn bất mãn với mặc cảm tự tôn của Trung Quốc.  Các nhà lãnh đạo Trung Quốc, đặc biệt Mao Trạch Đông đã nhiều lần nhấn mạnh rằng ông sẽ đối xử với Việt Nam “trên căn bản đồng đẳng”, song bản thân sự phát biểu lại sặc mùi mặc cảm tự tôn của Trung Quốc.  Chủ Tịch Đảng Trung Quốc Lưu Thiếu Kỳ, được thăm viếng bởi Lê Duẩn hồi Tháng Tư 1965, có nói, “Nguyên tắc của chúng tôi là sẽ cung cấp bất kỳ những gì Việt Nam muốn có với khả năng tối đa của chúng tôi, nhưng nếu ông không muốn, chúng tôi sẽ làm y như thế” (Zhai, 2000, trang 133).  Hiển nhiên sự phát biểu này làm liên tưởng đến sự ưu việt của Trung Quốc đối với Việt Nam.  Thực ra, Trung Quốc đã không đặc biệt tìm cách thống trị Việt Nam về mặt chính trị và kinh tế, nhưng nó đã muốn Việt Nam phỉa nhìn nhận điều gì đó to lớn hơn thế: sự ưu việt về đạo lý của Trung Quốc.  Đây là phiên bản hiện đại của mối quan hệ giữa Trung Quốc như một quốc gia bá chủ tối cao và Việt Nam như một quốc gia chư hầu.  Vì lý do này, khi Trung Quốc cắt giảm viện trợ vì các vấn đề đối ngoại và đối nội, Việt Nam không có thể làm gì ngoài việc nhìn Trung Quốc một cách ngờ vực và cằn nhằn Trung Quốc.  Cảm nhận về sự ghê tởm này đã phát triển thành sự thù nghịch bằng việc kháng cự lại Trung Quốc sau khi có sự tái thống nhất (Chen Jian, 1995, các trang 386-387).  Chính vì thế, như đã nói trước đây, các nguyên do của cuộc xâm lăng của Trung Quốc chỉ tác dụng như các chất xúc tác.

Vì vậy, người ta có thể thắc mắc về thời điểm khi Trung Quốc đã nghĩ đến việc “trừng phạt” Việt Nam.  Nayan Chanda (1986), ba năm sau cuộc Chiến Tranh, đã trích dẫn một viên chức Trung Quốc có nói rằng chính trong Tháng Bảy 1978 các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã quyết định “trừng phạt” Việt Nam “ngạo mạn và vô ơn” (trang 601). 22 Trong khi đó, tác giả Tretiak (1979), không nói đến thời gian chính xác, đã nhìn cuộc xâm lăng của Trung Quốc vào Việt Nam như đỉnh điểm của các quan hệ căng thẳng giữa hai nước trong vài tháng, với sự trục xuất người Hoa tại Việt Nam, liên minh giữa Liên Bang Sô Viết và Việt Nam, các vụ đụng độ biên giới và cuộc xâm lăng của Việt Nam vào Căm Bốt, v.v… như các yếu tố trợ lực (các trang 740-742, 749-750).  Tuy nhiên, không giống với tác giả trên, Lawson (1981) nói rằng bối cảnh đàng sau các quan hệ chua chát giữa hai nước, từ 1964 đến 1974 cộng với các quan hệ căng thẳng phát sinh từ các vấn đề lãnh thổ và các vụ đụng độ biên giới sau khi có sự tái thống nhất của Việt Nam  trong năm 1976, v.v…nói cách khác, các vấn đề tích lũy trong vài năm, chứ không phải vài tháng, đã dẫn đến các sự đụng độ (trang 691)..

Gần đây, Zhang (2005), trưng dẫn tài liệu Trung Quốc mới được tiếp cận, mô tả tiến trình xâm lăng với chi tiết (các trang 856-860).  Theo sự phân tích của ông, cuộc xâm lăng đã không được quyết định tại một phiên họp nào đó nhưng đã được thảo luận từ từ xuyên qua vài phiên họp, trong đó phạm vi của chiến tranh được sửa đổi từ mức độ một cuộc đụng độ biên giới thành một cuộc tấn công toàn diện.  Ông nói rằng lần đầu tiên cuộc xâm lăng Việt Nam được đề cập một cách trực tiếp là trong Tháng Chín 1978, và rằng nó đã được thực hiên gần như chắc chắn bởi đề nghị của họ Đặng vào cuối Tháng Mười Hai.

Tuy nhiên, cần ghi nhận rằng họ Đặng rõ ràng đã quyết định xâm lăng Việt Nam từ lâu trước đó.  Các cuộc thăm viếng của ông ta tại Thái Lan, Mã Lai, và Singapore trong 9 ngày từ đầu Tháng Mười Một có chủ ý xoa dịu các sự lo sợ của các nước này đối với Trung Quốc.  Vào năm 1975, Trung Quốc đã thiết lập các quan hệ ngoại giao với các nước khác thuộc khối ASEAN ngoại trừ Indonesia, nhưng các nước này vẫn còn lạnh nhạt.  Họ Đặng có nói với Thủ Tướng Mã Lai, “Lý do tại sao Trung Quốc đang trợ giúp các phe cộng sản bất hợp pháp tại Mã Lai và Thái Lan là vì nếu Trung Quốc phủi tay, Việt Nam và Liên Bang Sô Viết sẽ cố gắng bành trướng ảnh hưởng của họ bằng việc sử dụng chúng thay chúng tôi” (Ross, 1988, trang 221).  Mặc dù các lời lẽ của ông ta không có vẻ nhiều tính chất thuyết phục, ông đã đoạt được một phần thưởng bất ngờ bởi Liên Bang Sô Viết và Việt Nam đã ký kết một hiệp ước hợp tác thân hữu không lâu trước đó vào ngày 3 Tháng Mười Một.  Họ Đặng đã nói với Thủ Tướng Thái Lan rằng Phnom Penh nhiều phần sẽ bị chiếm đoạt bởi các binh sĩ Việt Nam, trong trường hợp đó Trung Quốc sẽ có các biện pháp thích đáng (Chanda, 19836, trang 325).  Thủ Tướng Thái Lan đã đưa ra sự ủng hộ hoàn toàn cho Trung Quốc và đã đồng ý để không vận các vũ khí của Trung Quốc cho Căm Bốt xuyên qua Thái Lan từ sự lo sợ rằng Việt Nam có thể vươn đến tận biên giới Thái Lan.

Ý định của họ Đặng để xâm lăng Việt Nam đã được biểu lộ trong một cách thẳng thừng hơn khi họ Đặng gặp gỡ Thủ Tướng Singapore, Lý Quang Diệu.  Ông gọi Việt Nam là “wang ba dan [王八蛋, Vương Bát Đản: a son of a bitch: đồ chó đẻ]” [in đậm để làm nổi bật, chú của người dịch].  Ông nói tiếp rằng nếu Việt Nam tấn công Căm Bốt, Trung Quốc sẽ trừng phạt Việt Nam và sẽ gây ra một giá đắt trên đó, và rằng Liên Bang Sô Viết sẽ bỏ cuộc bởi nó sẽ cảm thấy việc trợ giúp Việt Nam sẽ quá nặng nề (Lee, 2000, trang 595, 601).  Lý Quang Diệu đã không trả lời họ Đặng nhiều.  Tuy nhiên, khi thăm viếng Thái Lan hồi đầu Tháng Mười Hai không lâu sau khi có sự thành lập của Mặt Trận Thống Nhất Quốc Gia Kampuchea Cứu Nguy Dân Tộc [do Hà Nội dựng lên, chú của người dịch], ông đồng ý chống đối Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Kampuchea Cứu Nguy Dân Tộc và tiếp tục thừa nhận chế độ Pol Pot như chính phủ hợp pháp tại Căm Bốt (Ross, 1988, trang 222).  Nhìn trong cách này, các cuộc thăm viếng của họ Đặng tại Đông Nam Á có thể được nói là đã đạt được mục đích của nó.

Như đã nói bên trên, thời điểm chiến dịch quân sự đã không được quyết định bất kể kế hoạch xâm lăng – điều gần như được ấn định sẽ là trong Tháng Mười Hai 1978 – do vài sự cứu xét.  Trước tiên, liệu Sô Viết sẽ phóng ra một sự trả đũa đánh vào Trung Quốc từ phương bắc hay không? Thứ nhì, Hoa Kỳ sẽ đáp ứng ra sao, và công luận thế giới sẽ là gì?  Liệu chiến tranh sẽ không kéo lùi kế hoạch hiện đại hóa kinh tế đang được theo đuổi bởi Trung Quốc hay không?

Giới lãnh đạo Trung Quốc kể cả Đặng Tiểu Bình tin tưởng rằng Liên Bang Sô Viết sẽ không can thiệp trong một cuộc chiến tranh ngắn hạn đánh vào Việt Nam bởi nó đã không có các binh sĩ có khả năng cho các cuộc hành quân đại quy mô đồn trú dọc biên giới Trung Quốc.  Trong khi đó, họ Đặng mong muốn hay biết sự đáp ứng của Hoa Kỳ bằng việc đích thân thăm viếng Hoa Kỳ từ giữa cuối tháng Một đến đầu Tháng Hai (Segal, 1985, các trang 213-214). 23 Dường như ông ta đã có thể tăng cường các liên hệ với Hoa Kỳ trong cuộc thăm viếng của ông ta, và Hoa Kỳ sẽ không cáo buộc Trung Quốc nếu nó tấn công Việt Nam trong một cung cách thích hợp.  Chính vì thế, họ Đặng đã lập luận một cách mạnh mẽ với Tổng Thống Carter về tính chính đáng của việc trừng phạt Việt Nam trong cuộc thăm viếng của ông, sao cho một cuộc tấn công vào Việt Nam được chấp nhận như một sự kiện được định sẵn.  Điều ông ta không nói ra là khi nào cuộc tấn công sẽ được phóng ra (Brzezinski, 1983, các trang 408-414; Tretiak, 1979, trang 747).  Trên đường về, ông đã dừng chân tại Nhật Bản, và có lập lại với Thủ Tướng Ohira những gì ông đã nói tại Hoa Kỳ.  Hoa Kỳ và Nhật Bản đã đề nghị sự giải quyết hòa bình xuyên các các sự thương thảo liên quan đến cuộc tấn công của Trung Quóc vào Việt Nam, nhưng cả hai nước đã không công khai kết án Trung Quốc.

Quyết định sau cùng trên cuộc tấn công đã được đưa ra trong phiên họp mở rộng của Bộ Chính Trị hôm 11 Tháng Hai, 1979, hai ngày sau các cuộc thăm viếng của họ Đặng tại Hoa Kỳ và Nhật Bản.  Họ Đặng nói rõ các nguyên do cho cuộc tấn công, và ngày được ấn định là ngày 17 Tháng Hai (Zhang, 2005, trang 869).  Các tình trạng thời tiết có tính cách quyết định trong việc ấn định nhật kỳ (Jencks, 1979, trang 805).  Mùa mưa bắt đầu trong Tháng Tư tại Bắc Việt phải được cứu xét đến bởi nó có thể làm việc chiến đấu trở nên khó khăn.  Trong thực tế, lý do tại sao quân Nam Hán đã bị đánh bại bởi Ngô Quyền trong năm 938 là vì họ đã phóng ra một cuộc tấn công không thực tiễn khi không cứu xét đến mùa mưa.  Trong khi đó, Trung Quốc phán đoán rằng mặc dù Liên Bang Sô Viết có thể phóng ra một cuộc tấn công sơ khởi một cách dễ dàng bởi các con sông Amur và Ussuri đóng băng dọc biên giới Nga-Hoa, bắt đầu trong Tháng Tư, họ sẽ gặp khó khăn cho các cuộc hành quân bởi băng tuyết bắt đầu tan.

Bản đồ “Cuộc Hoàn Kích” Của Trung Quốc hôm 17 Tháng Hai, 1979

Nguồn: (Far Eastern Economic Review, March 2, 1979, p. 11)

Vào ngày 17 Tháng Hai, 19790, trước bình minh, quân Trung Quốc với quân số 8,500 người có sự trợ lực khoảng 200 xe tăng đã tràn vào Việt Nam xuyên qua 26 địa điểm ở biên giới (Zhang, 2005, trang 865). 26 Sau đó, các binh sĩ đã mau chóng  tập họp tại 5 điểm chính dẫn tới các thị trấn dọc theo biên giới Việt Nam và triệt hạ các tiền đồn.  Tuy nhiên, chiến lược biển người được chứng tỏ hữu hiệu một cách mạnh mẽ trong chiến tranh Triều Tiên đã thất bại bởi các đường hầm và chiến hào phức tạp bất ngờ được dựng lên bởi các quân sĩ Việt Nam, sự không quen thuộc với địa hình núi non, và sự kháng cự của quân đồn trú địa phương và dân quân; chính vì thế gây ra cả nghìn sinh mạng tổn thất về phía họ. 25 Vì vậy, Trung Quốc đã thay thế Xu Shi You (Hứa Thế Hữu) bằng Yang De Zhi (Dương Đắc Chí) làm tân tư lệnh, thú nhận một cách kín đáo sự thất bại của họ.  Thay đổi các chiến thuật, viên tư lệnh mới đã phóng ra các cuộc hành quân quân sự hỗn hợp với pháo binh và các đơn vị thiết giáp và bộ binh tiến bước dần dần; họ đã có thể chiếm cứ 4 thành phố kể cả Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, và Cao Bằng sau sự giao tranh dữ dội.  Vào ngày 27 Tháng Hai, các xe tăng và pháo binh đã phóng ra các sự pháo kích nặng nề vào thành phố còn lại cuối cùng, Lạng Sơn, trên biên giới, và các binh sĩ Trung Quốc đã phóng ra một cuộc tấn công toàn lực cho đến khi Lạng Sơn hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát của chúng.  Vài giờ sau đó, chính phủ Bắc Kinh, tuyên bố rằng nó đã đạt được mục đích của mình, đã ra lệnh triệt thoái, và do đó kết thúc cuộc chiến tranh. 26

Cuộc chiến tranh đã kết thúc trong một thời gian ngắn, song các thành phố phía bắc của Việt Nam đã bị phú hủy hoàn toàn bởi các binh sĩ Trung Quốc.  Các khu vực này đã không bị đụng chạm tới bởi các vụ oanh tạc của không quân Hoa Kỳ trong cuộc Chiến Tranh Việt Nam bởi có sự lo sợ rằng lãnh thổ Trung Quốc có thể bị khiêu khích một cách nhầm lẫn (Chanda, 1986, trang 357).  Nào có ai biết được số phận của lịch sử sẽ ra sao.

Bất kể cuộc chiến tranh ngắn ngủi, cả hai phía phải chịu đựng các sự tổn thất nặng nề.  Đài phát thanh Hà Nội loan báo rằng các sự tổn thất của Trung Quốc lên tới 42,000 người, nhưng phía Trung Quốc tường thuật rằng Việt Nam phải chịu tổn thất 50,000 người, và rằng số tổn thất của họ là 20,000 người.  Tuy nhiên, cần ghi nhớ rằng phần lớn các học giả Tây Phương – theo thống kê của K. C. Chen – phần nào đồng ý rằng các binh sĩ Trung Quốc và Việt Nam lần lượt gánh chịu số tổn thất là 26,000 và 30,000 người chết, và rằng số bị thương lần lượt là 37,000 và 32,000 người (K. C. Chen, 1979, các trang 113-114; Zhang, 2005, trang 866).  Lý do tại sao quân đội Trung Quốc phải gánh chịu các tổn thất nặng nề rằng họ thiếu sự tập luyện và chuẩn bị cho sự giao tranh hiện đại với các lực lượng Việt Nam, có kinh ngjiệm chiến đấu được tích lũy trong 25 năm.  Tuy thế, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã lập luận rằng con số bị tổn thất không quan trọng bởi họ đã chủ động cuộc chiến từ lúc khởi sự cho đến khi kết thúc, và rằng vì thế họ là các kẻ chiến thắng.  Trái với các lời tuyên bố của Trung Quốc, phía Việt Nam nói rằng họ đã chỉ trải thảm đỏ cho binh sĩ Trung Quốc, các kẻ nhịp bước cho một sự lui quân vội vã bởi có các sự tổn thất quân sự nặng nề (Kenny, 2003, trang 232).

V. Kết Luận

Liệu cuộc xâm lăng “trừng phạt” của Trung Quốc đã thành công như xứ này tuyên bố hay không? Hay nó đã thất bại như Việt Nam tranh luận? Trong thập niên 1980, các phân tích gia Tây Phương nói chung có khuynh hướng nhìn rằng chính Việt Nam đã thắng lợi, chứ không phải Trung Quốc.  Thí dụ, Segal đã lập luận rằng cuộc xâm lăng đã là một sự thất bại bởi Trung Quốc đã phải gánh chịu nhiều sự tổn thất, và rằng nó đã không chỉ thất bại để buộc các lực lượng Việt Nam phải rút ra khỏi Căm Bốt mà – trên hết — đã phải chịu sự tổn hại không thể xóa bỏ được cho uy tín của nó (Segal, 1985, trang 211, các trang 226-227).  Chanda (1986) vạch ra rằng cuộc xâm lăng của Trung Quốc đã đặt gánh nặng quân sự và kinh tế khổng lồ lên Việt Nam, nhưng các thắng lợi thì khiêm tốn.  Thăm viếng các khu vực ngoại vi của cả hai nước trong thời sau chiến tranh và nhìn các cảnh tượng khốn khổ, ông ta kết luận rằng đó là một cuộc chiến tranh không có bên nào thắng lợi (Chanda, 1986, trang 361).  Tác giả King C. Chen (1979) cũng nói rằng Trung Quốc và Việt Nam cả hai đều tuyên bố chiến thắng, nhưng đặc biệt Trung Quốc đã không đạt được mục đích của nó (các trang 114-117).

Tuy nhiên, trong thập niên 1990, các quan điểm về cuộc chiến thay đổi.  Thí dụ tác giả Gilks (1992) đã kết luận rằng mặc dù cuộc xâm lăng của Trung Quốc vào Việt Nam không thể có tác động tức thời trên Việt Nam như được chủ định ban đầu, nó đã rất thành công về mặt chiến lược chiến tranh kéo dài làm kiệt quệ của Trung Quốc.  Nói cách khác, nó áp đặt một gánh nặng quân sự khổng lồ trên Việt Nam bằng việc khiến dẫn Việt Nam phải bố trí các lực lượng quy mô lớn dọc khu vực biên giới (Gilks, 1992, trang 223).  Gần đây, Zhang (2005) cũng nói rằng cuộc xâm lăng của Trung Quốc đã đạt được mục đích của nó (các trang 867-868) .  Đúng là Trung Quốc đã lộ ra nhiều lỗi lầm trong trận chiến, nhưng nó đã ở thế thượng phong từ lúc khởi đầu cho đến khi chấm dứt.  Các lực lượng Trung Quốc đã không chỉ giáng cho Việt Nam một trận đánh bằng việc phóng ra một cuộc tấn công ồ ạt; nó cũng đã không bị lún vào vũng lầy chiến tranh bằng việc triệt thoái mau lẹ.  Ông cũng ước lượng rằng nó thành công, chứng tỏ sự tiên đoán của Trung Quốc là đúng rằng Liên Bang Sô Viết sẽ không ủng hộ Việt Nam.  Trong khi đó, Hoa Kỳ đưa ra một sự kết án bao trùm cuộc xâm lăng của Việt Nam vào Căm Bốt và cuộc xâm lăng của Trung Quốc vào Việt Nam.  Song, nó chỉ nói suông; Hoa Kỳ có cảm tình với Trung Quốc, nước đã kiềm giữ ảnh hưởng của Liên Bang Sô Viết tại Đông Nam Á (Chanda, 1986, trang 360). 27 Như một ý nghĩ hậu thiên, điều quan trọng nhất là Việt Nam bị làm cho chảy máu bởi cuộc chiến tranh.  Vì có chiến tranh trên cả hai mặt trận, Căm Bốt ở phía tây và Trung Quốc ở phía bắc, Việt Nam đã không thể né tránh sự mất mát kinh tế nặng nề nhất chưa từng có.  Giới lãnh đạo Trung Quốc có thể không nghĩ rằng Việt Nam sẽ tức thời triệt thoái ra khỏi Căm Bốt; trong bất kỳ trường hợp nào, Việt Nam đã không có sự lựa chọn nào ngoài việc triệt thoái hoàn toàn ra khỏi Căm Bốt vào Tháng Chín 1989.

Làm sao hai sự lượng định đối nghịch nhau nói trên có thể được giải thích?  Từ quan điểm ngắn hạn, cuộc xâm lăng của Trung Quốc hẳn phải là một sự thất bại.  Không có việc phủ nhận điều đó, trước tiên, chiến lược quân sự của Trung Quốc phải bị quy trách cho số tổn thất 26,000 người bị chết trong 16 ngày giao chiến.  Trung Quốc đã ước lượng thấp sức mạnh quân sự của Việt Nam và đã không có sự hiểu biết về địa hình núi non của các khu vực biên giới.  Ngoài ra, sự truyền tin giữa các đơn vị không hoạt động một cách thích hợp, và sự tiếp vận và đồ tiếp tế bị cắt đứt, chính vì thế tạo ra sự khó khăn cho các sự di chuyển binh sĩ, điều kế đó dẫn đến các sự tranh luận từ một số quân nhân trong quân đội Trung Quốc cho sự hiện đại hóa triệt để của quân đội.

Kế tiếp, điều có thể được nêu ra rằng các lực lựong Việt Nam lên đến 200,000 người đã không được rút ra khỏi Căm Bốt gì hết, mà còn trú đóng ở đó trong 10 năm sau đó.  Mọi việc đã xảy ra như thường lệ đối với Thủ Tướng Phạm Văn Đồng, kẻ đang thăm viéng Căm Bốt vào lúc có cuộc xâm lăng của Trung Quốc, tiếp tục công việc của ông ta như đã trù liệu chứ không nói đến việc quay về trong nước (Chanda, 1986, trang 361).  Có thể đó là chủ định có cân nhắc của ông ta để phớt lờ vuộc xâm lăng.  Thứ ba, công luận thế giới trở nên chua chát đối với Trung Quốc không lâu sau cuộc xâm lăng của Trung Quốc, đặc biệt gây ra sự không thoải mái cho các nước Đông Nam Á, Indonesia và Mã Lai, các nước thường lo sợ về sự bành trướng của Trung Quốc.  Sau cùng, như đã nói trước đây, đó là sự mất mát uy tín quốc gia cho một nước lớn như Trung Quốc lại bị đánh bại bởi một nước nhỏ như Việt Nam, chính vì thế bị mang tiếng là “con hổ giấy”.

Song, đã có vài điều Trung Quốc thu gặt được từ cuộc xâm lăng.  Như Xiaoming Zhang đã nêu ra, Trung Quốc đã chủ động cuộc chiến tranh như đã hoạch định bằng việc phát động nó trong khuôn khổ không và thời gian hạn chế.  Việt Nam, đọc ý định của Trung Quốc một cách sai lầm, đã nhìn cuộc xâm lăng như một khúc mở màn cho sự chế ngự bởi chủ nghĩa tập trung vào Trung Hoa truyền thống.  Vì thế, dù sau khi Trung Quốc đã tuyên bố một cuộc triệt thoái chính thức, Việt Nam đã chuyển hướng dân tộc sang một hệ thống nằm trong tình trạng khẩn cấp, đặt gánh nặng tinh thần và vật chất to lớn lên trên dân chúng (Kenny, 2003, các trang 234-235; Chanda, 1986, trang 360).  Hơn nữa, Trung Quốc đã không từ bỏ sự lãnh đạo chiến lược của nó bằng việc tạo áp lực quân sự bất chợt lên Việt Nam, ngay dù nó đã không thể giải quyết các tranh chấp biên giới. 28

Trong khi đó, tạo được sự ủng hộ của Hoa Kỳ cho chế độ Pol Pot sẽ được nhìn như sự thắng lợi ngoại giao của Trung Quốc bất kể cuộc xâm lăng vào Việt Nam.  Mặt khác, sự kiện rằng Liên Bang Sô Viết đã không can thiệp vào lúc có cuộc xâm lăng của Trung Quốc chứng tỏ rằng Liên Sô không phải là một đồng minh đáng tin cậy cho Việt Nam.  Chính vì thế, Việt Nam đã nhận thức được rằng nó không nên lệ thuộc vào các quyền lực thế giới (Kenny, 2003, trang 236), song nó đã duy trì các quan hệ chặt chẽ với Liên Bang Sô Viết cho đến khi có sự sụp đổ của Liên Sô trong năm 1991 bởi mối quan hệ không thoải mái của nó với Trung Quốc.

Kết luận, điều được tin đã không có kẻ chiến thắng hay người chiến bại từ cuộc xâm lăng của Trung Quốc vào Việt Nam hồi Tháng Hai 1979, trong ý nghĩa rằng đã không có điều gì được giải quyết đặc biệt có lợi cho bên nào từ cuộc tranh chấp giữa hai nước.  Song, không có bên nào ở vào vị thế để tiếp tục trạng thái đối đầu ngoài sự chiến thắng hay thất trận trong chiến tranh.  Việt Nam, nhận thức một lần nữa chủ nghĩa lấy Trung Hoa làm tâm điểm truyền thống xuyên qua cuộc chiến, đã học được một bài học – rằng nó đã không có sự lựa chọn nào ngoài việc đạt đến một sự thỏa hiệp cho vấn đề làm sao để cùng hiện hữu với Trung Quốc trong khi đối diện với các sự đe dọa khả dĩ tiên đoán được từ Trung Quốc (Kenny, 2003, trang 236).  Hơn nữa, nó bị buộc phải tái duyệt chính sách ngoại giao của nó với Trung Quốc khi các quan hệ Trung Quốc-Sô Viết trở nên thân hữu và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu bắt đầu bị sụp đổ sau giữa thập niên 1990.  Trung Quốc cũng cảm thấy nhu cầu hòa giải với Việt Nam bởi các quan hệ chua chát của nó với Việt Nam bị lo sợ đưa đến sự căng thẳng liên tục với các nước Đông Nam Á và sự cô lập quốc tế nó phải đối diện sau vụ tàn sát tại Thiên An Môn hồi Tháng Sáu 1989.  Sau cùng, đã có một sự thỏa thuận về các quyền lợi của cả hai nước.  Chính vì thế, trong Tháng Mười Một 1991, các quan hệ ngoại giao đã được tái lập giữa hai nước.  Tuy nhiên không phải mọi vấn đề giữa Trung Quốc và Việt Nam đã được giải quyết một cách hoàn toàn.

Sau cuộc chiến, phía Việt Nam đã củng cố dân tộc chủ nghĩa của nó nhiều hơn nữa.  Sự kiện rằng khẩu hiệu “Không gì quý hơn độc olập và tự do” được gửi đi từ Hồ Chí Minh về Việt Nam từ Trung Quốc hồi Tháng Bảy 1966 (Hồ Chí Minh, 1977, trang 308) được chấp nhận ngày nay bởi phía Việt Nam như một quy luật bằng vàng không phải là không liên hệ đến hiện tượng này.  Ông ta thường được tin rằng đã có một cuộc chiến tranh với Hoa Kỳ trong đầu khi nói điều này; tuy nhiên, thực ra nó bắt nguồn từ sự tin tưởng của ông rằng Trung Quốc không thể được noi gương khi ông ngắm nhìn Cuộc Cách mạng Văn Hóa mở ra vào lúc đó.  Hơn nữa, sau khi bình thường hóa các quan hệ trong Tháng Mười Một 1991, Việt Nam đã không vồn vã với các sự đầu tư của Trung Quốc nhưng đã chấp nhận các khoản đầu tư từ Hồng Kông và Đài Loan trên một quy mô lớn.  Lý do là, trên hết Việt Nam đã ngần ngại cho phép ngay cả một khoản đầu tư Trung Quốc ở quy mô nhỏ bởi sự sợ hãi của Việt Nam về sự chế ngự kinh tế của Trung Quốc (Womack, 2006, trang 216).  Một trường hợp rất thích đáng là vụ trong Tháng Tư 2009, Tướng Võ Nguyên Giáp đã gửi đến Thủ Tướng và hội đồng liên hệ một bức thư bày tỏ sự chống đối mạnh mẽ của ông với việc chấp thuận cho một công ty Trung Quốc liên can các quyền khai thác quặng mỏ bô-xít (bauxite) tại cao nguyên phía tây Việt Nam (VN Express, 10 Tháng Tư, 2009).  Điều này chứng minh trong đầu óc của người Việt Nam, Trung Quốc luôn luôn là một mối đe dọa với họ.  Hơn nữa, sự kiện rằng Việt Nam lo sợ một cách nghiêm trọng các sự thâm thủng mậu dịch khổng lồ đang gia tăng mỗi năm với Trung Quốc có thể được cứu xét trong cùng khung cảnh. 29

Trong khi đó, trong năm 2010, một giáo sư ảnh hưởng tại Viện Đại Học Quốc Gia Hà Nội đã tuyên xác một lần nữa trong tập san Nghiên Cứu Lịch Sử rằng các Quần Đảo Paracel và Spratly thuộc Việt Nam bằng cách trích dẫn quyển Phủ Biên Tạp Lục được viết bởi học giả nổi tiêng trong thế kỷ thứ 18, ông Lê Quý Đôn (Nguyễn Quang Ngọc, 2001, các trang 30-38). (Vấn đề cai trị trên các hòn đảo nhiều phần không dễ để giải quyết; bởi nó liên can đến sự tự hào dân tộc của cả hai nước và các mỏ dầu hỏa.  Gần đây, phát ngôn viên cho Bộ Ngoại Giao Việt Nam đã thúc giục Trung Quốc ngừng tức thời việc vi phạm chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa[Paracel Islands] (Thanh Niên, 18 Tháng Hai, 2011).

Dù thế, một vẻ bề ngoài của “các quan hệ thân hữu vì sự tiện lợi” được duy trì ngày nay giữa hai nước.  Tổng Bí Thư Lê Khả Phiêu của Việt Nam đã có một cuộc họp thượng đỉnh với Giang Trạch Dân trong chuyến viếng thăm của người kể tên trước tại Bắc Kinh từ 25 Tháng Hai đến 3 Tháng Ba, 1999.  Kết quả, một bản tuyên bố đã được loan báo liên quan đên “4 tốt [ 四好 : tứ hảo]” – tinh thần của “láng giềng tốt, bè bạn tốt, đồng chí tốt, và đối tác tốt [ 好邻居 好朋友 好同志 好伙伴 ] – dựa trên “phương châm 16 chữ vàng hướng dẫn cho cả hai nước chiều hướng trong thế kỷ thứ 21, tức, trường kỳ ổn định, hướng đến tương lai,  giao hảo láng giềng tốt, và hợp tác toàn diện [长期稳定 面向未來 睦邻友好 全面合作 : Trường Kỳ Ổn Định, Diện Hướng Tương Lai, Mục Lân Hữu Hảo, Toàn Diện Hợp Tác], với một sự ký kết một thỏa ước về hợp tác kinh tế và kỹ thuật (Renmin Ribao, 26 Tháng Hai, 1999; Trung Tâm Nghiên Cứu Trung Quốc, 2003, các trang 635-639).  Một cách đáng chú ý, nội dung của 16 chữ vàng có thứ tự khác nhau trong tiếng Hán và tiếng Việt.  Trong tiếng Việt, chúng được đặt theo thứ tự “giao hảo láng giềng tốt, hợp tác toàn diện, trường kỳ ổn định, và hướng đến tương lai” (Womack, 2006, trang 223).  Lý do tại sao phía Việt Nam lại đặt “giao hảo láng giềng tôt’ lên hàng đầu xem ra rằng họ có nghĩ trong đầu về sự đe dọa của Trung Quốc.  Nói cách khác, có thể phỏng đoán một cách chính xác rằng họ chỉ tin tưởng sau khi giao hảo láng giềng tốt có được thực hiện thì sự hợp tác toàn diện hay trường kỳ ổn định mới theo sau.

Ngày nay, các nhà lãnh đạo Việt Nam nói rằng họ tin tưởng Trung Quốc sẽ là láng giềng tốt và đánh giá mối quan hệ hợp tác bao quát của nó với xứ sở là quan trọng nhất.  Tuy nhiên, về mặt lịch sử và địa dư, có mọi xác xuất rằng các nỗi lo sợ của Việt Nam hay các vấn đề không được giải quyết như đã nêu ở trên sẽ gia tăng lần nữa với sự thay đổi của thời gian.  Tình trạng này sẽ tiến triển ra sao từ giờ trở đi là sự phỏng đoán của bất kỳ ai.  Nhưng một điều thì rõ ràng: không có tình huống nào người Việt Nam sẽ nhượng bộ trước áp lực của Trung Quốc và họ sẽ đứng ngang hàng với Trung Quốc./-

___

CHÚ THÍCH

1. Tên nguyên thủy của Pol Pot là Saloth Sar.  Ông ta bắt đầu sử dung tên Pol Pot khi tiến hành việc cộng sản hóa Căm Bốt trong Tháng Tư 1975.

2. Trung Hoa đã xâm lăng Việt Nam 12 lần kể cả cuộc xâm lăng năm 1979.

3. Bản thân Mạc Đăng Dung sẽ không dễ dàng nhượng bộ cuộc viên chinh của nhà Minh, nếu ông đã không phải đối đầu với các lực lượng đòi phục hưng nhà Lê.

4. Triều đại nhà Lê dùng từ ngữ “giao bang”, nhưng bắt đầu với chế độ Tây Sơn (1771-1802), từ ngữ “bang giao” đã được sử dụng (Đại Việt Sử Ký Toàn Thư [TT], 1984-1986, trang 713; Ngô Thì Nhậm, 1831).  Bang Giao Hảo Thoại chứa đựng các văn kiện ngoại giao được gửi đến nhà Thanh từ 1789 đến 1799.

5. Một nhận xét được đưa ra bởi một nhà nghiên cứu cao cấp của Học Viện Quan Hệ Quốc Tế tại Hà Nội.  Được trích dẫn bởi Henry J. Kenny (2003, trang 234).

6. Trong tờ Far Eastern Economic Review [FEER] (ngày 2 Tháng Ba, 1979, trang 9), cuộc chiến tranh cũng được gọi là Cuộc Chiến Tranh Đông Dương Thứ Ba tiếp nối Cuộc Chiến Tranh Đông Dương Thứ Nhất giữa Việt Nam và Pháp và Cuộc Chiến Tranh Đông Dương Thứ Nhì thường được gọi là Chiến Tranh Việt Nam.

7. Đưa ra một lý do khác, nó được nhắm vào việc chấp nhận các định chế và văn hóa Trung Hoa tiền tiến.

8. “Cuộc chiến tranh xâm lược của bọn phản động Trung Quốc và thất bại thảm hại của chúng”, Nhân Dân, Xã Luận đề ngày 3-4 Tháng Tư; Huruda (1979, các trang 57-58).

9. Bài viết này dùng tên gọi bằng Anh ngữ để mang một lập trường trung lập.

10. Theo truyền thống, Trung Hoa đã nghĩ rằng bởi thế giới thuộc về họ, không có điều như các biên giới lãnh thổ giữa các quốc gia triều cống, ngoài các phân hạt hành chính không thôi.

11. Một trong các nguyên nhân của sự tranh chấp cũng nằm nơi sự khác biệt giữa bản dịch sang tiếng Hán và bản tiếng Pháp của văn bản Hiệp Ước Thiên Tân.

12. Về con số các biến cố được tuyên bố bởi cả hai nước, xem K. C. Chen (1979, trang 50).

13. Tham chiếu Bạch Thư (1979, các trang 96-97) và tờ Beijing Review (16 Tháng Sáu 1978, trang 17).  Nguồn kể sau được trích dẫn lại từ Pao-min Chang, “The Sino-Vietnamese Dispute over the Ethnic Chinese”, China Quarterly, No. 90 (June 1982, trang 196).

14. Tại đại hội này, Đảng Lao Động Việt Nam đổi tên thành Đảng Cộng Sản Việt Nam, và tên nước từ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa thành Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.

15. http://en.wikipedia.org/wiki/Pol_Pot.

16. Bên bờ sụp đổ, Bộ Ngoại Giao Căm Bốt đã ấn hành Livre Noire (Sách Đen) trong đó nó lập luận rằng người dân Căm Bốt thù ghét cay đắng Việt Nam bởi Việt Nam luôn luôn ấp ủ các tham vọng lãnh thổ để xâm lăng Căm Bốt và sáp nhập nó (FEER, 9 Tháng Một, 1979, trang 19).

17. Được trích dẫn lại trên tờ New York Times (13 Tháng Mười Hai, 1978).

18. Về vai trò đặc biệt của Trung Cộng trong trận đánh Điện Biên Phủ, xem Zhai (2000, các trang 46-49).

19. Sau này, chính phủ Việt Nam có kết án Trung Quốc trong một cuộc nói chuyện tại Geneva về việc đã phản bội họ và thông đồng với chủ nghĩa đế quốc Pháp nhằm cản trở ba nước tại Đông Dương đạt được sự độc lập hoàn toàn (Bạch Thư, 1979, các trang 34-40).  Vào lúc có cuộc chiến tranh Trung-Việt năm 1979, sử giả tiếng tăm của Việt Nam, Văn Tạo (1979, trang 2) nói rằng ông đã nghi ngờ là liệu Trung Quốc có thực sự muốn có sự độc lập, tái thống nhất, và xây dựng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam trong các cuộc thương thảo ở Geneva.

20. Tài liệu các cuộc nói chuyện thượng đỉnh của Kim Il-sung và Honecker (4), Chosun Monthly [월간조선] (Tháng Mười Một, 1995, các trang 120-121).

21. Một cuộc phỏng vấn được thực hiện bởi Kenny với một cựu nhân viên ngoại giao cao cấp Việt Nam (Kenny, 2003, trang 218).  Sau này, theo các giới chức thẩm quyền Việt Nam, Mao Trạch Đông đã thúc giục Thủ Tướng Bắc Việt Phạm Văn Đồng hồi Tháng Mười Một 1972 hãy chấp nhận để Nam Việt Nam tiếp tục hiện hữu (FEER, 15 Tháng Sáu, 1979, trang 39).  Cũng xem Nguyễn Mạnh Hùng (November 1979, trang 1039).

22. Turley và Race (1980) nói rằng chính trong Tháng Tám, Trung Quốc, phát hiện được sự sắp xếp của Việt Nam để xâm lăng Căm Bốt, đã quyết định xâm lăng Việt Nam (trang 103).

23. Trước điều này, Trung Quốc đã chấp nhận hôm 12 Tháng Mười Hai đề nghị chính thức cho sự bình thường hóa các quan hệ ngoại giao được đưa ra bởi chính quyền Carter hôm 4 Tháng Mười Hai, 1978.

24. Hình như số binh sĩ được huy động vào lúc đó lên tới tổng cộng hơn 300,000 người, kể cả các lực lượng tăng cường ở hậu tuyến.

25. Chính phủ Việt Nam đã chuẩn bị 5 sư đoàn chính quy của họ cho cuộc tấn công ước định của Trung Quốc vào vùng châu thổ Bắc Việt, nhưng gần như không tung binh sĩ chính quy vào các trận đánh biên giới.

26. Tiến trình xâm lăng của Trung Quốc đề cập ở trên dựa chính yếu vào tác phẩm của Chanda (1986, các trang 356-357).

27. Trong thời kỳ tiên khởi của sự bùng nổ chiến tranh, Hoa Kỳ đã cố gắng ghi nhận các sự di chuyển của binh sĩ Việt Nam qua vệ tinh thám thính của nó nhưng không thành bởi trời nhiều mây, nhưng Hoa Kỳ được nói có thông tin bí mật cho Trung Quốc về các sự di chuyển binh sĩ Sô Viết dọc theo biên giới Sô Viết – Trung Quốc.

28. Đã có sự tường thuật rằng đã có đến 6 trận đụng độ biên giới lớn giữa Trung Quốc và Việt Nam trong thập niên 1980 (Zhang, 2005, trang 867, chú thích 78).

29. Khối lượng mậu dịch năm 2010 giữa Việt Nam và Trung Quốc lên tới 27,283 triệu mỹ kim với sự thâm thủng mậu dịch của Việt Nam là 12,775 triệu mỹ kim.  Các số thâm thủng như thế tượng trưng cho một chiều hướng gia tăng khổng lồ so với 189 trtiệu mỹ kim trong năm 2001, 1,724 triệu trong năm 2004, và 9,146 triệu trong năm 2007 (Niên Giám Văn Phòng Thống Kê Chính Phủ Việt Nam năm 2011).

—-

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Brzezinski, Zbigniew. (1983). Power and Principle: Memoirs of the National Security Adviser, 1977-1981. New York: Farrar ∙ Straus ∙ Giroux.

Bui Quang Tung. (1961). Le soulvement des Soeurs Trung. Bulletin de la Société des Etudes Indochinoises, Nouvelle Série, Tome, 36(1).

Chanda, Nayan. (1986). Brother Enemy: The War after the War. New York: Collier Books.

Chang, Pao-min. (1980). The Sino-Vietnamese Territorial Dispute. Asia Pacific Community, 8(Spring).

Chang, Pao-min. (1982). The Sino-Vietnamese Dispute over the Ethnic Chinese. China Quarterly, 90 (June).

Chen, Jian. (1993). China and the First Indo-China War, 1950-54. China Quarterly, 133(March).

Chen, Jian. (1995). China’s Involvement in the Vietnam War, 1964-69. China Quarterly, 142(June).

Chen, King C. (1979). China’s War with Vietnam, 1979: Issues, Decisions, and Implications. Stanford: Hoover Institution Press.

Chesneaux, Jean. (1969). Le Vietnam – Etudes de politique et d’histoire. (Fujida Kazuko [藤田和子], Trans.). Tokyo: Aokishoten [靑木書店]. (Tác phẩm nguyên thủy được xuất bản năm 1968).

Cuộc chiến tranh xâm lược của bọn phản động Trung Quốc và thất bại thảm hại của chúng [The Invasion of Reactionary China and their Tragic Defeat]. (1979, April 3-4). Nhân Dân.

Đại Nam thực lục chính biên [ĐNTL] đệ nhất, nhị [大南寔錄正編]. (1963-1976). Tokyo: The Oriental Institute of Keio University [慶應義塾大學 語學硏究所].

Đại Nam thực lục liệt truyện sơ tập [LT, 大南寔錄列傳初集]. (1962). Tokyo: The Oriental Institute of Keio University [慶應義塾大學 語學硏究所].

Đại Việt Sử Ký Toàn Thư [TT, 大越史記全書]. (1984-1986). Sưu tập bởi Chen Ching-ho [陳荊和]. Tokyo: Institute for Advanced Studies on Asia [東京大學 東洋文化硏究所].

Duiker, William J. (1976). The Rise of Nationalism in Vietnam, 1900-1941, Ithaca: Cornell University Press.

Duiker, William J. (1986). China and Vietnam: The Roots of Conflict. Berkeley: Institute of East Asian Studies, University of California.

Duiker, William J. (2000). Ho Chi Minh. New York: Hyperion.

Far Eastern Economic Review [FEER].

Fourniau, Charles. (1981). La fixation de la frontire sino-Vietnamienne 1885-1896. In Études indochinoises: frontires et contacts dans la peninsule indochinoise. Aix en Provence: Institut d’Histoire des Pays d’Outre-Mer.

Fujiwara, Riichiro [藤原利一郞]. (1970). Vietnamese Dynasties’ Policies toward Chinese Immigrants. Acta Asiatica, 18.

Fujiwara, Riichiro [藤原利一郞]. (1977). Recho zenky no min tono kankei (1428-1527) [黎朝前期の明との關係 (1428-1527), The Relations with the Ming Dynasty during the Early Period of the L Dynasty, 1428-1527]. In Yamamoto Tatsuro [山本達郞] (Ed.), Betonamu chugoku kankeishi [ベトナム中國關係史, A History of Vietnam-China Relations]. Tokyo: Yamakawa Chuppansha [山川出版社].

Gilks, Annie. (1992). The Breakdown of the Sino-Vietnamese Alliance, 1970-1979. Berkeley: Institute of East Asian Studies, University of California.

Ho Chi Minh. (1977).  Selected Writings, 1920-1969.

Hood, Steven J. (1992). Dragons Entangled: Indochina and China-Vietnam War. Armonk, NY: M.E. Sharpe.

Hou Han Shu [後漢書]. (1996). Beijing: Zhonghua shuju [中華書局]. (Tác phẩm nguyên thủy được xuất bản vào khoảng  năm 445).

Huruda, Motoo [古田元夫]. (1979). Betonamukara mita chugoku [ベトナムからみた中國, China Seen from Vietnam].Tokyo: Nittsu Chuppan [日中出版].

Jencks, Harlan W. (1979). China’s ‘Punitive’ War on Vietnam: A Military Assessment. Asian Survey, Vol. 19, No. 8 (August).

Kawamoto, Kunie [川本邦衛]. (1967). Betonamu no shi to rekishi [ベトナムの詩と歷史, Poetry and History of Vietnam]. Tokyo: Bungeishunju [文藝春秋].

Kawahara, Masahiro [河原正博]. (1977). Betonamu tokulitsuocho no seilitsu to Hatten (905-1009) [ベトナム獨立王朝の成立と發展 (905-1009), Formation and Development of Independent Vietnamese dynasties, 905-1009]. In   Yamamoto Tatsuro [山本達郞]  (Ed.), Betonamu Chugoku Kankeishi [ベトナム中國關係史, A History of Vietnam-China Relations]. Tokyo: Yamakawa Chuppansha [山川出版社].

Kenny, Henry J. (2003). Vietnamese Perceptions of the 1979 War with China. Trong sách biên tập bởi Mark A. Ryan và các tác giả khác (Eds.), Chinese Warfighting: The PLA Experience since 1949. Armonk, NY: M.E. Sharp.

Lawson, Eugene. (1981). China’s Vietnam War and its Consequences: A Comment. China Quarterly, 88 (December).

Lee, Kuan Yew. (2000). From Third World to First: The Singapore Story: 1965-2000. New York: Harper Collins.

Lý Tế Xuyên. (1960). Việt-Điện U-Linh Tập [越甸幽靈集]. Saigon: Nhà  Sách Khai-Tri.

Ming Shi: Minh Sử [明史]. (1997). Beijing: Zhonghua shuju [中華書局]. (Tác phẩm nguyên thủy được xuất bản năm 1739).

The Ministry of Foreign Relations, Socialist Republic of Viet Nam [ベトナム社會主義共和國外務省]. (1979). Chugoku Hakusho [中國白書, China White Paper or White Paper] (The Editorial Department of Nittsu Chuppan, Trans.). Tokyo: Nittsu Chuppan [日中出版].

Mio, Tadashi [三尾忠志]. (1988). Daikanminzoku daigokushugi to betonamu no daio [大漢民族大國主義とベトナムの對應, The Great Power Politics of the Great Han People and the Vietnamese Response to It]. In Mio Tadashi [三尾忠志] (Ed.), Indoshina o meguru koksaikankei [インドシナをめぐる國際關係, International Relations over Indochina]. Tokyo: Nihon Koksaimondai kenkyujo [日本國際問題硏究所].

Ngô Thì Nhậm [吳時任]. (không niên kỳ xuất bản). Bang Giao Hảo Thoại [邦交好話]. Viện Nghiên Cứu Hán Nôm, VHv. 1831.

Nguyễn Mạnh Hùng. (1979). The Sino-Vietnamese Conflict: Power Play among Communist Neighbors. Asian Survey, Vol. 19, No. 11(November).

Nguyễn Quang Ngọc. (2001). Giá trị các trang sử liệu viết về Hoàng  Sa, Trường Sa trong sách Phủ Biên Tạp Lục [The Value of the Materials on Hoang Sa and Truong Sa in the Phủ Biên Tạp Lục]. Nghiên cứu lịch sử, 5(September-October).

Nguyễn Trãi [阮廌]. (1972). Ức-Trai Tập. Quyển 1. Sàigòn: Phủ Quốc-Vụ-Khanh Đặc-Trách Văn-Hóa Xuất Bản, 1972.

O’Harrow, Stephen. (1979). Nguyễn Trãi’s Bình Ngô Đại Cáo of 1428. Journal of Southeast Asian Studies, 10-1(March).

Ozawa, Kazuo [大澤一雄]. (1977). Recho chuky no min∙sin tono kankei (1527-1682) [黎朝 中期の明∙淸」との關係 (1527-1682), The Relations with the Ming and Qing Dynasties during the Middle Period of the Lê Dynasty, 1527-1682]. In Yamamoto Tatsuro [山本達郞] (Ed.), Betonamu chugoku kankeishi [ベトナム中國關係史, A History of Vietnam-China Relations]. Tokyo: Yamakawa Chuppansha [山川出版社].

Qing Shi Gao [淸史稿]. (1998). Beijing: Zhonghua shuju [中華書局].

Phan Huy Lê. (1998). Tìm về cội nguồn [Search for the Historical Origin], tập 1. Hà Nội: Thế Giới Publishers.

The Record of the Summit Meeting between Kim Il Sung and Honecker (4) [김일성-호네커 정상회담 기록 (4)]. (1995, November). Wolganchosun [월간조선, Chosun Monthly], November 1995.

Renmin Ribao [人民日報].

Ross, Robert S. (1988). The Indochina Tangle: China’s Vietnam Policy, 1975-1979. New York: Columbia University Press.

Segal, Gerald. (1985). Defending China. Oxford: Oxford University Press.

Shihanouk, Norodom. (1980). War and Hope: The Case for Cambodia. New York: Pantheon Books.

Song Shi: Tống Sử [宋史]. (1995). Beijing: Zhonghua shuju [中華書局]. (Tác phẩm nguyên thủy được xuất bản năm 1345).

Suzuki. Chusei [鈴木中正]. (1966). Sin ∙ betonamu kankei no seilitsu [淸 · 越南關係の成立 , Normalization of the Relationship between the Qing and Vietnam]. Aichidaikaku bungauronso, 33∙34 [愛知大學文學論叢, 33 · 34 合倂號].

Suzuki, Chusei [鈴木中正]. (1977). Recho goki no sin tono kankei (1682-1804) [黎朝後期の淸との關係 (1682-1804), The Relations with the Qing Dynasty during the Later Period  of the L Dynasty, 1682-1804]. In Yamamoto Tatsuro [山本達郞] (Ed.), Betonamu Chugoku Kankeishi [ベトナム中國關係史, A History of Vietnam-China Relations]. Tokyo: Yamakawa Chuppansha [山川出版社].

Takeda, Roji [竹田龍兒]. (1977). Guencho shoki no sin tono kankei (1802-1870) [阮朝初期の淸との關係 (1802-1870),The Relations with the Qing Dynasty during the Early Period of the Nguyen Dynasty, 1802-1870]. In Yamamoto Tatsuro [山本達郞] (Ed.), Betonamu Chugoku Kankeishi [ベトナム中國關係史, A History of Vietnam-China Relations]. Tokyo: Yamakawa Chuppansha [山川出版社].

Taylor, Keith W. (1983). The Birth of Vietnam. Berkeley: University of California Press.

Thanh Niên. (2011, February 18).

Tretiak, Daniel. (1979). China’s Vietnam War and its Consequences. China Quarterly, 80 (December).

Trung Tâm Nghiên Cứu Trung Quốc. (2003), Quan Hệ Việt Nam – Trung Quốc, những sự kiện 1991-2000. Hà Nội: NXB Khoa Học Xã Hội.

Trương Bửu Lâm. (1968). Intervention Versus Tribute in Sino-Vietnamese Relations, 1788-1790. In Fairbank, John K. (Ed.), The Chinese World Order: Traditional China’s Foreign Relations. Cambridge, Mass.: Harvard University Press.

Turley, William S. & Race, Jeffrey. (1980). The Third Indochina War. Foreign Policy, 38 (Spring).

Văn Tạo. (1979). Chiến Thắng Lịch Sử của Dân Tộc Việt Nam chống Bọn Trung Quốc Xâm Lược [The historic Victories of the Vietnamese People against the Chinese Invasions], Nghiên cứu lịch sử, 2 (Tháng Ba-Tháng Tư).

Vietnam Government Statistic Office. (2011). Yearbook 2011.

Việt Sử Lược [越史略]. (1936). Shanghai: Shangwuin shuguan [商務印書館]. (Không ghi niên đại xuất bản của tác phẩm nguyên thủy).

VN Express. (2009, April 10).

Wikipedia. (n.d.). Pol Pot. Retrieved February 1, 2011, from http://en.wikipedia.org/wiki/Pol_Pot.

Womack, Brantly. (2006). China and Vietnam: The Politics of Asymmetry. Cambridge: Cambridge University Press.

Wolters, O.W. (1979). Historians and Emperors in Vietnam and China. In A. Reid & D. Marr (Eds.), Perceptions of the Past in Southeast Asia. Singapore: Heinemann Educational Books Ltd.

Woodside, Alexander. (1971). Vietnam and Chinese Model: A Comparative Study of Vietnamese and Chinese Government in the First Half of Nineteenth Century. Cambridge, Mass: Harvard University Press.

Yu, Insun [劉仁善]. (1994). Vietnam wonjo-ui seonglip-gwa ‘daenam’ jegukjilseo [베트남 阮朝의 성립과 ‘大南’帝國秩序, The Founding of the Nguyen Dynasty and ‘Dai Nam’ World Order]. Asia munhwa, 10 [아시아문화, 10].

Yu, Insun [劉仁善]. (2006). Le Van Huu and Ngo Si Lien: A Comparison of their Perception of Vietnamese History. In Tran Nhung Tuyet & A. Reid (Eds.), Viet Nam: Borderless Histories. Madison: University Wisconsin Press.

Yamamoto, Tatsuro [山本達郞]. (1943). Annanga dokuritsukoky o keiseishitaru no kenkyu [安南が獨立國を形成したる過程の硏究, A Study on the Process of Getting a Annamese Independence]. Toyo bunka kenkyujo kiyo, 1 [東洋文化硏究所紀要 1].

Yamamoto, Tatsuro [山本達郞]. (1950). Ananshi kenky I [安南史硏究 I, A Study on the Annamese History I]. Tokyo: Yamakawa Chuppansha [山川出版社].

Zhai, Qiang. (1992). China and the Geneva Conference of 1954. China Quarterly,129 (March).

Zhai, Qiang. (2000). China and the Vietnam Wars, 1950-1975. Chapel Hill: University of North Carolina Press.

Zhang, Xiaoming. (2005). China’s 1979 War with Vietnam: A Reassessment. China Quarterly, 184(December).

_____

Nguồn: YU Insun, The 1979 Sino-Vietnamese War from the Perspective of the Historical Relations between the Two Countries, The Journal of Northeast Asian History, Volume 8, Number 1 (Summer 2011), các trang 75-121.

Ngô Bắc dịch và phụ chú

05.05.2014

Bài Mới Nhất
Search