T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Việt Nguyên – Thảm sát Thiên An Môn: Nhìn lại Trung Quốc và Việt Nam

(Nguồn : Diễn Đàn Thế Kỷ)

Câu chuyện giàn khoan dầu HD 981 xảy ra như một chương trong chuyện Tam Quốc Chí tân thời trong đó Việt Nam dưới quyền lãnh đạo độc quyền của đảng CSVN đang chịu áp lực của kẻ thù truyền kiếp phương Bắc mang tên “người anh em thân thiết xã hội chủ nghĩa.”

Sau khi đặt giàn khoan dầu ngoài khơi Việt Nam với 80 chiến thuyền bảo vệ dằn mặt tạm thời đến tháng 8 năm 2014, Hoàng Ðế Trung Hoa Tập Cận Bình tiếp tục con đường đánh Mỹ, đón Putin tại Bắc Kinh với thái độ thân thiện (đi ra chào đón bắt tay chứ không đứng như Thiên triều đợi thần dân đến tiếp kiến) mua hơi đốt của Nga 400 tỷ Mỹ kim cân bằng với 500 tỷ Mỹ kim dầu thô Trung Hoa bán cho Nga, giải áp lực cấm vận của Hoa Kỳ và khối Âu Châu trên Putin sau màn kịch Putin diễn ở Crimea và Ukraine.

Trong khi Ukraine chỉ có một lối thoát duy nhất, đang tổ chức bầu cử tự do, Việt Nam giữ chế độ theo mô hình Trung Quốc đi cầu cứu Mỹ Ngụy. Lịch sử cận đại Việt Nam trong 39 năm từ ngày 30 tháng 4 năm 1975 sẽ ghi nhận điều khôi hài trớ trêu này. Năm 1995, Cộng Sản Việt Nam van nài Hoa Kỳ tái lập bang giao khi Việt Nam kiệt quệ sau khi Ðông Âu và Nga sụp đổ và người Việt hải ngoại đổ tiền về nuôi thân nhân đã giúp chế độ đứng vững. Ba mươi chín năm sau ngày đánh cho “Mỹ cút Ngụy nhào.” Ngoại Trưởng Phạm Bình Minh đi cầu cứu Mỹ, “Mỹ cút Hoa Kỳ vào,” hai cựu chiến binh Việt Nam John Kerry và John McCain lên tiếng bênh vực Việt Nam vì quyền lợi Thái Bình Dương của Hoa Kỳ. Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng chính thức chối bỏ công hàm Phạm Văn Ðồng, “Hoàng Sa, Trường Sa là của ta” vì Hoàng Sa, Trường Sa thuộc Việt Nam Cộng Hòa. Ðây không phải là lần đầu ông Dũng đã nhắc đến VNCH, năm 2012 và 2013 ông Dũng đã tuyên bố như vậy. Ông Phạm Bình Minh, con Cựu Ngoại Trưởng Nguyễn Cơ Thạch, học ở Mỹ về luật và ngoại giao qua học bổng Fullbright đã được Mỹ Ngụy dạy quốc tế công pháp, ông Minh biết muốn giữ Hoàng Sa, Trường Sa thì chính quyền Cộng Sản Việt Nam phải nhắc đến VNCH một quốc gia có chủ quyền và được Liên Hiệp Quốc công nhận. Ba mươi chín năm sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 người Việt Nam đã nhìn rõ ai là bạn ai là thù!

Biển Ðông nổi sóng với sự kiện giàn khoan dầu HD981 mới nhất là kết quả nhầm lẫn của thế giới và chính quyền Cộng Sản Việt Nam, họ đã tin vào tân Hoàng Ðế Tập Cận Bình cũng như báo chí Hoa Kỳ tháng 6 năm 1989 đã tin là đảng Cộng Sản Trung Quốc sẽ sụp đổ khi hàng triệu người Trung Hoa đổ ra đường biểu tình ở quảng trường Thiên An Môn và trên các thành phố lớn. Con người Ðặng Tiểu Bình năm 1978 qua Hoa Kỳ ru ngủ chính quyền và giới truyền thông Hoa Kỳ với chính sách đổi mới đã cho thấy bàn tay sắt đẫm máu của “con người cộng sản đổi mới.” trong ngày 4 tháng 6 năm 1989 ở quảng trường Thiên An Môn.

Năm nay là 25 năm kỷ niệm ngày thảm sát Thiên An Môn, đảng Cộng Sản Trung Quốc đã cố gắng xóa hết tất cả hình ảnh Thiên An Môn bằng bạo lực. Thế hệ mới không biết gì về cái ngày đau thương ấy còn thế hệ già bị bạo lực của chế độ cố xóa hình ảnh trong đầu họ bằng hệ thống công an. Ngày Thanh Minh, thân nhân nạn nhân Thiên An Môn đi tảo mộ bị các công an đi theo hộ tống canh chừng. Thiên An Môn chỉ được tưởng niệm bởi các thành phần đối kháng chế độ ngoài nước còn trong nước, gia đình nạn nhân tưởng niệm trong âm thầm. Nếu trong ngày 30 tháng 4, người Việt tưởng niệm với “một bông hồng cho người nằm xuống” thì ở Trung Hoa, bị cấm đoán, gia đình nạn nhân đi tảo mộ hay cúng ở nhà cho ngày “tứ lục” (4 tháng 6) (sau đổi là ngày “lục tứ” cho đúng theo lịch Tây Phương) họ vẫn nhắc nhau bằng tục lệ dâng hoa theo một câu thơ của bà Xu Hue tảo mộ chồng: “em xin dâng anh, 8 bông huệ, 9 bông cúc vàng, 6 bông tu líp trắng, 4 bông hồng đỏ (năm 89, tháng 6, ngày 4).

Giới quan sát Tây Phương trong đó có Tiến Sĩ Herry Kisssinger, nghĩ Ðặng Tiểu Bình là người ôn hòa khi lên cầm quyền, không đi con đường cách mạng đẫm máu của Mao Trạch Ðông. Hoa Kỳ viện trợ Trung Cộng để cân bằng lực lượng với Nga. Họ Ðặng sau khi củng cố quyền hành đi theo chiêu bài “làm giàu là vinh quang” (mặc dù không có tài liệu nào ghi lại khẩu hiệu này do họ Ðặng nói). Ngày 4 tháng 6, giới quan sát Tây Phương lẫn trong đám sinh viên biểu tình ở quảng trường Thiên An Môn, với quân đội cũng ngồi trên bực thềm quan sát biểu tình, không tin Ðặng Tiểu Bình sẽ cứng rắn nhất là khi cựu thủ tướng và Tổng Bí Thư Triệu Tử Dương cầm loa đứng về phe sinh viên. Trong 25 năm qua, báo chí Tây Phương vẫn nói rằng thảm sát có thể tránh khi Triệu Tử Dương đêm trước đó khuyên sinh viên đi về nhà, họ cho rằng sinh viên vì không nghe lời khuyên của họ Triệu nên thảm sát đã xảy ra với súng bắn vào đám biểu tình và xe tăng tràn cán sinh viên (hình ảnh biểu tượng ngày hôm ấy là một sinh viên can đảm đứng chắn xe tăng, người sinh viên anh hùng ấy biến mất cho đến hôm nay không ai rõ số phận của anh đã ra sao).

Hồ sơ mới nhất, 25 năm sau ngày thảm sát Thiên An Môn cho thấy Ðặng Tiểu Bình đã ghét và chống họ Triệu từ lâu, Triệu Tử Dương đi xuống, thảm sát không thể tránh và Ðặng Tiểu Bình đã cương quyết đàn áp bất cứ ai chống lại đảng cộng sản. Giết những người đi biểu tình và quản thúc Triệu Tử Dương 11 năm tại nhà là thông điệp của Ðặng Tiểu Bình gởi đến nhân dân Trung Hoa và các thành phần đòi theo Tây Phương. Sau thời kỳ bạo động của Mao Trạch Ðông với cách mạng văn hóa và vệ binh đỏ, họ Ðặng vẫn dùng “bàn tay sắt” để chống lại “bàn tay đen của ngoại bang.” Sinh viên ở quảng trường Thiên An Môn đã ngây thơ nghĩ quân đội không tàn sát họ như cha ông của họ những người đã sống dưới thời cách mạng Mao dặn dò.

Tập Cận Bình lên thay Giang Trạch Dân không phải là người cải tổ như mọi người lầm tưởng mặc dù cuộc đời của Tập Cận Bình long đong lận đận và là nạn nhân của chế độ Mao Trạch Ðông. Cha của Tập Cận Bình là một trong những người trong thế hệ tiên phong lãnh đạo đảng Cộng Sản Trung Quốc. Trong Cách Mạng Văn Hóa, cha của Tập Cận Bình bị thanh trừng, ông Tập con theo bố, bị đày đi chăn heo trong hang núi, sau đó họ Tập nộp đơn vào Ðảng nhưng bị từ chối đến mười lần. Họ Tập cay đắng với cuộc Cách Mạng Văn Hóa hơn những người khác nhưng cũng giống như những con cháu đảng viên trung kiên thời Mao: “Ðảng viên đi sai đường lối chứ bác và đảng không lầm.” Tập Cận Bình trung thành với đảng, nghiên cứu chủ thuyết Marx Lenin, sau đó được phép trở về Bắc Kinh. Bạn bè của Tập Cận Bình đã nhận xét, họ Tập còn “đỏ hơn đỏ.” Tranh đấu, trung kiên nhờ họ Ðặng bạn của bố, Tập Cận Bình leo lên đến bí thư đảng bộ rồi vào ban trung ương đảng năm 2007. Chỉ ba năm sau họ Tập lên đến tuyệt đỉnh danh vọng, Tổng bí thư đầu tiên gom tất cả quyền hành vào tay, chủ tịch nước, chủ tịch ủy ban quân quản, chính trị kinh tế quân sự trong tay như Hoàng Ðế Trung Hoa với quyền lực tuyệt đối. Ðảng Cộng Sản Trung Quốc thay đổi như vậy để theo đuổi giấc mộng Ðại Hán.

Ðóng kịch hay và giả dối hơn tất cả các lãnh tụ cộng sản khác như lần đi tham quan đập Dương Tử năm ngoái, nhằm ngày mưa, họ Tập đã tự xăn tay áo vén gấu quần tay cầm dù, làm dân Trung Hoa có cảm tưởng lãnh tụ bình dân muốn cải tổ thật sự, cộng thêm bà vợ đẹp cựu ca sĩ, Tập Cận Bình đã thu phục khối Tây Phương. Nhưng nói chống tham nhũng, mới lên cầm quyền họ Tập đã đóng mạng Bloomberg khi các nhà báo công bố tài sản của gia đình họ Tập lên đến 376 triệu Mỹ kim.

Họ Tập tiếp tục theo đường lối của Mao và Ðặng, dùng ngôn ngữ của Mao để dạy cán bộ đảng: “nhìn vào gương, tự cạo râu, tắm và tự chữa bệnh” (nhìn vào gương ngắm lại mình có nghĩa là theo kỷ luật đảng, cạo râu có nghĩa là cho dân thấy hình ảnh tốt, tắm nghĩa là đầu óc sáng suốt, tự chữa bệnh nghĩa là dạy và phạt những kẻ phạm lỗi đi sai đường lối đảng, tư tưởng Mao là nền tảng chế độ chỉ có cán bộ sai, đảng không sai, lịch sử của Trung Quốc phải tiếp tục tiếp tục con đường của đảng trên 60 năm qua).

Hình ảnh sáng giá của Tập Cận Bình với bà vợ ca sĩ đứng cạnh đánh lừa được nhiều người nhưng những kẻ thân cận trong đảng luôn luôn được họ Tập nhắc nhở phải theo đường lối của Mao Ðặng. Họ Ðặng với bàn tay đẫm máu giống như Mao trong cuộc cách mạng ruộng đất. Giữa thập niên 1950, Ðặng Tiểu Bình đã đàn áp các điền chủ ở Tây Nam Trung Hoa khi họ khuynh hữu và một lần nữa năm 1989 họ Ðặng đã đàn áp sinh viên đã “nghe theo lời dụ dỗ của ngoại bang.”

Tập Cận Bình thô bạo hơn Hồ Cẩm Ðào, lãnh tụ mạnh hơn với “giấc mơ Trung Hoa,” với huyền thoại Trung Quốc yêu chuộng hòa bình trong lịch sử trên 2500 năm. Với quân đội nhân dân giải phóng, họ Tập đang thực hiện giấc mơ Tây tiến về phía Trung Á, Tây Tạng và Nam tiến xuống Biển Ðông theo tinh thần quốc gia, Trung Quốc là cái rốn của vũ trụ. Lịch sử Trung Quốc của họ Tập là lịch sử của người Hán đi đánh, gây chiến với các quốc gia bạn từ Tây Tạng, Mông Cổ, Hồi Ngột, các nước Trung Á, xâm lăng Việt Nam, Ðại Hàn và Miến Ðiện.

Năm 2013, Tập Cận Bình chủ tịch ủy ban quân quản đã tuyên bố với quân đội: “Theo giấc mơ Trung Hoa nghĩa là cố gắng không ngừng đi theo con đường đã vạch sẵn, với ý chí cương quyết theo con đường xã hội chủ nghĩa.”

Giấc mơ “Hán hóa” của Tập Cận Bình ngược lại với lịch sử. Các quốc gia “Hán hóa” đã đem văn minh đến cho người Hán, nhà Nguyên xuất phát từ Mông Cổ đã đảm bảo an ninh “con đường lụa” từ Trung Hoa qua Ba Tư với giấy thông hành đầu tiên trên thế giới đã giúp Trung Hoa giao thương với các nước. Nhà Thanh có nguồn gốc từ vùng thảo nguyên Trung Á, hậu duệ nhà Nguyên, đã giúp người Hán văn minh hơn sau khi tục lệ “bó chân” phụ nữ được vua Càn Long bãi bỏ. Ðời nhà Ðường người Hán đã chịu ảnh hưởng văn minh Trung Ðông. Giấc mơ Trung Hoa thế kỷ 21 cũng giống như giấc mơ trong hàng nghìn năm trước. Giấc mơ của họ Tập tương tự giấc mơ của những “nhà giàu mới” với “bạo lực cách mạng.”

Gặp TT Obama ở California giữa năm 2013, Tập Cận Bình nói đến “Giấc mơ Trung Hoa” để người nghe liên tưởng đến “Giấc mơ của người Mỹ” nhưng về phương diện thực tế hai giấc mơ khác nhau một trời một vực về giá trị. Giấc mơ Trung Hoa là giấc mơ Ðại Hán, giấc mơ Hán hóa của bọn lãnh tụ cộng sản còn dân Trung Hoa đang mơ “giấc mơ của người Mỹ” với tự do dân chủ là giá trị căn bản. “Giấc mơ Trung Hoa” của người Hoa là chuyển tài sản qua Mỹ, mua nhà ở Mỹ, cho con cái đi du học ở Mỹ với hơn 650 tỷ Mỹ Kim đã được các đại gia chuyển qua Hoa Kỳ năm 2013.

“Giấc mơ Trung Hoa” của họ Tập gây ra tinh thần yêu nước quá độ. Giới chức và báo chí Trung Cộng đã chỉ trích Việt Nam không kiểm soát tinh thần yêu nước cực độ của người Việt để dẫn đến những cuộc biểu tình đập phá hãng xưởng Trung Quốc vào đầu tháng năm nhưng “Gậy ông đập lưng ông,” tinh thần yêu nước quá khích của đảng cộng sản Trung Quốc đã đập lại họ. Những kẻ ăn có hôi của trong những cuộc biểu tình ở Việt Nam phải bị trừng trị, nhưng tinh thần “tự bộc phát” của những người yêu nước sau nhiều năm bị đàn áp đã bùng nổ. Những cảnh đập phá đốt cơ sở gần như trùng với những ngày gần 30 tháng 4 năm 1975 đã khiến người bàng quan không thể so sánh cảnh hỗn loạn 39 năm trước. Những người giàu có cũng đã chuyển tài sản và đưa con cháu đi du học. Những người biểu tình đập phá ở Việt Nam khiến chính quyền Trung Cộng giận dữ đóng bộ mặt lương thiện để thế giới quên đi tên cướp biển cướp của đốt nhà có kế hoạch hơn là những kẻ ăn có trong đám biểu tình. Các cuộc biểu tình ở Việt Nam trong đầu tháng 5, 2014, không thể so sánh với những cuộc biểu tình chống Nhật do chính quyền Trung Cộng tổ chức vào ngày 19 tháng 8 năm ngoái trên 10 thành phố lớn ở Trung Hoa. Xe Nhật, hãng Nhật đã bị đập phá, thiệt hại nặng, chính quyền Trung Cộng đổ lỗi cho tội ác Nhật ở Nam Kinh trong thời thế chiến thứ hai! Hơn 3,000 công nhân Trung Hoa di tản về nước, điều này tốt cho nền kinh tế Việt Nam. Với chủ nghĩa thực dân mới, Trung Cộng đưa công nhân đến các nước để làm những cộng việc tay chân, xem rẻ trình độ dân bản xứ, đem cả nhân viên an ninh đến các nước, không đóng thuế chính quyền địa phương, các hãng xưởng chỉ làm lợi cho chủ nhân và chính quyền Trung Cộng cũng như có lợi cho chính quyền cộng sản Việt Nam qua tham nhũng và hối lộ.

Chế độ thực dân mới của Trung Cộng tệ hại hơn các “đế quốc Anh, Pháp, Mỹ.” Chế độ ấy đã bị phản đối ở nhiều nơi trên thế giới. Việt Nam là nước gần như sau cùng phản đối chính sách của Trung Cộng. Chế độ thực dân mới của Trung Cộng đã gây những bạo động ở Tân Cương với những hình thức chống đối bạo động hơn ở Việt Nam, những phương pháp tự sát, bắn vào đám đông, đặt bom trên xe vào chợ để giết người Hán không khác gì khủng bố của Việt Cộng trong thời chiến tranh Việt Nam. Ở Tây Tạng, những cuộc tự thiêu xảy ra thường xuyên đi trái với lời khuyên của Ðạt Lai Lạt Ma. Ngay cả dân Phi Châu, những người thường bị khinh thường bị gọi là mọi, cũng đã nhìn thấy cái họa Trung Quốc. Giới trí thức Nigeria đã viết bài “văn minh Trung Hoa không hơn Phi Châu” khi họ nhìn thấy cảnh du khách Trung Hoa văng tục, nhổ nước miếng, đứng đái ở nơi công cộng và công nhân thiếu trình độ hơn họ. Trong năm 2003, ở Zambia có hơn 16 người Trung Hoa bị bắt và giết sau những cuộc bạo động, mỏ đồng giao cho Trung Cộng khai thác bị chính quyền lấy lại để mướn công nhân Zambia. Mười bảy công nhân mỏ vàng ở Ghana bị bắt giữ làm con tin. Thống đốc ngân hàng Trung Ương Nigeria đã lên tiếng cảnh cáo: chính quyền Trung Cộng ăn cướp tài nguyên thiên nhiên rồi bán lại hàng hóa rẻ tiền cho dân Nigeria. Chính quyền Trung Cộng khinh thường dân Phi Châu ngu dốt, xây xa lộ để khai thác tài nguyên thiên nhiên nhưng không dạy dân Phi Châu tu bổ, khi Trung Cộng rút về, xa lộ sập, đường sá hư, dân Phi Châu phải làm lại từ đầu. Tổng Thống Nam Phi Zuma gọi Trung Quốc là “hình thức đế quốc mới, chủ nghĩa thực dân mới, kiểu giao thương này không thể kéo dài.” Ở Nam Mỹ, chính quyền Ba Tây giới hạn đầu tư của Trung Hoa trong các xưởng nội địa, xung đột với công nhân đã khiến chính quyền đuổi người Hoa về, lấy lại quặng mỏ. Những cuộc biểu tình ở Việt Nam sau khi giàn khoan HD 981 đặt ngoài khơi Việt Nam không phải là biểu tình “bài Hoa” như tuyên truyền của cộng sản, những cuộc biểu tình này cũng giống như những cuộc biểu tình ở các quốc gia khác trên thế giới chống “bá quyền Trung Cộng,” chống chính quyền Bắc Kinh tham lam hống hách thiếu đồng minh, thiếu bạn mặc dù cố gây trục mới BRISC (Ba Tây, Nga, Ấn, Hoa, Nam Phi). Chính sách bài Hoa ở Việt Nam chỉ có vào năm 1975 khi cộng sản Việt Nam đuổi người Hoa, qua chính sách đánh phá tư sản mại bản, ra biển dưới hình thức vượt biên bán chính thức từ trong Nam ra Hải Phòng, khiến Ðặng Tiểu Bình có lý do để dạy cho Việt Nam một bài học năm 1979.

Cuộc thăm dò của đài BBC năm 2013 cho thấy trong các quốc gia trả lời thăm dò, 42 % thuận 39% chống đối Trung Cộng. Con số chống đối tăng hơn 50% trong năm nay.

Ở Á Châu, Miến Ðiện là bài học cho Việt Nam. Trung Cộng trong bao năm vào Miến Ðiện chở vàng, nguyên liệu, khoáng sản về Trung Hoa, gọi là đầu tư nhưng Trung Cộng đã khai thác không cần biết đến tai họa môi sinh. Năm 2013, Tổng Thống Thein Sein đã thức tỉnh, xây lại chế độ tự do, thả tự do cho bà Aung San Suy Kyi, ngưng dự án xây đập thủy điện Myitsone 3 tỷ Mỹ Kim sau khi các kỹ sư Miến Ðiện tin những nghiên cứu Tây Phương cho thấy đập nước gây nạn lụt cho một vùng diện tích gấp 4 lần Manhattan Nữu Ước. Chính quyền Miến Ðiện biết từ chối hối lộ của Trung Cộng và không đi theo mô hình Trung Quốc.

Giống như câu của Hoàng Ðế Napoleon, ông Guy De Jonquières chuyên viên người Anh theo dõi các vấn đề Trung Hoa đã nhận định: “Trong vòng ba thập niên qua Trung Hoa cho thấy họ có thể làm rung chuyển trật tự thế giới” nhưng khác với Napoleon, ông Jonquières nói tiếp “nhưng họ chưa cho thấy họ có thể vẽ một trật tự mới.”

Tranh chấp ở Thái Bình Dương đã đẩy các quốc gia có mặt biển 3 triệu 500 ngàn cây số vuông vào tay che chở của Hoa Kỳ ngoại trừ Việt Nam. Quan hệ Hoa Kỳ và Trung Hoa không đầm ấm như giữa “con nợ” và “chủ nợ.” Cả hai bên đều không tin nhau như chiến tranh lạnh. T.T. Obama đẩy mạnh thương thuyết lập hội các nước hợp tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) tự do mậu dịch gồm 12 quốc gia ngoại trừ Trung Cộng (Việt Nam đang đợi được chấp nhận, vấn đề nhân quyền phải được giải quyết) nếu Nhật và Ðại Hàn gia nhập TPP thì tổng cộng 30 % mậu dịch toàn cầu về hàng hóa và dịch vụ sẽ làm cán cân giao thương nghiêng về khối tự do.

Hoa Kỳ và Trung Cộng gần đây tăng gia chiến tranh lạnh về mặt tin tặc tấn công trên mạng với các gián điệp Trung Cộng bị truy tố ra tòa. Trung Cộng phản đối triệu đại sứ Mỹ đến để phản đối (khác với Việt Nam không hề triệu đại sứ Trung Cộng để phản đối giàn khoan dầu). Ngay cả Ấn Ðộ, quốc gia được Trung Cộng mời vào khối BRICS cũng xem Trung Cộng là mối de dọa mới với thống kê 4/5 dân Ấn không tin Trung Cộng của Tập Cận Bình.

Cựu Thủ Tướng Lý Quang Diệu người dạy Cộng Sản Trung Quốc làm kinh tế, đã phải nói: “kích thước của Trung Hoa khiến cho phần còn lại của Á Châu kể cả Ấn, Nhật khó sánh được với khả năng và sức mạnh trong 20 đến 30 năm vì vậy chúng ta cần Mỹ để quân bình.” Cán cân này sẽ khác nếu Mỹ, Ấn, Nhật hợp lại và bên kia phương Tây với khối Âu Châu có tổng sản lượng quốc gia lớn nhất trên thế giới (gấp đối Trung Hoa) gồm 26 quốc gia kể cả cường quốc kinh tế Ðức cùng Anh và Pháp.

TT Obama nói Hoa Kỳ sẽ tìm mô thức hợp tác với Trung Hoa nhưng không có dấu hiệu tiến triển. Hạm Ðội Thứ Bảy ở Okinawa với 60 đến 70 tàu chiến, 300 chiến đấu cơ và 40,000 quân cùng với căn cứ Guams và căn cứ Saipan mới ở Nam Thái Bình Dương là cái gai chướng mắt cho Trung Cộng.

CSVN đang có một dịp may chọn lựa: Một bên là Hoa Kỳ quốc gia có nền kinh tế lớn nhất thế giới đang hồi phục trên con đường đi lên, nơi đầu tư quốc tế đứng đầu, đồng minh kéo dài từ Nhật đến biên giới Nga đa số các quốc gia ấy giàu và đang tăng trưởng, có hệ thống quốc phòng mạnh, có các đại học nổi tiếng gồm nhiều nhân tài với khả năng sáng tạo phát minh, hệ thống luật pháp phân minh hiệu quả dù có khuyết điểm, quốc gia văn hóa với tự do ngôn luận. Một bên là Trung Cộng quốc gia có nền kinh tế bằng nửa tổng số các quốc gia khác, tiêu chuẩn sống thấp, ô nhiễm, tham nhũng, dựa vào nguyên liệu các nước khác, ăn cắp kỹ thuật các nước khác, làm hàng giả, đồ ăn cắp không óc sáng tạo, có quân đội lớn nhất thế giới với vũ khí nguyên tử đe dọa các nước láng giềng, một quốc gia “trong cái thịnh có nhiều cái suy” với nhiều biểu tình chống đối, xã hội bất ổn.

“Hoàng Sa, Trường Sa là của ta,” đài truyền hình Việt Nam mấy tuần nay vẫn chiếu khẩu hiệu này của chính quyền và đảng, bao giờ Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng có can đảm đem khẩu hiệu “yêu nước là không yêu mô hình Trung Quốc”?

Bài Mới Nhất
Search