T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Góp ý với nhà văn Phạm Thị Hoài Về những từ “đấu tố”, “bất hiếu”….

Kiều Phong

pham_thi_hoai
Nhà văn Phạm Thị Hoài

(Nguồn : Sangtao.org)

Bài “Ngày về” của cô có quá nhiều “vấn đề” cần thảo luận. Thì giờ eo hẹp, tôi chỉ tập trung vào những lập luận, lý lẽ của cô trong đoạn này:

Tôi không coi việc làm của con trai nhà văn Võ Phiến là hành động „đấu tố cha“ hay „bất hiếu“, như phần lớn phía dư luận đang phẫn nộ, đặc biệt ở hải ngoại. Máu mủ không phải là tiêu chuẩn để xác định đúng sai thiện ác. Chẳng lẽ chúng ta phải ca ngợi từ Kim Chính Nhật đến Kim Chính Ân, những người con trung thành nhất với cha ông? Lịch sử quá nhiều điên đảo và phân cực của Việt Nam tất yếu chia cắt và chia rẽ, thậm chí con người này đả đảo con người kia ngay trong một con người. Con cái Phạm Quỳnh bất hiếu chăng, khi tận trung phục vụ cho chế độ đã giết cha mình? Cù Huy Hà Vũ là một nghịch tử chăng, khi chống lại cái chế độ mà cha mình là một trong những công thần khai quốc? Chúng ta lấy quyền gì mà đem những quả tạ đạo đức ra đặt ùm ùm, lúc thì lên cán cân bên này, lúc thì lên cán cân bên kia, chỉ để lẩy cho được cái kết quả trọng lượng đang cần cho sổ sách trong những trường hợp như thế? „Trường hợp Thu Tứ“ chỉ là điển hình cho những xung đột đã và đang giằng xé người Việt trong mọi quan hệ và trên mọi bình diện. Nạn nhân là tất cả mọi thứ, riêng gì đâu tình phụ tử.

Là một trong những người dùng từ “đấu tố”, “bất hiếu” cho hành động của con trai nhà văn Võ Phiến, tôi xin thưa với cô thế này:

Từ “đấu tố” hay “tố khổ” (thường được dùng với ý nhẹ nhàng hơn, sau này trở nên thông dụng,) là sản phầm của Bác và Đảng. Nó chào đời mang một ý nghĩa tốt đẹp, đầy vinh dự là sẽ góp phần vào sự nghiệp đưa vùng đất bị Công sản chiếm đóng tiến mau tiến mạnh lên xã hội chủ nghĩa. Nó là “quốc sách” của Bác trong giai đoạn ấy.
Nó chỉ bị mang ý nghĩa xấu xa sau khi hành động “đấu tố” trình ra trước mắt thiên hạ những màn “tố điêu”, “mớm tố”, “ép tố”, thuần túy là những vụ giết người mà nạn nhân bị sỉ nhục hành hạ rất lâu trước khi chết, hầu hết chết oan.

Đây là cảnh con tố cha tiêu biểu: Người cha bị trói quỳ giữa pháp trường, nhân dân vây quanh chờ phiên xông vào chửi bới, đánh đập. Anh con xuất trận đầu tiên, chỉ vào mặt cha mà kể tội… Sau cùng là cán bộ Cải Cách Ruộng Đất quyền bao gồm luôn lập pháp, tư pháp, hành pháp. Luật thì nếu cần, bịa thêm ngay tại chỗ, bằng cớ nếu thiếu thì bổ túc tại trận, rồi kết án, rồi thi hành án.

Hành động của anh con được cả hai phe Quốc Gia, Cộng Sản gọi là “đấu tố” cha. Một bên chê là bất nhân, bất hiếu, một bên ca tụng là hy sinh tình gia đình để phục vụ Tổ Quốc.

Anh Thu Tứ, con trai nhà văn Võ Phiến đã có những hành động giống hệt như thế. Anh đọc kỹ sách bố, đàm đạo, phỏng vấn để điều tra thêm tư tưởng, thâu thập bằng cớ kết tội, rồi viết bài đăng báo ở Việt Nam, nghĩa là mời tất cả cán bộ Tuyên giáo, Công an văn hóa đến ngồi quanh “đấu trường”, nghe anh dõng dạc kể tội “ông bố phản động”, anh trưng ra thật nhiều chứng cớ buộc tội, rồi đề nghị luôn bản án: chặt bớt chân tay, xẻo tai cắt mũi tên này (gọt Võ Phiến cho vừa khuôn Thu Tứ – PTH) để từ nay hắn khỏi “làm hại nước” (cô rành chuyện ngụy trang, có thấy anh ta ngụy trang hai chữ “phản quốc” khéo không?). Rồi anh ta tiết lộ thêm là đã mạn phép cán bộ Tuyên giáo cắt xén thân thể văn chương của bố tơi bời hoa lá rồi.

Tóm tắt, anh ta tạo ra một khung cảnh có đủ yếu tố cần thiết xứng danh “đấu tố”. Cũng có nạn nhân đứng giữa pháp trường, cũng có tập đoàn cán bộ, ở đây là những quan chức ngành Tuyên giáo được anh khẩn khoản mời đến làm chủ tọa, cũng có đám đông nhân dân là độc giả trong và ngoài nước vây quanh, nhiều người sẵn sàng tiếp tay anh chỉ mặt nạn nhân, kể thêm tội lỗi mà đấu tố viên Thu Tứ bỏ sót. Rồi Tuyên án, rồi thi hành án lệnh (có cái anh đã nhanh tay thi hành trước rồi.)

Không gọi là “đấu tố” thì gọi là gì?

Có nhiều vị cẩn thận thêm hai chữ “văn chương”, “đấu tố văn chương”.

Tôi nghĩ không cần. Trong lúc tố cha, Thu Tứ không chỉ nêu ra những sai lầm văn chương (văn trong cuốn “Mưa Đêm Cuốn Năm” dở ẹc, bị Nhất Linh chê!) mà vạch rõ những tội trong tư tưởng lập trường “phản động” ở chính con người Võ Phiến như: phá hoại đoàn kết dân tộc, phản quốc… toàn những tội có ghi rõ trong Hình Luật, nghĩa là Đảng túm được văn thì giết văn, Đảng tóm được người thì bỏ tù người.

Đảng không thể bắt được người, chưa cấm sách, không có nghĩa là hành động đấu tố không xảy ra.

“Đấu tố” đã trở thành một từ ngữ chung của toàn dân Việt. Trong lúc tôi lên án hành động đấu tố cha của TT thì ở Hà nội, một ông Tuyên giáo có thể phán ngay: “Võ Phiến viết lách toàn giọng phản động, tố là phải.” Một bên chê dở, một bên khen hay, tùy chỗ đứng, nhưng cùng dùng một từ. Vì ông Tuyên giáo và tôi cùng là người Việt, cùng nói tiếng Việt, giản dị thế thôi.

Khi chọn từ để diễn tả sự việc, con người v.v… chúng tôi chọn những từ đúng, hoặc gần đúng nhất. Đấu tố văn chương hay đấu tố người thì cũng là đấu tố. Nếu những từ ấy hàm ý kết tội thì bởi vì hành động những từ ấy diễn tả tự chúng đã mang những thành tố xấu xa đáng bị kết tội.

Bây giờ đến từ “bất hiếu”. Cô viết:

Máu mủ không phải là tiêu chuẩn để xác định đúng sai thiện ác. Chẳng lẽ chúng ta phải ca ngợi từ Kim Chính Nhật đến Kim Chính Ân, những người con trung thành nhất với cha ông,? Lịch sử quá nhiều điên đảo và phân cực của Việt Nam tất yếu chia cắt và chia rẽ, thậm chí con người này đả đảo con người kia ngay trong một con người.

Phải công nhận: đây là những câu văn kiêu kỳ, hơi õng ẹo, nhưng giầu tính văn chương, lên bổng xuống trầm như nhạc, kêu to và bay cao vào bậc nhất. Chỉ tiếc nó bay cao quá nên lũ phàm nhân chạy huỳnh huỵch trên mặt đất với không tới, đuổi theo không kịp, nghệt mặt ra cả lũ.

Sao cô lại nghĩ rằng trách Thu Tứ “bất hiếu” là có ý bắt mọi người từ nay phải ca ngợi từ Kim Chính Nhật đến Kim Chính Ân, bất chấp thành tích của họ? Nghĩa là đã dại dột mắng một thằng con Việt Nam bất hiếu thì từ nay phải gân cổ ca tụng những lãnh tụ độc tài ở Hàn Quốc vì họ có hiếu? (rồi sau đó phải ca tụng tất cả những người con có hiếu trên khắp thế gian chăng?)

Nối kết hai chuyện ấy với nhau bằng lập luận kỳ quái như thế, cô không thấy là mình đang ngụy biện một cách ngớ ngẩn hay sao?

Cô lại hỏi dồn dập: “Con cái Phạm Quỳnh bất hiếu chăng, khi tận trung phục vụ cho chế độ đã giết cha mình? Cù Huy Hà Vũ là một nghịch tử chăng, khi chống lại cái chế độ mà cha mình là một trong những công thần khai quốc?”

Khi đề cập chuyện cha con có lập trường chính trị đối nghịch nhau, người ta không nói chuyện hiếu đễ nữa. Con cái Phạm Quỳnh tận trung phục vụ cho chế độ đã giết cha mình sẽ được người cùng phe ca tụng là sáng suốt, chọn đứng về phía có chính nghĩa. Còn phe kia thì nguyền rủa: “Nhà ấy vô phúc sinh ra lũ con theo giặc.”

Muốn được tước hiệu bất hiếu cần làm thêm vài thủ tục lỉnh kỉnh, chẳng hạn chửi cha, đánh mẹ, tự tay trói cha đem nộp cho kẻ thù của cha v.v… Giầu có mà bỏ mặc cha mẹ đói khổ, cũng đạt tiêu chuẩn.

Cù Huy Hà Vũ chỉ chống lại cái chế độ mà cha mình là một trong những công thần khai quốc? thì đâu có xứng danh Nghịch tử. Phải về Việt Nam tổ chức một tòa án nhân dân, có đầy đủ quan chức ban Tuyên giáo, đứng trước mồ Huy Cận, đích thân tố cáo những bài thơ của Huy Cận là ủy mị, tiểu tư sản, “làm hại nước”, để dẫn tới bản án tịch thu, tiêu hủy những tác phẩm của cha mình. Như Thu Tứ vậy. Sẽ xứng danh “nghịch tử” ngay tút suỵt.

(Nếu CHHV tổ chức đấu tố thân phụ giữa khu Bolsa, cho hợp lập trường chống Cộng, thì lại hỏng. Vì ở đây không có ban Tuyên giáo đến hoan hô, khen thưởng, không có Công an văn hóa đến đốt giùm chồng sách ông muốn thiêu hủy. Ông cứ đứng giữa chợ đọc một bài diễn văn tố cha dài gấp đôi, hay ho sâu sắc gấp mười bài văn của Thu Tứ, cũng không có một cơ quan nhà nước nào xông tới đẽo gọt cấm đoán thơ Huy Cận. Đám nhân dân vây quanh ông lại càng vô tích sự. Toàn những khách qua đường tò mò xúm xít coi một thằng điên.)

So sánh đứa con cầm vũ khí, hoặc dao hoặc bút, trực tiếp đâm thân phụ, vừa đâm vừa gào thét kêu công an đến bắt cha về tội phản động, phản quốc, với một người con chỉ khác chính kiến với cha … để nhất định gỡ cho hắn cái nhãn “bất hiếu”, nỗ lực “cứu hộ” của cô ở đây thật phi thường, nhưng không thành công.

Dù sao, cách đánh giá khiên cưỡng, coi mức độ trầm trọng của hai trường hợp bằng nhau cũng đỡ khiến độc giả “lạnh nguời” như khi nghe cô quyết đoán rằng những kẻ chê Thu Tứ bất hiếu như tôi là có ý đồ bắt thiên hạ ca tụng ba đời lãnh tụ họ Kim ở Bắc Hàn.

Tôi thắc mắc: lâu nay nhà văn Phạm Thị Hoài tỏ ra là người khiêm tốn, nếu kiêu căng thì cũng tế nhị, kín đáo. Sao bỗng dưng có giọng thầy đời, mục hạ vô nhân đến thế này? May quá, tìm thấy câu trả lời trong đoạn văn này:

“Chúng ta lấy quyền gì mà đem những quả tạ đạo đức ra đặt ùm ùm, lúc thì lên cán cân bên này, lúc thì lên cán cân bên kia, chỉ để lẩy cho được cái kết quả trọng lượng đang cần cho sổ sách trong những trường hợp như thế?”

Hóa ra cô chọn cho mình một chỗ đứng cao sang, cách biệt hẳn với bọn người đứng ở chỗ thấp tè dưới kia đang xôn xao bàn tán về vụ này. Và từ cõi tiên nhìn xuống trần gian, cô thấy hai phe tranh luận đang đem những quả tạ đạo đức ra phang lên đầu nhau, rất lộn xộn, khiến cô khó chịu. Cô nghi tất cả những người tham dự cuộc tranh luận đều bất tài, nói chuyện văn chương mà cứ phải đặt ùm ùm mấy kí lô đạo đức vào cho lý lẽ của mình thêm nặng ký.

Vậy xin tường trình để người trên tiên giới thấu hiểu chuyện trần gian:

Thư viết cho Thu Tứ, tôi phân tích hai chuyện: những cái sai trong văn chương và những lầm lỗi trong hành động. Cái sai văn chương là những đoạn văn lý luận quàng xiên, nhảm nhí. Lầm lỗi trong hành động là tố cha để phục vụ Bác Đảng, đi ngược truyền thống đạo đức của dân tộc. Và gạt ra ngoài điều không may, Thu Tứ là con VP, anh ta làm hai điều đáng trách:

1- Đứng trên lập trường của cường quyền để lên án sự nghiệp và công trình tâm huyết của một nhà văn.
2- Xâm phạm tự do sáng tác bằng cách tự mình đóng vai trò người kiểm duyệt.

Có nhà văn chân chính nào, trong và ngoài nước, chấp nhận, hay muốn làm ngơ trước các điều sai trái trên?
Thu Tứ là con VP, chỉ là yếu tố không may, nhưng không thể bỏ qua. Và trong trường hợp này, chê Thu Tứ, không có nghĩa phải đề cao những người hiếu thảo với cha mình, bất chấp thành tích của họ.

Nói chuyện lầm lỗi trong hành động thì phải dựa vào “quả tạ đạo đức”, (đôi khi cần thêm “quả tạ pháp luật” nữa). Phe Quốc gia, phe Cộng Sản mỗi bên ôm riêng một quả, không nhất thiết hoàn toàn khác nhau, vì chung tổ tiên, vì cùng thuộc về loài người.

Thời Cải Cách Ruộng Đất, Bác Hồ ra lệnh đấu tố rồi giết bà Cát Hanh Long, quả tạ Đạo đức của Bác, có xâm hình bác Mao, khen rối rít Bác đã giết người bất kể ân nghĩa vì tiền đồ của tổ quốc. Quả tạ của chúng tôi, vang vang lời dậy của tổ tiên, thì nhất định lên án hành động cố tình giết oan một đại ân nhân của mình là trái luân thường đạo lý, tàn ác, phi nhân…

Sau đó, hình bác Mao nhạt nhòa, quả tạ đạo đức của Bác Hồ hình như đánh giá lại hành động sát nhân của Bác, và từ góc nhìn giống chúng tôi, Bác khóc.

Lúc đó, khi quả tạ của chúng tôi lên án Bác Hồ, nó không được phép nghĩ xa xôi rằng biết đâu mai mốt cả miền Nam bị Cộng sản chiếm luôn, thì nó sẽ bị gắn cho những quan niệm, quy luật, tiêu chuẩn mới để thấy “đấu tố” là hay, là đẹp, khiến nó sẽ mắc cỡ chết luôn, nên tốt hơn hết, cứ câm miệng ngay từ đầu, cho chắc ăn.

Cũng như ngay lúc này đây, quả tạ của chúng tôi thấy Thu Tứ là một đứa con bất hiếu, một người phản trắc, bội bạc, thì quả tạ ở Việt Nam đang sửa soạn trống kèn cờ xí chào mừng một vị anh hùng có công đánh phá nhà văn “làm hại nước” Võ Phiến. Không phe nào chịu nghĩ xa như cô Hoài, tưởng tượng về những biến cố sẽ diễn ra trong một tương lai mờ mịt, xa xôi, lo ngại rằng lời hướng dẫn của quả tạ đạo đức lúc đó sẽ mất giá trị, nên quẳng nó đi từ bây giờ, cho chắc ăn.

Cô lấy quyền gì, nhân danh cái gì mà đòi hỏi hai phe, cả trong và ngoài nước, một chuyện khó như thế?

“… đem những quả tạ đạo đức ra đặt ùm ùm, lúc thì lên cán cân bên này, lúc thì lên cán cân bên kia, chỉ để lẩy cho được cái kết quả trọng lượng đang cần cho sổ sách trong những trường hợp như thế?”

Câu văn toát ra giọng bỉ thử dành cho chuyện “đạo đức” và vẻ khinh miệt dành cho những người tham dự cuộc tranh luận, phản ảnh một thái độ kiêu căng bất thường của tác giả.

Nếu cô thực sự thấy mình cần kiêu căng như thế thì chả nói làm gì. Nếu đây chỉ là một sơ xuất, một tai nạn nhỏ trong lúc viết lách thì tôi có thể chỉ cho cô cái nguyên nhân: nó bắt nguồn từ việc cô dùng từ ngữ.

Thấy tôi và nhiều vị khác gọi Thu Tứ là bất hiếu, cô khó chịu vì người ta dùng “đạo đức” như vũ khí chính để “đánh” anh ta, cô liên tưởng tới “quả tạ”, và mất thiện cảm với nó, thấy “đạo đức” hiện hình thành một thứ vũ khí tầm thường như cái búa, con dao, như… một “quả tạ”.

Danh từ “quả tạ đạo đức” lập tức kéo theo động từ, trạng từ “đặt ùm ùm”, toàn những hình ảnh âm thanh gai mắt, chướng tai, làm nẩy sinh nhu cầu phải lập tức trách mắng lũ người đáng khinh đang ôm tạ đánh nhau ồn ào trước mắt mình.

Nếu cô bình tâm, tránh hai chữ đầy vẻ miệt thị là “quả tạ” mà dành cho đạo đức một chút tôn trọng, cho nó hưởng những từ lịch sự hơn, thí dụ “nền tảng”, “nền tảng đạo đức”, và cô hỏi: “Các anh dựa vào nền tảng đạo đức nào?…” thì lập tức những trạng từ, tĩnh từ kiểu như “ùm ùm” sẽ biến mất, nhu cầu trách mắng tỏ ý khinh miệt người đối diện cũng không còn. Câu chất vấn của cô mất vẻ hùng hổ, hung hăng, sẽ đến với chúng tôi trong phong thái nhã nhặn, lịch sự, xứng đáng để nhận những câu trả lời nghiêm chỉnh, khoan hòa.

Từ ngữ dùng cẩu thả có thể đẩy mạch văn của ta về một hướng khác mục tiêu dự kiến. Cảm hứng tuôn trào không kiềm chế cũng dẫn văn chương ta đi quá xa, như bong bóng vuột khỏi tay, bay vút lên, thoạt nhìn, thấy phồng to, rực rỡ mầu sắc, nhưng nhìn kỹ, thấy rỗng không, chữ thì nhiều mà nghĩa chẳng bao nhiêu.

Thí dụ như câu kết trong đoạn văn ấy: “Trường hợp Thu Tứ“ chỉ là điển hình cho những xung đột đã và đang giằng xé người Việt trong mọi quan hệ và trên mọi bình diện. Nạn nhân là tất cả mọi thứ, riêng gì đâu tình phụ tử.”

Thôi mà, làm gì mà to chuyện thế! Chuyện con cầm dao giết cha mẹ trong lịch sử Việt Nam, lịch sử nhân loại cũng có, nhưng không nhiều. Cầm bút đâm cha như Thu Tứ, thời Nhân Văn Giai Phẩm, suốt những tháng ngày cực thịnh của đấu tố loại này, hình như cũng không có. Chỉ thấy các văn hữu thân thương múa bút đâm chém nhau kịch liệt để Bác Đảng vui lòng. Không nhớ có thằng con nào xông ra gánh vác giùm công tác ấy.

Nếu muốn bắt “Trường hợp Thu Tứ” điển hình, tiêu biểu cho một cái gì thì đó chỉ là thảm kịch xảy ra cho một gia đình không may có đứa con tâm trí bất bình thường, thế thôi.

Lỡ là người đặt quả tạ đạo đức ùm ùm hơi nhiều trong vụ này, tôi xin nói thêm một chút về nó cho rộng đường dư luận.

Ngoài cuộc tranh luận, quả tạ quái ác ấy còn ùm ùm trong nhiều sinh hoạt khác của tôi, can thiệp vào mọi hành vi, chọn lựa, quyết định lớn nhỏ, bất kể ngày giờ, nơi chốn.

Từ tay tổ tiên, quả tạ ấy lăn qua suốt chiều dài lịch sử, xuống đến tôi, nó có thay đổi theo thời gian, không gian, khi thêm khi bớt, khi lược bỏ những lời khuyên không còn thích hợp với văn minh nhân loại… nhưng nó luôn cho tôi những lời khuyên khôn ngoan nhất của nó. Khôn ngoan ở đây chỉ có nghĩa như kim chỉ Nam, giúp tôi đi đúng hướng, để tiến tới trong đời sống, và ở bất cứ hoàn cảnh nào cũng giữ được tư cách một con người biết quí trọng di sản đạo đức của tiền nhân.

Ngay trong lúc này đây, khi ngồi viết những dòng này, tôi cũng đang bị nó kè kè bên cạnh. Quả tạ đạo đức đáng ghét nhưng đáng kính ấy, đang nghiêm khắc ngăn cấm, nhất định không cho tôi dùng từ bất nhã, bất kính khi viết cho cô.

Nó cũng kìm kẹp, kiểm soát thật chặt chẽ không cho phép tôi tự thấy bóng mình to, che khuất thiên hạ, rồi sinh lòng ngạo mạn, thở ra giọng văn huênh hoang xấc xược, khinh thường anh hùng, hào kiệt bốn phương.

Kiều Phong

Bài Mới Nhất
Search