T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không :Tác Giả và Tác Phẩm -Hoàng Nga

 

clip_image001

 

Tiểu sử

Sinh năm 28.3.1959 tại Quảng Nam. Hiện định cư tại Đức.

Tác phẩm

Bay đi cánh chim biển – Như một vết chim bay….

Tháng giêng, tháng bảy buồn như nhau – Khi người ta trẻ

 

Tưởng niệm một nhân vật

Phan Thị Vàng Anh, trong tuyển tập “Khi người ta trẻ”, kể chuyện một nhân vật nữ tuổi xấp xỉ mười chín đôi mươi, yêu một tên con trai không ra gì, bồ bịch một lúc hai cô, đến khi bị bỏ rơi, nhân vật nữ này tự tử chết. Thân nhân của cô bàng hoàng, người bảo cô điên, không chết trước rồi cũng chết sau bằng cái kiểu rồ dại ấy, người bảo không hiểu nổi tại sao cô có thể làm chuyện vớ vẩn như vậy. “Không đáng,” chị dâu cô kết luận.

Thường, thì ai cũng nghĩ tương tự như người thân của nhân vật nữ trong truyện Phan Thị Vàng Anh về những cái chết dại dột. Nhưng cháu của cô gái, người dẫn chuyện, lại bảo, “nếu mẹ tôi biết ở cái tuổi này người ta điên đến mức nào và cần có bạn bè để an ủi biết bao nhiêu, người ta lại thích trả thù nữa chứ! Khi chết, hẳn cô đã tưởng tượng ra mọi người khóc lóc, Vỹ hoảng sợ, hối hận, ôm lấy quan tài như muốn xuống mồ theo…” Cô cháu đồng tuổi, đồng lứa, vào thời điểm trẻ hệt như nhân vật chính, nên cô hiểu thật rõ, tại sao có lúc con người ta lại điên đến vậy.

Và vào cái lứa tuổi này, thường hiếm người không có những ý nghĩ điên rồ chạy qua trong đầu, hay không trải những điều mà sau này khi già đi rồi, trở thành “người lớn” rồi, tự dưng người ta sẽ quên mất rằng mình đã từng có lần… điên. Nhân vật nữ ngây thơ của Phan Thị Vàng Anh, không có cơ hội để sau này được “quên“, mà trước khi vĩnh viễn lìa cõi đời, cô còn không tưởng tượng ra được ngày đám tang mình -kẻ cô cứ nghĩ sẽ ở mãi bên cạnh cô, kẻ cô đã “hy vọng“ lương tâm sẽ bị cắn rứt đến suốt đời vì đã bỏ rơi cô đến nỗi cô phải quyên sinh- lại tỉnh như ruồi, nhởn nhơ ngoài biển nắng, hân hoan, vui vẻ, trẫy hội…

***

Ngày mười chín đôi mươi, một lần, không nhớ vì sao tôi được đi với ba, cùng với người tôi sẽ gọi là nhân vật của mình, đến thành phố hắn đã trải qua gần hết thời trung học. Đi chơi, hay đi công chuyện gì đó tôi cũng không nhớ rõ.

Chỉ nhớ buổi chiều hôm ấy, với sự đồng ý của ba tôi, hai đứa đã chở nhau đi, không, nhân vật của tôi chở tôi thì đúng hơn. Cho biết Vũng Tàu. Hắn nói vậy khi dắt chiếc xe đạp quốc doanh mượn được của ông bác họ tôi. Hắn đã ở cái thành phố biển nhỏ nhắn này sáu năm, từ lúc bắt đầu bước vào trung học, cho đến ngày mất nước. Hắn bảo hắn thuộc từng ngóc ngách, từng con hẻm nhỏ của Vũng Tàu.

Chúng tôi đã rời khỏi nhà với chiếc xe không biết có nên gọi là xe hay không, bởi ghi đông, sườn, yên, bánh, dây sên, và bàn đạp, đều chỉ mang máng giống, hay có thể nói chỉ tương tự như những thứ có cái tên gọi như vậy mà thôi. Hầu như tất cả đều méo mó dị dạng. Tất cả đều được chắp nối, ràng buộc với nhau một cách hết sức quái gỡ, “khác thường“. Chẳng hạn bên ngoài của cái bánh xe trước đã hoàn toàn mòn nhẵn, không còn chút gai nào, được quấn chặt bằng một khúc ruột xe cũ ở những đoạn bị hở bố, trông giống hệt như người ta quấn khăn tang. Cái vỏ, cái bánh, hay cái không biết gọi là gì này, chẳng những đã dị dạng không tưởng tượng được vậy rồi, mà mỗi bận lăn vòng đến đoạn quấn khăn tang, còn làm cả chiếc xe nảy tưng lên như ngựa đua nhảy rào. Tuy nhiên đến cái pédal mới thảm hại hơn vì đó chỉ là một đoạn sắt ngắn xỏ xuyên qua một mảnh gỗ nhỏ, khi người đạp xe ấn lên thì chúng chẳng hề quay theo sự chuyển động của bàn chân mà cứ cứng trơ thổ địa. Và hẳn nhiên, tất cả những thứ phụ tùng khác, thường thấy ở một chiếc xe đạp như chắn sên, chắn bùn, vân vân, đều thuộc loại xa xỉ, hoàn toàn chẳng hề được có mặt.

Yên không nệm, vành cong quẹo, sườn và ghi đông đầy những chỗ han gỉ, mục nát -nát đến độ có thể nhìn xuyên suốt từ trên xuống đến mặt đất qua các lỗ thủng rất lớn. Lại không thắng, không phanh, cũng không được tra nhớt, nên khi chạy ngang qua người nào là người ấy sẽ bị tra tấn một cách rùng rợn bởi những tiếng kêu kót két vang ra rất to như tiếng rên rỉ đớn đau của một sinh vật nào đó đang bị thương. Mường tượng như lúc ấy có vật gì trên đường làm va vấp vòng bánh không tử tế ấy, hay có người đụng phải vào chúng tôi, chắc có lẽ giờ này tôi và hắn đã ở một chốn nào đó khác phàm trần rồi.

Chiếc xe cà khổ. Chiếc xe cà tàng. Chiếc xe kinh khủng như thế, vậy mà tôi đã ung dung tự tại, đã tỉnh bơ ngồi ở phía yên sau một cách hết sức nhàn nhã, tự nhiên, để cho nhân vật mình gò lưng đèo đi khắp các nẻo phố phường. Từ ngã tư Giếng Nước, chạy hết đường Lê Lợi, qua Nguyễn Du, Duy Tân, vòng vèo đôi ba chỗ có vài kỷ niệm với hắn, rồi sau đó, ra Bãi Trước. Lẩn quẩn loanh quanh, nếu tính vội vã lắm thì có lẽ cũng hết vài tiếng ba tiếng đồng hồ hắn đàng trước ra sức đạp, tôi đàng sau, nghêu ngao hát tình ca, thỉnh thoảng kể lể những câu chuyện vớ vẩn hoặc thả mắt lên những hàng cây, ngắm nhìn những ngôi nhà còn dấu vết thị thành chỉ được nghe hoặc đọc trước ngày miền nam mất.

Trong tư thế nhởn nhơ như vậy, lòng chẳng nghĩ ngợi, băn khoăn hay ray rứt gì cả, tôi đã để hắn đưa đi hết đường bằng, đường thẳng, đường vòng vèo mọi ngả quanh co của thành phố. Lúc rời bãi biển, hắn đạp lên một con dốc. Cái dốc núi cao ngất ngưỡng, dẫn lên Thích Ca Phật đài, nếu tôi nhớ không lầm tên thì đó là Dốc Ông Thượng. “Để Nga ngắm biển cho rõ“. Cũng vẫn tương tự như câu nói lúc mới dắt chiếc xe ra khỏi nhà, hắn đã nói với tôi như vậy. Tuy nhiên lần ấy tiếng thở trong câu nói của hắn có vẻ khó khăn hơn, nặng nhọc hơn. Mươi chín, hai mươi tuổi, dẫu không tế nhị, không khôn ngoan, hay thậm chí cho là ngu đi nữa, nhưng khi nghe một tiếng thở không còn chút sức nào phát ra từ một thằng con trai chẳng lấy gì làm to con cho lắm như vậy, tôi nghĩ chắc chắn tôi đã biết hắn sắp ngất ngư con tàu đi. Thế mà tôi nhớ tôi lại chỉ hỏi hắn, “có mệt lắm không?“.

Mệt không. Hỏi vậy, như thể đang quan tâm lo lắng cho đương sự vậy, nhưng khi nhân vật tôi, anh dũng hệt hàng vạn thằng con trai khác lần đầu được chở bạn gái đi chơi, đỉnh đạc trả lời, không, thế là tôi đã lại tỉnh như ruồi, ngồi im như quan trạng ngồi võng, thản nhiên để hắn tiếp tục gò lưng đạp.

Nhiều năm qua đi, bỗng chợt nhớ đến cái kỷ niệm có thể gọi là rất dễ thương với nhân vật của mình như thế này, tôi đang tự hỏi lòng, thuở ấy, khi tôi không hề buông ra một câu, bảo hắn ngừng xe để mình leo bộ lên con dốc ấy với hắn, là tại bản tính tôi hững hờ? Tôi nhạt nhẽo? Tôi vô tâm? Hay chỉ vì tôi đang ở cái lứa tuổi thiếu kinh nghiệm đời, nghĩ mình có cái quyền được người khác chiều chuộng?

Lúc lên đến đỉnh dốc, hắn dừng lại. Bảo để cho tôi ngắm biển. Tôi ừ, và nhảy xuống khỏi yên xe, đứng nhìn trời nước. Lòng thơ thới hân hoan như trên đời này chẳng hề có bất cứ điiều gì có làm cho tôi chao động.

Tôi đã đứng nhìn biển rất lâu. Và hắn cũng im lặng rất lâu. Chẳng biết làm điều gì ở sau lưng tôi, nhưng sau những giây phút yên ắng, tôi nghe hắn thở dài. Rồi hắn ngậm ngùi nói, phải chi có cái máy chụp hình, hắn sẽ được mang về nhà bức ảnh mái tóc dài vờn bay trong gió của tôi. Nhân vật tôi thuở ấy, và có lẽ cả đến tận bây giờ, chẳng hề biết làm thơ, cũng chưa bao giờ viết văn, nhưng chừng như hắn lãng mạn và nên thơ hơn rất nhiều thi, văn sĩ tôi biết sau này.

Khi đối thoại, giọng hắn sầu chở sầu. Gương mặt hắn, buồn nối buồn. Cả môi cười cũng không hề rạng lên nét tươi vui. Lúc về, khi ngang qua truờng Thiếu Sinh Quân, một tay giữ ghi đông, một tay chỉ, hắn nói với tôi:

– Ngày xưa học ở đây. Lớp học trên kia. Phía sau những hàng cây.

Sau những hàng cây xanh rậm rạp lá, một cái lớp học nào đó của hắn ẩn ẩn hiện hiện, tôi chẳng biết là cái nào, nhưng giọng nói thê thiết, với một âm thanh hết sức trầm buồn, hắn đã làm những hình ảnh lọt vào mắt tôi buổi chiều hôm ấy, ở lại nguyên vẹn trong ký ức tôi cho đến tận bây giờ. Bây giờ… Đã mấy mươi năm xa xôi, đã mấy mươi năm tôi không về lại Vũng Tàu, cũng thật lâu lắm rồi tôi không nhắc nhớ với ai về những kỷ niệm đầu đời của tôi với hắn, nhưng cái nắng rớt rơi trên con đường ấy chừng như chưa hề nhạt nhòa trong trí nhớ tôi. Cả tiếng thở dài của hắn, cũng vậy, vẫn như còn ở đâu đó. Tôi nhớ hắn kể:

– Hồi ấy mỗi sáng năm giờ, là phải thức dậy. Chăn nệm phải xếp ngay ngắn, cẩn thận. Áo quần cũng phải gấp theo đúng qui định. Từng phút từng giây.

Thật lòng mà nói, khi nghe hắn kể về những chuyện như vậy, tôi đã không hiểu gì cả. Hoàn toàn không mường tượng ra được điều gì thì đúng hơn. Bởi những năm tôi mười hai, mười ba, mười bốn tuổi, rồi đến lúc thành thiếu nữ, bắt đầu biết để ý đến con trai, bắt đầu biết lượt là thời trang quần áo, có nghĩa đã lớn, mà mỗi sáng ngủ dậy, gối chăn tôi vẫn có người xếp gấp. Trưa về học, cơm nước có lúc còn được mang lên đến tận bàn học. Ngoài việc phải chúi mũi vào sách vở, dường như tôi chẳng làm gì. Cả áo quần thay ra, cũng không cần phải gấp hay treo. Đồng phục đi học, đồ mặc đi chơi, đi ra đường lẫn ở nhà đều được ủi sẵn, máng thẳng thớm trong tủ. Mọi thứ, tôi không hề đụng tay vào, vẫn ngăn nắp đâu ra đó.

Tôi nhớ tôi đã vô cùng ngạc nhiên khi nghe hắn kể tiếp:

– Sau đó là tất tả chạy xuống sân trường, hàng dọc hàng ngang. Điểm danh xong thì bắt đầu chạy ra biển. Thường là chạy từ Bãi Trước ra Bãi Sau…

Chạy làm gì. Tôi hỏi. Tập thể dục. Hắn đáp. Rồi hắn nói thêm. Tập tác phong quân nhân. Tôi ngớ mặt. Mới mười mấy tuổi tại sao lại phải tác phong quân nhân? Hắn buồn bã trả lời. Thiếu sinh quân thì phải vậy. Tôi im. Ngơ ngác im. Tôi hoàn toàn không thể nào hình dung ra được những điều hắn phải trải qua như thế. Ngay cả cái từ ngữ thiếu sinh quân đối với tôi lúc ấy cũng đã lạ hoắc lạ huơ rồi, huống gì các sinh hoạt thuộc về một chốn dường như chẳng hề dính dáng gì đến đời sống tôi. Tôi thắc mắc hỏi lại. Chạy khơi khơi vậy đó hả. Hắn không trả lời. Lát sau hắn kể, có vẻ như không cần biết tôi có nghe hay không. Nhiều khi phải chạy từ bãi Thùy Vân ra Bãi Dâu. “Tụi nó“ bắt chạy, chạy sống chạy chết, như thể sẽ không bao giờ còn dịp được bắt người khác làm những trò vớ vẩn ấy. Tôi hỏi tụi nào. Hắn lại im.

Năm ba phút sau, hắn chợt tiếp tục kể, hoàn toàn chìm đắm vào cái quá khứ hắn từng bảo là không bao giờ muốn nhớ đến. Tôi đã có cảm giác hắn đang ở trong một cơn mê, cơn đồng thiếp nào đó thì đúng hơn. Hắn chừng quên mất tôi ngồi ở phía sau, nên giọng hắn bỗng đanh lại, những âm thanh vang ra không phải là tiếng nói mà là tiếng rít, giữa hai kẻ răng:

– Mà thật, chẳng biết bây giờ tụi khốn đó đang ở đâu!

Tụi khốn. Bãi Trước. Bãi Sau. Bãi Thùy Vân. Bãi Dâu… Hắn cay đắng kể. Tôi nhẫn nại nghe. Nhưng nghe một hồi tôi bỗng đâm mệt vì không thể nào xẻ chia với hắn được điều gì. Tôi bật cười, hát trêu:

Chiều đi qua Bãi Dâu, hát trên những xác người, hở?

Đang lao xao kể, thình linh từ phía trước hắn bỗng trở giọng khó chịu. Âm thanh bực bội gắt gỏng vang lên khá lớn:

– Không ưa Trịnh Công Sơn. Không khoái những loại nhạc phản chiến.

Sao vậy? Tôi lại ngạc nhiên. Hắn không trả lời. Hắn ư ư những gì tôi không rõ trong cổ họng. Thật tình lúc ấy tôi đã không thể nào hiểu nổi tại sao hắn có những phản ứng như vậy. Tôi nhắc đến nhạc, vì tôi biết hắn thích âm nhạc. Hắn chơi đàn guitare. Độc tấu. Rất hay. Tôi làm quen với nhạc cổ điển vì hắn, qua hắn. Lúc mới thích tôi, hắn đang tập đánh flamenco. Hắn bảo đánh chưa hay. Nhưng tôi nài nỉ, hắn cũng mang đàn đến chơi cho tôi nghe. Thỉnh thoảng, lại nhà tôi, hắn ngồi im lặng ngoài hiên đánh một lúc liền mấy bài. Bài nào cũng dồn dập, sôi nổi. Nghe, có thể tưởng tượng ra được những vũ nữ Tây Ban Nha đang xòe váy rộng, chân đập dồn, tay tình tứ vung quạt.

Tiếng đàn hắn, tưởng vui, điệu nhạc hắn chơi, tưởng vui, vậy mà lạ, cũng giống như giọng nói hắn, nghe như có điều gì uẩn ức, điều gì đó buồn không tả được.

Hắn có đôi mắt một mí mở lớn, với hàng mi dài và cong như mi con gái. Người ta nói đôi mắt là cửa sổ linh hồn. Mắt hắn soi rọi cả trời mù tăm, hiu hắt. Có nhiều lúc tôi quên mất rằng hắn chỉ lớn hơn vài ba tuổi. Trông hắn lúc nào cũng có vẻ nghiêm nghị, sầu khổ. Và cả khắc nghiệt nữa, đôi khi.

Hắn kể cho tôi nghe:

– Hồi đó cái ước ao duy nhất là mỗi bận hè về nhà, thì được ở nhà luôn, không phải trở lại nơi đó.

Nơi đó là nơi hắn phải học để làm lính, học tác phong quân nhân như hắn đã kể. Và hắn thường nói tuổi thơ của hắn hoàn toàn không có hoa có bướm. Tiếng cười cũng không. Hắn bảo chỉ có những kỷ niệm tàn nhẫn, đớn đau. Khác với tôi, anh em tôi, hắn không yêu mến mẹ. Hắn nói mẹ hắn hay mắng. Mắng cả ngày, và mắng đi mắng lại một điều cho đến chừng không còn hơi để mắng nữa mới thôi. Hắn nhăn mặt. Mắng như thế thì chẳng ai kính. Càng nghe hắn kể, tôi càng lấy làm lạ. Tôi không tưởng tượng nổi thế nào là mắng cả ngày. Mẹ tôi mắng, gọi con lên ngồi đối diện, mẹ mẹ con con ngọt như mía lùi, như đường phèn; trong chừng năm, mười phút, bà nghiêm trang “kể tội”, và kết luận bằng câu, có thấy mình bị mắng oan hay không.

Vậy, rồi thôi. Mẹ tôi hay bảo ba tôi gọi cách mắng tới mắng lui mãi một điều là lải nhải.

Lần ấy, khi nghe tôi kể anh chị em tôi bị mắng như thế nào, hắn đã im lặng rất lâu. Về sau này tôi không thấy hắn nhắc đến mẹ nữa. Và nếu có trở lại đề tài gia đình, hắn kể sang chuyện bố. Hắn bảo bố hắn rất nghiêm khắc. Và xa cách với tất cả mọi người trong nhà. Giọng hắn trầm đục:

– Bố sống ở đây nhưng hồn gửi ở ngoài kia.

Ngoài kia, Hà Nội. Nam Định. Thái Bình. Hải Hưng… Với một mối tình không rõ như thế nào. Vào thuở Hà Nội, Nam Định, Thái Bình còn nghìn trùng, còn chia cách bởi vĩ tuyến, chuyện hắn kể vẽ cho tôi thấy hình ảnh một người đàn ông sống, có xác nhưng không còn hồn. Về sau miền nam mất, hắn bảo phần hồn ấy chừng cũng mất theo. Hắn nói có cảm tưởng bố hắn hiện diện trên mặt đất chỉ vì mỗI sáng thức dậy, thấy nhịp tim mình còn đập, và hơi thở còn trên môi.

Hôm chở tôi ngang trường Thiếu Sinh Quân, hắn hất hàm về phía ấy:

– Thuở còn học ở đấy, bị tụi lớp trên đánh hoài, về đến nhà, muốn ở lại, cũng bị đòn. Đòn nhừ tử.

Về chuyện bị đòn này thì hắn kể không phải chỉ một, hay hai lần, mà rất nhiều lần. Hắn căm ghét gần như tất cả mọi người trong ngôi trường có một không hai ấy. Từ thầy giáo. Đàn anh. Đến bạn bè cùng lớp, cùng phòng. Tôi chưa hề thấy hắn nhắc đến ai bằng giọng nói âu yếm, ngọt ngào.

Thật lòng mà nói, thuở ấy tôi đã chưa đủ khôn để nhận ra mức độ nghiêm trọng của câu chuyện hắn kể. Càng không thấu hiểu tính cách và tâm lý của một con người lớn lên trong một môi trường không bình thường. Nên khi nhìn thấy sân trường cũ đầy bóng mát nhưng nghe những câu chuyện kể chẳng có chút bóng mát nào trong tâm hồn hắn, thay vì im lặng như để tỏ sự thông cảm, để chia nỗi đớn đau, tôi lại cố kiếm một câu đùa tưởng có thể làm hắn dịu xuống.

– Chắc ở trường hư quá nên mới bị đánh phải không?

Nghĩ đùa cho vui, cho hắn bớt căng thẳng, không ngờ hắn nổi quạu. Hắn đanh giọng. Cay đắng nói tụi khốn đánh đàn em để thị uy. Ngồi phía sau, tôi đã mở thật to mắt nhìn vào lưng áo đẫm mồ hôi của hắn, rồi nhìn vào nơi hắn từng sống. Lòng tôi mù tăm tăm. Tôi có cảm giác cái thế giới hắn đã có mặt, tựa như chỉ có trong tiểu thuyết. Du đãng. Hay gì gì đó. Tôi mường tượng mãi vẫn không ra được cảnh hắn bị đòn mỗi ngày. Lại càng không thể hiểu nổi chuyện có người mẹ nào đó có thể đánh con với một cây gậy chống cửa, đầu vót nhọn. Hắn chua chát:

– Hồi nhỏ nghe hứa nếu học thật giỏi, xong tú tài, sẽ được về nhà luôn. Nhưng khi lớn lên, lúc sắp làm tú tài, thì biết chắc tương lai học thật giỏi sẽ ở Đà Lạt, dở hơn, ở Thủ Đức, và dở hơn nữa, ở Quang Trung.

Hắn tiếp, cả ba nơi, đều tối tăm mù mịt như nhau. Điểm dừng cuối cùng vẫn là chiến trường. Vẫn là cái chết.

Nghe đến đấy thì tôi bàng hoàng. Những gì hắn trải qua trong quá khứ, hoàn toàn chẳng thuộc về thế giới tôi đã đành, còn như ngoài sức tưởng tượng của tôi nữa. Những tháng năm đất nước chiến tranh, thân phận con người mỏng như vôi, cái chết cận kề từng giây từng phút. Nhưng mỏng là mỏng ai đó, cận kề với ai đó. Không bao giờ là với tôi, với gia đình tôi. Tôi đã sống như trong một vỏ bọc. Một con tằm nằm trong cái kén. Tôi không cách gì hiểu nổi tâm tư của những người phải đối đầu với tử thần hằng ngày thuở ấy. Càng không hiểu được sự sợ hãi, và nỗi cay đắng của hắn. Bởi chính bản thân hắn, hắn cũng đâu thấu hiểu được điều người khác bắt buộc phải làm khi sống trong những môi trường kỷ cương, kỷ luật như vậy.

Ngày còn học ở thiếu sinh quân, hắn chưa qua hết tuổi vị thành niên. Khi quen hắn, tôi cũng chỉ vừa xong trung học. Tôi nhớ tôi đã an ủi hắn bằng một câu hết sức ấu trĩ:

– Thời buổi này, có ước mơ nào ngày xưa được thực hiện đâu.

Hắn bật cười. Giọng cười ngậm ngùi, đắng chát:

– Nhưng dầu sao đi nữa thì Nga cũng đã có cơ hội được mơ, được ước những ước mơ tốt đẹp.

Những ước mơ ngày xưa của hắn thật buồn. Những ước mơ thật giản dị, bình thường; nếu không muốn nói, thật tầm thường. Được ở chung với gia đình, được thức dậy không phải từ lúc năm giờ mỗi sáng, được đi đứng như ý mình muốn đứng đi…

Thời thơ ấu của hắn thê lương. Thời mớI lớn của hắn não nề. Đến thời yêu tôi, thực tế và ước mơ càng thê lương hơn, não nề hơn. Gần như chưa bao giờ hắn có đủ tiền đưa tôi đi uống một ly cà phê. Đã vậy cái huyện lỵ miền đông xao xác ấy vào những năm mở mắt ra chỉ thấy khoai và củ, nhà cầm quyền cấm buôn bán, cấm quán hàng, càng không thể nào tìm ra một nơi có giấy phép kinh doanh để hắn hỏi mời tôi ly cà phê. Thỉnh thoảng khi được phép ba mẹ tôi cho đi dạo với hắn, hai đứa thường thả bộ dọc theo con lộ có những lô cao su cao ngất, khô khốc màu đất đỏ và đầy bụi mù lúc những chuyến xe đò liên tỉnh, xuyên Việt chạy ngang qua. Hắn nói với tôi, ở mãi cái xó xỉnh này, đến một lúc nào đó, mọi thứ, từ con người, tình yêu, cuộc sống, ước mơ…, rồi sẽ thui chột, đui mù đi. Hắn bảo hắn đang nuôi thêm một thứ ước mơ đội đá vá trời, ước mơ thoát khỏi chốn địa ngục trần gian.

Thường hắn hay đến nhà tôi vào buổi chiều, dạy cho em tôi đánh đàn và đàn cho tôi nghe. Những khi không độc tấu nhạc cổ điển, hắn hát đi hát lại một đôi bài tiền chiến. Chiều buồn len lén tâm tư. Với bao tà áo xanh đây mùa thu hoa lá tàn… Đôi khi nổi hứng tôi hát bè với hắn. Em tôi bảo tôi với hắn song ca “tình khúc thứ nhất” buồn thê thiết như những hôm không đủ gạo.

Tuy nhiên cuộc sống, giá mà dừng lại được ở đấy. Tôi và hắn, giá mà biết ngưng cái mối tình đầu dẫu không như truyện, không như mơ, không như tiểu thuyết, nhưng tôi nghĩ rất nên thơ ấy ở nơi đáng dừng như vậy. Thật, giá mà ngừng ở đấy, chắc có lẽ tôi giờ đây sẽ nghìn năm thương nhớ hắn, chắc có lẽ hắn sẽ muôn đời yêu quí tôi.

Tôi nhớ có lần hắn kể hắn yêu mái tóc dài của tôi ngay từ ngày đầu gặp gỡ. Sau đó hắn thêm, cho đến lúc ấy thì hắn vẫn chưa hề thấy người con gái nào có mái tóc đẹp đến vậy. Rất nhiều lần hắn đã xin được ôm một lọc tóc của tôi trong tay. Nâng niu như nâng niu báu vật. Dịu dàng bảo hương bồ kết lá sả lá chanh có thể làm ngất ngây, làm chết được lòng một con người. Và hắn hát, ngọc lan giòng suối tơ vương…

MườI tám, hai mươi tuổI, con ngườI ta hay nghĩ ra những điều khùng điên, hay làm những trò khùng điên. Chẳng biết khi hắn nói với tôi như vậy, hắn có đang ở trong một cơn điên nào đó chăng, và tôi, cũng chẳng biết có điên hay chăng. Mà tôi và hắn lấy nhau. Lấy nhau vì yêu suối tóc, lấy nhau vì chưa bước qua khỏi tuổi xuân thì. Đêm tân hôn, tôi nhìn hắn trong bóng tối, không hiểu nổi tại sao mình lấy chồng. Hắn nhìn lạI tôi. Ngơ ngác. Vuốt bờ vai trần của tôi, hắn kéo một lọn tóc đặt lên, rồI bảo thấy tôi lạ quá.

Tháng năm sau đó, tôi hết còn trẻ, hết còn mười tám đôi mươi. Hết còn những ứng xử nổi loạn, điên khùng nhất thời. Tôi trở mình già dặn hẳn ra trong bổn phận. Tôi loay hoay trăn trở tìm cách gầy dựng một mái gia đình. Tôi nhớ đến những ước mơ thời thơ trẻ của hắn, tôi cố tìm kiếm, cố lục lọi mọi lối, mọi con đường, để hắn và tôi có thể chung cùng.

Nhưng rốt cuộc tôi làm không nổi. Tôi thực hiện không được những điều mình nghĩ suy. Tôi và hắn không cùng lớn lên. Không cùng già đi. Cứ như thời mười tám, đôi mươi, hắn vẫn hát tình ca, vẫn yêu suối tóc, bờ vai gầy…

Nhưng hắn thôi không còn hát tình ca cho tôi. Không còn yêu suối tóc tôi. Đêm đêm tôi ôm con ngồi chờ tiếng gọi cửa, tiếng chân trở về nhà. Hắn đi tìm đồng cỏ ở bên kia chân đồi.

Vài năm sau, hắn thực hiện cái ước mơ đội đá vá trời. Hắn bỏ tôi đi thật xa. Tít xa. Tới một chỗ mãi nhiều năm sau tôi mới tới được. Khi gặp lại hắn, tôi nhận ra sự khác biệt giữa hai con người. Và nhận ra từ đấy, tôi sẽ bước đi một mình.

Nơi ấy, hắn có một bờ vai mới, tóc xõa mới. Tôi và hắn chia lìa nhau. Tôi dắt con qua cầu đoạn trường bằng những bước thấp bước cao, và đầy ngổn ngang đàng trước mặt. Hết còn trẻ, vấp, tôi ngã. Sóng soài. Đớn đau. Không cách gì gượng dậy nổi.

Nhiều lúc trong đời gồng gánh nuôi con, tôi quên bẵng mất hắn, dẫu tôi chẳng giận hờn cay đắng gì. Bởi tôi hiểu lẽ ra tôi và hắn không nên có mặt trong đời nhau như vậy. Và cũng phần nào đó, tôi không muốn nhắc nhớ đến những kỷ niệm buồn bã, chua chát đã trải qua cùng nhau.

Vậy mà lạ, bỗng dưng chiều hôm nay, một buổi chiều không có gì đặc biệt của những ngày sắp sửa bước vào tuổi năm mươi, khi không tôi lại chợt để lòng hoài niệm về cái kỷ niệm cũ rích cũ rang ấy với hắn. Bỗng dưng tôi lại nhìn thấy một hắn, thời yêu tôi. Một hắn, thời tơ vương suối tóc đen tuyền của tôi. Tôi tự hỏi không biết có phải vì tứ của cái truyện ngắn làm tôi chao lòng. Hay là tại tôi bắt đầu trở nên già nên bỗng đâm ra lẩm cẩm?

Tôi ngẩn ngơ. Cuối cùng, cuối cùng tôi tự nhủ, dẫu sao đi nữa, thì hắn cũng đã từng là nhân vật một thời của tôi. Dẫu sao đi nữa thì hắn cũng đã làm những điều dễ thương, nghĩ ra được những điều hết sức trìu mến. Và dẫu sao đi nữa thì hắn cũng đã xa xôi ngàn dặm trong tôi.

Tôi bỗng liên tưởng đến chuyện… tưởng niệm nhân vật của mình, như hoài một cố nhân!

Chỉ có điều là tôi không biết làm gì bây giờ. Vì thường để nhớ đến ai đó đã vĩnh viễn không còn hiện hữu, người ta có nhiều cách tưởng niệm; dâng một bó hoa, đốt một nén nhang, viết một bài văn tế. Tôi, tôi không bao giờ cúng kiếng, lạI càng không biết viết văn tế, nên nghĩ mãi, vẫn chưa biết cách nào để tưởng niệm.

Chẳng lẽ chỉ nói nhớ đến khơi khơi vậy, rồi tống biệt, bỏ lại sau lưng bằng một nụ cườI suông, thường là rất nhạt nhẽo của mình?

Ở một chỗ cuối đời

Cái làng nhỏ. Lúc tôi đến đang độ cuối thu. Trời dường như luôn luôn xám tối trên những hàng cây khuynh diệp bạc màu. Lúc hắn chở tôi từ phi trường về, những vệt nắng đỏ cam nằm ngang chân trời nhìn thấy được từ phía xa xa dưới thung lũng, không đủ tạo thành một bình minh tươi tắn như một dấu hiệu báo trước ngày của tôi sẽ không vui.

Nhưng tôi tin sao được mình sẽ phải chịu đựng sự ảm đạm ở nơi có mặt hắn.

Cách đó mấy hôm hắn hỏi tôi có thể chấp nhận được cái cô quạnh của đất trời ở một nơi hẻo lánh, xa phố thị hay không. Tôi nói để xem sao. Tôi không muốn nói, hắn đâu biết đã có những tháng ngày rất dài, tôi nằm trong một xó rừng heo hút, quạnh quẽ đếm thời gian trôi qua trong nỗi cùng khủng, bàng hoàng. Lúc ấy tôi vừa giã từ tuổi mười tám. Lúc gia đình tôi, cũng như rất nhiều gia đình miền nam khác, vừa giã từ đời sống nhàn nhã, thảnh thơi. Chúng tôi đã phải vào rừng, cho hợp thời, hợp cảnh. Hắn không biết, tôi đã vào ra giữa những vạt bắp, vạt cà, gậm nhấm nỗi đắng cay bị hất ra khỏi trường học, bị hất vào trong xó tối của cuộc đời ở vào cái độ tuổi tràn đầy sức sống, tràn đầy ước mơ, và hoài bão. Tôi không kể, vì tôi nghĩ hắn không thể tưởng tượng được những bóng đêm của đời sống thuở ấy kinh hoàng đến độ nào. Hắn có nói một lần qua điện thoại, rằng gia đình và những người em gái của hắn cũng phải trải qua những buồn thảm tương tự như vậy. Tôi không muốn hắn nghĩ tôi thê lương hóa cuộc đời. Đoạn trường ấy, hắn chưa từng qua.

Tôi trả lời với hắn tôi sẽ xem sao, bởi tôi không đoán được nơi hắn ở cô quạnh đến mức độ nào. Và tôi cũng không đoán ra được hắn sẽ cư xử với tôi ra sao. Thật lòng, tôi đâu biết gì nhiều về hắn. Bạn tôi hỏi tôi có muốn quen với hắn hai, ba năm về trước, giữa lúc tôi đang phân vân chưa biết có nên vất bỏ một mối tình hay không. Vì vậy tôi đã trả lời cũng cách ỡm ờ, để xem sao. Bạn tôi thuyết phục, không “gì”, có thêm bạn cũng vui vậy. Thấy bạn tôi có lý, tôi trao đổi thư từ với hắn. Gọi điện thoại. Nhưng thật lòng mà nói, ngay từ hôm đó tôi đã suýt phát rồ vì cái giọng điệu của hắn qua điện thoại. Tôi nghĩ chắc đến chết tôi cũng sẽ không bao giờ quên kiểu cách hỏi chuyện như công an hỏi cung ấy. Tôi đã bàng hoàng đến mức độ sau khi chấm dứt cuộc điện đàm, tôi phải gọi ngay cho bạn, bảo hình như xa nhà lâu, con người ta hết nói chuyện hay ho với nhau được! Bạn tôi cười.

Quen hắn vậy. Rồi thôi. Trao đổi thêm vài ba cái thư. Vài tháng sau thì phải, tôi nghe hắn nói sắp lấy vợ. Lúc ấy tôi vẫn chưa chia tay được với mối tình của mình, chỉ vì đơn giản ở xa, có hay không có một người cũng chẳng hề hấn, ảnh hưởng gì mấy đến cuộc sống riêng tư của tôi. Hằng ngày muốn hay không, có một người gọi là người yêu nhưng không gần trong gang tấc, tôi vẫn phải hai buổi đi về giữa thời tiết trái khuấy, con người trái khuấy, ngôn ngữ trái khuấy. Tôi vẫn phải bôn ba chống đỡ với buồn vui chung quanh. Và vẫn tự do được làm bất cứ chuyện gì mà không bị hạch hỏi, hay thắc mắc… Quen, không “gì”, mà cũng chẳng bạn, nhưng sau đó tôi và hắn không hiểu sao thỉnh thoảng vẫn viết cho nhau vài ba chữ. Thăm hỏi. Lúc hắn sắp cưới vợ, giọng thư hắn có vẻ vui vẻ, hân hoan gấp nhiều lần hơn. Tôi nói với bạn, tôi mừng cho hắn. Và hơi ngạc nhiên tự hỏi, ở độ tuổi hắn, không biết hắn lấy đâu ra năng lực để yêu đương đã đành, mà còn định đi thêm một bước ràng buộc. Hắn khoe với tôi, không chừng anh sẽ nuôi con mọn. Tôi và bạn tôi cười với nhau, ba đứa con vẫn còn rất thơ, chưa đủ để hắn sợ thì hắn đáng được gắn huân chương anh hùng.

Tưởng như vậy, tôi với hắn sẽ không bao giờ có dịp gặp nhau, dẫu tôi vẫn nghĩ tôi sẽ trở về nơi này, phần đất phía nam cực. Tôi vốn vừa sợ cái trò quen nhau qua vi thư, điện thoại, và gặp nhau để vỡ mộng, vừa thấy cũng chẳng có lý do gì để tôi và hắn gặp nhau. Tôi nhớ hình như tôi có kể cho hắn nghe, tôi từng yêu một người chưa hề gặp, từng hớn hở xách valise vượt mười ngàn cây số để sau đó không chỉ vỡ mộng mà còn muốn vỡ cả mặt vì tức giận. Tôi đã ốm một trận liệt giường sau khi tôi gặp người ấy- cái con người làm cho tôi những bài thơ, những đoản văn thật nồng nàn. Tôi cũng làm thơ, nhưng tôi thề thốt, “tôi nằm với cõi riêng tôi… Chết, tôi một cõi, không về cõi ai”.

Ba mươi mấy tuổi, tôi u mê. Và vì tôi yêu thật, nên tôi bươn bả đi tìm nguồn hạnh phúc. Không có, tôi đớn đau. Nhiều năm sau vẫn đớn đau, nhưng những lúc nghĩ lại, tôi vui hơn buồn vì biết có những đoạn đời tôi từng dám sống cho chính mình.

Tôi không nghĩ năm mươi tuổi, không yêu, không mơ và không chờ đợi, tôi vẫn u mê. Vẫn chưa nhận ra rằng chẳng có có dại nào giống cái dại nào. Và chẳng có bài học đời nào không được trả bằng nước mắt và đớn đau.

Tôi khăn gói đi thăm hắn theo lời hắn mời. Trong hai ba cái vi thư, hắn nói hắn sắp đi xa, chỉ có khoảng thời gian ngắn để gặp tôi. Tôi hẹn lại sang cuối đông. Hắn bảo tùy tôi, nhưng sau nhiều đêm nói chuyện đằm thắm, tôi bỗng quên mất cái cách “hỏi cung” của hắn mấy năm trước. Tôi vui vẻ nhận vé máy bay hắn mua cho tôi và rời thành phố vào một buổi sớm tinh mơ. Tôi nói đùa với người bạn tôi đang ở trọ, cũng có khi tôi ở lại luôn không về. Bạn tôi cười, bảo đúng, vì cảnh phố xá thị thành đâu có hợp với con người của chị.

Cảnh phố xá thị thành, chen chúc quán hàng, người và xe như cá hộp tôi bỏ lại sau lưng sau mười mấy năm bắt buộc phải sống để nuôi con, tôi đang chờ đợi ngày hưu trí ở một tiểu bang rất nhỏ miền trung Hoa Kỳ. Tôi vừa ở đó ba tháng. Vui với rừng núi bạt ngàn và đồi dốc thênh thang. Vui với cả cái vắng vẻ u tịch không tiếng người, không tiếng còi xe nơi ấy.

Nên vì vậy, cái làng nhỏ hắn sống, mang máng giống như những ngôi làng Âu châu tôi từng qua, không đủ quạnh hiu để làm tôi sợ. Cảnh chiều chiều ngồi ngắm đàn chim bay về núi, nghe tiếng quạ kêu trong sương mù, hay những đêm một mình với lào xào gió rít, tôi đã từng trải qua nhiều năm. Có người đã hỏi tôi tại sao tôi không tự tử vào những thời điểm ấy.

Cái làng nhỏ buồn, buồn đến cách mấy đi chăng nữa, hẳn cũng không thể nào giết nổi được tôi. Cả thời gian nhàm chán cũng không làm tôi khổ sở. Tôi kể cho hắn nghe tôi đã đi ra đi vào, đi tới đi lui không làm gì trong nhiều tháng liền. Hắn không biết ngày xưa tôi gần như bị nhốt trong một căn nhà ven chân núi, ngày ngày không hề nghe một tiếng chân người, tiếng động cơ xe. Cái ngày, tôi còn không biết nói cái thứ tiếng thiên hạ đang xử dụng chung quanh mình. Ngày tôi còn không có được vài xu lẻ để gửi một cái thư về cố quốc.

Vậy đó mà tôi vẫn sống. Vẫn còn làm thơ được. Vẫn còn hiện hữu cho đến ngày hôm nay. Nên huống gì ở đây, tôi đi bộ một mạch từ nhà ra đến trung tâm làng không hề lạc. Tôi còn bán mua. Uống cà phê. dạo cảnh. Còn biết cả những tên đường hắn không để ý dẫu ở đây đã nhiều năm.

Hôm tôi mới đến, hắn nói với tôi, nhà thờ của em đây, khi chỉ cho tôi thấy ngôi nhà thờ Presbytrian cổ, nằm ngay ngã tư. Hắn chắc không nghĩ ra ngày hôm sau tôi đã ra đến đấy, định rẽ vào xem lễ một mình nhưng giờ thờ phượng đã chấm dứt. Lần nữa, tôi không muốn nói với hắn, tôi có thể chịu đựng bất cứ nỗi buồn bã, vàng vọt nào có thể xảy ra trong đời sống mình.

Tôi chỉ chịu không nổi hắn.

Tôi lặn lội đi thăm hắn. Với tất cả những tình cảm nồng nàn nhất có thể dành cho một con người. Hắn gụi gần. Thân thiết. Và dễ yêu qua cách giới thiệu con cái mình với tôi. Qua những bộc bạch, những thố lộ chân tình. Cái biên giới giữa hắn và tôi chừng như không còn khi hắn kể và nói cho tôi nghe về những ray rứt, lẫn xót xa trong cuộc đời của hắn.

Tôi cứ nghĩ đó là sự đồng cảm. Tôi những tưởng, là tương ứng. Khi hắn nói với tôi, hắn cần thư giãn, là lúc hắn đang chúi mũi đọc một bài báo nhức đầu. Hắn đã đưa cho tôi xem một bài báo chính trị. Chính trị của cái xứ mà dễ chừng đến năm, mười năm nữa tôi mới có thể tới để định cư. Tôi đọc xong, trả lại cho hắn. Thấy như mình vừa nuốt xong bát cơm có thóc. Tôi nói thật tôi không hiểu nhiều về tình hình chính trị nước ấy. Hắn có vẻ bực vì vừa làm theo lời yêu cầu của tôi, giới thiệu cho tôi những gì hắn đang đọc, nhưng tôi chẳng cảm nhận ra điều gì cả.

Mà điều tôi không cảm nhận được, là do trời sinh tôi ra để làm văn chương chứ không làm báo như hắn, chứ có phải lỗi tại tôi đâu! Hắn bực, tôi càng bực hơn. Tôi lườm hắn từ phía sau lưng, hỏi hắn đã mời tôi lên đây để làm gì. Hắn nói vacation. Tôi đáp tôi đang thất nghiệp, ở dưới kia cũng coi như tôi đang vacation. Hắn nói hắn nghĩ khung cảnh nơi đây làm tôi viết lách dễ hơn nên hắn mời tôi đi.

Đã đành tôi yêu văn chương, tôi nợ nần văn chương, nhưng tôi cũng từng viết trong những khung cảnh ồn ào, bát nháo và hỗn loạn chung quanh. Tôi có thể viết trên toa xe lửa, lúc ngồi chờ máy bay, chờ khách đến hàng ăn. Và thậm chí viết cả trong toilet nếu cần phải ghi ra một ý tưởng nào đó thoáng hiện trong đầu. Tôi viết văn tiếng Việt, không hề nhận đồng nhuận bút nào. Tôi tưởng hắn biết cuộc đời đâu có dành cho văn nghệ sĩ Việt Nam ở hải ngoại những căn phòng, những bàn viết, những cảnh trí và thù lao tối thiểu khả dĩ có thể ngồi không để làm chuyện văn chương.

Tôi nói đi thăm hắn vì thấy hắn ấm áp. Hắn nói hắn vẫn như thế này từ xưa. Hắn nói thêm, anh đã bảo em nên đem theo sách vở, tài liệu viết lách và gì gì đó cần thiết để làm việc của mình. Tôi nghĩ, giá mà tôi đủ can đảm thêm một chút nữa, chắc tôi đã giết hắn rồi. Hằng ngày hắn đi làm, tôi đã tự biết cách để làm thì giờ không rỗng, bởi tôi đâu phải là kẻ chỉ ngồi chờ người khác đem niềm vui đến cho mình. Hai mươi bốn tiếng đồng hồ của đất trời, tôi đâu cần hắn phải dành cho tôi một nửa, hay thậm chí một phần tư, một phần tám. Tôi chỉ cần năm, mười phút của một hắn như tôi đã từng nhìn thấy.

Tôi giận hắn tràn hông. Tôi muốn gào lên với hắn, rằng trước khi tôi có mặt ở nhà hắn, hắn chỉ nói với tôi, “ban ngày anh đi làm…”. Ban ngày hắn đi làm, tôi vui vẻ đi tới đi lui, đi qua đi về. Hắn giao nhà hắn cho tôi cách tin tưởng. Tôi muốn làm gì trong cái chốn trú ẩn của hắn cũng được. Miễn đồ đạc nào lấy ra, phải để đúng lại vị trí cũ để hắn khỏi mất công đi tìm sau này. Có vài trục trặc nhỏ, nhưng tôi chỉnh đốn được ngay.

Cái hằng ngày, ban ngày, tôi phải thề là tôi không hề có điều gì để than vãn. Nhưng trời đất ạ, qua cái ban ngày ấy, khi ló mặt về đến nhà, tôi là khách, mà hắn cũng coi như không hề có mặt tôi trên cõi đời này. Sau câu hỏi, em ngày này thế nào, là hắn bắt đầu như quên mất tôi. Hắn tới lui làm việc. Ăn uống. Rồi ngồi vào bàn viết. Bỏ mặc tôi chầu rìa phía sau lưng. Thật lòng không ai có thể tưởng tượng nổi tôi có mặt ở nhà hắn chỉ để… coi tivi. Chỗ tôi ở, TV còn to lớn và nhiều đài gấp mấy lần so với nhà hắn. Còn có cả karaoke nếu như tôi muốn cái trò vớ vẩn ấy.

Hắn điên. Tôi phone về cho bạn tôi, nói vậy. Bạn tôi bảo hắn nhiều việc quá. Hắn ôm đồm hằng trăm thứ việc. Công việc ở sở trong tư cách tổng giám đốc chưa đủ làm hắn xanh mặt, một nách ba con, mỗi tuần hắn tha về nhà chăm sóc. Từ đứa lớn đến đứa bé, từ chuyện nhỏ đến chuyện to. Nhắc đứa này học bài, đứa kia đọc sách, đứa nọ tắm rửa. Hắn còn nấu nướng mỗi tuần. Mỗi ngày. Tôi thật sự chóng mặt khi thấy hắn đi qua đi về giữa những bận bịu. Và càng chóng mặt nhức đầu hơn khi tôi đòi phụ hắn rửa cái bát, thái miếng rau thì hắn lại không cho.

Trong đời tôi, tôi từng gặp nhiều người đàn ông quái đản, nhưng chắc có lẽ hắn là người quái đản hơn hết thì phải. Bạn tôi bảo đừng cau có với anh ấy. Tôi la làng tôi có muốn làm vợ hiền hay người yêu bé bỏng của hắn gì cho cam. Cũng không muốn chứng tỏ tôi đảm đang phụ nữ. Và cũng chẳng yêu cần hắn làm điều gì đặc biệt cho mình.

Tôi chỉ muốn hắn lột bỏ bộ mặt trơ trơ như nước đá một cách cố ý ấy xuống. Tôi nói với bạn, giá mà tôi dám đánh nhau với hắn, tôi sẽ làm ngay. Bạn tôi bật cười.

Hắn, cái người đàn ông mà tôi định bụng trước ngày giã từ, tôi sẽ quát lên rằng tôi thù ghét cái thái độ, căm giận cái hành vi cư xử của hắn như chưa bao giờ thù ghét ai đến độ ấy. Một buổi chiều -sau một đêm bỏ tôi đi biền biệt không hề nói mình sẽ ở lại văn phòng làm tôi sốt vó không cách gì chợp mắt- hắn lóc nhóc dẫn con cái về nhà. Mặt hắn rỡ ràng hẳn lên trong tiếng lao xao chộn rộn của bầy con nít. Hắn cười với tôi, khỏe không em. Tôi đáp khỏe. Tôi không muốn đưa bộ mặt thảm sầu của mình ra trước đám nhóc, nên tôi theo hắn lên nhà. Bắt chuyện với con hắn. Và xem con hắn chơi game.

Tôi nghĩ bụng nếu như tôi không tìm thấy chút… tình người ở những khuôn mặt rất ngây thơ và dễ thương này, chắc có lẽ về đến nhà, tôi sẽ vào nhà thương điên ngay. Tôi ngồi im thu chân lên ghế, nghe con hắn chuyện trò đối đáp với nhau. Những câu chuyện ngây ngô, những cãi cọ hết sức trẻ con nhưng làm tôi vui. Tôi chăm chú quan sát từng đứa. Thử đoán tính tình, sở thích của từng đứa. Lòng tôi nhẹ nhàng hẳn ra.

Tôi đã ngồi im, lắng nghe. Và vui theo đám nhóc. Nhưng một lát, chạnh lòng, tôi bỗng sực nhớ đến thời kỳ chồng tôi mới vừa bỏ nhà, lủi thủi chỉ hai mẹ con với nhau. Tim tôi nhói lên xót xa. Nghĩ ngồi lâu chắc tôi ứa nước mắt ra mất nên tôi đứng dậy. Lúc ra đến phòng ăn, thấy hắn, tôi chớp mắt quay đi.

Ngày hôm sau tôi lại bình tĩnh xuống làng. Mua sắm. Chợ búa. Khi ra về, tôi không chọn con đường nhiều cây sồi và phong lá đỏ mà tôi rất thích nữa, nhưng ngang qua đường dẫn về trường học. Từ đó. Lên nhà hắn, dốc cao.

Tôi tản bộ dưới những hàng cây vàng võ lá. Nghĩ đời con người ở độ tuổi của mình chừng cũng sắp sửa võ vàng. Tôi đã xong những bổn phận với con cái mình. Đã không còn những chiều, những đêm thấp thỏm đợi con về. Không còn những lắng lo kinh hãi khi con đang đứng trước tuổi thành niên đầy dẫy cám dỗ. Không còn phải phập phồng sợ hãi đường đi chông gai con khờ dại không thể chống chỏi đến cùng. Cũng không còn cả nỗi sợ bất ngờ mình ngã bịnh hay qua đời giữa lúc con chưa đủ kinh nghiệm để tự nuôi lấy bản thân.

Dốc cao, tôi nghĩ đến con đường đời cao chất ngất mỗi con người phải dấn bước. Bất chợt tôi nghĩ đến hắn. Nghĩ đến những tháng năm trước mặt còn dài thênh thang của hắn, và nghĩ đến cái hạnh phúc của chính mình đã được cùng đi với con qua các nẻo khốn khó nhất của con.

Khe khẽ trong tôi nỗi lao chao hiện ra. Đoạn trường ai có qua cầu… Tôi bùi ngùi bước. Không để ý trước mặt tôi có đứa bé đứng chờ. Vẫy tay. Đến khi nghe tiếng gọi tên mình, nhìn thấy cái bóng dáng bé bỏng, mái tóc vờn bay trong gió chiều dưới hàng cây, tôi cảm động. Nước mắt tôi chảy ra. Ngày rời Âu châu, tôi từng cám ơn những đứa bé tôi chăm sóc trong nhà thờ đã cho tôi cái cảm giác được làm mẹ lần nữa khi con tôi không còn ở cạnh mình.

Tôi hớn hở vẫy tay lại và chạy lên con dốc. Dốc cao. Lá đổ. Rừng thu phong nay đã nhuốm màu quan san. Tôi nhớ đến câu thơ. Nhớ mái tóc lấm chấm những sợi bạc của hắn. Rồi tôi nhớ đến giọng cười ngọt ngào của hắn lúc hắn chơi đùa với con. Nhớ tới ước mơ một thời của mình về một mái ấm, nhớ hắn từng buồn bã hỏi không hiểu sao hắn không thể được hưởng những thứ hạnh phúc bình thường như vậy.

Và tôi cũng nhớ hắn từng cười với mình bằng một giọng cười rất dễ thương như thế trong điện thoại…

Gió se lạnh trên bàn tay tôi khi tôi cầm tay con hắn. Lòng bàn tay con bé ấm như có sưởi. Tôi lặng người tự hỏi, không biết khi đưa tôi ra phi trường, tôi có dám nói là tôi ghét hắn, hay sẽ bảo thỉnh thoảng nhớ liên lạc với mình.

Tiễn biệt

Tôi nói với chị, tôi muốn đi thăm bà Schaeffler. Thời tiết vào mùa này bắt đầu đã trở nên thất thường. Có những hôm trời trong vắt, nắng vàng lụa là, ấm mượt cả mắt, vậy mà khi ra đường phải khăn quàng, áo dạ lỉnh kỉnh. Rồi ngược lại cũng có những hôm trời mây âm u, buồn rầu nhưng khí hậu ấm áp vô cùng. Sáng sáng, đứng trong bếp chờ những giọt cà phê nhẩn nha rơi xuống đầy bình, tôi vẫn hay thả mắt trên những hàng cây trước mặt nhà. Nơi những đám lá phong đã không còn đỏ rực mà chuyển sang vàng, những giậu tử đăng hoa đã úa màu nhợt nhạt, và đám me keo rụng rơi đầy trên mặt đất. Con suối nhỏ phía bên kia cánh rừng tôi vẫn tập chạy mỗi sáng, chỉ còn là một giòng nước chảy yếu đuối như một con lạch, trơ vơ những cụm rêu, xanh xao nằm ven bờ. Cuối thu, cái lãng mạn, thơ mộng chỉ rớt rơi lại trong những bài ca, bài thơ nào đó mà tôi hay nhớ tới hoặc nghêu ngao hát. Ở đây, lòng tôi bạc xám, u buồn. Ở đây, lòng tôi như một đóa phù dung cuối ngày tàn tạ.

Chờ mãi vẫn không nghe chị trả lời, tôi nhắc lại một lần nữa chuyện tôi muốn đi thăm bà Schaeffler. Bấy giờ chị mới quay đầu, bảo, đài truyền hình cho biết sẽ có bão vào cuối tuần.

– Chắc sẽ có gió và mưa nhiều.

Chị nói. Giọng cố bình thản, nhưng nghe như có chút gì ngập ngừng, bồi hồi. Nhất là khi câu nói đã chấm dứt. Trong phòng chỉ còn vang lên tiếng đàn dương cầm phát ra từ chiếc máy thu thanh, nhạc của Johann Sebastian Bach, với những âm hưởng như nhạc nhà thờ. Tôi đứng im, không quay lại, nhưng trong trí hiện lên rõ rệt khuôn mặt hiền lành, pha một chút buồn buồn của chị. Đôi con mắt sâu đen sau làn kính, tia nhìn u sầu có lẽ đang thả trên bờ vai gầy của tôi. Không biết chị có đang tự hỏi, tại sao tôi lại đòi hỏi chị làm một chuyện khó khăn đến vậy hay chăng.

Chị im lặng như thế rất lâu. Cả lúc tôi hỏi đường đi có trơn trợt và nguy hiểm lắm không, chị cũng vẫn không nói gì. Tuy nhiên có lẽ chờ mãi mà không thấy tôi đổi cái ý định lúc ban đầu, chị thở dài, hạ thấp giọng:

– Để chị sắp xếp xem thế nào.

Tôi làm thinh. Chị hứa đưa tôi đi thăm bà Schaeffler ngay từ khi tôi mới đặt chân đến nơi này, nhưng rồi cái chuyến đi, dần dà, bỗng trở thành một lời hẹn hò mờ nhạt, giữa chị với tôi. Không phải chị không muốn thực hiện, hay thất hứa, nhưng tôi đoán, có lẽ chị sợ. Sợ những cơn bão thật trên đường đi, và những cơn bão trong lòng chị. Có một vài lần nào đó, chị nói bóng gió tới điều ấy. Vậy mà tôi, thì dường như không làm sao cưỡng lại được cái ý muốn sẽ được đến đấy một lần, cùng với chị. Nhất là khi tôi có ý định sẽ tạ từ cái đất nước này. Tôi không biết nó có sẽ là nơi ghi dấu, ở lại trong lòng tôi, hay rồi cũng sẽ bị lãng quên đi như những thành phố tôi đã tới, đã qua đi chốn này. Ngày mỗi ngày, nỗi háo hức, cái ý muốn được nhìn thấy nơi chị đã sống, đã có những kỷ niệm không thể quên ấy, cừ bừng lên trong lòng tôi từng chặp một. Lạ lùng.

Tôi quay nhìn chị, nhắc lại câu hỏi, đường đi có khó khăn lắm hay không, và nên chọn phương tiện nào. Chị khẽ liếc ra ngoài khung cửa kính, không trả lời chính vào câu hỏi của tôi, mà lại nói, thật nhỏ, giọng bùi ngùi:

– Chắc thế nào rồi cũng phải đi một chuyến…

*

Nhà bà Schaeffler nằm trên một con dốc xoai xoãi, hai bên đường đi là những ngôi nhà xưa cổ, với những bức tường đầy bìm bìm và dây leo phủ kín. Mùa này trời đã trở lạnh, nên có vài chỗ chỉ còn trơ lại những nhánh cây màu nâu sẫm, bám chặt lấy bờ tường, trông như những chiếc xương lá. Dưng không cái trơ gầy của đám dây leo uốn éo ấy, làm tôi chợt nhớ lại ngày còn nhỏ, vẫn thường đi nhặt lá bồ đề về ngâm trong nước vo gạo, để lấy xương lá đem đi nhuộm mực tím, mực đỏ, rồi ép chung với những cánh bướm khô xác, với những đóa hoa dại hái bên đường. Tôi kể cho chị nghe. Chị chớp mắt. Giây sau chị bảo tôi, vào những tháng năm hoa bướm hồn nhiên ấy của tôi, thì chị đang mệt nhoài, khốn khổ đánh nhau với mớ Đức ngữ, với ống nghiệm, hóa chất, và những bài giảng trong trường đại học ở nơi này. Tôi ngồi im. Đầu óc như phân đôi. Nửa lẩn quẩn nhớ đến cái thuở, ngoài những cái trò chơi con gái tôi tẩn mẩn một mình ấy, đã có rất nhiều lần tôi ước ao đến muốn khóc, một người chị lớn ở bên cạnh để dẫn mình đi phố, hay góp ý kiến cho một kiểu áo, một nhánh tóc để dài hoặc cắt ngắn, như những đứa bạn tôi đã thường may mắn có. Và nửa còn lại, lơ mơ không biết làm sao chị có thể sống được ở một nơi hoàn toàn xa lạ, giữa những con người xa lạ, giữa cái đất nước có truyền thống văn hóa mạnh mẽ, và một thứ ngôn ngữ khó học đến như vậy.

Chạy hết con dốc, chị ngừng xe trước một căn nhà màu vàng nhạt, với những khung cửa kính nhỏ sơn nâu sẫm, phía bên trong buông rèm mỏng mảnh, trắng trong. Bão đã về đây hôm qua, nên bên hông nhà có những nhánh lá cây gãy chưa được dọn kịp, nằm sóng soài trên mặt đất ẩm ướt. Vài chiếc lá vàng, chen lẫn những chiếc lá xanh nhầu nát, rơi trên lối đi. Cuối chân tường, vươn lên một bụi cúc vàng rực rỡ với những cánh hoa mỏng mảnh, dịu dàng nhưng không hề lộ vẻ yếu đuối. Tôi nghĩ ngay tới chị. So sánh với cái tâm tư đầy bão tố của chị và sự bình tĩnh, vững chãi thể hiện hàng ngày trên hành động, trên ứng xứ, và cả trên gương mặt chị. Nhiều lần tôi và chị nói với nhau về một cái hạnh phúc nghiệt ngã mà cả tôi lẫn chị từng cưu mang như cưu mang một nghiệp chướng trong đời. Có lần nào đó tôi đùa với chị, bằng cách đảo ngược chữ của một câu hát, có biết đâu thiên tai đang nằm trong niềm vui. Lúc ấy chị đã cười với tôi. Nhưng trong ánh mắt chị, trong tiếng cười của chị, hiện ra nỗi đau đớn, chua xót đến não lòng.

*

Schaeffler đón chị bằng một vòng tay ôm và nụ hôn âu yếm của người mẹ chờ đứa con đi xa mới về. Chị là người sinh viên Việt Nam thứ hai mà bà đã lên tận trường đón về trong thời gian chị học Đức ngữ ở đây. Bà chào tôi, gọi tôi bằng “Sie” mà không bằng “du” thân mật như gọi chị. Chị cười, sửa lại. Bà cũng cười. Nụ cười quý phái của một người đàn bà vẫn còn hết sức minh mẫn dầu đang mấp mí ở tuổi chín mươi. Bà nắm lấy bàn tay tôi, bảo:

– Thoạt nhìn, có thể lầm hai chị em với nhau.

Tôi gật đầu:

– Nhiều người đã lầm như vậy. Nhưng chị ấy cao, và trắng hơn.

Bà Schaeffler đưa chị em chúng tôi lên phòng cất đồ đạc. Căn phòng gọn gàng, mát mắt, như ở trong một khách sạn. Chị bảo lần nào có khách, bà Schaeffler cũng cẩn thận thay từng tấm ra giường, trải lại từng chiếc khăn bàn, và có khi thay cả màn cửa sổ, nên chị luôn luôn cảm thấy áy náy khi về thăm bà. Chị tần ngần nắm lấy tay người đàn bà:

– Mama để mặc tụi con.

Bà Schaeffler ừ, nhưng rồi vẫn cứ lăng xăng cạnh chị để giúp chị cất hành lý vào tủ, treo hộ cái áo lên móc. Tự dưng bà khiến tôi nhớ mẹ tôi lạ lùng. Mới năm ngoái năm kia, lúc mẹ sang thăm, tôi mới biết mình vẫn còn nhỏ dại, khờ khạo vô cùng trong mắt mẹ. Tôi đã không tưởng tượng nổi mình có thể trút hết với mẹ những điều ngỡ sẽ mãi mãi cất giữ kín trong lòng, không tin nổi vẫn còn có thể nói hết được với mẹ cái tâm tư héo hon, sầu úa của mình. Lúc mẹ lên máy bay về xứ, tôi đã đứng khóc ngất như một đứa trẻ con giữa phi trường đông người qua lại.

Chúng tôi theo bà Schaeffler xuống phòng ăn, nơi bà đã bày sẵn bánh ngọt và cà phê trên bàn. Tôi tặng bà hai cuốn sách, theo sự giúp ý của chị. Bà Schaeffler có vẻ xúc động. Bà hỏi tôi về cuộc sống ở bên này. Hỏi tôi có vui không. Tôi cười, không biết trả lời sao với bà. Bởi không lẽ bảo tôi muốn đi thăm bà, chỉ vì tôi sắp về từ giã nơi này, chỉ vì có thể rồi tôi sẽ không bao giờ đặt chân trở lại lần nữa! Ngần ngừ một lát, cuối cùng tôi chọn một câu đùa mà tôi vẫn đùa với vài người bản xứ quen với chúng tôi, rằng cái ngôn ngữ rắc rối của dân tộc bà làm tôi sắp sửa bị điên. Bà Schaeffler bật cười, hân hoan nhắc lại thời chị tôi mới về ở trọ tại nhà bà. Cái câu chuyện, tôi đã từng nghe chị kể nhiều lần, trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, nhưng lần này, tôi bỗng xúc động vô cùng. Tôi không biết có phải vì đang được nhìn tận mắt, từng cảnh nhà, từng món đồ đạc ở nơi đây, để có thể hình dung ra được hình ảnh chị ngồi đan áo ở chiếc ghế bành bên cạnh cái lò sưởi trong phòng khách, hay loay hoay với bà Schaeffler ở góc bếp, cuối vườn; hay vì cái giọng nói của người đàn bà đầy chân tình, âu yếm khi nhắc đến đoạn đời mà chính bà cũng cảm thấy êm đềm, dễ thương ấy.

Bà Schaeffler xoay sang hỏi thăm về gia đình chị, rồi lại hỏi chuyện học hành của con tôi. Dạo mới sang đây, chúng tôi đã định gửi con tôi về ở với bà vài tháng để học thêm tiếng Đức, nhưng sau đó lại thôi. Điều trắc trở, như có lần chị nói với tôi, không phải bởi sự khách sáo, xa lạ thường thấy, mà lại nằm ngay trong cái tình thân quý hiếm của chị và bà. Tôi cười đáp lời bà:

– Nó đã đọc được cả Goethe, và đã có bạn trai.

Bà Schaeffler rạng rỡ cười, chúc mừng tôi. Tôi nhớ đến những hôm nghe con tranh luận với bạn bè về những tư tưởng triết học mà thầm cười một mình, bởi cố tìm mãi mà vẫn không thấy bóng dáng của chính mình vào tuổi ấy, qua con. Bà Schaeffler bảo, bà luôn ước ao sẽ có dịp xuống thăm chúng tôi vào dịp lễ Giáng Sinh hoặc Phục Sinh năm tới. Nhưng nhìn gương mặt bà, nhìn ánh mắt đằm thắm dịu dàng của bà ánh lên nét xa xót, tôi biết bà chỉ ước ao vậy, mà cái chuyến đi ấy sẽ chẳng bao giờ được thực hiện.

*

Buổi chiều cơm nước xong, bà Schaeffler rủ chúng tôi đi dạo, như cái thói quen thường thấy của người Đức. Chúng tôi đi ngược lên con dốc, về phía cánh rừng thưa. Đường đi ẩm nước, nhưng không trơn trợt vì mặt đất đã được trải một lớp đá nhỏ li ti. Hai bên đường, ngoài những cây rừng thiên nhiên đang bắt đầu trơ trụi lá, có thêm những nhánh dương và thông được trồng thêm, vẫn xanh một màu xanh bàng bạc. Gió thổi xào xạc trên bước chúng tôi đi. Một vài con chim rừng chấp cánh, kêu ríu rít. Tôi bỗng nhớ hai câu thơ quen thuộc. Người chia ngựa, kẻ lên bào. Rừng thu phong đã nhuốm màu quan san. Tôi nghĩ đến những ngày tháng ở trước mặt mình và nghĩ đến hai chữ tiễn biệt u buồn. Những cảm nghĩ băn khoăn day dứt, về hay ở bỗng trở lại trong tôi. Tôi thấy mình như một con ngựa già ỳ ạch, mỏi mệt kéo lê những bước của mình trên đường mòn, không muốn đi, cũng không muốn ở, và cũng không biết phải định đoạt số phận của mình như thế nào.

Bà Schaeffler chỉ cho tôi và chị thấy phiến đá chị và bà vẫn hay ngồi nghỉ chân trong những lần đi dạo, sau mỗi bữa cơm chiều ngày xưa. Giọng bà chứa chan, bồi hồi, như bà đang đi lùi lại, xa thật xa, trong ký ức. Tôi ngước mắt lên nhìn gương mặt già nua, thấp thoáng vẻ hạnh phúc, và bàn tay có nhiều nếp nhăn ấy đang đặt trên thân cây sồi to lớn bên vệ đường, mà có cảm tưởng chừng như mình còn già hơn cả con người này.

Tháng trước, đi dự một cái đám cưới người bạn của chị, đứng trong góc phòng, nghe người ca sĩ lao xao một bài hát đã cũ, nơi em về, ngày vui không em; nơi em về trời xanh không em… tôi đã muốn bật òa lên khóc khi quay lại nhìn chị, chạm tia mắt sâu đen của chị. Trước đó, tình cờ ngồi giữa chúng tôi, những người quen của chị hỏi nhau về một đôi vợ chồng, và có một người bảo hình như họ đang đi nghỉ mát ở Hawaii. Một câu chuyện thật hết sức bình thường, bình thường như chị thỉnh thoảng vẫn đi với người đàn ông của chị, đến một nơi nào đó, Paris, Rome, Athens…, bình thường như chị vẫn đang sống; nhưng cái mẫu tin, câu chuyện, bỗng giống một đầu kim nhọn, một mũi dao bén ngót lướt trên lồng ngực, rồi cắm sâu vào trái tim của người nghe, đau đớn, tàn khốc. Ở đâu đó, người ta có thể tin được, có thể hiểu được rằng hạnh phúc của người này là nỗi xót xa của người kia, nhưng ở đây, thì gần như đã chẳng có ai biết như vậy.

Chẳng có ai hay bão tố trong lòng một con người, có thể đến chỉ vì một câu hát, vì một nhắc nhở tình cờ. Chẳng có ai biết, ngoại trừ tôi. Nên buổi tối đứng chôn chân nơi góc phòng, tôi đã phải quay mặt đi bùi ngùi và nắm hai tay mình thật chặt lại với nhau, như để có thêm chút can đảm mà không bật khóc òa giữa đám đông. Tôi không dám nhìn chị thêm lần nữa, dầu vẫn lo sợ thầm không biết chị đã phải làm như thế nào mới không để lộ những cảm xúc đau đớn đang dâng tràn trong lòng chị.

Lúc ra ngoài lấy xe, chị vịn bàn tay lên vai tôi, nói nhỏ:

– Cái bài hát, nghe buồn quá, phải không?

Đứng trong bóng tối, nhưng tôi vẫn có thể thấy được đôi mắt chị long lanh ướt sau làn kính. Cái bài hát, những năm chị mới rời nhà sang đây, là bài hát thịnh hành. Tôi vào tuổi mới lớn cũng nghe đi nghe lại bài hát ấy nhiều lần. Nghe đến quen tai từng tiết tấu, đến thuộc từng chữ, từng chỗ ngắt câu. Và vì nghe mãi, nên cái âm điệu của bài hát, dần dà chỉ còn gây được chút xúc động hoài niệm. Nhưng với chị, chẳng phải chỉ là như thế. Mà cơn chấn động dữ dội hơn, đớn đau hơn.

Tôi đã đứng ngộp trong bóng tối. Cổ ngước cao nhưng có cảm tưởng mình không thở được. Bàn tay chị trên vai tôi ấm nóng. Cuối cùng, chẳng biết nói với chị điều gì, tôi lặng lẽ đặt bàn tay mình lên tay chị, nghe tiếng chị thở dài giữa những tiếng lào rào xe cộ chạy ngoài đường. Có lần chị nói với tôi, tôi đi rồi, sẽ chẳng còn ai để chia xẻ những buồn vui, suy nghĩ…

*

Bà Schaeffler buông bàn tay ra khỏi thân cây sồi, bước lên phía trước. Chúng tôi đi theo bà. Chị kể cho bà nghe về chuyện viết lách của tôi. Giọng chị dịu nhẹ, lẫn trong tiếng gió xạc xào trên những nhánh lá cây ở hai bên đường mòn, như vọng lại từ một cõi nào đó xa lăng lắc. Tự dưng tôi bỗng không tránh khỏi cái ý muốn, ngoài bà Schaeffler, sẽ còn được gặp một người nữa trước khi chia tay với chị. Một người, mà hình như đã có ai đó, nói với tôi, tính tình cũng dịu dàng, như chị. Dầu tôi chẳng biết gặp mặt người ấy để làm gì. Như đã khăng khăng muốn lên đây, muốn gặp bà Schaeffler…

Tôi cố nén tiếng thở dài. Bà Schaeffler quay lại:

– Cô thấy cảnh trí ở đây như thế nào?

Tôi cười, đáp, đẹp. Người đàn bà cười tươi:

– Về nhà, chắc thể nào cô cũng viết được bài thơ hay đoản văn nào đó, phải không?

Tôi gật đầu. Tôi hy vọng thế. Bà Schaeffler lại bảo nếu tôi thích, hôm nào đó, tôi nên lên lại đây một mình, nghỉ ngơi vài ngày để yên tĩnh viết. Tôi đùa:

– Tôi quen viết trong không khí ồn ào. Yên quá, chắc viết không được.

Người đàn bà bật cười. Cho đến phút ấy, bà vẫn không biết tôi muốn đi thăm bà chỉ lần này mà thôi. Bà nói đùa thêm đôi câu. Và chị, chen vào một câu gì đó. Giọng nửa vui. Nửa như muốn nhắn nhủ tôi, ở lại. Bất giác tôi chùn bước lại, thụt lùi về phía sau vài bước. Và rồi cứ đi mãi ở phía sau hai người như thế cho đến lúc đặt chân thềm nhà bà Schaeffler. Chị vịn lấy cánh tay tôi:

– Chưa già như Oma, mà lên con dốc thế này đã thấm mệt.

Tôi đáp:

– Mai về nhà, em sẽ nhổ tóc sâu cho chị.

Hai chị em cười. Tiếng cười chị loang loáng bên vai tôi. Có nhiều người bảo rất khó có thể phân biệt giữa giọng chị và giọng tôi trong điện thoại. Lâu lâu chính mẹ tôi, qua đường dây viễn liên, mà còn phải hỏi đứa nào đang nói chuyện với bà. Cả giọng hát của chúng tôi cũng vậy. Nghe như chỉ chính một người. Nhớ lần đầu tiên khám ra như thế, tôi và chị đã bật cười, rồi ngạc nhiên hỏi nhau, không hiểu tại sao chúng tôi không hề có thời gian gần gũi cả từ thời thơ ấu cho đến khi trưởng thành, mà lại có thể “ảnh hưởng” đến nhau như vậy.

Trời rớt mưa lâm râm khi chúng tôi đã vào hẳn trong phòng khách. Bà Schaeffler pha một bình trà nóng và mang lên một khay bánh ngọt, rồi mở một đĩa nhạc giao hưởng mà bảo rằng chồng và một người thân của bà ngày xưa rất thích nghe. Tôi giật mình nhớ đến đĩa nhạc của Bach chị vẫn thường mở ở nhà. Dưng không tôi mường tượng đến cuộc sống của chính chị và tôi lúc về già, cũng một mình trong một căn phòng vắng lặng nào đó như thế này, nhưng có lẽ còn buồn hơn cả bà Schaeffler. Bà Schaeffler, dầu sao đi nữa, cũng vẫn còn mang được bên mình những kỷ niệm, những điều đã cưu mang và có thể nhắc lại bất cứ lúc nào, với bất cứ ai. Còn tôi với chị, hành trang cho mình những ngày không còn thanh xuân, nếu không là những khốn khó, đa đoan, thì có gì ngoài sự trống trơn, lạnh lẽo của cuộc đời.

Mưa mỗi lúc một to bên ngoài. Tôi lắng nghe tiếng gió u u lẫn trong tiếng mưa rơi, để cái thanh âm là lạ của nó át tiếng nhạc đang vang lên trong phòng. Nhớ ngày còn nhỏ, vào những tối trời mưa, tôi cứ nằm ngẩn ngơ nhìn những hình người khiêu vũ trên băng được in trên tấm chăn của mình, mà tưởng tượng đó là những đôi thiên thần đang chắp cánh tới những vùng trời xa xôi, sáng loáng, cho đến lúc chìm vào những giấc mơ dịu dàng, thấy chính mình cũng đang được lướt tới, lướt tới như thế. Để rồi sáng hôm sau, khi nói lại với những đứa em bà con, thì bị chúng cười nghiêng ngả. Ba tôi nói con nít hay mơ ước. Nhưng tôi nhớ những mơ ước của đám em họ tôi hoàn toàn chẳng giống mình chút nào. Cả những gắn bó của tôi với mớ đồ chơi trong nhà cũng khác thường hơn so với những đứa em tôi. Tôi ít khi thích những món đồ mới, cũng không muốn chơi với những con búp bê vừa được lấy từ trong hộp ra, hay vừa được mang từ tiệm về. Và lúc lên trung học rồi, có nhiều hôm tôi về trường cũ một mình, đứng tựa ở cổng thật lâu, lòng buồn man mác, không hiểu nổi tại sao mình lại bị mất mát một lúc nhiều thứ đến thế. Từ thầy cô, cho đến những đứa bạn ngồi chung bàn…

Lúc tôi quay lại, nghe giọng chị òa vỡ ra tiếng thở dài:

– Mama, lần trước con lên trời cũng mưa như thế này.

Trời cũng mưa những cơn mưa oan nghiệt, và đổ những cơn bão lớn tội tình. Lớn đến nỗi xế chiều hôm đó làm bà Schaeffler phải lo ngại, phải gọi điện thoại xuống ngăn không cho chị đi. Để cái bi kịch, có dịp được bắt đầu…

Bà Schaeffler, sau này kề với chị, chừng như cái cơn bão đã không chỉ ở gần bà, đâu đó ngoài vườn, ngoài phố, mà ở phía bên kia, đường dây điện thoại. Bà Schaeffler nói, bà không hiểu nổi tại sao cái gì xảy ra cho chị cũng có vẻ quá muộn màng và rủi ro đến vậy. Từ cuộc hội ngộ đầu tiên, cho đến lần chia tay cuối cùng của chị với một người mà bà thương như con, thương như thương chị. Bà bảo bà không tin số phần, nhưng hình như lại thấy cuộc đời của chị có vẻ gắn liền với những định đoạt đã có từ trước.

Cô ấy đã đi từ sáng sớm. Bà Schaeffler nghe như vậy. Và đã gọi điện thoại về nhà báo là đến nơi bình an. Cô ấy không ở chỗ bà, vậy thì cô ấy ở đâu?

*

Chị ở đâu? Bà Schaeffler cứ hối tiếc phải chi bà bớt nóng lòng đi tí chút, thì đã nghe được cú điện thoại của chị sau đó không lâu. Bà Schaeffler buồn thật buồn. Điều bà ao ước được đến với chị, đã đến. Cái hạnh phúc bà muốn chị có, chị đã với được trong tay. Nhưng vô tình, mà cả bà lẫn chị đều không còn gì…

Chị ở đâu? Tôi biết chị không ở trong những loay hoay nhàm chán hằng ngày. Không ở trong những cơn mưa, cơn bão của thiên nhiên, lẫn trong những cơn mưa, cơn bão của đời sống này. Buổi tối ngủ lại ở nhà bà Schaeffler, tôi nằm mơ thấy chị và tôi chạy vật vờ dưới những hạt nước trời đang rơi mịt mù trong không. Bàn chân tôi dẫm lên những bong bóng, nổ lốp đốp như tiếng pháo bông ngày hội. Tôi đã rán hết sức nhưng không thể nào lướt tới được phía trước, giống như những đôi nam nữ in hình trong tấm chăn thời còn bé của tôi. Rồi tôi nhìn thấy chị, với đôi cánh thiên thần, với bàn chân mang hài sắt lướt trên băng, chị lao về phía trước. Tôi thấy những đóa hoa nở dịu dàng. Và tôi thấy cả nụ cười của người tôi chưa hề biết mặt, mà có lẽ sẽ không biết mặt bao giờ.

Khi tôi tỉnh dậy, chị đang ngồi bên lò sưởi, đan tiếp chiếc áo bà Schaeffler làm dở dang. Tiếng than củi nổ tí tách hồn nhiên. Chị mỉm cười với tôi. Dịu dàng.

*

Một ngày rưỡi ở nhà bà Schaeffler qua đi rất vội vàng, nhưng tôi có cảm tưởng mình ở đó rất lâu. Lâu đến hàng chục năm. Lâu đến hàng thế kỷ. Buổi sáng tiễn chúng tôi về, bà Schaeffler ra đứng trên hàng hiên, ôm chào chúng tôi rồi quay vội vã vào nhà. Mới hôm qua, bà hứa sẽ xuống thăm chúng tôi, mời tôi lên lại nhà bà, và cả hai, chị lẫn tôi cũng đều mới hứa sẽ về thăm bà lần nữa, nhưng có lẽ chính bà đã biết rằng khó mà còn cơ hội cho bà và chúng tôi gặp nhau lần nữa. Tự dưng tôi bỗng lại muốn òa lên khóc khi nghĩ đến hai chữ tiễn biệt. Tôi quay nhìn ra ngoài cửa xe, ngó lên những ngôi nhà đầy dây leo và lá bìm bìm, mường tượng ra lần chia tay của bà Schaeffler với hai người sinh viên bà yêu thương như con ruột. Lòng tôi tối xám lại. Tôi không dám đưa mắt ngó lại phía sau lưng, sợ nhìn thấy chị, rồi sẽ lưỡng lự trước quyết định của chính mình…

***

Giữa tàn phai

Để nhớ ba mươi năm Quỳnh tạ thế.
Tôi nói với Hà, tôi đã kể hết chuyện “mối tình tay ba” giữa hai đứa với anh chàng học cùng trường cho ông anh tôi nghe rồi. Hà nói, mi kể chi dị rứa. Nhưng lát sau Hà lại hỏi, rồi ổng nói răng. Tôi cười. Nói tau với mi bỏ hắn là đúng rồi. Mi không bị la chi hết hả? Không. Ra chơi, Hà chép miệng, ông anh mi dân trường tây, coi bộ phóng khoáng hơn anh chị tau. Tôi đáp, chắc tại ổng đang yêu.
Trưa Hà theo tôi về nhà. Tôi bảo Hà lên lầu trước, còn mình thì chạy xuống bếp dặn chị người làm mang cơm lên cho hai đứa. Lúc tới bậc thang cuối cùng, thấy Hà còn đứng tựa lan can ở đó, tôi ngạc nhiên, ủa răng mi đứng đây. Hà không trả lời, mà hỏi lại, hồi nãy, phải ông anh mi vừa đi xuống đó không. Ông mô? Nhà tôi ngoài ông anh ruột, ba mẹ tôi còn nuôi thêm hai ông anh con cậu và con cô. Một ông lớn, hai ông ngang tuổi nhau. Hà bảo ông mang kính cận. Tôi ừ. Hà hỏi lại, ổng ở Sài gòn mới về hả. Tôi lại ừ. Tôi đã kể cho Hà nghe khá nhiều về anh tôi, nhưng đây mới là lần đầu Hà nhìn thấy anh. Tôi và Hà, thân nhau lâu, nhưng có một khoảng thời gian khá dài không cùng học chung lớp, cũng không chơi với nhau. Hai đứa giận nhau. Đúng ra Hà giận tôi, vì tôi đổi đi lớp khác. Mấy năm sau, có dịp học cùng, lại có dịp yêu chung một “thằng”. Nhường qua nhường lại như cải lương. Cuối cùng hai đứa quyết định thực hiện câu Mường Mán viết cho báo Tuổi Ngọc, khoác áo gấm cho tình bạn, khoác vải thô cho tình yêu.
Thuở mười sáu, mười bảy tuổi, bày đặt nói chuyện tình yêu, nhưng chưa đứa nào biết tới cái nắm tay, nụ hôn. Áo gấm, vải thô nghe mà nhức nhối. Trưa hôm đó, tôi thấy Hà có vẻ hơi là lạ. Lúc hai đứa đang học chung bài lượng giác, Hà bỗng đòi nghỉ ngang, điều chưa bao giờ Hà làm. Tôi nói, tau nghi ngày mai ông Bích kêu tau lên bảng quá, ổng hằm hè tau từ tuần trước rồi, biểu, tôi nghe đồn cô học giỏi lắm mà tôi chưa thấy chi hết. Hà thở ra, tự nhiên buồn quá mi ơi. Học không vô.
Tôi thả bút xuống bàn học. Học không vô thiệt. Nên ông thầy mới hằm hè tôi. Nên hồi đầu năm cha hiệu trưởng mới gọi Hà vào văn phòng, la một trận, tự dưng mà con học xuống dốc như vậy là sao! Hà và tôi, mỗi đứa một lớp, lúc nào cũng đứng chon von, chót vót trên mấy chục đứa trong nhiều năm. Học chung lại với nhau, lo áo gấm vải thô, mấy tháng liền, chẳng đứa nào lấy nổi cái bảng danh dự. Ngày nào gặp nhau cũng nói, phải chỉnh đốn lại tư tưởng, phải lo học nhiều hơn. Nhưng cuối cùng cả hai đều không chỉnh đốn, không lo gì cả.
Buổi chiều Hà về rồi, ông anh tôi đi uống cà phê với bạn, trước khi ra khỏi nhà, anh quay lại. Hà đó hả, lớn, dễ thương ghê. Tôi cười, làm thinh. Sáng hôm sau, Hà hẹn tôi ở quán phở đầu phố. Khi tôi đạp xe đến, Hà đã đứng chờ ở ngưỡng cửa nhà Hiền, đối diện với tiệm phở. Hiền cũng chơi chung với chúng tôi, thân với Hà hơn. Tuy nhiên không như hai đứa, Hiền quả như cái tên của mình, nhút nhát, rụt rè. Và cũng không như tôi với Hà, già trước tuổi đến hằng bao nhiêu năm; đám bạn chúng tôi nói, hai con bây lạ dễ sợ. Chuyện yêu chung một thằng con trai của tôi và Hà đã làm nhiều đứa ngạc nhiên. Ngẩn ngơ. Về sau, biết chúng tôi làm thơ và tập viết lách, đám con gái ngưỡng phục hết mình. Hà đã rủ tôi viết chung một cuốn tiểu thuyết. Mười sáu tuổi, hai đứa làm chuyện không tưởng được –chúng tôi viết chuyện tình. Nhưng không phải về chuyện anh chàng “bắt cá hai tay”. Mỗi ngày chúng tôi thay nhau “feiulleton” một đoạn tình yêu tuổi mới lớn. Không nắm tay và không hôn nhau. Độc giả là lũ con gái cũng chưa biết yêu, chưa biết nắm tay. Phê bình cũng là cả bọn. Một đứa làm nhiệm vụ thư ký, tẩn mẩn ghi chép, đứa khác đem đi copy về làm của riêng.
Sáng hôm ấy, vừa khóa xe, tôi vừa nói với Hà, ông anh tau khen mi dễ thương. Từ phía sau lưng tôi, Hà nói, rứa hả. Rồi làm thinh. Tôi tưởng Hà không chú ý, hay nghĩ ngợi gì đến anh, câu nói của anh, nhưng đến lúc đã gọi xong thức ăn, Hà bỗng ngó tôi. Hôm qua mi nói ông anh mi đang yêu phải không. Tôi cười. Không phải đang, mà yêu lâu rồi, chừ mới được trả lời. Ai? Hà hỏi. Tôi loay hoay lau hai đôi đũa cho hai đứa, đáp. Quỳnh, mi biết Quỳnh không? Hà chớp mắt, quay đi ngó người bồi bàn đang mang phở ra cho chúng tôi. Chị của Mai Hương phải không. Tôi ừ. Hà nhận xét, mặt con nớ dễ thương, nhưng cái miệng ngó hơi đỏng đảnh. Tôi gật đầu. Quỳnh đẹp hơn.
Quỳnh, Lâm Du Ngọc Quỳnh, chị của Mai Hương, suốt cả thời mới lớn, ông anh tôi ngồi đâu đó sau lưng trong lớp học, vẫn mơ ước hàng trăm lần, hàng ngàn lần được nắm lấy bàn tay nhỏ nhắn, được vuốt khẽ lên làn suối tóc đen mượt, được nói những ngôn từ yêu thương với người con gái ấy… Nhưng vẫn ngày hai buổi bao nhiêu năm như thế, anh cứ chỉ là người con trai lặng yên ở phía sau. Cứ đi về không ánh mắt, nụ cười Quỳnh đuổi theo.
Mãi cho đến về sau này, khi không còn chịu nổi cái không khí lớp học mà mấy mươi năm sau, anh bảo sặc mùi thực dân, rồi mãi cho đến lúc bỏ trường lớp đi rồi, anh mới được nghe một vài âm vọng từ phía Quỳnh.
Tôi nói với Hà, anh kể chuyện anh và Quỳnh cho tôi nghe sau khi tôi thành khẩn khai ra chuyện tay ba của ba đứa chúng tôi. Hà uống ngụm sữa đậu nành. Lát sau mới hỏi lại. Hiện tại là hai người đang yêu nhau? Tôi chậc lưỡi. Tau không rõ. Nhưng chắc là đang yêu nhau.
Hà không nói gì. Nên tôi cũng thôi, không kể thêm. Hai đứa im lặng rất lâu như những hôm về học, đạp xe đi cả đoạn đường dài, mà chỉ nhìn nắng rớt rơi trên những tàn cây. Đến lúc đã tính tiền xong, chuẩn bị rời khỏi quán, Hà mới chuyển đề tài, trở lại chuyện học hành, nhắc tôi về cái dự tính sau này sẽ đi du học của hai đứa.
Tháng chín. Miền trung không có mùa thu, nhưng thị xã tôi vào lúc ấy, bầu trời không còn trong xanh, cũng không có những hôm lãng đãng mây trắng. Mà âm u xám và buồn như màu sữa pha. Từ chỗ tôi hay đứng trong cửa sổ mỗi ngày, đã không còn có thể nhìn thấy được chóp ngọn Hải Vân. Con sông chạy quanh thành phố, cũng đục ngầu phù sa, và những ngôi nhà nằm dọc bờ bên kia, đối diện trường học tôi, chỉ còn thấp thoáng, lờ mờ ẩn hiện như trong tranh vẽ.
Tháng chín, lớp học chúng tôi có vài ba xáo trộn. Nhà trường nhận thêm năm bảy học sinh mới, tản cư từ mặt trận Thường Đức, mùa hè năm ngoái về. Tôi nói với Hà, gia đình tôi chắc sẽ dọn vào Sàigòn. Ba mẹ tôi đang kiếm mua nhà ở đó. Hà ngạc nhiên. Mẹ tau cũng đang tính dọn đi. Chắc không đợi hết niên khóa. Hà bảo. Nghe, tôi liền bật lên tiếng kêu. Mừng rỡ. Rứa mà tau cứ lo từ bữa ông bà già tính chuyện. Sợ xa mi, không dám kể sớm. Hà nói. Tau cũng tưởng mỗi đứa sẽ ở một nơi. Bà già tau nghĩ, ở đây chắc không còn yên nữa đâu.
Ở đây, thành phố tôi sinh ra, lớn lên, và gắn bó như gắn bó với một người tình. Nơi tôi, Hà và gia đình hai đứa đã từng tính toan sẽ để chúng tôi rời khỏi khi xong trung học, sang tít tắp một nơi nào đó bên kia trời tây, nhưng thật sự, chắc chắn không bao giờ tính toan đến chuyện chúng tôi sẽ không quay về. Nên hẳn nhiên, cả hai chúng tôi, cũng chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện mình sẽ bỏ lại sau lưng khung trời đầy ăm ắp kỷ niệm như vậy.
Cả khi chiến tranh loang ra như một vết dầu, mấp mé đến tận thành phố -mùa hè trước đó, cậu tôi mất tích trong một trận đánh lớn cách thị xã không xa- nhưng chúng tôi vẫn không làm sao tưởng tượng nổi người lớn, mẹ Hà, ba tôi nghĩ rằng thị xã sẽ không còn là nơi nương náu tốt cho chúng tôi. Hằng ngày, người lớn nói chuyện về chiến tranh, và toan tính chạy trốn đến những nơi an toàn hơn, chúng tôi cũng đã từng lo sợ theo, nhưng ở cái lứa tuổi nào đó, con người ta chỉ có thể mơ hồ cảm nhận, chỉ có thể loáng thoáng nhìn thấy điều gì đó chẳng lành. Và ngày ngày, vẫn rân ran quán xá nào mới mở, quần áo, thời trang nào mới ra. Tôi và Hà, như người lớn, bắt chước người lớn, túi rủng rỉnh tiền cha mẹ cho, không cần bọn con trai, tự đưa nhau đi uống nước ở những quán cà phê sang nhất thị xã, những nơi có tên Tây, không khí Tây, với đèn mờ, với dương cầm, với lò sưởi, với thảm lót sàn… Thư chị tôi từ Frankfurt, Darmstadt gửi về, làm hai đứa còn mường tượng đến một chân trời xa rộng hơn. Tôi chỉnh đốn, đi học tiếng Anh ở Hội Việt Mỹ đều đặn, siêng năng hơn. Hà bảo lần này vào Sàigòn, hai đứa phải đồng ý chuyện để gia đình mua xe máy cho hai đứa chạy. Hà nói. Đường xá Sàigòn xa, tới lui học hành chung với nhau dễ hơn. Trước, cả tôi lẫn Hà đều phản đối cật lực, đều chỉ muốn đến trường bằng xe đạp để áo dài, tóc dài vờn bay.
Tháng chín, chiều tan học, vẫn những tàn mơ trên các con đường về nhà, tôi và Hà vẫn luôn chọn con đường xa nhất, nhiều bóng cây nhất để đạp xe đi chung với nhau. Cuộc sống vẫn yên bình, ngọt ngào và đáng yêu như truyện, như thơ trong quãng đời chúng tôi làm thiếu nữ.
Tôi chẳng bao giờ tưởng tượng ra, có một sáng tháng chín, tôi đã đến trường trong một nỗi kinh hoàng. Bầu trời đã buồn bã, và tối xám như không còn hôm nào tối xám hơn vậy. Tôi đi học muộn. Gặp Hà ở ngưỡng cửa phòng khánh tiết. Thường, đứa tới trễ sẽ hỏi han bạn trước, nhưng hôm ấy tôi không cách gì mở nổi nửa lời. Tôi sững người ra ngó Hà. Tôi sững người ra nhìn tà áo Hà trắng toát nổi bật bên cạnh khung cửa nâu đen. Và tôi đã đứng sững, như người chết.
Hà nhìn tôi, ngạc nhiên, có chuyện chi mà mặt mày mi ngó ủ dột dữ. Cổ họng tôi nghẹn cứng lại. Tôi muốn nói. Quỳnh chết rồi, nhưng không cách gì nói được. Tôi cứ đứng trơ ra đó. Và mãi cho đến sau này, tôi cũng nhớ rõ là bao lâu, tôi mới báo được cái tin dữ ấy cho Hà. Chẳng biết tôi đã nói với Hà bằng những từ ngữ nào, mà chỉ nhớ giọng Hà kêu lên rất thảng thốt. Quỳnh mô? Mắt Hà mở lớn như không hiểu được tôi đang đề cập đến chuyện gì. Ở độ tuổi chúng tôi thuở ấy, cái chết, hoàn toàn là chuyện không mường tượng nổi, huống chi người chết trẻ, như Quỳnh, là Quỳnh.
Dạ tôi thót lại. Tôi đáp. Quỳnh, Ngọc Quỳnh. Giọng Hà bàng hoàng. Chúa ơi! Răng rứa? Tôi không trả lời được. Hà hỏi lại. Có thiệt là Quỳnh không? Tôi quay đi, lần này thì tôi thật sự không dám ngó Hà nữa. Tôi sợ sẽ bật khóc. Tôi ôm chặt lấy cặp sách vào ngực, nói vội. Thiệt. Không tặc.
Không tặc, rớt máy bay, chuyện vừa mới làm bàng hoàng cả thị xã, cả nước chỉ cách đấy mấy ngày. Nhiều người trí thức và có địa vị của thị xã chúng tôi đã chết trong chuyến bay oan nghiệt ấy. Nhiều người. Nhưng chúng tôi chỉ nghe tiếng tăm của họ, không quen. Chỉ có Quỳnh. Chỉ có Quỳnh thôi. Tiếng Hà bên tai tôi nghi ngờ. Có thiệt là Quỳnh không mi? Rồi Hà lại hỏi. Nhưng mà răng lại là Quỳnh?
Sao lại là Quỳnh? Sao lại là những người không oán thù gì với ai như vậy. Tôi làm sao có thể biết được. Quỳnh làm sao có thể biết được. Chẳng ai có thể biết được. Cái chết thường đến bất ngờ, nhưng người ta chết vì có kẻ muốn cướp máy bay, muốn sang chiến tuyến khác giữa thời điểm hai miền nam bắc giao tranh ác liệt như vậy, với người lớn, với kẻ gây ra tang tóc chiến tranh, có ý nghĩa như thế nào, và tại sao, thì những đứa con gái như tôi, như Hà, như Quỳnh thuở ấy, làm sao có thể hiểu được.
Tôi không đáp được thêm lời nào. Chúng tôi không biết nên nói gì với nhau thì đúng hơn, nên cứ đứng lặng yên ngay giữa lối đi. Bình thường vào giờ đó, chúng tôi sẽ chộn rộn kéo nhau ra một góc sân, ồn ào tán dóc chuyện trên trời dười biển, từ truyền hình, phim ảnh, đến sách vở, áo quần, thời trang. Hoặc không thì hai đứa sẽ lao nhao đi theo đám bạn nghịch ngợm chọc ghẹo bọn con trai cùng lớp. Sáng hôm ấy, chuyện tôi đem tới, không chỉ đơn giản, buồn, đối với hai đứa; không chỉ bất ngờ, mà đã vượt lên trên mọi thứ. Có điều gì đó, hơn cả sự sợ hãi, hơn cả nỗi cùng khủng vây lấy chúng tôi.
Lát sau chừng như Hà có vẻ bình tĩnh lại. Hà nhỏ giọng, hèn chi sáng ni tau gặp con Mai Hương ngoài cổng, mắt đỏ hoe.
Cái câu Hà nói, thật hết sức bình thường, vô cùng bình thường, nhưng đã hơn ba mươi năm trôi qua mà tôi vẫn nghe như ở đâu đây. Vẫn bên tai, thật gần. Rất gần. Vẫn như trước mặt mình là hình ảnh em gái Quỳnh đâu đó ngoài sân trường. Vẫn cái tà áo trắng của Mai Hương, của Hà trắng toát giữa bầu trời mù. Vẫn hiển hiện cách rõ ràng cái không khí ảm đạm của một buổi sáng tháng chín trong tôi.
Khi vụ không tặc xảy ra, tôi không nhớ rõ lắm vào lúc nào, buồi sáng hay chiều. Chỉ nhớ quanh chúng tôi, người lớn bàn tán xôn xao về những nhân vật quan trọng, những người thuộc giới trí thức bị nạn trên chuyến bay ấy. Chiếc Boeing bốn trăm lẻ bảy. Chiếc máy bay nổ trên không bằng một quả lựu đạn rồi rơi xuống đất giữa đường bay từ thị xã tôi vào thủ đô. Kẻ gây ra cái chết của nhiều người vô tội ấy, tôi nhớ rất rõ, không còn trẻ, nhưng cũng không đủ già để có thể gọi là người chán đời, không còn muốn sống. Con người ấy, chắc chắn đã biết mình muốn điều gì, làm điều gì, và có lẽ rất tỉnh táo, nên khi nhận ra viên phi công không làm đúng lịnh anh ta yêu cầu -bay ra Bắc; đã làm nổ tung quả lựu đạn tháo chốt sẵn cầm trên tay, kết liễu cuộc đời không chỉ riêng mình bản thân anh ta, mà tất cả mọi người có mặt.
Tôi nói với Hà, anh tôi vừa về đến nhà chiều qua. Vài ngày trước đó, anh mới từ thị xã vào Sàigòn. Mới vừa hẹn với Quỳnh sẽ đi thăm khi Quỳnh vào đến nơi. Những tháng năm dài, chờ đợi một cái ngoái đầu, một nụ cười, ánh mắt quay lại, tưởng nghỉ hè xong, vào lại thủ đô lần này, anh và Quỳnh sẽ có nhiều thời gian ngọt ngào đằm thắm với nhau. Nhưng không. Cái định mệnh tàn khốc đã đến với anh, với Quỳnh. Như một vệt sáng tắt ngấm, một đốm lửa tàn trong đêm tối. Quỳnh biến mất ra khỏi cuộc đời, biến mất vĩnh viễn đột ngột, bàng hoàng ra khỏi anh, giấc mơ anh.
Tôi kể cho Hà nghe, sáng hôm anh thức dậy, chuẩn bị đi học, và chuẩn bị tối ấy sẽ đến thăm Quỳnh, thì nghe radio đưa tin không tặc. Chuyến bay từ thị xã vào Sàigòn đã rớt cánh nửa đường. Thông tấn xã Việt Nam đọc danh sách người tử nạn ngay lúc anh vừa chân trong chân ngoài ngưỡng cửa. Một người trong những bạn bè anh, cùng ở chung nhà trọ, nói lớn, chờ chút. Rồi tiếp liền sau đó, tụi bây im lặng, để coi có người quen của mình hay không. Bạn anh nói, không biết đùa hay thật; nhưng khi nghe, anh cũng dừng lại đôi giây. Và rồi anh chăm chú. Anh nghe từng cái tên được xướng lên. Anh nhận ra. Không, chẳng có ai quen. Chẳng có ai thân.
Chẳng có ai hết. Chỉ trừ một người. Chỉ trừ một cái tên anh từng gọi hằng bao nhiêu lần trong mơ, hằng bao nhiêu lần trong trí. Anh sững sờ chết lặng ở ngưỡng cửa. Anh mở mắt to nhìn vào trong nhà. Anh không thấy ai. Mọi người chừng cũng không ai thấy anh. Không ai dám thấy anh.
Cái tên đã vang lên như một cơn bão. Như một tiếng sét. Như một phát súng. Bắn trúng vào giữa trái tim anh. Anh kinh hãi. Rồi anh bàng hoàng.
Tôi nói với Hà. Xác Quỳnh cháy xám đen. Co quắp. Tôi kể cho Hà nghe. Nhiều người đã chết trong tư thế như vậy. Giống hệt như Quỳnh. Gần như chẳng còn ai có thể nhận ra xác người thân mình. Gần như chẳng có ai có thể phân biệt được xác Quỳnh với xác những người cùng chết với Quỳnh. Anh cũng nói, anh không thể nào còn nhận ra Quỳnh. Quỳnh dịu dàng. Quỳnh mềm mỏng. Quỳnh dễ thương của anh. Anh không thể nào tưởng tượng được hình hài nằm đó, xác người nằm đó, giữa những hình hài, những xác người, là Quỳnh.
Anh xanh mướt như một tàu lá khi về đến thị xã. Cả nhà tôi không ai dám hỏi han anh. Như bạn bè anh đến thăm đã không dám tỏ bày với anh điều gì. Mẹ tôi lắng lo nhìn anh lên lên xuống xuống, đi đi về về. Lặng lẽ như một bóng câm. Tối tối anh ngồi giữa vùng ánh sáng nhạt nhòa. Bài hát thật buồn, thật đớn đau cứ quay đi quay lại. Hai vai anh có khi rung, khi rũ xuống như một thân lá chết. Đừng bỏ em một mình, đường về nghĩa trang mênh mông…
Cuộc sống khép lại như bức màn sân khấu khép lại sau lưng chúng tôi. Chiều tháng chín năm xưa, tôi và Hà theo anh đi thăm mộ Quỳnh, từ trên đồi thông cao đứng nhìn xuống mặt biển bao la và cát trắng, hai đứa đã ngẩn ngơ tự hỏi, bên kia cái chết là gì. Hà viết cho anh mấy trang giấy vở học trò. Tôi thay anh làm thơ. Cho Quỳnh. Tháng chín tôi về với em. Cơn mưa rớt hạt nặng thêm nỗi lòng… Cả hai chúng tôi, đều bồng bềnh như trên những đám mây như vậy suốt bao nhiêu ngày tháng dài.
Ba mươi năm sau, Hà viết thư cho tôi. Người ta đang kỷ niệm ba mươi năm chiến thắng miền nam. Ba mươi năm đã qua đi trong cuộc đời của hai đứa bọn mình, ngày xưa, cái chết nó ghê gớm quá đối với chúng ta, nhưng tau đang nghĩ, phải chi mình được chết ngay từ lúc trẻ như Quỳnh, chắc có lẽ, đã còn hơn. Chắc có lẽ, đã thảnh thơi.
Chắc có lẽ. Tôi trả lời Hà như vậy. Và buồn tênh nhìn lại những đoạn đời mình và bạn đã qua đi, tự hỏi, có còn nỗi nhọc nhằn nào hơn những nỗi nhọc nhằn, những tháng năm cùng khủng hai đứa từng trải hay chăng. Hà viết, ở đây nhiều khi nghe Trịnh Công Sơn, Lặng Lẽ Nơi Này, mà tau không thể ngăn được giọt nước mắt cứ ứa ra ở đầu mi.
Tôi phương trời xa, cũng chỉ một góc trời, một góc đời mòn mỏi. Tôi viết trả lời Hà. Định mệnh chưa bao giờ nở nổi nửa nụ cười, cuộc sống chưa bao giờ phóng khoáng nuông chiều hai đứa, nên chắc có lẽ, cái chết cũng sẽ không đến dễ dàng và không thảnh thơi với cả hai chúng ta đâu.
Hà hẹn tôi, về đây đi, tau với mi bay về thị xã, hai đứa mướn xe đạp, đi lại những con đường mình đã đi, tới những nơi mình đã tới. Rồi leo cả những con dốc mình từng leo. Để, kẻo lực sắp tàn, hơi sắp kiệt, làm sao có thể sống lại một thời, Nga ơi!
Trước khi gác máy, Hà rủ tôi về thăm mộ Quỳnh. Tôi ừ. Hứa hẹn với Hà chuyến về. Gác máy xong, tôi ngồi nhìn lặng vào bóng đêm như nhìn những tàn phai của cuộc đời; nhớ đến lời Hà. Lực sắp tàn, hơi sắp kiệt. Và tôi tự hỏi lòng, nhưng còn bao lâu nữa thì chúng tôi mới đến được nơi Quỳnh đã đến?

 

Một thời yêu dấu

Tôi sống ở Đà Nẵng mười sáu năm. Vừa đủ lớn để biết xôn xao làm con gái. Gia đình bên nội tôi gốc người Huế, nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ mình là người Huế. Cả ba tôi, cũng nói giọng Quảng Nam, như thể không chịu thừa nhận cái gốc gác của mình. Mấy ông bác họ tôi hay khoe chúng tôi thuộc dòng dõi hoàng tộc. Nhưng trời ơi, nói ra, may mà cựu hoàng đã viên tịch chứ không thì mích lòng kể gì!
Là tôi chả thấy hãnh diện chút nào về cái gia phả có một bà cô trong tộc làm vợ vua -vua Khải Định đấy nhé!- mà ngược lại còn cảm thấy buồn cười trong bụng mỗi bận về Huế, nhìn Đức Từ ăn trầu bõm bẻm, rồi nhổ xoèn xoẹt vào cái ống nhổ bằng vàng, do một bà thứ phi theo hầu dâng lên, trông rất ư là mất… quan điểm cách mạng, tôi cứ thấy bụng dạ mình… sao sao ấy! Mới chín mười tuổi, tôi đã khó chịu với Đức Từ, và thương bà thứ phi xót xa. Hay nói đúng ra, tôi tội nghiệp một bà già, xấp xỉ bằng tuổi bà chánh cung, quân vương đã ngỏm củ tỉ từ đời nào, ngai vàng, cung cấm đã sụp đổ từ cái thời năm dậu, năm tuất nào đó, của cải bỗng lộc thì èo ọp như tường xiêu, mái dột, quanh năm suốt tháng tằn tiện từng li từng tí vẫn thấy từ túng cho tới thiếu; vậy mà cứ phải nai lưng ra làm thân con sen, nô tì cho bà cô tôi.
Tôi gặp bà Từ Cung một vài lần gì đó, ở Huế. Nhưng gặp mấy ông anh ruột của bà thì đều hơn. Nhất là sau khi mặt trận Quảng Trị tan vỡ năm 72, những ông bác họ xa lắc xa lơ này của tôi tản cư từ Huế vào Đà Nẵng (mà chúng tôi phải gọi mấy ông là “mệ”, y như gọi mệ nội, mệ ngoại, nghĩa là bà nội, bà ngoại, thiệt hết sức kỳ cục!). Ngày ngày các “mệ” thường tụ lại nhau đánh mạc chược, tổ tôm hay một cái thứ bài gì gì tôi không rõ, chỉ nhớ quân cờ làm bằng sừng và ngà voi, chạm trổ tinh vi, rất đúng điệu cung đình! Cơm ăn, nước uống cho các “mệ”, có người hầu hạ tận nơi.
Các “mệ” từ Huế tản cư vào, mang theo cả các câu chuyện kể (với nhiều tình tiết huyền thoại, động trời và dĩ nhiên là dẫu có tìm đỏ mắt cũng không bao giờ thấy trong sử sách, cũng như chẳng thể nào kiểm chứng được!) làm chộn rộn cả giòng họ. Tôi nghe kể, rằng thì là mà, vua Khải Định đã gặp Đức Từ nhân lúc bà, con gái của một ông quan nhỏ trong triều, đi bán bánh ú (?!) trong cung. Tình tiết huyền thoại và động trời nằm ở chỗ, là sau khi hoàng thượng đã “dớt đẹp” người con gái, đến lúc nàng thọ thai, thì ngài nhất định không chịu nhận, nhưng vì có quan thái giám chứng kiến, nên dùng dằng mãi cuối cùng vua mới đành phải chiếu lịnh xuống cho bà cô tôi phải… đẻ đúng ngày giờ vua ấn định, vua mới “OK” là của mình, bằng không, vương sẽ trảm ngay lập tức! Tới chỗ này, tôi xin được phép mở ngoặc, đóng ngoặc, làm một màn phê bình, kiểm điểm, là nếu như câu chuyện trật búa kể trên có thiệt, tôi xin đồng ý nhất trí với giai cấp liên minh công nông, rằng vua chúa thời phong kiến quả quá sức là tàn nhẫn, vô nhân đạo. Người mà cứ tính y như gà! Hay còn hơn cả gà nữa là khác, vì chưa chắc dân chăn nuôi công nghiệp lại dám đảm bảo kế hoạch sinh nở một cách ngon lành một chăm em ơi chiều nay một chăm phần chăm như vậy, thế mà quân vương lại dám bắt bà cô tôi phải sản xuất theo yêu cầu!
Tuy nhiên tính tới tính lui, nói ra cho cùng, thì cái số phần của bà cô tôi thời đất nước ta còn sống trong chế độ phong kiến dã man như thế kể cũng còn hên. Bởi nếu như bà… đầu thai lầm thế kỷ, không có dịp lạng quạng trong cung vua Khải Định, bị vua dớt, để có cơ hội trở thành hoàng hậu, rồi mẫu hậu của vị vua cuối cùng nhà Nguyễn, mà trễ hơn, tới thời của “bác”, gặp “bác”… vui thú điền viên, thì chắc chắn bà đã bị tiêu tán đường, đã hưởng ngay cái án tiền trảm hậu chẳng tấu từ lúc mới hô hoán lên mình có bầu rồi, chứ sức mấy mà được chờ xem hồi sau sẽ rõ như thế.
Các ông bác của ba tôi, bào huynh của bà hoàng, không biết đã có cách sống như thế nào lúc bà còn là đương kim đệ nhất phu nhân, không biết trướng gấm màn thêu ra sao khi cựu hoàng chưa thoái vị, nhưng vào cái thời nghèo túng, loạn lạc, cứ nhất nhất không thích “thời” khoai củ, cũng không chịu được bát sành bát đất, nên rất nhiều phen hỏi “vay tạm vô thời hạn” tiền bạc của con cháu để giữ… thể diện, nề nếp gia phong. Lắm khi ngẫm nghĩ sự đời, tôi vẫn thường tự hỏi, chẳng biết cái quan hệ hoàng tộc có giúp ích gì cho ba tôi trong cuộc đời của ông, có làm cho người ta nhìn ông bằng cặp mắt kính trọng, xem ông quí phái sang trọng hơn không, mà cứ thấy mẹ tôi cằn nhằn quá xá trời đất những khi ông mang tiền đi mời các ông bác họ của mình xài!
Ba tôi xài sang lắm. Ông thường hãnh diện ông là dân thành Tourane, nói tiếng Tây, ăn cơm Tây, uống rượu Tây còn rành hơn cả dân đã đi Tây… Lâu lâu, ông lại làm cho mẹ tôi phải la làng lên, vì bỗng dưng nổi hứng tóm hết lũ chúng tôi đi… tập ăn dao nĩa ở những tiệm ăn Tây đắt như cắt cổ dưới phố. Mẹ tôi chán ngán lắm. Một lần, theo lời đề nghị của một bà chị họ tôi, bà xông pha xuống một cửa hàng chuyên bán dụng cụ làm bếp cho mấy ông… thực dân, kiệu về một bộ dao nĩa bằng bạc. Bà ra lệnh cho ba tôi, nếu có muốn cho chúng tôi thực hiện kiểu “trưởng giả học làm sang”, thì làm ơn ngồi nhà dùng mớ đồ đạc bà mua về cho đỡ tốn! Ba tôi cười, đáp lại một câu xanh dờn, “dân thành Tourane là phải vào quán cho người ta phục vụ, chứ ai lại ngồi nhà cứa thịt bao giờ!”.
Cái “thành” Tourane, theo nghĩa đen, mà ba tôi hay nhắc, tôi xin thành thật khai báo ở đây là tôi chả biết nó nằm nơi chốn nào. Chỉ nhớ có lần đi từ cổ viện Chàm về chợ Hàn, ông thầy dạy toán có chỉ cho chúng tôi thấy một cái bờ thành cao, nằm trên đường Độc Lập (hay Bạch Đằng?), bảo đó là di tích nơi mà Nguyễn Tri Phương (?) đã từng tuẫn tiết. Tôi có một trí nhớ rất kém cõi, lại hay thờ ơ với cuộc sống và cảnh vật chung quanh, nên đã không hề có ý thử… kiểm tra lại xem ông thầy mình có nói đúng hay không (nhất là khi một ông thầy dạy toán mà nói chuyện địa lý, lịch sử!). Tuy nhiên, trong cái trí nhớ mập mờ, cà chớn của tôi, thì có một nơi, tôi nhớ rất rạch ròi. Nhớ kiểu nói có sách mách có chứng đàng hoàng, đó là cái nhà ga Đà Nẵng, do tôi có trong tay cuốn sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư của ông Trần Trọng Kim, Việt Nam Tiểu Học Tùng Thư xuất bản năm 1948, có bài Đường Xe Lửa, minh họa một cái hình tuy đơn sơ, nhưng với mấy chữ “nhà ga Đà Nẵng” chua phía bên dưới, đã giúp cho tôi nhìn thấy lại một cách rất rõ nét, cái sân ga tẻ lạnh, những con đường rây han rỉ trên con đường Nguyễn Hoàng buồn rầu vắng vẻ ngày xưa.
Lần đầu tiên, khi cầm lại cuốn sách giáo khoa cũ kỹ với bài tiểu dẫn ấy trên tay, tôi đã rưng rưng muốn khóc. Trong trí tôi, hiện lên rất rõ hình ảnh một con bé con lúp xúp chạy theo hai ông anh, một ông anh ruột, một ông anh con cậu mà ba mẹ tôi bảo trợ từ nhỏ, năn nỉ hết nước miếng để xin được đi theo đến cái nhà ga Đà Nẵng ấy, nhặt mớ sỏi về chơi ô quan nhưng đã dứt khoát bị từ chối. Trong ký ức cỏn con của tôi, con đường từ nhà tôi dạo ấy, đường Hùng Vương nối dài, đến nhà ga Đà Nẵng, đi bộ, chắc chỉ hơn mười phút, mà như xa thật là xa, xa tít xa tắp, đến tận ở… cõi người! Ba tôi, thuở nhỏ, mới mười lăm tuổi đã bỏ ông tôi, bỏ cuộc đời cậu ấm, con quan, mà giang hồ vặt qua tận Vientane, Bangkok, nên khi có gia đình, có con, ông đâm ra… rét. Ông nảy ra cái “thói quen” là giữ rịt các con ở nhà, đi đâu cũng phải thưa trình đến mỏi cả miệng. Suốt cả thời tiểu học của tôi, tôi nhớ tôi chỉ dám “bỏ nhà ra đi” một lần, theo mấy đứa bạn tắm ở bãi biển Thanh Bình, một bãi tắm nằm ngay trong thành phố. Và hai lần khác, lên cồn. Ở miền trung, tôi nghĩ, cồn, có lẽ là một cái đồi nhỏ, không biết có giống như Phạm Thiên Thư viết, bóng em cắp rổ lên cồn hái dâu hay không; nhưng mãi cho tới tận bây giờ, thỉnh thoảng được nhìn thấy ở đâu đó một dãi đất, có hoa dại, có lá bạc màu, là lòng tôi lại xuyến xao một cách khó tả. Trí tôi cứ lẩn quẩn nhớ tới cái cồn nào đó thời thơ ấu. Cứ nghe vấn vương dẫu cả hai lần lên cồn, cộng với lần xuống biển, đều để lại những “kỷ niệm thương đau”, là tôi đã bị ba tôi đét cho mấy roi, sưng cả đít, còn bị phạt quỳ trong góc nhà cho tới tối.
Ba tôi, kẻ thuở nhỏ mê giang hồ hành hiệp (tôi nói hành hiệp, là vì ông có cứu đời mấy… cô Lựu, kiểu phải thương kẻ cô đơn, góa bụa kẻo có tội với đất trời!). Qua các câu chuyện kể của ông thì chắc như đinh đóng cột là ông không ưa lễ mễ, không thích mâm trên mâm dưới, và ghét cay ghét đắng tinh thần con nhà quan của ông nội tôi; vậy mà về già, lại mê bà con, mê tộc họ, và có đầu óc kỳ thị địa phương còn hơn cả dân Ku Klux Klan. Mỗi năm ông dẫn tôi về Huế một lần thăm mấy ông bác họ của tôi ở bên kia cầu Gia Hội. Tôi còn nhớ là mấy ông bác tôi hãnh diện lắm về khu nhà hoàng tộc này (có lẽ vì vậy mà ba tôi khoái về Huế chăng?). Trong mớ trí óc non nớt của tôi lúc đó còn rơi rớt lại cho đến bây giờ, thì cái miếng vườn rộng thênh thang, có lẽ do vua Khải Định cấp, và ngôi nhà từ đường âm u cổ kính, treo đủ loại kiếm cung, áo mão, chứng tỏ giòng họ mình có nhiều người mang phẩm trật ấy, hoàn toàn chẳng có chút gì đẹp đẽ cả, mà trái lại còn kinh dị vô cùng. Tôi có cảm giác tôi vẫn chưa hề quên cái nỗi thất kinh, hãi hùng khi bị buộc đi ngang qua ngôi nhà từ đường ấy một mình. Tôi nhớ bao giờ tôi cũng rùng mình, mắt dáo dác nhìn quanh, lạnh người nghĩ đến một con quái vật hay một bóng người mặc áo trắng, chân không chạm đất, bất thần từ trong cái khối ánh sáng nhờ nhờ của những ngọn đèn bạch lạp, đèn dầu phụng đang cháy ấy, nhảy xổ vào tôi! Năm ngoái, lật lại cuốn album gia đình mà bà chị tôi đã mang theo lúc đi du học, tôi đã giật nẩy mình hoảng hốt khi nhìn thấy trong ấy một tấm có tôi, con bé khoảng chín mười tuổi gì đấy, mặc cái robe bông hoa ngắn tay, mặt mũi thơ dại phảng phất nét… kinh hoàng, đứng khép nép bên cạnh ba tôi trước ngôi nhà từ đường này. Chẳng thể nào tưởng tượng nổi, bao nhiêu năm đã trôi qua, mà nỗi sợ hãi gai góc ấy vẫn còn sờ sờ hiện trong trí tôi như vậy.
Ngán khu vườn hoàng tộc, ngán cái ngôi nhà từ đường ma quái như vậy, mà lần nào ba tôi hô lên một tiếng, là tôi cũng hí hửng leo lên xe con cóc theo ông vượt đèo Hải Vân ra Huế ngay. Sau này lớn lên, thỉnh thoảng ngồi lại với nhau, mấy anh chị em tôi vẫn ngạc nhiên chẳng biết sao ba tôi lại “chọn” tôi trong số sáu đứa để cho đi theo như thế. Đi Huế thuở ấy, với tôi, có nghĩa là đi… ăn. Nhưng không phải ăn mấy cái đĩa thịt heo luộc thái mỏng tang như giấy pelure, mấy đĩa xôi vắt lại chưa đầy một nắm, hay mấy cái bánh nậm ở giữa có màu đỏ, mờ mờ ảo ảo, thoạt trông có thể lầm là nhân, mà tìm hoài chả thấy miếng tôm thịt nào… trong các bữa giỗ kỵ mang điệu cung đình, hoặc các bữa cơm kiểu hoàng tộc, quí phái ở ngay nhà các ông bác tôi.
Đi Huế với ba tôi, hay nghĩa đen là đi… ăn với ba tôi, thì khi chiều vừa buông xuống trên sông Hương, trời vẫn còn nắng hay mưa lất phất, khung cảnh thơ mộng hay chán ngắt, mà ba tôi đã “xạo xự” với các ông bác là muốn dẫn tôi đi dạo, thăm ngắm phố phường rồi dắt thẳng một mạch xuống phố; hai cha con sẽ tấp vào tất cả các hàng nem nướng, bánh xèo, bánh khoái, bánh lá chả tôm, bánh ướt tôm chấy v.v… ở hai bên con đường Trần Hưng Đạo (nếu tôi nhớ không lầm cái tên). Trong trí tôi thuở ấy, nếu cầu Trường Tiền sáu vài mười hai nhịp, hay tiếng chuông Thiên Mụ canh gà Thọ Xương có ngân nga thanh thoát, có hay ho đến “tầm cỡ” nào đi nữa, mà không phảng phất đâu đó mùi lá chuối thơm ngát của mấy cây chả lụa dòn tan, săn cứng, nhỏ xíu bằng ngón chân người lớn; hoặc không là những xâu nem cay xé lưỡi, có thật nhiều da heo sần sật giữa hai hàm răng, được bày bán, treo lơ lửng trên những sạp bún, sạp nem nướng ngoài chợ Đông Ba, thì Huế chắc chắn không thể nào “đẹp và thơ” được! Tất cả các kỷ niệm của tôi về cố đô, hoàn toàn chẳng có chút gì liên quan tới “lá me bay bay là đà” như trong bài hát nào đó của Minh Kỳ, cũng không “vườn ai biếc quá xanh như ngọc” của thơ Hàn Mặc Tử, mà lẩn quẩn loanh quanh chỉ là bánh nậm, bánh canh, bánh su sê, cơm Âm Phủ, chè Cồn…
Huế, trong ký ức của tôi mờ mịt như những đám sương mù trên đèo Hải Vân, như những ngọn sóng bạc cửa biển Thuận An, bàng bạc như màu hoa đuôi chuột bâng khuâng tím, mọc bạt ngàn đâu đó gần Lăng Cô, nửa đường từ cố đô về Đà Nẵng. Mỗi bận nghe nhắc đến Huế, tôi đều cười một mình, với nụ cười thân ái dễ chịu trên môi. Năm ngoái trong một lá thư cho tôi, cô bạn thân của tôi, bảo cô mới từ Sài Gòn về Đà Nẵng, và có ghé ra Huế. Cô viết cho tôi, “Với Huế, thì tớ cũng như cậu, chỉ là một du khách dạo chơi quanh quẩn mặc dầu tớ có ở đó vài năm. Lòng tớ thật thanh thản an nhàn khi dạo trên những con đường vào thành nội, thẩn thơ bên hồ sen trong lăng Minh Mạng. Không vướng bận, không âu sầu, ngoài trừ cái buồn chung trước những cảnh điêu tàn, xơ xác của tất cả mọi nơi trên cái đất nước này…”.
*
Huế, nơi tôi không được sanh ra, cũng chẳng là nơi chôn nhau cắt rốn của ba tôi, nhưng trong hồ sơ có lẽ phải ghi, sinh quán Quảng Nam, quê quán Thừa Thiên, nơi tôi chưa về, đã nghĩ mình là khách. Bạn tôi cũng vậy. Với Đà Nẵng, gốc gác tôi Huế, nó Sơn Tây, đứa tự nhận mình dân Quảng, đứa viết, “cái thành phố, tớ nghĩ, dầu không là quê hương của tớ, nhưng đã phác thảo nên con người tớ, đã cùng đi với tớ một đoạn đường rất đẹp. Một thời rất yêu dấu”.
Một thời tóc xõa, vai mềm, eo cong áo lụa, hồn lãng đãng vượt ra ngoài cửa lớp, lướt qua khỏi cổng trường vào tận Sài Gòn, lên tận Đà Lạt, sang đến tận Paris. Thời thơ Nguyên Sa, thơ Cung Trầm Tưởng, thơ Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên…, được chép đầy trong vở học. Thời trái tim treo lơ lửng ở ngưỡng cửa phòng tranh Hạ Quốc Huy, nằm bẹp dí ở thư viện thành phố, mộng những cơn mộng không bao giờ với tới, mơ những trời mơ không bao giờ hiện hữu trên trần gian…
Năm mười sáu tuổi, lũ chúng tôi, bảy đứa chí chóe hẹn hò nhau một tối trà đàm, ngắm trăng và xem hoa quỳnh nở, nói toàn chuyện… trật búa, chẳng chút gì thơ mộng, nhưng lúc ngoảnh lại, ngẫm nghĩ lại, coi bộ nhiều đứa trong chúng tôi cũng hãnh diện về cái quá khứ… trí thức của mình! Nhỏ bạn tôi nhất định làm thơ “nhớ thất tiểu thư áo trắng bay”.
Cái thời mười sáu tuổi, đi quán cà phê, nằng nặc đòi uống cho bằng được những ly trà cúc, chưa dám nhận một lá thư tình mà vẫn ra sức mường tượng cho bằng được sợi khói tình vướng trong mắt, hát smoke gets in my eyes một cách hết sức… Hồ Quảng, tân cổ giao duyên. Bạn tôi khi về Đà Nẵng, viết cho tôi, “tớ đã đi đi lại lại trên những con đường quen thuộc ngày xưa, để những cái cảm xúc, bồi hồi của ngày thơ ấy tràn về. Tớ đã mường tượng ra bóng dáng cậu, mường tượng cậu đi bên tớ, nói cười chuyện trăng sao. Tớ cũng đã thả mắt trên những gốc cây, những tàn phượng đỏ, những lề đường in dấu chân chúng ta, để lòng tớ lắng xuống, thanh bình…”
Về cái thời đã hoàn toàn tít tắp mù xa, đã biến mất khỏi cuộc đời của chúng tôi mà chẳng bởi vì tuổi đời chồng chất, chẳng vì những đoạn lìa, chia ly, vẫn cứ luôn quẫy đạp, dẫy dụa trong ký ức tôi. Trong nhiều tiểu đoạn, nhiều bài viết của tôi, hình ảnh Đà Nẵng thời ngọt như mật, đẹp như thơ vẫn thường nằm bên cạnh cơn hấp hối, đau thương của những ngày Đà Nẵng tuẫn nạn, thành phố tiêu điều xơ xác, hàng quán bị niêm phong, đóng cửa, trường học bị đập phá tơi bời. Cả hai, cứ như những ám ảnh không thể nào bứt rời ra được khỏi tôi. Có nhiều lúc, tôi đã khóc, đã xót xa nhớ một con đường, một chỗ ngồi bên bờ sông như khóc người yêu không còn nữa. Có khi tôi run rẩy như thể nỗi kinh hoàng vẫn còn lẩn quẩn đâu đó, trên một góc phố, bên lề đường những ngày tháng tang thương xưa.
Nhỏ bạn tôi viết, “tớ đã về thị xã để tìm lại trời mơ của chúng ta, vậy mà cậu ạ, chẳng làm sao cho tớ nhận ra một nét thân quen, một chút dấu yêu cũ. Đứng ở nơi nào trong thành phố, tớ cũng có cảm giác hết sức kỳ quặc, rằng tất cả đã mịt mờ, lăng lắc. Tất cả đã vô cùng lạ lẫm với tớ. Cứ như những con bé học trò ngày xa xưa ấy, hoàn toàn chẳng dính dáng gì đến chúng ta. Như tớ chỉ đọc trong tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện dài gì đó. Cái thành phố ven sông với những cơn mưa hồng, những sợi nắng mềm óng ả như chỉ thuộc về những nhân vật không có thật ngoài đời. Ngẩn ngơ, tớ tự hỏi, không hiểu có phải vì lòng con người mịt mờ, lạ lẫm, nên quang cảnh chung quanh cũng mờ mịt lạ lẫm theo? Hay bởi vì những thay đổi thật sự của phố xá, của con người ở đó khiến tớ hụt hẫng? Cậu thử tưởng tượng ra cái giọng Đà Nẵng pha chút Bắc kỳ của nhiều người bây giờ ở Đà Nẵng xem sao. Cậu có cảm thấy chướng tai, và buồn cười như tớ chăng? Xã hội thay chủ đổi ngôi, hở cậu, không lẽ con người ta cũng cần phải hùa theo, phải làm mất cả cái gốc của mình như thế mới chứng tỏ được là ta đang theo hay chăng?
Chao ơi, là tớ buồn. Tớ quẩn quanh vài ngày ở thị xã, nặng trĩu thở dài, rồi tớ về lại Sài Gòn. Lòng tớ hoàn toàn thờ thẩn. Y hệt như tớ vừa mất người yêu.
Mà Nga ạ, Đà Nẵng, rốt cuộc, chỉ còn lại trong tớ một cái gì đó ‘xưa’, rất xưa, rất buồn bã, não nề, mà tớ nghĩ nếu cậu có dịp nào đó trở về, rồi cũng sẽ cảm nhận như tớ. Cũng nghe mất mát chút hương thơ yêu dấu, cũng sẽ nghe lòng đau nhoi nhói như có kẻ bóp vụn vỡ trái tim mình…”

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2015

Bài Mới Nhất
Search