T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không : Bà Đoàn Thị Điểm tân biên cổ lục

clip_image001

Tranh : Courtesy of www.thuviendongnai.gov.vn

Vẫn chuyện bên đường với văn chương quán nhậu như hỏi một nhà văn sao cứ kỳ óc ra viết văn. Đáp: vậy là ông không tư duy văn hóa nhậu rồi! Ấy là chưa kể quán liêu xiêu bên vỉa hè có bia hơi, ông Tô Hoài thường ngồi nói chuyện Thăng Long ngàn năm văn vật rằng xưa thật là xưa Tú Uyên gặp Giáng Kiều ở phường Bích Câu. Nghe vậy nhưng ít người hay biết tích này từ ai mà có? Vì vậy nhà làm văn hóa Vương Văn Quang từ Sài Gòn mò ra Hà Nội ngồi đồng ở đấy. Và ông lớ quớ gặp cụ Tản Đà nói chuyện quán ăn ngon, chỗ ngồi ngon, người ăn ngon. Về lại thẻo đất sáng nắng chiều mưa, ông họ Vương phọt ra bài tạp bút Chuyện kể ở quán nhậu.

Chạy trời không khỏi nắng, lại vẫn chuyện kể ở quán nhậu, vì chả là nhà văn nhưng chót mang cái tâm thái liêu xiêu với nhập thế cục bất khả vô văn tự thế này thế nọ. Thế là một ngày tôi lọ mọ tới ngõ Văn Chương hóng hớt chuyện văn học thì số ruồi, gặp ngay ông Tầu già bán phá-xa. Về lại đất tạm dung, tôi cứ hồ nghi mình có gặp ông Tầu ở tháp Hòa Phong thật chăng?! Rồi lẫn ngẫn tới thời hậu hiện đại với chuyện tha nhân rơi tõm vào lỗ hổng thời gian gặp người muôn năm cũ, thiên hạ sự mang về làm bằng một đống nồi niêu soong chảo! Rồi tự ngẫm ngợi sao mình không vác vài gói phá-xa về để tửu lạc vong bần, để làm chứng từ là chuyện có…thật. Với thật và giả, từ đấy tôi mang cái bệnh giời bò là…”bất nghi bất ngộ”, nhưng thiên cổ chi mê tôi cũng muốn bắn một bài văn khảo thuộc thể loại tân biên cổ lục để hú họa đi tắt vào chốn làng văn xóm chữ chăng. Khi không bị xiềng vào chữ nghĩa như anh tù văn, vì vậy ngày rày tôi lại lụi đụi tới ngã ba đường nơi phố xưa nhà cổ, mái ngói thân yêu, và ới một cối bia hơi to đùng.

Vừa định ngửa cổ tợp ngụm bia thì…thì đổng đểnh thế nào chả biết nữa, có một giả nhân lững thững đi tới. Giả nhân đây tuớng rất bạm, mặt mày nham cổ, chít khăn đầu rìu, quần xắn móng lợn và gật gừ bạ xuống ngay trước mặt. Bỏ bu! Hay giả nhân, giả hình đây là bác đô tỳ khiêng vác quan tài ở phố Hàng Hòm sau đấy nẩy sinh quán mộc tồn. Cứ như ông dế mèn thì xưa thật là xưa, ở đấy mấy bác phu nhà quàn ngồi xổm trên chõng tre tì tì đánh chén với rượu Kẻ Mơ. Tịch bất tọa rồi, giả nhân há mồm gọi ngay đĩa tiết canh đông lạnh. Trong khi chờ đợi, có cái xe cổ lỗ sĩ kéo chuông “kính coong…kính coong” chạy qua phố xưa nhà cổ, mái ngói thân yêu. Giả nhân thả hồn theo bánh xe cùng một cõi đi về…xa vời xa vắng, rất văn nhân kỳ tích:

Thằng Tây nghĩ nó cũng tài

Chế ra đèn điện thắp hoài năm canh.

Thằng Tây nghĩ nó cũng sành

Chế ra tàu điện chạy quanh phố phường.

(Khuyết danh)

Học thói danh bất chính ngôn bất thuận, bất nghi bất ngộ tôi thấy cũng nên làm lễ vấn danh cho phải phép nho gia. Làm như không có tôi ngồi đấy. Giả nhân lôi trong túi áo lòi tói ra hai hòn đá kỳ. Xong, vén áo, rút trong giải rút quần cái điếu cày, ve vé mắt dòm cối bia của tôi mà rằng:

– Hàn sĩ là Quỳnh Cống!

Chợt nhìn cái điếu cày với hòn đá kỳ để…kỳ cọ, khi không thiên cổ chi mê tôi lây lất qua “da trắng vỗ bì bạch”. Được thể lại hoài cô cựu với cảnh cũ người xưa đâu tá? Tôi đành ớ ra:

– Quan bác với bà…bà…
“Quan bác” vo nhúm thuốc lào bằng con nhặng xanh nhét vào nõ điếu và nhăn nhúm:

– Quan cách chó gì. Cứ gọi ông là xong tất.

Và “ông” văn dĩ tải đạo rằng thời buổi này nói năng đéo lắt, bụi bụi một chút cho có nhang đèn hương khói. Xong, ông quẹt quẹt hai viên đá tóe ra lửa và mồi thuốc, thở ra khói…

***

Bắn một bi thuốc lào kêu khanh khách xong, trong khi ông nhả khói um lên…Tôi bèn ớ ra thêm nữa bởi nhẽ trước 75, nhằm vào cái tuổi nhầng nhầng, nhà lại nhè ở gần đường Cống Quỳnh có tiệm sách, một trong những quyển sách mà tôi giữ như giữ mả tổ là Truyện Trạng Quỳnh. Vì vậy ngay buổi sơ kiến đây, trong cái đầu đậu phụng tôi đùn ra bao nhiêu là truyện: Hết hầm đậu phụng chấm với nước…“đại phong” với phong là gió, đại là lớn, gió lớn thì đổ chùa, đổ chùa thì tượng lo… Đến nói lái với truyện Quỳnh đi chơi gặp kiệu bà Chúa, gần đấy có cái ao bèo, Quỳnh chạy xuống cầu ao đứng đá nước lung tung. Bà chúa biết Quỳnh, thấy vậy mới hỏi “Ông làm gì đó? Quỳnh ngẩng lên thưa “Tôi buồn quá” rồi tiếp…đá bèo chơi!”.

Thêm ông Cống Quỳnh và bà Đoàn Thị Điểm tiếp sứ nhà Thanh:

Năm ấy, được tin sứ nhà Thanh khét tiếng hống hách sắp sang nước ta, vua Lê chúa Trịnh tỏ ý lo ngại. Tin vào tài ứng đối của Quỳnh, bèn giao cho Quỳnh và bà Điểm giữ việc tiếp sứ. Quỳnh cho dựng một ngôi quán nhỏ bên bờ sông, bà Điểm ra đó ngồi bán hàng. Còn mình nhận một chiếc đò, nhận đón chở sứ bộ qua sông. Mấy tên trong sứ bộ Tàu ngôi quán bà Điểm, nhác trông cô hàng nước xinh tươi, liền thả lời bỡn cợt. Một tên líu lớ đọc bâng quơ:

– Nam bang nhất thốn thổ, bất tri kỷ nhân canh.

(một tấc đất nước Nam không biết bao nhiêu người cày).

Bà Điểm đang nhai trầu, nhổ toẹt một bãi nước cốt xuống đất, nói trống không:

– Bắc quốc chư đại phu, giai do thử đồ xuất.

(bọn quan to ở nước phương Bắc đều từ chỗ ấy mà chui ra cả).

Bọn sứ bộ giật mình vì dè đâu bà hàng bán nước mà tài hoa đến thế!

Tiếp Quỳnh đang chèo, vạch quần đái xuống nước nói mưa qua bể Bắc, nhưng tôi chưa vội kể ra đây. Vì chuyện bà họ Đoàn mà thiên cổ chi mê tôi góp nhặt sỏi đá qua sách vở thì:

Bà Đoàn Thị Điểm sinh năm 1705, mất năm 1748, tổ quán ở Bắc Ninh. Thân phụ mất, cùng anh là Đoàn Doãn Lâm tới Hưng Yên là nơi anh mở trường dạy học. Có lần Đoàn Doãn Luân thấy Đoàn Thị Điểm đang ngồi soi gương, bèn ra một vế rằng: Đối kính họa mi, nhất điểm phiên thành lưỡng điểm. nghĩa là “soi gương vẽ mày, một nét hóa thành hai nét”; song chữ điểm còn là tên bà Điểm, thành ra có nghĩa nữa là “một bà Điểm hóa hai bà Điểm”. Lúc ấy, ông Luân đang ngồi trên cầu ao rửa tay, bà liền đối rằng: Lâm trì ngoạn nguyệt, chích luân chuyển tác song luân, nghĩa là “ra ao ngắm trăng, một vầng chuyển hóa hai vầng”; song chữ luân còn là tên của ông Luân, thành ra lại có nghĩa khác nữa là “một ông Luân hóa hai ông Luân.”

Vì bà là người dầy chữ, lại tài hoa như trên nên bất nghi bất ngộ tôi có ý hồ nghi qua giai thoại tam sao thất bản, bà chả có những gần gũi, giao tiếp sô bồ với ông. Đại thể như truyện:

Một tối, Quỳnh vào phòng bà Điểm và leo lên giường nằm trước. Lúc quay vào, vì trời tối om om nên bà Điểm không thấy và quờ tay trúng phải cái…của Quỳnh. Bà thắp sáng đèn và đọc một câu đối rồi dọa rằng nếu đối không được sẽ mách cha về tội sàm sỡ. Bà đọc:

Trướng nội vô phong phàm tự lập

(trong màn không có gió mà tự nhiên buồm dựng lên).

Quỳnh xuất khẩu ngay tức khắc:

Hưng trung bất vũ thủy trường lưu.

(trong bụng không có mưa mà nước vẫn chảy).

Câu đối khá chỉnh, nhờ vậy mà bà Điểm thôi không mách chuyện với cha nữa.

Từ những giai thoại “đéo bà chơi”, “từ chỗ ấy mà chui ra”, “buồm dựng lên” nghe trần ai khoai củ sao ấy nên tôi càng nghi tợn. Bất nghi bất ngộ tôi đang lỳ một lam, học thói nói lái của ông là đang…làm một ly, mặc dù có ớ ra đấy nhưng lậm với tận tín thư bất như vô thư thì:

Nguyễn Quỳnh là một danh sĩ thời Lê-Trịnh. Quê tại làng Bột Thượng, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Thi Hương đỗ đầu bảng, nhưng thi Hội nhiều lần bị hỏng, nhưng vẫn nổi tiếng là tài danh. Sách Đăng khoa lục sưu giảng có ghi: “Tuấn Cung, Tuấn Dị, thiên hạ hữu nhị. Nguyễn Quỳnh, Nguyễn Nham, thiên hạ vô tam”. Nam thiên lịch đại tư lược sử có trích một số thơ Nôm của Nguyễn Quỳnh (1) vào đời Lê Dụ Tông, khi nói đến Nguyễn Quỳnh có một câu đáng chú ý: “Quỳnh, Hoằng Hóa Bột thái nhân, từ chương minh thế, đàm thuyết kinh nhân, trường ư quốc âm”. Nghĩa là: Quỳnh người Bột Thái, Hoằng Hóa, từ chương nổi tiếng ở đời, nói năng bàn luận kinh người, sở trường về văn thơ Nôm…”

Nhưng bất nghi bất ngộ tôi nghĩ chắc gì ông đây là Cống Quỳnh?! Bèn lưỡi đá miệng:

– Nghe nói ông là Nguyễn Quỳnh, người gốc Thanh Hóa, sinh ngày 26.10.1677, mất ngày 26.2.1748. Vì đỗ đỗ hương cống nên còn gọi là Cống Quỳnh?

Thản nhiên múc mảng tiết canh vào bát và ông vén mồm càm ràm:

– Cậu nói gì vấy.

Không dùng đũa, nghiêng bát húp tiết canh cái rột, miệng lụng bụng:

– Tớ cũng nghe nói vậy.

Vừa ngồm ngoàm, ông vừa ba điều bốn chuyện ăn uống phải trở về với dân tộc tính, phải ngồi đầu gối quá mang tai, phải xụp xọap như heo xục cám, nhai xương phải nhai rau ráu như chó gặm. Uống bầm rồi, ông gọi cối bia và gật đầu tắp lự:

– Cậu chỉ được cái nhắng lên thôi. Mà cậu hỏi đếch gì mà hỏi khó thế, thì tớ đang sống nhăn răng cạp đất đây chứ chết hồi nào đâu!

Trộm vía ông gì mà “tớ với cậu” chả nho phong sĩ khí ra dáng ông Cống Tây Đô bình văn luận phú cho mấy. Bởi bắt buồm coi gió, cầm lái dõi sông nên bất nghi bất ngộ tôi vun chuyện ông với bà Điểm hư thực thế nào?! Bằng cách một giai thoại sông nước với gió máy…

Ở bến đò đón sứ bộ nhà Thanh, Quỳnh mặc giả làm chú lái, cầm sào đợi sẵn… Đò ra giữa dòng sông xuôi theo con nước cứ thế mà đi. Đi được nửa đường một tên trong đoàn sứ bộ hổng ruột, lỡ xổng ra một tiếng bủm. Hắn ta sượng mặt, đọc một câu chữa thẹn:

– Lôi động Nam bang.

(sấm động nước Nam).

Quỳnh đang chèo, liền đứng thẳng, vạch quần đái vổng cần câu xuống nước mà nói:

– Vũ qua Bắc hải

(mưa qua bể Bắc).

Cả đoàn sứ bộ sửng sốt nhìn nhau, vì câu đối đáp của anh lái đò.

Kể lại giai thoại trên, ý đồ tôi ông có là Cống Quỳnh thật đi chăng nữa, từ đời nhà Lê chỉ làm quan cao nhất chỉ đến quan huyện là hết đất. Nên ông không thể nào được cử đi sứ để vẽ mười con giun đất, hoặc tiếp sứ Tàu với cô hàng nước bên đàng. Vì từ thưở khai quốc đến giờ, chỉ duy nhất tri huyện Phù Dung đi sứ hai lần. Lần thứ nhất Cần Chánh điện đại học sĩ lên tới tận ải Nam Quan nhận bộ trà Giáp Tý 1804 cho Gia Long. Lần thứ hai ngao du sơn thủy tới Yên Kinh để viết Truyện Kiều. Bởi nhẽ Tiên Điền Nguyễn Du là chú ruột vợ…cụ vua Gia Long.

Nghe thủng xong, mặt ông như bát tiết canh sũng nước và đờ đẫn cười:

– Cậu chỉ nói nhăng cho lấy được mà chẳng biết đếch gì sất.

Thế là tỏi rồi, bị đay cho ù đầu, tôi chưa kịp sắm nắm là sử sách rành rành như canh nấu hẹ thế đấy. Thế là ông lấy cái đũa quẹt ngang mồm chùi miệng và miệng khô rong róc:

– Để tớ nói cho cậu nghe nhá…

Nhá nhem xong, ông đủng đỉnh cổ lỗ rị mọ với phong thổ địa lý thế này đây:

– Bọn sứ bộ Tàu từ ải Nam Quan qua nuớc ta có quái con sông nào đâu để cho tớ chèo đó, trừ con sông Kỳ Cùng đã có cầu…Kỳ Lừa. Muốn đi đường thủy phải qua Chi Lăng có sông Thương đổ vào sông Lục Nam để xuôi dòng về vùng đồng bằng. Thế nhưng phải qua Quỷ môn quan là một địa điểm hiểm trở, nhỏ hẹp trong ải Chi Lăng. Ngạn ngữ Tàu có câu: “Quỷ môn quan, Quỷ môn quan! Thập nhân khứ, nhất nhân hoàn”. Vì tha ma mộ địa vậy nên phải đi đường bộ qua trấn Lạng Sơn. Ở đây có Biện sự sứ là nơi sứ thần phương Bắc trước khi đến Thăng Long dừng ở đây chờ người mình đưa đường. Cậu không biết chứ, chứ người mình tiếp sứ Tàu cũng áo ức lắm, trên đường phải cáng võng cho tụi nó, phải lo nhà trạm nghỉ ngơi hay dịch trạm để phục dịch cơm nước, tắm rửa với bến (nhà xí) này nọ.

Rồi ông suông đuột là con sông Kỳ Cùng…kỳ cục là chẩy ngược lên phía bắc, chèo thuyền xuôi nam là thuyền độc mộc…hộc máu mồm chứ đâu có đứng khơi khơi trên thuyền…vũ qua biển bắc. Ông hành ngôn hành tỏi với một nhà sử học viết bài (*) về ông, ký “tiến sĩ” cho chắc cú. Nhà sử học thành danh bị một nữ độc giả (**) phản hồi: Người đọc rất ngạc nhiên bởi bài viết của một vị Tiến Sĩ, diễn dịch sai lầm (đến độ kỳ quặc) như câu “An Nam nhất thốn thổ bất tri kỷ nhân canh” được ông tiến sĩ sử học giảng là “Một tấc đất An Nam cũng không có lấy một người cầy tri kỷ”. Chữ “kỷ” ở đây ai cũng biết nghĩa là nhiều, chứ không có nghĩa là “tri kỷ”! Thêm nữa, theo các giai thoại, nguyên câu nói của sứ Tàu là “Lôi động Nam bang”, ông đổi câu ấy thành “Sấm động Nam bang,” có lẽ ông đã không để ý đến chi tiết trong một câu toàn từ Hán Việt, không thể có từ “sấm” (sứ Tàu chắc cũng không biết đến từ ấy). Không hiểu sao một vị tiến sĩ mà có sự hiểu biết và nhầm lẫn ấu trĩ tai hại như thế? Thật đáng tiếc!

Chuyện bơ ngơ chả đâu vào đâu với nhà sử học này vì rỗi hơi vớ bẩm chuyện văn chương phú lục để mang cái vạ vịt mà theo ngu ý thiên cổ chi mê tôi là không có trong…lịch sử. Nghe ra hai chữ “tắm rửa”, để xem sự thể phải quấy ra sao, tôi bèn phang ngang bửa củi chuyện nhân lúc bà Điểm đang tắm, ông Cống đứng ngoài cứ nằng nặc đòi vào xem cho bằng được. Bà Điểm ra câu đối nếu ông đối đâu vào đấy câu Da trắng vỗ bì bạch thì cho vào. Nhưng may quá là may là ông bí lù để…lưu danh thiên cổ với giai thoại ấy qua văn học sử bấy lâu nay.

Mặt ông bừng chửng một hồi lâu như có gì suy nghĩ lung lắm. Rồi lậu bậu:

– Cậu biết quái gì! Chỉ nói bừa là giỏi.

Nghe chối tai thật, chưa kịp cãi inh lên thì mắt ông đảo tít như lạc rang…Và khụng miệng:

– Tất cả vì văn học sử của các cậu…bịa ra tất. .

Mắt ông đảo tít như lạc rang rồi kêu thêm hai cối bia hơi nữa. Hơ! Tai như tai đất tôi nghe “bịa” như “bia”, bèn nhấp bia từng ngụm một cho đã điếu. Được thể ông dậy tôi phải ề à nâng lên hạ xuống, nhấp nháp rồi lau mép, xúc miệng vài câu rồi mới khà một tiếng…

– Giả thử tớ là Nguyễn Quỳnh thật và sinh năm 1677. Nhưng bà Điểm sinh năm 1705, khi ấy tớ 28, bà ta chưa sinh ra đời thì…thì bì bạch ở cái khổ nào! Cậu nói cho tớ nghe?

Làm như ông đồ chữ nghĩa như trấu trát rằng các cụ nhà nho ta xưa thẩn thơ quanh thượng gia hạ trì nên chỉ có cái thú thơ thẩn. Thời ấy chưa có máy in, làm thơ xong các cụ truyền tay nhau đọc. Hết thơ qua câu đối, mà câu đối là cái thú “chơi chữ”. Các cụ gọt chữ đẽo câu như gọt củ thủy tiên với câu đối “con cá đối nằm trên cối đá”, thế là câu đối được truyền miệng từ làng lên huyện thành ca dao. Gặp câu đối thuộc thể loại phong tình cổ lục “da trắng vỗ bì bạch” chẳng hạn, để tránh vạ miệng như người sử gia viết do thử đồ xuất, tức đồ này từ đồ kia mà ra chả dính dáng gì đến tiến sĩ cả, thế là các cụ gán ghép cho người khác để trở thành giai thoại.

Thế nên tôi ngọng trông thấy, vì lóng ngóng với cái “cối đá” thấy mất bu nó…cối bia. Chả lẽ ra phi trường cun cút đi về, của đau con xót bèn mang chuyện thiên cổ sự để đàm trường viễn kiến với ông. Rằng nếu như Nguyễn Dư có Truyền kỳ mạn lục, hay cùng thời với Phạm Đình Hổ có Tang thương ngẫu lục thì bà Đoàn Thị Điểm với Truyền kỳ tân phả. Tập truyện có truyện bà chúa Liễu Hạnh xướng họa với Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan ở Tây Hồ, sau có Phủ Tây Hồ ở Hồ Tây, lễ hội Phủ Giày ở Nam Định. Truyện Tú Uyên gặp Giáng Tiên ở chùa Bích Câu, để sau này có lễ hội Bích Câu đạo quán ở Quốc Tử Giám. Nhờ vậy bất nghi bất ngộ tôi mới khai mê phá ngộ ra Bích Câu là tên tự, chữ Hán là Ngọc Hồ tự, tên Nôm là chùa Bà Ngô nay ở phố Sinh Từ. Tương truyền, chùa do một bà có chồng người nước Ngô ở bên…Tàu.

Tiêu pha chữ nghĩa bao nả đến như vậy, vậy mà ông mặt nhăn quéo lại. Tôi đành thưa thốt rằng ông là người trăm năm cũ, ông đâu có hay trong văn học sử xưa nay còn nhiều việc cần rị mọ lắm: Như dịch giả Bích Câu kỳ ngộ là Vũ Quốc Trân? Hồ Quốc Lộc? Hay vô danh? (Xem phụ đính: Nàng thơ, người trong tranh). Ấy là chưa kể, gần một trăm năm sau, bà Hồ Xuân Hương cảm tác từ Giáng Kiều trong tranh, bà làm bài Tranh tố nữ. Từ nơi nào thờ cúng bà chúa Liễu Hạnh gọi là đền, nước ao mà tát lên hồ nơi nào bà hiện ra được kêu là phủ nên mới có Phủ Tây Hồ.

Được thể tôi buồn môn ngứa miệng chuyện Trả ơn chúa Liễu Hạnh

Gặp khoa thi, trên đường đi qua đền Sòng Nghệ An, Quỳnh vào yết bà chúa Liễu, xin bà phù hộ cho, đỗ thì xin trả lễ. Quả nhiên đỗ thật, trên đường về, Quỳnh mua một con bò mẹ, một con bò con đến lễ, Quỳnh quỳ lạy, rồi dắt con bò mẹ đến buộc vào tay ngai mà khấn rằng:
– Bà Chúa có lòng thương phù hộ cho Quỳnh được đỗ, nay gọi là có một con bò để trả lễ. Xin bà nhận cho em. Bà là chị, em xin lễ con lớn, còn con nhỏ, em xin đem về ăn khao làng xã.
Nói rồi, dắt con bò vè. Con bò mẹ thấy dắt mất con đi, lồng lên chạy theo, làm ngai bà Chúa

Liễu Hạnh đổ lổng chổng, long gẫy cả. Quỳnh cười nói:
– Chị thương em nghèo, trả không lấy, thì em xin đem về vậy.
Nói rồi dắt cả hai mẹ con bò…bò về…Thanh Hóa.

Tôi chẻ câu vót chữ cho nhọn hoắt là không được như bà Hồ Xuân Hương với cả trăm bài thơ, bà Đoàn Thị Điểm giống bà Huyện Thanh Quan, vì tác phẩm không nhiều, không ngoài Truyền kỳ tân phả và Chinh Phụ Ngâm Khúc. Nhưng với khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên thì mộ phần của cả ba bà đều được an táng ở làng Nghi Tàm bên Tây Hồ. Riêng với xanh kia thăm thẳm từng trên, vì ai gây dựng cho nên nỗi này với bà Hồ Xuân Hương, bà Đoàn Thị Điểm mất ở đất khách quê người (xin xem phụ đính). Trong khi tôi đang trôi sông lạc chợ với sinh ký tử quy đến đây, tay cầm miếng bánh đa, mặt ông như bánh đa nhúng nước, ông vay mượn nhời tựa trong Nam hải dị nhân của Phan Kế Bính để giải bày: “Nước ta vì sách biên sót mà không tường. Nhưng ngặt vì sách thì ít, lưu truyền không rộng, giai thoại thì truyền khẩu cho nhau, người nhớ khúc này, kẻ nhớ khúc kia, hóa ra nhầm lẫn sai cả sự thực của người xưa”.

Để dẫn chứng, ông kể cho tôi nghe giai thoại Trạng chết chúa cũng băng hà:

Sau nàychúa Trịnh có bụng ghét Quỳnh. Một hôm chúa đòi Quỳnh vào thị yến, định đánh thuốc độc cho chết. Quỳnh biết là có chuyện. Lúc đi dặn vợ con rằng:
– Hôm nay ta vào hầu yến chúa, lành ít, dữ nhiều. Ta có mệnh hệ nào không được phát tang ngay, cứ để ta vào võng, đợi bao giờ phủ chúa phát tang thì ở ngoài hãy phát tang.
Dặn xong, Quỳnh vào đến cung đã thấy chúa ngồi đấy rồi. Chúa bảo:
– Lâu nay không thấy mặt, lòng ta khát khao lắm. Vừa rồi, có người tiến hải vị, ta nhớ đến ngươi, cho đòi vào ăn yến, ngươi không được từ. Vừa nếm một miếng thì nhà chúa hỏi:
– Bao giờ Quỳnh chết?
Quỳnh thưa:
– Bao giờ chúa chết thì Quỳnh cũng chết.
Ăn xong, Quỳnh thấy trong người khang khác, cáo xin về. Vừa về đến nhà thì tắt thở. Vợ con cứ theo lời Quỳnh dặn mà làm. Chúa sai người dò xem Quỳnh có việc gì không, thấy Quỳnh đương nằm võng nghe nhà trò hát, mà người nhà thì đi lại vui vẻ như thường, về tâu với chúa. Chúa liền đòi đầu bếp lên và ăn thử, được một chốc thì Chúa lăn ra chết.

Kể có gốc có ngọn xong, thấy tôi câm như thóc ngâm, ông cười kịch một cái:

– Ha! Cậu dốt như me dốt thật. Như văn học của cậu đổ vấy cho tớ là Nguyễn Quỳnh đi. Vậy chứ có chúa Trịnh nào ngỏm củ tỉ cùng một ngày với tớ không? Cậu thử nói cho tớ nghe…

Thế là tét hết! Bởi dân gian dựng lên nhân vật Cống Quỳnh, có tích mới dịch nên tuồng nên nhà biên khảo nào đó gán ghép “tiểu sử” của ông Nguyễn Quỳnh có thật, vì không cân đo đong đếm ngày tháng nên mới rách chuyện. Cũng như nhà biên khảo cổ thụ ở Paris năm 1952 khi viết Hồ Xuân Hương tiểu sử văn bản nhưng vẫn còn nhiều nghi vấn. Ông phải đợi tới năm 1964, nhà văn học cây đa cây đề Trần Thanh Mại tại Hà Nội, công bố một số bài thơ phiên âm từ Lưu Hương Ký (chỉ có vài bài thơ chứ trong tập Lưu Hương Ký không có tiểu sử). Và ông đùm đậu cho là: “Toàn bộ thơ Nôm truyền tụng của Hồ Xuân Hương, tất cả đều không có thật mà là “thơ dân gian” của một ông đồ nào đó nhuận sắc cùng thời với truyện Trạng Quỳnh, Trạng Lợn”.

Cú rằng có vọ rằng không có thể nhà biên khảo cổ đại thấy tên ông Trạng Lợn…hay hay nên mới mang ông trạng vào cảo thơm. Thế nhưng vào thời Hậu Lê có ông Trạng Lợn có thật, là Nguyễn Nghiêu Tư, người Bắc Ninh, đỗ trạng nguyên thời Lê Nhân Tông, vì bố làm nghề họan lơn nên dân gian gọi là…Trạng Lợn. Thế là thiên cổ chi mê tôi chạy vạy sách vở tam sao thất bản thời Hậu Lê, vì Lê Uy Mục dâm dục, suốt ngày nằm một chỗ, ăn uống như lợn nên được gọi là…Vua Lợn. Ở Hà Nội có ông Đỗ Lai Thúy khủng khẳng cọ đít nồi viết Trạng Quỳnh, Trạng Lợn với hai kiểu cười của người Việt qua một số giai thoại Trạng Lợn với vua Lê, Trạng Quỳnh với chúa Trịnh. Từ văn bài này tôi bắt cua được ếch hai ông trạng này vất vưởng vào thời Lê Mạt, với Lê Dục Tông, Lê Hiển Tông, với Trịnh Doanh, Trịnh Khả. Từ Vua Lợn trong sử thi, dân giả thấy…hay hay nên nẩy sinh ra ông Trạng Lợn và Trạng Qùynh trong văn học sử.

Chưa kịp tầm chương trích cú tiếp, ông đã trở lại với chuyện xưa tích cũ:

– Với các nữ sĩ, chỉ vì sách biên sót mà không hay nên nhầm lẫn. Trăm sự do Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến, năm 1915, xuất bản tập biên khảo về nữ sĩ Hồ Xuân Hương với tựa đề Gian nhân di mặc. Năm 1920, Phan Kế Bính trong Nam hải dị nhân với Giai thoại bà Đoàn Thị Điểm. Năm 1940, Dương Quảng Hàm trong Việt văn giáo khoa thư với bà Huyện Thanh Quan. Trong những trang biên khảo ấy kể lại những giai thoại về các nữ sĩ nhưng không dẫn chứng nguồn tài liệu chuẩn mực nào. Nên được coi như truyện ký hơn là một biên khảo có giá trị. Phan Kế Bính là người khổ công trong việc sưu tầm thư tịch, chuyển dịch sang chữ quốc ngữ các giai thoại về bà Đoàn Thị Điểm. Tuy nhiên, cũng còn một số chi tiết hoặc…“đối liên” mà Phan Kế Bính đã bỏ qua (3) vì khó tin, hoặc vì câu chữ…“bất thông” do sao chép nhầm lẫn.

Ông vừa ăn như cũ ngủ như xưa xong, tôi định len chân vào chuyện cùng vào thời vua Lê chúa Trịnh: Giai thoại tên “Câu đố” với “Trời sinh ông Tú Cát – Đất nứt con bị hung”, với sách này chép của ông Trạng Lợn, sách kia ghi của ông Trạng Quỳnh. Chưa kịp thưa chuyện vừa lúc nghe ông gọi thêm một đĩa tiết canh nữa, thế là lại toi tiền. Thêm một lần lòng dạ như xát muối, tôi bèn mang truyện Chinh Phụ Ngâm Khúc ra để thông hanh, thông điếu với ông. Rằng ông đâu hay biết trong mảng văn học miền Bắc với Xuân Diệu thì: Nguyễn Trãi, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Du, bà Hồ Xuân Hương và Tú Xương là năm nhà thơ lớn nhất trong văn học cổ điển Việt Nam. Ấy vậy mà gần đây, cũng nhà văn học, nhà biên khảo ở Paris là ông Hoàng Xuân Hãn, năm 1952 với cuốn Chinh Phụ Ngâm bị khảo đã khẳng định rằng: Bản dịch Chinh Phụ Ngâm mà nhiều người cho là của Đoàn Thị Điểm. Theo nhà biên kháo thâm căn cố đế đích thực là của Phan Huy Ích. Ông Hoàng Xuân Hãn dựa vào tài liệu của Phan Huy Chiêm có những chứng từ gia phả dòng họ Phan ở phủ Quốc Oai, từ thời Tây Sơn với bản chép tay.

Nhưng bà Nguyễn Thị Chân Quỳnh đưa ra ý kiến phản bác luận cứ ông Hoàng Xuân Hãn.

“…Bác Hoàng Xuân Hãn viết: Từ năm 1926 ông Phan Huy Chiêm gửi thư cho báo Nam Phong, nói rằng bản Chinh Phụ Ngâm là “Cụ Phan Huy Ích dịch ra văn nôm, hiện nhà họ Phan còn giữ được bản chính, vừa chữ Hán vừa chữ Nôm”. Nhưng từ đó, mặc dầu nhiều nhà khảo cứu yêu cầu, ông Phan Huy Chiêm chưa từng đưa ra văn bản ấy. Bởi lẽ ông Phan Huy Chiêm nghĩ rằng bản diễn ca của cụ tổ mình chính là bản đã in khắp nơi rồi.

Mùa hè năm nay tôi được ông Phan Huy Chiêm nhờ người em họ gửi cho một bản nhưng tài liệu ấy lại không có văn bản gốc (nguyên văn thủ bút hay bản khắc ván chữ Nôm đầu tiên của dịch giả) mà đó chỉ là bản dịch Chinh Phụ Ngâm chữ Latinh (chữ Quốc ngữ) mà thôi! Hình như bản chữ Nho và chữ Nôm cho đến nay chưa tìm lại được. Tôi thắc mắc là cho đến khi bác Hoàng Xuân Hãn viết xong bài “Tựa”, vậy mà nhà họ Phan vẫn chưa đưa ra được bản chính chữ Nôm của Phan Huy Ích, hóa ra bác đã khởi sự viết Chinh Phụ Ngâm bị khảo từ năm 1952 chứng minh rằng bản dịch xưa nay người đời gán ghép cho bà Đoàn Thị Điểm là của Phan Huy Ích ngay từ khi trong tay…chưa có bản chữ Nôm của nhà họ Phan làm bằng chứng?

Cho đến nay vẫn chưa ai được thấy nó. Sau này ông Nguyễn Văn Xuân tìm ra bản ở Huế tên là Chinh Phụ Ngâm Diễn Ấm Tân Khúc mà ông và bác Hoàng Xuân Hãn…đoán là bản của Phan Huy Ích dịch. Tôi dùng chữ “đoán” vì trang cuối bài “Tựa” chỗ đề tên tác giả (hay dịch giả) “bị mất” nên bằng chứng này chưa thể kể là “bằng chứng” đích xác, mà chỉ là phỏng đoán…”.

Nghe thiên cổ chi mê tôi thông hanh, thông điếu xong. Ông xoẹt hai hòn đá kỳ nham nhám lòi tói ra lửa mồi cái đóm nan. Nâng oáng điếu cầy để ngang miệng như khẩu “ba-dzô-ca”, ông bắn thêm một bi nữa, tiếng điếu cầy kêu eng éc như lợn kêu, rồi ngửa cổ đùn khói mù mịt.

Gà gà mắt lên như người say thuốc lào, ông ăn mắm ngắm về sau mà rằng…

Rằng theo gia phả họ Đoàn là Đoàn thị thực lục, tổ tiên bà vốn họ Lê, đến đời ông nội là Doãn Nghi mới đổi ra họ Đoàn (4). Lúc trẻ, bà có tiếng đẹp người, đẹp nết, có tài văn sách. Năm 16 tuổi, bà được Thượng thư Lê Anh Tuấn nhận làm con nuôi, khi ở nhà của dưỡng phụ ở phường Bích Câu, kinh thành Thăng Long….

Đến tao đoạn này, tôi bèn cảo mực đề văn, giác ngoại biệt truyền bất lập văn tự: Theo Đoàn thị thực lục, lúc sinh thời bà thường xướng hoạ với cha nuôi có cả chục bài. Di cảo trước tác của bà ở nhà quan thượng thư có đầy đủ hơn cả. Chính bà là tác giả bản dịch chữ Nôm Chinh Phụ ngâm khúc đang hiện hành vì năm 1902, bản Long Hoà có ghi: “Thanh Trì nhân mục Đặng Trần tiên sinh Côn trứ, Văn giang trung phú Đoàn phu nhân Điểm diễn âm”. (***)

Nghe tôi đồng thiếp với chữ nghĩa xong, làm như không nghe. Ông câu thừa chữ thiếu…

Khi ở phường Bích Câu, Thăng Long, bà có dịp gặp Đặng Trần Côn (5). Đặng Trần Côn nhỏ hơn bà Điểm chừng hai tuổi, nhưng rất tài hoa, năm 15 tuổi đã đậu hương cống. Họ Đặng quí mến tài văn chương của bà Điểm, nên có gởi đến bà một bài thơ tỏ ý cầu hôn.

Bà Điểm không trả lời nhưng có nói đùa với các chị em bạn:

– Ông Cống Đặng, miệng còn hôi sữa, làm thơ chưa xong mà lại đi nói chuyện vợ chồng.
Đặng Trần Côn nghe thuật lại thì tức lắm, nên cố gắng miệt kỳ đèn sách, cố đậu cho được tiến sĩ trong kỳ thi Hội. Đầu niên hiệu Cảnh Hưng nhà Lê Trung Hưng, gặp buổi chiến tranh ly loạn, trai tráng bị bắt đi lính đáng giặc phương xa, gây cảnh biệt ly cho nhiều gia đình, Đặng Trần Côn cảm xúc, đem hết tài học bình sinh viết nên tác phẩm Chinh Phụ Ngâm bằng Hán văn theo thể thơ xưa Cổ Nhạc phủ. Khi viết xong, Đặng Trần Côn đưa tác phẩm cho Ngô Thời Sĩ xem. Ngô Thời Sĩ xem xong lấy làm thán phục nói rằng: “Văn chương tới mức này thì Lão Ngô tôi chỉ còn biết bái phục mà thôi”. Đặng Trần Côn sau đó gửi tác phẩm cho bà Đoàn Thị Điểm xem, ngụ ý cho bà Điểm biết trước đây bà đã xem thường ông. Lúc này bà đã lấy Nguyễn Kiều, chồng đang đi sứ sang Tàu, bị kẹt ở lại bên đó vì giặc giã. Bà Điểm xem xong tác phẩm rất phục tài văn chương của họ Đặng, lại thấy tâm sự của nàng chinh phụ trong tác phẩm giống y hệt tâm sự của bà lúc đó: Chồng đi sứ sang Tàu giống như đi lính thú chinh chiến ngoài biên thùy. Với tâm hồn của một người nữ sĩ cùng những cảm hoài, và cũng muốn đáp lại tình cảm của Đặng Trần Côn khi trước, bà đem hết sự xúc cảm của tâm hồn, diễn Nôm tác phẩm Chinh Phụ Ngâm của Đặng Trần Côn, từ Hán văn sang chữ Nôm với Chinh Phụ Ngâm Khúc qua thể song thất lục bát như thể với hồn tử sĩ gió ù ù thổi, mặt chinh phu trăng dõi dõi soi.

Hơ! Nói cho ngay, tôi đang muốn nói với ông một chuyện nhưng chưa biết ăn nói ra sao

Thì ông cầm cối bia ọc như uống nước rau luộc. Xong, ông gọt cốt vừa giầy: Phan Huy Ích là thân phụ Phan Huy Chú, được Ngô Thời Nhậm tiến cử với Quang Trung trông coi việc giao dịch với nhà Thanh. Tiếp, ông làm chánh sứ sang Tàu với giả vương Phạm Công Trị để cầu phong, ông làm đến chức Thị trung Ngự sử. Sau Gia Long mang Nguyễn Thế Lịch, Ngô Thời Nhậm và Phan Huy Ích ra đánh trước Văn Miếu. Vì vậy có thuyết cho rằng Chinh Phụ Ngâm do Phan Huy Ích diễn Nôm để diễn tả tâm sự u uẩn của mình. Mặt tôi như mặt hoa trâu tháng đẻ, bởi tôi chỉ biết kỳ án trong văn học với giai thoại chỉ có một Ngô Thời Nhậm qua câu đối thế Chiến quốc, thế Xuân thu rồi bị Đặng Trần Thường mang ra đánh giữa Văn Miếu…cho đến chết.

Chuyện tôi sắp nói với ông đây là chuyện ăn đong ăn vay…thì va vào mắt cái điếu cày nằm trên bàn. Bởi cái oáng điếu cày chỉ dài hơn một gang tay, và chỉ to bằng cái cán dao phay, tôi muốn làm thử một điếu lại ngại…”điếu kêu tốn thuốc”. Đang muốn oai oái như ếch nhái kêu mưa vừa lúc bắt gặp mặt ông tôi đỏ cay đỏ cợt, lờ đờ như cá ngộp nắng, và ông thở ra…

Thảng như cụ Nguyễn với Truyện Kiều, bà Huyện với Thăng Long thành hoài cổ với tâm cảm hoài Lê. Ngay như bà họ Đoàn qua Truyền kỳ tân phả, nhờ sống với dưỡng phụ ở phường Bích Câu bà mới sáng tác được truyện truyền kỳ Bích Câu kỳ ngộ. Như theo chồng tới Nghệ An viếng đền Sòng thờ bà chúa Liễu Hạnh, bà mới có cảm hứng viết chuyện lên đồng, cùng tục hóa vàng hóa bạc. Nhưng chẳng mấy ai thấy ông Phan Huy Ích gửi gấm tâm trạng…”chinh phụ” gì qua tác phẩm của Đặng Trần Côn. Lại nữa, nữ sĩ mượn Truyền kỳ tân phả để viết toàn những nữ nhi anh kiệt, nên bà vay mượn Chinh Phụ Ngâm để trang trải tâm sự của thưở trời đất nổi cơn gió bụi, khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên là đúng ngẫu sự, ngẫu hứng quá rồi. Vì trong ba năm vắng chồng, Đoàn Thị Điểm sống chẳng khác nào người…“chinh phụ”. Và ngay như hai câu mở của Chinh phụ ngâm khúc mang cái tâm thái thiên địa phong trần, hồng nhan đa truân dường như nghiệm vào cả cuộc đời bà ngay từ khi còn đang ở cái tuổi thanh xuân.

Chuyện nãy giờ tôi muốn thưa với ông là…là nói cho lắm tắm cởi truồng vì có nhà thơ “thần đồng” trong nước lại thích viết văn. Ông viết rằng: “Nhiều học giả cho rằng Nguyễn Quỳnh là nhân vật lịch sử hiện thực. Cống Quỳnh là nhân vật dân gian hư cấu. Nhưng phải nói rạch ròi điều này, người đời vẫn thích Cống Quỳnh dân gian hư cấu hơn mặc dù không hiện hữu”. Tất cả những chuyện tôi muốn quấy hôi bôi lọ với ông, tôi chỉ là con bò nhai lại và không hơn.

Ấy vậy mà khi không ông Cống thở ra há như ai hồn say bóng lẫn, bỗng thơ thơ thẩn thẩn hư không…(Chinh Phụ Ngâm Khúc). Vì ngoài họ Đặng, nhiều khoa bảng nghe tiếng bà hương sắc vẹn toàn, văn chương lỗi lạc, tới cầu hôn, nhưng họ đều chịu thua. Như Hoàng giáp Vũ Diệm đến viếng thăm bà, biết được dụng ý của người khách tài hoa này, bà bảo người nhà bưng khay trầu mời khách, rồi bà sẽ ra sau. Trên khay trầu bà để sẵn một câu đối nhờ khách đối giúp: Đình tiền thiếu nữ khuyến tân lang. Nghĩa đen là trước sân gió thoảng phất cây cau. Thiếu nữ là cơn gió nhẹ, tân lang là cây cau. Nghĩa bóng của câu nầy là trước sân, người con gái mời chàng rể mới. Cái hóc hiểm của đối chữ với con gái là thiếu nữ, chàng rể là tân lang. Ông Vũ Diệm thấy câu đối khó quá, không thể đối nổi nên đành rút lui.

Ông Cống nói gì cứ nói, đập vào mắt tôi là hai hòn đá kỳ nằm trên bàn như voi ấp trứng. Thế là bắt chước ông Cống đi thi thừa giấy vẽ voi, tôi vẽ chuyện rằng đã có nhà thơ trong nước viết về ông thì chẳng thể không nói đến một ông nhà văn ngoài nước viết với những ngộ nhận vì có hai bà Hồ Xuân Hương. Một thật một giả, nhưng ông “thống khoái” bà Hồ Xuân Hương giả hơn. Và với hai Cống Quỳnh, một giả, một thật, ông lại “chịu” với giả hơn. Từ nãy đến giờ, tất cả những chuyện lọng cọng trong đầu mà muốn tôi dắt trâu chui ống là thế đấy và chỉ vậy thôi.

Hốt nhiên ông Cống tôi lại thở ra trời hôm tựa cửa ngẩn ngơ, trăng khuya nương gối bơ phờ tóc mai bởi lẽ it lâu sau anh mất, bà nhận lời vào ở trong cung cấm dạy cung tần, vì bị một ông cậu của chúa Trịnh tỏ tình nên bà về quê mở trường dạy học. Sau vì tuổi trễ tràng, 37 tuổi bà lấy (kế thất) với quan Thị lang Nguyễn Kiều. Nguyễn Kiều hiệu là Hạo Hiên, người làng Phú Xá, Tây Hồ. Từ nhỏ Nguyễn Kiều đã nổi danh học giỏi. Năm 18 tuổi, đi thi lần đầu đỗ ngay giải nguyên. Năm 21 tuổi đậu tiến sĩ. Rồi được bổ làm Đốc đồng trấn Tuyên Quang. Sau đó là đi sứ…

Chuyện là trước khi đi sứ, Nguyễn Kiều đến cầu hôn bà Đoàn Thị Điểm. Đương thời cho là ông có số phải lấy nhiều vợ. Bà vợ đầu là con gái đại thần Tham tụng Lê Anh Tuân. Bà này mất sớm, ông lấy con gái đại thần Thượng thư Nguyễn Quý Đức. Bà sau cũng sớm qua đời. Nguyễn Kiều nhờ người mối mai đến với bà Điểm. Ban đầu bị từ chối, Nguyễn Kiều không nản, tiếp tục qua lại. Cuối cùng trong thư chính thức cầu hôn, ông khẩn khoản trình bày: “Tôi rất bận việc quan. Vó ngựa hoàng hoa (đi sứ) đã gần ngày lên đường. Việc nhà không ai coi sóc và cai quản, tôi nghĩ rằng phu nhân cùng nội trợ tôi xưa có tình chị em, có phận keo sơn (người vợ trước là con gái Lê Anh Tuấn, vị đại thần từng đã nhận Đoàn Thị Điểm là con nuôi). Nếu phu nhân bằng lòng đùm bọc cho nội trợ tôi thì thực là may cho cả nhà tôi đó”. Có lẽ vì cảm động về quyết tâm của Nguyễn Kiều, và có lẽ còn là “vì cây dây quấn” nên bà Điểm chấp nhận.

Lấy nhau chưa được một tháng, Nguyễn Kiều được cử làm chánh sứ sang Tàu tuế cống ba năm mới trở về. Nguyễn Kiều đi sứ về, ba năm sau ông được cử làm Tham thị ở Nghệ An. Bà cùng đi với chồng, nhưng trên đường đi, bà bị cảm nặng, chạy chữa không khỏi, bà mất ở Nghệ An ngày 11.9.1748 khi bà 43 tuổi. Thi hài bà mang về Văn Giang, xứ Kinh Bắc. Nhưng đến Thăng Long, cũng vì chiến chinh, giặc giã nên không đưa về được quê bà, nên đành phải an táng ở Tây Hồ. Mộ chí của bà sau bị đất lở, đất chùi nên nay không còn dấu tích (xem Phụ đính).

Thương cảm người bạn đời vắn số, ông Nguyễn Kiều viết bài văn tế, hết lời ca tụng văn tài và đức hạnh của bà. Trong đó có câu:

Đào chưa tươi đã khô

Quế đang thơm đã rũ

Rừng sâu bể rộng nàng hỡi đi đâu

Ngọc nát châu chìm lòng tôi quặn nhớ…

***

Ừ thì chuyện sinh ký tử quy là vậy, là hết chuyện, đến lúc nhất hữu ly biệt thiên lý tống tiễn. Rồi cũng đến lúc giáp mặt rồi phút bỗng chia tay, Hà Lương chia rẽ đường này (Chinh Phụ Ngâm Khúc). Ông Cống đứng dậy đi về, ông như ốc mượn hồn mang trên lưng cái vỏ ốc ngập những huyền thoại, những huyễn hoặc trong chốn dân gian qua văn chương truyền khẩu. Bóng dáng ông xa dần…xa dần rồi bỗng khi không ông đứng lại ở ngã ba đường như đợi ai đấy.

Ai đấy là hai cái bóng như bóng mây đang lơ lửng bước qua đường. Nom dòm kỹ hơn rõ ra là hai bóng người: Bóng cụ ông áo gấm đại trào vua ban với thẻ ngà, đội mũ cánh chuồn, hai tai mũ ngúc ngắc hai bên vai, chân đi hia mũi ngóc lên như mũi thuyền. Bóng cụ bà đội nón thúng quai thao, thắt bao xanh hoa lý, đeo xà tích bạc ống vôi quả đào, chân đi hài thêu. Bóng dáng ông Cống đang lâm râm với cụ ông cụ bà gì đó. Cả hai quay lại phía thiên cổ chi mê tôi, giơ tay như ra dấu chào hỏi. Rồi cả ba thong dong khuất nẻo ở cuối phố Hàng Hòm và mất hút.

Đang phất phơ ngọn cỏ gió đùa đến đây, chợt có một lão nhân lẫn ngẫn đi tới…Ngỡ lão Tàu già tháp Hòa Phong, bụng bảo dạ sẽ ới nhăm gói phá-xa mang về để làm chứng tích chuyện có thật. Nhưng ngớ ra là cụ Tản Đà, vừa thấy mặt cụ đã hỏi sao cứ…kỳ óc ra viết văn, sợ cụ mắng cho rát mặt là không tư duy văn hóa nhậu! Bèn chỉ trên bàn có hai cối bia và…hai hòn đá kỳ.

Thạch trúc gia trang

Lập thu, Ất Mùi 2015

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

 

Nguồn: Nguyễn Đức Hiền, Trịnh Văn Thành, Nguyễn Gia Lộc,

Bùi Thị Thiên Thai, Nguyễn Ngọc Ngạn, Trần Ngọc Kha,

Hoàng Yên Lưu, Trần Đăng Khoa, Phan Lạc Tiếp, Trần

Nhuận Minh, Nguyễn Vĩnh Phúc, và Nguyễn Hưng Quốc.

Phụ chú:

(*) “Không Thể Hiểu Nam Hải là Biển Trung Hoa hay Biển Nam Trung Hoa được”.

Phạm Cao Dương, TS

(**) Lê Việt Hà

(***) Giai phẩm Phan Thanh Giản & Đoàn Thị Điểm

Chú thích:

(1) Nguyễn Quỳnh để lại một số bài ký như văn tế mẹ, văn tế em gồm có:

– “Sơ ngu văn” (văn tế mẹ, viết năm 1707)

– “Văn tế khóc em” (khóc em tên Cầu, viết năm 1716)

(2) Truyền kỳ tân phả in mộc bản năm Tân Mùi 1811. Năm Gia Long thứ 10, có ghi rõ tên tác giả là Hồng Hà Đoàn phu nhân. Phan Huy Chú cho biết Truyền kỳ tân phả, gồm sáu truyện:

Bích Câu kỳ ngộ – Hải Khẩu linh từ – Vân Cát thần nữ – Hoành Sơn tiên cục – An Ấp liệt nữ – Yến anh đối thoại – Mai Huyễn.

Có bốn truyện ông Nguyễn Kiều nói đến trong bài văn tế bà:

Làm tỏ chuyện Chế thắng xưa (Hải Khẩu linh từ)
Nêu cao danh trinh liệt mới (An Ấp liệt nữ)
Ngụ đấu tiên trong Vân Cát thần nữ
Thuận tình nhà trong Đối thoại Yến anh.

Theo Đoàn thị thực lục ngoài Chinh phụ ngâm khúc (*), Truyền kỳ tân phả, bà còn có một ít thơ văn gồm chữ Hán, chữ Nôm trong tập Hồng Hà phu nhân di văn. (*)

(*) Chinh Phụ Ngâm, nguyên tác chữ Hán của Đặng Trần Côn có nhiều (7) bản diễn ca thơ nôm như bản của Đoàn Thị Điểm (1705-1748), Nguyễn Khản, Phan Huy Ích (1782-1840), v…v…

Hiện nay Hồng Hà phu nhân di văn(*) có hàng trăm bài thơ Đoàn Thị Điểm trong đó có 28 bài thơ trào phúng. Bà Nguyễn Kim Hưng, phu nhân GS Nguyễn Huệ Chi tìm ra từ năm 1978 nhưng hiện nay nhiều chữ vẫn chưa ai đọc được. (Nguồn: Phạm Trọng Chánh

(3) Phan Kế Bính đã bỏ qua chi tiết dưới đây vì cho là khó tin: Cái túi vải Đa La
Cô con gái Đoàn Doãn Nghi, tên là Điểm, mới trạc tuổi thiếu niên mà đã có tài học vấn hơn người, được thiên hạ chú ý vì một phong cách rất đặc biệt. Ra đường, cô thường xách một cái túi vải Đa La (một loại vải đẹp ngày xưa). Tự tay cô thêu lên cái túi ấy hai câu thơ của Lý Bạch:
Đãn sử chủ nhân năng túy khách
Bất tri hà xứ thị hương nhân
(Miễn sao chủ nhân có đủ rượu làm say khách
Cần gì phải phân biệt là chốn lạ hay quen)
Đề thơ như vậy, là chứng tỏ một tâm hồn phóng khoáng và một trình độ học vấn cao. Thượng thư Lê Anh Tuấn biết được chuyện này, liền nhắc với ông Nghi – học trò cũ của mình – xin nhận cô Điểm làm con nuôi. Gia đình họ Đoàn chấp thuận.

Sách vở viết về bà Đoàn Thị Điểm không có nhiều, trong kho thư tịch cổ chỉ có đôi dòng về bà qua Lịch triều hiến chương loại chí, Tang thương ngẫu lục, Đại Nam hiển ứng truyện, Nam thiên trân dị tập, Sơn cư tạp thuật, Hát Đông thư dị. Phan Kế Bính góp nhặt về bà trong Nam Hải dị nhân liệt truyện có vào thời Duy Tân thứ 6. Mãi đến thập niên 50–60, các tác giả Trúc Khê Ngô Văn Triện, La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn trong khi tìm hiểu về vấn đề ai là dịch giả của Chinh phụ ngâm mới phát hiện được Đoàn thị thực lục từ gia phả của dòng họ Đoàn, do cháu rể của Đoàn Thị Điểm biên soạn, gồm tiểu sử tổ tiên 9 đời và sự tích Đoàn Thị Điểm lúc sinh thời.

(4) Đoàn từ đường ở Hưng Yên nghe nói còn câu đối ghi lại tông tích họ Đoàn: “Vũ liệt văn khôi quang thế phả, Lê tiền Đoàn hậu kí thần ngôn” (Võ giỏi văn tài, làm sáng ngời gia phả – Trước là họ Lê, sau đổi họ Đoàn, để ghi nhớ lời nói của thần). Theo Đoàn thị thực lục nhà này vốn trước họ Lê, tố phụ là Lê Công Nẫm làm quan võ đời Lê, tước quận công. Cháu của Công Nẫm là Doãn Nghi thi đỗ hương cống, nhưng sau thi hội không đỗ bèn đi dạy học. Nhân trong một giấc mộng, có “thần nhân” bảo đổi sang họ Đoàn thì sẽ đỗ, ông bèn làm theo. Con Doãn Nghi là Doãn Sỹ khi trọ học ở Thăng Long, phải qua lại hàng ngày phường Hà Khẩu (nay là khu vực phố Hàng Buồm) ông thường gặp một người con gái họ Vũ, là con một võ quan tước Thái lĩnh bá. Sau thành vợ chồng sinh được hai con, trai là Đoàn Doãn Luân, gái là Đoàn Thị Điểm.

(5) Đặng Trần Côn, năm sinh không rõ (khoảng 1710, mất khoảng 1745), người làng Nhân Mục, tên nôm là làng Mọc, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông. Ông đậu Hương Cống, trượt thi Hội, được bổ làm Huấn Đạo, 1740 triều Cảnh Hưng được thăng tri huyện Thanh Oai rồi sau tới Ngự Sử Đài. Không ai biết ông gì hơn ngoài truyền thuyết về tính ham học, phóng dật, và… ham rượu.
Ở ven đô Thăng Long, dọc bờ phải sông Tô Lịch có tới 7 làng Mọc, tên chữ là Nhân Mục.

Tôi (Trần Quốc Vượng) đã phải lần mò xuống tận Nhân Mục cựu xã, tên nôm là Mọc Thượng Đình, vì nghe nói ngôi mộ Đặng Trần Côn có kẻ làm nhà, đào đất làm lò gạch đã phạm phải. Chỉ thấy một tấm bia tương đối mới (đầu thế kỷ XX), với tên họ Đặng Trần Côn và chức danh Tri Phủ. Khi chưa đến Kẻ Mọc, tôi đã thắc mắc: Thế con cháu Đặng Trần Côn đâu mà để người ta phạm đến mộ Tổ như vậy? Tôi lại gặp một bất ngờ: Làng Mọc Nhân Mục không có họ Đặng, không còn con cháu gì của Đặng Trần Côn. Già làng bảo: Ông Đặng là người nơi khác, không biết ở đâu đến làng Mọc ở ngụ cư. Chắc Đặng Trần Côn là một hàn sĩ ở đâu đó đến làng Mọc ven đô ngồi dạy học và học thêm để thi Hội (và trượt). Cũng chắc rằng sau lời tỏ tình thất bại với Đoàn Thị Điểm, thi nhân họ Đặng đã không xây dựng gia đình với ai khác, lại mất tương đối trẻ (35 tuổi) nên không có con cháu nối dõi tông đường, chăm lo hương hỏa và phần mộ tổ tiên…
Ở làng Mọc còn một gia đình, gốc nhà Nho, có gia phả, còn giữ lại được một vài câu đối và liễn, tương truyền là chữ của Đặng Trần Côn, viết tặng cũ tổ họ Nguyễn này, vốn là bạn của Đặng tiên sinh. Con cháu cũng được truyền lại là Đặng Trần Côn tiên sinh từ nơi khác đến Kẻ Mọc ngồi dạy học và là bạn thi tửu với cụ tổ Nguyễn nhà này…

Ngoài tác Chinh phụ ngâm, có thuyết cho rằng ông còn sáng tác tiểu thuyết Bích câu kỳ ngộ.

(Trong cõi – Trần Quốc Vượng)

***

clip_image003

Phụ đính:

Lăng bà Đoàn Thị Điểm

Năm 1982, khi quay phần ngoại cảnh phim Hà Nội trong mắt ai phân đoạn phim về bà Huyện Thanh Quan ở làng Nghi Tàm. Vì có đống rác nên phải rời đi, ông đạo diễn Trần Văn Thủy tình cờ tìm được mộ bà Đoàn Thị Điểm.

Sau này được xây thành lăng, có tường bao, mái che.

clip_image005

Mộ ông Nguyễn Kiều

Năm 1936, theo gia phả dòng họ Nguyễn, khi ông Nguyễn Kiều mất, nhà Hậu Lê cấp đất và đưa thi hài ông về đây an táng. Mộ bia ghi dựng năm 1931, với hàng chữ “Hạo Hiên tiên sinh chi mộ chí” với đầy đủ năm sinh và năm mất (vì ông có tập thơ Hạo Hiên thi tập).

Mộ ông ở đất Phú Thượng của dòng họ, được dân làng Phú Xá tôn là thành hoàng làng và đã trải qua 260 năm. Cách đó không xa là mộ phần bà Đoàn Thị Điểm vì vậy bà Nguyễn Thị Sơn, hậu duệ đời thứ 9 của ông Nguyễn Kiều, ngày 24.7.2011 đã rời hai phần mộ hai ông bà gần nhau cạnh Hồ Tây.

Nàng thơ, người trong tranh

Yêu người trong tranh trong sách không phải là chuyện lạ, chúng ta đã được biết về tích truyện lãng mạn đa tình Bích Câu Kỳ Ngộ, qua bản quốc ngữ của Thi Nham Ðinh Gia Thuyết, dịch và chú giải từ nguyên tác chữ Hán của Ðoàn Thị Ðiểm (1705-1748) trong Truyền Kỳ Tân Phả.

Nguyên bản của nữ sĩ họ Ðoàn có 6 truyện, “cuộc gặp mặt lạ lùng ở suối biếc” (Bích Câu Kỳ Ngộ) là một trong 6 truyện ấy. Bích Câu có thật, thuộc làng Yên Trạch huyện Thọ Xương ở Thăng Long, nơi hiện nay vẫn còn ngôi đền ở gần Văn Miếu Hà Nội.

Truyện ca dài 648 câu, kể ngọn ngành thi sĩ Tú Uyên thời Lê – [Nhà Tiền Lê (1428-1527), nhà Hậu Lê (1533-1788), khoảng 6 năm giữa 1527-1532 một hôm đi thăm Chùa Bà Ngô ở phố Sinh Từ, nhác thấy một thiếu nữ đẹp tuyệt trần đi ngang qua phía trước cổng tam quan, chàng chạy theo, lẽo đẽo phía sau ướm hỏi này kia mãi cho tới gần Cửa Nam.

Thấy người trước cổng tam quan
Theo sau ba bảy con hoàn nhởn nhơ
Lạ lùng con mắt người thơ
Hoa còn phong nhụy trăng vừa tròn gương…

Gần xem vẻ mặt thêm tươi
Mùi hương thoang thoảng thơm rơi ít nhiều
Làn thu lóng lánh đưa theo
Não người nhăn chút lông nheo cũng tình…

Người còn cợt gió đợi mây
Gót tiên khách đã trở giầy làm thinh
Ngóng theo đến Quảng văn đình [Cửa Nam]
Bóng trăng trông đã trên cành lướt qua…
(Bích Câu Kỳ Ngộ, bản dịch Ðinh Gia Trinh)

Nàng biến mất, trông lên chỉ còn thấy bóng dáng thấp thoáng trên cành cây. Thế là về nhà ốm tương tư, có phần sắp chết. Bạn chàng tội nghiệp, mách hay là tới đền Bạch Mã ở phố Hàng Buồm xin một quẻ bói xem sao. Quẻ nói: sáng mai ra đợi ở cây cầu gỗ ở phố Hàng Ðường thế nào cũng gặp. Gặp thật, nhưng không phải gặp người, mà chỉ gặp một kẻ bán tranh tố nữ, diện mạo người trong tranh nhìn đúng là tiên nữ đã gặp mấy ngày trước. Tú Uyên mang tranh về treo lên tường, ra cũng nhìn, vào cũng ngắm, ngày hai bữa khi ăn thì để thêm bát đũa mời người trong tranh ra ăn với mình. Nói mời là nhẹ, thực ra là cầu khẩn:

Nỗi nàng canh cánh nào quên
Vẫn còn quanh quẩn người tiên khéo là…
Có khi gẩy khúc đàn tranh
Nước non ngao ngán ra tình hoài nhân…

Có khi ngồi suốt năm canh
Mõ quyên điểm nguyệt chuông kình nện sương…

Có khi chuốc chén rượu đào
Tiệc mời chưa cạn ngọc giao đã đầy…
(Bích Câu Kỳ Ngộ, bản dịch Ðinh Gia Trinh)

Và nàng đã hiện ra. Ðó là những nét chính của Bích Câu Kỳ Ngộ, nàng thơ của thi sĩ Tú Uyên.

Năm 1957 nhà văn Vũ Khắc Khoan đã do cuốn cổ văn này mà viết thành truyện ngắn nổi tiếng

Người đẹp trong tranh. Theo thời gian, một số thi sĩ lớp sau cũng yêu người trong tranh, yêu

người trong sách cách này cách khác.

(Nguồn: Viên Linh)

 

 

 

 

©T.Vấn 2015

Bài Mới Nhất
Search