T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Lê Mai Lĩnh : TRẦN TRUNG ĐẠO NHÀ THƠ CỦA QUÊ HƯƠNG

 

clip_image001

Anh Trần Trung Đạo thân mến,

Cách nay vừa tròn 25 năm, khi đó đơn vị tôi đóng đồn tại Phan Thiết, nhân một kỳ nghỉ phép thường niên sau những ngày trận mạc, tôi về Sài Gòn, để thăm anh em, bạn bè trong giới văn nghệ và nhân tiện nhận tiền nhuận bút ở các tòa soạn.

Nơi tôi ghé đầu tiên là tòa soạn tuần báo Khởi Hành của Hội Văn Nghệ Sĩ Quân Đội. Ngay khi tôi vừa bước vào, trước mặt Viên Linh là 10 Nhà Văn Nữ đang nằm trên mặt bàn. Anh Viên Linh hỏi tôi, là bạn muốn ôm bà nào, ôm giùm tôi một bà. Viên Linh nói rõ hơn: «Tôi đang định làm một số báo Đặc Biệt Về 10 Nhà Văn Nữ, bạn viết giùm tôi một bà». Té ra là vậy.

Trước mặt tôi là Túy Hồng. Tập truyện ngắn Thở Dài của bà nằm gần tôi nhất. Thế là tôi ôm Túy Hồng. Thế là nửa đêm đầu hôm tôi làm việc bằng mắt với Thở Dài và nửa đêm về sáng, tôi làm việc với chiếc máy đánh chữ. Với nó, đứa con tinh thần đầu tiên của Túy Hồng.

Nhân đây, tôi cũng xin nói với anh về Đứa Con Đầu Tiên. Nó quan trọng vô cùng, nó ảnh hưởng vô cùng suốt cuộc đời cầm bút của người chọn văn chương làm trò chơi. Nó là tâm huyết. Là cái thực nhất. Bản ngã anh, nhân cách anh, văn phong anh, tương lai định hình đi lên từ đó… Nhưng nó cũng đi xuống, bế mạc cuộc đời, từ đó.

Sao không nghĩ như thế. Tất cả là tại anh, do anh, chính anh, chứ không phải tại ai khác, quyết định. Có thể đó là sự dễ dãi, tự mãn của chính anh. Hoặc giả, anh chịu khuất phục trước các thế lực ma quái, bệnh hoạn hay bị mua chuộc bằng tiền hay đàn bà (ôi đàn bà !). Khó khăn vô cùng, nhưng cũng vẻ vang vô cùng là cái nghề cầm bút dũng cảm và lương thiện, có lý tưởng.

Anh Trần Trung Đạo, tôi tin ở anh, khi có trong tay tập thơ đầu tiên (đứa con tinh thần đầu tiên) của anh: Đổi Cả Thiên Thu Tiếng Mẹ Cười.

Từ ngày ôm Túy Hồng, mãi tới 25 năm sau tôi mới được ôm anh. Túy Hồng tôi viết theo đơn đặt hàng của Viên Linh, tôi viết cho anh theo sự thôi thúc của trái tim tôi. Một trái tim đồng cảm với trái tim anh.

Liệu rồi 25 năm sau nữa, có người nào khác để cho tôi ôm không nhỉ ! Hay khi đó tôi đã ôm giun dế, dòi bọ, thằn lằn, rắn rít, mối mọt, cỏ cây, và hòa tan trong đất cát, bụi bậm. Hư vô. Hư vô. Amen. Thôi thì, đúng hẹn lại lên, vừa tròn 25 năm, giờ tôi ôm Trần Trung Đạo vậy.

MỘT

Những ngày đầu tiên đặt chân lên đất Mỹ, công việc thứ hai tôi làm (sau công việc thứ nhất là liên lạc với Hội USCC để lo hoàn tất những thủ tục giấy tờ cần thiết cho một khoảng đời tị nạn, cũng như nắm được trong tay cái Medicaid và Foodstamp là yên chí) là tìm mua, xin, mượn, chôm, chĩa những tờ báo, tạp chí tiếng Việt xuất bản tại hải ngoại. Tôi muốn tìm hiểu xem sinh hoạt, không khí của nó ra sao. Mặt mũi, tay chân nó ra làm sao. Đen, trắng, đỏ, vàng ra làm sao. Sáng sủa, lem luốc ra làm sao. Và tôi đã thất vọng. Gần 20 năm mất nước, lưu vong, nỗi đau ngút trời, thế mà bộ mặt báo chí chưa phải là bộ mặt chính của Văn Học, nhưng nó là bộ mặt nổi nhất, để qua đó người ta thẩm định một nền Văn học. Và tôi đã thất vọng. Cuộc đấu tranh giải phóng từ bên ngoài thúc đẩy, mà nhân dân trong nước mong đợi, không lóe lên một niềm tin nào. Quê hương đã nghìn trùng xa cách và trở nên mờ nhạt trong trí nhớ nhiều người. May thay, có một người, qua thơ của hắn ta, nhiều bài của hắn ta làm tôi lấy lại được niềm tin. Thì ra, có thể là ta chưa gặp được nhiều, có thể là do mắt ta quáng gà, chứ vẫn còn đó, quanh ta, những con người, những tấm lòng, nặng tình với quê hương, dân tộc, đồng bào. Tôi muốn nói tới nhà thơ Trần Trung Đạo.

HAI

Sau khi đọc những bài thơ tâm huyết của Trần Trung Đạo rải rác trên các thứ báo mà tôi có được, tôi nảy ra một ý định, là sẽ viết một bài cảm tưởng về thơ của Trần Trung Đạo, với tựa đề : Quê Hương Trong Thơ Trần Trung Đạo. Nhưng sau đó, khoảng 6 tháng từ ngày đến đây, tôi được gặp Đạo. Tôi được chiêm ngưỡng nhan sắc của chàng, nhan sắc của một thi sĩ (nghe chàng đọc thơ, nghe chàng hát, nhìn chàng đánh đàn , nhìn những bọt bia tan dần trên môi của chàng cùng với đôi mắt chàng xa vắng, dõi vào hư không, tôi thầm nghĩ trong bụng, đúng là một đứa tài hoa) nên tôi đổi tựa bài viết là Quê Hương Trong Trái Tim chứ không phải trong thơ Trần Trung Đạo. Vâng, Quê Hương Trong Trái Tim Trần Trung Đạo.

BA

Người gọi điện thoại cho tôi lúc một giờ sáng (vì biết tôi đi làm về lúc 12 giờ 30) là Trần Trung Đạo. Tôi hỏi lại là có phải nhà thơ Trần Trung Đạo hay không. Anh ta nói dạ phải. Tôi nói, xin chào nhà thơ của quê hương. Và tôi hỏi tiếp, vậy bây giờ ông ở đâu. Từ đó tôi biết chàng ở sát nách tiểu bang với tôi, khoảng cách hai giờ xe chạy, là Massachussettes. Tôi nói, Đạo ơi, tôi gọi anh là một con chó nhé. Đạo nói, anh muốn gọi con gì cũng được. Tôi nói Sê-Kốp nói đó, chứ không phải là tôi. Sê-Kốp, nhà văn bậc thầy của Nga về truyện ngắn. Sê-Kốp nói thế này: «Mỗi nhà văn (nhà thơ) là một con chó. Muốn được nổi tiếng, hắn phải tự tạo cho mình một tiếng sủa riêng. Tiếng sủa của nó phải khác lạ hơn, nổi bật hơn giữa một rừng âm thanh là tiếng chó sủa».

Con chó Đạo, tôi nói nằm trong ý nghĩ mà tôi đã «cuỗm» cái ý của Sê-Kốp.

BỐN

Những chữ vô nghĩa, những câu vô nghĩa dẫn tới những bài thơ phù phiếm. Những bài thơ phù phiếm, liệu cuộc đời có cần thiết những bài thơ phù phiếm. Câu trả lời chắc hẳn là không. Vì rằng, có nó hay không có nó, những bài thơ phù phiếm, thì cuộc đời vẫn vậy. Hoa vẫn nở, chim vẫn hót, người người vẫn yêu nhau.

Vậy thì, có nên để những bài thơ như thế tồn tại, có mặt, bên cạnh đời sống chúng ta hay không ? Câu trả lờ chắc chắn cũng là không. Vậy chúng ta hãy hủy diệt nó, hãy ám sát nó, hãy bóp cổ nó. Hãy đưa nó lên máy chém, ghế điện. Hãy cho nó vào phòng hơi ngạt. Hãy gì nũa nhỉ ! Mà dù, hãy gì gì đi nữa, thì chúng ta cũng phải đấu tranh, không cho nó có quyền tồn tại, bên cạnh đời sống chúng ta.

Những bài thơ phù phiếm, làm bẩn mắt mọi người, hôi thối cuộc đời, làm rềnh ràng sự sống. Chúng làm cản trở bước đi bước đi lên của những bài thơ tuyệt diệu, tuyệt vời, tuyệt tác, tuyệt đỉnh. Tuyệt, tuyệt và tuyệt. Những bài thơ phù phiếm. Hãy oán ghét nó. Hãy lạnh lùng với nó.

Hãy cúp, cúp, cúp. Hãy cúp hết nước uống, nước rửa, nước giặt… Hãy tới luôn bác tài, cúp cả xế con, xế cha, xế ông nội, tàu bò, tàu lặn, máy bay, phi thuyền. Ngay cả khí trời, khí đất, cũng không cho. Thế mà, nó cũng chưa chết hả, hỡi lũ phù phiếm. Thì hãy chặt tay, chặt chân. Không cho nó bò, không cho nó chạy, không cho nó đi, không cho nó đứng, không cho nó động đạy. Không cho nó. Không cho nó. Không cho nó.

Riêng thơ Trần Trung Đạo thì hãy cho nó sống. Không phải là tha cho nó như thái độ ban ơn, kẻ cả. Mà bổn phận chúng ta là phải làm cho gã sống. Thơ của gã, làm cho tiếng chim hót hay hơn, làm cho hoa nở rực rỡ và thơm hương ngây ngất hơn. Bởi vì gã, đích thực là một thi sĩ. Thi sĩ là một nhà tiên tri. Có người nói như thế. Nhưng rất nhiều người khác lại nói: Thi sĩ là một phát ngôn viên cho trái tim mọi người. Tôi là một trong rất nhiều người ở phần sau.

Gã là người thay mặt mọi người nói lên nỗi đau: Mất Quê Hương. Nhưng gã cũng thay mặt mọi người báo hiệu niềm tin ngày trở lại. Mùa xuân nào ta về.

NĂM

Người làm thơ, ngay cả có lúc họ tự nhận mình là thi sĩ. Tôi đã đọc một số thơ của họ, nhiều lúc tôi thấy khó chịu (hay tại tôi ngu) là ở chỗ, đọc câu hai, quên câu đầu, đọc ba câu, quên hai câu. Đọc xong cả bài, không hiểu họ muốn nói cái gì. Trớt hướt. Tôi thấy Đạo thoát được «tai nạn» này trong thơ anh. Tôi nghĩ kỹ, chợt có ý tưởng, là, mỗi bài thơ của Trần Trung Đạo là một truyện ngắn rút gọn, cả tập thơ của Đạo là một trường thiên tiểu thuyết rút gọn. Bạn đọc không tin tôi, hay cho rằng tôi nói hơi quá, xin hãy tìm đọc thơ của Đạo, anh sẽ thấy trong đó đầy đủ mọi bi kịch, thảm kịch Việt Nam trong một giai đoạn cùng cực đau thương, mà đến như cột đèn nếu biết đi, nó cũng chạy trốn.

Qua thơ của Đạo, anh sẽ thấy, một chàng trai chưa qua tuổi 40, mà đã có 20 năm mất quê hương. Anh sẽ thấy, một chàng thanh niên đang thời sung mãn nhất, giữa một xã hội vật chất chi phối toàn bộ đời sống, và sách báo, tranh ảnh khỏa thân và phim sex tùm lum tà la, thế mà chàng, vẫn ngày đêm trăn trở, xót xa, băn khoăn, thao thức về nỗi nhớ quê nhà và niềm đau dân tộc qua từng hơi thở của thi ca. Do vậy, nếu tôi nói, thơ Trần Trung Đạo là trái tim, buồng phổi, là máu là xương, là thịt, là mồ hôi, nước mắt, hơi thở của chàng, thì cũng không có gì lá quá đáng.

SÁU

Tôi nghĩ, biết đâu có người sẽ cho rằng, tôi đang bốc thơ của Trần Trung Đạo lên tận mây xanh, trong lúc thơ của Đạo chỉ mới là đà mặt đất. Không. Thơ của Đạo là thơ của mặt đất, của những con người và số phận có thật ở ngay chính trên mặt đất. Thơ Trần Trung Đạo gần gũi với chúng ta là vì thế.

BẢY

Viết về thơ Trần Trung Đạo, tại sao tôi không trích dẫn câu thơ nào, bài thơ nào của Đạo ra đây. Điều này tôi cố làm như vậy, một việc làm không giống ai. Bởi lẽ, trích ra, biết mấy cho vừa. Trích nhiều hay toàn bộ, thì điều này nên dành cho tương lai, 10 hay 20 năm sau, khi nước nhà được Tự Do, Dân Chủ, không còn Cộng sản, khi viết về dòng Văn Học Việt Nam Lưu Vong Hải Ngoại, thế nào mà chẳng có cô hay cậu sinh viên nào đó chọn thơ Trần Trung Đạo làm luận văn ra trường.

Một người yêu thơ Trần Trung Đạo là Đại úy Võ Văn Hanh, qua Mỹ, diện H.O đã kết luận về thơ của Đạo như sau, tôi xin mượn nó để kết thúc bài viết này: «Thơ Trần rung Đạo là thơ chung cho mọi người trước nỗi bất hạnh của quê hương trước sự cai trị bạo tàn của Cộng sản. Trước cảnh lâm nguy của đất nước và dân tộc, lúc nào cũng có hai hạng người. Người có tâm hồn yêu nước, thì ngày đêm nung nấu lửa căm hờn chờ ngày phục quốc. Còn người vô tình với nước thì làm ngơ, sống ích kỷ, chỉ lo cho lợi lộc bản thân. Thơ Trần Trung Đạo, nếu người yêu nước đọc thì nước mắt ướt bâu, lửa căm hờn cháy lên dữ dội. Còn những kẻ thờ ơ thì cúi đầu hổ thẹn. Nhà thơ Trần Trung Đạo là nhà thơ của dân tộc trong giai đoạn lịch sử này.»

Lê Mai Lĩnh

(Trích Tuyển Tập Lê Mai Lĩnh -2015)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2015

Bài Mới Nhất
Search