T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phan : Trúng số…

clip_image001

Ảnh ( Courtesy of http://journalstar.com )

Có lẽ ai cũng đã từng mua vài đồng vé số với lòng cầu may khi đối diện với những khó khăn tài chánh trong đời sống; người không khó khăn vì đang có việc làm ổn định thì cũng sẵn sàng đóng góp một, hai đồng với đồng nghiệp trong hãng khi nghe giải trúng đã lên tới vài trăm triệu đô la. Và tôi cũng là người có mặt trong nhóm từ hơn mười lăm người đồng nghiệp nhiều màu da, hùn tiền mua vé số mỗi tuần. Nhưng nay nhìn lại chỉ còn ba tay Việt nam với một bà Mỹ trắng sắp về hưu.

Với tôi, một vài đồng không phải là chuyện lớn đến có thể ảnh hưởng tới tài chánh gia đình. Nhưng một vài đồng tạo được tình thân trong đồng nghiệp để làm việc vui vẻ với nhau thì tiếc gì! Biết rằng việc ai nấy làm, lương ai nấy lãnh. Nhưng vui vẻ với đồng nghiệp trong lúc làm việc thì thời gian qua nhanh hơn, và công việc cũng đỡ nhàm chán được phần nào. Như có hôm bà Mỹ hỏi tôi, “nếu chúng ta trúng số vào một tuần nào đó, thì bạn làm gì với bạc triệu trong tay?”

Tôi trả lời bà bạn, “tôi thật sự chưa nghĩ tới chuyện sẽ làm gì khi tôi có bạc triệu trong tay. Thật tâm tôi nghĩ mỗi tuần tôi bỏ ra vài đồng để mua vé số với đồng nghiệp là tôi mua cái không khí làm việc chung sao cho vui vẻ như bà đang trò chuyện với tôi…”

Bà ấy nói, “tôi cũng nghĩ như ông. Nhưng cũng có lúc tôi nghĩ là trúng số. Việc đầu tiên là tôi về hưu. Vì chân tôi đã mổ mấy lần rồi, bây giờ đứng suốt tuần bảy ngày, là điều đòi hỏi ở tôi sự cố gắng rất lớn. Nhưng tôi còn phải lo cho đứa con nhỏ nhất của tôi đang học đại học. Hai năm nữa nó ra trường thì tôi cũng tính là hai năm nữa, tôi về hưu…”

Tôi nói, “đôi khi tôi cũng có suy nghĩ như bà. Nhưng tôi chỉ ước gì trúng số được chừng năm trăm ngàn là đã đủ cho tôi về hưu. Đơn giản là tôi làm mỗi năm được chừng năm chục ngàn. Tôi có kế hoạch đi làm mười năm nữa thì về hưu. Nếu trúng số năm trăm ngàn thì tôi mua mười năm thời gian không phải đi làm nữa. Thời gian ấy tôi dùng vào những việc làm tôi thích nhưng hiện tại còn phải đi làm nên chưa thực hiện được…”

Những trò chuyện ấy đích thực là cái giá tôi bỏ ra vài đồng một tuần để mua vé số. Còn hy vọng trúng số thì không phải không có, nhưng nhỏ tới không đáng kể bởi tôi cũng biết tỷ lệ giữa một hay vài người may mắn trên vài trăm triệu người mua vé số là một tỷ lệ rất nhỏ nhoi, không đáng để hy vọng. Và điều đặc biệt là một hôm tôi đọc bài viết của tác giả Huy Lâm. Anh ấy chỉ ra cho thấy việc từ từ rồi tiểu bang nào ở Mỹ cũng phát hành xổ số, vì nguồn thuế quá lớn góp vào ngân quỹ tiểu bang. Những hội đồng thành phố đành lờ đi chuyện người dân mua vé số cũng là một hình thức cờ bạc. Tác giả cũng phân tích cho thấy người càng nghèo càng thích mua vé số vì cầu may; và anh chỉ ra mức trung bình của một người nghèo mua vé số mỗi năm cũng vài trăm đô la. Nếu đừng hy vọng vào một chuyện gần như hão huyền là mình trúng số thì người nghèo kia đã để dành được mấy trăm bạc trong năm, số tiền đó có thể sửa được cái xe cũ mà đi làm, hay mua cái laptop cho con đi học…

Tôi hoàn toàn đồng ý với tác giả hơn là độc giả (là những người bạn tôi). Họ giống tôi hơn tôi giống tác giả là nghèo nên hay hy vọng! Những năm mới qua Mỹ, khi thấy chợ Việt nam đã bày bán bánh mứt, hoa mai giả… Tôi chỉ mong có đủ tiền mua vé máy bay là vọt về nhà bên Việt nam liền vì nhớ nhà trắng đêm không ngủ. Nhưng sáng mồng một tết cũng lầm lũi đi làm. Lại bị ông bạn bên xứ lạnh tình nồng trấn nước bằng thơ, “nhìn ra cửa sồ tuyết sương/ kéo cao cổ áo lên đường kiếm cơm…” Tôi thề với tôi trong cái xe tàng trên đường tới hãng. Nếu trúng số, tôi sẽ làm việc đầu tiên là bao nguyên chiếc AA, mấy trăm ghế cũng được. Chiều ba mươi tết hãy cất cánh bay về Việt nam. Và dĩ nhiên trên chuyến bay ấy không ai phải trả tiền vé vì tôi tin chắc họ là tôi trong hiện tại buồn muốn khóc đêm ba mươi mà sáng mồng một vẫn phải đi làm. Tôi mơ màng hạnh phúc tới xém đụng xe trong cảnh mấy trăm người nghèo từ ba mươi tết năm sanh tới ba mươi tết năm mất… vẫn nghèo. Họ đã nở được nụ cười chia sẻ.

Ngụy biện cho cố vô, thì cũng phải công nhận là tác giả Huy Lâm đã nhìn đời sống Mỹ bằng con mắt thực dụng của người Mỹ, là không hy vọng hão huyền.

Nhưng giải MegaBall mới đây lên tới gần bốn trăm triệu. Mỗi sáng vào hãng chỉ nghe nói chuyện hùn tiền mua vé số. Không riêng gì nhóm Việt nam mà những nhóm dân tộc khác cũng thế. Nhóm chúng tôi mua đến ba mươi hai đồng/ tức mười sáu người hùn. Ai cũng móc cái điện thoại ra chụp hình những tấm vé số trên bàn. Ông sếp Mỹ đi ngang – thấy, ông ấy cũng móc điện thoại ra để chụp hình những tấm vé số. Đám Việt nam che lại không cho chụp vì ông không hùn tiền mua thì đừng đòi chia chác. Ông ấy nói, “tôi giỡn thôi. Thật ra giá trị của cái điện thoại thông minh bây giờ là làm cho hãng xưởng đỡ tốn rất nhiều giấy mực vì trước đây các bạn thường chạy lên văn phòng để copy mấy tấm vé số này ra tới mười mấy bản cho mười mấy người…”

Tôi thật thấm thía với suy nghĩ của người Mỹ! Nó khác hẳn với suy nghĩ của người Việt. Nên cách chửi xỏ cũng tao nhã hơn, dù đau! Trong khi các bạn tôi vẫn hào hứng vẽ ra những chuyện hoang đường… khi mình trúng số!

Nay thì đã có người trúng rồi! Một người trúng số có đem hết tiền trúng thưởng cúng dường cũng không sạch được tội lỗi đã làm bao người thất vọng. Chỉ có thằng “lái may mắn” là những công ty xổ số, những chính quyền thành phố, hay tiểu bang phát hành xổ số là ngồi mát xơi bát vàng. Càng ngẫm nghĩ càng thấy Huy Lâm đúng. Nhưng tôi vẫn thích theo số đông… coi bộ vui hơn. Vì nghèo không phải là tội – thì ai bắt được người nghèo không có quyền hy vọng? Miễn là một vài đồng, chứ đừng đổi tấm check tiền lương cuối tuần lấy vài trăm vé số thì cả nhà thành homeless như chơi.

Điểm lại những người Việt trúng số ở hải ngoại thì khá nhiều. Nhưng lạ lùng là người Việt ở hải ngoại lại không mừng cho một đồng hương trúng số bằng người Việt trong nước mừng cho một Việt kiều may mắn. Cứ đọc báo trong nước thì rõ, cứ tin đưa về một người Việt ở hải ngoại trúng số độc đắc thì trong nước có tới mấy chục lời chúc mừng; hàng hà lời khuyên… và tràn trề hy vọng. Xin copy một chút tiêu đề của báo chí trong nước để làm bằng,

Những người Việt thành triệu phú nhờ xổ số Mỹ

Chỉ bỏ ra một số tiền nhỏ nhưng nhiều người gốc Việt ở Mỹ may mắn thu về vài chục đến cả trăm triệu USD nhờ trúng xổ số.

Tôi đặc biệt chú ý đến một ý kiến độc giả trong nước, “Sao bên Mỹ, mua vé số thì ít tiền mà trúng số thì quá nhiều tiền. Trong khi ở Việt nam, mua vé số rất tốn tiền mà trúng chẳng bao nhiêu?”

Chuyện này chắc, bắc thang lên hỏi ông trời?

Trở lại chuyện trúng số độc đắc của một người Việt mà tôi biết, là ông Nguyễn Văn Út, ở Dallas-Texas, cũng từng trúng đến 101 triệu đô la. Ông mua 5 vé xổ số Mega Millions vào năm 2004. Ông chọn lãnh tiền một lần và nhận được hơn 62 triệu sau thuế.

Thì thôi những thêu dệt về ông của dư luận cộng đồng không sao nhớ hết nổi. Tôi chỉ nhớ chuyện ông bạn già làm chung cho hay, “ngày xưa, thằng Út làm hãng mình. Tao với nó hùn tiền mua vé số mỗi tuần. Nhưng hãng có nhiều xưởng. Từ hồi tao về xưởng mới, nó ở lại xưởng cũ. Chỉ mấy tuần sau là nó trúng số một mình. Tao gọi chúc mừng thôi chứ xin xỏ gì đâu! Nhưng nó không bắt điện thoại nữa…”

Tôi chỉ nhìn ông bạn già, nghĩ thôi chứ đâu dám nói ra, “râu ông cũng bạc trắng rồi chứ nói gì tóc. Sao còn khờ vậy?”

Và cũng chuyện trong hãng, bà bạn Việt nam, đang chờ hãng “cõng” về nhà vì hãng đã yêu cầu bà về hưu mấy lần nhưng bà vẫn xài quyền thâm niên! Tôi nói cho bà nghe chuyện có người mới trúng số tới gần bốn trăm triệu đô la. Bà làm hết nổi sau khi kêu trời, “Trời ơi! Sao không cho tôi mười triệu thôi! Tôi làm hết nổi rồi nè…!”

Tôi đến giúp bà theo lệnh sếp vì “mom” quá chậm! Nhưng đưa một thằng đen đến giúp mom là mom chơi tiếng Mỹ không tự điển à nha! Sếp biết tôi nên điều tôi đến giúp mom là vậy! Nên trò chuyện. Nhưng mom buồn làm tôi buồn lây, hai người đồng hương quay đi ngấn lệ giống nhau dù mỗi người suy nghĩ khác nhau. Tôi chỉ cần trúng số năm trăm ngàn để mua thời gian mười năm không phải đi làm. Ở nhà viết văn cho đã rồi chết cũng cam tâm. Nhưng hỏi mượn Huy Lâm thì anh ấy đang cố gắng kiếm thêm ba ngàn cho đủ một triệu… là retire!

Chắc tại mom chưa bao giờ có mười ngàn trong bank (chứ nói gì tiền tươi, tiền mặt) nên mom nói như vía nói, mom có biết mười triệu là bao nhiêu đâu!

Người nghèo và hy vọng như kẻ đuổi bóng, khi người ngã xuống vì kiệt sức thì bóng tan biến. Khó trách người nghèo thường nuôi những hy vọng hão huyền vì đó là cứu cánh cho cái nghèo triền miên ám ảnh. Ai chẳng muốn đổi đời, nhưng vật đổi sao dời chứ đời… rất sến! “Khi tôi sinh ra tôi đã mang tiếng con nhà nghèo, qua bao nhiêu năm không đổi thay, lớn lên vẫn nghèo…”

Xin Huy Lâm thông cảm cho người nghèo để nói tiếp về người may mắn, xem sao?

Tôi có đọc tin tức về một người Mỹ trắng, làm chủ một xí nghiệp cưa xẻ gỗ bên Virginia. Ông đang điều hành xuởng gỗ của gia đình trị giá 17 triệu đô la. Thế mà ông lại trúng số độc đắc tới 117 triệu đô la nữa. Đúng là tiền nịnh nhà giàu chưa? Nhưng xưởng gỗ cha truyền con nối lại tàn lụi vì ông chủ không còn chí thú làm ăn mà ăn chơi trác táng sau khi trúng số. Con ông vô tù cũng vì trác táng ăn chơi; thậm tệ nhất là cháu ngoại của ông, cô bé mới 17 tuổi lại chết trên xa lộ lúc đang lái xe vì chơi xì ke quá liều…

Thêm một bằng chứng về những người chưa từng có nên không biết quản lý số tiền lớn – bỗng lọt vào tay. Xin trích:

Tình tiền tù tội…

Nghe biểu muốn câu khách, cứ … tình tiền tù tội mần tới. Nên câu chuyện của Marie Holmes, người mẹ độc thân có bốn con nhỏ cũng liên quan đến bốn chữ T này có lẽ cũng… hấp dẫn (tin đại vậy đi). Hồi tháng Ba, được “bà độ” sao mà Marie trúng ngay lô độc đắc Powerball 188 triệu, sau khi trừ thuế đem về số tiền tươi là 88 triệu. Trong ngày nhận tiền, Marie sụt sùi trước ông kính báo chí, truyền hình rằng sẽ dùng tiền này để… đi học đại học, lo cho con đi học và bỏ quỹ đại học cho các con, đóng góp từ thiện, cho nhà thờ, các tổ chức y tế tùm lum. Chưa biết đã cho ai chưa nhưng chỉ một tuần sau thì Marie đã đóng 3 triệu tiền thế chân cho bạn trai Lamar “Hot Sauce” McDow được tại ngoại về tội tái phạm buôn ma túy. Mới hồi tháng qua thì Marie đã phải bỏ thêm 6 triệu để đóng tiền thế chân cho “Hot Sauce” lại bị bắt vì quen đường cũ. Hổng biết cứ đóng tiền “bail” và lo luật sư cho người yêu kiểu này thì lô độc đắc này còn giữ được bao lâu?

Khó tin nhưng cũng khó cãi, “tiền là tiên là phật/ là sức bật của tuổi trẻ/ là sức khoẻ của tuổi già/ là cái đà danh vọng/ là cái lọng che thân/… tiền là cán cân công lý” Câu cộng sản nòi – khỏi cần tự điển. Nhưng nghĩ về những người trúng thưởng độc đắc vé số ở Mỹ, đã ai xài số tiền trời cho đó mà không bị người, (đời) đàm tiếu.

Trở lại với anh Út. Anh là người theo đạo Cao đài. Nên sau khi trúng số độc đắc, người công nhân Nguyễn Văn Út đã làm được điều ước mơ trong tâm một tín hữu Cao đài. Anh xây Thánh thất Cao đài ở Fortworth tới hai triệu đô la. Hôm khánh thành, ống kính một thằng nhà báo quèn tôi cứ ngất ngưỡng theo chiều cao và bề rộng của ngôi Thánh thất thật huy hoàng, tráng lệ. Lòng tôi vui mừng cho Đức tin được tự do trên xứ sở tạm dung. Nhưng tâm tôi bất an vì đã hội nhập! Tôi ước tính sơ sơ, để bảo trì cho toà building được xây dựng với giá trị hai triệu đô la thì công tác bảo trì sẽ làm khó Ban trị sự, bởi tín hữu không đông như những Giáo xứ Thiên Chúa Giáo hay Phật tử của các Chùa.

Cuối cùng cũng phải chịu câu, “kiếm tiền đã khó, nhưng xài tiền khó hơn!” Xài tiền như người đã từng giàu nhất thế giới là Bill Gate, ông ta từng đậu xe xa toà building tổ chức buổi gây quỹ từ thiện với giá 7 đô la; chứ không chịu đậu gần với giá 21 đô la. Nhưng lết bộ vào building thì cho từ thiện một triệu!

Hèn gì! Tôi hiểu ra thâm ý của người bạn trẻ đã đi mua vé số cho nhóm chúng tôi suốt 15 năm qua. Anh chỉ mua vé số nào trúng ít nhất… để có khả năng trúng cao nhất, vì mỗi chúng tôi chỉ cần mười năm retire sớm để làm những việc ước mơ nhưng không có thời gian trong đời sống cơm áo gạo tiền ép người không khoan nhượng!

Phan

 

 

 

 

©T.Vấn 2015

Bài Mới Nhất
Search