T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Lang Trương : KHÚC CA MÙA HẠ

ban ve so 1

 

 Em mời ta mua một tờ vé số
Đồng phục trắng, xanh còn in rõ tên trường.
Ánh mắt trong veo, chìa bàn tay bé nhỏ
Đôi má ửng hồng, lấm tấm giọt phong sương.

Trời miền Trung, nắng dài như đổ lửa
Gót chân non, bỏng rát thịt da người.
Trên môi em, vẫn nụ cười thơ trẻ
Em có mơ một mùa hè, đuổi bướm hái hoa.

Em nghỉ trưa ở đâu ? Góc phố hay hàng ba,
Ngày mấy bữa, no cơm hay đói cháo ?
Trên tay em, quay vòng từng con số
Có dãy số nào, cô giáo dạy em không ?

Em sẽ viết gì đây ? Trang nhật ký tuổi hồng
Có khuôn mặt quay đi, kèm tiếng ” Không” cộc lốc,
Và có cả những gợn buồn trong thoáng chốc,
Có nắng lửa ngập trời, khô rốc những hàng tre .

Ta ngồi quán cóc vỉa hè
Ly cà phê cũng nhờ bạn bè trả hộ.
Không đủ tiền mua giúp em tờ vé số
Mùa Hạ thật dài, dông bão chẳng ngừng rơi./.

Lang Trương

 

ĐỌC “KHÚC CA MÙA HẠ”

Châu Thạch

Tôi đã đọc hàng ngàn bài thơ về mùa hạ, nhưng thú thật “Khúc Ca Mùa Hạ” thơ Lang Trương đem đến cho tôi nhiều ngạc nhiên. Ngạc nhiên đầu tiên về khuynh hướng sáng tác mới của tác giả.  Tôi chỉ biết Lang Trương qua Facebook với những bài phú tuyệt vời, nó xen lẫn nụ cười tiếu lâm trong những kinh nghiệm rút ra từ lịch sử xa xưa và từ xã hội hiện tại, nhất là bài “Văn tế Đông Hải Long Vương” nói về biển đông được yêu thích gần đây. Đọc phú của Lang Trương ta vừa thích thú cười ha hả, vừa chiêm nghiệm lẽ sống sâu xa trong phong cách đối nhân xử thế ở đời. Ngạc nhiên thứ hai là lần nầy Lang Trương không viết phú mà làm thơ, bài thơ nói về khúc ca mùa hạ nhưng không nhắc gì đến chia tay sân trường, hoa phượng đỏ hay lưu bút ngày xanh như hàng vạn bài thơ mùa hạ khác, lại còn là một khúc ca mùa hạ “xúc động và hiện thực” như lời bình luận của bạn Ngọc Dũ Phạm trên facebook. Thật vậy, bài thơ tả thực, cái thực phủ phàng giữa một thời đại được ca tụng là vàng son trên báo, đài  làm cho người đọc dễ dàng xúc động. Bài thơ cũng vô cùng hiện thực, vì viết về một hiện tượng đau lòng xảy ra nhan nhản trước mắt mà không ai không thấy nhưng không mấy ai cảm thấy động lòng. Bài thơ nói về một học sinh bán vé số trong mùa hạ, thiết nghĩ không cần giải thích ý thơ nữa vì nó rất rõ ràng, dễ hiểu, chỉ xin nói về những tứ thơ của nó mà thôi.

Đọc cái đầu đề bài thơ là “Khúc ca mùa hạ” chắc ai cũng nghĩ đến màu sắc, đến âm thanh dịu dàng êm ái. Không ai ngờ cảnh hiện thực bày ra nghịch lý:

Em mời ta mua một tờ vé số
Đồng phục trắng, xanh còn in rõ tên trường.
Ánh mắt trong veo, chìa bàn tay bé nhỏ
Đôi má ửng hồng, lấm tấm giọt phong sương.

Đọc vế thơ nầy ta thấy đồng phục trắng, bảng tên xanh, ánh mắt trong veo và bàn tay bé nhỏ đối nghịch với  “Em mời ta mua vé số”, với “Đôi má ửng hồng, lấm tấm giọt phong sương”. Nhìn sự đối nghịch nầy, diễn ra trong lòng ta dấu hỏi: Mùa hạ là mùa vui chơi của học sinh, sao em học sinh nầy đi bán vé số? Rồi từ đó nẩy ra trong lòng ta biết bao nhiêu là suy tư tiếp diễn. Tác giả đã thành công ngay từ vế thơ đầu khi đưa ra một hình ảnh mùa hạ chưa từng có trong thơ văn  nói về mùa hạ. Tác giả lại thành công tiếp khi làm cho người đọc quên hẳn bài ca mùa hạ để đi theo cái gian khổ mùa hạ của em bé kia:

Trời miền Trung, nắng dài như đổ lửa
Gót chân non, bỏng rát thịt da người.
Trên môi em, vẫn nụ cười thơ trẻ
Em có mơ một mùa hè, đuổi bướm hái hoa.

Vế thơ nầy nổi bật nụ cười trẻ thơ vô tư của em bé, nổi bật giấc mơ đuổi bướm hái hoa của em bé. Từ đó hình ảnh miền trung đổ lửa, gót chân non bỏng rát thịt da đã tá khách vào nụ cười đó, giấc mơ đó, tạo thành hai vế đối song song dấy lên ý niệm phản kháng trong lòng người đọc. Cái nghịch lý của hiện  thực xã hội trong vế thơ đầu được lũy thừa lên qua vế thơ nầy, khiến cho sự xốn xang hay xót xa khơi dậy trong lòng  ta và sẽ thành ngọn lửa bùng cháy trong vế thơ thứ ba:

Em nghỉ trưa ở đâu ? Góc phố hay hàng ba,
Ngày mấy bữa, no cơm hay đói cháo ?
Trên tay em, quay vòng từng con số
Có dãy số nào, cô giáo dạy em không ?

Những câu hỏi liên tiếp, dồn dập như những tiếng kêu phản kháng, khuấy động trong lòng người sự cay đắng về một hiện tượng bất công, vô lý xảy ra giữa cuộc đời. Hai câu thơ “Em nghỉ trưa đâu? Góc phố hay hàng ba/ Ngày mấy bữa, no cơm hay đói cháo?” đã  làm ta buồn, cái buồn thấy con người thảm thiết, nhưng hai câu “Trên tay em quay vòng từng con số/ Có số nào, cô giáo dạy em không” làm cho ta phẫn nộ, phẫn nộ cho số phận hẩm hiu của những em bé đáng ra phải được hưởng nhiều phúc lợi trong thế kỷ mà văn minh con người đã đạt đến đỉnh cao.

Qua vế thứ tư, tác giả kéo ta vào sự bi thương. Tiếng thơ bây giờ than van và kể lể:

Em sẽ viết gì đây ? Trang nhật ký tuổi hồng
Có khuôn mặt quay đi, kèm tiếng ” Không” cộc lốc,
Và có cả những gợn buồn trong thoáng chốc,
Có nắng lửa ngập trời, khô rốc những hàng tre .

Vế thơ trình bày một hoạt cảnh qua nhiều phông đoạn để nêu lên nỗi thiệt thòi của em bé và chỉ trích sự vô cảm của con người. Nhìn hoạt cảnh nầy lòng ta se thắt, nỗi đau như chất chứa đầy. Chữ “Không” trong câu thơ thứ nhì như một cú đấm vào lòng người, và câu “Có nắng lửa ngập trời, khô rốc những hàng tre” thể hiện sự khô héo của những mãnh đời bất hạnh. Câu thơ nầy nói về mùa hạ nhưng thật ra nó diễn tả cuộc đời em học sinh bán vé số kia.

Và cuối cùng tác giả nói về mình. “Mình” của tác giả cũng chỉ là một cây tre héo trong những hàng tre “khô rốc” kia mà thôi:

Ta ngồi quán cóc vỉa hè
Ly cà phê cũng nhờ bạn bè trả hộ.
Không đủ tiền mua giúp em tờ vé số
Mùa Hạ thật dài, dông bão chẳng ngừng rơi./.

Mùa hạ chỉ có ba tháng nhưng tác giả lại nói “Mùa hạ thật dài”. Mùa hạ thì trời nắng nóng nhưng tác giả lại nói “dông bão chẳng ngừng rơi”. Đây là cái tâm trạng “Nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại”. Mùa hạ dài và mưa gió chính là cái tâm lý cảm nhận cuộc đời  của bao em bé bán báo kia và của chính ngay tác giả, khi “Ly cà phê cũng nhờ bạn bè trả hộ”. Câu thơ cho biết họ nhận thấy đời mình khô rốc, không có niềm vui và cứ đi hoài dưới dông bão của cuộc mưu sinh . Vế thơ đưa tác giả vào cuộc, làm một nhân vật không hơn gì em bé để gỉai thích sự đồng cảm của chính mình với nỗi bất hạnh kia, cũng như báo động cùng xã hội còn rất nhiều mảnh đời như thế, không chỉ ở giới trẻ mà ở người già như tác giả cũng có dẫy đầy.

“Khúc ca mùa hạ” cho người đọc nhiều cảm xúc, gián tiếp phản kháng những phi lý còn xảy ra trong cuộc sống, bắt con người phải suy nghĩ đến quyền trẻ em và trách nhiệm xã hội. “Khúc Ca Mùa Hạ” cáo trách lòng người bằng hình ảnh hiện thực, sống động và đặc biệt bài thơ thể hiện một tấm lòng vị tha nhân, một tâm hồn nhạy bén dễ cảm xúc. Cảm xúc ấy đã biến thành thơ hay, thật là hay  ./.

Châu Thạch  

 

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2016

 

Bài Mới Nhất
Search