T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không : Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 1)

clip_image002

 

 

Văn hóa ẩm thực: Thịt kho tàu

Thịt kho tàu không phải là món ăn của người…Tầu.

Đúng ra là “tàu”. Tàu đây hiểu theo người Nam ở miệt dưới như sông Cái Tàu Thượng, sông Cái Tàu Hạ.

Tàu nghĩa là…“lạt”.

Và kho tàu là kho lạt lạt chứ không phải là kho mặn.

Tàu chứ không phải là…Tầu hay kho theo Tầu. Vì bên Tầu lạnh nên không có dừa để có nước dừa tươi chêm vào nồi thịt kho tàu.

(Bình Nguyên Lộc)

 

Nguồn gốc địa danh Sài Gòn
Ðã có nhiều thuyết về nguồn gốc địa danh Sài Gòn. Theo Bình Nguyên Lộc, tất cả những thuyết ấy đều có chỗ không ổn.
Theo ông: Sài Gòn là từ Sài Gòong, mà Sài Gòong là tên của một vùng ở tỉnh Quảng Ðông bên Tầu. Ðất Sài Gòn vốn là Gia Ðịnh kinh. Khi Gia Ðịnh kinh bị Pháp chiếm, người Việt bỏ đi nhiều, người Tầu từ Ðề Ngạn (Chợ Lớn) ùa ra ở, đặt lại tên thành phố là Sài Gòng để tưởng nhớ quê hương bên Tầu của họ.
Liệu đây có phải sự thực về cái tên đất này chưa? Sai hay đúng thì cái tên Sài Gòn đã đi vào…cổ sử từ lâu.

(Thu Tứ – Gocnhin.net)

 

Nhất tướng công thành vạn cốt khô

Nhiều người hiểu “công thành” ở đây là “tấn công” một cái thành để hiểu sai thành ngữ trên là “một ông tướng mà tấn công thành thì tốn vạn xương cốt”.

Thực ra “công thành” ở đây là “thành công”. Vì vậy câu trên nên hiểu là “một ông tướng thành công thì hàng vạn quân lính phải vong thân, xương cốt chết thành đống”.

Người Việt và người Tầu dùng chữ khác nhau: Như “khứ hồi” là “hồi khứ”, “tiền sử” thay vì “sử tiền”. Ngày nay, người trong nước theo chân người Tầu đảo ngược lại với đơn giản là giản đơn, bảo đảm là đảm bảo, dãi dầu là dầu dãi, vùi dập là dập vùi..v.v.. Nói khác đi người trong nước đang nói tiếng…Tầu mà họ không hay.

(Duy Lý – báo Tự Do)

 

Tứ thời bát tiết

Trong câu đối ngày Tết của cụ Nguyễn Khuyến viết cho anh hàng thịt hàng xóm góa vợ:

Tứ thời bát tiết canh chung thủy

Ngạn liễu gò bồ dục điểm trang

“Tứ thời” theo âm lịch có bốn mùa. Mỗi mùa ba tháng. Năm chia làm 24 tiết. Môt tháng có hai tiết (giữa tháng và đầu tháng).

“Bát tiết” tức tám tiết trong một năm: Xuân phân, thu phân, hạ chí, đông chí và lập xuân, lập hạ, lập thu, và lập đông.

(Khuyết danh)

 

Thơ Bàng Bá Lân và ca dao…

Hỡi cô tát nước bên đàng

Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi

Hai câu thơ trên là của Bàng Bá Lân, hay ca dao nhập vào hồn thơ thi sĩ? Vẫn còn là nghi vấn trong xóm làng văn chương?

 

Những dị biệt trong Truyện Kiều

Truyện Kiều có 7 ấn bản khác nhau…Theo Hoàng Xuân Hãn phải biết tiếng Nôm, nhiều khi gặp tiếng địa phương lại khác nữa, như:

Dưới cầu nước chẩy trong veo

Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha

Thướt tha trong nguyên bản là “tha ra” có ý là bóng chiều không rơi thẳng mà rơi xiên.

(Thụy Khuê – Nguyễn Đình Toàn)

 

Lính thú đời xưa

Ba năm trấn thủ lưu đồn

Những giang cùng nứa lấy ai bạn cùng

“Giang” là một loại tre thân dẻo, đốt dài, được để làm lạt buộc (lạt giang). Xưa kia tổ tiên ta xưa dùng tre này để làm ra lửa, bằng cách lấy hai cật dang khô cọ vào nhau.

Từ giang có dang nắng (phơi nắng) và tiếp là rang, có gạo rang, bắp rang, cơm rang.

(Nguyễn Xuân Quang – đặc san Cường Để)

 

Chữ nghĩa trong câu đối

Câu đối chữ Nho gọi là doanh thiếp hoặc doanh liên. Doanhcột trước cửa nhà, thiếp (ngày xưa khắc lên đá được gọi là thiếp) là tấm lụa hay mảnh giấy có viết chữliênđối nhau. Tức những câu văn đi đôi với nhau thế nào cho ý, chữ và luật bằng trắc cân xứng với nhau. Trong bài thơ Qua Đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan là minh chứng về sự chuẩn mực trong phép đối:

Nhớ nước đau lòng con quốc quốc

Thương nhà mỏi miệng cái gia gia

(Nguyễn Kiến Thiết – báo Thời Báo)

 

Cà cáy, cà kê dê ngỗng

Phải nướng “con cáy”

Để mà cúng tội

Câu ca dao trên, theo ông Thái Văn Kiểm vùng Bình-Trị-Thiên thường nói gà gáy là: ”cà cáy”. Câu quen nói “cà kê dê ngỗng” đúng ra là “cà kê nghê ngỗng”. Vì “nghê” là một loài ngan, vịt.

(Lê Văn Lân – Do đâu có chuyện “cà kê”)

 

Chữ nghĩa từ Nam ra Bắc

Một giáo sư khoa Văn đại học Tổng Hợp, Hà Nội, đồng thời là nhà phê bình văn học nhận xét:

Có một điều nghịch lý là gần đây, hàng loạt từ địa phương ở miền Nam tràn ra miền Bắc, dần dần lấn lướt, thậm chí thay thế những từ đã chuẩn hoá từ nhiều đời. Lợn lành chữa thành lợn què, đang trương biển Công ty gạch hoa, lại sửa thành Công ty gạch bông, đang thiếp mời lại sửa thành thiệp mời, đang kem cốc lại sửa thành kem ly. Trên thực đơn các cửa hàng ăn, các chữ rang và rán biến mất, nhất loạt thay thế bằng chữ chiên: cơm chiên thay vì cơm rang; cá chiên, đậu chiên thay vì cá rán, đậu rán…

Từ điển với tiếng Việt

Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê, được Phạm Văn Đồng khen ngợi là: “Chuẩn hóa tiếng Việt và giữ gìn trong sáng cho tiếng Viêt”. Hoàng Ngọc Hiến, một nhà phê bình văn học miền Bắc phê bình: “Ông Phạm Văn Đồng nói câu ấy là…thiếu văn hóa”.

Vì khi giảng giải những từ của miền Nam “mền” (chăn), “mùng” (màn). Nhà soạn từ điển thuộc Viện Ngôn Ngữ Học đã ghi chú là thổ ngữ. Vậy chứ nếu có từ điển nào khác ghi chú “vừng, lạc” là…thổ ngữ thì độc giả miền Bắc sẽ nghĩ sao?

(Đặng Trần Huân – Chữ nghĩa bề bề)

 

Nam nữ thọ thọ bất thân…

Với câu trên có người luận ra “thọ” là “sống lâu”, là “muôn đời”. “Nam nữ thọ thọ bất thân” hiểu nghĩa trai gái muôn đời không được thân với nhau.

Nhưng viết đúng ra là “Nam nữ thụ thụ bất thân”. Riêng phần viết chữ Hán hai chữ “thụ thụ” rất rõ nghĩa vì hai chữ này viết khác nhau: Chữ “thụ” trước là đưa. Chữ “thụ” sau là nhận.

Như vậy “thụ thụ” là đưa và nhận.

Nghĩa đen khi trai gái khi đưa và nhận (đồ vật) không được đụng chạm người vào nhau. Nghĩa bóng là lúc giao tế, trai gái không được quá thân mật ngoài vòng lễ giáo.

(Duy Lý – báo Tự Do)

 

Nguồn gốc tiếng Việt


Thái Văn Kiểm cũng có cùng quan điểm lập luận như Lê Ngọc Trụ và cho rằng, dân Bách Việt phát xuất từ miền nam Trung Hoa và giống dân Lạc Việt sinh sống lâu đời tại đồng bằng miền hoàn toàn không cùng chủng tộc. Sau nhiều cuộc xung đột, hai giống tộc này đã chịu hòa đồng chung sống với nhau như một đại tộc.

Về sau, người Mường, cũng là sắc dân Lạc, đã chạy vào ẩn núp trong núi rừng, cao nguyên, để tránh sự xâm lăng đô hộ của người Tàu. Nhờ đó, họ vẫn giữ nguyên được ngôn ngữ, phong tục tập quán trước thời kỳ Bắc thuộc. Do đó các nhà nhân chủng học cho rằng: ” người Mường là Tiền-Việt” (proto Vietnamiens), vì trong ngôn ngữ, tục lệ có nhiều điểm tương đồng với người Lạc. Ông có tìm được bản văn Mường-Việt nói về sự tích của sông Pờ (sông Bờ, tức sông Hồng ngày nay) trong quyển Cours de Langue Annamite của A. Cheon, xuất bản tại Hà Nội năm 1899-1901.

Nguyên văn:
“Khây khước măng pâu pô. Khi trước nghe người ta nói rằng cỏ mống ông, thên hốp là rằng có một ông tên gọi là ông Tùng, mà cở hai bợ chồng; ông Ðồng, mà cở hai bợ chồng nã rú ra tế nã lấp cải nó rủ nhau để nó lập cái ksông Pơ. Nã tan lẽ ksông sông Bờ. Nó toan lấy sông Pờ pao tất Thạch Bi. Bơ nã Bờ vào đất Thạch Bi. Vợ nó mê, ti lê ksú tê, nã lấp mới đi lấy đá, để nó lấp ksông. Lòng klởi skinh tha sông. Lòng trời sinh ra mốch ông hốp là ông Sách; một ông gọi là ông Sắt; me thuỗng mê thếch pât bởi mói xuống mới thách vật với ông Tùng. Nã me pao lò, nã ông Ðồng. Nó mới vào lò; nó tỏ ming nã pât ông Tùng đỏ mình nó mới vật ông Ðồng. Ông Tùng mê chẩi hết mìng, ông Ðồng mới cháy hết mình, mê chết. Cho đên cải ksông mới chết. Cho đến cái sông dỉ chăng lấp ản, mê dênh cải cấy chẳng lấp được, mới nên cái Thác pờ dỉ. Thác bờ ấy.”
Ðọc đoạn văn trên, ta thấy tiếng Việt được chuyển dịch xen kẽ lẫn vào bản văn tiếng Mường, rất tối nghĩa. Nên phải tách ra hai bản Mường và Việt rõ ràng để dễ đọc và so sánh:
Bản văn tiếng Mường:
“Khây khước măng pâu pô, cỏ mống ông thên hốp ông Ðồng, mà cở hai bợ chồng nã rú ra tế nã lấp cải ksông Pơ. Nã tan lẽ ksông Pờ pao tất Thạch Bi. Bơ nã mê, ti lê ksú tê nã lấp ksông. Lòng klởi skinh tha mốch ông hốp là ông Sách me thuỗng mê thếch pât bởi ông Ðồng. Nã me pao lò, nã tỏ ming nã pât ông Ðồng. Ông Ðồng mê chẩi hết mìng, mê chết. Cho đên cải ksông dỉ chăng lấp ản, mê dênh cải cấy cái Thác pờ dỉ.”
Bản văn dịch sang tiếng Việt:
“Khi trước nghe người ta nói rằng, có một ông tên gọi là ông Tùng, mà cả hai vợ chồng nó rủ nhau để nó lấp cái sông Bờ. Nó toan lấy sông Bờ vào đất Thạch Bi. Vợ nó mới đi lấy đá, để nó lấp sông. Lòng trời sinh ra một ông gọi là ông Sắt mới xuống mới thách vật với ông Tùng. Nó mới vào lò, nó đỏ mình nó vật ông Tùng. Ông Tùng mới cháy hết mình, mới chết. Cho nên cái sông ấy chẳng lấp được, mới nên cái Thác bờ ấy.”
(Tĩnh Túc – thanh.nguyen@student.uni-ulm.de )

 

©T.Vấn 2011

Bài Mới Nhất
Search