T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phan: Tháng ba lại về…

20110319FullertonCA_13

Ảnh -Lưu Na

Đúng là lúc lọt lòng mẹ người ta không có mảnh vải che thân. Ở bệnh viện Mỹ, tôi đã thấy y tá chẳng tắm rửa gì cho trẻ sơ sinh như bên Việt Nam. Quê tôi lại còn vẽ ra nhiều chuyện như tắm cho trẻ vừa lọt lòng bằng bia để sau này da của cháu bé được trắng, đẹp, mịn… thật là khoa học huyền bí! Cô y tá Mỹ chỉ lau mình cho cháu bé bằng một loại giấy mềm. Mà Mỹ xài giấy thì khỏi nói, hoang phí vô kể. Sau đó, cô y tá mặc cho cháu bé một cái áo như đồ chơi của bé gái. Cái áo bằng giấy, trắng xanh, có hoa văn nhạt rất dịu mắt. Cái áo mà mười tám năm sau, người mẹ ngồi soạn quần áo cho con đi đại học, mẹ đưa cho con xem và bảo rằng, “đây là cái áo đầu tiên con mặc”. Người thanh niên trợn mắt nhìn không tin với câu hỏi, “Mẹ nói thật hả?” Sau đó, anh ta xòe bàn tay đặt lên cái áo, cái áo chỉ như cái găng tay của bàn tay đã trưởng thành.

Tôi ước gì mình được nhìn thấy cái áo đầu tiên mình đã mặc, nhưng điều đó đã không thể. Nghe nói thời tôi ra đời thì các bà mẹ quấn tã may bằng vải cho con, miếng vải hình tam giác, quấn quanh em bé cho ấm và khi em bé làm xấu thì dễ dàng thay để đem giặt chứ không vứt luôn như tã bên Mỹ. Phần áo của em bé thì không biết mẹ tôi đã mặc cho tôi loại áo gì?

Tôi nghĩ đến những cái áo đã mặc, có cái còn nhớ, có cái không; tôi nghĩ đến cái áo cuối cùng mình sẽ mặc. Điều này có thể biết mà cũng có thể không trong thời đại ôm bom. Tôi nghĩ đến cái áo đang mặc, cho gần. Trong sự thẳng thớm của cái áo thay đổi mỗi ngày có sự vô tình của người mặc về công sức của người may sắm, giặt ủi. Nhưng có một hôm, tôi lại nghĩ đến cái áo trong tuồng cải lương “Con gái chị Hằng” của soạn giả Hà Triều Hoa Phượng, tôi ngồi nhớ về một xóm nhỏ ven sông, nơi không thích nghe cải lương thì giai điệu buồn ngủ ấy cũng vẫn lọt vào tai vì chả nhà nào đóng cửa sổ khi ngủ trưa. Trong tuồng cải lương đó có câu: “áo này một tay má sắm má may. Má đã đi rồi, áo vẫn còn đây…” Lúc nhỏ nghe như không nghe, nhưng tháng ba mẹ mất bên quê nhà xa lơ, lời cải lương xưa sao mà thấm thía. Âm thanh bật ra trong đầu dù đã bao năm không nghe và không hề nhớ đến. Tôi ngồi lại bên đường xanh ngát hoa bluebonnet, là một loài hoa biểu tượng của Texas vào một chiều tháng ba, sau cú điện thoại rã rời tâm khảm. Nhìn lại trên người mình không phải là cái áo do má sắm má may. Nhưng má đã may sắm bao nhiêu là áo cho thân này. Có cái áo làm cho mình hãnh diện hơn cả mùa xuân đến; có cái áo làm mình hãnh diện đến trong mơ… Những cái áo của tuổi thơ chỉ ngang bằng sự hãnh diện cho đến một hôm người ta nghĩ về người ban phát sự hãnh diện cho mình, nghĩ về mẹ và những chắt chiu mưa nắng nhọc nhằn để cho con niềm vui tuổi nhỏ thì mẹ đã đi rồi, những manh áo tuổi thơ cũng không còn nữa. Chiều tháng ba chơi vơi bên đường cô lý, vạt bluebonnet xanh rì, bát ngát, như lòng mẹ bao la, nắng tà côi cút… tháng ba lại về.

Chiều tháng ba bên đường xanh rì những vạt bluebonnet, tiếng hót chim sâu mừng mùa xuân trở lại sau tiết giá đông. Lòng tôi lại nhớ đến những cái áo, những năm đã lớn như người thanh niên trong nhà, cậu ta sinh ra ở Mỹ nên thỉnh thoảng lại bị mẹ rầy là áo nào con không mặc nữa thì bỏ vô cái bao, cái túi này, để mẹ đem ra cho Goodwill. Những năm tôi đi học nơi quê nhà không có nhiều áo đến độ phải đem ra Goodwill, thậm chí ao ước có được một cái áo của Goodwill bên Mỹ gởi về đã đủ sung sướng. Nhưng cũng chỉ là mơ thôi trong hoàn cảnh tôi với người anh kế chỉ có chung một cái áo trắng. Từ hôm nhà trường bắt mặc đồng phục thì anh tôi tan học buổi sáng phải mau về nhà, không được đi chơi la cà vì thằng em đợi anh về mới có áo trắng mặc đi học. Lắm hôm anh hư, bị cô giáo bắt chép phạt hay quét lớp sau giờ học thì thằng em đứng ngoài cổng trường, không được vô vì mặc áo màu. Anh em tôi thay áo giữa thanh thiên bạch nhật, đứng dưới trời đổ nát ở một vùng quê hương xa xôi… Nay ở một vùng quê hương dạt trôi, chàng trai nước Việt xách một túi quần áo thật lớn ra cho Goodwill. Không biết thượng đế nghĩ gì khi ở xứ nghèo hay nước giàu, người ta cùng đọc một lời kinh: Xin Ơn trên ban cho lương thực hằng ngày và tiện nghi high-tech…

Rồi chàng trai nước Việt ở Mỹ đi vào đại học với cái thẻ nhựa, khi đói thì vào nhà hàng cà thẻ; đi chơi vui, giải trí với bạn bè… cà thẻ; đi đâu không tiện nói… cà thẻ. Cậu không biết hoá đơn trả thẻ tín dụng hằng tháng gởi về nhà cho mẹ là bao nhiêu? Nhưng tôi biết mẹ tôi bằng cách nào đã cho con của bà được manh áo mới, chén cơm không độn… Tôi nhớ mẹ nói người bạn hàng bán vải cắt cho tôi miếng vải, nhưng phải chờ lâu lắm mẹ mới đưa cho thím thợ may. Còn không mau về nhà dọn dẹp nhà cửa, chùi lư ăn tết bóng loáng, tối tới không đi chơi mà chong đèn ngồi học bài… cái áo mới trong gia đình đông con như nỗi ám ảnh không bao giờ phai lợt về một thời như thế ở quê tôi. Khác với bây giờ thỉnh thoảng lại thấy mẹ cậu trẻ na về nhà những cái áo mới toanh, mẹ ngắm nhìn tâm đắc với giá rẻ không ngờ! Thầm lặng xách vào phòng đứa con đã vắng nhà, treo vào tủ áo của con cho tới hôm con về thì dẫu cậu không thích hay đang mệt nhoài cũng phải mặc thử ngay cho mẹ xem! Cậu làm tôi nhớ lại những năm còn đi học, nhưng mẹ tôi không còn dãi nắng dầm mưa để mua cho tôi những tấm áo hãnh diện một thời; anh tôi không còn phải mau về nhà sau buổi học sáng cho đứa em có áo đi học buổi chiều… Dĩ nhiên là tôi không thể ở trần đi học được, vậy áo ở đâu có để mặc? Những chiếc áo có từ sự dành dụm chắt chiu của túi tiền học trò, rồi một tay em sắm em may. Sự dè sẻn trời dành cho phái nữ để những thằng giặc trong đó có tôi khi bị hỏi thì không bao giờ biết cái áo của mình… ai đang mặc? Bởi có khi thức dậy, anh bạn Y khoa nói hôm nay phải thuyết trình nên anh mượn cái áo coi được một chút cho bớt nhếch nhác trên giảng đường. Hôm thì ông giáo sư nhạc sĩ mượn cái áo tử tế vì hôm nay thầy phải tiếp phái đoàn Hà Nội vào “giao lưu văn hóa”. Rồi mai chàng Bách khoa, mốt anh Kinh tế hẹn được bạn gái nên xí cái áo bảnh nhất của mấy anh em ở chung phòng trọ từ chiều tối hôm trước, anh đem đi giặt qua loa, phơi gió chung cư cho bay mùi áo mượn. Nhưng sáng ra chỉ còn cái móc áo!

Cậu trẻ bị mẹ hỏi, cái áo lạnh đâu rồi? Sao không đem về cho mẹ bỏ tiệm giặt, để cái áo mốc hết… Cậu ấm ớ – chắc là… Làm tôi nhớ cái áo thuộc loại áo em chưa mặc một lần là hôm đó, sau buổi chiều cuối tuần lang thang trên phố, xem phim, ăn quà vặt khiêm tốn vì còn phải chừa tiền mua áo cho tôi. Cái áo si-đa xanh nhạt, có cầu vai và nút dập máy thật là oách. Nhưng đêm đó trong căn phòng trọ ở chung cư Nguyễn Thiện Thuật, mấy mái đầu thức trắng đêm thâu để đưa tiễn một người bạn lên đường. Đêm huy tưởng của anh bạn đang học bên Cao đẳng Mỹ thuật, anh chàng nghệ sĩ thứ thiệt vì chuyên mặc đồ rách do anh em chia cho. Tôi thương anh ta lắm nên nói với anh, “Ê, mày tới được thì gởi trả về cho tụi tao cái áo này. Nhưng nếu mày có chết ngoài biển thì cũng chết cho lành lặn một tí”. Tôi đưa ra cái áo một tay em sắm em may… bạn bè trầm trồ, cả ông thầy ở ké học trò cũng khen ngợi cái áo đẹp quá! Áo em chưa mặc một lần, cái áo cũ người mới ta đã an ủi được vong linh một người bạn rách được chết trong tấm áo lành lặn ngoài biển Đông. Không biết cậu trẻ nhà tôi đã cho bạn cái áo lạnh hay bỏ quên trong rạp hát?

Lỗi lầm thường khởi nguồn từ vô tình, nhưng phải tới vô phương người ta mới nhận ra.

Chiều tháng ba ngồi trên cao ốc với ly vơi một mình, nhìn xuống những vạt bluebonnet dưới xa lộ 30 cắt qua trung tâm thành phố Dallas; nhớ nhà, nhớ ơn, nhớ về những cái áo thời đi học, thuở tình người chia cơm xẻ áo, người bạn gái thay người mẹ già đã bước vào đời mình tự bao giờ. Nếu thượng đế có nghe lời nguyện cầu thì mỗi người đã có một tấm áo, không có chuyện anh em, bạn bè phải mặc chung manh áo, trong khi kẻ ác đứng trước tủ áo hàng giờ vẫn chưa chọn lựa xong. Có thể thượng đế không nghe nhưng thấy, biết nên ngài đã ban phát cho đời sự chia sẻ, tình yêu và hy vọng. Vì những đồng tiền chạy tắc xi cho cánh thuốc tây lậu, pháo lậu, thời đi học ở Sài gòn đều đã nướng hết vào quán bia, phòng trà. Những đồng tiền đi chụp ảnh chui ngoài công viên, khu du lịch cũng đủ mua cái áo ấm thân thời ấy, nhưng ấm lòng là ơn em trong những tháng năm tối tăm khi đời còn quá trẻ.

Nói về cái áo, còn có cái áo càm ràm hôm tôi nghe, sao cứ mặc hoài cái áo lạnh bạc thếch, vậy con? Hình như tôi thấy lại mình của nhiều năm trước, mặc ngày mặc đêm cái áo không tên hiệu, nhưng không cho ai mượn vì lý do riêng! Người mẹ nào chả cằn nhằn những món quà mà con trai bà đã nhận từ bạn gái vì ai hiểu kẻ cướp con trai người khác hơn bà. Đó là thời thay người sắm áo trong đời người; thời kỳ người mẹ linh cảm được hiện tượng mất con sắp diễn ra mà quên phéng đi chuyện mình đã già. Không thể lo mãi được cho những người không hề biết tự lo cho ấm thân. Chỉ đến bỗng một hôm nào, người thanh niên không còn trẻ nữa, ngồi nhớ lại những cái áo một tay má sắm má may; ngồi nhớ nhiều đến những cái áo kỷ niệm của thời đi học thì má đã đi rồi; em đang phương nào, thở lời cảm ơn thì thầm như vạt nắng muộn về tạ tội với cánh đồng bluebonnet mênh mông…

…như con đang gởi gió lời cảm ơn những chiếc áo một thời hãnh diện, những chiếc áo một tay má sắm má may; như anh đang gởi gió lời cảm ơn những chiếc áo một thời chắt chiu kỷ niệm, giờ em đang phương nào. Chiều tháng ba đi qua thành phố, đi qua đời người chưa từng biết mua sắm hay giặt ủi quần áo vì mẹ và em không thích đàn ông làm chuyện lặt vặt nhưng tỉ mỉ của đàn bà. Nhưng ai không nói tôi nghe quần áo không tự có, không tự sạch sẽ, thẳng thớm… quần áo không biết tự động nhảy vô máy giặt, nhảy ra, nhảy vào ngay ngắn trong tủ áo… để lời cảm ơn muộn màng gởi gió cho mây ngàn bay trong thời đại dồn hết vô túi vải rồi ghé ngang tiệm giặt. Sau đó đi uống ly vơi ly đầy đến chiều muộn trở về là có áo thơm tho. Chỉ có điều đổi tiệm giặt đắt tiền bao nhiêu thì áo vẫn không ấm bởi thiếu một bàn tay. Khi người ta hiểu ra cái áo ấm thân có thể mua được nhưng cái áo ấm lòng thì không thể thiếu bàn tay của mẹ và em thì màu xanh dịu thảo của vạt bluebonnet đã tan vào sao băng…

Phan

 

 

 

 

©T.Vấn 2016

Bài Mới Nhất
Search