T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

ngọctự: một sớm mai nào khác

hen the (3)

Tranh ( Trần Thanh Châu)                                   

 

(truyện ngắn)

Bất chợt ngửng nhìn ra khoảng không mịt mùng nơi dòng sông trước mặt, tôi mới biết trời đã tối đi từ lúc nào rồi. Đêm tối ở ngoài đó vắng lặng quá. Mấy chiếc thuyền câu hồi chiều cắm sào gần mé bờ bên kia khi tôi mới tới đây, bây giờ chỉ còn thấy thấp thoáng vài ánh đèn hiu hắt cô liêu. Có tiếng lạch phạch của động cơ, rồi bóng một chuyến ghe chở hàng lầm lũi chạy qua, thoáng hiện đốm sáng mờ ảo của ngọn đèn nhỏ treo lơ lửng đâu đó nơi bờ mui. Tôi nhìn theo cái đốm sáng leo lét đang di động ấy cứ nhỏ dần, cho đến khi mất hút hẳn trong bóng đêm.

Bữa ăn coi như đã xong và hóa đơn cũng thanh toán rồi, nhưng mấy đứa cháu chưa chịu về, vẫn còn mải mê nấn ná đâu đó trong dẫy phòng Karaoke phía góc cuối nhà hàng gần kia. Cũng chẳng có gì gấp gáp và tối mai vào giờ này, tôi đã lên máy bay về lại Hoa Kỳ. Đây là lần đầu tiên và chắc cũng là lần cuối cùng tôi trở lại Sàigòn, nơi chỗ đã từ bỏ để vượt biển ra đi hồi cuối 1979, sau lúc rời khỏi trại tù được ít lâu.Tôi nhẩm tính dễ chừng cũng gần hai mươi năm rồi thì phải. Hình như tôi chẳng còn gì buồn vui và vướng víu ở đây.

Mấy năm trước mẹ tôi mất đột ngột quá nên tôi không thể về kịp chịu tang. Nhân lần giỗ mãn tang này, tôi lấy vacation về Việt Nam để ra ngoài mộ thắp nhang và tạ lỗi bất hiếu với bà. Cũng là dịp thăm gia đình người chị còn ở lại, mà tôi đã chịu nhiều ân nợ trước đây.

Tôi châm điếu thuốc rồi lơ đãng đưa mắt nhìn khung cảnh chung quanh. Một vài nhóm thực khách đang ngồi ăn uống trong ồn ào vui nhộn. Bàn bên cạnh chắc cũng có người từ phương xa về được mời đi ăn như tôi. Tôi nghe họ nói loáng thoáng đến chuyện này chuyện kia ở ngoại quốc và so sánh bàn luận gì đó về các món ăn. Chỉ được mỗi một điều, nhà hàng nằm ngay cạnh bờ sông nên thoáng mát và khung cảnh yên tĩnh, chứ thật tình tôi không để ý gì mấy đến thực đơn cùng việc ăn uống. Tôi có mặt ở đây cũng vì chiều lòng vợ chồng cô cháu lớn, đã muốn dành phần đãi ông cậu bữa ăn chia tay tại nhà hàng đặc sản tôm cua, với lời giới thiệu rất nổi tiếng, mãi dưới Biên Hòa này.

Tôi không xa lạ với Biên Hòa, vì ngày trước có nhiều bạn bè là dân địa phương cố cư và tôi đã nhiều lần ghé xuống chơi vào những ngày cuối tuần. Lúc chiều, khi xe từ ngoài xa lộ vừa quẹo vào con đường chính của thành phố, tôi chỉ hơi ngờ ngợ và thấy thật dửng dưng, chẳng một xúc cảm nào.

Còn đang suy nghĩ vẩn vơ, lũ cháu đã ồn ào kéo nhau ùa lại vây quanh, nhắc tôi chuẩn bị về. Khi tôi vừa đẩy lùi ghế ra sau và xoay người đứng lên, một nhân viên nhà hàng bước đến bên cạnh, đưa mảnh giấy nhỏ gấp kín nói có người nhờ trao. Hơi ngạc nhiên, tôi đón lấy và mở ngay để liếc đọc thật nhanh.

Chút nữa em chờ anh

 ngoài sân để xe.

       Đ.L.

Nét chữ dù viết ngoáy vội cùng cái tên ghi tắt ở dưới nhưng rất quen thuộc, khiến tôi giật mình thảng thốt vì đã biết là ai. Thoáng chút ngỡ ngàng và nỗi vui rộn ràng trong lòng chợt đến, tôi đảo mắt nhìn quanh khắp mọi nơi chỗ, nhưng không thể nhìn thấy người mình muốn tìm.

Đi theo mấy đứa cháu ra xe, tôi bồn chồn đứng ở cửa đợi cho tất cả lên đủ hết, rồi mới nói rằng có việc bất ngờ nên sẽ về vào sáng mai; xong bước xuống đưa tay kéo cửa xe đóng lại. Cô cháu lớn nhìn theo tôi cười cười đầy vẻ ranh mãnh.

Chiếc xe Toyota mười hai chỗ chưa ra khỏi cổng, đã nghe có tiếng khẽ gọi tên tôi vồn vã từ đằng sau:

_ Anh Tú!

Tôi quay người lại và bắt gặp một khuôn mặt vô cùng rạng rỡ, đôi mắt long lanh cùng nụ cười thật tươi, xuất hiện giữa quầng sáng của bóng đèn sân hắt xuống từ trên cành cây cao.

_ Đông Lan! ở đâu ra thế này vậy?

Dang rộng hai tay, tôi nói như reo lên trong niềm vui bất chợt, vì không thể nào ngờ lại gặp được người mà tôi đã nghĩ nhớ đến nhưng trong vô vọng, ngay hôm vừa về tới Sàigòn hồi đầu tuần trước.

Sững sờ nhìn nhau thoáng chốc, Đông Lan bước ập đến run run nắm chặt lấy tay tôi, rồi luống cuống vừa kéo đi vừa nói với vẻ bối rối:

_ Đi lối này anh, đi theo em.

Chợt nhìn thấy cái bảng mica nhỏ có khắc tên nhà hàng và chữ Quản lý đeo nơi miệng túi áo veste Đông Lan đang mặc, tôi bỗng hiểu được đôi chút nên hơi lúng túng:

_ Nhưng rồi còn…

Hiểu khác ý tôi, Đông Lan cười cắt ngang:

_ Em biết! tối mai anh mới ra phi trường phải không? Em đã hỏi cô cháu của

anh mọi chuyện rồi. Chẳng bắt cóc anh luôn đâu mà, đừng lo. Đi về chỗ em

ở gần đây thôi, gặp được anh… em mừng quá.

Tôi mỉm cười, thế rồi cứ để im cho Đông Lan tíu tít cầm tay dẫn đi qua khỏi mấy chiếc xe hơi và dẫy xe hai bánh dựng choán gần kín hết mé ngoài, đến cạnh một chiếc xe gắn máy dựng sát bờ tường mãi bên trong. Cúi người mở xong khóa cổ, Đông Lan đưa chìa khóa xe cho tôi và hỏi vui:

_ Anh còn nhớ cách đi Honda không nào?

Tôi vỗ nhẹ vào má Đông Lan rồi dẫn xe ra và ngồi lên yên, bắt đầu nổ máy. Ngồi ở đằng sau, Đông Lan thân mật nép sát người vào lưng tôi rất tự nhiên khi tôi vừa  sang số chạy đi.

Tôi giữ tốc độ chạy thật chậm giữa con phố đêm vắng vẻ dài hun hút. Bỗng nhiên tôi định nói rằng, lúc này nếu có ai nhìn thấy, chắc sẽ tưởng như thể tôi và Đông Lan là đôi tình nhân đang ngập tràn trong hạnh phúc, nhưng rồi chỉ khẽ cười bâng quơ một mình. Đông Lan có vẻ ngạc nhiên:

_ Gì thế anh?

_ Không…Không … đâu có gì, anh cười vậy thôi.

_ Em bắt đền anh đấy.

_ Sao vậy?

_ Anh biết không, hồi chiều đang ngồi sau quầy thu ngân, bất chợt vừa nhìn

thấy anh bước vào là em run rẩy đứng bật dậy, chết điếng cả người, thiếu điều

tim muốn nhẩy ra ngoài luôn vậy đó.

Tôi hỏi ngay:

_ Nhưng rồi tim Đông Lan có nhẩy ra ngoài không và đã nhẩy vô lại chưa ?

Có tiếng Đông Lan cười khúc khích.

_ Rồi anh, nhưng… vẫn còn đang đập loạn xạ đây này anh thấy không.

Tôi cũng cười theo rồi nói:

_ Vậy Đông Lan muốn đền gì nào.

Đông Lan dụi đầu thật mạnh vào lưng tôi và thì thào:

_ Ô mai mơ cam thảo và kẹo nougat …và đậu xanh bánh lọt nước dừa.

_ Tham lam quá, nhưng thôi được. Xong ngay!

Thật vui, tôi đáp nhanh và vòng tay trái ra sau khẽ nắm lấy bàn tay Đông Lan đang để hờ ngang cạnh hông mình, bóp nhè nhẹ. Đông Lan vừa nhắc đến một kỷ niệm thời đi học. Bỗng nhiên có cơn gió thổi ngược hơi lành lạnh, lùa hất mái tóc Đông Lan bay lõa xõa, rồi mơn man vướng vào nơi gáy và một bên má của tôi hồi lâu, tạo ra cảm giác thân thuộc gần gũi quá. Tôi ngửi được hương tóc quyện lẫn với mùi nước hoa thoang thoảng và cả mùi dầu mỡ của thức ăn nữa, thật là lạ đầy thú vị. Đông Lan thinh lặng không nói thêm gì, dường như đang bị xao động thì phải. Tôi cảm nhận được bờ vai mình cũng rung nhẹ theo thân người Đông Lan sau lưng.

Mỗi khi gần đến giao lộ, Đông Lan ngửng đầu, nhỏ nhẹ nhắc chừng hướng dẫn đường đi cho tôi.

Vừa qua khỏi bùng binh trung tâm thành phố, theo cánh tay Đông Lan đưa ra phía trước chỉ đường, tôi quẹo vào con hẻm cụt và dừng lại trước cổng rào căn nhà có vuông sân nhỏ nằm ở cuối cùng.

Đông Lan bước xuống mở khóa cổng rồi cửa nhà, đưa tay bật công tắc điện. Một căn nhà nhỏ gọn và ấm cúng. Dựng xe nơi góc ngoài xong, tôi chú ý ngay và bị thu hút để bước nhanh đến trước bức ảnh chân dung một thiếu nữ trẻ, kích thước khá to treo trên vách tường, đối diện bộ salon, bên cạnh mấy tấm hình khác nhỏ hơn. Tôi nhìn lên khuôn mặt thanh tú, có đôi mắt phảng phất nỗi u buồn và mái tóc đen nhánh xõa vai, tự nhiên thấy một nét gì rất quen. Đông Lan lên tiếng từ sau lưng tôi:

_ Xuân Lan đó anh, giống mẹ quá anh nhỉ? Dạo trước cháu ở đây với em, bây giờ lấy chồng mãi trên Long Khánh rồi. Đã có con đầu lòng năm ngoái để em được lên chức bà ngoại đấy. Cứ từ từ, em biết anh đang muốn hỏi cung em ngay bây giờ chứ gì? Anh đi rửa mặt cho khỏe đã nào. Chắc còn đói bụng lắm phải không? Em thấy anh chỉ ngồi uống bia chứ đâu có ăn. Nhưng mà…bây giờ ở nhà chỉ có mì gói thôi đó, không còn cơm nguội và nước mắm nghe anh.

Tôi cười, quay người lại chỉ ngón tay dứ dứ vào mặt Đông Lan. Đông Lan lại vừa nhắc thêm một kỷ niệm ngày xưa nữa.

Tôi theo Đông Lan bước ra WC phía sau nhà rửa mặt rồi trở lên ngồi nơi bộ salon bằng gỗ quét vẹc ni mầu gụ kê sát vách. Đông Lan cúi người đặt ly nước xuống mặt bàn, ngửng lên nhìn tôi tươi cười nói trước khi quay lưng bước đi:

_ Cho em đi thanh toán người ngợm một chút, chứ không anh sẽ bị chết ngộp vì ô nhiễm mất thôi.

Ngồi lại một mình giữa căn phòng xa lạ nhưng sao tôi bỗng cảm thấy như thân quen lắm. Ngước nhìn chăm chú khuôn mặt con gái Đông Lan trên bức ảnh treo nơi vách bên kia, tôi theo ký ức mơ màng hồi tưởng quãng thời gian dài đã chìm sâu trong quá vãng.

*

Những tháng năm ấy, chúng tôi ở trong nhóm bạn thân thiết cùng chung một lớp, vừa trai vừa gái, gần mười đứa với nhau, nơi mấy năm cuối trung học. Bắt đầu biết nhau từ hồi đệ Tam và rồi tình thân ngày càng gắn bó hơn lên. Giống như phần đông lứa tuổi học trò mới lớn mơ mộng viển vông, cũng đã có sự gán ghép kết đôi, đứa này đứa kia thành từng cặp. Đông Lan và Thái là một cặp như thế. Riêng tôi thì ngoại lệ vì an phận, chỉ tham gia phất phơ và luôn giữ khoảng cách, chẳng mấy bận tâm đến các cô nàng con nhà tiểu thư, lúc nào cũng sẵn sàng đỏng đảnh điệu bộ, nằm ngoài tay với của mình. Có chăng một chút ngẩn ngơ vương vấn người có đôi mắt ướt, nụ cười tươi với cái cằm chẻ và má lúm đồng tiền xinh xinh, được xem như một trong những hoa khôi ở trường. Nhưng người này dường như đã thuộc về Thái mất rồi.

Ban đầu tôi chỉ quen biết Thái, khởi đi từ những lần đánh bi da ở quán ngay trước cổng trường, sau rồi dần dần mới gặp dịp lui tới nhóm bạn có sẵn của Thái. Đường chơi bi da của anh chàng dưới tôi nhiều, nên độ nào đánh cũng thua. Lại nữa, thỉnh thoảng lũ con trai bọn tôi về nhà Thái tụ tập ngồi xì phé với nhau, thường ra bao giờ Thái và cả đám cũng hay nộp tiền cho tôi đến nhẵn túi. Rồi không biết từ lúc nào, chẳng hiểu sao tự nhiên Thái kết tình thân với tôi, dù chúng tôi có nhiều khác biệt từ tính cách đến hoàn cảnh.

Thái con nhà giầu gốc người Hoa, gia đình kinh doanh xuất nhập cảng nên tiền bạc  bao giờ cũng rủng rỉnh nhất trong đám và là một tay đỏm dáng, biết đua đòi ăn chơi sớm. Năm vừa xong Tú tài I lên đệ Nhất, Thái đã đi học bằng Lambretta thay cho chiếc Honda 90cc và bắt đầu lui tới vũ trường, nhà hàng; ngoài việc tuần nào cũng đi ciné khi có phim mới. Trong điều kiện như thế, Thái luôn săn đón chiều chuộng Đông Lan hết mực, đủ mọi phương diện.

Còn tôi, anh chàng Bắc kỳ di cư, gia đình rất thanh đạm. Cả tuổi thơ rồi lớn lên đi học, quanh quẩn ở khu xóm lao động; chỉ có tí tài vặt bập bùng chút ít ngón đàn guitar, để thỉnh thoảng nghêu ngao một hai bản nhạc tiền chiến, mỗi khi cùng bạn bè họp mặt hay tất niên ở lớp. Thêm nữa, lâu lâu được cái truyện ngắn, dăm ba bài thơ học trò đăng báo nên cũng khá tự tin dưới mắt bạn bè. Đám con gái thường hay hỏi tôi về bài luận văn hay mượn tôi truyện hoặc tiểu thuyết để đọc khi phải làm trần thuyết.

Có lần mấy cô nàng kéo đến nhà tôi nhờ gà một bài trần thuyết văn xuôi. Rồi trong nỗi tò mò, bị thúc dục bằng sự bạo dạn số đông, nhất định cứ nằng nặc đòi lên xem cho bằng được giang sơn của tôi trên cái gác xép thấp lè tè. Tôi để mặc các cô nàng tự do lục lọi, tìm tòi và nhìn ngó. Cũng chẳng có gì đáng để ý, một vài bức tranh hội họa khổ nhỏ được chụp lại đã cắt ra từ tạp chí dán trên vách ván, tủ sách đặt trong góc, cây đàn guitar cũ kỹ nằm trên mặt chiếu bên cạnh mấy tờ tập san văn học vương vãi ngoài sàn. Tôi cũng không kịp dấu đi những trang bản thảo viết dở dang còn để trên bàn học của một ông học trò tập tễnh làm thơ viết văn.

Sau lần ấy, Đông Lan hay nhắc tới và nói rất thích cái xó xỉnh ấm cúng của tôi hơn căn phòng đầy đủ tiện nghi của mình ở nhà. Tôi biết đấy chỉ là chút lãng mạn vặt tuổi mới lớn mà thôi.

Tôi ít tham dự những cuộc vui ồn ào của nhóm bạn, thỉnh thoảng được tổ chức tại nhà riêng của một trong số họ hay các cuộc đi chơi xa. Bù lại, tôi biết xe bò bía, gỏi đu đủ, thịt bò viên, bánh bột chiên…ở đâu ngon hơn. Còn nữa, thạch chè, sâm bổ lượng, táo soạn, đậu xanh bánh lọt nước dừa chỗ nào hấp dẫn nhất. Cũng như ô mai mơ cam thảo, kẹo nougat, đậu phọng da cá chiên dòn…bán ở tiệm nào trên đường Nguyễn Phi Khanh hay dẫy sạp trong lồng chợ Tân Định. Đây là những thứ quen thuộc với tuổi học trò mà Đông Lan rất khoái khẩu và mê mệt, nhưng một tay công tử bột như Thái chẳng bao giờ cần biết đến. Riêng tôi, vẫn luôn sẵn lòng hướng dẫn nơi chỗ, hay đi cùng Đông Lan và đám con gái, mỗi khi các cô nàng mình cần đến.

Cuối năm đệ Nhất, chỉ mình tôi qua được kỳ thi tú tài II lên Đại học, còn cả nhóm đều phải học lại. Khúc quanh cuộc đời Đông Lan đã đến trong thời gian này. Vào một lần nhóm bạn học lại ấy cùng nhau đi Vũng Tầu chơi dịp nghỉ Tết, Đông Lan đã thất thân với Thái. Khi biết Đông Lan có thai với mình sau lần ấy, Thái lo lắng tìm tôi để báo tin.Tôi nói Thái nên thú nhận với gia đình, nhưng Thái cứ chần chừ không dám. Đến lúc bụng Đông Lan bắt đầu hơi to, không còn có thể che dấu được nữa, cả hai liều lĩnh quyết định bỏ gia đình đưa nhau đi trốn. Loanh quanh mất mấy buổi, tôi cũng dẫn Thái tìm thuê được căn gác nhỏ gần khu nhà tôi, để cả hai bắt đầu cuộc sống phiêu lưu vô định.

Mỗi ngày từ trường về, tôi thường tạt qua nơi đó để bạn mình và Đông Lan có người trò chuyện, vơi bớt những lo âu sợ hãi. Người anh lớn của Đông Lan đã tìm đến tận nhà tôi dò hỏi, đe dọa hầu mong biết được nơi chỗ Đông Lan ẩn trốn. Bị căng thẳng và suy sụp tinh thần, Đông Lan từng nẩy sinh ý định muốn uống thuốc ngủ tự tử, tôi phải hết sức trấn an can ngăn.

Thảng hoặc, tôi vẫn lén mẹ đem ra cho vợ chồng nhà chim sẻ này ít món thức ăn, vài gói mì hay chai nước mắm nhỏ và có lúc cùng ngồi ăn cơm nguội buổi tối với cả hai, nhiều khi chỉ một mình Đông Lan, vì Thái phải đảo qua về nhà.

Cũng nhiều buổi tối tôi ra chơi và Thái nhờ tôi ngủ lại, giúp trông chừng Đông Lan, để anh chàng có nhiều thời gian về quanh quẩn ở nhà xoay xở thêm tiền bạc.  Một đôi lần như thế, ngoài trời mưa đêm rả rích dai dẳng mãi không dứt, tôi nằm dưới sàn mở rộng tập cours mà chẳng đọc được chữ nào, vì tiếng khóc rấm rứt tủi thân của Đông Lan trên giường. Tôi rất muốn ngồi lên vỗ về một vài câu, nhưng rồi lại thôi, bởi cũng ngần ngại không biết phải bầy tỏ cử chỉ ra sao hay nói như thế nào.

Thế rồi bụng Đông Lan mỗi lúc càng to thêm và sắp đến ngày sanh tới nơi. Tình hình chiến sự sau mùa hè đỏ lửa năm ấy cũng vẫn vô cùng sôi động. Nghe lời tôi, khi đó Thái mới thu hết can đảm trình bầy với gia đình hai bên mọi chuyện, để kịp thời đưa Đông Lan về nhà chờ đón đứa con ra đời.

Khi con gái Xuân Lan của Thái và Đông Lan còn nằm nôi, rồi đến lúc biết bò biết lẫy, lẫm chẫm bước chân, tôi cũng thường hay ghé qua ẵm bế trên tay nựng nịu. Thái và Đông Lan muốn tôi làm bố đỡ đầu cho cô bé, tôi đã nhận lời ngay.

Sau ngày thôi nôi con gái được ít lâu, Thái hớt hải lên tìm tôi nói Đông Lan đã bỗng dưng bế con bỏ đi đâu mất tiêu, chẳng một dấu tích gì để lại. Mọi cố gắng dò la hỏi han đây đó đều vô vọng, im bặt tăm hơi. Tôi cũng không thể hiểu tại sao Đông Lan đã làm như vậy, nhưng thoáng nhớ lại nhiều lúc đến chơi trước đây, nhìn thấy ánh mắt bất chợt vương chút xa xăm của Đông Lan, tôi đoán chừng có một uẩn khúc nào chăng.

Kể từ dạo ấy, qua những thăng trầm đổi thay của cuộc sống, ở bất cứ nơi chỗ nào, tôi cũng luôn nhớ đến và canh cánh để ý xem, biết đâu chừng có thể bất ngờ gặp lại Đông Lan.

Tiếng cười và giọng nói Đông Lan đưa tôi về thực tại:

_ Ông Việt kiều ơi, đang mơ tưởng đến ai thế?

Tôi quay người nhìn sững khuôn mặt Đông Lan, đã đứng ngay bên cạnh ghế từ bao giờ. Lúc này đã tẩy bỏ hết trang điểm, trông Đông Lan tươi tắn và trẻ trung hơn nhiều trong bộ quần áo mặc nhà bằng vải lụa xanh mềm mại có điểm li ti hoa trắng. Hình như thời gian không ảnh hưởng gì mấy đến nhan sắc vẫn còn mặn mà  và vóc dáng thật thon thả của người thiếu phụ ngoài bốn mươi.

_ Anh đang lục tìm trong trí nhớ hình ảnh một cô bạn thân thiết ngày xưa.

Đặt nhẹ tay lên vai tôi, Đông Lan hỏi:

_ Thật không? ai mà có được diễm phúc vậy anh?

_ Hình như cái cô thích ô mai mơ cam thảo và kẹo nougat thì phải.

­­_ Ứ ừ…

Đông Lan khẽ đẩy nhẹ người tôi chúi về trước, rồi bước đến ngồi nơi bàn phấn ở phía đối diện bên kia, mở quạt hong tóc; cùng lúc với tay qua ấn nút mở máy cassette đặt nơi kệ tủ kế bên. Những giai điệu dạo đầu nhẹ êm của bản nhạc, và một giọng hát da diết quen thuộc cất lên:

Nhắm mắt cho tôi tìm

                 một thoáng hương xưa

                Cho tôi về đường cũ nên thơ

                Cho tôi gặp người xưa ước mơ

                Hay chỉ là giấc mơ thôi

               Nghe tình đang chết trong tôi

                Cho lòng tiếc nuối xót thương suốt đời.

                Nhắm mắt ôi sao nửa hồn bỗng thương đau

                Ôi sao ngàn trùng mãi xa nhau

                Hay ta còn hẹn nhau kiếp nào

                Anh ở đâu?Em ở đâu?…”

(Nửa hồn thương đau_nhạc Phạm Đình Chương, thơ Thanh Tâm Tuyền)

Tôi ngồi lặng im nhìn bờ lưng đầy đặn của Đông Lan và khuôn mặt chập chờn tháng năm ngày cũ trong tấm gương soi, rồi bỗng bất giác bật cười. Đông Lan buông lược, bước sang ngồi cạnh tôi, ánh mắt nhìn thật đằm thắm:

_ Anh cười em gì vậy?

_ Anh thấy Đông Lan vẫn mở mắt chứ đâu có nhắm mắt.

Chợt hiểu ra, Đông Lan dựa đầu nhẹ vào vai tôi.

_ Em mở mắt để được nhìn thấy anh đang ngồi ở đây.

Tôi choàng tay lên bờ vai Đông Lan và để yên như vậy hồi lâu. Có lẽ Đông Lan đang bị xúc động. Được một lát, như đã trấn tĩnh, Đông Lan nhỏ nhẹ thổ lộ tâm sự:

_ Anh biết không, hồi ấy em đã lẳng lặng bế con bỏ đi biền biệt chỉ vì không thể nào còn chịu đựng nổi tình trạng như thế kéo dài quá lâu rồi. Thái vẫn phải sống dựa vào gia đình, lại ham chơi nên mẹ con em như thêm một gánh nặng. Cái gì chung quanh cũng gò bó quá, nặng nề và tẻ nhạt vô cùng. Ở nhà em được cưng chiều, sống thoải mái vô tư quen rồi. Em cứ bị day dứt và dằn vặt mãi hoài trong mặc cảm tội lỗi với bố mẹ em, thêm nỗi xấu hổ cùng bạn bè. Cứ dồn nén căng thẳng thường xuyên cho đến khi òa vỡ…

Tôi ngắt ngang:

_ Nhưng lúc đó Đông Lan đi đâu mà biệt tăm luôn vậy?

Đông Lan nói tiếp:

_ Anh nhớ Vân trong nhóm bọn mình hồi ấy không. Vân và bố mẹ đã liên lạc rồi giúp đưa mẹ con em ra Đà Nẵng ở với gia đình người bác của nó. Hai bác không có con gái nên rất thương em. Hàng ngày em phụ hai bác trông coi cửa tiệm nằm ngay tầng trệt dưới nhà, lại lo được cho con nên mọi thứ cũng ổn.

_ Thế rồi bây giờ sao lại ở đây?

_  Dạo chiến sự tháng ba năm bẩy mươi lăm, mẹ con em theo hai bác chạy vào Nha Trang rồi Vũng Tầu và chết gí ở đấy luôn vào cái ngày ba mươi tháng tư. Sau đấy em không quay về Đà Nẵng nữa, loanh quanh ở lại Vũng Tầu sinh sống được vài năm rồi trôi dạt về đây. Cái nhà hàng em đang trông coi bây giờ là của bố mẹ Vân đấy anh. Vợ chồng Vân nó cũng ở Biên Hòa này. Trước đó thì lôi thôi lếch thếch vất vả mãi, xoay sở đủ thứ nghề ngỗng chả đâu vào đâu. Rồi thì Xuân Lan học xong sư phạm, cháu ra trường đi dậy được vài năm và lấy chồng, có con. Bây giờ mọi thứ coi như tạm yên anh ạ.

Ngập ngừng tôi hỏi:

_ Thế còn đời sống….

Đông Lan tinh ý nhìn tôi gượng cười:

_ Anh định hỏi về chuyện gia đình của em chứ gì?

Khẽ thở dài, giọng Đông Lan như trầm xuống:

_ Hình như mọi thứ đều chẳng ra gì anh ơi. Cũng chỉ toàn lăng nhăng lít

nhít thôi, chả đâu vào đâu hết.

_ Chẳng lẽ không có được một bình yên nào sao, Đông Lan?

_ Em vẫn luôn khao khát một mái gia đình và mong có chỗ dựa cho mẹ con em. Em sợ cô đơn lẻ loi chứ. Cũng từng gá nghĩa đấy anh, nhưng rồi cuối cùng tấtcả vẫn là tan nát đổ vỡ. Người thì không chấp nhận được quá khứ của em, người thì thật nhỏ nhặt tầm thường.Thương con, thương mình, em nuốt nước mắt đành chia tay mà thôi.

Tôi buột miệng rất tự nhiên:

_ Đông Lan vẫn còn trẻ lắm.

Nở nụ cười buồn, Đông Lan khẽ nói:

_ Anh đừng an ủi làm gì, em bây giờ như gái sề mất rồi…với lại không biết từ khi nào, em đâm ra nguội lạnh và sợ đàn ông vô cùng.

Tôi hỏi thật tình:

_ Không có trường hợp miễn trừ nào sao Đông Lan?

Lảng tránh câu hỏi của tôi, Đông Lan vội đứng dậy nói :

_ Anh chờ em chút xíu.

Rồi bỏ đi vào bên trong, khoảng vài phút sau đem ra quyển album đặt lên bàn, mở cho tôi xem một tấm hình cũ ngay nơi trang đầu và hỏi:

_ Anh có nhận ra những ai ở trong này không?

Vô cùng ngạc nhiên thích thú, tôi nhớ ngay tấm hình này chụp cả bọn hôm rủ nhau đi lên vườn trái cây trên Lái Thiêu sau kỳ thi lục cá nguyệt năm đệ Nhị. Những khuôn mặt học trò trẻ trung yêu đời tràn đầy sức sống biết mấy, có cả tôi trong đó đây mà. Tôi ngẩn cả người, thấy bâng khuâng tiếc nhớ một điều gì đó thật gần mà cũng xa xăm quá.

Tiếng Đông Lan nhỏ nhẹ bên cạnh:

_ Sao mà hồi ấy anh lừng khừng như ông cụ non bất cần đời thế? Lũ con gái bọn em cứ hỏi nhau không biết anh có thèm để ý đến đứa nào? Ngọc nó bảo nếu phải về làm vợ ông này thì chán phèo. Còn Vân lại nói đứa nào lấy được anh chắc sẽ hạnh phúc lắm. Riêng Xuân Lan khi nhìn hình bảobác Tú hồi học trò trông nghệ sĩ quá.

_ Thế còn em thì sao?

Đông Lan ghé tai tôi thì thầm:

_ Em không nói đâu.

Rồi ngồi thẳng người, ánh mắt xa vời vợi:

_ Vẫn còn giận anh lắm đấy. Những đêm xưa ấy, lúc em tủi thân nằm khóc một mình trên giường mà sao anh cứ thản nhiên lạnh lùng, chẳng nói được với em lời nào cả. Chắc anh khinh bỉ em lắm phải không? Và rồi bao nhiêu bầm dập nhơ nhuốc sau này nữa.

Bỗng dưng tôi bối rối:

_ Đừng…, đừng bao giờ nghĩ về anh như thế, Đông Lan!

Nghẹn lời, Đông Lan dừng lại một chút rồi tiếp tục thủ thỉ trong hoài niệm, như muốn phơi trải cho đến hết mọi dồn nén ẩn chứa từ bấy lâu, bây giờ mới được tuôn trào:

_ Dẫu vậy không biết sao, mỗi khi tột cùng cô đơn trong ê chề nỗi đau và cơn muộn phiền nơi cuộc sống đây đó, người mà em nghĩ nhớ tới thật nhiều để vơi quên, để được cảm nhận chút gì vỗ về ủi an là anh chứ không phải Thái. Con thuyền có lúc em từng ngồi trên ấy bị đắm mất rồi, chỉ còn sót lại duy nhất mảnh ván nhỏ nhoi đang chập chờn đâu đó, nên cố đưa tay với để mà vịn vào. Những lúc như vậy em thèm có anh bên cạnh biết mấy. Nghe em kể về anh, Xuân Lan nói với em rằng dường như mẹ thương bác Tú chứ không yêu bố, vậy sao hồi đó mẹ lại bằng lòng lấy bố. Em không dám nói với con nỗi xấu hổ này. Làm sao giải thích cho nó hiểu được cái uẩn khúc nghịch lý anh nhỉ? Những mê mải rồi lỡ lầm của một thời trẻ dại nông nổi, đưa đến cái kết thúc bắt buộc cay đắng như vậy, chứ nào đâu đã kịp nhận biết hay suy nghĩ gì để có một chọn lựa khác đâu. Và thế là mọi thứ vuột mất hết tất cả khỏi tầm tay của em. Em không oán trách gì Thái, mà chỉ tự trách mình rồi thương lấy thân mà thôi…

Tôi quàng tay kéo Đông Lan sát gần lại bên mình và nhìn vào đôi mắt u uẩn đang ngân ngấn những giọt nước mắt lặng buồn còn đọng nơi khóe. Thương cảm và xót xa cho Đông Lan quá, tôi nói ngay điều như đã có sẵn trong đầu:

_ Đừng ngoảnh lại nhìn quá khứ nặng nề phía sau để dằn vặt mình mãi thế nữa, Đông Lan.

Giọng Đông Lan bùi ngùi:

_ Cám ơn anh. Anh biết không, sau ngày ba mươi tháng tư ít lâu, em có về lại Sàigòn, nhưng cả nhà em đã đi hết chẳng còn ai, bên gia đình Thái cũng vậy. Chắc hẳn mọi người vẫn còn buồn giận em nhiều lắm. Em cũng loanh quanh nhiều lần ở khu đường rầy xe lửa cổng số 6 ngoắt ngoéo ấy, mà chẳng sao tìm ra con ngõ nhà anh ngày trước. Từ đấy, em đã quên hết, cứ tưởng rằng không còn có được một nẻo nhớ nào nữa rồi, vậy mà bây giờ…

Đông Lan bỏ lửng câu nói, thẫn thờ ngồi im. Lát sau, cầm lấy tay tôi mân mê cái nhẫn bạc đeo nơi ngón áp út, giọng thỏ thẻ ân cần:

_ Anh không nói cho em nghe một chuyện nào sao?

Tôi nhìn cái nhẫn bạc đã mua đeo ngay sau lần nhận những đồng lương đầu tiên trên đất Mỹ. Cũng là ghi nhớ chút kỷ niệm và để cho bàn tay đỡ trơ trống. Nét chạm khắc đơn giản thôi và đã cũ kỹ, nhưng đi theo tôi đằng đẵng suốt từ ngày đó đến tận bây giờ. Chẳng cần phải hồi tưởng gì, tôi chậm rãi nói với Đông Lan về sự có mặt của cái nhẫn và quãng đời đơn giản đã qua như một tự sự nằm lòng.

Sau lúc Đông Lan bế con bỏ đi được ít lâu và không còn có được một tin tức nào, Thái nộp đơn tình nguyện vào Không Quân rồi đi học lái trực thăng bên Mỹ. Vài tháng sau, tôi cũng nhập ngũ vào Thủ Đức và khi ra trường về đơn vị mãi dưới Long Xuyên. Đến ngày ba mươi tháng tư, vẫn còn là chuẩn úy nên tôi không phải đi cải tạo, nhưng bị giam giữ mấy năm vì tham gia hoạt động phục quốc. Ra tù, vượt biển đến được Bidon rồi sang Mỹ, loanh quanh luẩn quẩn với đủ thứ công việc nhì nhằng cho qua năm tháng vậy thôi.

_ Thế nhưng…?

Tôi cười, hiểu ngay điều Đông Lan đang nôn nao chờ đợi muốn biết.

_ Anh chưa có thời gian để kịp làm rể Long Xuyên, mọi thứ đã sụp đổ hết. Lúc ở đảo cũng vừa quen được một cô, khi bắt đầu định nói chuyện tình yêu thì mỗi người đi định cư một nơi, thế là xong.

Đông Lan che miệng tủm tỉm cười:

_ Vậy rồi sang đến Mỹ thì sao anh?

_ Ừ, cũng hẹn hò được một cô bạn Mễ chung chỗ làm, nhưng sớm vội chia tay nhau khi chưa có được một kỷ niệm nào để mà nhớ.

_ Sao lại như vậy chứ?

_ Anh chịu, chẳng thể hiểu và cũng chẳng còn nhớ được tại sao nữa.

_ Thế không có một cô Việt Nam nào đi qua đời tôi sao anh?

_ Chắc họ sợ nếu phải về làm vợ anh thì chán phèo.

Đông Lan vừa cười vừa nắm tay đấm nhẹ vào vai tôi, ánh mắt lâng lâng xao xuyến. Thật ra, tôi đã không nói cho Đông Lan biết thời gian đầu, lúc vừa đặt chân đến Hoa Kỳ, tôi còn mải sống trong hoài vọng tuổi trẻ về một lý tưởng, để rồi háo hức biết mấy khi đem hết thời gian và nhiệt huyết lao vào các tổ chức đoàn thể, mặt trận… với mong ước sẽ có được ngày cùng tất cả mọi người vinh quang về lại quê nhà, vì còn biết bao điều, biết bao hình bóng vẫn đang đợi chờ. Đến khi mọi chuyện trở thành ảo vọng thì đời mình cũng đã dở dang nhiều thứ.

Tôi cũng không nói với Đông Lan về việc đã gặp lại Thái nhân một dịp đến Cali thăm bạn bè. Và suốt hai ba ngày đêm ở lại chơi với gia đình mới của Thái, không hiểu sao chưa một lần nghe Thái nhắc đến Đông Lan cùng đứa con lưu lạc từ tháng năm ấy. Ngay cả khi chỉ có hai chúng tôi ngồi tâm sự vụn riêng tư với nhau ở ngoài vườn cũng vậy.

Nhìn vào khuôn mặt đang còn thoáng vương buồn của Đông Lan, không ngại ngần hay dối lòng, tôi nói thêm rằng hình bóng Đông Lan thời học trò tươi trẻ đẹp đẽ ấy, đã vẫn luôn mãi theo tôi từ những tháng ngày xưa cũ, rồi nơi đất khách quê người xa lạ. Hình bóng ấy đã vỗ về ấp ủ tôi những đêm dài lạnh giá rét mướt mùa đông. Hình bóng ấy đã có mặt bên tôi và ly rượu nhỏ đằm thắm những buổi chiều cô quạnh. Hình bóng ấy như cái lô cốt đứng sừng sững giữa tim tôi để phòng thủ, ngăn chận không cho một bóng dáng nào khác có thể lại gần. Và dù biệt mù mất hút dấu tích đằng đẵng đến vậy, mà sao tôi cứ đoan chắc rằng rồi ra vẫn sẽ có ngày được gặp lại Đông Lan.

Đông Lan thở dài não nề:

_ Nhưng găp lại nhau để nhớ ra rằng đã lỡ làng từ bao giờ mất rồi phải không anh? Có còn được gì nữa đâu nào?

Tôi lắc đầu nhè nhẹ:

_ Vẫn còn chứ em. Với anh, bao giờ Đông Lan cũng vẫn mãi là cô học trò của ô mai mơ cam thảo và kẹo nougat mà thôi.

_ Nhưng sự an bài nghiệt ngã đã cất dấu con người tội nghiệp đáng thương ấy lâu lắm rồi anh ạ.

_ Anh đã tìm lại được để có một bắt đầu khác.

_ Muộn màng quá, đâu thể nào còn kịp nữa hả anh?

_ Đông Lan em, không có gì muộn màng cho một bắt đầu cần thiết, dù khởi đi từ bất cứ một thời điểm nào. Chỉ ngay lúc mình nhận ra vừa có được điều hằng mong đợi và biết nâng niu giữ chặt lấy nó, mới chính là lúc để bắt đầu em ạ.

Đông Lan tựa đầu thật chặt vào vai tôi run run trong nỗi xúc động. Tôi đưa tay chùi giọt nước mắt vừa lăn trên gò má Đông Lan. Chúng tôi im lặng ngồi cạnh nhau như thế lâu lắm. Mãi một lúc sau, Đông Lan ngồi thẳng người lên nói:

_ Khuya rồi, đi ngủ thôi anh, mai anh còn lên máy bay nữa.

Tôi gật gật đầu ngó quanh rồi nhìn Đông Lan cười, định nói sẽ nằm ngủ tại ghế salon ngoài phòng khách này. Nhưng như đoán hiểu ra, Đông Lan cũng cười, ánh mắt thật trìu mến:

_ Anh vào trong ngủ cho thoải mái, đâu phải cái gác ở thuê ngày xưa hả anh.

Mà có sợ bị em ăn thịt không đấy?

Tôi trả lời:

_ Chẳng sợ đâu, da thịt anh giờ nhão nhoét rồi. Nhưng phải cho anh hỏi ngược lại mới đúng chứ.

Chúng tôi cùng cười vui bước đi bên nhau vào căn phòng phía trong.

Đông Lan mở đèn đêm nơi đầu tủ cạnh giường rồi giơ tay tắt đèn trần. Căn phòng chìm trong thứ ánh sáng dịu nhạt thật ấm cúng và dễ chịu. Tôi khoanh tay nằm nghiêng người trên giường nhìn sang Đông Lan, đôi mắt long lanh cũng đang nhìn tôi chan chứa tin yêu tha thiết. Tôi thấy mình như có một rạo rực thèm khát nào đó, thôi thúc thật mãnh liệt quá mà cũng vô cùng ngập ngừng bối rối. Khuôn mặt này, dáng vóc này quen thuộc gần gũi đến thế mà sao cũng như chập chờn mông lung ở mãi đâu xa. Thốt nhiên, Đông Lan vơ cái gối ôm sau lưng đặt vào giữa rồi cười hóm hỉnh:

_ Đây là ranh giới đó nghe, anh không được vượt qua đâu đấy.

Và nói như mơ màng:

_ Nhưng nếu nhỡ ra trong đêm mà nghe thấy có tiếng ai khóc thì sao hả anh?

Tôi đáp nhanh:

_ Tay anh đây, sẽ thật gần thôi để với qua mà dỗ dành ngay chứ.

Đông Lan nheo mắt cười, đuôi mắt lúng liếng. Nhìn cái má lúm đồng tiền vừa thoáng hiện, tôi cũng nhoẻn miệng cười theo. Đông Lan xòe bàn tay che mặt tôi lại, rồi hỏi:

_ Anh đang nghĩ đến điều gì vui lắm phải không?

_ Ừ! Một câu chuyện ngày xưa.

_ Cho em nghe với được không?

Đông Lan nằm im nghe tôi kể lan man về những năm tháng học trò và những ước mơ không thành khi vào đời. Sang đến câu chuyện anh chàng dân sông nước thương hồ lục tỉnh đất phương Nam, một chiều tối phiêu bạc từ đâu tới đậu ghe dưới bến sông, cất giọng hò vọng lên cho người con gái nhà ở trên bờ nghe câu ca rằng… gió đưa cơn buồn ngủ lên bờ…mùng ai có rộng… cho tui ngủ nhờ một đêm…

_ Thế rồi sao anh?

_ Không chỉ đêm hôm đó, mà suốt những đêm còn lại của tháng năm cuộc đời, anh chàng đều được cho ngủ nhờ luôn. Và… anh đang ước gì cũng sẽ được như anh chàng ấy đây, Đông Lan ạ.

_ …Ừ!… Em cũng thế.

Đông Lan thì thào rất nhanh, rồi lặng nhìn tôi đăm đắm. Trong khoảnh khắc, đôi má thoáng ửng hồng như thẹn thùng, cuống quýt đẩy vội cái gối rơi xuống đất, nghẹn ngào òa vỡ nỗi xúc động, gục đầu vào ngực tôi mà thổn thức, nước mắt lưng tròng.

Thế là chúng tôi có những giây phút đắm đuối ngây ngất bên nhau và thuộc về nhau trong cuồng nhiệt yêu thương cháy bỏng như đã đợi chờ từ mãi bao giờ.

*

Tôi giật mình tỉnh giấc thật khoan khoái. Hình như trời đã sáng, tôi nghe được những tiếng xe chạy qua lại ngoài đường phố. Không có Đông Lan nằm cạnh bên, tôi nghĩ chắc đang đâu đó dưới nhà sau. Được một lát, trong nhà vẫn hoàn toàn im lặng. Tôi ngồi nhổm dậy nhìn quanh quất và thấy trên mặt tủ nhỏ đầu giường có để tờ thư, cầm lên đọc vội.

Anh,

              Em thấy anh ngủ ngon quá nên không đánh thức anh dậy.

              Đêm hôm qua em dấu không nói với anh việc thằng bé nhà

              Xuân Lan bị sốt cao, vừa phải đưa vào bệnh viện. Em lên

              với cháu xem sao. Chắc không kịp quay về để đi theo đưa

              anh ra phi trường tối nay rồi. Thật buồn quá, nhưng biết làm

             thế nào hơn được.

             Bao giờ mới gặp lại nhau lần nữa hả anh?  Cũng may, nếu chiều

             qua em đi Long Khánh sớm thì chúng mình đã chẳng nhìn thấy nhau

             rồi đấy. Em nói gặp bác Tú chắc Xuân Lan nó vui lắm. Em cũng sẽ kể

             chuyện anh với Vân nữa.

             Cám ơn anh đã cho em những giây phút hạnh phúc thật tuyệt vời

             quá. Em vô cùng sung sướng vì được ủi an vỗ về và vơi đi nỗi tủi

             buồn suốt bao ngày tháng cô đơn vây bủa chập chùng đã qua.

            Anh nhớ giữ gìn sức khỏe và đừng quên ô mai mơ cam thảo với kẹo

            nougat đó nghe. Đông Lan.

 PS: Em để ít tiền Việt cho anh đi xe đò về Sàigòn. Cái quán phở đầu

       đường ăn cũng ngon lắm đấy anh. Anh khóa cửa, dấu chìa bên dưới

       thảm chùi chân cho em. Còn cổng rào cứ bóp ổ khóa lại là được rồi.

Buông tờ thư xuống, tôi ngả người trên giường, gối đầu lên hai tay nằm suy nghĩ miên man. Có những điều tưởng chừng đơn giản, nhưng rồi trở thành vấn đề. Bần thần quá, tôi không nghĩ Đông Lan muốn tránh tôi. Cũng chẳng phải điều gì khó hiểu, vì phần còn lại thuộc về tôi. Nếu tôi sống ở đây, có lẽ mọi chuyện không quá khó khăn.Tôi chưa nói được gì nhiều với Đông Lan. Không thể vội vàng và quá sớm để nói đến việc làm thủ tục đưa Đông Lan sang Hoa Kỳ. Điều đó đâu hẳn dễ dàng cho Đông Lan, mà tôi biết mọi thứ đã gắn chặt ở nơi này như một hệ lụy tất yếu.

Chắc không còn kịp cho việc đổi vé, dời lại ngày đi. Tôi cũng thoáng nghĩ đến chuyện hủy chuyến bay để nán lại thêm một ít lâu nữa, nhưng có lẽ hơi khó lòng. Kỳ nghỉ phép đã hết và tôi không thể bỏ ngang công việc nơi chỗ đang làm. Vả lại, tôi đã chi dụng cạn hết số tiền đem về, chỉ còn lại mấy chục lẻ đủ tiêu vặt dọc đường trên hành trình quay lại Mỹ.

Những đưa đẩy của thời thế xoay vần, đã tác động đến biết bao con người qua nhiều hoàn cảnh. Từ ngày tháng đó, đã có những từ giã để ra đi, đem theo chia ly tan tác, như một chọn lựa hay sự vội vã cũng đành. Bỗng rồi một lúc nào giật mình tự hỏi, hình ảnh cái đất khổ đã lặng lẽ bỏ đi ấy có còn đọng lại chút gì trong tâm cảm hay bị bật tung cội rễ, khô cằn và xóa mờ hết tất cả từ bao giờ.

Và bất chợt một nhắc nhớ dịu dàng nào đấy chạm khẽ vào khoảng lặng im lìm bấy lâu, làm thức tỉnh lại câu hỏi vẫn loay hoay chưa trả lời dứt khoát: nơi chỗ đất nước xa lạ đang ngụ cư, đã hẳn là đất hứa vĩnh viễn, hay luôn mỏi mòn mong ngóng ngày về lại quê cũ, với ước vọng sẽ một lúc có được bắt đầu cho sự hồi sinh.

Trước đây, đôi khi tôi vẫn thường ở vào trường hợp tâm trạng như thế và bây giờ  lại bị khơi gợi. Chưa bao giờ tôi cảm nhận rõ ràng được nước Mỹ là chọn lựa cuối cùng cho mình. Như lúc này đây, không biết tôi nên tiếp tục ở lại bên đó hay quay về với mong muốn một cuộc sống bình thường, có Đông Lan bên cạnh.

Nơi quê nhà, vẫn chốn cũ ngày xưa. Nhưng từ ngày đất nước đành phải chấp nhận sự thay đổi bi thảm cay nghiệt cho tới bây giờ, hiện diện đầy khắp những khuôn mặt xa lạ khó ưa và quá nhiều những thứ bủa vây nặng nề. Dễ dầu gì tôi có thể thích ứng hay chấp nhận hoàn cảnh chung quanh như thế cho cuộc sống của mình, dù chẳng một đòi hỏi gì ghê gớm.

Mọi chuyện còn nằm nơi phía trước. Hẳn nhiên, tôi sẽ thu xếp chuyến về nữa thật gần, để có thể nói với Đông Lan nhiều hơn. Cũng biết đâu, điều thay đổi lớn lao trong mệnh nước hằng mong đợi, sẽ đến sớm hơn để tất cả mọi thứ đều trở nên dễ dàng trọn vẹn.

Tôi còn nhiều thời gian. Thời gian sẽ soi rọi tất cả và dẫn đưa mọi việc phải có cũng như phải đến.

Thật nhẹ nhõm, tôi ngồi lên và bước xuống khỏi giường. Tìm tờ giấy, tôi ra ngoài bàn salon ngồi viết cho Đông Lan ít dòng. Vắn tắt, tôi nói không thể ở lại thêm được, nhưng sẽ về lần tới thật gần và có nhiều thời gian hơn cho mọi việc. Sẽ luôn nhớ chứ, những hình ảnh buổi trùng ngộ đâu thể nào quên. Tôi gửi lời thăm hỏi gia đình Xuân Lan và Vân, cô bạn ngày xưa cùng một hẹn gặp thân tình. Tôi cũng nhắc dặn Đông Lan cất giữ dùm tôi cái nhẫn kỷ vật tin yêu. Tôi ghi lại địa chỉ, số điện thoại của tôi, của đứa cháu ở Sàigòn và nói thêm rằng sẽ nhờ cháu tôi ghé xuống thăm Đông Lan để giữ liên lạc. Định viết thêm một vài chữ gì đó nói về yêu thương nhung nhớ, nhưng rồi lại thôi vì tôi nghĩ không cần thiết lắm.

Tháo chiếc nhẫn nơi ngón tay mà đêm qua Đông Lan đã mân mê đặt lên tờ thư, tôi gấp cất thư của Đông Lan rồi vào nhà trong sửa soạn và chuẩn bị lại quần áo đầu tóc.

Khóa xong cửa nhà và cổng rào như Đông Lan dặn, tôi đi dọc theo con hẻm bước ra ngoài đường phố chính. Nắng đang lên, buổi sớm mai thật tươi mới an lành quá. Có chút gió nhẹ và cụm mây trắng bay lững lờ ngang qua bầu trời xanh ngát.  Trong tôi lâng lâng một niềm vui khó tả và thanh thản lạ thường. Tôi mỉm cười, nghe như vang vọng đâu đây trong trí tưởng giai điệu của đoạn tình ca:

nếu anh còn trẻ như năm cũ

                                  quyết đón em về sống với anh

                                  những khi chiều vàng phơ phất đến

                                  anh đàn em hát níu xuân xanh…”

                   (Tình cầm_ Phạm Duy phổ nhạc từ thơ Hoàng Cầm).

Tôi cũng chẳng còn trẻ gì, nhưng điều này chằc không can dự đến chuyện của tôi và Đông Lan.Tôi nhắm hướng đi thẳng về phía trước, dường như đường ra chỗ bến xe thì phải, và bước nhanh chân. Tôi đang nghĩ đến một sớm mai nào khác từ buổi sớm mai hôm nay.

                                                                     ngọctự.

                                                          Houston, tháng 4/2017

 

                ©T.Vấn 2017

                  

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài Mới Nhất
Search