T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phan: phật phật ma ma…

lunch time

Tranh: Trần Thanh Châu

Vợ chồng anh Hiếu được anh chị em ở địa phương gọi thân mật là “đôi bạn điểm mười”. Anh chị không phản đối vì anh gầy chính xác như con số một mà chị thì tròn như con số không. Nhưng anh chị thuộc loại người chấp nhận số phận và vui tính, vui đến bạn bè được vui lây là sự xuất hiện của anh chị ở bất cứ nhà ai cũng quan trọng như nhau, vì chị làm thức ăn ngon. Lúc nào chị cũng cho anh chị em được thưởng thức lại những món gợi nhớ. Nhiều khi, nhiều người, chỉ mới nhìn thôi đã nín thinh luôn cả buổi vì hoài niệm chiếm cứ hết tâm hồn. Như người chị khác từng nói khi ăn bò pía của chị Hiếu làm, “Trời ơi! Từ hồi học xong trung học tới nay có cháu ngoại rồi, tôi mới được ăn lại món bò pía…” Là vậy đó, nghe “bà ngoại” nói bằng ngữ âm xúc động đến mọi người không dám nói đùa một câu cho vui. Rồi đến hôm chị Hiếu trộn một khay gỏi đu đủ bào với khô bò ướt, ít lá quế thơm sau vườn nhà và nước tương ớt chua chua, cay cay… nồng lên mũi, làm mọi người đều bồi hồi khi thưởng thức lại món ăn khoái khẩu của thời còn đi học ở quê nhà với biết bao kỷ niệm về trường lớp, thầy bạn…

Ngoài tài làm những món ăn gọn nhẹ nhưng mang nhiều hoài niệm, gợi nhớ kỷ niệm chung cho mọi người của chị Zero thì anh chồng số Dzách của chị lại độc đáo món khác! Anh bao giờ cũng cất công sưu tầm, tìm đọc đủ thứ để giải đáp thắc mắc cho anh chị em, bạn hữu…

Lần trước gặp nhau, anh ta thán anh em cứ ép cạn hết ly này tới chai kia mà không ai nỡ gắp cho anh một miếng, không hoài niệm thì cũng cần đưa cay chứ!

Cái ông anh Hiếu này rất khó đoán là anh ta thán thật, hay chỉ là thấy mọi người khen vợ mình làm gỏi khô bò ngon nên anh khen theo để lấy điểm; Hay khẳng định tài nghệ của vợ nhà với thiên hạ như thế thì thật là cao minh! Có thể nói những gì anh Hiếu nói ra, ai muốn hiểu sao hiểu. Nên cánh đàn ông nói về anh thường là: Ông Hiếu phật phật ma ma…

Hôm đó. Anh biết là mọi người nói đùa nhưng nghĩ ra cũng đúng khi họ nói, “Cho anh ăn uổng. Ăn sáu bảy chục năm rồi cũng ốm tong như cây tăm nhang.” Tôi thì khoái châm chọc anh để có chuyện vui vì anh là người cũng hiếm gặp nên qúy, anh không biết giận! Lần trước tôi bảo anh, “anh cứ phật phật ma ma thì ai mà biết anh ăn chay hay ăn mặn để gắp cho anh. Thôi uống chay đi, rồi về nhà ăn trứng! Bảo trứng là chay hay mặn thì tùy anh!”

Chuyện cuối tuần ấy mà, đâu biết anh về tìm tòi nên lần gặp này anh giải thích cho tôi câu cửa miệng người ta thường nói nhưng mấy ai hiểu là câu, “phật phật ma ma”. Có lẽ tôi cũng trong nhóm người bảo giải thích thì không biết, nhưng nghe thì hiểu ngay về một người cứ… phật phật ma ma như anh Hiếu.

Thôi thì cứ nghe anh bạn tôi kể chuyện, “Phật và ma”. Tôi thì nghĩ ngay đến câu, “phật phật ma ma” của lần gặp trước. Nhưng qua chuyện anh số Dzách kể thì mỗi người lại có suy nghĩ riêng chứ không chung nhau ý nghĩ một cách chung chung nữa…

Anh kể chuyện Phật và ma như sau,

Có người họa sĩ rất nổi tiếng, ông ta muốn vẽ Phật và ma, nhưng không tìm được người mẫu thích hợp. Kỳ thực là vì đầu óc ông hoạ sĩ không hình dung ra được hình dáng của Phật!

Nhưng trong một lần tình cờ, ông vô tình nhìn thấy một hòa thượng. Khí chất vị hòa thượng khác hết mọi người nên người họa sĩ bị thôi miên bởi sự thanh thoát. Vậy là ông liền trò chuyện với vị hòa thượng đó, hứa cho ông ta một số tiền để chịu làm người mẫu cho hoạ sĩ vẽ tranh Phật.

Khi tác phẩm hoàn thành đã không ngớt lời khen của muôn người. Đó là bức tranh ai nhìn thấy cũng tin là Phật. Bởi khí chất thanh thoát, an lành của vị hòa thượng lại được nhân cách lên thêm qua nét cọ điêu luyện của họa sĩ; làm xúc động bất kỳ ai. Nên mọi người không còn gọi ông là họa sĩ nữa, mà gọi ông là “họa Thánh”.

Bẵng đi một thời gian, họa thánh bắt tay vào việc vẽ ma, nhưng điều này lại khó không ngờ hơn cả vẽ Phật vì ít nhiều hoạ sĩ cũng đã xem qua những tranh Phật của người đi trước. Còn ma thì chẳng ai biết hình tượng ra sao, ở đâu? Nên chỉ có chuyện kể…

Hoạ thánh đi tìm kiếm nhiều nơi. Gặp nhiều người có vẻ ngoài hung dữ, nhưng không ai vừa ý hoạ thánh vì ma phải hơn hung dữ một hay vài bậc mới là ma chứ. Ông nghĩ thế!

Cuối cùng, ông tìm được trong nhà tù một tù nhân rất… ma. Họa thánh vô cùng mừng rỡ, nhưng khi ông đối diện phạm nhân đó, người này đột nhiên khóc lóc đau khổ trước mặt ông.

Họa thánh lấy làm kinh ngạc nên thăm hỏi cho rõ ngọn ngành.

Người phạm nhân đó nói: “Tại sao lần trước khi người mà ông tìm để vẽ Phật là tôi, bây giờ khi vẽ ma quỷ, người ông tìm đến vẫn là tôi?”

Đến đấy người họa sĩ mới giật mình, ông nhìn kỹ lại người phạm nhân đó, rồi nói: “Sao lại có thể chứ? Người mà tôi tìm để vẽ Phật ấy khí chất phi phàm, còn ông xem ra chính là một hình tượng ma quỷ, sao lại có thể là cùng một người được? Điều này thật kỳ lạ, quả thật khiến người ta không thể nào hiểu nổi!”

Người tù đau khổ nói: “Chính là ông đã khiến tôi từ Phật biến thành ma quỷ”.

Họa thánh nói: “Sao ông lại nói như vậy? Trước sau, tôi đâu có làm gì đối với ông đâu!”

Người tù nói: “Kể từ sau khi tôi nhận được số tiền quá lớn của ông cho, tôi biết làm gì khác là ăn chơi để tìm thú vui, mặc sức tiêu xài. Nhưng đến khi tiền hết thì tôi đã quen với cuộc sống đó rồi, dục vọng đã khởi phát mà không thể thu hồi lại được. Thế là tôi phạm tội, thậm chí giết người để có được tiền ăn chơi, trác táng…, chuyện xấu gì tôi cũng có thể làm, kết quả là tôi đã thành ra hôm nay đây”.

Họa thánh nghe hết tâm sự của người tù. Ông ngộ ra bản tính con người trước dục vọng có thể biến đổi nhanh hơn cả thời tiết. Không ngờ con người yếu nhược đến vậy! Thế là ông buông cọ vẽ, từ đó về sau không còn vẽ bức tranh nào nữa. Nên trong dân gian đâu đâu cũng thấy treo ảnh Phật, thờ Phật; chứ không đâu có ảnh ma quỷ để treo… mà thờ phượng.

Ngay cái kết của người kể đã thấy người kể rất phật phật ma ma, ai muốn hiểu sao hiểu! Nhưng ai chối cãi được khi con người rơi vào dục vọng thì lạc mất mình trước, sau đó là hệ lụy. Sa ngã dễ bao nhiêu thì khi muốn thoát ra khó khăn sẽ hơn nhiều. Điển tích thì nhiều nhưng chung quy bản tính con người khó thoát vòng nghiệp chướng của dục vọng. Dù ai cũng biết điều đáng sợ nhất trên cõi đời là dục vọng, vì dục vọng làm mê đắm con người hơn hết những những triết lý, đạo lý mà người ta nghĩ ra được. Ai chả biết tiền tài tựa như gông xiềng, lòng tham là mộ phần. Tranh danh đoạt lợi cuối cùng chỉ phiền não, mệt thân. Nhưng buông bỏ tham dục để trở về bản chất thì con người vô thường; khi hiểu được niềm vui vô tận của sinh mệnh là tự tại tiêu dao thì người ta chỉ còn linh hồn cô lẻ vì thể xác đã tiêu tan…

Dục vọng là thứ đáng sợ nhất trên cõi đời thì ai cũng biết. Nhưng để thắng được lòng tham là căn bản nhất của dục vọng thì con người nhỏ bé và yếu đuối trước cám dỗ đến dường nào. Một người bạn khác kể chuyện “bạn-vàng” tiếp ý anh Hiếu khi bỗng dưng anh chị em quay sang những chuyện triết lý nhân gian…

Anh nọ kể,

Một vị tăng nhân hốt hốt hoảng từ trong rừng chạy ra, vừa khéo lại gặp được hai người quen đang trên đường. Họ hỏi vị tăng nhân: “Chuyện gì mà ông hốt hoảng quá vậy?”

Vị tăng nhân nói: “Thật là kinh khủng, tôi đi đào củ sâm nhưng lại đào phải cả đống vàng ở trong rừng!”

Hai người bạn nọ không nhịn được tò mò thì ít mà lòng tham trỗi lên thì nhiều nên họ nói với nhau: “Thật đúng là tên đại ngốc! Đào được vàng, việc tốt như thế mà ông ấy lại cho là kinh khủng, thật là không thể hiểu nổi!”

Thế là họ hỏi vị tăng nhân kia, “Ông đào được vàng ở đâu? Chỉ cho chúng tôi xem với!”

Vị tăng nhân nói: “Thứ xấu xa như thế, các ông không sợ sao? Nó sẽ giết người hàng loạt đấy!”

Hai người bạn đã động lòng tham nên nói: “Chúng tôi đây không sợ, ông cứ chỉ chỗ cho chúng tôi xem sao?”

Vị tăng nhân nói: “Dưới gốc cây ở bìa rừng phía tây”.

Hai người bạn liền lập tức tìm đến chỗ vị tăng nhân chỉ, quả nhiên hoa mắt với vàng! Người này liền nói với người kia,“Ngài tăng nhân đó đúng là ngốc thật, thứ vàng bạc mà mọi người đều khao khát đã ở trong mắt, trong tầm tay ông ta. Thế mà lại cho chúng là quái vật ăn thịt người.” Người kia cũng gật đầu đồng tình.

Thế là họ bàn với nhau làm thế nào để chuyển số vàng về nhà. Một người nói: “Ban ngày ban mặt mà đem nó về thật không an toàn chút nào. Hay là đêm đến thì mình mới vận chuyển, vậy sẽ chắc ăn hơn. Tôi ở lại đây canh chừng, và đào hết lên để thôi lại phí của trời. Ông hãy về mang chút cơm rượu, rồi trở lại. Chúng ta ăn cơm rồi đợi đến trời tối mới chuyển số vàng này về nhà”.

Người kia liền làm theo lời bạn nói. Trong khi người ở lại đào bới cả khu rừng nhưng đầu óc chỉ nghĩ: “Nếu như số vàng này đều thuộc về sở hữu của riêng ta thì hay biết mấy!”

Thế là khi người bạn đem cơm rượu đến khu rừng, người bạn đợi liền từ phía sau đánh gậy gỗ mạnh vào đầu bạn, khiến ông ta chết ngay tại chỗ. Chút ân hận lói lòng nên ông nói cho nguôi ngoa mình: “Bằng hữu ơi! Chính là số vàng này buộc tôi phải làm như vậy!”

Sau đó ông ta vớ lấy thức ăn mà người bạn mang đến, ăn ngấu nghiến vì đói. Nhưng chưa no đã cảm thấy khó chịu trong bụng như lửa đốt. Khi đó, ông ta đã biết muộn rồi là mình bị trúng độc trong cơm.

Người chết vì tiền tài, chim chết vì miếng ăn. Đều là họa của dục vọng mà lòng tham mới là chánh. Nếu không thì tăng nhân đâu nói thứ vàng bạc đó là thứ giết người hàng loạt…

Có thế chứ! Người tử tế bao giờ cũng kết thúc câu chuyện mạch lạc chứ không phật phật ma ma… để ai muốn hiểu sao hiểu!

Nhưng ra về đường xa, đôi tay tịnh trên tay lái. Tôi thử nhìn lại quanh mình thì dường như thời buổi bắt mọi người cứ phải thật thật giả giả; phật phật ma ma… để vẫn truyền đạt được ý mình, nhưng khi mất lòng nhau quá thì vẫn còn lối thoát! Nghĩa là người ta sợ mất quan hệ hơn mất chính kiến. Một thời đại có đáng để xét lại những quan hệ khi cán cân quan hệ và chính kiến đã nghiêng lệch vì lòng tham lớn nhỏ trong từng người…

Phan

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2017

Bài Mới Nhất
Search