T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phan: Thương thân con én

Những vòng đời

Những Vòng Đời – Tranh: Mai Tâm

Già Phiệt ngồi một mình trên cái ghế đá lạnh căm ngoài lối đi dài suốt của một loạt nhà hàng, tiệm, quán… Già thở ra cả mùa đông trong làn khói trắng ru đời vào quên lãng. Rồi một bóng người ghé qua chỗ già ngồi, trò chuyện đôi câu… Người đàn ông còn trẻ có phong thái bao dung, cử chỉ khiêm tốn như chính già Phiệt của mười lăm, hai mươi năm trước. Dù sao thì người trẻ ấy cũng không ngồi lại với già Phiệt đến đông tàn, bởi mùa đông của già chứ không phải của anh ta.

Nên sau cái bắt tay từ giã, anh ta đi vào nhà hàng, rồi mất hút trong nhóm đồng hương chỉ cách già Phiệt một lớp kính có máy sưởi và bữa tiệc gây qũy cuối năm. Người đàn ông còn trẻ ấy cũng không xa lạ, anh ta mời tôi ngồi vì anh đi một mình mà tôi thì cũng không có ai đi cùng. Chúng tôi đã từng gặp nhau nhiều lần, nhớ ánh mắt đồng cảm bị bắt gặp về một việc chẳng liên quan đến cả hai chúng tôi, nhưng nhớ mặt nhau từ hôm bà già sắp xuống lỗ nọ, chẳng biết có uống lộn thuốc hay không mà bà mặc một cái váy thật ngắn, rồi xoay người vòng tròn trên đôi guốc thật cao… trong tiếng vỗ tay của những ông già răng long tóc bạc. Có lẽ họ đang tìm về kỷ niệm của một thời xa xưa; có trách thì trách thời gian không dừng lại, không gian không biết trở về nên hoạt cảnh làm não lòng những người trẻ.

Tôi và anh bạn kia đã bắt gặp ánh mắt thương cảm của nhau về cùng một sự lạ. Chúng tôi nhớ mặt nhau có lẽ từ lần đó, dù anh thường đến những bữa tiệc gây quỹ với tư cách mạnh thường quân, còn tôi đến như phó thường dân, ai có việc của người đó, chỉ chào hỏi nhau xã giao rồi thôi. Nhưng hôm nay thật thuận lợi vì tiệc không đông, anh ta mua một bàn nhưng chỉ có vài nhân viên của anh ngồi. Bên bàn báo chí cũng chỉ có mấy mống. Anh mời tôi sang ngồi với anh cho vui. Cả hai chúng tôi đều chưa già nên không có nhiều tiểu sử để làm mất thời gian của người khác. Anh tên là “anh” vì tôi cũng không nhớ tên anh, anh nói với tôi khi nghe bàn bên đang nói về tử vi năm Đinh Tuất: “Người ta chỉ khác nhau vài khắc về ngày sanh tháng đẻ mà cách nhau cả thế giới ưu phiền.”

Tôi cười lãng nhách vì không ra đồng thuận hay chống đối gì hết! Anh nói tiếp về việc gặp già Phiệt ngoài kia, trước khi anh ta vào đây! Tôi nhanh chóng tin anh là người tử tế hiếm hoi vì chỉ việc còn nhớ già Phiệt rất tin tử vi và thăm hỏi già Phiệt đã là người tử tế. Thời buổi này, dễ gì được nghe một người đang lên nhắc tới một người đã hết thời với toàn những lời ân trọn vẹn, không có lời oán nào hết. Một người chịu bỏ ra tờ trăm dúi cho già Phiệt, không có tiếng keng, không ai biết, trừ người duy nhất nhìn thấy là tôi. Chỉ mình tôi thấy trong cái thế giới người ta bỏ ra đồng tiền càng nhỏ mà tiếng keng càng lớn càng tốt, mới là khôn ngoan. Như ông quen kia, không đồng ý cho vợ bỏ tiền vào thùng quyên góp mà đích thân lên sân khấu, mượn micro của MC để thông báo chính thức với mọi người là vợ chồng tôi đóng góp một trăm đồng! Ông chẳng kể gì đến việc MC vừa thông báo một người ẩn danh gọi phone đến đóng góp mười ngàn đô-la. Tôi kể chuyện cho anh bạn tôi nghe về một buổi quyên góp hôm tháng trước mà tôi cũng có mặt.

Bên ngoài lớp kính nhà hàng, lờ mờ bóng già Phiệt vẫn ngồi đó. Ông đợi bình minh không bao giờ lên vì cứ ngồi như thế thì ông sẽ chết cóng trước khi mặt trời mọc. Già Phiệt như con tốt đã qua sông thì mong chi ngày về. Nên tôi lơ đãng câu chuyện xung quanh của những người ngán dầu mỡ vì sợ cholesterol, cao huyết áp, hay tiểu đường thì cứ bị mời đi nhà hàng Tàu là những nhà hàng nổi tiếng dầu mỡ hơn là nổi tiếng ngon. Trong khi nhà hàng Việt Nam thì bị người ta sợ mức độ xài bột ngọt. Dù chưa có bằng chứng khoa học nào xác định được mức độ độc hại của bột ngọt một cách đáng tin cậy. Trong khi thức ăn nhiều dầu mỡ ở nhà hàng Tàu thì đã xác định được sự độc hại của dầu mỡ và chất béo động vật, đặc biệt là dầu cũ, đã qua nhiều lần chiên xào mà không thay dầu mới nên dầu đen thui, chứa hàm lượng carbon trong đó thật cao, là nguyên nhân gây ung thư… Tóm lại, thức ăn ở nhà hàng Tàu làm tăng hàm lượng mỡ xấu trong máu thực khách, dầu cũ là một trong những nguyên nhân gây ung thư, hóa chất ướp tẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc là nguyên nhân gây bệnh khó trị cho bác sĩ… Những người xung quanh đang lý luận khá đanh thép thì anh bạn tôi đưa ra nhận xét: “Ai nói là trên xứ Mỹ thì Tàu hết ép Việt Nam vì rõ là thực phẩm Tàu dầu mỡ, độc hại hơn thực phẩm Việt Nam nhưng lượng người Tàu vào nhà hàng Việt ít hơn lượng người Việt vào nhà hàng Tàu, cho thấy chỉ số thông minh của hai dân tộc!””

Tôi bắt đầu ngại ngồi kế anh bạn này vì thấy không khí bàn tiệc đã trở nên căng thẳng khi những thành phần chống cộng, chống Trung quốc trên bàn tiệc đã sửng cồ. Thật là quan ngại với thành phần cà chớn chống xâm lăng này, họ đả đảo Việt cộng với Trung cộng dữ lắm nhưng sau đó là âm thầm về Việt Nam. Nếu có ai hỏi đi đâu mà cả tháng không thấy mặt thì họ đi thăm bà con ở tiểu bang xa, nói láo tỉnh rụi như Việt cộng. Chỉ khi rượu vào dại ra, ai kể chuyện ăn chơi bên Việt Nam cũng thua họ hết. Họ về Việt Nam ăn cua mà không dính tay; chơi sao mà không bị bệnh mới tài… Tôi thật là đã biết ngán mấy ngày cuối tuần không được ở nhà mà cứ phải loanh quanh với cái máy chụp ảnh, rồi về lại viết bài phóng sự địa phương. Tôi gợi chuyện già Phiệt để anh bạn thoát khỏi vòng vây của những người đã ghim anh câu phát biểu thiếu tinh thần dân tộc ban nãy… Ai lại đem giòng giống con rồng cháu tiên đang hứng khởi đón năm mới Đinh Tuất đến rồi; một dân tộc có bốn ngàn năm văn hiến ra so kèo chỉ số thông minh với người Tàu.

Anh bạn tôi đã thoát vòng vây chụp mũ, ngồi kể tôi nghe tiếp về già Phiệt, ngày già còn làm chủ tiệm giặt, thì anh là người mới sang, được già nhận vào làm việc, nhưng anh chẳng biết làm gì nên già nói: “Mày làm được gì thì làm”. Không ngờ 10 năm sau, anh làm chủ tiệm giặt. Anh từng nói với già Phiệt: “Chú đến tiệm của cháu. Chú làm được gì thì làm, cho vui…””

Tôi cũng nhắc lại kỷ niệm với già Phiệt là ngày tôi mới sang, có đến tiệm giặt của già Phiệt xin việc. Được nhận. Nhưng chỉ làm cho già được một tuần thì đơn xin việc làm hãng được kêu. Tôi có trình bày với già để xin ý kiến. Già khuyên tôi mới sang thì nên đi làm hãng cho có bảo hiểm sức khỏe. Rồi thứ bảy, chủ nhật thì ra đây, già sắp xếp việc cho làm thêm… Tôi nhớ ơn đó của già nhưng chưa có dịp đền đáp.

Chúng tôi cùng nhớ cái tiệm giặt của già Phiệt năm xưa, cái tiệm không lớn bằng danh tiếng ông chủ Phiệt, một ông chủ ít ồn ào vào bậc nhất ở địa phương. Già không thích khoác áo mạnh thường quân lên sân khấu; cũng không xuất hiện nơi thờ tự công cộng như chùa chiền, nhà thờ… Chắc chỉ ít người biết được việc già Phiệt đóng góp hàng trăm ngàn đô la cho Hội Hồng Thập Tự hôm New York bị khủng bố năm 2001. Cũng có thể không ai biết việc đền ơn đáp nghĩa nước Mỹ của già nếu Văn phòng Khai thuế cho già không bất bình việc già Phiệt bị khùng, tự nhiên đi cho Mỹ cả trăm ngàn. Gặp tui có trăm ngàn không xài thì tui xây cái tượng đài Việt-Mỹ hay tượng đài thuyền nhân để lưu danh muôn đời chứ hơi đâu cho Mỹ. Thiệt là bó tay với ông khai thuế mà cả hai chúng tôi đều biết mặt, biết tiếng của ông.

Trên sân khấu, vị linh mục thấp người nhưng mạnh khỏe, đôi mắt sáng rực sự thông minh; gương mặt nghiêm nghị nhưng không khó tính. Cha có nét hóm hỉnh là đằng khác, chỉ cái áo thụng đen quá dài tương phản cô ca sĩ chân dài với cái váy trắng vốn ngắn càng thấy như ngắn hơn… Cha đang cảm ơn mọi người… mọi người cảm ơn cha đã nhường micro cho chân dài lắc xuân vui tết…

Bên ngoài chắc đã lạnh nhiều vì trời về đêm đã sâu. Chắc già Phiệt đang hoài niệm về một mối tình hơn là thuở vàng son: Ai chào ông chủ Phiệt trong tiệm ăn buổi sáng thì dường như khi người đó ăn xong, đi trả tiền đều được nghe cô thâu ngân nói là ông chủ Phiệt đã tính tiền cho anh, chị, ông, bà… Dạo đó ông chủ Phiệt nghe tiếng cảm ơn của nhiều người có đến hàng trăm lần mỗi ngày không chừng. Rồi hàng trăm người thôi nói tiếng cảm ơn ông chủ Phiệt từ khi nghe chuyện vợ ông bỏ nhà đi không từ giã. Từ đó ông buồn và buông bỏ làm ăn nên mới ra nông nỗi hôm nay. Một người tâm thần cũng không đúng, một người không nhà cũng không phải; một người thất tình thì hơi khắt khe, thất tình có nhiều cách sao lại chọn cách ngồi một mình để tăng phần trịnh trọng cho những ông chủ mới lên, áy náy cho nhiều người không biết làm được gì cho ông để lòng họ cũng bớt ray rứt phần nào về những ngày xưa thân ái…

Anh bạn tôi thì quả quyết, già Phiệt còn nhiều tiền lắm. Ông ta tự hành xác cho bà vợ động lòng quay về. Tôi gặp ông ta là đưa cho sư phụ chút đỉnh để tiêu vặt vì mình cũng không biết giúp gì hơn. Trong khi tôi biết là tiền cho ông ấy thì ông ấy cũng cho dân homeless, hay ai đó mà ông thấy khổ. Tóm lại là ông ấy khổ tâm về việc vợ bỏ đi không nói lời nào, đã khoảng chục năm nay…

Chúng tôi nổi máu tò mò về chuyện tình của già Phiệt nên tổ chức bắt cóc già đi quán khác. Tôi đi lấy xe, anh bạn cưỡng bức gần như tống già Phiệt lên băng sau. Vọt.

Đến quán nửa đêm vắng lạnh, nhưng không làm già mờ mắt đăm chiêu. Nét phong lưu của già còn nguyên khí khái: “Tụi bay dám bắt cóc tao thì uống đi. Hôm nay tao uống. Đừng hỏi nhiều…” Cứ thế, già nốc tì tì. Chuyện tình không suy tư chút nào thì làm sao khai thác! Già uống đến gục tại quán, chúng tôi đưa già về nghỉ ở nhà anh bạn.

Sáng hôm sau tôi đến đón già với anh bạn đi ăn sáng, rồi chia tay với già ở đó. Trên đường chở anh bạn đi lấy xe ở nhà hàng đêm qua, anh nói: “Có nghe già kể sơ sơ trong cơn mơ say là ngày xưa già rất nghèo, nhưng có người bạn thân lại rất giàu. Cả hai lại phải lòng mỗi một cô gái mới trớ trêu. Già biết mình yếu tình phí nên tự động rút lui. Nhưng cô gái lại thương người nghèo vì người giàu cùng lắm cũng còn có tiền để giải sầu. Nhờ thế già có hai đứa con với Phật bà. Rồi thì già không có lỗi gì hết, lỗi là ở Phật bà quá giỏi tính toán làm ăn nên già bị giàu. Trong khi tên giàu có kia lại nghèo vì thất tình nên Phật bà đi cứu độ cho hắn đã mười năm nay. Già tin là có Phật bà bên cạnh thì mười năm nay hắn đã giàu. Già cho hết của cải, bỏ làm ăn… chỉ để nghèo có mục đích là Phật bà sẽ về độ trì cho già đoạn cuối cuộc đời…”

Chia tay anh bạn mà từ hôm bắt gặp được nhau qua ánh mắt đồng cảm về một hoạt cảnh dở khóc dở cười; chắc chắn là sau đêm qua đi quậy già Phiệt, chúng tôi sẽ còn gặp nhau thường hơn về sau này. Nhưng chuyện tình của già Phiệt với ba người đều đã lớn tuổi, con cái đã trưởng thành… Sao họ không về chung sống dưới một mái nhà cho vui. Sao cứ người đi-người ngồi đợi. Chờ em chờ đến bao giờ… khi quỹ thời gian của ai cũng đã như đèn cạn dầu. Sao cứ mùa đông của anh này là mùa xuân của anh kia.

Thương thân con én.

 

Phan

 

 

 

©T.Vấn 2018

Bài Mới Nhất
Search