T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phạm Đình Trọng: Cái đẹp viết lên tên Croatia

 clip_image002

Giới thiệu: Giải Vô Địch Túc Cầu Thế Giới (World Cup2018) kỳ này, tuy chưa chấm dứt, nhưng đã được viên chủ tịch FIFA, ông Gianni Infantino, nhận định là kỳ giải xuất sắc nhất từ trước tới nay, nhờ vào chất lượng cao của các trận đấu và sự chu tòan trong tổ chức. Tuy vậy, đây cũng là mùa giải mà – từ khi có internet – giới mộ điệu bóng đá Việt khắp nơi (bao gồm cả hải ngọai lẫn một thành phần trong nước) tỏ ra thờ ơ nhất. Không phải vì sự đam mê môn thể thao vua không còn nữa. Một khi đã mê bóng đá thì suốt đời sẽ mê bóng đá, nhất là với mọi phương tiện truyền hình lúc nào cũng sẵn có trong tầm tay mọi người như hiện nay. Không phải vì mùa giải kỳ này thiếu hấp dẫn. Trái lại là đằng khác. Không thiếu những kịch tính có thể làm nhiều người đứng tim. Đội đương kim vô địch phải cuốn gói về nước ngay ở vòng đầu tiên. Đội Brasil ưa thích của nhiều người Việt Nam cũng đã phải thúc thủ trước đội Bỉ ở vòng đấu lọai bán kết. Và còn nhiều trận đấu khác có kết quả ngược hẳn với sự suy đóan của những người hiểu biết rành rẽ thực lực các đội tham dự.

Tại sao vậy?

Phải nói cho chính xác, theo dõi giải thi đấu thì chắc chắn là ít ai bỏ qua những trận đấu hấp dẫn. Nhưng bàn thảo, nhận định, phê bình khen chê đội này, cầu thủ nọ rôm rả như những mùa giải trước, thì không có.

Không bàn thảo về World Cup vì: không còn lòng dạ nào mà nói chuyện bóng đá, dù là giải vô địch thế giới, trong khi ở quê nhà, bao nhiêu người đang xuống đường phản đối quốc hội bù nhìn tìm cách thông dự luật Đặc Khu cho ngọai bang thuê đất 99 năm, luật an ninh mạng nhằm bóp nghẹt tiếng nói tranh đấu cho tự do dân chủ của những người trẻ yêu nước.

Giữa một tình hình như thế mà vẫn bình thản tán chuyện bóng đá thì thật là vô tâm, vô ý thức, vô tổ quốc, vô trách nhiệm, vô. . .

Bây giờ thì chỉ còn hai trận đấu cuối cùng, đặc biệt là trận chung kết giữa Pháp và Croatia. Ai mà không háo hức để xem, kể cả các anh chàng công an tận tụy với chế độ đang vô cùng bận rộn, kể cả những con người đáng khâm phục bất chấp bạo lực đàn áp vẫn hiên ngang xuống đường tranh đấu để rồi mang trong mình thương tích vẫn còn đang đau nhức âm ỉ.

Nhưng trước khi xem trận chung kết, xin mời quý độc giả cùng đọc bài viết dưới đây của nhà văn Phạm Đình Trọng. Tôi khâm phục kiến thức của nhà văn, nhưng khâm phục hơn nữa sự nhạy bén của ông. Chỉ một sự so sánh đơn giản giữa một đất nước chỉ có hơn 4 triệu dân mới thóat ách cộng sản được 20 năm với một đất nước gần 100 triệu dân đang còn mang ách cộng sản về cách đối xử với đội bóng nước mình của người lãnh đạo, cũng đủ giúp cho mọi người nhìn ở đâu có sự ưu việt.

Xin cám ơn nhà văn! Nhờ đọc ông, sáng chủ nhật sắp tới đây khi ngồi xem trận chung kết giải vô địch túc cầu thế giới, chắc hẳn tôi sẽ kinh nghiệm một cảm xúc khác hẳn với cảm xúc thông thường mỗi khi xem một trận bóng hay.

Và thay vì âm thầm mong mỏi cho đội Pháp đọat cúp, có lẽ tôi sẽ ngả hẳn về bên đội Croatia.

T.Vấn

Cái đẹp viết lên tên Croatia

Phạm Đình Trọng

(Nguồn: Tiếng Dân)

Ông thủ lĩnh cộng sản ở nước nào cũng có mộng đế vương, có đầu óc vĩ cuồng, có khẩu khí đại ngôn và có nỗi thèm khát lưu danh sử sách. Ông cộng sản nông dân Lê Duẩn của xứ sở nghèo đói phải cầu cạnh nước ngoài xin từng khẩu súng để giữ chính quyền, ngửa tay nhận từng bao hạt bo bo ở châu Âu chỉ để nuôi gia súc về để nuôi dân, năn nỉ xin từ cái nhà máy gang thép cổ lỗ, công nghệ phế thải để xây dựng nền công nghiệp. Vậy mà sau khi lấy máu của dân làm chiến tranh giành được cả giang sơn, làm chủ được cả dải đất hình chữ S bên bờ biển Đông, ông liền nghĩ ngay đến thâu tóm cả ba nước trên bán đảo Đông Dương thành một liên bang để ông làm hoàng đế cả liên bang Đông Dương.

Đầu óc vĩ cuồng của ông cộng sản xuất thân bên dòng sông ngắn ngủi, nhỏ hẹp như dòng suối Thạch Hãn đã làm ông cộng sản vĩ cuồng đàn anh bên dòng sông cuồn cuộn Dương Tử nổi giận. Ông vĩ cuồng Dương Tử liền tung hơn nửa triệu quân nện cho ông vĩ cuồng Thạch Hãn một đòn dằn mặt ở biên giới. Cái giá của đầu óc vĩ cuồng cộng sản Lê Duẩn đã phải trả bằng máu của hàng trăm ngàn mạng người dân Việt Nam.

Ông cộng sản gộc Vladimir Ilis Lenin làm chủ được nước Nga liền thâu tóm các nước trong vòng ảnh hưởng của Nga Hoàng trước đây, dồn các nước nhỏ bé từ bờ biển Baltic đến các nước lọt thỏm giữa thung lũng Trung Á vào cái rọ Liên Bang, xóa đi những cái tên riêng gắn liền với tinh hoa văn hóa dân tộc độc đáo được lắng đọng, kết tinh từ ngàn năm lịch sử để mang một cái tên chung lạnh lùng, hợm hĩnh: Liên Bang Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Xô Viết và người dân phải quên đi cái hồn văn hóa dân gian từ ngàn đời của cha ông để tiếp nhận cái gọi là văn hóa công nông ô hợp, tạp nham.

Ông cộng sản ương ngạnh trên bán đảo Balkan, Josip Broz Tito khi nắm được quyền lực nhà nước cũng lập ra Liên Bang theo hình mẫu Liên Bang Xô Viết. Liên Bang Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Nam Tư ra đời đã đẩy những đất nước có lịch sử lâu đời, có nền văn hóa đặc sắc Macedonia, Slovenia, Montenegro… vào hư vô quên lãng, đã xóa tên những dân tộc Croatia, Serbia… trên bản đồ chính trị thế giới.

Cuối thế kỉ 20, hệ thống cộng sản thế giới sụp đổ cái rụp. Các hợp tác xã nhà nước Liên Bang Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa tan rã. Các hộ nhà nước cá thể liền được tách ra thành những nước độc lập.

Dù những quốc gia đôc lập đã ra đời nhưng người dân bình thường trên thế giới suốt gần một thế kỉ chỉ biết có Liên Xô, Liên Bang Xô Viết cùng vài nước lớn trong Liên Bang như nước Nga, nước Belarus, nước Ukraina. Còn các nước nhỏ, chẳng ai biết đến.

Nhờ có tập tùy bút Daghestan Của Tôi và những bài thơ lấp lánh hồn dân tộc Daghestan của nhà thơ Rasun Gamzatov mà cả thế giới mới biết đến đất nước Daghestan tươi đẹp, dân tộc Daghestan tinh tế và sâu sắc nhưng đã một thời bị chìm khuất trong Liên Bang Xô Viết. Nhờ có tiểu thuyết Vĩnh Biệt Gunxarư, tiểu thuyết Người Thầy Đầu Tiên của nhà văn Chyngyz Aytmatov mà loài người được biết trên hành tinh xanh của 7 tỉ người có 6 triệu người Kyrgyzstan sống ở miền núi đồi và thảo nguyên Trung Á đã tạo ra nền văn hóa Kyrgyzstan đặc sắc.

Ông thủ lĩnh cộng sản Tito qua đời và Liên Bang Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Nam Tư tan vỡ bung ra thành nhiều nhà nước độc lập nhưng tên những nước nhỏ bé độc lập ở Balkan còn quá lạ lẫm, khó nhớ và thế giới rất ít người biết về sự có mặt của những đất nước này trong cộng đồng nhân loại.

Đất nước Bosnia may mắn có nhà văn Ivo Andric được giải Nobel văn học năm 1961 và tiểu thuyết Nhịp Cầu Trên Sông Drina của ông đươc dịch ra nhiều ngữ văn trên thế giới, trong đó có cả chữ Việt, nhờ vậy thế giới mới biết đến đất nước Bosnia trong Liên bang Nam Tư, biết đến nền văn hóa Bosnia , biết đến đời sống tâm hồn dân tộc Bosnia. Đất nước Croatia cũng có nhà khoa học Vladimir Prelog được giải Nobel về hóa học năm 1975. Nhưng hóa học chỉ có trong phòng thí nghiệm. Văn học là trang sách. Trang sách là cuộc đời và trang sách có trong mọi nhà. Vì vậy số đông người dân trên thế giới chỉ biết có nhà văn Ivo Andric của Bosnia mà rất it người biết đến nhà khoa học Vladimir Prelog của Croatia.

Nhưng Croatia lại chinh phục thế giới, lại viết tên mình vào trí nhớ, vào tình yêu của loài người bằng vẻ đẹp khác. Vẻ đẹp bóng đá và vẻ đẹp chính trị.

Năm 1991 Croatia tuyên bố độc lập thì chỉ bảy năm sau đội bóng đá với sắc áo ca rô trắng đỏ của đất nước Croatia nhỏ bé chỉ có hơn 4 triệu dân đã giành huy chương đồng trong kì hội bóng đá tưng bừng cả hành tinh, World Cup 1998.

Kỳ hội bóng đá hành tinh năm nay, World Cup 2018, sau sáu trận thắng những đội bóng lừng lẫy, thắng những nền bóng đá khổng lồ của khắp các châu lục với đủ màu da, các cầu thủ bóng đá Crotia đã đi đến tận trận cuối cùng, trận chung kết. Thắng đội Nigeria của lục địa đen 2 – 0. Thắng đội Argentina của lục địa Nam Mỹ 3 – 0. Thắng đội Icelend của Bắc Âu 2 – 1… Và trận bán kết thắng đội bóng England, nơi ra đời môn bóng đá, đội bóng có truyền thống lâu đời nhất thế giới, các cầu thủ Croatia đã tạo cho bóng đá vẻ đẹp lộng lẫy, ngây ngất và say đắm.

Bóng đá không chỉ là thể thao, không chỉ là thể lực. Bóng đá còn là nghệ thuật, là tâm hồn, là cái đẹp. Cái đẹp trong đôi chân dẫn bóng như vờn, như múa, như ảo thuật của Lionel Messi, Argentina. Cái đẹp trong cú sút như chớp giật, như sét nổ của De Buyne, Belgium. Cái đẹp trong khoảnh khắc vút bay người đánh đầu của Luis Suarez, Uruguay. Cái đẹp trong dáng bay lượn mềm dẻo như người nhện của thủ môn Hugo Lloris, France. Trong sáu trận đấu đã qua ở World Cup 2018, đội bóng Croatia với những cầu thủ nghệ sĩ Luka Modric, Ivan Rakitic, Mario Mandzukic, Danijel Subasic… đã tạo được những vẻ đẹp đó trong khoảnh khắc trên sân cỏ nước Nga nhưng sẽ còn lưu mãi trong lí tưởng thẩm mĩ của hàng trăm ngàn người có mặt trên sân cỏ nước Nga và còn mãi trong cảm hứng về cái đẹp của hàng tỉ người ngồi trước màn hình TV xem truyền hình trực tiếp WC.

Ở World Cup 2018, Croatia còn cho thế giới thấy vẻ đẹp của nền chính trị Croatia qua vẻ đẹp đầy nữ tính và vẻ đẹp chân chất, dung dị, gần gũi với người dân, gần gũi với đời sống người dân của bà Tổng thống Kolinda Grabar Kitarovic. Bà Tổng thống đi máy bay phổ thông cùng người dân. Bà Tổng thống đến sân vận động, ngoài buổi ra mắt xã giao, phải ngồi khu vực VIP cùng nguyên thủ các nước, những trận đấu khác của đội bóng Croatia, bà ngồi cùng hàng ghế bình dân với cổ động viên Croatia. Bà Tổng thống vào phòng tập kết cầu thủ, kiễng chân lên ôm từng cầu thủ, cảm ơn từng công dân Croatia đã làm cho thế giới biết đến tên Croati, biết đến vẻ đẹp Croatia.

Nhìn bà Tổng thống Croatia kiễng chân hân hoan ôm từng cầu thủ, từng công dân Croatia tôi lại chạnh nhớ đến hình ảnh bà Chủ tịch Quốc hội nhà nước cộng sản Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân vít đầu từng cầu thủ U23 Việt Nam để các cầu thủ phải cúi gập người trước bà chủ tịch Quốc hội. Hình ảnh những thần dân trước vương quyền phong kiến cộng sản. Càng thấy vẻ đẹp của tài năng Croatia, của nền chính trị Croatia, càng ngậm ngùi cám cảnh cho thân phận đen bạc của người dân Việt Nam trong thể chế của những ông thủ lĩnh cộng sản còn ôm mộng đế vương phong kiến, còn vung vãi máu dân cho những vĩ cuồng cộng sản.

clip_image001

Tổng thống Croatia ôm hôm từng cầu thủ. Ảnh trên mạng

 clip_image002

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân vít đầu từng cầu thủ U23 Việt Nam, để các cầu thủ phải cúi gập đầu trước bà chủ tịch QH. Ảnh: VNN

Bài Mới Nhất
Search