T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Nhà hát của những bóng ma

Dân oan Thủ Thiêm. Ảnh: Internet

 

(Nguồn: Báo Tiếng Dân)

FB Nguyễn Trung Bảo

9-10-2018

Để đo sự phát triển của một xã hội người ta đếm số bảo tàng và nhà hát chứ không phải cao ốc. Thế nhưng, đó phải là những nhà hát được xây dựng khi các nhu cầu cơ bản trong đời sống của thị dân đã được đáp ứng như y tế, giao thông, giáo dục… Nghệ thuật là phần hồn của con người còn các nhu cầu vừa kể trên là phần xác. Không bao giờ có tâm hồn tươi đẹp trong một thể xác bệnh hoạn ốm yếu. Và, càng không bao giờ có một tâm hồn đẹp đẽ cao sang như thứ nghệ thuật đỉnh cao là opera được xây dựng trên chính mảnh đất đầy uất hận, oan khiêng, căm giận như Thủ Thiêm.

Dường như là một trò trêu ngươi dư luận khi những sai phạm ở Thủ Thiêm chưa được xử lý đầy đủ, những oan ức, khuất tất mà người dân nơi này chịu đựng vẫn chưa được bù đắp; thì “đại diện nhân dân” lại 100% đồng ý xây dựng cái nhà hát, mà phải là nhà hát opera mới chịu. Không ai trong số các đại biểu đó có thể nghe hết một bản opera đâu. Bởi, người có đủ vốn tri thức và mỹ học để thẩm thấu và hiểu được nghệ thuật đỉnh cao như opera thì không thể thông qua việc trớ trêu như vậy.

Ai sẽ hát trong cái nhà hát 1.500 tỷ ấy? Chính những người dân oan mất đất? Tác phẩm đầu tiên được trình diễn ở đó có bật lên được tiếng thét uất ức của những người phải chứng kiến người thân của mình phải treo cổ vì mất nhà mất cửa! Khán giả nào sẽ khoác lên mình những bộ lễ phục hào nhoáng bước vào cái nơi chốn ấy để thưởng thức nghệ thuật mà không chút băn khoăn họ đang đạp lên chính sự căm phẫn của bao nhiêu người dân nhà tan cửa nát mấy mươi năm sống lay lắt? Trong số ấy, tôi đồ rằng sẽ có ông tiến sĩ biết tuốt ưa bợ đỡ chính quyền như ông Lương Hoài Nam.

Có trớ trêu không khi người ta quyết phá cho được ngôi chùa Liên Trì có tuổi đời gần bằng Sài Gòn. Đòi phá cho được các công trình của dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm, thậm chí có tuổi đời lâu hơn cả quá trình lập quốc của Canada. Để bây giờ lại nhân danh văn hoá đòi xây nhà hát. Không, khi tôi nhìn những công trình còn dang dở như hệ thống Metro, nhìn những giường bệnh nhung nhúc trẻ bệnh, nhìn dòng người cam chịu cảnh kẹt xe trong nước ngập hôi thối, nhìn những người công nhân gầy gò xanh xao đem con trẻ gửi vào những nơi ẩm thấp tăm tối và đầy bạo lực…. Không, tôi không tin những kẻ đang lãnh đạo một thành phố góp 1/3 GDP quốc gia mà đời sống người dân còn đầy nhọc nhằn như vậy lại có thể đủ vốn văn hoá hay tri thức để có lòng với nghệ thuật đỉnh cao như opera.

Nói các vị trưởng giả học làm sang là nhẹ cho các vị, phải nói đúng các vị là thứ đục nước béo cò. Sự trơ lỳ vô cảm của các vị xứng đáng với một tấm bia đá khắc đầy đủ tên họ của những đại biểu HĐND khoá này, những kẻ 100% thông qua cái dự án nhà hát opera. Bia đá đó sẽ được dựng trước cửa nhà hát. Nếu các vị đồng ý, tôi sẽ chịu phần kinh phí làm bia, khỏi cần tổ chức một cuộc họp để thông qua cho phí tiền thuế của dân.

Cái nhà hát ấy, sẽ là nhà hát của những bóng ma, bóng ma của các linh hồn phẫn uất khi bị cướp trắng đất đai nhà cửa. Chính những bóng ma ấy mỗi đêm sẽ diễn lại vở opera vô ngôn đầy nước mắt mang tên Thủ Thiêm.

 

Oan khuất Thủ Thiêm: Bản Sonata đầu tiên cho Nhà hát Giao hưởng

(Nguồn: Blog RFA)

CanhCo

9-10-2018

Hơn hai mươi năm qua, dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm đã đẩy người dân tại đây trở thành tha phương cầu thực. 14.600 hộ dân với hơn 60.000 nhân khẩu đã dời đi để nhường chỗ cho siêu dự án này. Những lời hứa mật ngọt ban đầu đã khiến không ít người hy vọng có cuộc sống tươi đẹp hơn khi được là công dân của Khu Đô thị mới vì nhà nước hứa sẽ dành riêng 160 hecta để cất nhà cho những gia đình bị giải tỏa. Họ chưa kịp vui thì tin … buồn ập tới, họ không được phân lô trong khu vực của Đô thị mới Thù Thiêm mà được UBND thành phố  cấp một ít tiền hỗ trợ để mua đất tái định cư tận trên Bình Trưng, Cát Lái, Thạnh Mỹ Lợi và Nam Rạch Chiếc, cách xa quê quán của họ hơn mười cây số.

Người dân Thủ Thiêm lúc ấy nhận được mức đền bù 18.380.000 VND một mét vuông vào năm 2009, và họ cay đắng khi biết được rằng chủ đầu tư có đất của họ đã bán lại với giá 350 triệu đồng một mét vuông. Cảm giác bị bóc lột tận xương trên con đường luân lạc đeo đẳng hơn 20 năm, sự uất ức đè nặng lên từng gia đình cho dù họ có cố tìm quên trong đời sống mới.

Hàng trăm hộ không chấp nhận sự bóc lột tàn tệ đã bám trụ lại và bị dồn vào những căn nhà ổ chuột để chờ đợi. Chờ đợi gì sau bao năm mòn mỏi khiến họ quên mất, cái họ đang sống cùng là những căn nhà không thể gọi là nhà, nó có 20 m2 cho một hộ gia đình có đến 8 tới 10 nhân khẩu. Ai đã từng xem phim Slumdog Millionaire (Triệu phú ổ chuột) của Ấn Độ sẽ hiểu thế nào là khu ổ chuột, nhưng cái khác nhau là tại Ấn Độ người nghèo vì nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân bị chính quyền lấy đất và đẩy họ vào sống tại khu ổ chuột thì hoàn toàn không có.

Đất Thủ Thiêm đã có người tự sát vì oan ức, đã có hàng chục người trở thành mất trí vì uất hận, đã có hàng trăm người bỏ công ăn việc làm chỉ để đi khiếu kiện, ngay cả ra tận Hà Nội họ cũng chấp nhận vì họ hiểu rằng phía sau những tờ giấy mà họ nhận được từ chính quyền thành phố là những âm mưu, những trò lách luật, những ve vuốt lẫn hăm dọa trên chữ nghĩa phải được trả lại sự thật. Họ tin vào một điều gì rất mơ hồ, không phải là Đảng mà nhiều gia đình Thủ Thiêm từng bảo bọc, không phải là niềm tin Cách mạng mà cách đây hơn 40 họ gắn bó. Họ khiếu kiện vì biết chắc chắn bị bọn cường hào đỏ áp bức, mà bị áp bức thì phải tranh đấu, đó là thuộc tính của con người.

Hầu như năm nào thì vụ Thủ Thiêm cũng được mang ra mổ xẻ nhằm làm dịu cơn đau của những nạn nhân mất đất. Mỗi lần như vậy người dân lại thấy thêm một thủ thuật của chính quyền trong vấn đề hứa hẹn. Đại biểu Quốc hội đơn vị tp HCM, kiêm chủ tịch HĐND thành phố, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, người gắn bó với vụ án Thủ Thiêm không phải vì sự oan khuất của họ mà bởi bà là chiếc loa của thành phố, gần như phát ngôn viên chính thức về mọi vấn đề mà thành phố đưa ra.

Chiều ngày 9 tháng 5 năm 2018 có lẽ là buổi chiều mà người dân Thủ Thiêm nhớ đời sau hơn 20 năm lặn lội kêu gào trả lại công lý cho họ. Lần đầu tiên trong gần 7 tiếng đồng hồ, hàng chục người dân đã nhìn thẳng vào mặt chủ tọa đoàn tra vấn về những gì mà UBND thành phố đã cướp đoạt bất hợp pháp tài sản của họ. Hàng chục phụ nữ khóc lóc như gia đình có người lìa trần chỉ để hỏi bà Nguyễn Thị Quyết Tâm tại sao bao nhiêu năm rồi mà đơn thư của họ không được giải quyết. Có người bất tỉnh trong buổi chất vấn, có người dứ nắm đấm vào mặt những người đại diện cho chính quyền, nói chung, khi xem lại video do VTC thực hiện người xem cảm nhận rất rõ mảnh đất Thủ Thiêm hôm nay thấm đẫm oan khuất đến mức nào.

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm như thường lệ, không tỏ vẻ bối rối trước sự giận dữ của đám đông quần chúng. Không những thế bà còn “tâm sự”: “Cô bác hỏi có day dứt không, xin thưa là tôi rất day dứt. Nghe cô bác nói vậy, xót lắm. Chính quyền giải quyết vấn đề lớn mà cô bác chưa đồng tình và khiếu nại, nghĩa là còn tin chúng tôi. Tôi cam đoan khi nào còn một ý kiến phản ánh thì vẫn còn đeo bám giải quyết vấn đề ở Thủ Thiêm”.

5 tháng sau ngày bà phát biểu về ý nghĩa của hai chữ day dứt, chưa người dân Thủ Thiêm nào nhận được tờ giấy có chữ ký của bà cho biết vụ Thủ Thiêm đã được tiến triển tới đâu. 5 tháng sau ngày ấy là một sự chờ đợi mỏi mòn của người mất đất, và hôm nay bà Quyết Tâm đã qua báo chí cho biết bà hoàn toàn ủng hộ dự án xây Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch đạt tiêu chuẩn quốc tế tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng từ nguồn ngân sách.

Bà ủng hộ vì theo bà, người dân Khu đô thị mới Thủ Thiêm rất cần nhà hát Giao Hưởng này.

Không khó để nhận ra “Quyết Tâm” tên của bà, từ nay đã trở thành “Nhẫn tâm” dưới mắt người dân. Không những tại Thủ Thiêm mà trên khắp nước, bởi nơi nào người dân còn tấm lòng thiện lương sẽ phát hiện ngay sự nhẫn tâm của bà trong câu nói tưởng chừng rất “vô tội vạ” cốt đánh bóng, tuyên truyền cho nhà nước một dự án như hàng ngàn dự án vô bổ khác trên khắp đất nước này.

Nước mắt và tiếng than khóc của người dân Thủ Thiêm đã và sẽ còn ám ảnh cho bất cứ ai nhớ tới. Trong cái nhà hát đạt tiêu chuẩn quốc tế ấy có tiêu chuẩn nào được tính cho sự ác độc, tàn bạo của kẻ cầm quyền hay không?

Người dân nào sẽ vào cái nhà hát “Giao hưởng” ấy khi nó mọc lên từ hoang tàn của lòng nhân đạo và nỗi ám ảnh bị cướp bóc còn hằn sâu trong lòng người mua vé vào xem.

Người Cộng sản xem ra rất phù hợp với hai câu thơ khuyến khích những hoạt động cách mạng trong xu thế hiện đại:

“Bất nhân nào cũng vượt qua / Nhân dân nào cũng đánh thắng”

 

Bài Mới Nhất
Search