T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Tôi yêu nước Mỹ. Đó là lý do tại sao tôi phải nói lên sự thật về nước Mỹ

(Nguồn: Báo Tiếng Dân)

TIME

Tác giả: Nguyễn Thanh Việt

Dịch giả: Mai V. Phạm

LTS: Nhà văn Nguyễn Thanh Việt, sinh năm 1971, là người Mỹ gốc Việt. Ông hiện là phó giáo sư tại Đại học USC. Ông được nhiều người Mỹ biết đến qua tiểu thuyết đầu tay “The Sympathizer”, đã nhận được nhiều giải thưởng cao quý, trong đó có giải Pulizer năm 2016.

Mới đây, ông Việt có bài viết đăng trên tạp chí TIME của Mỹ, có tựa đề: “Tôi yêu nước Mỹ. Đó là lý do tại sao tôi phải nói lên sự thật về nước Mỹ”. Chúng tôi xin được dịch và giới thiệu cùng quý độc giả.

Gia đình nhà văn Nguyễn Thanh Việt những năm đầu thập niên 1980 ở San Jose, California, nơi cha mẹ ông có một cửa hàng tạp hóa nhỏ tên “Sài Gòn Mới”. Ảnh: Nguyễn Thanh Việt

“Yêu thì ở, không thì cút” (“Love it or leave it”). Bạn đã nghe ai đó nói câu này hay chưa? Hay là bạn đã từng nói câu này? Bất cứ ai từng nghe năm từ này đều biết ý nghĩa của nó bởi ngụ ý nói về nước Mỹ. Bất cứ ai đã nghe câu này đều biết đó là một khẩu súng đã nạp đạn, nhắm thẳng vào họ.

Với những cá nhân nói câu này, các bạn có nói với ý thể hiện sự hòa nhã, đồng cảm, mỉa mai, châm biếm, hoặc bất kỳ sự hài hước nào hay không? Hay câu nói đó luôn được nói kèm theo sự hăm dọa rất rõ ràng?

Tôi hỏi điều này do tò mò thực sự, bởi vì tôi chưa bao giờ nói câu này nhằm đến bất kỳ quốc gia hoặc nơi nào. Tôi chưa bao giờ nói “yêu thì ở, không thì cút” với con trai tôi và tôi hy vọng rằng tôi sẽ không bao giờ phải nói điều ấy, bởi vì đó không phải là thứ tình yêu mà tôi muốn cảm nhận, cho con trai tôi hay cho đất nước tôi, bất kể quốc gia nào.

Đất nước mà tôi viết những điều này là nước Pháp, không phải là đất nước của tôi mà là nước đã xâm chiếm Việt Nam nơi tôi sinh ra trong khoảng hai phần ba thế kỷ. Sự cai trị của Pháp kết thúc 17 năm trước khi tôi sinh ra. Cha mẹ tôi và ông bà tôi không biết gì ngoài chủ nghĩa thực dân Pháp. Có lẽ vì lịch sử này, một phần của tôi yêu nước Pháp, một tình yêu trong một mức độ nào đó đến từ tâm trí bị Pháp đô hộ. Nhận thức được thân phận thuộc địa, tôi không yêu nước Pháp theo cái cách mà nhiều người Mỹ yêu nước Pháp: mơ ước tháp Eiffel, nhâm nhi ly cà phê tại Les Deux Magots, hoặc ăn một bữa ngon ở Provence. Đây là một tình yêu lãng mạn, theo những điệu nhạc accordion hoặc Édith Piaf, mà tôi chỉ cảm nhận thoáng qua. Tôi không thể nào bỏ qua các di sản của chủ nghĩa thực dân, vốn có thể nhìn thấy khắp Paris nếu người ta thực sự muốn nhìn thấy chúng: những người có nguồn gốc châu Phi và Ả Rập đang cư ngụ tại đây bởi vì nước Pháp đã có mặt ở đất nước của họ. Lãng mạn hóa sự tồn tại của họ, đôi khi bên lề của xã hội Pháp, sẽ là khó khăn và đó là lý do tại sao người Mỹ hiếm khi nói về chính họ như một phần ảo tưởng về Paris – Pháp.

Ảo tưởng thì hấp dẫn, đặc biệt bởi quá khứ Việt Nam của tôi. Hầu hết người Pháp gốc Việt tôi biết đều mãn nguyện, ngay cả khi họ biết về lịch sử thuộc địa của mình. Tại sao họ lại không chứ? Một người bạn Marốc ở Paris chỉ vào làn da của tôi và nói: “Anh có làn da trắng”. Nhưng tôi không phải là người “da trắng” ở Mỹ, hoặc chưa. Tôi trưởng thành ở Mỹ nhưng sinh ra ở Việt Nam, và nguồn gốc của tôi không thể tách rời khỏi ba cuộc chiến tranh: người Việt Nam đã chiến đấu chống lại người Pháp; người Việt Nam đã đánh nhau; và người Mỹ đã chiến đấu ở Việt Nam.

Nhiều người Mỹ coi chiến tranh là một điều gì đó cao thượng, cũng có thể là ý định tốt của nước Mỹ. Và trong khi có một số điều đúng, nó cũng chỉ đơn giản là một sự tiếp nối của cuộc chiến thực dân Pháp, một cuộc chiến tranh có nguồn gốc của sự phân biệt chủng tộc và chủ nghĩa đế quốc. Như vậy, cuộc chiến này chỉ là một biểu tượng của một sự mở rộng hàng thế kỷ của đế quốc Mỹ bắt đầu từ sự ra đời của chủ nghĩa thuộc địa và mở rộng sang biên giới Tây Mỹ, Mexico, Hawaii, Guam, Puerto Rico, Philippines, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam và bây giờ là Trung Đông.

Một cuộc chiến tranh có thể là một sai lầm. Nhưng một loạt các cuộc chiến tranh là một lộ trình khuôn mẫu. Trong trí tưởng tượng của người Mỹ, người Mỹ da đỏ có nguồn gốc khủng bố. Sự diệt chủng của người Mỹ da đỏ bởi những người da trắng là bộ mặt xấu xí của ngày Lễ Tạ Ơn, có thể không hoàn toàn được ghi nhớ nhưng không thực sự bị lãng quên ngay cả ở Pháp, nơi những hình ảnh của một người Mỹ da đỏ, ngực trần trong một chiếc mũ lông trắng cũng có thể được tìm thấy. Nhiều thế kỷ sau, bộ nhớ tiềm ẩn về cuộc diệt chủng – hay tưởng niệm cuộc chinh phục – sẽ lại xuất hiện khi những người Mỹ gọi địa hạt của người Việt Nam chống đối là “xứ sở của người da đỏ”. Hiện tại, người Hồi giáo là những kẻ ngoại lai da vàng trong khi những kẻ khủng bố là những tên cộng sản mới, bởi những người cộng sản không còn đe dọa (Mỹ) nữa và mọi xã hội đều cần một nhóm khác để xác định ranh giới và chuyển dồn nỗi sợ hãi.

Chợ Sài Gòn Mới ở San Jose, California, do cha mẹ ông Việt làm chủ hồi đầu thập niên 1980. Ảnh: Nguyễn Thanh Việt

Nhiều người Mỹ không thích nghe những điều này. Một cựu chiến binh người Mỹ đã viết cho tôi trong cơn thịnh nộ sau khi ông đọc một bài luận văn của tôi về những vết thương mà người tị nạn Việt Nam đã mang theo. Ông ấy nói với tôi rằng người Mỹ đã hy sinh cho đất nước Việt Nam của tôi, gia đình tôi, vì thế tôi nên biết ơn. Trong lá thư trả lời, tôi viết rằng ông ấy chính là người duy nhất bị tổn thương từ cơn giận dữ của chính mình. Và ông ta đã viết lại với một bức thư khác với giọng điệu thậm chí còn dữ dội hơn. Một cựu sĩ quan người Mỹ, hiện là một nha sĩ và bác sĩ, đọc cuốn tiểu thuyết The Sympathizer của tôi và gửi cho tôi một lá thư bằng giọng điệu rất thẳng thừng. Ông viết: “Anh dường như yêu thương những người cộng sản rất nhiều. Tại sao anh không trở về Việt Nam và mang theo con trai mình”.

Tôi cảm thấy chán chường, nên không viết lại cho ông ta. Tôi nên viết. Đáng lý, tôi nên chỉ ra rằng ông ấy đã không đọc hết cuốn tiểu thuyết của tôi, kể từ phần cuối nêu lên những thất bại của chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam. Có lẽ ông ta không vượt qua được cảm giác bị xúc phạm đến từ phần đầu của cuốn tiểu thuyết, vốn lên án cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam. Có lẽ ông ta cũng chưa đọc đến phần giữa của cuốn tiểu thuyết, khi tôi châm biếm những thất bại của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, miền Nam nơi tôi đã sinh ra.

Tôi chỉ trích như vậy không phải vì sự thù ghét nhưng bởi vì tôi yêu những đất nước này. Tình yêu của tôi đối với các quốc gia của mình là phức tạp bởi vì lịch sử, quá khứ của các quốc gia là khá phức tạp. Mọi quốc gia đều tin nó là tốt nhất và tầm nhìn này đã tạo nên những nền văn hóa đẹp, bao gồm cả Pháp. Và mỗi quốc gia cũng bị nhuốm trong máu của các cuộc chiến tranh và bạo lực, bao gồm cả Việt Nam. Nếu chúng ta yêu đất nước mình, chúng ta mang ơn không chỉ để tâng bốc đất nước, mà còn để nói lên sự thật trong cả vẻ đẹp và sự hung bạo của đất nước mình, bao gồm cả Hoa Kỳ.

Nếu tôi hồi âm lá thư đó, tôi sẽ hỏi vị sĩ quan – hiện là nha sĩ và bác sĩ – tại sao ông ta lại phải đe dọa con trai tôi, người sinh ra ở Mỹ. Quyền công dân của con trai tôi là dĩ nhiên, cũng có giá trị như quyền công dân của vị sĩ quan. Nhưng con trai tôi lại bị bảo rằng “yêu thì ở, không thì cút”. Cách nói như vậy có phải kiểu Mỹ không? Có. Và không. Trong cùng một lúc, “Yêu thì ở, không thì cút” vừa là phong cách kiểu Mỹ nhưng cũng không phải kiểu Mỹ, cũng giống như tôi vậy.

Không giống như con trai tôi, tôi phải nhập quốc tịch Mỹ. Tôi có yêu nước Mỹ khi tôi nhập tịch hay không? Thật khó để nói bởi vì lúc đó tôi không bao giờ nói “I love you” với bất cứ ai, bao gồm cả bố mẹ tôi, huống gì một quốc gia. Nhưng tôi vẫn muốn tuyên thệ quyền công dân Mỹ khi còn nhỏ. Đồng thời, tôi cũng đã muốn giữ tên tiếng Việt của mình. Tôi đã thử thay đổi khá nhiều tên Mỹ khác nhau. Nhưng, tôi đều cảm thấy không tự nhiên. Chỉ có cái tên mà bố mẹ tôi đặt là tôi cảm thấy tự nhiên, có thể là do bố tôi không bao giờ thôi nói với tôi: “Con là người Việt Nam 100%.”

Bằng cách giữ tên Việt Nam của mình, tôi có thể trở thành một người Mỹ nhưng không quên rằng tôi sinh ra ở Việt Nam. Nghịch lý thay, tôi cũng đã tin rằng bằng cách giữ tên Việt Nam của mình, tôi đã thực hiện cam kết với nước Mỹ. Không phải là nước Mỹ của những người nói “yêu thì ở, không thì cút”, nhưng với nước Mỹ của tôi, một nước Mỹ mà tôi buộc phải nói tên của mình, chứ không phải là một nước Mỹ ép buộc một cái tên cho tôi.

Đặt tên cho con trai tôi là một thách thức. Tôi muốn đặt cho con trai mình một cái tên Mỹ, để thể hiện sự phức tạp, đa dạng của nước Mỹ. Tôi đã chọn tên Ellison, là tên của nhà văn vĩ đại Ralph Waldo Ellison, vốn được đặt theo tên của nhà triết học vĩ đại Ralph Waldo Emerson. Gia phả của con trai tôi sẽ có màu đen và trắng, của văn học và triết học, của cả người Mỹ gốc Phi và người Mỹ. Gia phả này tượng trưng cho cả sự vĩ đại và nỗi kinh hoàng của nước Mỹ, cả nền dân chủ cũng như chế độ nô lệ. Một số người Mỹ muốn tin rằng sự vĩ đại của nước Mỹ đã chiến thắng nỗi kinh hoàng, nhưng đối với tôi, sự vĩ đại và nỗi kinh hoàng tồn tại cùng một lúc, như đã có từ lúc đầu của lịch sử Mỹ và có lẽ cho đến lúc kết thúc. Một cái tên như Ellison gộp cả vẻ đẹp và sự tàn bạo của nước Mỹ thành bảy chữ cái AMERICA, một kết quả của cả sự tuyệt vọng lẫn hy vọng.

Ông Việt và mẹ ông trước khi rời Sài Gòn. Ảnh: Nguyễn Thanh Việt

Đây là một gánh nặng đè trĩu lên con trai tôi, mặc dù nó không nặng hơn gánh mà cha mẹ tôi đã kỳ vọng vào tôi. Tên của tôi có nghĩa là người Việt Nam, một dân tộc với những câu chuyện thần thoại yêu nước kể rằng hàng thế kỷ chúng tôi đã phải chịu đựng gian khổ để được độc lập và tự do. Và mặc dù hiện tại Việt Nam đã độc lập, nhưng lại không hề có tự do. Tôi có thể không bao giờ quay trở lại Việt Nam thì tốt hơn, bởi vì tôi không bao giờ có thể trở thành một nhà văn ở Việt Nam và tự do nói những điều tôi muốn nói mà không bị tống vào tù.

Vì vậy, tôi chọn sự tự do của nước Mỹ, thậm chí tại thời điểm khi mà câu nói “yêu thì ở, không thì cút” không còn là lời nói cường điệu nữa. Chính quyền hiện tại đang đe dọa ngay cả những công dân nhập tịch bằng việc tước quốc tịch và trục xuất. Có lẽ không phải là quá xa vời để tưởng tượng rằng một ngày nào đó một người nào đó giống như tôi, sinh ra ở Việt Nam, có thể bị tống về Việt Nam, mặc dù đã nỗ lực hơn so với nhiều người Mỹ bản địa. Nếu là như vậy, tôi sẽ không mang con trai mình đi cùng tôi. Việt Nam không phải là đất nước của nó. Nước Mỹ là đất nước của con trai tôi và có lẽ nó sẽ biết đó là một tình yêu ít phức tạp và nhiều linh cảm hơn tôi.

Tôi cũng hy vọng rằng con trai tôi cũng sẽ biết tình yêu của một người cha thông thường thì ít phức tạp hơn tình yêu của tôi. Tôi chưa bao giờ nói “I love you” khi lớn lên vì Bố Mẹ tôi chưa từng nói “I love you” đối với tôi. Điều đó không có nghĩa là họ không yêu tôi. Họ yêu tôi rất nhiều, đến nỗi họ làm việc kiệt sức ở nước Mỹ – quê hương mới của họ. Tôi rất ít khi gặp Bố Mẹ mình. Khi tôi được gặp thì họ đã quá mệt mỏi để vui đùa cùng tôi. Tuy nhiên, dù mệt mỏi thế nào đi chăng nữa, họ luôn làm bữa ăn tối, ngay cả khi bữa ăn tối thường chỉ là món lòng luộc. Tôi lớn lên từ ruột, lưỡi, dạ dày, gan, mề và tim. Nhưng tôi chưa bao giờ phải đói.

Ký ức về tình yêu bản năng mãnh liệt đó, được thể hiện trong sự hy sinh của Bố Mẹ tôi, ngấm chặt trong tủy xương tôi. Một từ hoặc một giai điệu có thể khiến tôi cảm nhận được sự sâu sắc của tình yêu đó, như khi tôi nghe lỏm một cuộc trò chuyện trong tiệm thuốc gần nơi tôi ở Los Angeles. Người đàn ông bên cạnh tôi là một người châu Á, không đẹp trai, ăn mặc giản dị. Ông nói tiếng Việt trên chiếc điện thoại di động của mình. “Con ơi, Ba đây. Con ăn cơm chưa? ” Ông ấy trông lam lũ, có lẽ thuộc tầng lớp lao động. Nhưng khi ông ấy nói chuyện với con mình bằng tiếng Việt, giọng ông ấy rất dịu dàng, âu yếm. Những gì ông ấy nói không thể chuyển ngữ được. Nó chỉ có thể được cảm nhận.

Những gì ông ấy nói không có ý nghĩa gì đáng kể trong tiếng Anh, nhưng khi được nói bằng tiếng Việt, nó có nghĩa lớn lao. “Con ơi, Ba đây. Con ăn cơm chưa? ”Đây là cách mà những người chủ chào đón những vị khách đến chơi, bằng cách hỏi họ có ăn cơm chưa. Và đây cũng là cách Cha Mẹ – những người sẽ không bao giờ nói “I love you” – thể hiện tình yêu thương với những đứa con của họ. Tôi lớn lên với những truyền thống, những cảm xúc, những sự thân mật, gắn bó này và khi tôi nghe ông ấy nói như thế với con ông, tôi như muốn khóc. Điều này cho tôi biết rằng tôi vẫn là người Việt Nam, bởi vì lịch sử nằm trong máu tôi và văn hóa nằm trong dây rốn tôi. Mặc dù tiếng Việt của tôi không hoàn hảo, tôi vẫn đang kết nối với Việt Nam và với những người Việt tị nạn trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, khi tôi bắt đầu lớn lên, một số người Mỹ gốc Việt đã nói với tôi rằng tôi không thực sự là người Việt vì tôi không nói tiếng Việt giỏi. Câu nói đó cũng gần như đồng nghĩa với câu “yêu thì ở, không thì cút”. Có nhiều cách để trở thành người Việt Nam, cũng giống như có nhiều cách để trở thành người Pháp, và có nhiều cách để trở thành người Mỹ. Đối với tôi, miễn là tôi cảm nhận chất Việt Nam, miễn là những gì thuộc về Việt Nam khiến tôi xao xuyến, thì tôi vẫn là người Việt Nam. Đó là cách tôi cảm nhận tình yêu đất nước dành cho Việt Nam, một trong những đất nước của tôi và đó cũng là cách tôi cảm nhận bản chất Việt Nam của chính mình.

Khi phản đối tất cả những ai nói “yêu thì ở, không thì cút”, tôi nhấn mạnh vào nước Mỹ đã cho phép tôi trở thành người Việt Nam và nước Mỹ được giàu mạnh nhờ tình yêu của nhiều thành phần khác nhau. Chính vì vậy, mỗi ngày tôi hỏi con trai mình đã ăn cơm chưa và mỗi ngày tôi nói với con mình tôi yêu nó. Tình yêu của đất nước và tình yêu của gia đình không khác nhau là mấy. Tôi muốn tạo dựng một gia đình mà tôi sẽ không bao giờ nói “yêu thì ở, không thì cút” với con mình, cũng giống như tôi mong muốn một đất nước sẽ không bao giờ nói như thế với bất cứ ai.

Hầu hết người Mỹ sẽ không cảm nhận được những gì tôi cảm nhận được khi họ nghe tiếng Việt, nhưng họ cảm nhận được tình yêu của đất nước theo cách riêng của họ. Có lẽ họ cảm nhận được tình yêu sâu sắc, đầy xúc cảm khi họ nhìn thấy quốc kỳ hoặc nghe quốc ca. Tôi thừa nhận rằng những biểu tượng đó không có ý nghĩa nhiều đối với tôi, bởi vì chúng vừa thể hiện sự chia rẽ lẫn đoàn kết. Quá nhiều người, từ những quan chức cao cấp nhất của chính phủ đến thường dân, đã sử dụng những biểu tượng đó để nói với tất cả người Mỹ “yêu thì ở, không thì cút”.

Không cảm nhận được quốc kỳ và quốc ca không khiến tôi mất chất Mỹ, hơn những người yêu thích những biểu tượng đó. Không phải sẽ là quan trọng hơn nếu tôi yêu ý nghĩa thực sự của những biểu tượng đó, chứ không phải là hình thức của các biểu tượng? Những giá trị nền tảng: dân chủ, bình đẳng, công lý, hy vọng, hòa bình và đặc biệt tự do, tự do viết và suy nghĩ bất cứ điều gì tôi muốn, ngay cả khi các quyền tự do và vẻ đẹp của những giá trị đó đều được nuôi dưỡng bởi máu của diệt chủng, nô lệ, chinh chiến, thực dân, chiến tranh đế quốc, chiến tranh vĩnh cửu. Tất cả những điều đó là nước Mỹ, nước Mỹ xinh đẹp và hung bạo của chúng ta.

Tôi không hiểu sự xung đột đó của nước Mỹ trong thời niên thiếu khi tôi ở San Jose, California, vào những năm 1970 và 1980. Hồi đó tôi chỉ muốn trở thành người Mỹ theo cách đơn giản nhất có thể, một phần nhằm đối chọi lại yêu cầu của Bố tôi rằng tôi là người Việt Nam 100%. Bố tôi cảm nhận tình yêu sâu đậm đối với đất nước của ông ấy vì ông ấy đã mất nó khi chúng tôi trốn khỏi quê hương Việt Nam như những người tị nạn khác vào năm 1975. Nếu Bố Mẹ tôi nắm giữ bản sắc và văn hóa Việt Nam một cách quyết liệt, đó là bởi vì họ muốn giành lại đất nước của họ – một cảm xúc, giá trị tinh thần mà nhiều người Mỹ chắc chắn sẽ hiểu.

Hoa Kỳ tái lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam vào năm 1994, và Bố Mẹ tôi đã nắm lấy cơ hội đầu tiên để về thăm lại quê nhà. Họ đã về Việt Nam hai lần, không có tôi, viếng thăm quê hương đang cố thoát khỏi nghèo đói sau chiến tranh và tuyệt vọng. Không biết Bố Mẹ tôi đã nhìn thấy gì ở Việt Nam, nhưng nó đã ảnh hưởng sâu sắc đến Bố tôi. Sau chuyến đi thứ hai, Bố Mẹ tôi không bao giờ trở lại Việt Nam nữa. Trong bữa tiệc Tạ Ơn sau đó, Bố tôi nói: “Chúng ta bây giờ là người Mỹ.”

Cuối cùng, Bố tôi cũng đã xác nhận nước Mỹ. Tôi nên phấn khởi, trong lúc cùng gia đình ăn gà tây, khoai tây nghiền và nước sốt cranberry, là những món mà anh tôi đã mua từ siêu thị vì không ai trong gia đình tôi biết nấu những món đặc sản mà chúng tôi ăn chỉ ăn một lần vào dịp lễ Tạ Ơn. Nhưng nếu như tôi cảm thấy không thoải mái, thì đó là do tôi cố tự hỏi: Nước Mỹ (mà Bố tôi xác nhận) là nước Mỹ nào?

 

Bài Mới Nhất
Search