T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phạm Đức Nhì: CẢM XÚC TRONG BÀI THƠ PHƯƠNG XA

Ảnh (HKL)

 

Độc Giả Đặt Vấn Đề

Trong bình luận của anh Trần Nông Dân về bài viết Đọc Bài Thơ Phương Xa Bằng Đôi Mắt Bình Phẩm Nghiêm Túc của tôi trên Facebook, có đoạn:

 Nên vì vậy mà không nên để ý quá nhiều về cấu trúc, vần và điệu mà hãy tập trung về những xúc cảm chợt đến chợt đi cũng rất vô định của nhà thơ.

 Thơ của ông “chợt tỉnh, chợt say”, khi thì lả lướt, khi thì quay cuồng, khi rực cháy, khi yếu mềm… Ai đã từng đọc nhiều thơ của ông đặc biệt là tập “Thơ say” thì sẽ rõ. Điều đó phản ánh tư tưởng bất định của Vũ Hoàng Chương với lời thơ luôn theo những xúc cảm tức thời.”

Đó là những nhận xét chung về thơ Vũ Hoàng Chương. Anh Trần Nông Dân chắc đã tổng hợp từ nhiều nguồn khác để đưa vào bình luận của mình. Có điều anh không biết rằng nhận xét chung đó có thể đúng với một số bài thơ khác của “Thi Sĩ Say”, nhưng riêng với bài Phương Xa thì trật lất. Lý do: Khi viết Phương Xa, Vũ Hoàng Chương không có “những xúc cảm chợt đến chợt đi” một cách vô định. Tứ thơ trong Phương Xa rất rõ ràng: Đầu thai lầm thế kỷ nên “đời kiêu bạc không dung hồn giản dị”, “bị quê hương ruồng bỏ giống nòi khinh”, tác giả muốn xa lánh cuộc đời – lênh đênh trên biển cả hoặc cho thuyền “ghé bến hoang sơ”.

Bàn về Phương Xa mà nói rằng “Điều đó phản ánh tư tưởng bất định của Vũ Hoàng Chương với lời thơ luôn theo những xúc cảm tức thời.” chứng tỏ anh Trần Nông Dân chưa đọc kỹ, chưa hiểu hoặc đã hiểu bài thơ một cách sai lạc.

Cảm Xúc Trong Thơ

Tôi có may mắn được tiếp xúc, gần gũi với văn chương Anh Mỹ, đã đọc khá nhiều thơ Anh Mỹ và đã không ít lần cầm bút bình thơ Anh Mỹ kiểu trường lớp (bằng tiếng Anh). Theo nhận xét của tôi, họ rất chú trọng đến “kỹ thuật thơ” của tác giả. Trong khoảng trên dưới 20 tiêu chí để bình thơ, phần lớn nhắm vào kiến thức và “tài thơ” của thi sĩ. Tiêu chí về cảm xúc thì nằm gọn lỏn trong câu hỏi gợi ý: “What feeling has the poem created in you? Is it touching, for example?” (Bài thơ đã cho bạn cảm xúc gì? Có cảm động không, chẳng hạn?) Độc giả nếu muốn tìm hiểu thêm về những tiêu chí bình thơ của họ có thể bấm vào link sau đây:

https://www.iluenglish.com/how-to-analyse-a-poem-writing-poetry-reviews/

Dựa vào kinh nghiệm của nhiều năm làm thơ và bình thơ, tôi đã tự tạo ra một bộ thước để “đo” cảm xúc trong một bài thơ. Có thể trình bày nôm na như sau:

Xem bóng đá, mỗi khi thấy cầu thủ có một đường chuyền hay, xuất sắc đoạt bóng trong chân đối thủ, lừa bóng qua mấy đối thủ một lúc hoặc sút phạt hiểm hóc ghi bàn thắng cho đội nhà, khán giả sẽ cảm thấy khoái trá, cao hứng hoan hô vang dậy. Cảm xúc đó đến từ kỹ thuật cá nhân của cầu thủ. Dĩ nhiên, khán giả nào cũng có cảm xúc loại này, nhưng với khán giả thiếu nhi – trình độ thưởng thức bóng đá còn giới hạn – đây là loại cảm xúc mạnh nhất. Chúng khoái chí  nói với người lớn đi cùng: “Thằng số 8 chận bóng hay quá!” “Thằng số 2 lừa qua mấy đứa một lúc.” “Thằng số 5 sút đâu trúng đó.”

Trong thơ, khi gặp một chữ hay, một hình tượng gợi cảm, một cách ví von dễ thương, một câu thơ độc đáo, tạo ấn tượng mạnh mẽ, độc giả cũng cảm thấy thích thú, vui sướng một cách khó tả. Cải cảm giác đó tôi gọi là cảm xúc tầng 1 – đến từ câu chữ, nghĩa là tài chọn chữ, tạo câu của tác giả.

Những người hiểu biết bóng đá cao hơn một chút sẽ chú ý đến đấu pháp toàn đội (thế trận) hơn. Dĩ nhiên, kỹ thuật cá nhân của cầu thủ lúc nào cũng rất quan trọng. Nhưng thế trận công thủ nhịp nhàng hợp lý sẽ giúp đội bóng đá hiệu quả hơn nhiều, tạo khoái cảm ở mức độ cao hơn cho khán giả sành bóng đá hơn.

Trong thơ cũng vậy. Nếu thế trận bài thơ hợp lý, việc chuyển tải tứ thơ sẽ hiệu quả hơn. Chữ đắt, thi ảnh đẹp, câu thơ hay lúc nào cũng rất cần. Nhưng ý tưởng mạch lạc, dòng chảy của tứ thơ thông thoáng sẽ khiến độc giả thích thú hơn gấp bội.

Khi đội bóng qua được vòng loại để vào sâu trong giải, những trận đấu kế tiếp sẽ “được ăn cả, ngã về không”, “thắng đi tiếp, bại xách gói về nhà”. Sẽ không có tình trạng đá dưỡng sức để cầu hòa. Tinh thần cầu thủ sẽ phấn chấn cao độ. Ra sân là 11 người như một, hết mình chiến đấu. Nếu hai đội tài nghệ cân xứng, lại được khán giả cổ vũ nhiệt liệt nữa thì trận đấu sẽ nhiều cơ hội có hồn. Cầu thủ chuyền bóng cứ như là chân có mắt. Đi bóng qua hết cầu thủ này đến cầu thủ khác cứ như là biểu diễn xiếc trên sân. Nếu ghi được bàn thắng thì sẽ “nổ tung cầu trường”. Và rồi đội kia sẽ quyết liệt vùng lên. Khán giả sẽ được thưởng thức một bữa tiệc bóng đá tuyệt vời.

Tương tự như vậy, khi thi sĩ nổi điên lên vì căm thù, vì yêu thương, vì ham muốn – nói chung là thất tình lục dục của người đời – cảm xúc sẽ sôi lên phủ mời lý trí. Lúc ấy lý trí như thằng mù, chẳng thấy gì nên không đắn đo suy nghĩ như thường lệ, chữ nghĩa, hình tượng, ý tưởng cứ ào ạt tuôn ra như thác đổ. Nếu thi sĩ nhanh tay chụp được mớ chữ ấy, dàn trải thành thế trận, nhờ vần và nhịp điệu hỗ trợ, tứ thơ sẽ thông thoáng chảy thành dòng. Cảm xúc từ cơn điên ấy sẽ nhập vào dòng chảy của tứ thơ thành dòng cảm xúc. Với dòng cảm xúc có cường độ mạnh như thế rất dễ tạo cao trào. Hồn thơ sẽ xuất hiện. Không có lý trí xía vào để “gạn đục khơi trong”, lời thơ sẽ là tiếng lòng chân thật của cái tôi đích thực.

 Cảm Xúc Trong Bài Thơ “Phương Xa”

Trong bài thơ Phương Xa, ngôn ngữ thơ trong sáng, thi ảnh đẹp tuyệt vời ở 2 khổ giữa.  Có chút “ép phê ngược” ở cụm từ “họa dần vơi, nhưng nói chung, độc giả vẫn có sự thích thú. Cảm xúc tầng 1 khá cao.

Thế trận thì như tôi đã nói ở bài trước, ý trùng lặp, chữ dư thừa, nhiều câu thơ “vô tích sự”. Đội bóng Phương Xa rất kém về đấu pháp toàn đội. Cảm xúc tầng 2 không có.

Hơn nữa, khi viết bài thơ Phương Xa, mặc dù tứ thơ thì đầy tính phiêu lưu – muốn lênh đênh trên biển cả hoặc ghé bến hoang sơ . Nhưng tác giả viết trong lúc tỉnh táo quá, ý tưởng thì đã định hình trong đầu từ trước nên đọc thơ không thấy hơi nóng cảm xúc tỏa ra từ giữa hai hàng kẻ, không thấy người nhộn nhạo, lòng rạo rực như khi đọc những bài thơ có hồn. Có thể nói cảm xúc tầng 3 (của Phương Xa) hoàn toàn vắng bóng.

Chính vì cảm xúc của bài thơ Phương Xa chỉ có ở tầng 1 nên mặc dù nắm trong tay một “bộ thước đo cảm xúc” khá đầy đủ, tôi cũng chỉ đưa vào bài bình thơ của mình đoạn:

“Hai khổ thơ chính gồm những câu thơ gây ấn tượng mạnh mẽ, đọc rồi sẽ rất khó quên. Đó là những câu thơ hay tuyệt, có khả năng hớp hồn độc giả.”

 Tôi nghĩ viết như vậy là “không nâng, không dìm” mà vừa đủ. Hy vọng độc giả cũng nhận ra điều ấy. Không phải khi bình thơ tôi không chú trọng cảm xúc mà vì cảm xúc của Phương Xa chỉ có thế nên tôi cũng chỉ nói đến thế.

Kết Luận

Thi sĩ, dù tài năng và viết đều tay cách mấy, không phải cứ cho ra lò bài thơ nào là bài ấy đều siêu đẳng. Không phải cứ nghe tiếng Thi Bá là bài nào của ngài cũng cho là Bài Thơ Tổ rồi đưa lên bàn thờ mà vái lạy.

Tôi đồng ý thơ của Vũ Hoàng Chương nói chung là hay. Trong số thơ của ông có bài xứng đáng với danh hiệu “tuyệt tác” theo đúng nghĩa của hai chữ này. Theo tôi, trong lúc say bí tỉ ông đã thực sự tâm tình với độc giả bằng tiếng lòng chân thật. Cả tác giả lẫn tác phẩm đã hiên ngang bước vào Bến Bờ Thi Ca.

Có điều, như tôi đã viết trong bài bình thơ của mình, Phương Xa không phải là bài thơ đó.

Phạm Đức Nhì

 

 

 

©T.Vấn 2019

Bài Mới Nhất
Search