T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không : Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 7)

Giai thoại bài thơ Theo đuổi của Hoàng Cầm

Một phóng viên trẻ tới thăm Hoàng Cầm kể lại chuyện (giai thoại) này:

“Tôi hỏi: “Trong thơ có bao giờ anh đề cập đến vấn đề tình dục không” – “Có chứ, hầu như tất cả. Nhiều lắm” – “Anh có thể kể ra không” – “Để mình nghĩ xem đã”. Gặp tôi, nhà thơ Hòang Cầm rất vui và mỉm cười tiếp: “Cậu có biết tại sao mình làm bài thơ Theo đuổi này không? Trước thái độ ngơ ngác của tôi, ông nói tiếp: “Khi làm bài thơ này, mình có nghĩ đến một bài thơ xem tướng phụ nữ của Trung Quốc. Đó là mấy câu thơ chữ Hán mô tả thế nào là tướng mạo của một người đàn bà đa tình…

Hồng diện đa dâm thủy

Mi trường hộ tố mao

Chiết yêu chân cự huyệt

Trường túc bất chi lao

…Thực ra, lúc mới viết, mình chỉ nghĩ đến việc theo đuổi một cô gái đẹp sau đêm hội làng quê ra về:

Em ơi thử đếm mấy tháng giêng hai

Đêm hội Lim về đê quai rảo bước

Đuổi tà lụa nhạt

Ánh trăng đằm thắm đường sương

Ấy bởi thương em mái nhà um cỏ

Chim vào ra vách đứng cột ngồi

Em về đồng chiêm đất rạn chân em

Em đi mưa ngâu nước ngập đồi chè

Hồ nghe đêm hội ới a

…Nhưng từ sau câu “Em mi trường khép bóng”, thì những ý tưởng về những câu thơ trên kia hiện trong đầu, khiến mình liên tưởng đến ngay vấn đề tình dục, và đưa đến câu “Lòng tay êm mát rừng tơ xa”. Có biết đến câu thơ trên thì mới hiểu ẩn ý của những câu này, tôi mi dài mà liên tưởng đến bàn tay được xoa ở chỗ khác:

Lại xót mắt em mi trường khép bóng

Lòng tay êm mát rừng tơ xa

Lại xót tay em đêm trường ru võng

Rừng chân mây chưa động sóng quê nhà

…Đến câu “chân em dài” đưa đến “không biết mỏi”, rồi “má em hồng lại nối” chuyển sang “nước lụt mông mênh”,“lưng thon thon” để “cắm sào em đợi”, đã liên hệ đến mấy câu thơ xem tướng ở trên:

Chân em dài đi không biết mỏi

Má em hồng lại nổi đồng mùa nước lụt mông mênh

Lưng thon thon cắm sào em đợi

Đào giếng sâu rồi đứng lấp vội đầu xanh

Lý lý ơi khát khô cả giọng

Tình tình ơi chớ động màn thưa

Chìa vôi quẹt gió hững hờ

Bờ ao sáo tắm bao giờ…hở em?

….

Tiếng Việt rắc rối

Hỏi : Già đọc thành ngữ ca dao xưa của người xưa còn hiểu đặng như “Cuối cùng mèo lại hoàn mèo”. Tuy nhiên Già có một thắc mắc chuyện người nay:

Một người đàn ông có vợ hay có gia đình rồi mà lại đi có người tình khác thì mấy bà thường nói là “Thằng già ấy có…mèo“. Tại sao lại dê, mèo, quý bạn hữu nào biết xin giải thích giùm. Rất cám ơn.

Đáp: Không biết luôn!

(Trau giồi tiếng Việt – ĐatViet.com)

 

Giá sách cũ thập niên 30

Nhà văn André Malraux và vợ là nhà văn Clara Goldschmidt ra “Một tờ báo tự do. Một tờ báo đối diện với mọi hình thức kiểm duyệt và đương đầu với mọi định kiến nói lên những lạm dụng quyền lực của chế độ thực dân Pháp với những người Việt bị đô hộ”.

Ngày 17 tháng 6 năm 1925 số báo Đông Dương đầu tiên ra đời, tòa soạn đặt tại số 12 đường Tabert . Vợ chồng Malraux tự tay đi phát báo trên đường Catinat. Nhưng không đầy 50 số, báo Đông Dương bị thực dân đóng cửa.

André Malraux trở về Paris, viết tiểu thuyết La Tentation de l’Occident, La Voie Royale, Les Conquérants La Condition Humain và đoạt giải Goncourt, phần thưởng cao quý nhất nền văn học Pháp. (sau ông là Bộ trưởng Văn hóa của chính phủ De Gaulle).

(Thanh Hà – báo Sài Gòn Nhỏ)

 

Tiếng Việt, dễ mà khó

Để diễn tả tâm sự buồn nào đó dần dần giảm nhẹ đi, chúng ta hay dùng chữ “nguôi ngoai”. Ðúng ra là “nguôi hoai”. Trong các từ điển cổ, “hoai” có nghĩa là phai nhạt. Nghĩa ấy, cho đến bây giờ chúng ta vẫn dùng trong chữ “phân đã hoai”.

“Nguôi hoai” là từ ghép chỉ sự phai dần của một nỗi buồn, một niềm đau.

(Nguyễn Hưng Quốc – e-cadao.com)

Chỗ đặt

Từ Hoàng Cầm với bài thơ coi tướng đưa đến câu “Lòng tay êm mát rừng tơ xa”. Thì chẳng thể không nhắc đến bài thơ Chỗ đặt của Mai Thảo trong tập Ta thấy hình ta những miếu đền dưới đây:

Đặt tay vào chỗ không thể đặt
Vậy mà -đặt được chẳng làm sao
Mười năm gặp lại trên hè phố
Cười tủm còn thương chỗ đặt nào

 

Đỉnh chung

Đỉnh là cái vạc đựng đồ ăn và dùng chuông để gọi thực khách. Từ đó có cụm từ “miếng đỉnh chung” chỉ danh vọng, vinh hiển. Như “Miếng đỉnh chung cho rõ mùi đời” trong bài Nợ tang bồng của Nguyễn Công Trứ.

 

Nồi kê

Câu “giầu sang chưa chín một nồi kê” hoặc quán mộng hay hoàng lương mộng dựa theo chuyện người Lữ Sinh đời Đường đến quán trọ nằm đợi chủ quán nấu nồi kê thì thiếp đi. Và nằm mơ thấy mình thi đậu, làm quan, về già đông con.

Rồi tỉnh dậy thấy nồi kê vẫn…chưa chín.

Ý chỉ đời người chỉ là giấc mộng kê vàng.

 

Thay đổi ngữ nghĩa

Có những từ ghép hoàn toàn mang gốc Hán, song người Việt thay hẳn một yếu tố nào đấy để dùng riêng.

Như Hán ngữ dùng hộ sĩ thì Việt Nam dùng hộ lý (ghi chú: trước kia ở Trung Quốc cũng có từ “hộ lý” nhưng dùng chỉ vị quan cấp dưới thay thế vị quan cấp trên để giải quyết công việc lúc quan cấp trên vắng mặt).

Chúng ta dùng từ họa sĩ, Trung Quốc dùng từ họa sư/họa công.

(Võ Ngân Vương – Tạp chí Tài hoa trẻ)

 

Giai thoại làng văn

Vũ Trọng Phụng lúc được mười tám, mười chín tuổi đã phải đi làm thư ký cho nhà in, kiếm mỗi tháng 12 đồng để về nuôi bà và nuôi mẹ. Vì không đủ sống một phần, mà cũng vì thích viết văn, đọc báo phần khác, đến tối về nhà, anh viết truyện ngắn để bán cho tờ “Ngọ Báo” của Bùi Xuân Học và “Nông Công Thương” của ông Phạm Chân Hưng. Những truyện ngắn đầu tay của Vũ Trọng Phụng là những truyện “bực thầy”. Bây giờ nhắc đến anh, ai cũng nhớ đến “Số đỏ”, “Giông tố”, “Trúng số độc đắc”, “Dứt tình”, hay những phóng sự như “Cạm bẫy người”, “Kỹ nghệ lấy Tây”, mà ít có ai nhớ rằng Vũ Trọng Phụng nổi tiếng một thời là vì những truyện ngắn như “Chống nạng lên đường”, “Cái răng vàng”…

Phụng có một cái tài đặc biệt là không hề biết đánh bạc là gì, mà tập phóng sự đầu tiên viết cho báo “Nhựt Tân”, anh dám đề cập đến vấn đề bạc bịp. Thực ra, anh cũng chưa hề quan sát một vụ “đánh bờ” bao giờ, nhưng anh viết như một người đánh bạc thông thạo nhất, đó là nhờ một người anh là ông Trưởng Tạo, cũng ở phố Hàng Bạc, nói chuyện lại để cho anh viết. Cũng thế, đọc truyện “Số đỏ”, ai cũng tưởng Phụng là một tay ăn chơi sành sỏi khét tiếng mà lại “đểu” là khác nữa, nhưng sự thật trái ngược hẳn: trong tất cả anh em quen biết, Phụng có lẽ là người “chân chỉ hạt bột” nhất, hiền lành nhất mà tương đối cũng là đạo đức nhất. Tiêu pha hay chơi bời gì, anh tính toán từng đồng xu, không phải là vì kẹo, nhưng chính vì anh phải đứng mũi chịu sào lo cho cả nhà, trong đó có một bà nội góa và một bà mẹ góa, đồng thời lo sao để dành dụm được ít tiền lấy vợ, hầu có con nối dõi.

Về sau này, Phụng mòn mỏi đi, một phần lớn cũng là vì thức đêm thức hôm để viết cho nhiều báo như “Tiểu thuyết thứ bảy”, “Tiểu thuyết thứ năm”, “Hà Nội tân văn”, lấy tiền, nhưng cuộc sống của anh ở bên ngoài đối với những người lạ, không có vẻ gì vất vả; trái lại, anh lại ra cái dáng nhàn nhã, ung dung là khác. Không có tiền thì không tiêu, anh không hỏi vay của ai bao giờ mà cũng ít phàn nàn với ai rằng mình khổ. Đó là một đức tính làm cho anh em kính nể, nhưng anh em thương Phụng nhất về điểm dù khổ đến thế nào, Phụng cũng thủy chung như nhứt với anh em, cứ mỗi khi có báo dù biết trước là viết không có tiền, không nhiều thì ít, thế nào Phụng cũng có bài cộng tác với anh em.

(Vũ Bằng – Bốn mươi năm nói láo)

 

Viết và nói tiếng Việt

Giáo sư Cao Xuân Hạo là nhà ngữ học ở Hà Nội đã viết nhiều bài về tình trạng “Viết và nói tiếng Việt”. Tiếng Việt và tiếng “Hán-Việt” bị sử dụng sai nghĩa, sai ngữ pháp như:

Ðảo ngũ: Từ này vốn không có, mà do đọc sai từ đào ngũ, nghĩa là bỏ trốn khỏi quân đội trong khi đang tại ngũ. Cho đến nay, vẫn còn nhiều người mắc lỗi thô thiển này.

Thực sự – thực thụ: Thực sự có nghĩa là đích thị như vậy, không phải là giả; còn thực thụ nghĩa là đã chính thức nhận cương vị, nhiệm vụ hay chức trách của mình, không còn là tạm thời nữa. Một giám đốc thực thụ là một giám đốc đã chính thức nhậm chức.

Không ít người thường dùng từ thực thụ theo nghĩa thực sự.


Con tem, con cò

Bưu điện do người Pháp thiết lập năm 1862.

Người Bắc gọi là “con tem” vì người Pháp gọi nó là “timbre”.

Người Nam gọi “con cò” vì thấy hình con cò trên con tem.

***

Ngoài ra còn được gọi là “con niêm” vì thấy nó dùng để niêm kín cái thư.

Còn người Nam gọi người chỉ huy cảnh sát “ông cò”. Chữ “cò” đây phát âm chữ đầu

của chữ pháp commissaire de police.

Cảnh sát đi tuần được gọi theo tiếng Hoa là “mã tà”. Tức cảnh sát cưỡi ngựa đi tuần. Hai chữ mã tà này sau năm 1950 thì tự nhiên biến mất.

(Phạm Đình Lân)

 

 

Chén quan hà

“Quan hà”: quan là cửa ải, hà là sông.

“Chén quan hà” nghĩa chén rượu tiễn qua quan ải và sông.

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2011

Bài Mới Nhất
Search