T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Suy nghĩ tháng 4

• Chinh chiến cũng qua rồi em hỡi

Thiên thu còn giọt lệ cho đời

(Ngọc Phi)

1.

Tôi sọan lại chồng sách đã ngày một bề bộn. Tình cờ bắt gặp mấy bộ sách Sử Việt, được in ra rất trang trọng từ những e-books tôi nhặt nhạnh trên Internet. Gọi đứa con gái lớn nay đã học lớp 10 trung học , bảo con hãy tìm thì giờ đọc những quyển sách này. Đó là lịch sử đất nước mình. Con có bổn phận phải biết và nhớ. Đứa con gái ngoan ngõan, như thường lệ, nhìn bố và dạ. Tiếng dạ có âm thanh của sự miễn cưỡng. Tôi biết rồi nó sẽ để đâu đó trong tủ sách riêng của mình, cũng hiện đang bề bộn không kém của bố, và . . . quên. Có hỏi tới, nó cũng sẽ có rất nhiều những lý do chính đáng để hẹn lần hẹn lựa, chính đáng cũng như những lý do tôi bắt con phải học Sử Việt.

Lạc Long Quân Âu Cơ và cái bọc trăm trứng trăm con là gì? Trần Hưng Đạo, Nguyễn Huệ là ai? 30 tháng 4 là dấu mốc lịch sử nào mà người ta cứ nhắc đến hòai?

Con tôi sống ở ngòai đất nước. Cái khiếm khuyết của nó là không biết nhiều về Sử Việt Nam, cổ đại cũng như cận đại, dù sự hiện diện của nó ở một mảnh đất ngòai tổ quốc bắt nguồn từ một giai đọan lịch sử thật khó quên (với những người sống trong giai đọan ấy). Phần lớn những đứa trẻ sinh ở ngòai đất nước đều mang cái khiếm khuyết giống như con tôi.

Những đứa trẻ sinh sống ở trong nước, không mang cái khiếm khuyết giống như bạn đồng lứa sống ở ngòai đất nước. Chúng được học Sử Việt từ lúc mới bắt đầu biết đọc, biết viết. Nhưng hiểu biết của chúng về Sử Việt cận đại lại là thứ hiểu biết về một lịch sử không đúng như nó đã xảy ra, một lịch sử bị bóp méo cho phù hợp với ý muốn của nhóm cầm quyền, của phe thắng trận. Một lịch sử mà tính chân thực của nó đã bị hy sinh cho quyền lợi, danh vọng hão huyền của một nhóm người.

Dù không biết chút về lịch sử cận đại, hay biết một cách lệch lạc, thì gần 4 triệu con người ở cả hai miền Nam Bắc bỏ mình trong giai đọan lịch sử ấy vẫn là những nạn nhân có thật của một cuộc tương tàn. 34 năm chưa đủ dài để những oan hồn siêu thóat. Lại càng quá ngắn để người trong cuộc có thể quên đi những hồi ức nghiệt ngã. Lại càng ngắn hơn nữa để cho những người xuyên tạc lịch sử có được một khỏang cách an tòan mà can đảm (và âm thầm) sửa chữa những lỗi lầm của mình, để cho những người đã từng góp phần tạo nên lịch sử đủ thời gian nguôi ngoai mà thành khẩn xưng tội với đất nước, với đồng đội, nói ra những sự thật chưa bao giờ được hé môi.

2.

Mà máu xương buồn vấy,

Chân em thơ dại

Và trên đường nơi em qua lại,

Sao lòng chắc không ai,

Đã nằm chết nơi đây,

Duới mặt đất này

Để đừng đạp trên,

mặt người ngủ yên

(Nụ Vàng – Nguyễn đình Tòan)

Những bóng ma, những oan hồn của cuộc chiến tàn khốc. Họ còn nằm đâu đó bên cạnh đạn bom của qúa khứ. Họ cũng bị đóng băng cùng với ngày tháng và trí nhớ của cả bên này lẫn bên kia. Nhưng họ không nói được. Người chết có bao giờ nói được. Họ nhiều và nằm chật hết cả mảnh đất chữ S khiến người nhạc sĩ phải hỏi thế hệ mai sau rằng, trên những con đuờng em bước qua có chắc là em sẽ không đạp lên những mặt người đang nằm ngủ yên từ cuộc chiến khi em chưa sinh ra đời. Vì không nói được nên những người sống đã dành nói hết. Nói từ mấy chục năm nay rồi, và sẽ còn nói nữa cho đến khi . . . chết.

Lịch sử, thực ra là lịch sử của người chết. Nó như một vực thẳm không đáy, chứa không biết bao nhiêu là xác người: xác lính, xác dân, xác trẻ con, xác kẻ ác, xác người hiền, xác đấng anh hùng, xác kẻ hèn hạ nhút nhát. Chỉ có người làm ra lịch sử mới thấu hiểu hết cái đau thương của lịch sử. Nhưng muôn đời, kẻ làm ra lịch sử phải chết để cho lịch sử được thành hình, nên có bao giờ người chết hiểu được nỗi đau thương của lịch sử. Và thế là người còn sống cứ tha hồ mà huyênh hoang và . . . vô cảm. Oan nghiệt thật. Nỗi đau thương của lịch sử (chiến tranh) không bao giờ được thấu hiểu. Thế là chiến tranh cứ tiếp diễn. Lịch sử cứ tiếp diễn. Cùng với thế giới người chết ngày một đông đảo hơn.

Thế nên, ngày 30 tháng 4 vẫn còn được nhắc tới. Hàng năm. Nhưng cái điều cần thiết nhất là sống cho tử tế, sống cho xứng đáng là kẻ sống sót thì ít người nghĩ tới, nhớ tới. Nhất là bên được gọi là thắng trận. Câu nói mộc mạc của một người con đi tìm mộ cha sau hơn 30 năm mới biết được tông tích đã làm tôi nghẹt thở: “ba mươi mấy năm trước bắt người ta đi cải tạo, thì bây giờ cũng phải có trách nhiệm đem người ta về nhà chớ, dù người ta bây giờ chỉ còn là một dúm xương khô!”.

3.

Thế hệ con cháu chúng ta cũng sẽ nhắc đến ngày 30 tháng 4, như một ngày trong bất cứ ngày nào của một năm 365 ngày. Kẻ có học lịch sử, sẽ biết đó là ngày miền Bắc chiếm trọn miền Nam, thống nhất đất nước và thực hiện chế độ Cộng Sản trên bình diện cả nước. Với những người còn lại, ngày 30 tháng 4 chỉ đơn giản là ngày đánh dấu sự có mặt của tổ tiên họ trên những mảnh đất không phải Việt Nam. Dĩ nhiên, cha ông chúng hẳn sẽ không hài lòng. Họ muốn con cháu của họ phải nhớ đến sự kiện lịch sử ấy như họ đã nhớ.

Nhưng cũng như bao giai đọan trước đây trong lịch sử dân tộc, các thế hệ tiếp nối luôn luôn quá bận bịu với những vấn đề riêng của thế hệ mình, cộng với cái nhìn hòan tòan khác về một giai đọan lịch sử đã xẩy ra, nên họ từ chối lời khuyên bảo của người đi trước, dù rất thông cảm với một quá khứ đau thương của cha anh. Thông cảm, nhưng thế hệ trẻ không thể phủ nhận chính mình bằng cách lập lại rập khuôn cái cách thế hệ trước đối phó với các vấn đề của lịch sử. Họ sẽ chọn con đường riêng, cách thức riêng của mình và mạnh dạn rũ sạch mọi gánh nặng của quá khứ dù người cha đáng kính có tha thiết muốn đặt quá khứ ấy lên vai của con mình. Vô ích. Vì họ cũng sẽ lên đuờng với sự cô đơn rất ngạo nghễ như mấy chục năm trước người cha đã từ biệt gia đình để lên đường.

Hãy nghe một người thuộc thế hệ Một Rưỡi nói về mình. Ngày 30 tháng 4 năm 1975 anh mới chỉ là một đứa bé 7 tuổi, lẽo đẽo theo mẹ “chạy trốn súng đạn” cùng với đòan người hỏang hốt trong đêm (Việt cộng tràn vào và Quốc gia bỏ chạy):

30/4/2007 – Ba mươi hai năm. Thằng bé, ngày trước theo chân mẹ trong đoàn người chạy giặc đêm cháy đồn, nay đã lớn. Hắn hiểu được vài chuyện, nhớ vài chuyện, kể cả chuyện không muốn nhớ, không muốn bị ám ảnh như những chuyện từ cái ngày 30/4 xưa xa đó.
Đối với hắn, với đám bạn ấu thơ của hắn, 30/4 đơn giản chỉ là một ngày gợi nhớ những ký ức không vui của những năm tháng cũ.
Nhưng đó chỉ là đối với hắn và bạn bè của hắn.
Đối với nhiều thế hệ trước hắn, 30/4 vẫn là một ám ảnh của vinh quang và tủi nhục. Như một nhân chứng của lòng người ly tán, 30/4 được gọi bởi nhiều tên, kiêu hãnh như “Ngày Thống nhất đất nước”, ngạo mạn như “Ngày giải phóng miền Nam”, hay tủi nhục như “Ngày Quốc hận”, “Ngày mất nước”, bất lực như “Ngày cộng sản cưỡng chiếm miền nam”. Đó là một ngày mà kẻ chiến thắng trở về với thói huênh hoang, và người bại trận sống lại với nỗi đau bức tử.
Thế hệ của tôi không chiến thắng cũng không chiến bại. Chúng tôi chỉ thừa hưởng một gia sản tan nát từ những hận thù, những nhầm lẫn của những người đi trước. Không phải để huênh hoang, không phải để buồn tủi, 30/4 của chúng tôi chỉ là một dịp để nhìn lại mình, nhìn lại bạn bè mình, nhìn lại từng cuộc đời, từng nỗi đau để hiểu, để chia sẻ, để tìm về.
( Trần Trung Việt – Những ngày 30 tháng 4 –dcvblogs on October 22, 2007).

4.

Một bài học lịch sử được nhắc lại, trước hết là cho những thế hệ tương lai. Đó là mục tiêu chính của việc nhìn lại quá khứ.

Biến cố lịch sử 30 tháng 4 năm 1975 đã xác định một bên là kẻ chiến thắng, bên kia là kẻ chiến bại sau hơn 20 năm đối đầu. Hay ít ra cũng gây nên tâm thức thắng bại nơi những người tham chiến. Thiết tưởng, sau hơn 30 năm chiến tranh chấm dứt, tâm thức thắng bại ấy chỉ nên giữ riêng cho những người thuộc thế hệ trong cuộc.

Hãy để những thế hệ tương lai rút ra những bài học lịch sử có ích cho thế hệ của họ, theo cách nhìn lịch sử (trung thực) của riêng họ, như một người trẻ đã nói lên suy nghĩ của mình:

Thế hệ của tôi không chiến thắng cũng không chiến bại (Trần Trung Việt).

5.

Chúng ta đã chôn cất người chết. Tất nhiên, người chết – nhất là những người chết vì chiến tranh – đáng được tưởng nhớ đến nhưng không ai sống với người chết.

Chúng ta đã cố quên đi những nỗi đau, dù không thể một sớm một chiều, nhưng dẫu cho chúng vẫn canh cánh bên lòng, cũng không ai muốn sống với những nỗi đau, vì như thế có nghĩa là tự hủy họai chính mình.

Và dù người chết (đồng bào, đồng đội) và những nỗi đau (thể xác lẫn tâm hồn) có ám ảnh chúng ta đến thế nào đi chăng nữa, thì – một cách công bằng – chúng ta không có quyền buộc những thế hệ nối tiếp phải nhớ đến những người chết, theo cái cách như chúng ta đã nhớ, phải đau những nỗi đau, theo cái cách như chúng ta đã đau. Họ có sứ mạng riêng của thời đại họ sống. Và chắc chắn, họ cũng sẽ có những trăn trở nhức nhối trong khi hòan thành sứ mạng ấy, như chúng ta đã từng trăn trở nhức nhối trong thời đại của mình. Đừng bắt họ mang thêm gánh nặng của quá khứ một cách không cần thiết.

Lịch sử đã sang trang. Những người trẻ sẽ hòan thành những điều chúng ta chỉ mơ ước. Điều đó quan trọng hơn rất nhiều so với mặc cảm thắng bại trong tâm tưởng chúng ta, mỗi khi đối diện với ngày 30 tháng 4 trên tờ lịch hàng năm. (Thêm một ngày 30 tháng 4 – tạp chí Cadao tháng 4-2007).

T.Vấn

(Tháng 4 năm 2009)

© T.Vấn 2009

Bài Mới Nhất
Search