T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Lưu Na: BĂN KHOĂN DẤU TÍCH

Ảnh (Lưu Na)

Mợ nằm im ắng, nét mặt bình thản.  Làn da xanh tái và hai má lõm sâu, mợ không còn là mợ của hằng ngày.  Mọi người chung quanh đi lại nói năng lao xao một cách nhẹ nhàng, và lũ trẻ trêu chọc nhau cách đó mươi thước cũng không làm dậy lên được khoảng trống âm thầm chung quanh mợ.  Thì có bao giờ mợ ồn ào lên tiếng về một việc gì.  Mợ cần mẫn như cỏ – lan rộng vươn cao – nâng bước chân của mỗi đứa con và hứng lấy mọi nhọc nhằn một cách thản nhiên.  Cả khi mợ lặng im như bây giờ, Ngà cho rằng mợ vẫn gánh lên vai mình những bất trắc của các con, ôm vào lòng những phiền muộn mà mỗi đứa riêng mang, ít nhiều tùy theo chỗ đứng của từng đứa trong lòng mợ.

Như rất nhiều bậc sinh thành của thuở trước, mợ và bố mỗi người yêu dấu riêng một đứa con dù vẫn luôn khẳng định mình thương tất cả con cái đồng đều.  Mợ thương anh Huân nhất, nói anh Huân cười đẹp trai như tây lai!!!  Anh con trai đẹp như tây lai ấy, anh Huân mà Ngà vẫn thường rủ rỉ nói chuyện mỗi tối sau một ngày dài lao vào cuộc sống thuở mới đặt chân lên đất Mỹ, giờ lại mang trên mình một câu hỏi có lẽ chả ai có thể trả lời, và nếu có e đó không phải là câu trả lời mợ muốn nghe cũng như có ai muốn nói

Hôm đó mợ gọi Ngà hỏi thăm vu vơ.  Rồi mợ kể chuyện anh Huân với lời dặn dò là phải giữ kín.  Ngà nghe xong câu chuyện thì hiểu, mợ lo, và mối lo buồn đầy ắp tâm can nên mợ phải tìm Ngà mà thở than.  Nhưng đến chỗ này thì không thể lấy thúng úp voi lấy giấy gói lửa.  Mợ tin anh Huân vô can, riêng trong lòng Ngà phải than thầm – anh Huân, sao anh lại quá thờ ơ?

Ngày tháng qua đi nhưng tổn thất quá sâu xa khiến đổ vỡ không còn có thể hàn gắn, Vĩnh, chồng của Huyền, nói vậy khi hắn ghé tới ngồi kế bên Ngà.  Vĩnh có vẻ thân thiện với Ngà chứ không lấn cấn như những người trong gia đình.  Ngà hiểu, cái vị thế lửng lơ với Hùng, hoàn cảnh qua cầu rút ván như ba của Gia đã từng trề môi mai mỉa, là một vết chàm muôn thuở không phai dù chả ai còn muốn nhắc.  Giọng Vĩnh đều đều, cả lúc buông tiếng gọi anh Huân là thằng, thằng khốn nạn, vì “em không thể nào gọi tiếng gì khác hơn.”

Vĩnh rù rì kể lể.  “Bả,” chị Lan vợ anh Huân, sang trọng như sao.  Một bữa ăn trưa ba bốn ngàn đô, sắc bóp hiệu LV không mua như mình đi dòm đi ngó.  Bả vào thẳng phòng VIP ngồi uống xâm banh chờ các cô bán hàng mang từng chiếc ví đến giới thiệu và đeo biểu diễn.  Tậu cái nào thì đều có khắc hàng chữ “Làm riêng cho Lan!”  Thiên hạ chóa mắt há mồm, nên nghe chị Lan giới thiệu mối đầu tư rất riêng kín để không bị cạnh tranh thì ùn ùn nộp tiền.  Lời rất cao rất sòng phẳng trong những tháng đầu khiến mọi người không ngần ngại vét quĩ tiết kiệm, cầm cố nhà cửa bỏ thêm vào.  Dĩ nhiên anh chị em trong nhà cũng như bạn thân nối khố phải được ưu tiên góp vốn trước, nên khi cái trò mượn đầu heo nấu cháo sụp như nó phải sụp thì thân bằng quyến thuộc bị trời giáng  tại chỗ.  Và, nạn nhân đầu tiên chính là vợ chồng Huyền Vĩnh.

Vĩnh quả quyết, chính anh Huân là bộ não chỉ huy, bởi chị Lan dẫu mồm miệng cũng không đủ trình độ để nói chuyện đầu tư một cách bài bản và biết dùng những chiến thuật chiêu dụ hữu hiệu.  Ngà ngó sang chỗ anh Huân.  Anh ngồi im như pho tượng, mái tóc muối nhiều hơn tiêu từ thuở thanh xuân nay trắng bóng trên nước da hồng hào áo quần chải chuốt.  Trông anh như một người Mỹ đẳng cấp cuối tuổi trung niên.  Thì anh đẹp trai như Tây lai mà, mợ vẫn hằng nói vậy.  Ngà cố tìm trên gương mặt anh một nét gian xảo, một ánh mắt sắc lạnh hay u uẩn, nhưng anh chỉ ngồi yên trong vẻ xa lạ hững hờ.  Có thật anh cũng chỉ là nạn nhân của chính vợ mình?  Mợ bảo căn nhà của anh chỉ còn cái xác vì “nó” đã rút hết ruột, cũng bằng cách giả mạo chữ ký như đã làm với căn nhà của vợ chồng Vĩnh Huyền.

“Không dính vô trò đầu tư của bả mà vợ chồng em phải mất 4 năm và 250 ngàn đô tiền luật sư để lấy lại được căn nhà.”  Vĩnh đứng dậy rủ Ngà đi lấy cà phê ra ngoài nói chuyện cho thong thả.

“Ông Hùng không phải mất 200 mà là 700 ngàn đô, anh Giản bạn chí thiết của ông Huân từ thuở trung học mất một căn nhà và họ nhà vợ mất 16 căn.  Có tổng cộng có 25 người mất nhà!  Mợ đã quá già để biết mọi sự.”  Ngà nghĩ, lòng thương con khiến mợ không thể tin dù có thể trong thâm tâm mợ cũng ngờ cái điều tăm tối ấy.  Vĩnh lại tiếp tục, “Chị không tin ổng là chủ mưu?  Ngày em gọi ổng bả xuống để nói trắng đen, trước mặt ông Huân bà Lan bảo vợ chồng em không đủ tiền chạy luật sư chơi lại bả đâu thì ổng chỉ làm thinh.  Chính ổng cù cưa lần lữa nói tụi em từ từ cho anh chị tính nên em mới phải kiện 2 lần, tốn thêm bộn bạc.”

Bất chợt Hùng đi ngang, Vĩnh thúc Ngà, “chị để ý nè, cả anh Hùng lẫn con Huyền đều đâu nói chuyện với ông Huân.”  Quả thật chả ai nhìn ai nói với ai lời nào, và cả anh Giản cũng khéo léo quay sang nói chuyện với một ai đó để khỏi bắt tay anh Huân đứng chờ cách đó 2 bước.  Anh Huân, thực vậy sao?  Ngà cố nhớ lại anh Huân của những ngày tháng cũ.  Đâu là tình anh em thân mật ấm áp bất ngờ những ngày đầu lạc loài trên đất Mã Lai, đâu rồi cái ấp đầu an ủi mừng ngày đặt chân lên đất lành, đâu là những chia sẻ vui buồn những tâm sự riêng tư bước đầu tị nạn.  Anh thông minh sắc sảo và có phần ích kỷ vì là con yêu của mợ, anh cũng là người khép kín với gia đình, nhưng anh là người dễ mến hiểu đời và có vẻ không quan tâm đến những chuyện vật chất bề ngoài.  Như đọc được lòng Ngà, Vĩnh tiếp ngay – xe hơi 300 ngàn ổng có vài chiếc, đồng hồ 150, 80, chứ 30 ngàn chỉ là đeo chơi!  Máy hình Canon một bộ 25 ngàn, máy Leica loại đặc biệt làm theo ý khách 50 ngàn, sao lại không liên can.  Vĩnh liệt kê tiếp: ngày FBI bố nhà, bả có 3 triệu tiền bóp Louis Vuitton, ổng có 1 triệu tiền rượu, và sở thuế truy cáo 25 triệu tiền trốn thuế.  Ngà thấy xây xẩm, bạc trăm ngàn, bạc triệu, mà nghe như vài trăm lẻ!  Anh Huân, thật không?  Anh Huân vẫn ngồi yên không biểu lộ gì trên nét mặt.  Bên cạnh, chị Lan vui vẻ như chưa từng là người gạt gẫm gia đình chồng.  Vĩnh dập thêm cú chót: nếu chồng chị làm vậy chị có còn muốn chung sống?  Bả làm Lê Lai cứu Chúa ở tù thế cho nên ổng vẫn sống với bả đến giờ này, còn bả thì nhởn nhơ nơi đây như người vô tội.  Ngà lại liếc nhìn anh Huân, như muốn đào cho ra cái lẽ thật chỉ có mình anh ôm giữ.  Ngà chợt nhận ra, từ những ngày đầu của 40 năm trước khi bước vào gia đình này bằng mối tình học trò với Hùng để rồi cùng họ sống chết, anh Huân luôn là một nhân vật gợi tò mò và đầy những ngạc nhiên.  Anh như trang sách ố vàng im lặng trong một góc mà mỗi hàng chữ mở ra một con người một thế giới hoàn toàn khác với mọi thứ chung quanh.  Và cho mãi đến 40 năm sau, anh vẫn mang lại cho Ngà những bất ngờ khôn lường.  Ngà nghĩ, dẫu ngay gian gì thì anh Huân vẫn là kẻ bản lãnh không hoài công mợ dấu yêu, nhưng kịp giữ lại ý nghĩ ấy, và Ngà e rằng chính Ngà cũng mang tâm trạng hoài nghi không muốn tin của mợ.

Tiếng sư ông trầm trầm vang dội, hết bài kinh con cháu rạp đầu.  Ba tuần trà một bát cơm, anh Huân, anh nghĩ gì giây phút ấy?  Ngà thấy lạnh buồn bởi phút giây nữa thôi mợ sẽ về với đất mà tiễn đưa mợ chỉ là những eo xèo tai ương khôn bề gột rữa.  Mấy tháng trước mợ đã thở than, “bố mợ bao lâu nay cố gắng làm mọi điều lành, sao giờ đây…”  Ngà nhìn mợ thêm lần nữa.  Cả đời mợ nhẫn nại lặng thầm, ngay cả giây phút sau cùng sự im lặng trong lành của mợ vẫn là giòng nước êm che lấp những bão bùng đã xảy ra, mang những đứa con ra khỏi tranh chấp oán hờn mà cùng nhau tiễn mợ.  Mợ, không có tội ác nào làm vẩn được thiện lương của mợ.  Mợ hãy tin thiện lương ấy rồi sẽ rửa lành mọi vết thương.  Mợ hãy tuôn ra biển, hãy đến với bố.

Chuông mõ lại khơi, Ngà theo với những tấm khăn tang quì lạy mợ lần chót.  Nắm đất cuối cùng đưa mợ về cõi không lả tả rơi, Ngà đi giữa hai hàng cây rợp bóng trên lối nhỏ quanh co tưởng như mình đã về đến quê nhà.  Tàu SS-0682-IA giờ không còn dấu tích.

Lưu Na

03232020

 

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2020

Bài Mới Nhất
Search