T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phan Tấn Hải: MỘT THỜI ĐỂ MÃI VÕ

Kiếp Khác – Tranh: Thanh Châu

Một trong những lời tôi được học và đã nhập tâm ngay từ lần đầu nghe tới là Thâm Tín Nhân Quả, nghĩa là Phải Tin Sâu Vào Nhân Quả. Hình như luôn luôn có cái gì đáng sợ trong cuộc đời mà tôi lúc nào cũng cảm nhận được. Không phải là những điều cụ thể như sợ thất bại trong đời, mà là một nỗi lo mơ hồ không rời, đúng ra phải nói là khó rời. Nó như cái định mệnh chụp lên đời người, không cách chi chạy được. Và với tôi nhiều thập niên sau trong đời, tin sâu vào nhân quả là một trong những cách dứt bỏ nỗi sợ trên.

Tôi thường thấy rõ nỗi lo sợ mơ hồ vào những buổi sáng sớm. Thức dậy, pha ly cà phê hoặc trà, và ngồi nhâm nhi lúc bốn hoặc năm giờ sáng. Giây phút này hình như tai mắt tinh tường hơn. Không phải để thấy gì hay nghe gì cụ thể, nhưng nơi đây và giờ này như dường thịt da cảm nhận cuộc đời nhạy hơn. Những năng lực cuộc đời có thể chạy rần rần trên tay, trên chân, và có vẻ như là chúng ta đang đưa tay sờ chạm lấy cuộc đời.

Không phải kiểu nói trừu tượng đâu. Ai cũng có thể kinh nghiệm lạ như vậy, tôi tin điều này. Vào lúc sáng sớm, hít thở vài hơi sâu vào người thì sẽ thấy và xúc chạm được dòng sông biến dịch của cuộc đời. Nhưng cũng chính từ hạnh phúc này mà nỗi sợ mơ hồ như cụ thể hơn. Tôi thường nghiệm ra rằng cái trừu tượng nhất là thời gian đang đi nhanh hơn, như thể chính tôi đang thọc tay vào dòng sông thời gian quấy động.

Không phải là sợ thời gian. Có gì nơi đây đâu. Tôi đã từng được dạy rằng thời gian chỉ là những hồi của vở kịch. Và nếu có ai giữ tâm thức vui chơi thường trực trong vở kịch này thì nhà Phật gọi là giác ngộ, thầy tôi đã dạy như vậy. (Thật lâu về sau này, khi hành nghề “Sơn Đông mãi võ” tôi mới thấy mình thật sự đang ở vị trí của người dựng kịch, người đóng vai, và cả người xem kịch, hệt như chàng múa võ kiếm tiền phải biết từng lớp lang thứ tự, thí dụ sau nhào lộn đi quyền phải là gồng mình thử dao.) Nhưng điều đáng ngại từ đó chính là tôi không muốn ngủ nhiều nữa. Có cái gì rất chân thực trong chuyện người xưa đốt đuốc chơi đêm. Dĩ nhiên nơi đây tôi không nghĩ đến những thú vui, mà chỉ muốn nói đến cái cảm giác ban sớm ngồi nhìn thấy mình tắm gội trong thời gian. Ngày vui thì đương nhiên qua mau. Nhưng chỉ có những buổi sáng sớm tôi mới thực sự thấy mình bước đi, ngồi xuống, hít thở, tay chân cất nhắc đều trong vở kịch thời gian.

Đôi khi cảm giác này có vẻ như đang mơ. Không phải là vì giấc ngủ còn ngai ngái đâu. Cả khi thực sự tỉnh chứ. Vẫn có cái gì trong cuộc đời, không phải là làm tôi nuối tiếc, nhưng là làm thâm cảm tới, rửa mặt được, tắm gội được, vùng vẫy được trong dòng sông hiện thể. Và chính nơi đây mới thấy rõ hơn nỗi lo mơ hồ.

Thường thì con người sợ những gì không hiểu nổi, tôi đoán như vậy. Và cả những gì người ta cảm được mà không thấy được. Nơi đây, nỗi lo của tôi là cuộc sống. Bình thường trong ngày cũng ít khi tôi băn khoăn hay đặt câu hỏi gì về cuộc sống. Nhưng mỗi sáng sớm, khi thấy từng phân vuông da thịt đang thức tỉnh, những dòng điện chạy trên các khớp xương, những chân tóc rạo rực, tôi mới thấy rõ hơn dòng sông cuộc sống tôi đang tắm gội. Vấn đề tại sao không hiểu nổi, tôi chưa biết.

Nỗi lo sợ này cũng tự nhiên như người ngồi trong gian nhà tối. Và rồi khi đèn bật sáng lên mới thấy nỗi lo sợ cũng tự nhiên biến theo. Về sau, càng gặp nhiều chuyện gay go hoặc tai biến trong đời (nước mình lúc nào mà chẳng có tai biến), tôi lại càng thấy lại được nỗi lo trên. Thấy cụ thể bằng mắt trần, như dường nó hiện thân lơ lửng trước mắt. Và rồi từ từ, càng lúc càng ngấm sâu vào người câu nói Tin Sâu Nhân Quả. Không phải vì cứ chuyện gì không hiểu nổi thì cứ đổ tiệt cho nhân quả, nhưng tin chỉ vì là tin, như thể vì từ muôn nghìn kiếp trước đã từng tin. Cũng không phải vì lòng tin này chữa trị được nỗi lo sợ cuộc đời. Nhưng bởi vì nó như là sự thực, thế thôi.

Vài năm nay, trên nước Mỹ, tôi mưu sinh bằng một nghề tương tự như Sơn Đông Mãi Võ. Từ thuở nhỏ, tôi cứ nhớ mãi hình ảnh các chàng võ sĩ Sơn Đông đứng giữa chợ, nơi các ngã tư Chợ Lớn, vung cước đi quyền, nghĩa là “bán võ” để kiếm sống. Không biết cách so sánh nghề làm báo như kiểu mãi võ có làm ai tổn thương không, tôi chỉ thấy bình thường thôi—tập lạnh nhạt là điều cũng nên quen, bởi vì cảm xúc không nên để dư hoặc thiếu.

Bán văn giữa chợ để sống càng làm tôi hiểu nhiều hơn, xúc chạm nhiều hơn, thọc tay vào sâu hơn cái mạng lưới cuộc sống, và cũng kinh nghiệm nhiều hơn cái nỗi sợ “vở kịch thời gian.” Hãy nói thế này cho dễ hiểu, những gì mà người làm báo sáng tạo nên chỉ có tuổi thọ 24 giờ. Hôm nay không thể viết cái điều đã viết hôm qua, và dĩ nhiên lại càng không thể viết điều tuần trước. Có nhiều người cầm bút, khi gửi bài cho báo, ưa nghĩ rằng điều anh hoặc chị ta viết phải là giá trị muôn đời. Có lẽ và có thể. Tôi biết họ chân thực suy nghĩ và tin tưởng như vậy. Nhưng đó hẳn là chuyện của các tạp chí văn chương, không dính gì tới cái ngã tư Bolsa mà các môn phái Sơn Đông đang bán văn mưu sinh.

Ngày xưa, gia đình tôi sống trên một chung cư đường Đồng Khánh, gần chợ vải Soái Kình Lâm. Có những thời gian rất dài, tôi không có việc gì để làm, kể cả việc lang thang gặp bạn hữu. Đó là một thời kỳ dị, cả nước như lúc nào cũng chuyển mình trong những cơn sốt. Chính trị, xã hội, văn hóa, tôn giáo. Đủ thứ kỳ dị và xáo trộn để chiêm nghiệm. Tôi thường rời căn chung cư lầu ba, đi dạo các phố quanh nhà.

Cách nơi tôi ở một đoạn phố là Chùa Ông Bổn, nơi bước vào chỉ nghe quanh mình đủ thứ tiếng Trung Hoa. Chỉ cần đứng nơi cổng nhìn vào cũng thấy ngợp trước một kiến trúc khổng lồ, những cây cột một người ôm không hết vòng, những phù điêu rồng phụng vàng đỏ xanh đen bay lượn khắp tường và cột. Khi dạo phố ngang chùa buổi sáng, tôi lúc nào cũng thấy có những nhóm thanh niên đang học võ. Một người trong chung cư giải thích đó là võ phái Đường Lang, một môn phái luyện theo các thế tự vệ của con ngựa trời.

Nơi các ngã tư gần đó, trên đường Hải Thượng Lãn Ông, thường thì buổi chiều lại có một gánh Sơn Đông mãi võ bày trò bán thuốc trị gân nhức xương và đủ thứ linh tinh khác. Khu bán kính 500 mét này có thể gọi được là một trong những nơi nhộn nhịp nhất của Chợ Lớn. Lui về hướng đường Tổng Đốc Phương thì là chỗ ăn chơi của dân nhà giàu xe hơi cáu cạnh. Bước qua thêm một khu phố sẽ tới hè phố bày bán sơn và hóa chất nơi lối dẫn vào chợ Bình Tây. Đi ngược về đường Nguyễn Trãi sẽ tới khu ăn uống, với hàng trăm xe đẩy bán chè, bánh, hủ tiếu, đủ thứ.

Và tôi luôn luôn nhìn những chàng múa võ giữa chợ với lòng ngưỡng phục, với chung quanh bốn hướng mặc cho bốc lên mùi hủ tiếu, mặc cho ầm ĩ tiếng kèn xe của bọn nhà giàu ăn chơi đưa đón gái giang hồ, mặc cho tiếng xí xa xí xồ nửa Hoa nửa Việt mặc cả giá các lon sơn Bạch Tuyết, và cả sau này mặc kệ cả các chàng công an ngây ngô giọng trọ trẹ đứng nhìn.

Các tay trong những gánh võ, tôi tin và bây giờ vẫn tin, phải là võ sư thật. Họ dùng cổ uốn cong mũi giáo. Họ nhào lộn, múa quyền, đá liên hoàn cước hay hơn xi nê. Phim ảnh có khi dựa vào kỹ thuật. Còn đây là chuyện thấy trước mắt, nghe tận tai, nào có ai phù thủy được mình. Tôi và mọi người chung quanh và cả các chàng võ sư đều như có cảm giác rằng những hình ảnh này có khi sẽ biến mất vĩnh viễn trên quả địa cầu này. Đó là lý do tại sao tôi theo dõi, nhìn ngắm họ cực kỳ trân trọng—để chiêm ngưỡng một cái nghề kỳ dị, như sắp lui hẳn hoàn toàn vào những trang sách cổ. Và có lẽ đó cũng là lý do tại sao, tôi cảm thấy, họ diễn võ cũng cực kỳ trân trọng như sợ rồi một giờ sau, hoặc một vài ngày sau rồi sẽ không tìm được người để họ phô triển các chiêu thức một đời tân khổ.

Họ kiếm sống gian nan lắm, ai cũng biết điều này. Đồng tiền họ nhặt được nơi góc phố, ngoài mồ hôi của lòng bàn tay sau giờ múa võ, có thể có cả lòng thương hại của những người không còn thật tâm tin vào loại thuốc trật gân đả xương của họ. Hình như họ còn bị ngăn cấm hành nghề nơi vài con đường; dĩ nhiên chính quyền nào thì cũng ưa hành hạ những tay giang hồ tứ chiếng. Các cửa tiệm tư bản nơi đường Tổng Đốc Phương thì hiển nhiên là không muốn các gánh võ bày hàng gây đông đúc ồn ào trước tiệm. Gần chợ quá cũng không được vì trở ngại cho những sạp hàng hè phố. Và tôi còn nghe, đôi khi các phái võ tìm nhau thử tài hoặc gây sự—nghĩa là sơ suất có thể bị đánh chết như chơi. Một lần tôi hỏi một ông cụ người Hoa, thuộc phái Đường Lang, người tôi thường gặp dưới góc phố nơi bàn làm chìa khóa, con dấu gỗ của một cậu con Trời. Ông cụ không trong các gánh múa võ Sơn Đông, nhưng hẳn là quen nhiều sinh hoạt của họ và của cả các đoàn múa lân râu bạc râu đỏ lung tung, bởi vì nhiều chuyện ông cụ kể lại y hệt như tiểu thuyết Kim Dung vậy, có điều là phân giải chiêu thức như dường cụ thể hơn với những cái khoa tay hay uốn khuỷu. Ông cụ không trả lời trực tiếp, chỉ nói rằng điều tối hậu của một võ sư là sống thật bình thường, phải thấy không có gì để phải dụng võ trên đời. Thấy tôi nhìn ngờ vực, tôi lúc đó thì vẫn là quá nhóc tì chứ, ông cụ bảo rằng, không phải vì sợ đưa tay động chân lỡ chết người, cũng một phần thôi, cũng không phải chuyện điều tâm điều thân điều tức vớ vẫn chi, nhưng vì học võ là học để hiểu hết về con người.

Lúc đó tôi thật ngốc nghếch, cũng chẳng nghĩ đến chuyện xin học võ. Đúng ra thì tôi chẳng còn lòng nào để tập võ thuật. Tôi đang cơn ngấu nghiến đọc đủ thứ sách, vì cứ sợ rằng một hôm nào sẽ không còn sách nữa. Trong một đất nước xã hội chủ nghĩa thời cuối thập niên 1970 thì không riêng gì võ, mà chữ nghĩa sợ cũng sớm rồi diệt chủng.

Và rồi nhiều năm qua đi. Bây giờ đã vào năm Đinh Sửu, tôi không biết những gánh võ Sơn Đông có còn biểu diễn trên các góc đường Chợ Lớn nữa không. Nhưng tôi có cảm giác hiểu họ nhiều hơn. Phần nào vì tôi cũng là một người đang hành nghề tương tự, đang chia sẻ một số mệnh chung với họ. Họ cũng là những người lưu lạc hải ngoại, mưu sinh bằng mồ hôi nước mắt cho các nhóm khán giả nhỏ nhoi. Thật tâm, tôi tin nghề làm báo này cực kỳ cao quý, và cả thiêng liêng nữa, và phải là do tiền định ý Trời nữa. Dĩ nhiên, những buổi sáng sớm tôi dậy nhìn cuộc đời, thì cả nghề võ cũng cao quý vậy, cũng thiêng liêng và tiền định nữa. Nhưng những đồng tiền của họ nhặt lên sau màn múa quyền phóng cước có hòa lẫn niềm vui và nỗi đau xót? Không biết. Trên đời này có bao nhiêu chuyện là không biết.

Nhưng điều tôi thâm cảm được trong nhiều năm ra giữa chợ bán văn chính là càng lúc càng tin sâu vào nhân quả. Một đôi khi, vào một buổi sáng thật sớm, khi ngồi uống trà, tôi có cảm giác như sắp chuẩn bị cho một phiên múa võ cho số báo phải làm trong ngày. Đêm về, lật sách Anh văn học thêm dăm cách đặt câu lại có cảm giác như đang tập quyền luyện cước. Cũng không hẳn để làm gì, nhưng chỉ vì không rời được võ nghiệp. Hay có phải kiếp trước tôi hành nghề Sơn Đông mãi võ đến chán chê, và kiếp này chuyển sang nghiệp bán văn. Không biết, lại càng mịt mờ không biết.

Có lẽ, điều biết duy nhất của tôi là cuộc sống cực kỳ tuyệt diệu. Không có gì đã hơn khi được sống đủ vai trên đời—dựng kịch, đóng kịch, và xem kịch (nói theo ngôn ngữ vị Thầy của tôi, một Thiền Sư Tây Tạng phái). Chén trà buổi sáng tất nhiên là có vị chát. Nhưng cuộc sống thì, Trời ơi, không thể kể xiết bao nhiêu là vị.

Cuộc đời ơi, ta thương mi biết sao cho cùng.

Phan Tấn Hải

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2020

Bài Mới Nhất
Search