T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Châu Thạch: Bàn Về “ĐỌC LẠI NGƯỜI XƯA” (Bài 1)- Thơ Vũ Hoàng Chương

 

I – Sơ lược về nhà thơ Vũ Hoàng Chương:

Vũ Hoàng Chương(1916-1978) ở Nam Ðịnh, nguyên quán ông là làng Phù Ủng, huyện Đường Hào nay là huyện Mỹ Hào tỉnh Hưng Yên.

Thi phẩm của Vũ Hoàng Chương được nổi tiếng nhất là tập Thơ Say (xuất-bản năm 1940). Sau tháng Tám 1945, nhà thơ họ Vũ đã cho ra đời thêm mấy tập thơ nữa là: Mây (1943), Rừng Phong (1954); một tập kịch thơ Vân Muội, Trương Chi, Hồng Diệp (1944).

Sau năm 1954, nhà thơ di cư vào Nam, ông tiếp tục sáng tác không ngừng cho đến khi ông mất. Các tác phẩm giai đoạn này là các tập thơ Tâm Sự Kẻ Sang Tần (1961), Lửa Từ Bi (1963), Ta Đợi Em Từ 30 Năm (1970), Chúng Ta Mất Hết Chỉ Còn Nhau (1973)… Ông từng được vinh danh là “Thi bá” Việt Nam.

Sau 1975 bị bắt giam ở Chí Hòa, do bệnh nặng Ông mất ngày 6 tháng 9 năm 1976 tại Sài Gòn.

II – Sự Kiện của thơ:

Sự kiện của thơ do nhà thơ La Thụy, Quản nhiệm trang blogspot Phú Đoàn và La Thụy đăng trên báo của mình như sau:

“Di cảo của Vũ Hoàng Chương (1975 – 1976), do Vũ Hoàng Chương trao cho Hoàng Hương Trang giữ trước khi qua đời, đây là công bố đầu tiên di cảo này, gồm 14 bài, trong đó có 1 bài thơ Tết vịnh Tranh Gà Lợn, 12 bài cùng 1 nhan đề “Đọc lại người xưa”, còn 1 bài ông làm trong tù gồm 12 câu, phải làm 6 lần, mỗi lần bà Đinh Thục Oanh vợ ông vào thăm nuôi, ông chỉ viết 2 câu trên mảnh giấy gói đồ, 6 lần vào thăm nuôi ghép lại mới hoàn chỉnh bài thơ, tuy nhiên bài ấy do bà Đinh Thục Oanh giữ và nay đã thất lạc, Hoàng Hương Trang chỉ nhớ vỏn vẹn 1 câu: “Tối về Khánh Hội sáng vô Chí Hòa” để chỉ những cuộc thăm nuôi của bà Đinh Thục Oanh vào thăm ở Chí Hòa, lặn lội cuốc bộ về tới Khánh Hội ở đậu nhà bà Đinh Hùng thì trời đã chiều tối. Nhưng bài thơ này cũng là ngoài 12 bài liền mạch “Đọc lại người xưa”.

Hoàng Hương Trang nay cũng ở gần cái tuổi 80 rồi, sợ không giữ được, nên xin công bố, in vào tuyển tập sau này để lưu giữ được lâu dài, làm tài liệu cho văn học sau này.

Năm 2012, La Thụy được chị Hoàng Hương Trang tặng TUYỂN TẬP THƠ VĂN XUÔI HOÀNG HƯƠNG TRANG, trong đó có in những bài thơ cuối cùng, là “di cảo do thi sĩ Vũ Hoàng Chương trao cho chị Hoàng Hương Trang giữ trước khi qua đời”. Những bài thơ này được in từ trang 398 đến trang 407 trong tuyển tập nêu trên. Xin giới thiệu cùng quý bạn đọc.”

III- Nghiên cứu bài thơ “Đọc Lại Người Xưa” Bài 1

  1. Bài thơ “ĐỌC LẠI NGƯỜI XƯA (1)

 “Minh nhật dục từ nam phố đạo

Hà nhân cách xướng bắc cung thanh”

Cao Bá Quát

 

Đường Thanh Nghệ Tĩnh chon von

Nhịp ba cung bắc ai còn hát đây

Cánh chim lượn gió đong đầy

Khói hoàng đô thoắt liền mây Đế Thành

Rồng Lê phượng Nguyễn tung hoành

Chẳng e lưu xú chẳng đành lưu phương

Ba hồi trống giục pháp trường

Máu tuôn phách dựng phố phường còn mưa

Cơn buồn lọt gió mành thưa

Mấy mươi giông bão cho vừa nhịp ba

Nào ai đáng mặt danh ca

Mời ai danh sĩ Bắc hà về nghe.

                Vũ Hoàng Chương

 

Bài thơ nầy Vũ Hoàng Chương viết về Cao bá Quát:

Cao Bá Quát ( 1809 – 1855), biểu tự Chu Thần, hiệu Mẫn Hiên, lại có hiệu Cúc Đường, là quân sư trong cuộc nổi dậy Mỹ Lương chống lại triều Nguyễn, và là một nhà thơ nổi danh ở giữa thế kỷ 19 trong lịch sử văn học Việt Nam.

Ông là người làng Phú Thị, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh; nay thuộc xã Phú Thị, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Cuối đời Cao Bá Quát làm thủ lĩnh của cuộc khởi nghĩa lớn chống triều Nguyễn. Khởi nghĩa thất bại, cái chết của ông có nhiều giả thuyết, giả thuyết Cao Bá Quát bị chém được kể lại thành giai thoại văn chương.

Trước khi nhập đề “Đọc Lại Người Xưa” (1), nhà thơ Vũ Hoàng Chương đã dùng hai câu thơ của Cao Bá Quát để dẩn nhập cho bài thơ của mình. Nguồn gốc của hai câu thơ nầy được nhà thơ La Thụy giảng giải như sau:

  “Minh nhật dục từ nam phố đạo,

Hà nhân cánh xướng bắc cung thanh.

(Cao Bá Quát)

 

Hai câu thơ đó có nghĩa là:

Ngày mai muốn xa cách đường Nam phố,

Ai lại còn đàn hát giọng Bắc hôm nay.”

“Bài thơ này nằm trong quyển “Cao Chu Thần thi tập’ của Trung Tâm Học Liệu xuất bản năm 1971

 

ĐỀ ĐÀO NƯƠNG XÁ

Cổ nhân bất thức kim nhân hận,

Tài đáo thương ly thuyết tận tình.

Minh nhật dục từ nam phố đạo,

Hà nhân cánh xướng bắc cung thanh.

Hàn y cô quán băng xương thiểu,

Vụ hiệp thâm thôn trúc thụ bình.

Túy sát Tầm Dương tiếu Tư Mã,

Thanh sam hà sự lệ tung hoành

Cao Bá Quát

 

Dịch nghĩa:

Người xưa không biết thấu nỗi lòng hận của người đời nay,

Nên mới gặp một sự đau lòng biệt ly hơi hơi, cũng đã nói hết sầu tình.

Ngày mai muốn xa cách đường Nam phố,

Ai lại còn đàn hát giọng Bắc hôm nay.

Sương giá không bao, quán trọ vẫn quạnh hiu lạnh lẽo,

Cây cối đều bằng phẳng, vì mù trùm làng mạc thâm u.

Nực cười cho bến Tầm Dương, chàng Tư Mã kia say,

Việc gì mà đến nỗi lai láng dòng lệ, thấm tràn áo xanh.

*

Dịch thơ:

 

ĐỀ THƠ QUÁN ĐÀO NƯƠNG

Người xưa không biết người nay hận,

Vừa mới xa nhau đã hết tình.

Mai sẽ từ biệt đường Nam phố,

Mà ai lại ca giọng Bắc thanh?

Lạnh lùng quán quạnh dầu sương ít,

Bằng phẳng cây nhiều với vụ sanh.

Cười ngất rượu say Tư Mã khách,

Can gì lệ đẫm khắp bào xanh!

“Sa Minh Tạ Thúc Khải”

Đọc hai câu dẩn nhập vào bài thơ “Đọc Lại Người Xưa”(1) của Vũ Hoàng Chương, ta cũng có thể hiểu nhà thơ Vũ Hoàng Chương muốn dùng hai câu thơ của Cao Bá Quát để nói lên tâm sự u uẩn của người xưa mà cũng gởi vào đó tâm sự u uẩn của chính mình ngày nay.

Hai câu thơ dẩn nhập cho “Đọc Lại Người Xưa” là “Minh nhật dục từ nam phố đạo/Hà nhân cánh xướng bắc cung thành” dịch là “Mai sẽ từ biệt đường Nam phố/Mà ai lại ca giọng Bắc thanh?” cho ta đoán định được tâm sự lưu luyến khi phải từ bỏ một quá khứ, một quê hương để bước vào một cuộc sống mới, xa lìa nguồn vui thanh nhã đàn ca hát xướng, cũng như nỗi buồn khi phút cuối còn nghe giọng ca quen thuộc như một lời tiển đưa ai oán.

Thế rồi Vũ Hoàng Chương vào đề bài thơ bằng câu thơ: “Đường Thanh Nghệ nh chon  von”. Đọc câu thơ nầy ta nhớ đến bài thơ “Qua đèo Ngang” của bà Huyện Thanh Quan. Bà Huyện Thanh Quan cũng đi trên con đường Thanh Nghệ Tĩnh để vào kinh đô Huế, đến đèo Ngang, bà cảm tác bài “Qua Đèo Ngang” bày tỏ tấm lòng thương nhớ triều Lê.

Ở bài thơ nầy, Vũ Hoàng Chương cũng nhắc đến “Đường Thanh Nghệ nh chon von”, nhưng trong một câu thơ sau nhà thơ lại nhắc đến cái chết bị chém đầu trên pháp trường của Cao Bá Quát:”Ba hồi trống giục pháp trường/Máu tuôn phách dựng phố phường còn mưa”. Điều đó chứng tỏ câu thơ “Đường Thanh Nghệ nh chon von” Vũ Hoàng Chương muốn nói đến việc Cao Bá Quát qua Thanh Nghệ Tĩnh hay qua đèo Ngang, trên con đường bị đưa vào kinh đô Huế để chém đầu,

Câu thơ thứ hai của “Đọc Lại Người Xưa”( 1), Vũ Hoàng Chương nhắc đến ca trù hay hát nói: “Nhịp ba cung bắc ai còn hát đây”

Hát nói vừa là một thể thơ, vừa là một trong 46 điệu thức của loại hình nghệ thuật dân gian ca trù. Nửa đầu hay tiền bán thế kỷ 19, hai nhà thơ cùng nổi danh với những bài Hát nói trong giáo phường cũng như trong lòng kẻ thưởng ngoạn, và thường được xếp bên nhau trong chương trình giáo khoa văn học VN là Nguyễn Công Trứ và Cao Bá Quát.

Qua những bài hát nói, Cao Bá Quát tỏ ra là một tài tử đa cùng, một nghệ sĩ tài hoa, một khách phong lưu ưa thú cầm kỳ thi tửu và thích hưởng nhàn và hưởng lạc.

Nhịp ba chung bắc” là gì? Đó là một cách  hát trong nghệ thuật hát nói.

Hát Cung bắc trước chậm sau mau, có ba chỗ thay đổi điệu. Thoạt đầu ngâm nga rồi vào phách, giọng hát chen cung nam lẫn cung bắc, sau chuyển sang cung pha nên gọi là nhịp ba cung bắc.”

Câu thơ “Nhịp ba cung bắc ai còn hát đây” Vũ Hoàng Chương muốn nói đến Cao Bá Quát, một “Tài tử đa cùng phú” đã bị dưa đi chém đầu rồi thì từ đây, điệu ca hay “nhịp ba cung bắc” không ai còn hát nữa, vì hát cho ai nghe, bởi khách tài hoa phong lưu bậc nhất không còn ở trên đời.

Tiếp tục bài thơ, câu thứ 3 và câu thứ 4 như sau:

 Cánh chim lượn gió đong đầy

Khói hoàng đô thoắt liền mây Đế Thành

Khói hoàng đô” thì dễ hiểu. Đó là khói ở kinh đô. Còn mây Đế Thành là gì?

Đế Thành là thành Hoàng Đế. Thành Hoàng Đế là kinh đô của triều Tây Sơn trong lịch sử Việt Nam từ năm 1776 tới năm 1793 . Năm 1778, sau khi đánh bại chúa Nguyễn, Nguyễn Nhạc lên ngôi hoàng đế nhà Tây Sơn và cho xây dựng kinh đô tại vị trí cũ của thành Đồ Bàn vương quốc Chăm Pa, đây là nơi của Hoàng đế Thái Đức Nguyễn Nhạc ở nên gọi là thành Hoàng Đế.

Hai câu trên nói đến sự suy tàn của triều đại Tây Sơn. “Khói hoàng đô” nói sự thịnh vượng của đế đô hoàng đế Nguyễn Nhạc. Đế đô đó tên là Thành Hoàng Đế. Sau khi Tây Sơn tbua cuộc, Thành Hoàng Đế bị san bằng, phút chốc đã hóa thành thành mây, gọi là “mây Đế Thành”.

Câu thứ 5 và thứ 6 của “Đọc Lại Người Xưa”(1) như sau:

Rồng Lê phượng Nguyễn tung hoành

Chẳng e lưu xú chẳng đành lưu phương

     “Lưu xú” là lưu tiếng xấu (Lưu danh thiên cổ. lưu xú vạn niên). “Lưu phương” là lưu tiếng thơm cho đời sau . Hát nói của Nguyễn Công Trứ có câu “Làm cho bách tuế lưu phương, trước là sĩ sau là khanh tướng”.

Hai câu thơ 5 và 6 đề cập đến sĩ phu thời Cao Bá Quát. “Rồng Lê” là những sĩ phu thời vua Lê, “phượng Nguyễn” là sĩ phu thời các vua Nguyễn. Đấy là những người “Phú quý bất năng dâm/ Bần tiện bất năng di/ Uy vũ bất năng khuất” – hiểu đơn giản là miễn nhiễm trước những nguy cơ tấn công của tiền bạc, của đói nghèo và bạo lực. Thứ duy nhất mà họ theo đuổi, và tôn thờ đến khi nhắm mắt xuôi tay là lý tưởng phụng sự tổ quốc, phụng sự dân tộc mình. Cao Bá Quát là một trong những ngôi sao sáng của tầng lớp nầy nhưng sinh ra dưới ngôi sao xấu nên đường khoa cử, đường hoạn lộ đều gặp trắc trở, để cuối cùng bị họa diệt thân, họa tru di tam tộc.

Bốn câu thơ 7 và 8, 9 và 10, Vũ Hoàng Chương nhắc đến cái chết bị chém đầu của Cao bá Quát:

Ba hồi trống giục pháp trường

Máu tuôn phách dựng phố phường còn mưa

Cơn buồn lọt gió mành thưa

Mấy mươi giông bão cho vừa nhịp ba

 Về cái chết của Cao Bá Quát có nhiều thuyết khác nhau. Sử nhà Nguyễn ghi chép về cái chết của Cao Bá Quát, lãnh tụ cuộc khởi nghĩa nông dân Mỹ Lương nổ ra bắt đầu ở Quốc Oai (Sơn Tây), rằng ông bị bắn chết ở trận tiền (1855). Truyền thuyết cho rằng Cao Bá Quát bị bắt, giải về Hà Nội rồi đưa vào giam ở Huế trước khi đem ra chém đầu, Trong thời gian bị giam trong ngục ông làm hai đôi câu đối nổi tiếng:

 Một chiếc cùm lim chân có đế,

Ba vòng dây xích bước n vương.

và:

Ba hồi trống giục, đù cha kiếp,

Một nhát gươm đưa, đéo mẹ đời!

Trong bốn câu thơ trên, Vũ Hoàng Chương đã hư cấu cho trời đất cũng hát tiếng hát ca trù thảm thiết bằng nhưng cơn gió lọt vào mành thưa khi nhà thơ Cao Bá Quát bị chém trong một ngày mưa. Để rồi tiếp hai câu thơ chót, Vũ Hoàng Chương đã cho tiếng ca của trời đất đó thê thảm đến nỗi không một danh ca Bắc Hà nào có thể diễn đạt được hết nỗi bi thương kia:

Nào ai đáng mặt danh ca

Mời ai danh sĩ Bắc hà về nghe.

Quê hương của Cao Bá Quát là tỉnh Bắc Ninh, do đó ông chính là kẻ sĩ miền Bắc. Câu thơ “Mời ai danh sĩ Bắc hà về nghe” như một lời kêu than, một lời phân bua, một lời oán trách đến người kẻ sĩ Bắc Hà, mời họ nghe tiếng khóc của mưa gió cho cái chết của họ Cao còn ai oán, bi thương nhiều hơn tiếng ca trù của một danh ca Bắc Hà than vãn.

Nhà thơ La Thụy cho biết, “ĐọcLại Người Xưa” bài 1 là một trong 12 bài thơ di cảo của Vũ Hoàng Chương sáng tác năm 1975-1976,  là thời kỳ nhà thơ lâm vòng lao lý, tù tôi. Mười hai bài thơ “Đọc Lại Người Xưa” nầy tác giả phải đưa vợ cất dấu rồi chuyền tay cho nhà thơ Hoàng Hương Trang giữ hộ. Điều này cho ta có thể suy đoán, 12 bài thơ là nỗi lòng mà thi nhân ấp ủ vào đó. Vũ Hoàng Chương đã đọc lại 12 thi nhân xưa để sáng tác về họ, lấy cùng nhan đề “Đọc Lại Người Xưa” để lồng gởi vào đó niềm riêng mà nhà thơ không thể nói công khai ra được.

 

Châu Thạch

 

 

 

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2020

Bài Mới Nhất
Search