T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Pháp nạn – Ma chướng trong chế độ Cộng sản (6)

Chu Sơn

Tiếp theo phần 1phần 2phần 3phần 4Phần 5

Phản ứng sinh tồn của các thiền sư bất phục chế độ ngày càng trở nên quyết liệt trong tuyệt vọng

1/ Một nhóm tăng, ni trung niên trí thức đi “làm rẫy”. Từ “làm rẫy” là nguyên văn trong một lời nhắn của thiền sư Thích Nhất Hạnh gởi kèm theo gói tiền cứu trợ sau khi Giáo hội Phật giáo quốc doanh thành lập. Từ sau 1975, trước tình hình thiếu đói của các tăng thân trong nước, thiền sư Thích Nhất Hạnh đang ở nước ngoài thường gửi tiền và thuốc tây về cứu trợ. Tết 1981, ngoài tiền và thuốc như mọi năm, thiền sư Thích Nhất Hạnh còn gửi kèm một câu hỏi:

– Sao các tăng, ni trẻ không đi “làm rẫy”?

Câu hỏi này không gợi ý các thiền sư bất phục chế độ đi kinh tế mới như các thành phần quần chúng khác, mà gợi ý “Đi Lập Chiến Khu”. Huỳnh Văn Tòng, đệ tử của thiền sư Thích Trí Quang, bạn tôi, kể như thế khi tôi đến nhà hỏi anh về vụ Lê Mạnh Thát (Thích Trí Siêu), Thích Tuệ Sỹ, Thích nữ Trí Hải… bị bắt. Anh bình luận thêm:

Vài ba, năm bảy nhà sư nam nữ chân yếu tay mềm, thiếu đói mà đi lập chiến khu để chống lại đảng Cộng sản, là ông vua chiến khu suốt hai cuộc kháng chiến, đang làm chủ tuyệt đối tài nguyên quốc gia với hàng triệu đảng viên, hàng triệu bộ đội cụ Hồ và hàng triệu công an trang bị tận răng, là câu chuyện không tưởng, là huyền thoại đối với bất cư ai mới nghe qua.

Tuy nhiên cái không tưởng, cái huyền thoại ấy lại là “sự thật” trước tình hình đất nước và nhân dân ngày càng bị đẩy vào cuối đường hầm bế tắt và tuyệt vọng. Hơn bất cứ thành phần quần chúng nào, người trí thức, đặc biệt trí thức Phật giáo, biết rõ nguyên nhân của sự bế tắt và tuyệt vọng ấy: đảng Cộng sản phát triển tham – sân – si đến đỉnh điểm của các tầng cao, sâu và rộng. Có thể tóm tắt kết quả sách lược đối nội và đối ngoại của đảng Cộng sản từ sau 1975 vào hai điểm sau đây:

– Cuộc cách mạng Xã hội chủ nghĩa đã đẩy đại bộ phận nhân dân miền Nam thành nạn nhân, công cụ hay kẻ thù, phí phạm tài nguyên quốc gia, khiến lòng người cả nước thêm ly tán, gieo rắc đói khổ khắp nơi, nhà tù rộng mở, tòa án và pháp trường vang vọng phán quyết án lệnh tử hình, đất nước trở thành ngục tù, người người trốn chạy.

– Cấu kết toàn diện với Liên Xô, nuôi thù với Mỹ, tiến công Campuchia, đảng Cộng sản biến đất nước thành kẻ thù của thế giới còn lại, nhân dân Việt Nam trở thành nạn nhân của cuộc chiến tranh tàn khốc từ phía Trung Cộng.

Trước tình hình ấy, ở Sài Gòn (tp HCM), hai “nhà tu hành trí thức trung niên” Thích Tuệ Sỹ và Thích Trí Siêu (Lê Mạnh Thát) tập họp lực lượng. Tham gia cùng hai ông là các nam nữ nhà tu hành cũng trung niên trí thức như Thích Nguyên Giác, Thích Như Minh, Thích nữ Huệ Khương, Thích nữ Trí Hải và vài chục nam nử phật tử cùng trang lứa.

Ở đây xin mở một ngoặc đơn để làm rõ nhóm từ “nhà tu hành trí thức trung niên”. Những vị này, đến thời điểm 1981, tuổi đời trên dưới 40, học tập, trưởng thành trong nền giáo dục – văn hóa Việt Nam Cộng hòa và Tây phương. Họ nghiên cứu lịch sử, tư tưởng, triết học, tôn giáo, văn học nghệ thuật Dân tộc, phương Đông và phương Tây bài bản và sâu rộng hơn các thiền sư thế hệ trước. Đồng thời họ tiếp thu Phật pháp qua các Tôn Sư tại chùa, tại Phật học viện, qua kinh sách Hán ngữ và các cổ ngữ Pali, Sancrit. Họ đồng thời là nhà tu hành, nhà thơ, nhà văn, học giả, giáo sư sử dụng thông thạo nhiều ngoại ngữ và cổ ngữ: Anh, Pháp, Đức, Nhật, Hán, Pali, Sancrit.

Bình sinh họ nghiêng về chế độ Dân chủ tam quyền phân lập và dị ứng với chế độ Cộng sản toàn trị. Trước 1975, họ tham gia các phong trào đấu tranh vì các mục tiêu Tự do Bình đẳng tôn giáo, Nhân quyền, Dận chủ, Hòa bình, Hòa giải, Hòa hợp Dân tộc. Họ ý thức mạnh mẽ trách nhiệm, quyền hạn công dân và Trí thức trước vận mệnh Dân tộc và Nhân loại.

Sau biến cố1975, sau các cuộc cải tạo Xã hội chủ nghĩa mà Trí thức là đối tượng hàng đầu, nhất là sau khi Giáo hội Quốc doanh được nhà nước Cộng sản khai sinh, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất bị đẩy lùi vào quá khứ; những tăng, ni trung niên trí thức như Thích Tuệ Sỹ, Thích Trí Siêu (Lê Mạnh Thát), Thích nữ Trí Hải…, chỉ còn một lựa chọn duy nhất là dấn thân vào cái chết trên chiến hào hoặc trên pháp trường để kích thích tinh thần đấu tranh của thanh niên và mọi tầng lớp quần chúng, đồng thời gây tiếng vang đến người Việt ở nước ngoài và dư luận quốc tế.

Sự chọn lựa, dấn thân trong vô vọng và bi tráng ấy chắc chắn sẽ có một kết cục thôi là họ bị bắt bởi vì mật vụ, công an chìm theo sát từng bước chân những người bất phục. Có thể họ sẽ bị đày đọa và giết chết trong ngục tù như thiền sư Thích Thiện Minh năm 1978. Chắc chắn hơn là họ sẽ bị đảng Cộng sản công khai tuyên bố những hình phạt nặng nề nhất nhằm răn đe, ngăn chặn những ý đồ, mưu toan nổi dậy âm ỉ trong nhân dân”.

Nhận định của Huỳnh Văn Tòng khá thỏa đáng đối với tôi. Tuy nhiên, những thông tin anh cung cấp đối với tôi là chưa đầy đủ và cần kiểm chứng. Từ nhà anh, tôi đi thẳng tới chùa Già Lam với hy vọng hòa thượng Thích Trí Thủ sẽ cho tôi biết thêm điều gì?

Hòa thượng Thích Trí Thủ không để tôi ngồi chờ lâu như lần đầu tôi xin gặp (giữa năm 1974, khi đó ngài đang có khách). Chùa Già Lam, lần này (tháng 4. 1984) cũng như lần trước (tháng 8.1978, tôi đến sau cái chết của thiền sư Thiện Minh), trông buồn rầu ảm đạm. Vị trụ trì còn buồn rầu, ảm đạm hơn. Tôi ái ngại nhìn ông, hỏi:

– Thưa, Thầy đang bệnh?

– Ừ, mình đang bệnh, một căn bệnh không chữa được. Căn bệnh tiềm ẩn từ sau 1975, phát tán từ sau khi mình tham gia Giáo hội Phật giáo Việt Nam (Chu Sơn: Giáo hội Quốc doanh)”.

Hòa thượng Thích Trí Thủ nhìn tôi. Ông nói chậm, nói rõ từng tiếng. Ông còn như đang nhìn vào chính mình, đang tra vấn mình? Phải chăng Ông đang sám hối? Tôi đâm hoảng khi nghĩ đến điều này. Khi một nhà tu hành chân chính sám hối công khai là vấn đề đã trở nên trầm trọng, là “căn bệnh không còn đường cứu chữa”. Tôi cung kính:

– Thưa Thầy, lỗi do đảng Cộng sản, đâu phải tại Thầy?

Ông tiếp tục nhìn tôi, và nhìn sâu hơn vào chính mình:

– Đành rằng, không có mình, đảng Cộng sản cũng sẽ làm như thế. Nhưng có mình (tham gia hình thành GHPGVN – CS), họ làm dễ hơn. Họ duy vật, vô thần, chống phá tôn giáo là tất nhiên. Còn mình, là người tu hành, lại tiếp tay với họ để hủy diệt tôn giáo và loại bỏ giáo hội của mình là một tội lỗi, dù lòng mình không như thế. Đó tại vì mình bất trí, nhẹ dạ, cả tin. Đến thời điểm này, 1984, mình mới hiểu tường tận về đảng Cộng sản mà mình đã từng kêu gọi phật tử và mọi người hợp tác. Thì ra, họ không có gì cả, ngoài tham – sân – si. Tội của mình không nhỏ…

Tôi xin ngừng ở đây vài phút để tự tra vấn chính mình. Đến lúc này, khi ngồi viết những dòng này, tôi cảm thấy có cái gì đó trong tôi chưa được sáng tỏ và rõ ràng là mâu thuẫn: Tôi lên án, chê bai vai trò tay sai, công cụ của Giáo hội quốc doanh, nhưng tôi chưa hề kết tội hòa thượng Thích Trí Thủ là sư quốc doanh, là tay sai, công cụ của đảng Cộng sản, mặc dù ông là một trong hai chức sắc có vai vế cao nhất trong Giáo hội quốc doanh tay sai công cụ đó.

Tôi đã gặp hòa thượng Thích Trí Thủ năm lần, tại chùa Già Lam. Ba lần khoảng giữa năm 1974 với tư cách là người của Phong trào đô thị của Mặt trận Giải phóng để nghe ông nói về Lực lượng Hòa giải, về Ủy ban Cứu đói, về sự hỗ trợ cho cuộc biểu tình của ký giả đòi tự do báo chí mà Giáo hội Ấn Quang đang tiến hành. Lần thứ tư sau cái chết của thiền sư Thích Thiện Minh vào cuối năm 1988 với tư cách cá nhân, từng là công cụ của chế độ trong chiến tranh đã và đang ăn năn sám hối. Lần thứ năm này, vào tháng 4 năm 1984, để có thêm những thông tin về vụ các tăng, ni trí thức Thích Trí Siêu (Lê Mạnh Thát), Thích Tuệ Sỹ, Thích Nữ Trí Hải… bị bắt.

Từ trái: Hòa Thượng Phước An, Thích Trí Siêu (Lê Mạnh Thát), Hòa thượng Thích Đức Nhuận và Thích Tuệ Sỹ. Ảnh: Uyên Nguyên

Tôi biết về hòa thượng Thích Trí Thủ nhiều hơn qua những lần trò chuyện với thiền sư Thích Đức Tâm, đệ tử tâm phúc của ông, và qua những câu chuyện tình cờ nghe được từ những người bạn phật tử ở Huế như Phan Đạm Hiệp, Tôn Thất Kỳ, Phạm Thị Xuân Quế… Tôi còn biết thêm về ông sau khi đọc hồi ký của Đỗ Trung Hiếu (tài liệu đã dẫn). Tất cả đều để lại trong tâm trí tôi sự tôn kính và thương cảm đối với ông.

Theo tôi, ông là nhà tu hành chân chính, thật thà, trung hậu. Ông yêu Quê hương Đất nước và thực hành Phật pháp trong bối cảnh chiến tranh tàn khốc với ngoại nhân và xâu xé Dân tộc. Đi với Cộng sản, ông như người cứu hộ lên nhầm thuyền (của bọn cường khấu) giữa biển trời mù mịt sóng to bão lớn. Ông tự nhận mình “bất trí” và ông đã sám hối vì sự “bất trí” này.

Trong vòng 30 năm giữa thế kỷ 20 (từ 1945 đến 1975) hàng chục triệu người Việt Nam đã “bất trí” tin theo sự hứa hẹn “Độc lập -Tự do – Hạnh phúc”, đã hăng hái “Thi đua – Đoàn kết – Yêu nước, Hòa giải – Hòa hơp Dân tộc” dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng sản, không ngại hy sinh gian khổ, liều chết tham gia hai cuộc kháng chiến “thần thánh” chống Pháp, chống Mỹ. Đến khi “kháng chiến thắng thắng lợi” thì đảng Cộng sản trói chặt mọi người trong câu khẩu hiệu: “Yêu nước là yêu Xã hội chủ nghĩa”. Và một câu khẩu hiệu khác đầy tính chất lật lọng, phản trắc, răn đe, bạo động: “Không yêu chủ nghĩa Xã hội là khộng yêu nước”. Mà không yêu nước theo quan điểm, chỉ thị và quyền lực toàn trị của đảng Cộng sản thì chỉ có bắt bớ, tra tấn, tù đày và chết chóc…

Trở lại chùa Già Lam với cuộc thăm viếng gián đoạn của tôi.

Tôi thưa với hòa thượng Thích Trí Thủ rằng pháp nạn của Phật giáo cũng là tổn thất và nỗi đau của tất cả các cộng đồng Dân tộc. Nhân dân cần biết sự thật với cuộc “nổi dậy” của các tăng, ni, phật tử bị đàn áp. Đấu tranh cho tự do tôn giáo vào thời buổi này trên đất nước này cũng là đấu tranh cho Tự do, Dân chủ và Xây dựng đất nước, là trách nhiệm trường kỳ của mọi người. Xin thầy cho tôi biết cảm nhận của thầy về những lời đồn đoán rằng chùa Ấn Quang, chùa Già Lam là xuất phát điểm của một chiến khu?

Hòa thượng Thích Trí Thủ nhìn tôi với đôi mắt hiền từ và bao dung. Ông nói: “Những lời đồn đoán như thế là không có căn cứ. Nếu chùa Ấn Quang và chùa Già Lam chủ trương thành lập chiến khu thì đâu còn có chỗ cho anh ngồi ở đây hôm nay? Tất cả đã trở thành bình địa rồi. Chúng ta đang sống trong chế độ Cộng sản. Trong bất cứ chế độ nào, Phật giáo vẫn chủ trương bất bạo động. Phật pháp có tám vạn bốn ngàn pháp môn, không có pháp môn nào khuyến khích bạo động cả”.

Tôi cảm thấy xấu hổ vì đã đưa ra câu hỏi ngớ ngẫn. Nhưng rồi tôi vẫn tiếp tục chất vấn ông: Thưa thầy, vậy thì các vị tăng, ni Thích Trí Siêu, Thích Tuệ Sỹ, Thích nữ Trí Hải… bị bắt, vì lý do gì?

Hòa thượng Thích Trí Thủ quay trở người một chút. Trong tích tắc, ông lấy lại tự chủ, nói: “Hơn mười ngày qua mình cũng tự hỏi và hỏi quanh như anh. Mình đã đi khắp các cơ quan có thẩm quyền, lạy sói đầu (mệnh đề này ông lặp lại, lần trước ông đã nói với tôi trong vụ Thiện Minh), xin bảo lãnh cho họ (Chu Sơn: Các tăng ni phật tử nổi dậy), nhưng rồi đều bị từ chối. Mãi đến ngày hôm qua, thứ Hai, mình được mời ra trụ sở Ủy ban Mặt trận thành phố để nghe một cuộn băng ghi lại lời nói, nội dung các cuộc họp của một tổ chưc Phật tử hô hào lật đổ chế độ, mình nhận ra giọng nói của mấy người thân quen. Lần trước, năm 1988, như anh đã biết, mình không cứu được Thiện Minh. Lần này, mình cũng không cứu được Trí Siêu, Tuệ Sỹ, Trí Hải… Từ sau khi ở trụ sở Ủy ban Mặt trận về, mình không ngừng tự chất vấn: Mình ở trong giáo hội làm gì mà không cứu ai được cả? Người tu hành đã từng dấn thân (Chu Sơn: trong các cuộc đấu tranh kêu đòi Tự do, Dân chủ trước 1975) mà không cứu được ai thì cũng không cứu được mình”.

Tôi rời chùa Già Lam mà lòng nặng trĩu. Một tuần sau, tôi bàng hoàng nghe Huỳnh Văn Tòng báo tin, hòa thượng Thích Trí Thủ đã qua đời tại bệnh viện Thống Nhất (bệnh viện Vì Dân do chế độ cũ để lại). Tôi theo Tòng lên bệnh viện Thống Nhất, và đã tháp tùng trong đoàn rước linh cữu của ông về chùa Già Lam. (Trước tôi và Tòng mấy bước là ông Nguyễn Hộ, một người cao lớn, trưởng ban Dân vận Mặt trận thành ủy HCM. Mấy tháng sau, ông Nguyễn Hộ rời bỏ ngôi biệt thự to đẹp tại trung tâm thành phố ra vùng căn cứ kháng chiến xưa, sống trong căn lều tuềnh toàng tự dựng lấy cạnh bờ sông để nhìn nước chảy bèo trôi. Có người nói ông Nguyễn Hộ đi lập chiến khu. Huỳnh Văn Tòng nói ông từ bỏ vai trò và những đặc quyền đặc lợi cán bộ cao cấp trong đảng Cộng sản để ăn năn sám hối trọn đời…).

Tôi tham dự trọn vẹn tang lễ vị hòa thượng mà tôi kính trọng. Trong suốt thời gian ấy, tôi luôn nghĩ về tình cảnh khắc nghiệt mà những người bất phục chế độ đang chịu đựng trong tù. Tôi rùng mình nghĩ đến sự đày đọa và cái chết thảm khốc của thiền sư bất khuất Thích Thiện Minh. Tôi theo dõi quá trình tù tội của họ. Rất nhiều nhân vật và tổ chức đấu tranh Nhân quyền quốc tế lên tiếng can thiệp để họ được trả tự do.

Tháng 9 năm 1988, chính quyền Cộng sản đưa vụ “chống đảng, lập chiến khu” ra tòa. Hai án tử hình dành cho Thích Trí Siêu – Lê Mạnh Thát và Nguyên Chứng Thích Tuệ Sỹ, án 4 năm tù giam dành cho Thích Nữ Trí Hải…

45 ngày sau, không biết vì lý do gì, án tử hình của hai vị thiền sư Tuệ Sỹ, Trí Siêu giảm xuống còn 20 năm tù giam, án 4 năm tù giam của ni sư Trí Hải được xóa trắng do một phiên tòa khác.

10 năm sau, năm 1998, Thích Trí Siêu và Thích Tuệ Sỹ được trả tự do.

Thích Trí Siêu ra tù, hợp tác với chế độ, tham gia GHPGVN (Quốc doanh), nhận chức giáo sư, phó viện trưởng viện Phật học thành phố HCM.

Thích Tuệ Sỹ ra tù, tham gia cùng các hòa thượng Thích Huyền Quang, Thích Quảng Độ đấu tranh theo chủ trương của hòa thượng Thích Đôn Hậu.

(Còn tiếp)

Chu Sơn

(Nguồn: Báo Tiếng Dân)

 

Bài Mới Nhất
Search