T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Buổi Chiều Đầu Thu Nghe Giới Thiệu Kịch Phẩm ‘Kẻ Phá Cầu’ Của Lữ Kiều Và Tiếng Hát Của Ca Sĩ Thu Vàng

Ke Pha Cau 1

  • Huỳnh Kim Quang

Dường như từ đầu mùa dịch tới giờ tôi bị Cô Vít đẩy xa ra khỏi những buổi sinh hoạt văn học nghệ thuật ở Miền Nam California. Nhưng chiều Thứ Bảy, ngày 25 tháng 9 năm 2021 tôi đã bị không khí sinh hoạt của buổi giới thiệu kịch phẩm “Kẻ Phá Cầu” của kịch tác gia Lữ Kiều và tiếng hát chinh phục lòng người của ca sĩ Thu Vàng lôi cuốn đến đỗi quên cả chuyện nàng Cô Vít vẫn còn quanh quẩn đâu đây.

Buổi giới thiệu kịch phẩm “Kẻ Phá Cầu” của Lữ Kiều và tuyển tập viết về Tiếng Hát Thu Vàng được tổ chức một cách ấm cúng và thân tình tại tư gia của nhà thơ Vũ Hoàng Thư ở Thành Phố Fountain Valley, Miền Nam California vào chiều Thứ Bảy, 25 tháng 9 năm 2021, với sự tham dự của nhiều văn nghệ sĩ, gồm nhà văn Trúc Chi, nhà văn Cung Tích Biền, nhạc sĩ Hoàng Quốc Bảo, nhà thơ Trịnh Y Thư, nhà văn Tràm Cà Mau, nhà văn Zulu DC, nhà văn Phan Thanh Tâm, nhà văn Huy Văn Trương, nhà thơ Vũ Thị Hạnh, phu nhân của nhà văn quá cố Cao Xuân Huy là Bà Đỗ Thị Minh, v.v….

Ke Pha Cau 3
Mở đầu, nhà thơ Vũ Hoàng Thư trong tư cách là chủ nhà đã có lời chào đón các văn thi hữu đến dự. Anh cũng đã giới thiệu tuyển tập viết về Tiếng Hát Thu Vàng. Anh nói “Thu Vàng đã nức tiếng từ trong nước ra hải ngoại với nhạc Tiền Chiến.” Anh kể đã biết tiếng hát Thu Vàng qua trang mạng Nguyệt Mai và nhà thơ Khánh Minh. Từ đó anh đã nghe Thu Vàng hát qua các CD mà anh nhận được từ ca sĩ Thu Vàng gửi tặng. Anh nói, “Thu Vàng không phải là người dễ dãi trong nghệ thuật, cô chọn một con đường khó khăn và có đẳng cấp, nơi mà những lớp đàn chị danh tiếng đã để ấn tích rực rỡ như Thái Thanh, Kim Tước, Mai Hương, v.v… ở loại nhạc Tiền Chiến và thính phòng. Đó là chỗ hiếm quý giữa những lựa chọn kiểu mì ăn liền đang lan tràn ở Việt Nam…”
Nhà văn Trúc Chi nói ông là người nghe nhạc khó tánh vì “cái cảm của mình không hợp với người khác.” Ông nói Thu Vàng có tâm hồn về nhạc, có tấm lòng về nghệ thuật, mà một khi đã có tâm hồn và tấm lòng thì đã tới tầm cỡ nào đó của nghệ thuật. Ông nói “Thu Vàng đã tới đó rồi.”

Ke Pha Cau 4
Nhạc sĩ Hoàng Quốc Bảo thì nhận định rằng tiếng hát Thu Vàng có được đặc điểm là có cá tính trong khi nhiều người hát chẳng có cá tính gì cả. Bởi vậy khi nghe tiếng hát Thu Vàng ông nói “bao nhiêu năm nay mới có giọng hát như vậy.” Ông nói Thu Vàng ở dưới chế độ cộng sản mấy chục năm mà vẫn giữ được tâm hồn yêu tự do và nghệ thuật. Ông còn khen Thu Vàng có điểm đặc biệt khác nữa là dù chị không phải là người Bắc nhưng phát âm rất chuẩn và đó cũng là yếu tố quan trọng làm nên tên tuổi của người ca sĩ. Cuối cùng ông nói tiếng hát Thu Vàng đã đi vào lòng người nghe.
Ca sĩ Thu Vàng nhân dịp này đã bày tỏ lòng cảm ơn đến quý anh chị em đã đến dự buổi giới thiệu này và các tác giả đã viết trong tuyển tập Tiếng Hát Thu Vàng đã được phát hành gần đây.

Ke Pha Cau 2
Nhưng có lẽ giây phút mà mọi người đều cảm thấy thoải mái nhất trong khung cảnh trời mới chớm thu chính là được nghe thêm lần nữa, và không biết bao nhiêu lần nữa cho đủ tiếng hát Thu Vàng. Chị đã hát liên tiếp ba nhạc phẩm: “Những Ngày Thơ Mộng” của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ; “Trở Về Mái Nhà Xưa” và “Kỷ Niệm” cũng của nhạc sĩ Phạm Duy.

“Cho tôi lại ngày nào

Trăng lên bằng ngọn cau

Me tôi ngồi khâu áo bên cây đèn dầu hao

Cha tôi ngồi xem báo; Phố xá vắng hiu hiu

Trong đêm mùa khô ráo tôi nghe tiếng còi tàu

Cho tôi lại chiều hè, tôi đi giữa đường quê

Hai bên là hương lúa, xa xa là ngọn tre

Thấp thoáng vài con nghé,

Tiếng nước dưới chân đê

Tôi mê trời mây tía không nghe mẹ gọi về…”

Lời nhạc của ca khúc “Kỷ Niệm” được giọng ca truyền cảm của ca sĩ Thu Vàng rót vào lòng người nghe trong một chiều thu xa xứ như ngọn bấc thắp lên ký ức của tôi sống lại một quãng đời quá khứ trên miền đồng quê đất Việt.
Lời phát biểu của nhà văn Thân Trọng Mẫn giới thiệu kịch phẩm “Kẻ Phá Cầu” của kịch tác gia Lữ Kiều đã kéo tôi ra khỏi khung trời kỷ niệm của ký ức xa xưa.
Anh Thân Trọng Mẫn là em ruột của kịch tác gia Lữ Kiều, tức bác sĩ Thân Trọng Minh. Anh Mẫn nói rằng không khí kịch của Lữ Kiều khác với kịch thông thường. Anh cũng cho biết ở Việt Nam kịch của Lữ Kiều rất hiếm. Anh nhận định đọc kịch phẩm “Kẻ Phá Câu” của Lữ Kiều là cơ hội để nhìn lại mình trong thời gian đặc biệt trước năm 1975. Anh Mẫn nêu ra hai vở kịch “Kẻ Phá Cầu” và “Con Sâu Trong Mắt” để nói lên một vài sự thật liên quan đến cuộc chiến Việt Nam trước năm 1975 và tại sao Miền Nam đã thất thủ.
Anh kể lại chuyện trong vở kịch “Kẻ Phá Cầu” của Lữ Kiều về hình ảnh của người phụ nữ kiên cường chống lại người đàn ông đi theo cách mạng. Nhưng sau khi người đàn ông trở về thì được người phụ nữ này tha thứ. Anh Mẫn nói đó là tấm lòng nhân ái, nhân đạo của người Miền Nam và tình thương đó của người Miền Nam đã thua cái tàn ác của người cộng sản. Nhưng về mặt đạo đức và nhân bản làm người thì tình thương là bảo vật, là di sản quý giá nhất của nhân loại suốt mấy ngàn năm qua, trong khi cái ác lúc nào cũng bị nguyền rủa.
Vở kịch thứ hai trong “Kẻ Phá Cầu” của Lữ Kiều là “Con Sâu Trong Mắt” kể chuyện một người đàn ông là kẻ phản bội như trong vở kịch viết:

“NGƯỜI ĐÀN ÔNG (mơ màng)

Họ hỏi gì?

NGƯỜI TRẺ TUỔI

Tên kẻ phản bội.

NGƯỜI ĐÀN ÔNG (ngậm ngùi)

Kẻ phản bội!

NGƯỜI TRẺ TUỔI

Phải. Họ hỏi tên kẻ đã bán đứng anh em cho trại giam. Kẻ đã cho tin bọn giám thị để chúng phục kích những người đào thoát ngay miệng hầm, không kịp tẩu tán. Hắn là ai? Lúc bấy giờ tôi chưa định thần để nghĩ ra ai đã phản bội. Tôi hoàn toàn không biết những người ở lại ra sao?”

Anh Mẫn nói thêm rằng qua vở kịch “Con Sâu Trong Mắt” cho thấy tác giả Lữ Kiều đã tiên tri về kẻ phản bội là những người đã lợi dụng kháng chiến.
Nhân đây, anh Thân Trọng Mẫn đã giới thiệu nhà thơ Trịnh Y Thư là người phụ trách Nhà Xuất Bản Văn Học Press mà đã xuất bản cuốn “Kẻ Phá Cầu” phát biểu thêm về việc in kịch phẩm này.
Nhà thơ Trịnh Y Thư nói rằng lúc nhận sách thì anh “khá lúng túng,” trước khi xuất bản. Nhà thơ họ Trịnh cho biết anh đã có nói chuyện với tác giả Lữ Kiều và kịch tác gia Lữ Kiều tâm sự với anh rằng từ bao lâu nay ông đã dồn tâm tư vào tác phẩm này, nhưng ông không muốn xuất bản nó trong nước, ông chỉ muốn in ở hải ngoại. Nhà thơ Trịnh Y Thư nói đó là điều mà chúng ta nên trân quý.
Được mời phát biểu trong buổi giới thiệu kịch phẩm “Kẻ Phá Cầu” và tuyển tập viết về Tiếng Hát Thu Vàng, nhà văn Cung Tích Biền trước tiên cho biết kịch tác gia Lữ Kiều là bạn cũ của ông và cũng là bác sĩ nội khoa đã từng phục vụ trong Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa trước năm 1975. Nhà văn Cung Tích Biền cũng nói rằng ông đã đọc một số kịch của Lữ Kiều trước năm 1975. Ông phân tích kịch có hai loại: kịch để diễn và kịch để đọc. Kịch của Lữ Kiều có thể diễn mà cũng có thể xem như “kịch văn học vì nó rất quý.”
Trong dịp này, nhà văn Cung Tích Biền cũng nói về Thu Vàng, với giọng ca hiếm có ngày nay. Ông nói rằng những giọng ca có thể thẩm thấu được ở lớp ca sĩ đã đi qua, thì Thu Vàng là người kế thừa những giọng ca đó.

bia-sach-tieng-hat-thu-vang
Đến đây, thì người tham dự buổi giới thiệu sách lại được thưởng thức tiếp tiếng hát mà nhà văn Cung Tích Biền nói là “giọng ca thẩm thấu,” với các nhạc phẩm “Tình Khúc Thứ Nhất” của nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn, “Tình Mẹ” của Y Vân, một nhạc phẩm bất hủ mà bất cứ khi nào nghe qua tôi cũng thấy lòng mình mềm xuống vì suối nguồn tình yêu của mẹ còn dạt dào trong tim. Và bây giờ, ngoài kia nắng chiều thu nhợt nhạt trên cành cây ngọn cỏ, khi nghe ca sĩ Thu Vàng cất giọng truyền cảm để chuyên chở tình mẹ, lòng tôi lại càng da diết hơn bao giờ.

Thương con Mẹ hát câu êm đềm,

Ru lòng thơ ấu quản gì khi thức trắng đêm.

Bao năm nước mắt như suối nguồn.

Chảy vào tim con mái tóc trót đành đẫm sương.

Dù ai xa vắng trên đường sớm chiều về đâu.

Dù khi mưa gió tháng ngày trong đời bể dâu.

Dù cho phai nắng nhưng lòng thương chẳng lạt mầu.

Vẫn mong quay về vui vầy dưới bóng mẹ yêu.

Một tiết mục cuối của buổi sinh hoạt làm cho người tham dự thích thú là phần độc tấu guitar nhạc cổ điển của nhà thơ Trịnh Y Thư.

Tôi ra về sau buổi giới thiệu kịch phẩm “Kẻ Phá Cầu” của kịch tác gia Lữ Kiều và Tiếng Hát Thu Vàng khi nắng chiều đã tắt. Nhưng “Dù cho phai nắng nhưng lòng thương chẳng lạt mầu.”

Hinh bia sach Ke Pha Cau cua Lu Kieu
Tác phẩm “Kẻ Phá Cầu,” dày 280 trang, bìa màu, gồm 7 vở kịch: “Kẻ Phá Cầu,” “Con Sâu Trong Mắt,” “Nơi Đảo Xa Kia,” “Bọn Họ Bốn Người,” “Kẻ Đến Muộn,” “Những Người Đi Một Mình,” và “Nhân Vật Phụ.” Ngoài phần chính gồm 7 vở kịch, còn có các bài viết như “Lời Tựa” của Khuất Đẩu, và các bài viết và nhận định về kịch phẩm “Kẻ Phá Cầu” của Trần Hoài Thư, Nguyên Minh, Huyền Chiêu, Sâm Thương, Nguyễn Lệ Uyên, Mang Viên Long, Trần Lê Sơn Ý, và Nguyễn Thị Tịnh Thy.
Có thể nói đây là tác phẩm kịch rất hiếm thấy ở hải ngoại bấy lâu nay và đặc biệt lại được viết bởi một kịch tác gia nổi tiếng là Lữ Kiều. Vì vậy, đây là tác phẩm hiếm quý mà người yêu thích văn học nghệ thuật, đặc biệt bộ môn kịch nghệ khó lòng bỏ qua để tìm mua về thưởng thức những vở kịch hay chuyên chở nội dung không những mang tính sự thật lịch sử mà một thời đất nước đã trải qua, nhưng còn có giá trị văn chương nghệ thuật sâu sắc.
Độc giả có thể mua sách ở đây:

Sách đã có bán trên BARNES & NOBLE:

Giá: US$18.00

Xin bấm vào đường dẫn sau:

https://www.barnesandnoble.com/w/ke-pha-cau-lu-kieu/1140043981?ean=9781668532126

Keyword: Ke pha cau, kich lu kieu

(Nguồn: Việt Báo Online)

Bài Mới Nhất
Search