T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không : Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 18)

clip_image001

 

Viết và nói tiếng Việt

Cuối năm 1979, đầu năm 1980, Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam đã phối hợp với Viện Khoa học Giáo dục tổ chức một số cuộc hội thảo về vấn đề chuẩn hoá tiếng Việt. Bộ Giáo dục thông qua một số quy định về chính tả trong sách giáo khoa cải cách giáo dục. Ngày 01/7/1983, Quyết nghị của Hội đồng chuẩn hoá chính tả và chuẩn hoá thuật ngữ đã được ban hành và áp dụng cho các sách giáo khoa, báo chí. Khi tiếng Việt được thống nhất và chuẩn hoá, toàn quốc sử dụng chung một thứ ngôn ngữ theo một tiêu chuẩn, mẫu mực nhất định.

Hãy thử “rà xoát” một số từ dưới đây xem sao:

Cảm giác – “Xin anh cho biết cảm giác ra sao về hiện tượng đó”, những gì cảm thấy được được bằng giác quan. Có ngũ giác: xúc giác: sờ chạm, thị giác: mắt thấy, thính giác: tai nghe; vị giác: lưỡi nếm, khứu giác: mũi ngửi.

Dùng đúng chữ phải là: “Xin anh cho biết cảm nghĩ, cảm tưởng, về hiện tượng đó”.

Cuộc gặp – Nghe cuộc gặp thấy cụt ngủn. Ý họ muốn tả một cuộc…hội kiến!

(nguồn Chu Đậu)

Tiếng Việt cổ

Cây dừa tiếng Bắc vào thời vua Lê chúa Trịnh gọi là “cây da” vì mượn chữ Hán là “cây da”, tiếng Quan Thoại gọi là cây dẻ. Sau mới có tên là cây dừa.

Di dân vào đến miền Trung, xuống tới miền Nam vẫn là cây dừa. Riêng người Vĩnh Long kêu cây da xưa cũ…là cây gừa (âm dừa), tức…cây đa.

(Hiếu Thiện Nguyễn Chu Hậu – Tiếng Việt, tiếng nước tôi)

Nhân văn Giai phẩm

Tố Hữu, và nghị quyết cuả ban chấp hành hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật lên án nhóm Nhân Văn giai phẩm. Ngày 5-6-1958 tại Hà Nội, hơn 800 văn nghệ sĩ thảo bàn nghị quyết gọi là "Nghị quyết cuả 800 văn nghệ sĩ" phụ hoạ với nghị quyết cuả hội Liên hiệp. Sau đó trong tuần lễ từ 21-6 cho đến mùng 3-7-1958, lần lượt các ban chấp hành hội Nhạc sĩ, hội Mỹ thuật, hội Nhà văn huà nhau thi hành biện pháp kỷ luật đối với các thành viên của hội có chân trong phong trào Nhân Văn giai phẩm :

Hội Nhà văn khai trừ Hoàng Cầm, Hoàng Tích Linh khỏi ban chấp hành.

Hội Mỹ thuật cảnh cáo Sĩ Ngọc, Nguyễn Sáng rút khỏi ban chấp hành.

Hội Nhạc sĩ chấp nhận Văn Cao, Nguyễn văn Tý rút khỏi ban chấp hành.

Cả 3 hội nghị khai trừ Phan Khôi, Trương Tửu, Thụy An ra khỏi hội Nhà Văn.

Trần Duy ra khỏi hội Mỹ thuật.

Khai trừ thời hạn 3 năm Trần Dần, Lê Đạt khỏi Hội nhà văn.

Từ Phát, Đặng Đình Hưng ra khỏi hội Nhạc sĩ Sáng tác và cảnh cáo một số hội viên khác đã tích cực hoạt động trong nhóm Nhân Văn giai phẩm.

(Thụy Khuê – Hồ sơ Nhân văn Giai phẩm)

Chữ nghĩa thập niên 20

Phù sinh – Phù là nổi, sinh là sống. Người ta sinh ở trên đời, thường không ở một nơi, nay đây mai đó, trôi nổi không chừng, nên gọi là phù sinh

Trong bài Xuân dạ yến đào lý viên, Lý Bạch có câu “Phù sinh nhược mộng, vi hoan kỳ hà”. Nghĩa là cái sống nổi trôi như một giấc mộng, vui có là bao…

(Tôn Thất Lương – Xuân Mộng)

Chữ nghĩa tiếng Việt

Trong bài dân ca Cái trống cơm, Phạm Duy phổ nhạc “Một bầy tang tình con nít ố mấy lội, lội sông, ố mấy đi tìm…“.

Một nhà phê bình văn học cho biết “Con nít mà lội sông lỡ…chết đuối thì sao!”.

Và nhà phê bình văn học này cho hay không phải “con nít” mà là… “con sít”.

Đó là một loại chim chuyên phóng xuống nước và…lội để bắt cá”. Người Bắc thường nói “Con sáo, con sít”.

(Thôi nhá, ông phê bình lo xa quá!)

(Nguyễn Đức Tuấn – Đặc san Phù Sa Sông Cửu)

Giai thoại làng văn

Tôi nhớ anh Nguyễn Minh Châu nói, nhà văn Việt Nam cả ba thế hệ đều hèn:

– Trước cách mạng là nhà văn nô lệ.

– Từ 1945 đến 1975 là nhà văn lính, rất sợ cấp trên.

– Sau 1975 là nhà văn đói nên cũng hèn.

(Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Không biết dựa cột mà nghe, cứ le te người ta đấm cho vỡ mồm.

Tre trúc Việt Nam

Thế mà từ thuở bé đến giờ tôi cứ đinh ninh là tre to hơn trúc. Hình ảnh cái mành trúc, cái chõng tre của bà nội, cái xe điếu uốn cong của bố, cái cầu ao đầu làng… Hay là mình nhớ sai? Thân trúc (tiếng Việt) vốn nhỏ, người Việt không chẻ trúc để làm gì cả. Chỉ có văn học mới lôi trúc (chữ Hán) ra chẻ. Bản dịch Bình Ngô đại cáo có câu:
“Trận Bồ Đằng như sấm vang chớp giật,
Trận Trà Lân như trúc chẻ tro bay.”
Hoặc giả như:

“Thừa cơ trúc chẻ ngói tan
Binh uy từ ấy sấm ran ra ngoài”

(Kiều)
“Trúc chẻ” chữ Hán là “phá trúc”. “Phá trúc” dịch hết sang tiếng Việt là “chẻ tre”. “Trúc chẻ ngói tan” chỉ thế quân mạnh, đánh đâu được đấy. Dễ như chẻ tre, tháo ngói. Chẻ tre, chẻ được một mắt thì các mắt khác tự tách ra. Tháo ngói, tháo được một hòn thì cả mảng sụt theo” (Đào Duy Anh, Từ điển truyện Kiều). Đào Duy Anh gián tiếp đồng ý rằng “trúc chẻ” nghĩa là “chẻ tre”.
Tại sao trong thơ văn xưa của ta, chữ tre không được dùng, chữ trúc không được dịch? Chỉ vì niêm luật, thanh điệu của thơ văn. Tre (thanh bằng) không thay thế cho trúc (thanh trắc) được. Rốt cuộc các tác giả, dịch giả đã chọn cái hay thay cho cái đúng.
“Thu ăn măng trúc, đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao”

(Nguyễn Bỉnh Khiêm)

Hay:
“Miệng ăn măng trúc, măng mai
Những giang cùng nứa lấy ai bạn cùng”

(Trấn thủ lưu đồn – Ca dao)
Mặc dù bị trúc Tàu lấn át, thỉnh thoảng cây tre của ta cũng được các cụ nhà Nho đề cao. Hoá ra bụt chùa nhà cũng thiêng sao?


(Nguyễn Dư – Chimviet.free.fr)

Tiếng Việt không đơn giản

Hỏi : Xin bà con đừng cười vì em út dốt lắm. Em út có chút thắc mắc:

– Sao cứ hễ nói đến vấn đề “lập gia đình”(?) người ta lại sử dụng các từ ngữ có liên quan tới chữ hôn nhân..v..v…Xin cảm ơn.

Đáp : Khi cặp trai gái yêu nhau cuồng nhiệt, đến độ "nhất nhật bất kiến như tam thu hề" thì họ tổ chức lễ cưới, hôn lễ hay hôn nhân theo phong tục cưới xin.

“Hôn” là cha mẹ của nàng dâu.

"Nhân" không có nghĩa là người, nhưng có nghĩa là cha mẹ của chàng rể.
Do đó chữ “hôn nhân” mang ý nghĩa cha mẹ của đôi bên là thông gia hay sui gia.

Các giấy tờ do sở hộ tịch chứng-nhận cặp trai gái lấy nhau gọi là hôn-thú, còn gọi là giấy giá thú.”Giá” có nghĩa là đi lấy chồng, bắt nguồn từ "tam tòng" của người phụ nữ "Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử".

(ĐatViet.com)

Hát ả đào

Hát ả đào hay hát cô đầu ở nước ta, là một biến thể của nghề ca kỷ của Trung Hoa. Hình ảnh đậm nét là tâm sự của người thiếu phụ bến Tầm Dương của Bạch Cư Dị từ ngàn năm trươc đây.

Trong quyển Việt Nam ca trù biên khảo viết:

– Hát ả đào có từ thời nhà Lý 1025.

– Vua Lý Thái Tổ đặt chức quản giáp cho giới con hát. Đời nhà Lý, có Tống Đạo sĩ người nước Tầu sang nước ta dậy con hát, dậy con gái nước ta múa hát

– Cuối đời nhà Hồ, có người con hát họ Đào, quê ở Đào Xá, Hưng Yên lập mưu giết được quân Minh. Khi nàng mất, dân làng lập đền thờ và từ đấy con hát được gọi là Đào nương hay Ả đào.

(Hoàng Hải Thủy – Đàn bà thời xưa…)

Chữ nghĩa làng văn

Thơ xưa của cụ Nguyễn Khuyến viết về cô Tư Hồng mà tên thật là Trần Thị Lan, cùng quê Phủ Lý, Hà Nam với cụ Tam Nguyên:

Tứ phẩm sắc phong hàm cụ lớn

Trăm năm danh tiếng của bà to

Hồng là tên của người chồng đầu tiên, người Tầu ở Hải Phòng.

là chức vụ của người chồng Tây thứ hai, tức “Quan tư” Croibier Huguet.

Tên Tư Hồng nức tiếng Hà thành từ đó mà ra…

Tục ngữ Tầu

Tửu phùng tri kỷ thiên bôi tửu

Thoại bất đầu cơ bán cú đa

(Rượu gặp tri âm nghìn chén ít

Chuyện chẳng hợp nhau nửa (câu) cũng rườm)

(Nguyễn Lập Sơn – Dư Phát Linh)

Tiếng nói và giọng nói

Thật sư, nói về cách phát âm không trúng mặt chữ thì miền nào cũng có cả.

Miền Bắc có nhiều nơi phát âm sai các chữ bắt đầu bằng phụ âm “L” với “lời” thành “nời”, hay “nhời”. “R” với “rồi” thành “djồi”. “TR” với “trâu” thành “tâu” như “Con tâu tắng buộc bờ te tụi”.

Miền Trung mỗi tỉnh mỗi phát âm riêng biệt. Huế hay bỏ dấu nặng vào chữ. Quảng Nam đọc chữ “A” ra “Ô”. Quảng NgãI chuyên đọc chữ “A” ra chữ “E”, như: “Eng hông eng, tét đèn đi ngủ”.

Người miền Nam phát âm đúng các phụ âm bắt đầu bằng chữ L, T, R thì lại phát âm sai bắt đầu bằng phụ âm D, GI, V (da, gia, va) hoặc “R” phát âm thành “G”, như “Đi ga guộng bắt con cá gô, bỏ dô gỏ, nó kêu gột gột”.

(Nguyễn Đức Tuấn – Đặc san Phù Sa Sông Cửu)

Ngộ Không

©T.Vấn 2012

Bài Mới Nhất
Search