T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Nhìn chị Đoan Trang “từ đằng sau”

Adm FB Phạm Đoan Trang

Đầu năm 2014, tôi kéo hành lý tiễn chị Phạm Đoan Trang sang Mỹ du học. Trên một sân ga tàu điện tại Bangkok, khi trao vali lại cho chị, tôi không vội quay lưng đi mà ngắm nhìn chị từ đằng sau cho đến khi khuất bóng dưới ánh đèn đêm.

Tôi nhìn theo bóng hình chị không phải vì sự lưu luyến khi rời xa, mà vì tôi muốn hướng mắt dõi theo những con người có nghị lực và khả năng phi thường. Khi đó, tôi thấy thật vinh dự được tiễn chị đi vào thế giới tự do, mang theo hoài bão thay đổi đất nước bằng một tinh thần phụng sự với cả tuổi trẻ chỉ biết bôn ba và dấn thân.

Ngày chị trở về Việt Nam, như một cơ duyên, tôi lại tiếp tục nhìn chị từ đằng sau, gọi tên chị ở sân bay Tân Sơn Nhất, và rồi đón chị từ trong tay của các viên an ninh Bộ Công an.

Ngày chị bị bắt, tôi lại được nhìn thấy chị từ đằng sau qua một bức ảnh được đăng tải trên mạng xã hội. Cũng dưới ánh đèn đêm, lúc này chị đang bị người khác đưa đi vào một thế giới tù đày.

Tôi chỉ nhìn Phạm Đoan Trang từ đằng sau vì vốn dĩ chị luôn là người “đi đầu”. Đi đầu không phải để dẫn dắt lãnh đạo, mà là một thái độ tiên phong, sẵn sàng đón nhận tất cả những rủi ro về phần mình. Chị như một chiến binh, tham gia vào hầu hết các mặt trận đấu tranh nguy hiểm nhất, ngay cả khi đôi chân của chị trở nên tật nguyền.

Tôi hay nói đùa với chị, khi cách mạng thành công, chị muốn cơ cấu vào vị trí Chủ tịch Hội Thương binh hay Bộ trưởng Thông tin? Chị cho biết sẽ tiếp tục sống với đam mê của mình: viết sách và ôm đàn.

Và hôm qua, chị bị kết án 9 năm tù giam về tội tuyên truyền chống nhà nước. 9 năm tù như một điều tất yếu sẽ đến với chị trong bối cảnh này. Nhìn chị ra toà, tôi không chút phẫn nộ hay đớn đau, chỉ cảm thấy trăn trở cho một người như chị Trang, đến bao giờ không còn phải bận tâm về dân chủ và nhân quyền, mà được sống toàn tâm với đam mê viết lách và đàn ca của mình?

(Nguồn: Báo Tiếng Dân)

 

Sau Phạm Đoan Trang sẽ tới ai?

Jackhammer Nguyễn

Không phải tôi hỏi rằng nhà nước cộng sản Việt Nam sẽ bắt ai nữa sau Phạm Đoan Trang, người vừa bị án tù 9 năm trong ngày 14/12/2021. Câu hỏi của tôi là, người Việt Nam nào sẽ tiếp tục làm những công việc tương tự như cô, phản bác tận gốc chế độ toàn trị Việt Nam hiện nay? Và ai nữa sẽ làm hơn những việc Đoan Trang làm?

Phạm Đoan Trang không phải là một chính trị gia, cũng không phải là một người có năng khiếu lãnh đạo bẩm sinh, những công việc cô làm là sự phản kháng của trí thức Việt chống lại sự lỗi thời và lỗi đạo của chế độ toàn trị Việt Nam, một kết quả lai căn giữa lề thói áp bức phong kiến phương Đông và mô hình xã hội phản động của chủ nghĩa cộng sản Lenin.

Một nhà nghiên cứu người Mỹ là ông Zachary Abuza nói với báo Washington Post của Mỹ vài tiếng sau khi bản án được tuyên bố, rằng nguyên nhân nhà cầm quyền Việt Nam bỏ tù Đoan Trang là cô làm cho họ bối rối, vì cô cho thiên hạ biết rằng, họ vi phạm chính luật lệ của họ.

Tôi không hoàn toàn đồng ý với ông Abuza. Hàng ngày trên mạng xã hội Việt Nam có đến hàng trăm lời bình phẩm về việc Đảng Cộng sản Việt Nam vi phạm luật lệ của họ. Nhưng Đoan Trang bị bắt và bị bỏ tù vì là sự bắt đầu cho một phản kháng trí thức, vốn thiếu vắng trong xã hội lai căn về tinh thần, về ý thức hệ, … của Việt Nam hiện nay. Cách tiếp cận vấn đề rất nồng nhiệt của Đoan Trang đánh thức lớp thanh thiếu niên Việt Nam đang thiếu hẳn một tinh thần trí thức phản biện, một khả năng phân biệt đúng sai, và sự can đảm.

Đối với Đảng cộng sản Việt Nam, cái tội lớn nhất của Đoan Trang là Nhà Xuất bản Tự do của cô và đồng sự, chứ không phải hai bài phỏng vấn với BBC và RFA Việt ngữ như nhà cầm quyền dùng làm “tang chứng” cho vụ án.

Phạm Đoan Trang là một cá nhân hiếm hoi trong số hàng trăm người (có thể là hàng ngàn) của giới bất đồng chính kiến.

Vì sự hiếm hoi đó nên phong trào đối kháng, đôi khi cũng được gọi là phong trào dân chủ Việt Nam, chỉ ồn ào mà không mạnh, và trên thực tế phong trào này đã tắt vào năm 2020, chỉ còn lại “phong trào Facebook” có vẻ còn ồn ào hơn xưa nữa, nhưng chẳng mảy may tác động đến chế độ.

Ông David Brown, cựu viên chức ngoại giao Mỹ, nói với BBC Việt ngữ sau bản án của Đoan Trang là, những nhân vật giỏi nhất của phong trào phản kháng, hoặc bị bỏ tù, hoạc lưu vong, số đông trong số còn lại đang lãng phí thời gian trong chuyện ngưỡng mộ… Donald Trump!

Quả là khôi hài, nhưng hoàn toàn có thật và đó chính là một trong những nguyên nhân làm tan rã một phong trào vốn cũng không cố kết là mấy. Bình tâm mà nhận xét: Làm sao những người tự xưng là đấu tranh cho dân chủ Việt Nam lại đi ngưỡng mộ một kẻ quái gỡ phản dân chủ, thậm chí âm mưu lật đổ cả thể chế dân chủ Mỹ?!

Rất nhiều bài viết xuất hiện sau khi Đoan Trang bị tuyên án 9 năm tù. Và cũng như những lần trước, khi có một nhân vật phản kháng nào đó bị bắt, bị kêu án, nội dung những bài viết này lại là sự khóc thương quá khứ và hiện tại cho nhân vật bị tù đày, kết án sự bạo tàn của chế độ… Và còn có cả những ước vọng nữa, như là hai cái tựa tôi gặp ở đâu đó như là: Mỗi bản án chính trị là điểm nối tan vỡ của chế độ (Chừng nào nó vỡ?) Hay là “Phạm Đoan Trang ‘dữ’ hay đảng yếu…” (Họ yếu thì làm gì họ?)

Dĩ nhiên sẽ có nhiều người Việt biết đến Phạm Đoan Trang sau sự kiện ngày 14/12 này, nhưng bao nhiêu? 60% người Việt là nông dân đang lo hạn hán, mất mùa,… có bao nhiêu người biết đến gia đình Trịnh Bá Phương, cũng là nông dân như họ, lãnh ngay những bản án nặng nề sau phiên xử Đoan Trang? Có bao nhiêu phần trăm công nhân đang vất va vất vưởng vì Covid và bị giới chủ tư bản kết hợp với Đảng bóc lột thậm tệ, biết về … Chính trị bình dân (Cuốn sách phổ cập các khái niệm về chính trị của Đoan Trang)? Gần gủi nhất với Đoan Trang là giới sinh viên, học sinh thành thị, có bao nhiêu em đọc được BBC Việt ngữ?

Các nhà “cách mạng” Việt Nam hiện đại vẫn ở trong cái phòng đồng vọng (echo chamber) do công ty Facebook lập ra, để rồi với sự trợ giúp của chính Facebook, Đảng sẽ “tính” đến họ khi cần.

Hơn 200 ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, đóng vai các lãnh chúa hiện đại của nước Việt Nam, vẫn kiểm soát rất chặt chẽ từng địa phương của đất nước, mặc cho các lời “tiên đoán” hào hùng từ trong nước ra đến hải ngoại là chế độ cộng sản sắp … tàn đến nơi rồi.

 

Phạm Đoan Trang – Nguồn cảm hứng tự do

Nguyễn Vi Yên

“Mẹ ơi! Con yêu Mẹ! Con không sợ gì đâu. Mẹ giữ sức khỏe nhé!”

Đó là những lời sau cùng của Trang trong phiên tòa sơ thẩm, khi chị ngoái đầu nhìn mẹ đang nán lại giữa phòng xử lúc cuối ngày.

Trang chịu án chín năm tù bởi cuộc đời mà chị đã chọn: Làm một người tự do.

Ai đó gọi Trang là một nhân vật lịch sử. Nhưng chín năm chẳng là bao đối với lịch sử của một dân tộc. Con người cá nhân trở nên mờ nhạt, và thậm chí bị vùi lấp giữa các sự kiện và các mốc thời gian, khi nhấn chìm mình trong dòng chảy mang tên “công cuộc” để đáp ứng những đòi hỏi nặng nề của thời đại. Tôi không muốn nhìn những người quanh mình, trong đó có Trang, bằng cái lăng kính khắc nghiệt ấy.

Nếu phải nói về lịch sử, tôi nghĩ thế này: tất cả chúng ta đều là những nhân vật lịch sử, rằng mỗi người chúng ta là nhân vật chính trong cuộc đời của riêng mình. Cách ta sống sẽ viết nên trang sử đời ta.

Đời tôi giao với đời Trang một đoạn – đã hơn bốn năm kể từ hồi cùng biên tập cuốn Chính trị bình dân. Ở những trang giao nhau ấy, từng có nhiều điều tôi không đồng ý với Trang. Từng có những lần va chạm do khác cách tiếp cận. Từng có vài cuộc trò chuyện gượng gạo sau đó. Sự khác biệt là tất yếu, bởi, như Trang luôn nói, con người thì đa dạng và xã hội thì đa nguyên. Dù khác nhau tới mấy, tôi luôn quý mến Trang như một người viết dung dị, trân trọng Trang như một người đồng nghiệp nhiệt thành, kính nể Trang như một người tự do – và giờ là một người tù tự do.

Trong cuộc gọi sau cùng hồi cuối tháng Chín năm ngoái, Trang kêu tôi gởi mấy thông tin để hoàn tất một bản báo cáo. “Chị nghĩ sao nếu chị không ra mặt lần này, làm kín kẽ thôi”, tôi hỏi. Trang không trả lời. Một hồi sau, trước khi cúp máy, Trang nói, “mấy hôm tới công khai bản báo cáo này xong, chắc còn lâu lắm chị mới về lại Hà Nội thăm mẹ được.” Chưa đầy hai tuần sau, Trang bị bắt. Và mãi cho tới phiên tòa vừa rồi, Trang mới được thấy lại bóng dáng mẹ mình.

Trang đã sống tự do như thế, trong tinh thần, trong tư tưởng. Nếu Trang muốn nói, Trang nói. Nếu Trang tin điều gì là việc đúng nên làm, Trang làm. Nếu Trang hành động, Trang thẳng thắn công khai. Không ngần ngại, không vòng vo, không tự kiểm duyệt. Bất kể bị gọi là bao đồng ngốc dại. Bất kể khiến người thân phải lo âu muộn phiền. Bất kể bị đẩy vào tù ngục. Những điều Trang đã thấy trước.

Đây là lần đầu tiên tôi viết về Trang kể từ hồi Trang bị bắt. Tôi đã luôn cảm thấy hổ thẹn với trang sử của riêng mình khi nghĩ về cuộc đời tự do của Trang. Trong công việc hoạt động cộng đồng, tôi thường chọn cách tiếp cận sao cho ít rủi ro nhất, bởi nhiều nỗi e dè. Đã không ít lần tôi tìm cách tự kiểm duyệt những chủ đề mình viết để rồi ngán ngẩm buông bút, vì chán ghét bản thân.

Tôi, có lẽ cũng như rất nhiều người khác, với những lựa chọn tuy thực dụng nhưng cũng đầy tù túng, không thật sự trọn vẹn hiểu lựa chọn của Trang – một lựa chọn quá khắc nghiệt với bản thân, tôi nghĩ. Nhưng chúng ta lấy thẩm quyền gì để khuyên bảo người khác nên sống ra sao cho phải. Ta chỉ có thể coi xét lựa chọn đời ta.

Và mỗi lần nghĩ tới Trang, tôi thường tự nhủ rằng, tôi có thể chưa đủ dũng cảm để tranh đấu cho sự tự do của cả đất nước được như Trang, nhưng ít nhất tôi sẽ mạnh dạn gìn giữ sự tự do của cuộc đời mình. Quay lưng lại những lời ngờ vực khinh khi của người ngoài để nói những điều tôi muốn nói. Gây phật lòng cho những người tôi thương để làm công việc tôi muốn làm. Chối từ những lề thói thông thường để sống cuộc đời tôi muốn sống. Viết, nếu ta muốn viết. Ngâm thơ, nếu ta muốn ngâm thơ. Yêu, nếu ta muốn yêu. Im lặng, nếu ta muốn im lặng. Tất cả những ước muốn tự do ấy sẽ là điều ta xứng đáng có được, nếu ta sẵn lòng đấu tranh, gìn giữ, và cả trả giá, trong cuộc đời duy nhất này.

Cảm ơn Trang, nguồn cảm hứng tự do.

 

 

Bài Mới Nhất
Search