T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Lưu Na: Ngậm Ngải Tìm Trầm

Trong mười năm trở lại đây, người ta viết nhiều hơn tìm hiểu nhiều hơn về một thời văn học miền Nam cũ. Bên trong rụt rè quan điểm dù gì thì nó vẫn là dấu vết sinh hoạt của người dân trong một thời, không thể làm ngơ hay xóa bỏ. Bên ngoài mòn mỏi sưu tầm thu thập hệ thống hóa, quyết khẳng định một cái đã bị thẳng tay bôi xóa. Nhưng bên cạnh tính cách văn học sử của những công việc lời nói đó, có cần thiết không để đi tìm lại những hình ảnh những ngòi viết của một thời? Đoàn Xuân Kiên cho rằng cần thiết, bởi vì

Có người sẽ nói rằng thế hệ hôm nay đang hình thành một nền văn học khác, không cần phải lưu luyến gì với những tâm tình già cỗi của người đi trước. Có thể là thế. Đi tìm bản sắc cho mình luôn luôn là một hành trình gian nan và cô đơn. Nhưng hình như vẫn là quy luật, là sự vận hành xã hội thường theo những tiến trình của nó. Chu kì sinh thành và phát triển của thế hệ văn học hôm nay sẽ đi qua tiến trình mà cha anh họ đã trải qua…” (Đoàn Xuân Kiên, Có một thế hệ văn học mới cũng đang “đoạn tuyệt để lên đường” ?)

Tôi có thêm một lý do, ngoài cái tình riêng, để đi tìm chữ của một người trong thế hệ cũ _ Nguyễn Đình Toàn.

DẤU VẾT THỜI ĐẠI

Sau 1954, chúng ta đã đi qua thời văn trong sáng của Tự Lực văn đoàn. Cái thời ấy kể là xong.

Bây giờ, rừng văn thơ của những năm tháng đầu tiên mang nhiều, quá nhiều sắc thái. Người ta vừa tiếp thu cái mới của phương Tây vừa đi tìm cái gì vừa phải thích hợp cho hồn Việt, vừa muốn đổi mới vừa không muốn vong thân, vừa hô hào thách nhau làm cái mới vừa tìm kiếm chính mình. Nơi rừng chữ ấy, biết tìm nơi đâu hình ảnh Nguyễn- đình-Toàn-nhà-văn của 20 năm văn học miền Nam. Rừng xưa đã khép. Người ta nói nhìn cây thấy rừng, nhưng tôi bây giờ phải tìm về cánh rừng xưa lao vào kiếm mới mong thấy cây, mới mong gặp mảnh hồn năm cũ. Không dễ tìm thấy một con người.

Đoàn Xuân Kiên nói: “Trong không khí giao lưu văn hóa rộng rãi thời hai mươi năm Việt Nam Cộng Hòa, văn nghệ có một số thành tựu nhất định. Những thành tựu của văn học thời kì này không ra ngoài những xu hướng chung của văn học thế giới vào những thập niên 1960 và 1970…

Nhìn vào, Thụy Khuê, Văn Học Miền Nam, cho rằng chia nhà văn theo nhóm với khuynh hướng quan điểm lập trường chính trị thì các tờ báo

Văn, Phổ Thông, Văn học, qui tụ các nhà văn không có lập trường chính trị biểu hiện rõ rệt mà thuần túy văn thơ cổ điển như Đông Hồ, Mộng Tuyết, Nguyễn Vỹ, Bùi Khánh Đản, hay văn nghệ thời đại, sinh hoạt thành phố như Nguyễn đình Toàn, Nguyễn thị Thụy Vũ, Túy Hồng;” “Triết học hiện sinh…hậu thuẫn cho tác phẩm: con người quay về khảo sát chính mình, nhận thức chính mình…”

Hiện sinh được gắn với Nguyễn Đình Toàn.

Rõ hơn, Trần Văn Nam, Các Thời Kỳ Văn Học Miền Nam 1963-1975, cho rằng

Ảnh hưởng Triết lý Hiện sinh phổ biến từ trước năm 1963, đến giai đoạn này [1965-1972] mới thật sự táo tợn… trước đó chỉ là hiện sinh pha với lãng mạn, hoặc hiện sinh độc thoại nội tâm.”

Những nhận định đó dành cho các tác phẩm khác, nhưng nếu đọc NĐT sẽ thấy nó cũng đúng với tiểu thuyết NĐT.

Bên cạnh, Văn Học Tổng quan của Võ Phiến có Nguyễn đình Toàn thơ, Nguyễn đình Toàn truyện ngắn truyện dài, Nguyễn đình Toàn kịch thơ, có kịch không_đọc hoa cả mắt không còn nhớ. Nơi những trang viết về 20 năm Văn học miền Nam, tổng kết luận bàn về xu hướng thời đại, về tư duy, về tâm tình về sắc thái vân vân, tên Nguyễn đình Toàn luôn được nhắc với nhóm tiểu thuyết mới.

Nguyễn Vy Khanh trong Tiểu Thuyết Thế Kỷ I và II cũng xác nhận một Nguyễn Đình Toàn hiện sinh lãng mạn và tiểu thuyết mới.

Theo Nguyễn Vy Khanh, sau 1954, nhà văn miền Nam tiếp cận với tư tưởng và kỹ thuật cách tân của thế giới và Âu châu, tiểu thuyết thời kỳ này có một không khí mới chưa thấy trước đó. Các nhà văn viết như một cách thế để sống sót.

“[Họ không] phân tích tâm lý để cho có tiểu thuyết, để ăn khách, mà nay trở nên một vấn đề sống chết không lựa chọn… Với Nguyễn đình Toàn cũng như Dương Nghiễm Mậu, Thanh Tâm Tuyền, câu chuyện chỉ là cái cớ để tác giả triết lý, phát biểu nhận định về con người và cuộc đời…

…Hoài nghi đã xuất hiện trong tình yêu, trong thế giới tiểu thuyết của Thanh Tâm Tuyền, Dương Nghiễm Mậu, Nguyễn Đình Toàn …Ý nghĩa cuộc đời chỉ có thể có từ kinh nghiệm cá nhân mỗi người, và tự do chọn lựa, như một số nhân vật… Nay không còn khuôn mẫu văn hóa chung, phổ quát, trừu tượng,nay chỉ có chủ thể mà không còn khách thể

…Cái không khí Dostoievski nặng nề và bi quan, cái không khí buồn tột cùng hay bất lực đó đã thấy trong các tác phẩm của Võ Phiến, Dương Nghiễm Mậu,… cũng như cái phi lý dửng dưng trong tác phẩm Thanh Tâm Tuyền, Dương Nghiễm Mậu, Nguyễn Đình Toàn. Thanh Tâm Tuyền và Nguyễn Đình Toàn chẳng hạn, đều đi tìm ý nghĩa cuộc sống; trong khi Thanh Tâm Tuyền hăm hở mà dửng dưng, tự hào, không cảm tính, thì Nguyễn Đình Toàn chậm chạp khám phá theo cảm tính và tư duy…

Nói ngắn lại, Nguyễn Vy Khanh cho rằng Thanh Tâm Tuyền, Dương Nghiễm Mậu, Nguyễn Đình Toàn có khuynh hướng hiện sinh, nhưng không khí tác phẩm của Nguyễn Đình Toàn, Hoàng Ngọc Biên, và Huỳnh Phan Anh gần với khuynh hướng tiểu thuyết mới ở Âu châu, “một loại phản tiểu thuyết, [với] đối thoại và độc thoại cùng tình cảm nội tâm trộn lẫn, thứ tự thời gian đảo lộn, không cần đến cốt truyện, có khi không cả người kể.”

Từ tác phẩm đầu ra mắt, ảnh hưởng của hiện sinh nơi NĐT đã được ghi nhận bởi Tràng Thiên, Qua Hàng Sách _ Chị em Hải của Nguyễn đình Toàn:

Cốt truyện về sau như có một ngụ ý răn đời. Tác giả không đến nỗi dùng bừa bãi những sáo ngữ của thời đại: buồn nôn, thân phận làm người, phi lý…, nhưng đôi khi ông lý luận về cái ‘hiện hữu phi lý’, ta vẫn thấy như một sự trịnh trọng không cần thiết. Tuy vậy,… không đến nỗi lộ liễu quá.”

Đến Con Đường thì dấu ấn thời đại nơi tác phẩm đã thực rõ nét. Nguyễn Mạnh Côn (NMC), Đọc sách mới _ Con Đường đã nêu ý kiến về tư tưởng của NĐT

“…tôi nghĩ Toàn đã sai lầm… Toàn đã lạc hậu… Cũng như Sartre, Camus, Robbe Grillet cùng tất cả các đồng nghiệp văn sĩ Tây phương của họ đã lạc hậu… có nhiều thắc mắc mà Toàn trình bày đã được giải quyết từ khá lâu rồi. Thứ nhất là sự hiện diện, hữu danh hay vô danh, của cá nhân trong xã hội… các nhà bác học, toán học đã xác nhận tính hiện hữu của …[định] luật của số đông… thứ số đông mà người ta chỉ biết là có… Số đông đó làm nên tính mầu nhiệm của sự sống… mỗi đứa trong hai chúng ta là một đơn vị trong số đông đó. Một đơn vị mang trong bản thân nó sự mầu nhiệm của hàng tỷ tế bào, là đơn vị của một số đông trong những kích thước khác.

Toàn cần phải nghĩ ngược lại, khởi từ đơn vị. Đơn vị tự thấy nó nhỏ bé quá, tự thấy nó sống giữa sự lãnh đạm, không chú ý của đám đông, và do đó, tưởng rằng sự sống của nó có thể có, nhưng có thể không có, mà số đông cũng không lay chuyển chút nào. Ý nghĩ này làm cho nhiều người tuyệt vọng. Tuyệt vọng vì thấy mình không có gì đáng kể giữa số đông và trong thời gian. Nhưng nghĩ như thế là không biết rằng sự vận động của số đông có tính chất hoàn toàn ngẫu nhiên. Sự hiện hữu của mỗi đơn vị không thể nào chịu thêm một định luật, hay một chỉ huy nào khác… Khoa học đã thấy mỗi tế bào cũng có cái sinh hồn – bioconscience của nó… Mỗi đơn vị hãy làm tốt hết phần của nó. Số đông sẽ vì thế mà khá hơn. Đến lúc đó chúng ta sẽ nhận thấy ngẫu nhiên chỉ là kết quả chứ không phải khởi xướng.”

Ở đây có thể hiểu rằng NMC bác tính bi quan và hoài nghi của NĐT về sự sống, về tính cách ngẫu nhiên của mọi sự trong đời tỏ ra trong Con Đường. Rõ ràng NMC thấy ta có mặt là ta hiện hữu, và sự hiện hữu của ta có một ý nghĩa, nó là mầu nhiệm của sự sống, không cần phải hoài nghi để rồi bi quan. Về sự ngẫu nhiên, có vẻ nhà toán học NMC cho rằng NĐT đã nhân đôi nhân ba sự ngẫu nhiên (ta có mặt hay không đều đã là ngẫu nhiên, mọi sự đến hay không đến với ta đã nằm trong ngẫu nhiên đó, không thể có ngẫu nhiên “tôi” có mặt trong cuộc đời này rồi ngẫu nhiên chuyện đó xảy ra cho tôi, “chuyện đó” xảy ra hay không đã ngẫu nhiên vì sự có mặt ngẫu nhiên của tôi.) Nói để mà nói, tôi không biết chắc có phải NĐT cho rằng tất cả mọi sự là ngẫu nhiên, cũng không dám nói hiểu NMC, nhưng tôi cũng tin rằng trong sự có mặt ngẫu nhiên của một cá nhân ta vẫn có một số quyết định trên cuộc sống của mình chứ không phải cái gì đến với ta cũng ngẫu nhiên. Và dường như NĐT cũng đồng ý với NMC đó chứ: “Cuộc đời như một vở kịch người ta cố dàn xếp để cho nó phải xảy ra như thế, hay không liên quan gì đến thế cũng được…” Nơi câu nói đó, cái suy nghĩ về cuộc đời vô nghĩa mà người ta chính là yếu tố chủ động dàn xếp, xung đột với cái ý xuyên suốt trong truyện: mọi sự xảy ra dù lớn lao hay nhỏ bé đều là định mệnh đều là sự tình cờ. Hình như NĐT không chỉ mang trong lòng nỗi hoài nghi bi quan và tuyệt vọng, có phải đó chính là điều NMC cho là NĐT quả là vừa đĩ vừa ngoan? Nhưng đào bới ra cho rách chuyện, vấn đề ở đây, là suy nghĩ của NĐT về cuộc đời, và suy nghĩ đó xuất hiện trong Con Đường như một luận đề, nhưng đến Ngày Tháng (1968) thì chỉ còn cô đơn tuyệt vọng, và đến Đồng Cỏ (1973), đến Áo Mơ Phai (1973), tuyệt vọng hay ngẫu nhiên gì cũng có vẻ đã mờ nhạt.

Về cái viết của mình, Nguyễn Đình Toàn cũng xác nhận chuyển biến trong kỹ thuật viết, trích trong phỏng vấn in trên báo Văn (SG) và Văn học (1974) trg 94-95, tài liệu của Nguyễn Vy Khanh. Nguyễn Đình Toàn ý thức rõ điều mình muốn chữ mình viết: “Mỗi tác phẩm đã viết ra như que diêm đã được đốt cháy, nhà văn có bổn phận phải sáng tạo, dù rằng toàn bộ tác phẩm chỉ là sự nối dài từ cuốn đầu tiên.”

Như vậy, giữa những người tìm hiểu và nhận định, cùng với chính tác giả, cái hiện sinh lãng mạn và tiểu thuyết mới là đặc điểm của tiểu thuyết Nguyễn Đình Toàn.

GẦY MỘT LÀN HƯƠNG

Mai Thảo ra hải ngoại có nhắc đến NĐT và bút pháp tiểu thuyết mới (Nouveau Roman/New Novels). Mai Thảo viết: “Cuối cùng là Nguyễn đình Toàn lại có thêm những đất trời văn chương mới, sau Chị Em Hải. Sự có thêm này rất đáng ghi nhận. Mặc dầu nó vừa là một thành tựu vừa là một thất bại trong vận động và đi tới của văn chương Nguyễn đình Toàn.” (Mai Thảo, Chân Dung mười lăm nhà văn nhà thơ Việt Nam, p 97-99).

Có hai điều nơi lời Mai Thảo: NĐT chủ trương viết mới, và cái viết ấy mang lại kết quả đối nghịch.

Hãy nói đến kết quả: “Thành tựu nơi Tân Tiểu Thuyết [là] đã đem lại cho văn chương tiểu thuyết một chân trời, một khả hữu [?] mới. Về ngôn ngữ, về kỹ thuật. Thất bại là Tân Tiểu Thuyết đã không thuyết phục được người đọc tiểu thuyết, trước sau vẫn chỉ muốn nhìn tiểu thuyết như một hình thái văn chương phổ biến, tiểu thuyết giản dị là xã hội và đời sống thuật lại thành truyện kể, qua tâm hồn, ý thức và rung động của nhà văn.” (Sách đã dẫn). Tôi cho rằng NĐT không hề viết gì khác hơn, làm gì khác hơn. Như vậy, Mai Thảo cho rằng tiểu thuyết NĐT thất bại vì nhiều khi nó không có truyện gì cả_không có “truyện kể”, hay thất bại ở cách viết, ở ngôn ngữ, ở kỹ thuật? Ngôn ngữ kỹ thuật tiểu thuyết mới là gì? Mai Thảo giải thích:

“…Tiểu Thuyết Mới, còn được gọi là Anti Roman qua cái nghĩa Tiểu Thuyết Mới chống nghịch lại hết thảy mọi khái niệm về văn chương tiểu thuyết cổ điển trước nó, đưa ra những khái niệm tiểu thuyết mới lạ hoàn toàn…

…[M]ấy đặc thù chính yếu về tiểu thuyết của nhóm Tân Tiểu Thuyết thì là: nhà văn cất bỏ hoàn toàn những nhận thức chủ quan, những nhận thức ấy theo lý giải của Trường Phái Cái Nhìn chỉ làm biến tướng biến hình sự vật, chứ không thể hiện được chân tướng uyên nguyên của sự việc. Như danh từ cái nhìn đã trở thành danh từ trường phái, nhà văn chỉ có nhiệm vụ của một đôi mắt, một ống kính nhiếp ảnh. Đôi mắt ấy nhìn thấy thôi, không phê phán không tư duy. Ống kính nhiếp ảnh ấy chụp hình thôi, chụp từ thật nhiều phía càng hay, từ viễn ảnh tới cận ảnh, tơ tóc, tinh vi, nhưng chụp thôi, tuyệt đối chỉ chụp, một cách lạnh lùng gần như vô tri, nghĩa là sự vật đời sống nhìn thấy thế nào thì miêu tả khách quan chứ không gửi gấm vào miêu tả nhận thức hoặc tâm trạng chủ quan của người viết.”

Hãy cứ chấp nhận rằng Mai Thảo nói đúng và hiểu đúng về kỹ thuật tiểu thuyết mới, thì rõ ràng kỹ thuật đó không phục vụ ý hướng của tiểu thuyết NĐT, vì tiên quyết, tất cả nội dung tiểu thuyết NĐT đã viết đều là gửi gấm cái nhìn, cái suy nghĩ, cái cảm nhận riêng, rất riêng, của NĐT về cuộc đời, nghĩa là suy tư và nhận thức chủ quan. Chụp ảnh, nếu là chụp ảnh nghệ thuật, thường có chủ điểm có tiền cảnh hậu cảnh, có sáng tối chủ quan để gửi gấm điều mình thấy tới người xem. Nếu là ảnh phóng sự, ảnh tường trình, những bức ảnh đưa ra đều đã qua sự chọn lựa, đôi mắt/cái nhìn đã bị điều kiện hóa bởi chủ đề đến từ ý tưởng, ước muốn của đầu óc. Như vậy, kỹ thuật tiểu thuyết mới đã hàm chứa trong chính nó điều mâu thuẫn, sao phục vụ được mục đích của tiểu thuyết là sáng tạo, tạo ra một không gian trong đó người viết vẽ lại, kể lại, chụp lại cái gì mình đã thấy? Nói cho cùng, tiểu thuyết vẫn là nghệ thuật, nói lung tung chụp ảnh lung tung không cần biết mình nói gì không cần biết ảnh có gì, không thể là nghệ thuật, mà nói có đường hướng chụp ảnh có chủ đề thì đâu còn là “chỉ nhìn chỉ tả.”

Và có nghĩa gì không, nếu người đọc không ai cảm được, thấy được những điều đã nói ấy?

Tôi đồng ý với Nguyễn Đăng Mạnh, đại khái rằng, để viết về một ngòi viết mình cần phải sống với chính tác giả mới mong hiểu hết ngôn ngữ và suy nghĩ của những gì đã được viết xuống. Ở ngoài này cũng có Nguyễn Hưng Quốc làm công việc đó với Võ Phiến. Nhưng còn những người đọc đứng ngoài những hiểu biết về văn chương văn học cùng những lý luận, kỹ thuật; những kẻ lỡ dở như tôi, đã lớn sau một cuộc chiến một thế hệ, để hiểu một ngòi viết biết phải làm sao?

Có những cách nhìn nào về tiểu thuyết mới của Nguyễn Đình Toàn?

Thú vị nhất có lẽ là lời của nhà giáo Nguyễn Hiến Lê về tiểu thuyết mới, trong Nguyễn Hiến Lê, Hồi Ký tập II, trang 265:

“…báo chí đua nhau giới thiệu phong trào hiện sinh và phong trào tiểu thuyết mới (cũng gọi là phản tiểu thuyết: Anti-roman).

Nhiều tác phẩm của Sartre (hiện sinh), Camus, Kafka được thanh niên hoan nghinh nhưng hình như không có tiểu thuyết nào của Alain-Robbe-Grillet, Nathalie Saraute, Michel Butor được dịch cả: loại tiểu thuyết này mới thì mới thật, nhưng không hấp dẫn. Vì không có truyện. Vả lại chính phong trào tiểu thuyết mới chỉ ồn ào được ít năm, khi nó qua mình thì ở Pháp ít ai còn nhắc tới. Các tiểu thuyết gia của mình nói tới họ thì nhiều, thích họ thì chắc không, và tuyệt nhiên không có nhà nào theo kĩ thuật của họ.”

Nguyễn Hiến Lê không phải không có kiến thức về văn chương văn học, ngược lại, ông có sức học, hiểu, chứng minh qua hàng trăm sách đã xuất bản. Nhưng có vẻ nhà giáo khả kính ấy không đọc, hoặc đọc nhưng không cho rằng tiểu thuyết NĐT là tiểu thuyết mới. Và cũng có người nghĩ khác.

Nguyễn Đức Tùng, Những Kỷ Niệm Của Tôi Về Văn Học Miền Nam, cho rằng:

Các truyện mới hơn [so với các truyện cổ điển] nhấn mạnh đến cốt cách, hành động bên ngoài, đọc họ thì biết là họ ăn nhưng không biết ăn gì, biết họ làm tình nhưng không biết làm tình như thế nào, biết một nhân vật chết nhưng không biết người ấy chết ra sao. Như thế, tiểu thuyết ngày càng đi sâu vào nội tâm hay ngày càng đi xa ra khỏi đời sống?”

“Người đọc của Nguyễn Đình Toàn… không để ý lắm đến việc các nhân vật nam và nữ sau khi quen nhau thì sẽ làm gì, cuối cùng họ có lấy nhau không vân vân…mà chỉ quan tâm đến tâm trạng của nhân vật tức là diễn tiến bên trong của đời sống cá nhân…

Tràng Thiên nói về bút pháp NĐT như vầy: “Giọng viết vắn tắt, cố làm ra rắn rỏi, thản nhiên, ngay ở những đoạn gây cấn nhất, không phân tích dài dòng, thích đột ngột… các nhân vật được giới thiệu với cái giọng đùa cợt hóm hỉnh, theo kiểu Duy Lam… trình bày được nhiều nhân vật rất linh động… Trong cách phô diễn, có khi tác giả cố ý tìm những lối nói khác lạ cầu kỳ: ‘tiếng im lặng hòa lẫn với tiếng mưa’.”… “Nhiều lần, lối diễn tả vắn tắt đột ngột ấy gợi tả tài tình: nói về một thiếu phụ khỏe mạnh dưới nắng, ông bảo: ‘Trông Vinh nóng bức một cách nồng nàn’”.

Bây giờ hãy thử đọc Ngày Tháng của Nguyễn Đình Toàn song song với một vài tiểu thuyết của những người hiện sinh lãng mạn Thanh Tâm Tuyền (TTT), Dương Nghiễm Mậu (DNM). Ở đây có lẽ nên nhắc qua, Nguyên Sa, Một Bông Hồng Cho Văn Nghệ (MBHCVN), đã chỉ ra rằng “văn học nghệ thuật của ta không những tránh thoát được cái tinh thần phe nhóm cực đoan, còn tránh luôn được cả sự gò bó của tư tưởng hệ thống hóa”. Đoàn Xuân Kiên cũng xác nhận “[khuynh] hướng văn nghệ hiện sinh không phải là khuynh hướng chủ đạo của nhóm Sáng Tạo, càng không phải là của toàn thể văn nghệ miền Nam trong hai mươi năm.” Cho dù được gọi chung là hiện sinh lãng mạn, Nguyễn Đình Toàn, Thanh Tâm Tuyền, và Dương Nghiễm Mậu vẫn mỗi kẻ một con đường, một cách viết. Tôi đọc truyện của TTT, DNM có chỗ hiểu chỗ không, nhưng chắc chắn một điều, tôi hiểu ngôn ngữ và phần nào suy nghĩ của họ. Với Nguyễn đình Toàn, ghi nhận đầu tiên tồn tại cho đến những phút này, là văn phong NĐT cũ, ngôn ngữ nhiều khi khó hiểu. Cũ, không phải cổ điển. Đều đều hờ hững và bình thường như ngôn ngữ hằng ngày của những người vô danh nói với nhau. Tôi nói… Ông ấy nói… Rồi chúng tôi đi về… (Ngày Tháng). Vậy có gì là mới?

Tiểu thuyết của Nguyễn đình Toàn và của Thanh Tâm Tuyền có chung một vài điểm, thí dụ như sự lãng mạn rõ rệt trong suy nghĩ trong cách nhìn, thí dụ là những câu nói nhiều khi đột ngột khó hiểu, và như là nói tắt_tựa như xuyên qua vài khúc quanh ngõ quặt thì tới cái điểm mà nếu đi đường chính sẽ phải mất năm bẩy chặng. Nhưng ở đây cũng thấy được cái khác ở trong cái giống. Bếp Lửa có những câu văn ngắn mà kết cấu như là ở thể passive voice của Anh, Pháp. Cấu trúc câu văn có vẻ như quen nghĩ bằng tiếng Pháp/Anh, mà viết ra bằng tiếng Việt. “Con sâu ở giữa tim giữa hồn, giữa não, mày nhớ không?” đọc trong nguyên đoạn văn nó có nghĩa là “mày đừng quên con sâu ở giữa tim giữa hồn giữa não,” không phải một câu hỏi hay một câu gợi nhớ, nhưng nếu nghĩ theo tiếng Anh sẽ biết ngay_remember?_đó là một cách tái khẳng định/nhấn mạnh. Câu văn của Nguyễn đình Toàn khó hiểu phần nhiều vì ông gói vào nó một cái nghĩa sâu xa hơn cái thông thường mà chữ chuyên chở: “tình muốn bỏ tình chứ không phải người muốn bỏ người” (Không Một Ai, trang 256, trích dẫn của Tạ Tỵ), hay “tự sờ mó thân thể mình là một điều nhục nhã, và tự làm ung thối mình,” nhục nhã không phải ở hành động đó mà là ở chỗ tại sao chúng ta đã phải sống như thế, và không phải hành động tự sờ mó làm ung thối mà chính là sự kiện đẩy mình tới chỗ đó_chiến tranh, mất mát, không thể tìm thấy nhau_ làm hư hoại sự sống. Đây không phải là nghĩ bằng tiếng Pháp tiếng Anh viết bằng tiếng Việt mà chỉ là những chắt gạn trong suy nghĩ mà Nguyễn Mạnh Côn, Đọc sách mới _ Con Đường, đã nói đến. Hoặc như “Anh vừa lãnh một cặp tiền không tiêu cũng uổng”_ một câu ngắn không diễn giải gì cả nhưng nó đưa lại một chuỗi những hệ quả khổ đau của chiến tranh và cuộc sống bấp bênh… Lại cũng có câu trong Bếp Lửa có cái dạng hình làm mới chữ nghĩa của Mai Thảo: “thằng Bảo vợ cái be nước mắm,” “Tôi quên lá thư của Ngọc. Ngọc mở ở bàn đêm đầu giường”_Ngọc đã trở thành lá thư, và Bảo là vợ là be nước mắm… Trong khi NĐT có câu như là lủng củng khúc khuỷu dù ngắn: “đó là câu hỏi hết sức tránh phải trả lời.”

Đọc Ngày Tháng, cái khác biệt với Thanh Tâm Tuyền hay Dương Nghiễm Mậu rõ hơn cả chính ở chỗ áp dụng kỹ thuật tiểu thuyết mới của NĐT. Ở truyện của Dương Nghiễm Mậu và Thanh Tâm Tuyền, độc thoại nội tâm cùng những thao thức trăn trở tâm tình suy tư và cốt truyện chưa trộn lộn thành một, vẫn được nối với con người, với xã hội bên ngoài bằng những lời đối thoại có hình thức rõ rệt (xuống hàng, phân rõ ai nói cái gì), người đọc thấy dễ theo dễ thở chung một không khí.

Trong Dương Nghiễm Mậu, Tuổi Nước Độc (1965), những lời đối thoại độc thoại, sự kiện sự việc hình ảnh nghĩ suy… cũng dài dằng dặc trong mấy trang, không phải chỉ có NĐT viết như vậy. Nhưng với DNM Tuổi Nước Độc, đó là một giấc mơ, những giấc mơ, và người đọc vẫn trở về với thực tại truyện, thực tại của người viết và người đọc, khi xuống hàng qua phân đoạn khác.

Với Ngày Tháng, toàn bộ truyện là giấc mơ, mọi thứ thực đến đau đớn đến chua xót, nhưng như nó không có ở đây giữa chúng ta, nó ở một tinh cầu xa xăm nào đó. Nhân vật của NĐT dù đơn sơ như Hóa Tro Than, như Tôi_Con Đường; suy tư như Phụng_Đồng Cỏ; lãng đãng như Lan Áo Mơ Phai, tất cả đều như hiện ra trong một giấc mơ, dù là giấc mơ sống động.

Mù Khơi (1970) của Thanh Tâm Tuyền giọng văn đọc lên không lãnh đạm thờ ơ, vẫn cảm được cái xúc cảm của nhân vật, đúng hơn của tác giả. Ngày Tháng có cái dửng dưng hờ hững không xúc cảm trong lời viết. NĐT xóa nhòa mọi cảm xúc thông thường mà ta biết để tả cái cảm xúc đớn đau tinh tuyền trong suy nghĩ, trong tâm hồn. Đọc NĐT phải có cái đau thực sự mất mát thực sự mới thấm cái vô cảm trong câu văn, trong khi đọc Bếp Lửa thì cái lãnh đạm trong thái độ của nhân vật là cái lãnh đạm bốc lửa, chỉ ra cái đau đớn tâm tư, mình chỉ cần có mức độ nhậy cảm trong tâm hồn thì cảm thông được, không nhất thiết phải kinh nghiệm qua cái đau đớn tâm hồn. Tả cái đau đớn của tâm hồn có lẽ không ai tả hay hơn NĐT, và đó là cánh cửa ngăn mình thấm hiểu tiểu thuyết NĐT, mình cứ mắc kẹt ở ngưỡng cửa, không gọi tên chỉ mặt được. Tức lắm.

Ở TTT Dọc Đường (1970), những truyện ngắn dù hiểu hay không hiểu ý nghĩ của tác giả, mình vẫn thấy gần gũi và cảm thấy được cái không gian đó thế giới đó còn có chỗ gắn với mình bởi những chi tiết tươi rói của cuộc sống hiện tại. Với NĐT_Ngày Tháng và những truyện đã đọc, hình như chỉ có sự chán chường rã rời như nắm cát rơi qua kẽ tay, đáng sợ nhất là nó rơi đều đều như trong chiếc đồng hồ. Ở NĐT, mọi chi tiết đều là chi tiết người viết thu lượm cất riêng ra, rồi sau mới đem vào suy tư của nhân vật trong một cõi cách biệt. Những chi tiết đó có chất thật, nhưng không mang một sự liên tưởng gần gũi.

Những độc thoại nội tâm của Ngày Tháng dài dằng dặc, dài hơn cả những trang Áo Mơ Phai (1973). Với Áo Mơ Phai, NĐT xác nhận sự cố ý của bút pháp, nhưng e rằng nhà văn đã dùng nó trước cả khi ý thức nó, vì những trang của Ngày Tháng (1968) là sự tuôn chẩy không ngừng nghỉ của ngày 24 giờ, tuần 7 ngày. Đối thoại, ai nói với ai nói cái gì, cũng như sự kiện to nhỏ, ý nghĩ cảm xúc bên trong và trao đổi giao tiếp bên ngoài, trộn lẫn vào nhau liên miên, không dứt. Trong 60 trang sách, 28 trang giấy in, Ngày Tháng chỉ có những xuống hàng phân đoạn, mà cũng không nhiều đâu, có khi vài trang mới thấy một lần, và không hề có phân hàng đối thoại (lời nói qua lại nối tiếp nhau đứng chung với những lời khác, mọi lời khác). Trộn lẫn đến nhòe tan mọi ranh giới, đó chính là tiểu thuyết mới mà Nguyễn Vy Khanh đề cập trong kỹ thuật viết, nhưng thật khó nhận ra trong tiểu thuyết Nguyễn đình Toàn vì nó bị cái nội dung đặc sệt của suy tư trùm phủ, chữ bị lôi vào suy tư không dứt, chứ chữ không kéo dài, nối dài suy tư. Ngày tháng là dòng chảy đặc sệt, toàn bộ cuộc sống bị tách ra, mang vào một không gian khác, như không dính líu gì đến xã hội mình đang sống. Tồn tại một hành tinh khác? Guy Li Ve du ký?

Cảm nghĩ tồn tại khi đọc những tác phẩm đã nhắc của TTT, DNM, và NĐT, là đọc NĐT thấy như mình bị lôi ngược lại ở mức đầu, để đi chậm lại từng bước đời mà soi cho rõ từng ý nghĩ, từng cảm nhận về cuộc đời, trong khi hai tác giả kia cho mình cảm nghĩ mình đang cùng họ bước tới cái gì chưa biết ở trước mặt.

Tôi cho là Nguyễn Đình Toàn thực ra làm cũ cái mới chứ không phải làm mới cái cũ. Không khí tiểu thuyết của NĐT là một thứ mới tinh tuyền trong thực chất, không phải trong bút pháp, vì lời văn NĐT cũ, cũ trong kết câu và trong từ ngữ. Tựa như NĐT mang cái nghĩa mới vào ngôn ngữ cũ ý niệm cũ chứ không phải viết cái cũ bằng ngôn ngữ mới. Ở đây, phải đi ngược lại từ Chị Em Hải, để thấy, cái mới đã bàng bạc nơi tác phẩm, nhưng nó lẫn vào trong nội dung muôn thuở_tình yêu, cuộc sống, trong chữ cũ kỹ trong câu lẫn thẫn lẩm cẩm, và hòa vào đó thành tiểu thuyết NĐT. Bút pháp NĐT từ Chị Em Hải đã có những nét riêng, cách nói ẩn dụ ví von riêng mang nhiều sắc thái của Neruda của Tagore của Sagan rồi, không đợi đến Con Đường mà NĐT nhận là bước rẽ của kỹ thuật tiểu thuyết mới. Nghĩa là, tự NĐT đã có một ý niệm viết cá biệt rồi mới dùng cái gì thấy thích hợp (kỹ thuật tiểu thuyết mới) trong một chừng mực mà ông chọn.

Song song với những lời của NĐT nơi bài phỏng vấn, khi đọc một số các tác phẩm của NĐT tôi cho rằng nếu như chúng ta đã không có kỹ thuật tiểu thuyết mới thì trước sau gì rồi NĐT cũng sẽ viết như vậy, vì chính trong tầng sâu của suy nghĩ, NĐT đã có ý hướng riêng để viết cái điều mình muốn nói, để tả cái dằn vặt nội tâm của mình. Kỹ thuật đó đến chỉ là một phương tiện thích hợp và tiện dụng mà NĐT chộp lấy để sử dụng và hoàn thiện điều mình muốn làm: riêng một văn phong, hẳn ra một không khí tiểu thuyết: hững hờ hoài nghi ray rứt tuyệt vọng.

Nguyên Sa (MBHCVN) đã nói: “anh nào bảo rằng mình không bị ảnh hưởng ai cả là nói khoác. Bởi thế, sau khi đón nhận và tìm hiểu, làm thế nào tẩy bỏ được tối đa dấu vết trong tác phẩm của chính mình,” và Sartre, cũng theo Nguyên Sa, khi bị “tố” là “‘ám sát văn chương,” đã trả lời rằng “người ta không phải là nhà văn vì nói một cái gì nhưng vì đã nói lên một cách nào đó… – Hành văn … cần có một vẻ đẹp chìm không làm người ta chú ý đến… vì nó chỉ là ký hiệu của một nội dung khác, nó chỉ là lớp kính qua đó ta nhìn sự vật, cái nhìn phải đi qua lớp kính ấy chớ không được dừng lại, trượt lên lớp kính nhẵn đẹp.”

Đọc Ngày Tháng có thể nhớ một câu gì của NĐT không hay chỉ nhớ cái điều ông đã gieo vào lòng?

CÂY QUẾ GIỮA RỪNG

Nguyễn Xuân Hoàng, Sổ tay tháng 3, 2000 cho rằng “Nguyễn Đình Toàn là một trong những nhà văn được yêu mến nhất của Sài Gòn trong những năm trước 1975.”

Phải hay không tùy nơi mỗi người đọc, nhưng để làm nên một tên tuổi Nguyễn Đình Toàn, những hàng chữ đó phải có riêng một sắc thái, ghi lại được trong lòng người đọc một hình ảnh.

Những ai đã từng quen biết giao tiếp, có lẽ sẽ nhận ra phần nào hình ảnh của NĐT nơi Không Một Ai.

“Giấc ngủ trở nên ẩm ướt, đôi khi tôi không phân biệt được những gì mình đang nhìn và nghe thấy là trong lúc thức hay mê ngủ. Những tiếng động gõ mãi vào tiềm thức, đôi khi chợt tỉnh dậy trong đêm khuya, nghe cùng một lúc tiếng mưa gió bên ngoài và những tư tưởng, thân thể ngỡ trôi trong cõi mù mịt nào, ngỡ như mình đã chết. Mưa trong cõi trong và cõi ngoài dìm tâm trí hẳn vào cơn ảo giác. Thân thể cùng một lúc nhẹ tênh như chiếc bong bóng trôi trên mặt nước hắt hiu những lau sậy, ao ước được thay đổi, thay đổi cái bầu không khí đang thở, thay đổi những nỗi mờ ám đang bám trên các vật dụng nhìn thấy hằng ngày, thay đổi cách sống, thay đổi cái nhìn…

…Tiếng người ho, kêu la trong các dãy nhà thấp. Vẫn cái mùi hôi ẩm mốc, của cái chết, những vết thương tấy sưng… Những đệm giường cáu ghét loang lổ, bao nhiêu người đã nằm, đã chết, bao nhiêu người còn sống…” (Không Một Ai, 9, 74-75, trích dẫn bởi Tạ Tỵ)

Chính hình ảnh tự thân đó cũng là một vết cắt vào cuộc sống, vì NĐT thường để lại nỗi bất an thê thảm trong lòng người đọc khi gấp sách. Hoặc đó là nỗi vui mơ hồ không tên của một cái chuyện cỏn con: cô gái nghe người ta gợi ý muốn hỏi cô làm vợ_gợi ý thôi, không hỏi thẳng, và chính cái mơ hồ đó nuôi niềm vui và nỗi xôn xao của một cái gì sắp đến (Giờ Ra Chơi); hoặc đó là sự thất lạc chính mình, chính cái điều mình tha thiết: Hà của Ngày Tháng đi mua sắm cùng Vinh chuẩn bị cho một cuộc chia tay, nhưng một lúc sao quay lại chỉ thấy còn có mình, Vinh đã biến mất; hoặc đó là tuổi già của mình, của đám đông mà mình tự thấy trước:

“Không, không phải chỉ là cái ham muốn thông thường của dục vọng, nhưng hình như nó đã làm rung rinh cả nỗi bi thương bưng bít trong lòng ta cùng với cái chết.

…Đã từ lâu ta ngắm đời sống, và đời sống diễn ra trước mắt ta trong sự ngó nhìn im lặng đó, diễn ra lặng lờ như ở bên kia một tấm kính trong, không còn một hoạt động nào bên trong nữa, ta muốn nói phía bên này tấm kính. Đứa con gái đã lạc vào cái chỗ kín bưng của ta bên này và khua động lên, làm ta không còn kịp nhận ra phương hướng của mình nữa…

…Không lẽ con không hiểu được, không bao giờ có thể hiểu được nỗi đắng cay trong lòng ta, không phải chỉ là sự nặng nề trong một cái thân thể đã tàn tạ nhưng chưa thỏa, nhưng mà vì ta còn muốn hút lấy cái đời sống còn đầy nơi con, cái đời sống mà ta đã kiệt quệ, cái đời sống chỉ có thể lấy từ một người khác, cái đời sống không còn có thể truyền tiếp nữa, như con ong hút lấy mật của một bông hoa, điều đó chắc con không biết được, đời sống ta hiện giờ như ngọn đèn cháy trong không…” Đêm Lãng Quên, trang 23-35, trích dẫn của Tạ Tỵ.

Không thê thảm méo mó hay sao, những hàng chữ đó? Tạ Tỵ, Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay, cho rằng “Nguyễn Đình Toàn đi vào văn chương không với tư thế kẻ nhàn du. Mỗi bước chân như in đậm vào mặt đất sự khó nhọc, vất vả của kẻ tìm đường…”

Nếu chữ là người, thì nơi Ngày Tháng đặc sệt suy nghĩ tâm tư của NĐT về cuộc sống: cuộc đời vô nghĩa, những cái hạnh phúc nhất hay khổ đau nhất, hay gì gì đó của sự sống là vô nghĩa, chỉ có phút giao hòa thể xác là có ý nghĩa nhất, linh thiêng nhất, không chừng là duy nhất, của sự sống, và tất cả mọi hiện hữu trong cõi đời này (luôn cả sự giao hòa ấy) đều chỉ để khẳng định một giá trị tuyệt đối: cái chết. Nhân vật của NĐT luôn mang nỗi bất an, một nỗi lo mình không tạo được một kỷ niệm một sự thân yêu nào giữ mình dính liền với mặt đất_ hoặc với một ai đó. Bên cạnh, là nỗi ám ảnh vong thân, mất quê hương. Những suy nghĩ về mình đâu đó rồi cũng dẫn tới số phận quê hương, căn phần của cả một dân tộc, một mảnh hồn chung. Đây là một điều mâu thuẫn biểu lộ ra từ cái viết. Có thể nào một người hoài nghi sự sống, sự hiện hữu của mọi điều từ bản thân cho đến từng cái li ti mình nhắc đến, lại lo vong thân, lo mất quê hương? Có thể nào một người cho mọi sự là vô nghĩa lại tôn thờ những giây phút giao hòa? Nơi những hàng chữ, NĐT cho thấy một tâm hồn lãng mạn lồng trong tiếng kêu tuyệt vọng thê thảm của ngày lập lại đời lập lại.

Ở Ngày Tháng con người NĐT hiện ra rõ nhất: vừa sống vừa yêu vừa nghi ngờ tất cả, có lẽ điều tinh tuyền nhất thật nhất chính là cảm xúc, dù nó mơ hồ và biến mất còn nhanh hơn sự sống.

Và, chính nơi Ngày Tháng mà con người thực của NĐT phản bội vai trò nhà văn mà chính ông chọn lựa: NĐT trong thực chất là một nhà thơ, chỉ là một nhà thơ, phải là một nhà thơ. Mọi trang văn xuôi ông đã viết một cách khó nhọc đều chỉ để nói tiếng nói của một hồn thơ, cái nhìn của một hồn thơ. Hồn thơ đó nói “ở cái mùi tanh hăng ngửi thấy,” “đời sống ứa nhựa hay cái chết tự vắt mình,” NĐT có cách nói diễm ảo như những lời thơ của Tagore, của Neruda, mà chính ra mình có thể tìm thấy ngay trong Ngày Tháng hình ảnh của “bông hoa lửa ướt” (“anh hôn trên đó và anh cho tôi cảm tưởng nó là bông hoa của đời tôi”) hay “khi thần chết đến gõ cửa, tôi sẽ không để hắn về tay không,” hoặc mang chút Sagan “trên tay anh tôi ngửi thấy mùi của thân thể tôi.”

Ngày Tháng cũng không thiếu cái dự cảm về sau, cái cảm nghĩ phải sống thêm khi đời đã hết của 1968 lập lại trong Đồng Cỏ (1973), và thực sự, mọi dự cảm đều chỉ là mặt biểu hiện của một con người quá mẫn cảm, ý thức quá rõ cảm xúc và suy nghĩ của mình cũng như thấy tận đáy hồ nước của cuộc đời với mình là cọng rong buồn trôi nổi. Nguyễn Đình Toàn lưu lại nơi chữ viết những nỗi mệt nhọc chán chường, những lời tình tự một mình.

Nơi cái viết, phải đâu NĐT trau chuốt văn hoa, phải đâu lúc nào cũng tràn đầy súc tích. Nhưng chính ở những câu lủng củng khúc khuỷu hay những màu mè cố tình nhấn mạnh (“Mưa trong cõi trong và cõi ngoài” (Không Một Ai), “[anh] ấy đã chết thật ở trong tôi và ở ngoài tôi” (Ngày Tháng)) mới thấy sức nặng của những trăn trở dằn vặt… Chỉ cần đọc những trích dẫn của Tạ Tỵ thôi, cũng thấy rằng ở bất cứ truyện nào cũng có thể nghe ra cái chán chường, cái chiều kích bất an thê thảm của cuộc sống. Và như vậy phải chăng tiểu thuyết Nguyễn Đình Toàn monotone và khô kiệt vì đã quá chắt gạn? Tạ Tỵ nói:

đọc văn Nguyễn Đình Toàn, không thể đọc mau, đọc lướt, mà phải đọc trong lúc tâm hồn thật thanh thản và có khoảng thời gian rộng trước mặt, người đọc mới thấu triệt được hết cái hay của văn chương. Văn của Toàn không mang theo dòng gió hay bão táp… Có người nói, văn Nguyễn Đình Toàn nặng vì chuyên chở quá nhiều ý nghĩ”.

Đó chính là cái mà Nguyễn Mạnh Côn bực bội:

nghĩ ngợi nhiều quá, đào xới nhiều quá… Tôi muốn nói Toàn phải mở rộng suy tư để mở rộng con đường sáng tạo. Toàn cũng không thể vội quá, chắt gạn nhiều quá, vì như thế có thể làm khô cạn bất ngờ những ngọn suối đem chất liệu cho tác phẩm.”?

Nhưng Nguyễn Mạnh Côn cũng như Mai Thảo đều phải công nhận, Nguyễn Đình Toàn viết trước hết là viết cho chính mình, đi một mình một con đường cho dù có bạn đồng hành hay không, có người thông cảm hay không.

Một mình, như cây quế giữa rừng. Có lẽ không ai hiểu Nguyễn Đình Toàn hơn Huỳnh Phan Anh:

Có thể nhà văn chỉ có một tác phẩm để viết và viết rất nhiều lần trên chính tác phẩm đó. Có thể nhà văn chỉ là kẻ đi trên chính những bước chân của mình. Viết và viết lại, viết lại mãi không thôi một ý tưởng chưa hoàn thành, một tác phẩm hoài hoài dang dở. Phải chăng tác giả đã viết Ngày Tháng trước tiên chỉ để viết lại một tác phẩm đã viết rồi, thí dụ, Con Đường. Do đó, đọc Nguyễn Đình Toàn, cũng như đọc Mai Thảo, đọc Thanh Tâm Tuyền tức là đọc lại một lần nữa (=một lần khác) một tác phẩm đã đọc, để một lần nữa yêu mến tác phẩm đó như một sự sống, không như một cái gì đã chết. Đọc Nguyễn Đình Toàn gặp lại một đời sống, một kinh nghiệm về đời sống với những câu hỏi những gian nguy: đời sống như một cản trở đời sống.” Huỳnh Phan Anh, Đọc Ngày Tháng, Văn số 125, phát hành ngày 1 tháng 3, 1969

“…Sau cùng, người ta đọc Ngày Tháng cũng như người ta viết Ngày Tháng: trong sự mệt mỏi (của ngôn từ? của đời sống?).” (Đã dẫn).

Ai ăn mới biết, quế nó cay!!!

RIÊNG MỘT CON ĐƯỜNG

Cây quế giữa rừng, chỉ một mùa tang là hương là sắc tan. (Phạm Duy, trường ca Con Đường Cái Quan). Cả một rừng hương sắc ấy, không chỉ quế chỉ trầm, đã tan; mọi thứ cỏ cây cùng chung số phận. Nhưng có lẽ cũng nên dừng lại, nhìn lại con đường mà NĐT đã đi một mình ấy, để thấy rằng dù sao, cũng ngẫu nhiên, cái mà Nguyễn Mạnh Côn nói_ngẫu nhiên chỉ là kết quả chứ không phải khởi xướng, cái mùa tang ấy về sau này lại là điều tái ông thất mã cho riêng Nguyễn Đình Toàn.

Nhìn vào con đường của văn nghệ, Nguyên Sa (MBHCVN) đã chỉ ra:

Đứng trong thế giới văn nghệ Tây phương, anh ‘dấn thân’ là ‘dấn thân’ luôn, anh ‘vị nghệ thuật’ là ‘vị nghệ thuật’ luôn. Anh ‘tả chân’ cứ ‘tả chân’ cứ ‘tả chân’ mãi, anh ‘hiện sinh’ liên tục ‘hiện sinh.’ Văn nghệ của ta không có như thế… Tôi cho rằng cứ ‘dấn’ hoài thì mệt lắm…

Nguyễn Đình Toàn có vẻ cũng thấm mệt với cái chán chường tuyệt vọng (không còn có thể tuyệt vọng chán chường hơn!!!!) Càng về sau, những truyện mà Tạ Tỵ liệt kê những năm 1970, 1971 càng ít mang cái thê thảm nội tâm, những con chữ ít đi những chắt gạn của suy tư. Bây giờ NĐT viết gần với xã hội hơn dù giọng văn không đổi (đã rằng mình đi một mình một con đường!!). Những câu chuyện tình, NĐT chỉ viết chuyện tình, vẫn mang những âm điệu riêng của tình yêu, những lời tình yêu tuôn ra từ mạch sống. Nhưng bớt thấy cùng đường, hết thấy cái sân sâu cô quạnh gọi mời mình gieo thân xuống cho nát tan khối trăng trắng nho nhỏ nơi đầu, bớt thấy ngày lập lại không lối ra, bớt thấy người cất tiếng gọi người mà chẳng gieo được một âm vang. Những năm bẩy mươi, trong tiếng nhạc loạn cuồng của hippy của nhạc trẻ, trong cái te tua của quần áo, cái hốt hoảng bỏng rát của lửa chiến tranh, dường như NĐT cũng đã phải nhảy qua một mạch sầu khác chứ không thể cứ tà tà chầm chậm sầu đời trong một cõi riêng biệt mù tăm.

Cầm bằng như tất cả mọi sự rồi cũng tan tành mây khói cả, cầm bằng như cuộc đời được xếp đặt đúng như ý anh, cầm bằng như kẻ trước người sau ta đều không gặp mặt, và đời chỉ ngắn ngủi như một hơi thở, tại sao mình lại không tìm cách kéo dài những cái phút tạm gọi là hạnh phúc cụ thể đó” (Không Một Ai, 155, trích dẫn bởi Tạ Tỵ)

1973, Nguyễn Đình Toàn hoàn tất Đồng Cỏ và Áo Mơ Phai. Không hẹn, mà cả hai truyện đều mang cái dấu ấn của mất mát, một đã mất và một sẽ mất, vì thời cuộc.

A ha, nhà văn chân đã chạm đất, không còn làm người đi trên mây. Cô Phụng bây giờ không chỉ săm soi ý nghĩa cuộc đời cô đang sống. Cô còn phải gom góp và tạo thêm để chuẩn bị cho ngày sẽ mất những cái cô đã từng săm soi tra gạn. Nhìn bao quát, Đồng Cỏ như báo hiệu NĐT đã chán cuộc chơi, như đã đến lúc phải rẽ một con đường khác, nếu còn muốn viết. Và Áo Mơ Phai chính là cái vẫy chào kết thúc một cuộc chơi, cái đỉnh của nghiệp viết.

Không phải vì giải thưởng. Hãy lùi ra và nghĩ lại. Tại sao bây giờ, gần hai mươi năm sau, nhà văn mới viết xuống cái ám ảnh về một thành phố đã mất? Là cái dự cảm sắp mất nhắc nhở thêm nỗi đau đã mất? Đã tới lúc phải đóng cái triện vào tập hồ sơ kỷ niệm hằng mở tung dang dở và gấp lại? Sau hơn mười năm viết lách, sau những lời tràn lan khó nhọc chán chường bây giờ tuôn ra một mạch những giòng sương trắng êm mơ về một kỷ niệm cũ? Closure, nhà văn đã đóng cánh cửa quá khứ hằng đi theo giành sự sống với hiện tại. Nơi Áo Mơ Phai, nhà văn hình như giã từ cuộc chơi trở về nguồn cội quê hương của chính con người mình, một nhà thơ với giòng máu lãng mạn luôn chảy trong huyết quản.

Chính khi đọc những đoạn trích từ Áo Mơ Phai của Huỳnh Phan Anh mà mình nhận ra cái chất thơ trong câu văn của NĐT, một câu thơ viết dài.

Tháng sáu chưa hết nhưng mùa Thu đã đầy hơi lạnh. Buổi chiều im trong căn phòng bước ra tới của Tòa Đô Chính, Quang đã có thể trông thấy sương mù trên mặt hồ Gươm.”

Phải nói rằng rất nhiều đoạn, khi đọc tách ra khỏi toàn truyện, đều có thể mang đến cho mình cảm nghĩ đây là một bài thơ viết dài bằng văn xuôi.

Những hàng cây xa tít tắp dọc theo các khu phố trong một ngày, trong một chiều, bao nhiêu lá tưởng như biến thành hoa hết, bởi tất cả đã vàng óng, rồi cũng trong một chiều khác, những khóm lá như tấm áo của thành phố, phai thêm một lần nữa trút khỏi cành như những giấc mơ rời bỏ những vầng trán khô cằn, giống như những sợi tóc rụng khỏi những cái đầu đau ốm.”

Đọc, với những âm vang ngân nga trong đầu sẽ nghe được cái âm điệu thơ của những đoạn văn đó.

Câu hỏi ban đầu, Áo Mơ Phai được giải thưởng vì lý do gì, vẫn còn đó cho ban chấm giải, đó là vấn đề của họ. Nhưng riêng với người đọc, họ có thấy nó xứng không? Thử nhìn bằng ý kiến của Nguyên Sa (MBHCVN).

“Tác phẩm độc đáo có những đặc tính gì?… Không có tiêu chuẩn chính xác tuyệt đối nào… Không có một giải đáp, một câu hỏi dứt khoát nào. Có nhiều, câu đầu tiên có thể là: nó phải nói lên điều gì chưa ai nói bao giờ. Và ‘điều chưa ai nói bao giờ’ đó, trước hết là đề tài mới… Những tác phẩm… được kể là ‘mới’ thường được hướng về một trong hai loại đề tài mà tôi tạm gọi là đề tài lớn và đề tài cá biệt.

Đề tài lớn có hai loại: tình yêu và chiến tranh…

Đề tài cá biệt nói lên điều chưa ai nói bao giờ… Khi một tác giả đã chọn một đề tài cá biệt nào đó để xây dựng tác phẩm thì không ai có thể trở lại đề tài ấy được nữa. Nói đến đề tài ấy người ta nghĩ liền đến tác giả ấy. Nó là nhãn hiệu của tác giả.

…Nhưng để làm mới, để khám phá một đề tài thật sự độc đáo, yếu tố quan trọng hơn bất cứ sự phối hợp tinh tế nhất, thông thái, công phu nhất có lẽ là sự sống thật… Đề tài ấy phải là sự sống thật của nó, phải được bột phát từ đáy sâu cuộc đời và tâm hồn người sáng tạo… không phải chỉ vì ý muốn làm mới.”

Áo Mơ Phai hình như có đủ những yếu tính mà Nguyên Sa bàn đến. Sống với Hà Nội bằng trọn tâm hồn và suy tưởng, NĐT đã soi rõ và làm hiển lộ chiếc áo thời tiết của Hà Nội. Không còn ai muốn nói đến và chắc không thể nói hơn NĐT về chiếc áo thời tiết mù sương ấy của Hà Nội nữa. Xuân Diệu đã mất một phần, Hà Nội đã thêm một dáng vẻ, thêm được áo mơ phai, và người đọc, người yêu quê hương yêu mến phần đất ấy, được tất cả. Xứng không? Quá đi chứ.

Và như vậy, sau Áo Mơ Phai có vẻ là con đường văn chương của NĐT phải rẽ qua ngõ khác. Nguyễn Đình Toàn nói như vầy: “[đối] với nhà văn mỗi cuốn sách là một kinh nghiệm thử cách viết. Áo Mơ Phai là lần thử thách thứ 13 hay 14 gì đó, mỗi sự thử thách là một kỹ thuật mới. Mỗi tác phẩm đã viết ra như một que diêm đã được đốt cháy, nhà văn có bổn phận phải sáng tạo. ” Và nói như vậy rồi, cái cổng ra đã thấy gần trước mắt, chỉ còn vấn đề chọn lối đi nào.

clip_image003

Nguyễn Đình Tòan ( Ảnh chụp bởi Lưu Na )

Đã có người chọn dùm, cho cả miền Nam. Chính qua giấc ngủ mười năm, con người thực của NĐT được dịp sống lại với ước mộng cũ: “Trước khi trở thành nhà văn tôi mơ trở thành nhà soạn nhạc hay ca sĩ.” A ha, Nguyễn Đình Toàn. Nhà văn đã đi con đường khó nhọc của văn chương để đến với cái ước mộng trong tầm tay của thuở ban đầu. Cái thuở nhạc chủ đề.

Nghe lại một số bản ghi âm chương trình nhạc chủ đề cũ, nghe lại cái giọng nhão mềm với những lời ươn ướt khói sương tôi nhớ những 8, 9 giờ đêm nằm trong mùng nhìn ánh trăng chiếu qua song cửa sổ nghe chương trình thi văn tao đàn qua cái ra dô nhỏ nơi đầu gối của Ba. Một không khí, một niềm cảm xúc, của thời tạm gọi thanh bình, của hậu di cư của hậu chia cắt, của làn gió nhẹ sau nắng hè gay, khi những bông daisy đã bén mầm nở bung theo chiều nắng ấm trên những khoảng đất khô trống của miền đất mới định cư, cái không khí thanh bình dẫu tạm bợ nhưng như một hy vọng vững bền với một cơ ngơi vừa đủ kín gió sương và những cuộc đời bắt đầu tất bật cho một sự cắm rễ… Nguyễn Đình Toàn đã cất cái tiếng mềm mỏng hơi nhão, đọc những lời thơ xuôi song song với một bài hát. Trên bề mặt nó là văn chương, là những lời thơ tụng. Ở bề sâu lắng, nó là một cách cảm nhận mà NĐT đã chia sẻ.

Tồn tại qua thời gian là một note nhạc câm mà NĐT đã gieo xuống cho mỗi bài hát, mỗi giọng hát mà ông tuyển chọn. Tồn tại một note nhạc câm ấn định ra một cách thế nghe nhạc, khi người ta áp tai vào radio hay nghe riêng trong phòng hay bằng loa riêng, chỉ để nghe một mình những lời thủ thỉ không phải cho mình!!! Những ca khúc ấy và những giọng hát ấy, sau khi đã vào chương trình nhạc chủ đề thì trở thành một bộ ba, với NĐT viết lời dẫn ngay trên dương cầm rồi ghi âm ngay tại chỗ, và ca sĩ chân trần trước micro phone hát với nhạc công. Cái bộ ba lời dẫn_bài hát_giọng hát, rồi cũng thành những note nhạc câm trên con đường thiên lý.

Bây giờ, sau một mùa tang, sau giấc ngủ mười năm, Nguyễn Đình Toàn không còn làm một keynote, note khởi đầu trước khi một ca khúc được hát lên, note định ra hợp âm nào sẽ làm nền cho ca khúc. Những note nhạc câm của lời dẫn nay thành hàng trăm ca khúc, kêu lên tiếng khổ đau của một giai đoạn lịch sử. Đau mất quê hương, đau chia cách, đau phụ bạc nhau như một ân tình. Đau mình phải đánh mất chính mình để tồn tại, đau một vết chàm tự vẽ,…, you name it!!!!

Nhạc NĐT không cao siêu âm nhạc, nó chỉ là một công cụ cho tác giả, cho mình, cất tiếng khổ đau, những tiếng khổ đau thật văn chương. Mình gặp nó hay nó bắt được mình đều mang cùng một kết quả_giọt nước mắt tuôn.

Giòng máu lãng mạn tuôn ra theo note nhạc, những chắt gạn của suy tư của ngôn từ thơ nay trở thành ca từ.

Từ thức lạc trần, Nguyễn-Đình-Toàn-nhà-văn đã đi hết cuộc rủi may, đã chơi trọn cuộc chơi. Là thơ, là văn, là nhạc, cái gì NĐT cũng làm một cách rất cá biệt, như mảnh chai trong cát mịn, như đá cuội trên đường đất khô, làm khó chịu những bàn chân muốn đi trên một con đường êm, muốn đi theo những lối quen. Và vất vả cho những kẻ phải đi lại trên con đường riêng ấy!!

Nhưng tôi vui lòng ngậm ngải tìm trầm, dẫu khói vương nơi mắt.

Khói trầm.

Khói trầm cay đôi mắt.

Lưu Na

09/24/2012

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Dương Nghiễm Mậu. Tuổi Nước Độc. 1965.

Truyện dài của Dương Nghiễm Mậu, mẫu bìa của Văn Thanh, do tập san Văn xuất bản lần thứ nhất. In tại nhà in riêng của Văn, xong ngày 28-01-1966. Ngoài ấn bản thường, có in riêng 50 cuốn đặc biệt trên giấy trắng mịn dành cho tác giả và nhà xuất bản. Giấy phép xuất bản số 4809/LCBC3/XB, Sài Gòn ngày 15-11-1965. Giá 20đ. Bản điện tử do talawas thực hiện dưới sự cho phép của tác giả.

http://www.talawas.org/talaDB/suche.php?res=13548&rb=08

Đoàn Xuân Kiên. Có một thế hệ văn học mới cũng đang “đoạn tuyệt để lên đường”?

http://ttntt.free.fr/archive/dxkthehevanhocmoi.html

Mai Thảo. Chân dung mười lăm nhà văn nhà thơ Việt Nam.

Nguyên Sa. Một Bông Hồng Cho Văn Nghệ

NXB Trình Bày, Sài Gòn, 1967. Bản điện tử do talawas thực hiện.

http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=8832&rb=08

Nguyễn Đình Toàn. Ngày Tháng. 1968

An Tiêm xuất bản lần thứ nhất, ngoài những bản thường còn in thêm 20 bản trên giấy quý dành riêng cho tác giả và nhà xuất bản. In tại Đăng Quang, 734A Phan Thanh Giản, Sài Gòn. Giấy phép số 755 BTT/NT/NHK/QN ngày 27.4.1968. Bản điện tử do talawas thực hiện.

http://www.talawas.org/talaDB/suche.php?res=11795&rb=0501

Nguyễn Đức Tùng. Những kỷ niệm của tôi về văn học miền Nam. Apr 29, 2004

http://www.tienve.org/home/literature/viewLiterature.do;jsessionid=957F251E105B1A776774BC2058C3DAB7?action=viewArtwork&artworkId=9149

Nguyễn Hiến Lê. Hồi Ký, tập II. Nhà xuất bản Văn Nghệ, California, USA. 1990

Nguyễn Vy Khanh. Thế Kỷ Tiểu Thuyết I và II. 2001

www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=16160

www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=16161

Nguyễn Xuân Hoàng. Sổ tay tháng 3, 2000.

http://vanmagazine.saigonline.com/HTML-N/NguyenXuanHoangST/STNguyenXuanHoang200003.php

Tạ Tỵ. Mười khuôn mặt văn nghệ hôm nay. 1972

Lá Bối ấn hành lần thứ nhất. Bìa của Đinh Cường. In xong tại Việt Hương ấn quán, 34 đại lộ Lê Lợi, Sài Gòn ngày 29-1-1972. Giấy phép SPNHT số 4452 BTT/PNHT, ngày 20-9-1971. Ngoài những bản thường có in thêm 50 bản trên giấy quý dành riêng cho nhà xuất bản và bạn văn của tác giả. Nhà xuất bản Lá Bối. Lô 0, số 121, Chung cư Minh Mạng, Sài Gòn 10. Giám đốc sáng lập: Nhất Hạnh. Thư từ xin đề ông Võ Thắng Tiết. Giá: 800đ. Bản điện tử do talawas thực hiện.

Thanh Tâm Tuyền. Bếp Lửa. 1973

Thanh Tâm Tuyền. Bếp lửa. Tiểu thuyết. Ấn bản chung quyết, kèm Tựa lần in thứ hai (1965), Tựa lần in thứ tư (1973) và Bạt của Huỳnh Phan Anh. Bìa tranh sơn dầu “Bích đào” của Thái Tuấn. Kẻ Sĩ xuất bản lần thứ tư 4100 ấn bản quý trên giấy trắng dày. Sài Gòn, tháng 3 năm 1973. Giấy phép số 582/PTUDV/PHBCNT/KSALP ngày 19-3-73. In tại nhà in Quốc Ấn, 324 Phan Thanh Giản, Sài Gòn. Bản điện tử do talawas thực hiện.

Thanh Tâm Tuyền. Mù Khơi 1970.

Kẻ Sĩ xuất bản lần thứ nhất, giấy phép số 3727/BTT/PHNT, ngày 03-9-70. In tại ấn quán Cẩm Hoa, số 339, đường Bến Phú Lâm, Chợ Lớn. Ngoài những bản thường, có in thêm 50 bản đặc biệt trên giấy trắng dành riêng cho tác giả và nhà xuất bản. Bản điện tử do talawas thực hiện.

http://www.talawas.org/talaDB/suche.php?res=10611&rb=0302

Thụy Khuê. Văn Học Miền Nam. Oct 2007

http://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=14810

Trần văn Nam. Các thời kỳ Văn Học Miền Nam 1963-1975. Apr 01, 2011

http://namkyluctinh.org/a-vhbkhao/tvnam-VanHocMienNam%5B63-75%5D.pdf

Những bài viết cũ của Nguyễn Mạnh Côn, Huỳnh Phan Anh, Nguyễn Đình Tuyến, Tràng Thiên, và bài Phỏng vấn Nguyễn Đình Toàn do nhà thơ Thành Tôn sưu tập.

 

 

 

©T.Vấn 2012

Bài Mới Nhất
Search