T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Cơn bão dữ tháng 5 và tôi

Thành phố Greensburg, Kansas, sau cơn bão lốc 04-05-2007

▪Quanh quẩn chân đi đường quạnh vắng

Loay hoay trong lớp bụi phong trần

Ta tìm một mái am tịnh ẩn

Gối đầu cho ấm chút tro than

(Ngọc Phi)

1.

Mùa gió xóay ở Wichita. Trời lúc nào cũng xám xịt. Những đám mây đen vần vũ trên đầu có thể tụ lại thành những cái phễu khổng lồ (Tornado) bất cứ lúc nào. Đêm hôm thứ sáu, trong lúc tôi ngồi xuống bàn chuẩn bị bài viết thường lệ trong tuần thì những luồng gió vùn vụt lướt qua đầu. Đến một thành phố nhỏ về phía Tây, cách xa Wichita khỏang 100 dặm, chúng tụ lại thành cơn xóay, cuốn sạch thành phố nhỏ bé với dân số khỏang 1 ngàn 400 người. Trong khỏanh khắc vài phút, sự sống biến mất. Chỉ còn lại những căn nhà đổ nát, những cái cây bị trốc gốc, ngổn ngang đây đó những chiếc xe bị gió quật nằm chỏng gọng.

Trung tâm chính của thành phố gồm tòa thị chính, trạm bưu điện, tiệm cà phê nơi hẹn hò buổi sáng của nhiều cư dân thành phố, giờ chỉ còn là khu đất trống. 10 người chết. Vài chục người bị thương. Con bão dữ được xếp lọai EF-5, tức thứ gió xóay có sức tàn phá mạnh nhất. Với tốc độ di chuyển 205 dặm một giờ, nó để lại dấu vết hủy hoại trên một chu vi 22 dặm dài và gần 2 dặm rộng. Cả thành phố đi tị nạn nơi khác. Các viên chức thành phố cam kết sẽ xây dựng lại thành phố trên những đống đổ nát vẫn chưa được dọn dẹp.

Điều gì xảy ra, nếu cơn lốc xóay tụ lại ngay trên đầu tôi?

Ngày hôm sau, vài cú điện thọai, vài mảnh điện thư hỏi thăm. Nghe nói có bão lốc ở bên ấy, bình an không? tất nhiên là tôi vẫn bình an, không có điều gì xẩy ra cả. Cơn lốc 30 tháng 4 không cuốn chết nổi tôi thì chỉ có cơn lốc nào hung dữ hơn may ra mới làm cho trần gian này nhẹ bớt đi một người thừa nữa. Buổi trưa hôm đó, đứng từ một vị trí tuy xa nhưng đủ cao để tôi nhìn được bao quát thành phố vừa tạm thời bị xóa mã số (Zip Code) trong danh sách nhận thư của bưu điện thành phố, tôi không hiểu có một ranh giới thực sự giữa sống và chết, giữa xây dựng và hủy hoại hay không. Mới hôm trước, trong một chuyến công tác ngắn ngủi tại thành phố chết mà tôi đang đứng trước mặt, tôi còn đi bộ tới lui mấy con đường bây giờ đã mất dấu nhìn không ra, còn giơ tay chào hỏi vài cư dân lớn tuổi bước ra từ cửa hàng cà phê duy nhất của khu phố. Nhà cửa, phố xá đã bị biến mất rồi nhưng trong số hơn chục người chết và mấy chục người bị thương phải nằm bệnh viện có những ông gìa tôi gặp hôm trước không? Và, nếu như, cơn lốc xóay hôm qua ngừng lại trên đầu tôi (với vị trí là một chấm rất nhỏ trên bản đồ thành phố), ai trong số những ông gìa mà tôi chào hỏi hôm trước sẽ đứng vào vai trò của tôi hiện giờ, và tự hỏi trong số người chết vì gió xóay liệu có gã đàn ông người châu Á lạ mặt xuất hiện trên đường phố cổ kính chưa hề biết đến bóng dáng của bất cứ người châu Á nào hay không?

Bức tượng ông thánh Joseph vẫn còn nguyên vẹn như một phép lạ giữa sự đổ nát chung quanh.

Cái chết, được coi như một sự chấm hết. Hay một sự khởi đầu? Đứng giữa sự hoang tàn đổ nát mới xảy ra trong khỏanh khắc vài tiếng đồng hồ, người ta đã lên tiếng sẽ làm mọi cách để thành phố tái sinh. Đó vừa là một lời an ủi những gia đình nạn nhân, vừa là một lời hứa tái tạo lại sự sống trên cái chết. Bên cạnh tôi, một phụ nữ trẻ rơm rớm nước mắt. Nhà của cô ở trong đống hoang tàn đổ nát ấy, nhưng các viên chức chính quyền không cho các nạn nhân quay trở về nhà. Họ sợ những cành cây gẫy, những bức tường chưa sập hết, có thể gây thêm thương tích cho người đến gần. Và cũng để ngăn ngừa những kẻ thừa nước đục thả câu (looters), mà thời nào, ở nơi nào cũng có. Đưa tay lên quệt nước mắt, cô nói (bâng quơ). Dù sao thì cuộc sống vẫn cứ phải chảy về phía trước. Mình không thể cứ đứng ở đây mãi được.

Rồi cô gái quầy quả bỏ đi, theo đúng với nghĩa đen của câu nói vừa thốt ra từ đôi môi tím ngắt vì gió của cô.

2.

Tôi biết mình sẽ có cơ hội quay lại thành phố ấy một lần, nhiều lần nữa. Nếu thực sự, nó sẽ được người ta xây dựng lại. Có một điều chắc chắn, hình ảnh cũ kỹ của một thành phố nông nghiệp miền trung nước Mỹ sẽ không còn nữa. Các trụ sở cơ quan chính quyền, dịch vụ, quán xá hẳn sẽ mang bộ mặt hiện đại như ở các thành phố lớn. Khi ấy, liệu những ông già sáng sáng đến quán cà phê quen thuộc, – để uống ly cà phê nóng đầu ngày thì ít, nhưng để gặp gỡ người ta (người ta ấy có thể là bất cứ ai, những bạn già quen thuộc hay gã đàn ông châu Á lạ mặt) và không khí thân mật của một “quán nước đầu làng” thì nhiều – , có thực sự hài lòng với nét tân kỳ của mảnh đất quen thuộc, của lối sống quen thuộc không? Tôi đã từng được đặt chân đến nhiều thành phố nhỏ trong phạm vi đòi hỏi của công việc, được có cơ hội dạo bước trên những khu phố “đi dăm bước đã về chốn cũ“, được rất nhiều lần bắt gặp những ánh mắt ngạc nhiên của cư dân những thành phố, nhưng ẩn dấu đằng sau vẫn là vẻ hiền hòa thân thiện của người dân tỉnh lẻ. Họ không bao giờ đối xử với tôi như một khách lạ. Điều ấy làm tôi ấm lòng. Và cũng từ những bước chân khua êm ả trên những thành phố nhỏ bé ấy của một tiểu bang miền trung nước Mỹ, nhiều ý tưởng cho những bài viết của tôi được hình thành. Thấp thóang đằng sau nhiều hàng chữ tưởng như vô hồn, có nét nhân hậu đơn sơ của những thành phố cổ kính hiền hòa mà buớc chân người viết chúng đã đi qua.

Vì thế, tưởng tượng đến hình ảnh một thành phố hiện đại thay cho nét cổ kính cũ kỹ của thành phố vừa bị bão xóay biến thành bình địa kia, tôi bỗng thấy man mác một cảm giác tiếc nuối. Tôi tiếc hình ảnh cái tháp chuông cao nhìn thấy từ rất xa, trên đó nổi bật hai chữ: Big Well, giới thiệu cái giếng đào bằng tay sâu 109 bộ Anh, vốn từ lâu được công nhận là cái giếng đào bằng tay sâu nhất thế giới và là niềm kiêu hãnh của cư dân thành phố. Hình ảnh tiêu biểu ấy của Greensburg tương tự như những lũy tre xanh trên lối vào làng ở quê tôi ngày xưa. Tôi tiếc tiếng chuông ngân nga thánh thót cứ mỗi đầu giờ của chiếc đồng hồ già gần 100 tuổi tọa lạc ngay giữa trung tâm thành phố. Nó cho tôi cảm tưởng tiếng chuông thu không mỗi buổi chiều phát ra từ ngôi chùa quen thuộc của hồi ức tuổi thơ. Tôi tiếc vẻ cũ kỹ luộm thuộm của quán cà phê duy nhất nơi ấy, nó nhắc tôi đến những quán nước đầu làng quê tôi, nơi mọi người đi qua đều ghé lại, đôi khi chỉ để hút nhờ điếu thuốc lào từ chiếc điếu cày của bà hàng đon đả hay ngồi nhờ chiếc ghế chân cao chân thấp cho đỡ mỏi chân trước khi đi nốt đọan đường còn lại. Chính những ý tưởng ấy, cộng với sự thân thiện của những cư dân thành phố, khiến tôi không bao giờ có cảm tưởng mình là khách lạ khi đập bước chân trên những con đường ngắn hơn một nhịp thở. Kẻ lưu vong đã bắt gặp lại quê hương trên miền đất xa lạ, dù cái mang theo trong hồn chỉ là những mảnh vụn vỡ của một quê hương không còn nguyên vẹn.

Tháp quảng cáo Big Well trước con bão lốc 04-05-2007

Tháp quảng cáo Big Well sau con bão lốc 04-05-2007

3.

Tháng Năm. Tháng của những con bão hung dữ miền trung tây nước Mỹ. Tháng của những cuộc chia tay đột ngột giữa sống và chết, giữa dựng xây và hủy họai. Với tôi, cũng là tháng vừa vượt qua cơn bão dữ tháng Tư. Tháng Tư là tháng độc ác nhất (April is the cruellest month . . . T.S. Eliot, The Wasteland). Tháng của kẻ thù hành hạ kẻ thù và bạn bè hành hạ bạn bè. Tháng của những người chết đội mồ sống dậy và những nỗi đau vùi lấp từ lâu được đào lên để chúng đua nhau gào khóc. Tháng của những ngộ nhận và những lời chửi rủa của những anh em đã từng một thời đứng chung với nhau một chiến tuyến. Tôi đọc đâu đó có người viết rằng tháng Tư, cho dù khắc nghiệt, đã đi qua. Nhưng chiến tranh thì chưa. Và kèm theo câu văn “ác nghiệt” ấy, là mấy câu thơ của một cô gái thế hệ một rưỡi (1.5):

áp thân vào lòng đất và im lặng lắng nghe
những âm thanh rung động từ chiến tranh sẽ khởi đầu
những di khúc của những trái tim sắp vỡ
những hủy diệt và những tàn tro
tôi áp mình lắng nghe và ghi nhớ
khi người ta quá sẵn sàng quên lãng những cuộc chiến của quá khứ
để bắt đầu những cuộc chiến của tương lai.

( Đỗ Lê Anh Đào – Những điều khác biệt )

Hình như chúng ta chưa sẵn sàng quên lãng những cuộc chiến của quá khứ mà những cuộc chiến của tương lai đã bắt đầu. Hay, như tôi trong đêm thứ sáu mùng 4 tháng 5 năm 2007, đã sống sót cơn bão dữ này chỉ để đối diện với những cơn bão dữ khác. Những bất trắc của đời sống ẩn hiện trên từng trang sách đời mở ra trước mặt. Cái bất trắc vừa kỳ thú vừa đe dọa. Cuộc sống muôn đời là thế: chúng ta (tôi) chỉ có việc đi tới (vì không có con đường đi lui). Đi cho đến khi nào không còn lối đi trước mặt.

Trở lại câu hỏi: Điều gì xảy ra, nếu cơn lốc xóay tụ lại ngay trên đầu tôi?

Trần gian này không có gì khiến người ta phải khó khăn lắm mới thốt được hai tiếng chia tay. Nhưng để cho thanh thản bước lên chuyến tàu cuối cùng về một sân ga cuối cùng, người ta cần phải tin rằng (hay giả bộ tin rằng), người ta đã sống trọn vẹn phần đời của mình. Cái phần đời bao gồm các thứ bổn phận , các thứ hưởng thụ và các thứ cực hình. Là một tín đồ Thiên Chúa giáo, tôi cũng muốn được gặp vị đại diện Thiên Chúa để nói lời xưng tội cuối cùng.

Tôi hình dung ra cái cảnh linh hồn tôi (lúc 9 giờ 40 phút tối thứ sáu mùng 4 tháng 5) đứng trên đỉnh của cái phễu (tornado) nhìn xuống nhân quần bên dưới (trong đó có cái xác không tòan vẹn của tôi) qua làn nước mưa dầy đặc (Wichita và các vùng phụ cận chìm ngập trong mưa suốt 2 ngày thứ bảy và chủ nhật). Lẫn trong tiếng sấm chớp ầm ì, văng vẳng tiếng khóc của vợ con tôi và những người thân. Đến lúc ấy, tôi nghĩ đến khuyết điểm lớn nhất của mình là sợ những tiếng khóc thành tiếng. Cả đời tôi đã để cho những giọt lệ chảy ngược vào bên trong (hốc mắt). Nay đã đến lúc chúng có cơ hội trả thù tôi chăng?

Tôi luôn ao ước được thảnh thơi khi ra đi. Nhưng thảnh thơi sao được khi còn biết bao nhiêu công việc phải làm vẫn chưa xong, việc nhà việc sở, việc làm cha, việc làm chồng, việc làm . . . người. Cả những trang viết dở dang, chưa xong phần kết và chưa ký tên đề ngày.

Vì thế, đêm hôm ấy, lúc tôi ngồi xuống bàn viết, cơn lốc độc ác ấy chỉ đi qua, mà không tụ lại. Thế là tôi có thêm một dịp lật qua trang viết khác, kể lại câu chuyện cơn bão dữ tháng 5 quen thuộc, và không quên ký tên, đề ngày. Ai biết được lần nào là lần cuối. Tháng 5 còn lại khá nhiều ngày chờ đợi những cơn lốc khác còn đang núp sau những đám mây đen rình mò. Dù vậy, tôi vẫn quyết không phụ rẫy Wichita.

Wichita, Kansas

Tháng 5, 2007

© T.Vấn 2007

Bài Mới Nhất
Search