T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Lưu Na: TRĂM NĂM NHÂN THẾ

Tối thứ Tư 30 tháng Giêng tôi được dịp dự một chương trình nhạc của thân hữu tổ chức tưởng niệm nhạc sĩ Phạm Duy vừa qua đời. Các ca sĩ, người tham dự lặng lẽ báo với nhau, dợt với nhau, cùng với khán giả đến hội trường Việt Báo đầy chặt, đúng giờ, trong hòa nhã trang trọng. Tôi không biết bằng cách nào khán giả biết mà đến được vì không hề thấy quảng cáo giới thiệu trên báo hay trong chương trình Radio/TV.

Khi chương trình bắt đầu, và cùng lúc đó, một người quen ở tòa báo ra dấu hỏi, tôi phát giác ra cái thiếu sót tai hại của mình: tôi quên không mang theo máy hình vì còn mải việc cùng bè bạn. Tôi tiếc, tiếc đến tần ngần; biết bao góc cạnh con người để ghi lại cho một buổi gặp gỡ như vầy… Tôi ngẩn ngơ vì cái thiếu sót đó, chỉ đành hai tay dư gõ nhịp theo và mắt quan sát chung quanh. Bây giờ tôi mới thấy, ca sĩ và nhạc sĩ trình diễn trong bóng đèn mờ cùng với khán giả. Khoảng sáng duy nhất là hình của Phạm Duy rọi trên phông trắng.

Bên dưới bức hình đó, người ta hát những lời đã được nghe từ thuở ấu thơ, kể cho nhau những kỷ niệm về người mới ra đi. Trong cái lao xao của âm thanh tôi không khỏi liên tưởng đến Những Dòng Sông Chia Rẽ trong trường ca Mẹ Việt Nam. Phạm Duy, dẫu nói thế nào chăng nữa chúng ta cũng không thể đồng ý với nhau về một con người và không thể không hát một câu gì đó của con người ấy. Cho dù bất bình về cách sống về những lời lung tung làm cho mình “ứa máu” của nhạc sĩ, mình vẫn cứ hát Phạm Duy. Không lẽ lấy cái bất bình để làm thước đo cho giá trị nghệ thuật của âm nhạc ấy, rằng nó lớn lao hơn tất cả chúng ta, và mọi sự có thể qua đi nhưng giá trị văn hóa nghệ thuật mà Phạm Duy đã đóng góp sẽ còn tồn tại, rất lâu? Hình như Phạm Duy còn “ép” tôi phải chấp nhận thêm một điều ngoài cái chuyện “chính – giáo phân ly” mà xã hội hằng cố tuân giữ, đó là giá trị nghệ thuật đứng bên ngoài nhân cách. Có như vậy không? Cả hai điều, hình như phải mà không phải.

Nghĩa là nó phải trong một chừng mực nào đó. Tôi nghĩ chúng ta ai cũng có lần, ghét con mụ chủ tiệm đó lắm nhưng nó có món đặc sắc tìm không đâu có nên phải ghé, ớn thi sĩ nọ tới gáy nhưng thơ thì vẫn cứ đọc vì hay quá… Nếu có lúc nào đó mình chịu không nổi tác giả mà phải lờ tác phẩm, tôi e là vì tác phẩm chưa đủ lớn đủ mạnh đủ hay để đè bẹp cái khía cạnh tiêu cực của tác giả. Ghét Phạm Duy mà vẫn hát Phạm Duy thì rõ ràng ghét bao nhiêu nói lên nhạc hay bấy nhiêu. Mà Phạm Duy đáng ghét cỡ nào?

Cỡ chịu không nổi thôi cứ ráng lờ đi chỉ biết có nhạc mà thôi. Phạm Duy chỉ sống theo ý mình, sống tự do gần như tuyệt đối. Những việc làm, lời nói và cách sống của Phạm Duy có thể rất đáng ghét và chắc chắn đã tổn thương người thân, bè bạn, cũng như tên tuổi của ông; nhưng những lời nói việc làm ấy không tổn thương chúng ta. Người ta có thể chê những bài Tục Ca hay những bài phổ thơ Thanh Hải là những bài không nên viết, hoặc không hay, nhưng những bài nhạc đó không phục vụ chế độ hay đả kích con người như những lời gián tiếp chê bạn trong Cát Bụi Chân Ai, ca ngợi lãnh tụ Sít Ta Lin, Hồ Chí Minh, ca ngợi chuyện chém giết của “đảng” v.v… của những văn nghệ sĩ khác. Chung cuộc, hầu hết tác phẩm của Phạm Duy đều chỉ làm thắm tươi đất mẹ, làm giàu cho âm nhạc Việt, và xưng tụng đời sống, xưng tụng con người. Tôi không thể đòi hỏi gì hơn nơi trăm năm của người ấy, và chắc gì trăm năm nữa chúng ta có được cống hiến âm nhạc nào lớn hơn cống hiến của Phạm Duy?

Khi nghĩ mình phải tách giá trị âm nhạc Phạm Duy ra khỏi con người của ông, tôi lại nghĩ tới cuốn sách của Huy Đức. Có thể nào chúng ta đọc cuốn sách ấy như một cuốn sách, chấm hết?

Tôi thực ra không muốn đọc cuốn sách của Huy Đức, và dĩ nhiên không đọc thì chả nên bàn bạc gì. Nhưng tôi thấy mình thiếu nợ ông anh của trang nhà người đã cho tôi bản điện tử, nợ ông bạn già gom góp bài viết của thiên hạ cho tôi xem, nợ luôn ông anh bá vơ chưa đọc mà đã mua tuốt vài trăm quyển giúp bạn Ô sìn. “Em không hỏi, anh không vay” nhưng chúng ta nợ nhau một lời chân thật. Không đọc, thì xin được nói cái điều không đọc.

Huy Đức (tôi thích gọi bạn ấy bằng tên Ô sìn) đồng trang lứa với tôi. Nếu nhắc một điều gì chung trong những năm đầu thống nhất đất nước, tôi có thể cũng thuộc những bài hát đại loại như tiến về Sài Gòn ta quét sạch giặc thù v.v… (Tôi tin bạn Ô sìn lúc đó không bao giờ biết có nhạc Phạm Duy).

Bây giờ, 37 năm sau, bạn Ô sìn gom góp tài liệu viết lại cái thời ấy. Bạn viết Bên Thắng Cuộc nên tôi tự hỏi bạn ấy ở bên nào. Tôi tin rằng Ô sìn ở bên thua cuộc, nghĩa là toàn dân Việt Nam đấy. Tôi tin Ô sìn tìm tài liệu và viết vì muốn tìm sự thật như đã ghi nơi “Mấy lời của tác giả.” Giá trị của cuốn sách, rồi sẽ có những bậc học thức trí thức và kinh nghiệm đánh giá.

Cái tôi nghĩ tới, là tôi sẽ làm gì với cuốn sách này.

Từ năm 2000 đến nay, hồ sơ Ngũ Giác Đài đã dần dần mở ra, các chuyên gia Mỹ, Việt, về kinh tế chính trị và chiến tranh cũng mỗi người một góc cạnh đưa ra nhận xét và viết về một khía cạnh nào đó, một khoảng thời gian nào đó, một vấn đề nào đó của cuộc chiến. Ô sìn có nhắc đến chuyện thiếu thông tin, ở ngoài này tôi nghĩ tôi có quá nhiều thông tin đến nỗi chả biết đâu vào đâu nữa. Và như vậy, cuốn sách của Ô sìn là một sự đáp ứng cho cái nhu cầu thu thập, thống nhất, và hệ thống lại những gì đã được biết đến, được nói ra, đặt nó vào một chỗ. Cuốn sách đó có thể được dùng làm tài liệu khi chúng ta cần hội thảo, cần có một đồng thuận chung khi nói đến tương lai của đất nước. Và để có thể sử dụng nó thay vì đọc cho biết rồi bỏ qua, hay tệ hơn, là bỏ hẳn nó qua một bên, thì cũng nên xét đến một vài khía cạnh. Trước hết, hãy nói đến mức chính xác của Bên Thắng Cuộc.

Chấp nhận rằng Ô sìn nói thật, Ô sìn chân thành, người đọc vẫn phải lượng định xem tài liệu của Ô sìn có chính xác không, làm sao để Ô sìn có được. Khi Ô sìn bắt đầu thu thập tài liệu cuối thập niên 80 thì bạn chưa quá 30 tuổi. Nếu cuốn sách của Ô sìn là một tác phẩm chưa từng có thì Ô sìn cũng là nhân vật duy nhất đạt được những điều mà nhiều người khác đã cố gắng mà không thành công. Danh sách người cho bạn phỏng vấn gồm rất nhiều tên tuổi từng có vai trò trọng yếu. Cái thời 80, 90 thì một ký giả 30 tuổi phải có cơ sở điều kiện gì để những lãnh tụ cho phỏng vấn và phỏng vấn với mục đích gì? Các phu nhân của lãnh tụ cũng bằng lòng kể chuyện sau bức màn the cho bạn, hẳn Ô sìn phải có vai trò trọng yếu hoặc là một nhà báo có thế lực hay vì họ cũng có mục đích riêng của họ? Mà điều tôi thấy, thì đồng chí của Chủ tịch Hồ chí Minh chăng nữa cũng vào khám, dân biểu Loretta Sanchez của Mỹ cũng chả ăn thua gì. Không cho đi thì không được đi, không cho nói thì chưa ho đã bắt. Bạn là ai?

Bạn Ô sìn là ai thực cũng không quan trọng. Vì sự thật sẽ cởi trói chúng ta. Chỉ phải tội, chúng ta bị trói vì thành kiến với nhau, vì không thể tin nhau chứ đâu có bị trói vì không biết sự thật. Còn “đảng” và chính phủ đương thời, họ đẻ ra cái sự thật mà bạn mất 20 năm thu thập, và ngồi chồm hổm trên cái sự thật ấy, họ đâu cần được cởi trói. Những chuyện như chuyện thiếu tá Lê Quang Liễn, lính ở đây họ biết, biết rõ đấy chứ. Những chuyện thâm cung bí sử, dân trong ngoài kể vanh vách. Mấy chục năm nay chỉ có “đảng” lấy thúng úp voi lấy giấy gói lửa chứ người dân trong ngoài vẫn kể nhau nghe râm ran đều đều như tiếng ve mùa hạ như tiếng dế trong đêm. Cái sự thật mà Ô sìn đưa ra, tầm quan trọng ở chỗ đã được xỏ xâu, sắp xếp lại cho liền lạc như lắp lại những mảnh puzzles; hãy chấp nhận rằng Bên Thắng Cuộc là một tài liệu lịch sử hoàn chỉnh, cái điều bạn Ô sìn làm rất quí, nhưng chúng ta sẽ làm gì với những sự thật mà tôi và bạn Ô sìn đang cùng hứng chịu trong khi kẻ gây ra vẫn nhởn nhơ?

Tất cả chúng ta đều là nạn nhân của trận Đại Hồng thủy, của đợt sóng thần. Công việc thu thập kiểm điểm lượng định và trù hoạch để có thể tái thiết phải chăng nên bắt đầu từ chính quyền đương nhiệm, từ những người có khả năng và bổn phận, hơn là những nạn nhân cùng cực?

Làm sao hơn, không xử bọn tội phạm tàn sát dân Cam pu chia, bọn tội phạm chiến tranh Nazi với Holocaust thì sao đóng lại được trang sử? Chúng ta cần một cái kết thúc, và cần thanh thỏa với nhau một điều: những gì mình làm là làm cho nhau không phải làm cho “đảng” và không phải để gió thổi qua tai.

Tôi nghĩ đến công sức của Ô sìn và sự nghi ngại của tôi mà lòng thấm buồn.

Tôi cho rằng, ở ngoài này họ “đánh” Ô sìn vì họ nghĩ Ô sìn là người của Bên Thắng Cuộc, người ta ủng hộ Ô sìn thì cũng vì nghĩ bạn là người của Bên Thắng Cuộc mà lên tiếng cho họ, cho bên thua cuộc đấy thôi. Nếu minh định bạn Ô sìn chỉ là một người dân, một nhà báo đúng nghĩa, e phỉ báng những người đang bị bắt vì đã lên tiếng, đã nói đôi lời cảm nghĩ cho đất nước của mình. Họ mới ho một tiếng đã vào tù, mà Ô sìn thì được đi lung tung (hết biển thì tới Mỹ), và được viết thật đã. Chỗ này phải xin lỗi mọi người về những lời mỉa mai đó, tôi bắt quả tang mình giống như nhân vật Thằng Người Có Đuôi của Thế Giang.

Nhưng tôi chưa đọc Bên Thắng Cuộc không phải vì nghi ngờ chỗ đứng và mục đích của Ô sìn. Muốn chê muốn khen muốn tin muốn bác đều phải đọc rồi mới nói được. Khổ nỗi tôi đã biết, đó là những trang sách buồn, mở ra một vết thương trăm năm, tôi đọc nữa mà chi?

Năm 2013 này có người về với trăm năm thì cũng là kỷ niệm trăm năm của trường nữ trung học Gia Long. Bao nhiêu đóng góp dựng xây, đi được 60 năm rồi phải mất truyền thống sau ngày “Giải Phóng”: Gia Long thành Nguyễn thị Minh Khai và trong vòng 5 năm sau không còn là nữ trung học mà thành trường trung học phổ thông nam nữ (xin lỗi, tôi không biết đúng danh xưng). Người, rồi cũng mất; việc, rồi cũng tan. Chỉ còn chúng ta, những người dân Việt với trái tim buồn còn hằn lên vết thương lòng, ngơ ngẩn nhìn nhau mà không dám nhận ra nhau.

Chúng ta vẫn là những giòng sông chia rẽ. Đúng ra Tạ Chí Đại Trường phải viết “Lịch sử nội chiến Việt Nam” như là một bộ sách mở.

Lưu Na

02/04/2013

 

©T.Vấn 2013

Bài Mới Nhất
Search