T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Duyên Hùng: Nhân Mùa Giáng Sinh, Đức Giáo Hoàng Phanxicô Viếng Thăm Pháp Quốc

clip_image001

Mùa Giáng Sinh ở Pháp quốc năm nay, Đức Giáo Hoàng định hướng cho một Châu Âu mất định hướng đang trong cơn khủng hoảng trong chuyến viếng thăm ngắn ngày của Ngài tại Strasbourg, Thủ phủ Quốc Hội Âu Châu.

Ngày 25 tháng 11 năm 2014, Đức Thánh Cha từ giã Strasbourg lúc 4 giờ chiều trở về Rôma. Nếu tháng 11 là tháng của hiếu thảo, của thương yêu và hy vọng thì tháng 12 là tháng của sự linh thiêng mầu nhiệm mừng Thiên Chúa Giáng Sinh của người Ky-tô hữu và của nhân loại. Paris được trang hoàng lộng lẫy bằng ánh sáng điện đủ mọi màu sắc rực rỡ từ 17 giờ chiều đến 2 giờ sáng kể từ ngày 27/11/2014 đến 07/01/2015. Trên Đại lộ Élysée 400 cây tiêu huyền được giăng đèn kết hoa bởi 800,000 đèn điện mầu. Nhà thờ Đức Bà Paris là trọng điểm đêm Noel đã đón nhận cây thông cao 30 mét là quà tặng của nước Nga do Đại sứ Nga tại Paris gởi tới. Kinh thành ánh sáng còn lộng lẫy bởi Galerie Lafayette với 14,000 mét vuông nằm trên Đại lộ Haussman, trang trí độc đáo, sang trọng, hiện đại và cổ điển làm hút hồn mọi người.

Trong mùa Giáng Sinh năm nay, 46 giáo xứ Việt Nam ở Pháp có nhiều chương trình sinh hoạt cộng đồng phong phú, đặc biệt là những bài ca mừng Thiên Chúa giáng sinh được ca đoàn tập dượt kỳ công từ nhiều tháng trước để trình diễn trong các Lễ, Noel, cùng Năm Mới.

Trong không khí náo nức của người dân Pháp chờ đợi đêm Giáng Sinh, thì dư âm về chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô thăm Nghị Viện Âu Châu và Hội Đồng Âu Châu là sự kiện quan tâm lớn của mọi từng lớp người, vì hình ảnh Ngài là biểu tượng của tình yêu thương nhân loại cao cả và thánh thiện. Đức Thánh Cha Phanxicô nổi tiếng là người khiêm tốn có cuộc sống giản dị. Khi Ngài còn ở Argentina, Ngài không sống tại ngôi biệt thự của Tổng Giám Mục, mà ở trong một căn hộ nhỏ, tự nấu ăn lấy. Ngài không dùng xe riêng có tài xế, chỉ di chuyển bằng phương tiện giao thông công cộng. Lòng bác ái, tình thương yêu con người ở Ngài làm chúng ta ngưỡng mộ và cảm động trước hình ảnh Ngài cúi mình hôn chân một người cùi ngồi trên xe lăn. Ngài dừng xe giữa đường để chúc phúc cho dân nghèo. Đây là chuyến viếng thăm ngắn nhất trong lịch sử viếng thăm của các vị giáo hoàng ở hải ngoại, chỉ có bốn tiếng đồng hồ. Đây là lần thứ hai một vị giáo hoàng đến viếng thăm hai tổ chức quốc tế này. Lần đầu tiên cách đây 26 năm, Đức Giáo Hoàng Gioan Phao Lồ II đến Strasbourg nhân chuyến viếng thăm của ngài tại Pháp năm 1998. Tuy nhiên, Đức Giáo Hoàng Phanxicô là vị giáo hoàng đầu tiên không phải là người Âu đến thăm hai cơ quan quốc tế này. Strasbourg có 1 triệu 145 ngàn dân cư, giáp giới với nước Đức, là thủ đô của Liên Hiệp Âu Châu với nhiều tổ chức quốc tế tại đây. Đức Thánh Cha đã được giáo quyền và đại diện chính quyền địa phương tiếp đón cùng với hai vị Hồng Y Chủ tịch Ủy ban Giám Mục Liên Hiệp Âu Châu cũng như Đức Hồng Y Chủ tịch Liên Hội Đồng Giám Mục Âu Châu.

Cơ quan lập pháp của liên hiệp 28 nước Âu Châu với 508 triệu dân cư và nghị viện Âu Châu có 751 đại biểu được bầu theo thể thức phổ thông đầu phiếu với nhiệm kỳ 5 năm. Số ghế được phân chia theo tỷ lệ dân số của các quốc gia thành viên. Số nữ đại biểu chiếm 1 phần 3. Các đại biểu họp thành những nhóm theo lập trường chính trị, chứ không theo tiêu chuẩn quốc tịch. Đức Thánh Cha đã được các vị lãnh đạo và đại diện của 8 nhóm chính trị của nghị viện đón tiếp. Ngài đã hội kiến với vị Chủ tịch Nghị viện là ông Matin Schulz, người Đức. Mở đầu bài diễn văn, ĐTC nói rằng thế giới đã thay đổi rất nhiều, trở nên lệ thuộc nhau và mang tính hoàn vũ hơn, “bớt Quy Hướng Về Âu Châu Như Trung Tâm” bên cạnh về một Liên Hiệp Âu Châu mở rộng và ảnh hưởng hơn dường như có một Âu Châu già nua thu lại hẹp hơn. Ngài nói: “Khi ngỏ lời với các vị hôm nay từ ơn gọi mục tử của tôi, tôi muốn gởi đến các công dân Âu Châu một sứ điệp hy vọng và khích lệ; một sứ điệp hy vọng dựa trên lòng tin ký thác những khó khăn có thể trở thành động cơ mạnh mẽ, thăng tiến sự hợp nhất, để chiến thắng mọi sợ hãi mà Âu Châu cùng vơi thế giới đang trải qua. Niềm hy vọng nơi Chúa, Đấng biến sự ác thành điều thiện và biến sự chết thành sự sống”. ĐTC nhấn mạnh là phẩm giá siêu việt của con người, phẩm giá này liên hệ tới bản tính con người với địa bàn “được ghi khắc trong tâm hồn chúng ta và Thên Chúa đã in vào trong vũ trụ Ngài sáng tạo”. ĐTC đặc biệt lên án sự khủng bố tôn giáo và trào lưu khủng bố quốc tế coi rẻ sinh mạng con người, nạn buôn bán khí giới mà không bị ngăn trở. Hòa bình bị đe dọa vì những hình thức nô lệ mới, nạn buôn người biến con người thành hàng hóa. ĐTC ca ngợi nỗ lực của HĐ Châu Âu kiến tạo hòa bình qua sự thăng tiến các quyền con người. Ngài cũng cổ vũ sự tìm kiếm sự thật để tránh tình trạng mỗi người tự lấy mình làm mẫu mực, mở đường cho sự khẳng định chủ quan các quyền lợi. ĐTC cảnh giác chống lại sự hoàn cầu hóa, thái độ dửng dưng phát xuất từ lòng ích kỷ, không có khả năng sống, chiều kích xã hội đích thực. Từ cá nhân chủ nghĩa dửng dưng nẩy sinh sự tôn thờ giàu sang sung túc. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã kích hoạt nghị viện Âu Châu. Khi ngài phát biểu tại nghị viện, các nhà lập pháp đã vỗ tay tổng cộng 14 lần. Nội dung bài diễn văn của ĐTC gồm những điểm như sau:

Phẩm giá: Phẩm giá nào cho phép một người chưa từng hy vọng sẽ tìm thấy khi người ấy là nam hay nữ, thiếu lương thực và các yếu tố tối thiểu cho sự sống còn, và còn tồi tệ hơn khi họ thiếu công ăn việc làm, những thứ mà ban tặng nhân phẩm ấy.

Phong cách sống: Cùng với điều này, chúng ta gặp phải một số lối sống khá ích kỷ được đánh dấu bởi sự sang trọng mà không còn xác nhận được và không mảy may quan tâm đến thế giới xung quanh chúng ta. Và nhất là đối với những người bần cùng nhất trong những người bần cùng.

Sự sống: Đàn ông và phụ nữ có nguy cơ bị giảm sút, chỉ còn là những bánh răng trong một cỗ máy, điều mà đối xử với họ như các mặt hàng tiêu dùng bị khai thác bóc lột. Như thế quả là bi kịch hiễn nhiên. Bất cứ khi nào sự sống con người không còn chứng minh sự hữu ích cho cỗ máy đó, nó sẽ bị loại bỏ không một chút băn khoăn nuối tiếc như trong trường hợp về các bệnh nan y. Người già bị bỏ rơi mà không được chăm sóc và trẻ em bị giết trong bụng mẹ.

Tôn giáo và Bạo lực: Tôi đóan chắc rằng một Âu Châu có khả năng đánh giá đúng nguồn gốc tôn giáo của mình, nắm bắt sự phong phú và tiềm năng của mình, tất cả sẽ không vướng mắc nhiều những hình thức của chủ nghĩa cực đoan lan rộng trên thế giới ngày nay, là không ít kết quả của sự vô nghĩa quan trọng những lý tưởng mà chúng ta đang chứng kiến ở phương Tây. Khi đó chính là sự lãng quên của con người thực về Thiên Chúa và sự thất bại của mình đối với việc tôn vinh Người điều mà phát sinh bạo lực.

Đàn áp Tôn giáo và Im lặng: Các Cộng đồng và cá nhân ngày nay tự thấy mình phải gánh chịu những hành vi dã man của bạo lực. Họ bị đuổi ra khỏi nhà và quê hương của mình, bị buôn bán như nô lệ, bị giết, bị chặt đầu, đóng đinh hoặc bị thiêu sống trước sự im lặng đáng xấu hổ và đồng lõa của rất nhiều người.

Ảnh hưởng bên ngoài: Duy trì dân chủ được xem là một thách thức trong thời khắc lịch sử hiện nay. Sức mạnh của nền dân chủ thực sự của chúng ta phải được hiểu là những biểu hiện ý chí chính trị của người dân, chứ không phải là được phép sụp đổ dưới áp lực của lợi ích đa quốc gia, điều mà không phải là phổ quát khiến họ suy yếu và biến họ thành những hệ thống đồng nhất của quyền lực kinh tế nhằm vào dịch vụ của các đế quốc vô hình.

Gia đình: Gia đình hợp nhất sinh hoa kết trái và bất khả phân ly, sở hữu các yếu tố căn bản để cổ vũ hy vọng trong tương lai.

Môi trường: Chúng ta chỉ cần nghĩ rằng: ví dụ các nguồn năng lượng có thể được chọn để thay thế sự phát triển của nó sẽ hỗ trợ trong việc bảo vệ môi trường.

Đói nghèo: Điều không thể chấp nhận được, đó là hàng triệu người trên thế giới đang chết đói, trong khi hàng tấn thực phẩm bị đổ bỏ khỏi bàn ăn của chúng ta mỗi ngày.

Công ăn việc làm: Đã đến lúc thúc đẩy các chính sách tạo công ăn việc làm, nhưng trên hết đó là nhu cầu phục hồi nhân phẩm cho lao động bằng cách đảm bảo các điều kiện làm việc thích hợp.

Người nhập cư: Chúng ta không được phép để vùng Địa Trung Hải trở thành một nghĩa trang mênh mông rộng lớn.

Chính sách nhập cư: Chúng ta cần phải hành động chống lại các nguyên nhân và không chỉ chống lại những hậu quả. Con người là Trung tâm: Quý Thành viên Nghị viện Âu Châu thân mến. Đã đến lúc cùng nhau làm việc để chung xây một Âu Châu không xoay quanh nền kinh tế, mà xoay quanh tính bất khả xâm của con người, xoay quanh những giá trị bất khả nhượng.

Tư thế tung hô: Đây là lúc đến với chúng ta để từ bỏ ý tưởng về một Âu Châu mà sợ hãi, mà tự hấp thụ, để làm hồi sinh và khuyến khích một Âu Châu của lãnh đạo, một kho lưu trữ của khoa học, nghệ thuật, âm nhạc, các giá trị con người cũng như tín ngưỡng. Một Âu Châu mà chăm sóc, phòng vệ, và bảo vệ mọi người nam cũng như nữ. Một Âu Châu mà bắc qua trái đất chắc chắn và an toàn, một điểm tham chiếu quý giá cho tất cả nhân loại. (Cám ơn quý vị).

ĐTC được giới truyền thông bình luận và nhận định Ngài là người cấp tiến. Một phóng viên đã hỏi: “Thưa ĐTC, Ngài có phải là một nhà Dân chủ Xã hội không?”. Ngài đã cười và phản đối: “Tôi dám nói điều đó đến từ Phúc âm, theo học thuyết Xã Hội Công Giáo, cũng như cụ thể trong nhiều điều khác nhau xã hội hay chính trị. Tôi đã từng nói là tôi không thể thờ ơ đối với Học thuyết Xã hội của Giáo hội. Học thuyết Xã hội của Giáo hội đến từ Phúc âm và truyền thống Ki-tô. Điều tôi đã nói, căn tính của các dân nước, không phải là một giá trị Phúc âm sao? Chính tôi đã nói trong ý nghĩa đó nhưng các bạn đã làm cho tôi phải tức cười”. ĐTC nở nụ cười đôn hậu. Lâu nay Ngài khá ít lời, nhưng riêng tại Strasbourg Ngài đã nói 6600 từ trong bài diễn văn dài 4 tiếng đồng hồ tại đây. Trung bình mỗi phút Ngài nói 28 từ. Nhiều người trong giới truyền thông nói đùa: “Các nghị viên Âu Châu chỉ giỏi về nghề đọc diễn văn, nên việc Đức Phanxicô lắm lời ở đây cũng thật đúng lúc”. Một ngôn từ rất được ĐTC sử dụng giống như ngôn từ của Đức Bênêđíctô XVI là: Ngài coi Chủ nghĩa Cộng sản và Chủ nghĩa Tư bản đều là: “Các ý thức hệ thất bại “. Âu Châu thế tục đang mất sinh khí! ĐTC nói rằng thế giới ngày nay bớt quý Âu Châu nhiều hơn. Âu Châu đang cho người ta cảm tưởng trở nên già cỗi và phờ phạc, càng ngày càng không đóng được vai trò dẫn đạo của mình. Một phần vì Âu Châu muốn xa lánh việc sinh sản, nó đã trở thành một bà nội hết còn sinh nở và đầy sức sống nữa. ĐTC nhấn mạnh việc phá thai là điển hình của một nền văn hóa Tây phương, coi hữu thể nhân bản “chỉ như những con chốt trong một cỗ máy”. Người già bị bỏ rơi không ai chăm sóc, trẻ em bị giết ngay trong bụng mẹ. Nhà báo Joh Allen nhận định: “Dù mới chỉ đặt chân lên đây chưa đầy 4 tiếng đông hồ, sự hiện diện của Đức Phanxicô xem ra đã trở thành lịch sử theo nghĩa Tân Thế Giới đang gặp Cổ Lục Địa.

Chuyến viếng thăm ngắn của ĐTC tại Nghị viện Âu Châu đã được truyền hình trực tiếp toàn Âu Châu. Trong bài đáp từ, ông Chủ tịch Nghị viện Âu Châu nói: “Cảm ơn ĐTC đã định hướng cho một Âu Châu đang mất định hướng”.

Duyên Hùng

Lyon – Pháp

 

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2014

Bài Mới Nhất
Search