T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Hồ Hoàng Hạ: Hát Tù Ca Trong Đêm Thánh

 

 

Tranh: Trần Thanh Châu

Đứng tựa ban-công trên sân thượng lầu ba một tòa nhà nằm kín đáo trong con hẻm cụt chạy dọc theo bờ tường của ngôi trường trung học mang tên Hoàng Hoa Thám nơi vùng đất Hàng Keo, Cây Quéo quê nhà, Hoàng đảo mắt một vòng lên khoảng trời cao rộng trên đầu trước khi hạ tầm mắt ngang hướng về đỉnh tháp của ngôi nhà thờ nằm bên con lộ, ngay lối vào hẻm. Đó là ngôi nhà thờ địa phương lớn nhứt trong vùng anh ở, chỉ kém vẻ bề thế của ngôi nhà thờ cổ kính do người Pháp xây cất không biết từ lúc nào, chắc xưa lắm, ngay phía sau dãy chợ Bà Chiểu trên đường Bùi Hữu Nghĩa. Ngôi nhà thờ nầy, với Hoàng, suốt nhiều năm trong thời niên thiếu cho đến tận bây giờ ở vào tuổi trung niên, vẫn còn là hình ảnh đậm nét, khó phai mờ trong tâm trí cho dù anh có lưu lạc bất cứ phương trời nào. Thật ra Hoàng chẳng có một chút kỷ niệm nào với ngôi giáo đường này cả. Thậm chí cũng chưa từng bước vào khoảng sân rộng, trống trải trước mấy bậc tam cấp dẫn lên thềm tiền sảnh để vô bên trong nhà thờ lần nào. Dễ hiểu vì gia đình anh theo đạo Phật. Tuổi ấu thơ anh vẫn thường theo mẹ hoặc bà ngoại đi lễ chùa vào những dịp mùng một hay rằm lớn. Còn đi nhà thờ, tất nhiên người trong nhà không có ai một lần nào dẫn anh đi cả. Nhưng vì sao Hoàng vẫn còn giữ mãi trong lòng hình ảnh ngôi nhà thờ Bà Chiểu mà không là một giáo đường nào khác, như nhà thờ Đức Bà giữa trung tâm Sài Gòn chẳng hạn, chẳng uy nghi tráng lệ hơn sao?…Dĩ nhiên, chỉ có chính Hoàng mới trả lời được điều này. Anh có những lý do rất riêng của mình. Những lý do mà chỉ duy nhứt người trong cuộc mới cảm thấu, mới động nỗi lòng riêng.

Tầm mắt Hoàng dừng lại khá lâu nơi vùng ánh sáng rực rỡ tỏa lên quanh ngọn tháp có gắn một cây thập tự trắng vươn lên trời cao của ngôi nhà thờ ngoài đầu ngõ. Nơi khoảng sân phía trước ngôi nhà thờ này,trong đêm nay sẽ có cuộc hành lễ ngoài trời mừng Chúa ra đời. Hoàng biết điều này vì lúc đi ngang qua, nhìn vào thấy một sàn gỗ rộng với bục giảng đã được dựng bên cạnh một hang đá lớn với nhiều vòng dây đèn trang trí đủ màu, nhấp nháy liên tục, xung quanh.

Chỉ biết vậy thôi chứ Hoàng không có ý nghĩ sẽ tham dự đêm Thánh lễ này. Bởi anh chưa phải là con chiên. Mặc dù, trong quá khứ, thỉnh thoảng anh có theo một vài người bạn công giáo dự lễ Chúa nhật. Thậm chí, có một khoảng thời gian dài trước Tháng Tư bảy lăm, khi còn tại ngũ, anh vẫn thường xuyên đi lễ hằng tuần vì lỡ…có người bạn gái là dân công giáo ngoan đạo. Chiều lòng cô bạn, đến nhà thờ mãi, lâu dần, một số bài kinh đọc trong khi linh mục tiến hành lễ Hoàng thuộc lúc nào không hay. Những bài kinh Công giáo nghĩ mới thật là hay! Đã thuộc rồi thì dù đã lâu không đọc tới, do tự thân xa rời nhà Chúa, hoặc ở vào một hoàn cảnh bị cấm đoán nào đó chẳng hạn, cũng không thể nào quên. Càng gặp nghịch cảnh khốn cùng, càng rơi vào bi kịch đen tối bao nhiêu lại càng nhớ sâu, cầu bầu nhiều đến những lời kinh Chúa bấy nhiêu. Dường như Chúa không khi nào bỏ rơi bất cứ ai khi người đó nghĩ tới, cầu xin Ngài. Bất luận đã là con chiên hay chưa. Hoàng có kinh nghiệm bản thân về chuyện này suốt nhiều tháng năm dài trong ngục tù cộng sản. Cũng có thể nhờ đó mà tâm hồn Hoàng luôn giữ được sự bình an, luôn vượt qua được những tình huống nguy nan, bi thương nhứt trong suốt quãng đời tù cải tạo cho đến ngày về…

* * *

-Thưa thầy, tiệc đã bày xong, mẹ con mời thầy vào.

Hoàng giật mình quay lại. Cô học trò nhỏ đang vòng tay thật lễ phép trước mặt anh. Một thoáng bối rối vì mắt Hoàng chạm ngay ánh mắt thật dịu dàng của một thiếu nữ tuổi chừng ngoài đôi mươi có gương mặt thật hiền thục và mái tóc thề buông dài quá lưng, đứng sau đứa học trò của mình. Đó là người cô ruột của học trò anh, mới từ Huế vào tuần trước, khi anh vừa đến dạy tại đây tròn tháng. Thú thật, ngay từ lúc được cô học trò nhỏ hí hửng giới thiệu cho mình người cô mới từ quê nội vào, tâm hồn Hoàng bỗng xao xuyến lạ. Tự dưng anh có những mơ mộng bay bổng trong nhiều đêm liền, giống như thời thanh niên gặp người hạp nhãn đầu đời.

Từ sau hôm đó, trong những buổi sáng đến dạy, Hoàng nhận ra ngay gian phòng học của cô học trò nhỏ của mình có nhiều thay đổi. Ngoài việc căn phòng nhỏ, cửa sổ trông xuống một khu vườn trồng một vài loại hoa sau nhà, trở nên ngăn nắp hơn, trên bàn học luôn có một bình hoa tươi, một ly đá chanh, đôi khi là cà phê đặt sẵn. Chừng đâu người sửa soạn vừa mang ra trước khi Hoàng tới năm ba phút. Lần đầu anh rất đổi ngạc nhiên. Nhưng, chưa kịp hỏi cô học trò đã mau mắn khai liền: “Thưa thầy, o bảo em mời thầy”.

Sự việc này càng khiến lòng Hoàng vui rộn. Anh đâm ra tưởng tượng nhiều hơn. Mà tưởng tượng hay mơ mộng cũng phải. Ai bảo tuổi trung niên không còn mộng mơ? Nhứt là khi người ta còn độc thân. Hơn nữa, lại vừa trải qua một thời gian quá lâu trong những chốn rừng sâu núi thẳm, ma thiêng cùng cốc, không hề có bóng dáng thiếu nữ, đàn bà.Tình thật, trong những năm tháng bị lưu đày ra miền Bắc, thỉnh thoảng Hoàng cũng có ngó thấy bóng đàn bà con gái. Nhưng, một là mấy ả người thiểu số vai mang gùi, gương mặt bèn bẹt và mũi tẹt với dáng đi tất tả, hơi chồm về phía trước. Hai là, không ai khác hơn mấy mụ công an bản mặt sắc lạnh, nhin lâu thấy chỉ muốn…toẹt vào mặt!

Còn hiện tại thì chênh lệch một trời một vực. Trước mặt Hoàng là một thiếu nữ miền Nam. Chính xác hơn, là một người con gái của đất Thần kinh, của sông Hương, núi Ngự mơ màng. Anh còn được biết thêm, nàng là con nhà danh giá vọng tộc. Chẳng may, do thế cuộc đổi dời bởi vận nước chung, gia đình ly tán, xuống dốc. Anh ruột, vì là sĩ quan chế độ cũ như Hoàng nên sau khi học tập cải tạo mấy năm về, đã đưa gia đình vào ở nơi căn nhà hiện tại, do một bà cô ruột xuất cảnh sang Pháp để lại. Nhưng cái đám nhà đất và công an quận đã làm khó dễ, chỉ đồng ý cho gia chủ ở mỗi trên tầng ba. Còn hai tầng dưới chúng xẻ ra cho đám người của chúng vào chiếm ngụ. Riêng thân phụ của thiếu nữ, nguyên là một luật sư, lại dính líu đảng phái nên cũng phải lên đường học tập “trả nợ máu”(!) hết mấy năm…

-Em với cô vào trước đi, thầy vô ngay.

Phải mất mười giây Hoàng mới lấy lại được vẻ thư thái nói với cô học trò. Thiếu nữ khẻ mỉm cười với Hoàng sau cái gật đầu chào. Hai cô cháu nắm tay đi ngược về phía sau, nơi có một gian phòng lớn mà Hoàng biết mọi người đã sẵn sàng nhập tiệc. Hoàng nghĩ bụng, thật cho bõ những ngày cải tạo thiếu ăn, thiếu uống.

Trong đêm nay Hoàng đã nhận lời tham dự tiệc hai nơi, đều là chỗ phụ huynh học trò của anh. Chỗ này, tiệc bắt đầu khi trời vừa sụp tối. Còn chỗ kia, lúc mười giờ đêm. Một chỗ vì có chút tâm tình riêng tây. Một chỗ thì do thâm tình bè bạn. Nên không thể bỏ một nơi nào trong hai.

Lúc Hoàng bước vào mọi người đã yên chỗ. Dường như chỉ có anh là chậm nhứt vì mọi người có vẻ như chờ đợi. Anh gật đầu chào một lượt cả thảy, tỏ ý xin lỗi sự chậm trễ. Sau vài lời tuyên bố của gia chủ, buổi tiệc được bắt đầu trong sự hoan hỉ, vui vẻ của tất cả mọi thực khách. Trước đó, Hoàng được gia chủ đặc biệt giới thiệu với khách khứa về “sự nghiệp cải tạo” và nghề nghiệp hiện tại của anh. Có một chút ngượng ngùng nơi vẻ mặt Hoàng, nhưng chắc chẳng ai để ý.

Gần cuối buổi tiệc, có ý kiến của ai đó trong số thực khách đề nghị nên có văn nghệ bỏ túi giúp vui. Đứa học trò mang cây ghi-ta đến trao tận tay Hoàng. Em cười rất vui, ghé sát tai nói nhỏ một câu vừa đủ để anh nghe: “O Xuân Lan yêu cầu thầy hát cho o nghe một bản tù ca, nghe thầy?”…

Hoàng chúa ghét đàn ca hát xướng giữa hoặc sau các buổi tiệc tùng nhậu nhẹt tổ chức tại tư gia. Một phần do người nghe thường trong tư thế no say nghiêng ngửa, không mấy chú ý nghe người chịu khó giúp vui. Phần khác, bản thân người có chút nghề đàn ca vặt vãnh cũng có thể bụng dạ đã đầy, tất nhiên cảm thấy mệt, cần nghỉ ngơi. Còn ca hát nỗi gì! Nhưng đã lỡ nhận đàn từ tay học trò. Hơn nữa, người yêu cầu Hoàng hát lại là Xuân Lan, người cô thùy mị khả ái của đứa học trò mà Hoàng trót có cảm tình nên anh không đủ can đảm thoái thác, từ chối. Vả lại, cũng an ủi và cổ vũ anh phần nào nhờ chủ đề Tù ca mà người yêu cầu muốn được nghe. Chẳng giấu gì. Thời gian đầu mới ra tù cho đến nay, rất nhiều lần nhiều lượt, ghé đâu thăm hỏi hàn huyên chuyện mới cũ, y như rằng Hoàng đều được bạn bè thân quen hát Tù ca nghe chơi. Ừ, nghe chơi thì nghe, Hoàng sẵn sàng đáp ứng ngay chứ tai vách mạch rừng, không phải không nguy hiểm. Rất dễ chuốc họa vào thân như chơi! Tù bảy tám năm quá sức chịu đựng rồi. Vô cớ vì mấy bài tù ca hát lúc hứng chí lại bị “tái bản” chuyện khăn gói lên đường “học tập”. Nghe ngán tận óc o! Dù sao, lúc mới ra tù, hào khí cải tạo còn chất ngất nên mỗi khi được hát Tù ca, Hoàng hát rất bốc. Những người nghe đều bảo “rất đã”, tán thưởng nhiệt liệt.

Sau ít phút chần chừ, Hoàng dạo đàn hát một hơi mấy bài ruột do anh sáng tác từ những năm còn trong trại tù với vài lời mào đầu tạo không khí, đồng thời để mọi người chú ý. Trong khi hát, vì quá xuất thần nên Hoàng chẳng chú ý ai. Nhưng khi chấm dứt thanh âm tiếng đàn phụ đệm và lời ca cuối cùng, trong tiếng vỗ tay rào rào của mọi người hiện diện, Hoàng cố dỏi mắt tìm bóng người thiếu nữ yêu cầu anh hát Tù ca, nhưng chẳng thấy đâu. Thất vọng, bất chợt Hoàng cảm thấy mỏi mệt, chán nản ngang xương. Anh đứng dậy chào mọi người, ngỏ ý xin được ra ngoài với ý định cáo từ chủ nhà rồi về luôn.

Hoàng rời chiếu tiệc với cây đàn vẫn còn cầm trong tay. Lúc đến cửa mới sực nhớ đặt trả lại một bên vách. Vừa mở cửa bước vào khoảng hành lang ngắn hẹp dẫn tới cầu thang đi xuống tầng dưới để ra lối sân sau, bất ngờ anh chạm mặt người thiếu nữ yêu cầu anh hát đang đứng một mình. Lần này đến phiên cô gái bối rối, nhưng lại chủ động lên tiếng trước:

-Ủa, sao thầy về sớm ri?

-À…Xin lỗi, tôi phải về sớm vì có hẹn

Hoàng lúng ta lúng túng. Cuối cùng lại nói ra cái lý do phải rời sớm cuộc tiệc một cách dỡ khẹt. Lỡ nói, Hoàng không có cách chi ở lại dù có người con gái mà anh bắt đầu thấy mên mến bên cạnh.

-Thầy hát thiệt là hay. Nhất là lời ca. Hôm nào thầy chép và dạy Lan hát, thầy hỉ?

Hoàng chỉ gật đầu với thiếu nữ trong tư thế hơi né nửa mình cho cô bước qua. Nhưng thiếu nữ lại đề nghị tiễn Hoàng ra cổng. Hai người cùng đi xuống, bước ra khoảng sân hơi tối hướng về phía cổng. Một mùi hương dịu dàng không rõ từ một vài loài hoa kiểng trồng dọc hai bên bờ tường hay mùi hương tóc thiếu nữ phảng phất qua mủi Hoàng, gây cho anh một cảm giác khoan khoái dễ chịu và hạnh phúc. Hoàng rời căn nhà với bước chân lâng lâng mang theo ánh mắt long lanh của người thiếu nữ nhìn anh lần cuối khi đưa tay khép chiếc cổng hờ.

Vội về hóa ra lại sớm nếu đi thẳng đến chỗ hẹn cuộc tiệc sau. Còn những nửa giờ hơn. Hoàng tạt vào quán cà phê Phong Lan quen thuộc đầu hẻm, nơi anh vẫn thường xuyên đến uống mọi buổi sáng trước khi bắt đầu một ngày đi dạy rong. Cô chạy bàn thấy anh vào, mấy phút sau mang ngay ra một tách cà phê sữa pha sẵn quen thuộc, bay mùi thơm phức, không cần anh gọi. Cô ta vốn quá rành cái “gu” duy nhứt của Hoàng. Ngồi nhấm nháp ly cà phê, ngắm người qua kẻ lại lũ lượt trên đường trong niềm vui rạng rỡ chuẩn bị đón mừng đêm Chúa ra đời, Hoàng cảm thấy vui lây; cùng lúc nhiều ý tưởng lơ mơ nẩy sinh trong đầu anh.

Cuộc tiệc thứ nhì mà Hoàng sắp tới, tổ chức nơi tư gia một người bạn học cũ, ngay đầu ngõ xóm nhà anh, trong khu gia binh của tiểu khu Gia Định trước kia.Từ nơi anh đang ngồi uống cà phê, băng ngang mặt tiền của ngôi nhà thờ, đi bộ khoảng hơn năm phút là tới. Người bạn này, trước 75 là một chuẩn úy Bộ binh. Anh ta chỉ bị học tập tại chỗ mười bửa, nửa tháng gì đó chứ không lên đường dài hạn. Sau đó, nhờ gặp được bà vợ giỏi giang, bản thân người bạn này lại khéo ngoại giao xoay xở nên hai vợ chồng “lên”được một cơ sở làm ăn khấm khá lấy tên tổ hợp Silicat Ngọc Thăng. Hai chữ sau là tên trưởng nam của anh bạn. Còn chữ đầu là tên gọi một thứ nguyên liệu chuyên dùng làm chất độn để chế các loại hóa phẩm xà bông, thủy tinh, kể cả mỹ phẩm. Nguyên liệu này có dạng đặc giống như những cục đá xanh lớn, nhỏ cở nắm tay, nhìn hơi trong trong tựa như thủy tinh ve chai và đặc biệt, lởm chởm góc cạnh thật sắc bén. Nó có thể được nấu chảy lỏng ở nhiệt độ cao cở vài trăm độ C bằng cách cho vào một chiếc bồn chữ nhựt hoặc hình trụ tròn, đổ ngập nước và đun liên tục.

Cơ sở của người bạn Hoàng chuyên gia công nấu lỏng nguyên liệu này cung cấp cho các cơ sở sản xuất nhà nước hoặc tư nhân. Bản thân Hoàng khi mới đi tù về, do chưa tìm được việc làm nên đã được người bạn nhận vào làm với vai trò trưởng một ca sản xuất. Nhưng, không lâu sau đó, cũng nhờ người bạn này mà Hoàng ngẫu nhiên đổi nghề. Số là, trong một dịp sinh nhật ái nữ của người bạn mà Hoàng có tham dự, anh ta hỏi Hoàng còn đàn địch gì như hồi còn đi học không. Hoàng trả lời, gì gì thì bỏ chứ đàn địch ca hát thì không! Vậy là anh ta bảo đứa con gái mang ngay cây đàn ghi-ta của nó ra rồi yêu cầu anh đàn hát giúp vui. Lỡ miệng đành phải chìu bạn. Sau đó, người bạn đề nghị, mỗi ca làm việc Hoàng được nghĩ sớm hai giờ để dạy con anh ta đàn hát. Kế tiếp, thêm mấy đứa cháu của anh ta. Dĩ nhiên là Hoàng được nhận thêm thù lao.

Do “nghề lành” đồn xa, dần dà Hoàng nhận được nhiều mối dạy tư gia khác. Thu nhập anh tăng cao, vượt trội hơn hẳn làm công nhân. Thế là anh theo đuổi luôn nghề dạy đàn một cách…bất đắc dĩ như một cái duyên định mệnh đưa đến: nghề chọn người, không phải người chọn nghề!

Giáng sinh đêm nay lá giáng sinh đầu tiên kể từ ngày Hoàng ra khỏi trại tù hồi giữa năm. Anh được bạn mời dự tiệc Réveillon tại nhà riêng vừa là cơ sở sản xuất. Người bạn đón anh ngay tại cổng khi anh tới. Khách mời có mặt cũng đã khá đông, người lớn lẫn con nít. Hoàng thấy bãi xe trước sân nhà chật ních nhiều xe gắn máy đủ loại. Tất cả tập trung lên sân thượng vì tiệc thết đãi trên đó, trừ trẻ em, chúng được sắp xếp vào một phòng tiệc riêng dưới nhà.

Vào tiệc Hoàng không cảm thấy hào hứng, thoải mái lắm. Một phần, do cuộc tiệc trước, dù chỉ ăn uống cầm chừng, nhưng do khoản thời gian quá sít, anh không cảm thấy muốn động đến bất cứ món ăn nào dù trên bàn không thiếu những cao lương mỹ vị. Phần khác, do đầu óc anh vẫn còn mơ màng đến giọng nói và ánh mắt ẩn chứa một trời cảm mến mà người thiếu nữ trong buổi tiệc trước dành cho anh lúc tiễn chân. Vì vậy, Hoàng chỉ thỉnh thoảng nhấp cầm chừng lon bia ướp lạnh đang cầm trong tay, đồng thời ậm ừ với một tay thanh niên luôn ba hoa kể chuyện ngồi bên cạnh.

Vào lúc giữa tiệc, hằng loạt sâm banh được mở nút. Những tiếng “bốc, bốc”phát ra kèm theo là những bọt rượu trắng tinh trào bắn lên khỏi miệng chai tạo trạng thái hưng phấn, khoái trá cho tất cả thực khách hiện diện. Nhiều tràng cười hể hả thỏa thê vang lên từ nhiều phía. Tự dưng Hoàng cảm thấy lạc lõng. Bất chợt anh nhớ lại nhiều đêm giáng sinh khi còn trong trại cải tạo bên bạn đồng tù. Một cảm giác buồn bã xót xa trào dâng lên mắt. Giờ này, không biết các bạn tù của mình còn trong trại ra sao?…Các bạn có biết được sự khác biệt trời, vực nó như thế nào hay không?…Không phải về mặt hưởng thụ vật chất mà là giữa sự được tự do và mất nó…Quả thật, cách xa ngàn trùng, không có thước tấc, chữ nghĩa nào có thể đo đạc hay diễn tả nổi!!

Giữa lúc Hoàng đang miên man nghĩ ngợi, tay bạn chủ cơ sở với gương mặt đỏ gay lù lù bước tới ấn vào người Hoàng cây ghi-ta: “Nào, xin mời nhạc sĩ giúp vui một bài ca Nô-en đi !”. Bị kéo ra khỏi cơn trầm tư, thấy đàn, Hoàng hiểu ngay bạn muốn gì. Tay nhận đàn, anh nói ngay, không suy nghĩ: “Được thôi. Nhưng mà tôi sẽ hát Tù ca, nghe!”. Người bạn trợn mắt: “Tù ca? Hát Tù ca trong đêm Nô-en?!”…Anh ta cười ha hả một tràng dài rồi gật đầu: “Càng hay! Hấp dẫn đấy!” Rồi vừa vỗ tay vừa giục Hoàng: “Bắt đầu đi, bạn”.

Hoàng ôm ghi-ta vào lòng, rải nhẹ một hợp âm để thẩm định sự chính xác. Có một thoáng tích tắc anh nghĩ về một số bài tù ca của mình và của bè bạn sáng tác trong tù, rồi anh quyết định chọn ngay một bài có nội dung viết về Sài Gòn, thành phố đang bị cướp tên, để hát. Không cần giới thiệu dông dài, Hoàng cất ngay lên tiếng hát với tiếng đàn phụ đệm của mình. Giai điệu Hoàng hát có lúc trầm buồn chậm rãi, có lúc nhanh dồn vút cao. Lời ca chất chứa bao nỗi niềm nhớ thương đau xót chen lẫn những điều phủ dụ vỗ về, động viên, kêu gọi mọi người hãy gắng vượt qua tai ương quốc nạn, hẹn thề sẽ cùng nhau dựng lại ngọn cờ vàng một ngày mai; lấy lại tên Sài Gòn cho thủ đô yêu dấu…

Khi tiếng hát Hoàng chấm dứt sau lời ca cuối cùng với hơi ngân kéo dài thống thiết, có một khoảng thời gian ngắn, tất cả người nghe lặng thinh trong một bầu không khí dường như có chút nặng nề. Sau đó thì lác đác có tiếng vỗ tay rời rạc. Người thanh niên ngồi cạnh nói với Hoàng: “Chú hát thật xuất thần. Nhưng nghe sao bi thiết quá thế nhỉ?!”…

Hoàng cảm nhận ngay bài nhạc của mình không hợp cảnh, hợp người ở đây. Anh uể oải đứng dậy sau khi đưa cây đàn cho gã thanh niên mà không cần biết anh ta có chơi được hay không. Hoàng rời bàn tiệc bước về phía cầu thang, chậm chạp đi xuống. Người bạn ngồi đầu dãy bàn hỏi vói: “Về à?”. -“Không. Mình xuống dưới nhà rửa mặt một chút”. Thật ra Hoàng cũng có ý đó. Vì khi hát, do để hết tâm hồn vào lời ca, đến câu cuối cùng anh cảm thấy xốn xang tấc dạ, nước mắt cứ chực ứa ra.

Lúc xuống tới bậc thang cuối, Hoàng ngoảnh lại vì nghe có tiếng chân ai đó hơi dồn sau lưng mình. Đó là một người đàn ông trung niên, dáng điệu chững chạc, cứng nhắc. Anh ta chìa tay ra cho Hoàng bắt và nói ngay: “Chào anh. Ca khúc anh diễn đạt rất tới đấy!…”. Và không kịp để Hoàng nói gì, người đàn ông tiếp ngay: “Nghe nói anh anh đang dạy đàn cho các con anh Diễn, anh cho cháu trai tôi cùng học, có được không?”. Hoàng ngập ngừng mấy giây: “Cũng được. Nhưng xin anh nói giùm với anh Diễn một tiếng”. Người đàn ông vui ra mặt: “Vâng.Tôi cũng vừa trao đổi với ảnh xong”.

Xong câu nói, người đàn ông bắt tay Hoàng lần thứ hai rồi quay lên. Hoàng chui vào phòng tắm rửa mặt. Nước lạnh mát làm anh tươi tĩnh, trạng thái u hoài không còn nữa. Vừa mở cửa bước ra đã thấy người bạn đứng chực sẵn: “Sao? Mệt rồi à? Thấy lâu, tưởng bạn định về luôn nên tớ xuống tiễn”. Lúc vô rửa mặt Hoàng không nghĩ gì cả. Giờ, nghe bạn nói vậy, anh gật đầu rồi chợt nhớ, hỏi luôn: “Cái tay vừa hỏi mình, cho con học đàn chung với con bạn, anh ta làm gì vậy, quen với bạn ra sao?”. Người bạn lấy vẻ nghiêm nghị, nhưng giọng điệu trả lời không giấu được vẻ đùa cợt: “Quen ra…tiền chứ chẳng có ra…sao nào hết! Còn anh ta…làm gì hả? Chỉ làm…công an quèn, phường trưởng thôi! Có thắc mắc gì thêm không, bạn vàng!?”…

Hoàng há hốc. Chúa ôi! Vậy mà anh ta không báo động trước. Là dân tù cải tạo mới về, dám giởn mặt công an như mình sao?!…Tay bạn hiểu ý, làm động tác phác tay, cười khà khà: “Yên chí. Bạn là bạn thân của tớ. Hắn không đả động tới đâu”. Rồi khoái chí, anh bạn tiếp: “Cái bọn này tớ dùng bác Hồ gí vào mồm chúng. Và rượu thịt chè chén nữa, hú một tiếng là tới ngay cả lũ. Trên ấy cả đấy! Bạn không biết đó thôi!”…

Hoàng toát mồ hôi. Tay bạn của mình quá chủ quan. Hơn nữa, cái đám ấy vâng dạ với anh ta chớ còn mình thì…Hiểu tâm trạng Hoàng, người bạn nói: “Thôi, về nghỉ đi. Ngày mai nhớ ghé ăn sáng”.

Lúc đưa Hoàng ra cổng, tay bạn còn chỉ một chiếc Honda “cúp” cáu cạnh dựng chen lẫn cùng nhiều chiếc khác trước sân: “Xe của anh ta đấy. Nhưng là tiền của…tớ! Có thế tớ mới dám bảo kê cho bạn!”…

…Hoàng nhìn đồng hồ tay. Đã gần mười một giờ đêm. Không biết giờ này nhà thờ có còn lễ không? Nhưng điều này không hệ trọng. Anh chưa phải là con chiên. Anh chỉ cần một chút bình an trong tâm hồn lúc này. Trong quá khứ, dường như Hoàng đều mản nguyện mỗi khi có điều chi phiền muộn, bất an hay lo lắng trong lòng thì tìm đến giáo đường, đứng yên một lúc trước hang đá có tượng Đức Mẹ Maria. Ngay cả với chính bản thân mình anh cũng không tự lý giải được tại sao về điều này…

Hát Tù ca trong đêm Thánh có tội lỗi gì không? Hoàng tự hỏi. Hay Chúa muốn trừng phạt một con người ngoại đạo, xem thường Chúa, nên xui khiến cho có mặt cả một lũ “lu-xi-phe” ngồi nghe, chứng kiến mình hát Tù ca?…

Nhất định là không! Chúa luôn đứng về phía những con người chịu khổ nạn và lắng nghe họ cầu xin. Ngài sẽ dang rộng vòng tay ra che chở. Nhất định vậy. Mà mình là dân tù cải tạo. Không phải là thành phần chịu khổ nạn tột cùng nơi đất quê nhà này hay sao (?) qua bao mùa giáng sinh trong ngục tù tăm tối, không hề được nghe lấy một tiếng chuông ngân, không hề được nghe những bài Thánh ca được hát lên từ những thanh thiếu niên trong các ca đoàn, đẹp như những thiên thần dưới ánh sáng phúc âm rực rỡ!!…

Hồ Hoàng Hạ

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2012

Bài Mới Nhất
Search