T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Hùng Bi : CÓ MỘT NGHĨA TRANG QUÂN ĐỘI KHÁC …

clip_image001

Những người lính nằm xuống ở đó vẫn mặc quân phục màu cỏ úa và số quân của họ vẫn còn được ghi trên một mảnh giấy học trò cùng tên tuổi cho vào một vỏ chai cắm ngược trên đầu ngôi mộ đất. Có điều, trên tay áo họ tất cả đều không có phù hiệu và phiên hiệu của đơn vị mình, trên cổ áo không còn những bông mai ngụy trang được kết thành bởi máu và nước mắt cùng những giọt mồ hôi gian khổ cộng với nỗi hãi hùng trước cái chết của chính họ và đồng đội. Không có những bảng tên và những bằng chuyên môn may trên nắp túi áo. Tất cả đều đơn điệu như nhau tưởng như được lấy ra từ một khuôn đúc. Nếu chúng tôi là những tù binh thì đã được đối đãi đúng theo luật tù binh của Liên Hiệp Quốc, nhưng đây chỉ là những hàng binh bại trận thì sẽ được cư xử theo ý của những người thắng trận. Mà suy cho cùng, luật tù binh của Liên Hiệp Quốc chỉ áp dụng cho các nước thành viên thôi, chúng tôi là ngoại lệ lúc đó.
Mùa Xuân năm 1977. Sau khi sàng lọc và chuyển trại nhiều lần, chúng tôi được lệnh gói ghém các vật dụng cá nhân tập trung tại sân bay quân sự Trảng Lớn cũ theo danh sách từng tốp chờ đêm tối xuống để chuyển trại. Chúng tôi được xếp ngồi từng cụm khoảng 30 người im phăng phắc những những đám cừu non. Nhưng trong cái im lặng ấy biết bao nhiêu cơn bão mịt mùng đã dấy lên trong lòng của từng người.
Chờ đợi! Chao ơi! Cuộc đời tôi đã quá quen thuộc với những sự chờ đợi dai dẳng mọi lúc mọi nơi, thậm chí là chờ đợi cái chết bất chợt đến với mình trong những tiếng nổ kinh hoàng của những cuộc pháo kích hay tiếng đạn bay rít trong không gian đến từ mọi hướng. Đã đành mỗi người đều có một số phận riêng và cái chết khi nào đến khắc nó sẽ đến, nhưng có ai biết đâu chúng tôi đã chờ đợi nó trong nỗi hân hoan bởi cuộc sống trong chiến tranh trên mỗi phận người bị lôi kéo vào vòng xoáy của nó đã quá đỗi đọa đày!
Chiều đã xuống rất sâu và bóng đêm đang manh nha chiếm lĩnh không gian nặng nề ấy. Rồi thì sự chờ đợi của mấy ngàn sinh mệnh cũng chuyển hướng. Lệnh cho từng cụm bước lên những chiếc xe tải quân sự vừa xịch tới trong ánh đèn pha vàng vọt loang loáng soi trên những gương mặt mỏi mòn và đói khát. Sau khi cả đám đông trùng trùng yên vị trên xe, sự chờ đợi lại tiếp tục trở về bủa vây. Ánh đèn sum họp của những nhà dân ở phía xa xa đã thắp sáng từ rất lâu nhưng chúng tôi vẫn còn phải nghe ngóng và chống đỡ những con muỗi đói Trảng Lớn đang nhập bữa tiệc máu tươi cuối cùng trên những thân thể còm cỏi.
Rồi những tiếng tu huýt ré lên cắt nát mảnh đêm đã đẫm nặng hơi sương cho lệnh đoàn xe quân sự rùng rùng xuất phát. Vừa ra khỏi cổng căn cứ quân sự Trảng Lớn đã thấy hai bên đường rất nhiều người dân đứng đợi với những bịch nước uống và những thứ quà bánh cứ tung đại lên những chiếc xe chạy ngang. Tôi nghĩ đó là thân nhân của một trong những người chúng tôi. Nhưng vì sao họ biết có cuộc chuyển trại nầy vì hầu hết đều diễn ra trong im lặng và bí mật? Sau nầy thì tôi đã hiểu là do từ những nhà thầu cung cấp thực phẩm cho chúng tôi. Những suất thực phẩm cung cấp hàng ngày đã bị cắt thì ai cũng đoán ra ngay, nhưng những chuyến xe lao lung đó sẽ đi về đâu chỉ có Trời và những người có trách nhiệm mới biết!
Sau một đêm dài dằn xóc trên thùng xe, tâm trạng ngổn ngang rối bời hòa với tiếng động cơ rì rì đều đặn trong bóng đêm dầy đặc mịt mùng, tốc độ đoàn xe bắt đầu chậm lại. Hé cặp mắt đỏ kè mệt mỏi nhìn ra ngoài thì phỏng đoán đoàn xe đã đi vào khu vực đèo dốc vì ánh đèn của những chiếc xe chạy trước phía xa xa trên con dốc cao ngoằn ngoèo đã thấy khỏi ngọn cây.
Trời vừa tang tảng sáng thì đoàn chúng tôi khoảng 10 chiếc xe dừng lại trong cái lạnh se sắt của những giọt sương mai trong rừng thẳm. Hóa ra họ đã cắt đoàn thành những nhóm riêng biệt để đổ xuống những nơi khác nhau trong đêm tối nhưng chúng tôi nào biết? Lệnh xuống xe được ban ra. Ai cũng thở phào nhẹ nhõm khi thoát ra được sự gò bó suốt một đêm dài. Nhảy xuống đất nhìn quanh thì chao ơi hãi hùng! Chúng tôi đã được đưa đến một nơi rất sâu trong rừng căn cứ vào những cây cổ thụ mọc chung quanh, nhưng không biết ở địa danh nào. Cánh rừng hầu như còn giữ vẻ nguyên sinh của nó vì chắc đã từ lâu lắm chưa có bước chân con người đi qua.
Chúng tôi được chỉ cho vị trí từng nhóm nhỏ để tự túc lo chỗ nghỉ ngơi và ăn ngủ. Ngay tại chỗ, người ta bắt đầu phân chia từng “A” một (chỉ tiểu đội theo cách gọi của phía bên kia) để tự quản lý lẫn nhau và phát cho mỗi nhóm vài cái lưỡi rựa không có cán để phát quang khu vực và lo dựng những cái sạp đơn sơ cao khỏi mặt đất hầu tránh những con rắn đói mồi lang thang nhiều vô kể trong rừng. Bản năng sinh tồn cộng thêm chút kinh nghiệm cá nhân trong chiến tranh giúp chúng tôi nhanh chóng chuẩn bị chỗ ở của nhóm trong vòng buổi sáng để chuẩn bị cho cái ăn buổi trưa sau một đêm dài mệt mỏi. May mà có một nguồn suối nhỏ chảy ngang chỗ chúng tôi đổ xuống khoảng hơn 100 mét. Phải lo đào ngay vài cái giếng cạn cạnh bờ suối bằng những lưỡi rựa vừa được phát để lấy nước sinh hoạt và rửa ráy cho trôi sạch những hạt bụi đường xa vì dùng thẳng nước suối sẽ bị “chói nước” liền theo cách gọi dân gian do những xác lá cây mục trầm tích lưu cửu trong dòng nước mang đầy những mầm bệnh sốt rét!
Trời ạ! Đêm đầu tiên chúng tôi nằm phơi sương giữa rừng già đã được hưởng một cái lạnh từ trước đến lúc đó chưa từng gặp. Đốt một đống lửa ngay dưới sạp nằm, lôi tất cả quần áo mình có ra để mặc nhưng cũng không thể nào nhắm mắt được trong hơi lạnh của rừng già như rúc vào tận xương tủy mình. Phần tôi đã mặc 7 cái áo và 5 cái quần chồng lên nhau, bên ngoài thêm cái áo đi mưa nữa nhưng cũng không xong. Lại tiếp tục thêm một đêm mất ngủ ngồi co ro xuýt xoa bên đống lửa chờ sáng.
Hôm sau, với những lưỡi rựa chưa được mài dũa, chúng tôi bắt đầu phát quang chung quanh khu vực mình cho trống trải hơn. Khởi đầu là những dây leo mịt mùng và những cây nhỏ khoảng từ bắp đùi trở xuống cho phong quang rồi dần hồi đến những cây lớn hơn. Với những cây to khoảng một vòng tay ôm trở lên thì  đã có những anh chàng chuyên môn hạ cây nhiều kinh nghiệm sẽ phụ trách. Công nhận cái câu tục ngữ Việt Nam “đi một ngày đàng học một sàng khôn” có giá trị mãi mãi. Quan sát cách họ mở miệng cây để có thể hướng chiều ngã cây theo ý muốn đã giúp tôi rất nhiều trong giai đoạn phá rừng làm rẫy sau nầy để có thể tránh những tai nạn lao động đáng tiếc cho anh em vì tôi sẽ là người chuyên phụ trách việc đó.
Để dựng lên những lán trại theo quy cách nghiêm chỉnh giữa rừng sâu quả thật là một kỳ công vì trong tay chỉ có vài dụng cụ lao động đơn giản và hoàn toàn không có một cây đinh, chỉ cắt ngàm làm mộng ghép chặt với nhau bằng những con xẻ. Chúng tôi để lại một nhóm phụ trách việc dựng những cái lán dài với hai hàng sạp bằng lồ ô có lối đi ở giữa có thể ở được hơn 60 người. Họ sẽ xuyên rừng chọn những cây tương đối thẳng hạ xuống khiêng về dựng lán. Vách lán được dừng lưng lửng bằng những thân cây lồ ô đập dập chẻ ra đan lóng ba. Có ai đã được ngồi dưới một mái nhà được lợp bằng những đoạn nứa đập dập trong cơn mưa rừng ồn ả suốt một ngày trời từ sáng sớm cho đến tối mịt chưa? Thế mà chỉ bị những hạt nước li ti làm ướt mặt chút xíu khi cơn mưa bắt đầu rồi tất cả đều kín mít vì những sớ nứa ngậm nước sẽ nở ra và có thể chịu được những dòng nước đổ như trút từ trên trời cao đưa xuống. Chúng tôi đã sống ở nơi đó nhiều ngày tháng dài chỉ dựa vào ánh sáng mặt trời. Cố ăn cho xong bữa cơm chiều khi hoàng hôn bắt đầu buông xuống, rồi ngồi quây quần bên nhau rít thuốc lào tán chuyện đời trong bóng tối mịt mùng, đợi tiếng kẻng báo ngủ từ khung vọng xuống, mỗi người chui vào mùng vắt tay lên trán mà suy nghĩ, mà chìm đắm vào cõi riêng của mình. Nhưng thường giấc ngủ nhọc nhằn đến với chúng tôi nhanh lắm! Có khi vừa ngã lưng xuống một chốc đã nghe tiếng ngáy cạnh mình vang lên rồi.
Phần đông được tung vào rừng ở những nơi đã được chỉ định sẵn phá rừng làm rẫy để tìm cái ăn tự túc cho mình trong những tháng mưa già không thể tiếp tế được. Khởi đầu chỉ trồng những cây lương thực ngắn ngày như khoai mì, bắp…lần hồi sẽ trồng lúa để có cái ăn tại chỗ. Sau đó sẽ quy hoạch lớn lại tất cả để trồng cây công nghiệp dài ngày mà chủ yếu là cây cao su.
Lúc đó đang là giai đoạn khó khăn chung về lương thực của cả nước. Cái đói lúc nào cũng chực chờ sẵn ngoài ngõ. Tôi xin nêu ra đây một việc cụ thể và áp dụng những phép tính cơ bản của học sinh tiểu học để chúng ta có thể nắm rõ vấn đề.
Theo tiêu chuẩn phân phối lương thực lúc bấy giờ, người lao động nặng sẽ được hưởng mỗi tháng 21 kg gạo, người lao động nhẹ sẽ được hưởng 17 kg, người ăn theo sẽ được hưởng 12 kg như trẻ con và người già. Chúng tôi được chỉ định cho hưởng mức lương thực thấp nhất là 12 kg gạo trong một tháng, vị chi là 400 gr gạo mỗi ngày. Để tôi làm một phép tính đơn giản hầu các bạn: Mỗi kg gạo nếu đong ra sẽ được 4 lon sữa bò và mỗi lon sữa bò 250 gr gạo ấy nếu nấu lên sẽ được 3 chén cơm. Mỗi ngày chúng tôi được bếp lớn của Đội phân phát cơm 2 lần buổi trưa và buổi chiều, mỗi bữa đong ra được 1,5 chén cơm. Buổi sáng chỉ được phát nước đun sôi để uống trong ngày mục đích để tránh bệnh sốt rét ngã nước. Trong 3 chén cơm được phát mỗi ngày đó, tôi đã khéo léo phân chia để ăn thành 3 bữa. Bữa trưa chỉ ăn 1 chén kèm với rau rừng hay cỏ dại có thể ăn được mà tôi thu nhặt trên đường đi làm rẫy, để dành nửa chén cho bữa chiều. Nếu hôm nào phải đi làm rẫy “thông tầm” thì bữa trưa của tôi là một chén cơm nguội cộng với một ít muối hột. Ai mà tưởng tượng nổi hạt muối khi tan trên đầu lưỡi sẽ có vị ngọt chớ? Hai tháng mưa-già-trong-rừng-già, chúng tôi hoàn toàn ăn nhạt! Đến bữa chiều công thức đó sẽ lập lại là lấy nửa chén cơm nguội bữa trưa cộng với nửa chén cơm nóng bữa chiều ăn kèm với rau rừng chấm với nước muối để đêm về nghe tiếng réo sôi đến xót ruột mà ngủ qua đêm. Còn một chén để dành cho bữa sáng thì mới có sức mà đi phá rẫy. Thế nhưng có phải yên thân mà hưởng trọn vẹn chút cơm chim dành dụm đó đâu? Buổi tối tôi phải cho chén cơm nguội vào gà-mèn để trên bụng mà ngủ vì xểnh ra thì có thể bị “bốc hơi” mất. Vậy mà có những đêm nằm ngủ mê man vì mệt mỏi quá sức thì những chú chuột đói đông nghịt lại cắn góc mùng chui vào mà “xơi tái” một phần cơm để dành của tôi.
Qua bài toán tiểu học tôi vừa trình bày ở trên thì chắc ai cũng có thể nhận thấy mỗi ngày tôi bị cướp mất 150 gr gạo một cách trắng trợn và nó bốc hơi vào nẻo nào thì chỉ có Trời biết! Từ cái đói người ta sinh ra ti tiện nhỏ nhen với nhau từng chút một. Buổi sáng thì tranh nhau những dụng cụ lao động càng nhỏ càng nhẹ càng tốt để giảm thiểu sự tiêu hao lượng calories được nạp vào cơ thể vốn rất ít ỏi. Đến bữa cơm thì những người có học từng được trui rèn chịu đựng gian khổ thiếu thốn trong chiến tranh lại so đo với nhau từng miếng cơm cháy được chia ra.
Từ cái đói khiến cho sức khỏe càng ngày càng suy kiệt làm giảm hẳn sức đề kháng của cơ thể với bệnh tật cộng với phong thổ chốn rừng sâu nước độc làm ngã bệnh rất nhiều. Cái ăn còn chưa đủ thì nói gì tới thuốc chữa bệnh? Hầu như ai cũng phải tự túc nhờ vào sự tiếp tế của gia đình vài tháng một lần. Đói lòng không đủ cơm thì phải ăn kèm với rau rừng, với cỏ đầu rìu, với măng rừng. Đó chính là một trong những tác nhân cộng với những con muỗi Anophène (muỗi đòn xóc) gây bệnh sốt rét hàng loạt khi mùa mưa đến.
Nếu đó là những cơn sốt rét lành tính thì còn sống sót được, chớ khi nó đã là những cơn sốt rét ác tính giữa rừng sâu không có thuốc men chữa trị thì chỉ có nước…đem chôn!
Bản thân tôi trong những cơn đói, trên đường đi ra rẫy hễ thấy một loại lá cây gì có thể luộc lên chấm nước muối dồn vào bụng cho lấp đầy khoảng trống triền miên mà không chết là tôi quơ hết, buổi chiều về tranh thủ đi dọc theo con suối khi thì hái dúm lá “rau tàu bay”, khi thì mò mẫn dọc bờ suối hái những ngọn “rau ráng” mà chỉ mình tôi biết là ăn được. Giữa rừng xanh núi đỏ khi đi dọc theo con suối, thốt nhiên tôi nghe được tiếng con chim bìm bịp vang lên trong rừng sâu âm u. “ Bìm bịp kêu con nước lớn ròng” ca dao đã nói như thế. Chao ơi! Tiếng chim bìm bịp vang lên theo tính năng mà tạo hóa ban cho nó đã làm tôi nhớ tới quê nhà chốn đồng bằng sông nước đến lặng người, và tôi tự hỏi biết đến bao giờ tôi mới được quay gót mà trở về nơi ấy?

Lại một vấn nạn khác xảy ra. Trên đám lá mục ẩm ướt hai bên bờ suối, muôn trùng con vắt nhỏ bằng cọng chưn nhang đang mai phục sẵn ở đó. Đánh được hơi người, chúng cất những cái đầu nhỏ xíu ngo ngoe lên chờ đợi bữa tiệc máu. Cái đói đã đánh tan sự ngần ngại, tôi cứ quơ đại cho nhanh mớ lá xanh trên cành rồi vụt chạy lên chỗ khô ráo cúi xuống gỡ khỏi chân những sinh vật gớm ghiếc đó. Nhưng trong miệng những con vắt nó tiết ra một chất chống đông máu. Đã dứt nó ra rồi, nhưng máu vẫn cứ rỉ ra từ vết cắn mấy tiếng đồng hồ sau chưa dứt. Thử hỏi dúm rau rừng tôi luộc lên cho vào bụng chống đói có bù lại được lượng máu tươi đã mất đi không? Chả thế mà người cứ ngày càng gầy nhom quắt quéo lại xanh mướt.

Sợ xuống bờ suối gặp vắt thì ta chọn những triền đồi khô ráo đi tìm những ngọn “mướp mọi” ngắt về luộc lên ăn cũng được. Ở chốn nầy lại có một loại kẻ thù khác, không làm mất máu nhưng lại gây phiền toái hơn nhiều. Những con ve rừng thân hình tròn tròn lớn hơn hạt đậu xanh một chút, nhưng hàm răng của nó hết sức độc địa. Cắn vào sẽ gây ngứa rất khó chịu. Anh nào dại dột khi phát hiện bị ngứa, mò mẫm gặp trúng cứ mạnh tay rứt ra là “lãnh đạn” ngay! Hàm răng con ve nó cứ nằm sâu dưới lớp da làm ngứa vài ngày cũng chưa hết. Chỉ một biện pháp hết sức đơn giản, cứ chịu ngứa một chút, chạy về ngắt một lá củ cải trắng vò nát áp lên con ve, nồng độ trong lá cải sẽ làm chú chàng nhả ra và ta thoát nạn.

Tôi đã dùng những ngày Chủ nhựt được nghỉ lao động, sau khi vác một cây khô trong rừng đem về làm chất đốt cho bếp lớn, tôi xẻ rừng đi sâu vào phía trong xa tìm xắn những mụt măng lồ ô về luộc lên chấm nước muối ăn kèm để cứu đói. Mặc dù đã chống đỡ khá kỹ càng bằng cách xổ dài hai tay áo treillis và quấn mặt và cổ kín mít bằng một cái bao cát của Mỹ, nhưng khi ra khỏi rừng thì hai má tôi đã nổi những nốt chích của muỗi rừng như một dề cơm cháy. Hậu quả là tôi bị một trận sốt rét kinh người nằm liệt giường hơn một tháng, các khớp xương trong người đều sưng lên không cử động được, đi phải chống gậy lê từng bước và mọi chuyện sinh hoạt cá nhân đều do những người bạn nằm cạnh giúp đỡ.
Tưởng đã qua đời trong trại nếu không nhờ những ống thuốc ký ninh nước Trung Quốc với liều cực cao dành cho những trường hợp cấp cứu của bệnh xá Trung Đoàn do anh bạn thân Ẩn làm Vệ sinh viên của Đội cày cục xin xỏ được.

Bệnh xá Trung Đoàn nầy cũng do tự tay những Y, Bác sĩ trong chúng tôi lọc ra cất lên. Nó nằm cuối chân đồi có Nghĩa Trang bên trên. Chắc là đã được tính toán sẵn cho đoạn đường đi về nơi an nghỉ cuối cùng của những phận bạc được gần hơn chăng? Đứng trên lưng chừng đồi nhìn xuống, bệnh xá là những căn lán nho nhỏ lợp bằng nứa dọc hai bên bờ suối có một cây cầu gỗ nhỏ bắc ngang đẹp và thanh bình như trong một bức tranh phong cảnh. Chúng tôi vẫn hay có ý ganh tị với những người được làm việc nhàn nhã ở đó khi lê lết những bước chân mệt nhọc trở về sau một ngày phơi mình ngoài nương rẫy. Nhưng hỡi ơi! Cái chốn đẹp đẽ ấy chỉ dung chứa những thân thể còm cỏi đau đớn vì tai nạn lao động hay những sinh linh sắp lìa khỏi thế gian. Bệnh sốt rét rừng đã làm tiêu hao lực lượng chúng tôi với một con số đáng kể.

Bây giờ là chủ đề bài viết tôi muốn đề cập ở đây.
Trên một khu đồi thoai thoải nằm cạnh Tiểu Đoàn 1 nhìn xuống một dòng suối nho nhỏ có một Nghĩa Trang rất hợp với phong thủy của người Trung Hoa. Lưng dựa vào thế đất cao nhìn xuống dưới chân có dòng nước chảy ngang. Những người chết khi được an táng ở vị trí đó sẽ giúp cho con cháu vượng phát về sau. Tôi hết sức hy vọng thế hệ thứ hai thứ ba của những người nằm lại ở đó bây giờ được hưởng một cuộc sống hạnh phúc hơn Cha Ông của chúng. Nhưng ai mà biết được?
Đó là một Nghĩa Trang Quân Đội hết sức đặc biệt mà tôi được biết. Nhưng chắc hẳn cũng còn có những cái tương tự như thế trải dọc suốt đất nước nầy. Một Nghĩa Trang Quân Đội chỉ chôn toàn những sĩ quan và những người đưa tiễn cũng chỉ toàn là những sĩ quan, nhưng những buổi an táng không kèn không trống, không có khúc ca tử sĩ được cất lên thê thiết bi ai trong không gian u buồn trĩu nặng tiếc thương, không có những lá cờ phủ lên thân xác đã xuôi tay, không có những dòng nước mắt vắn dài và những lời kể lể vật vã của người bạn đời và những đứa con còn trong độ tuổi thơ ngây, nhưng chắc có lẽ cũng không cần thiết vì đa số chúng tôi còn ở độ tuổi quá trẻ, những hệ lụy tình cảm nam nữ hầu như bị guồng máy chiến tranh nghiến nát mất rồi. Nụ hoa tình vừa hé nở đã bị ngọn lửa chiến tranh nối tiếp theo là quãng đời quá gian nan làm cho héo úa. Trời xanh mây trắng, tiếng gió len qua cành lá như tiếng gọi yêu thương mơ hồ, tiếng chim hót líu lo trên cành buổi sớm mai, những cánh bướm sặc sỡ sắc màu lượn bay quanh những khóm hoa đẹp khó có thể làm hồi phục lại nét tươi tắn ngày nào. Nhỡ như đến một ngày nào đó về sau, lòng tình cờ trổ hoa dù đối với họ là đóa hoa rực rỡ đầy hương sắc, nhưng dưới mắt người khác đó chỉ là một đóa hoa dặt dẹo không còn đủ sức hấp dẫn mà mang tình về. Tội nghiệp thay cho những phận đời hư hao!

Những người nằm lại ở đó không có được những cái hòm chứa đựng thân xác đã giá lạnh vùi sâu xuống lòng đất để tránh dòi bọ đừng đụng chạm đến. Đa số được quấn vào tấm mền chỉ hay một miếng nylon cột chặt thôi. Thi thoảng sau nầy có một vài người được mấy mảnh ván ghép lại cột bằng dây rừng vì không có đinh đóng do những người bạn thợ xẻ giấu lại trong rừng để dùng cho những người bạn thân. Những ngôi mộ được chôn vùi một cách tùy tiện không theo hàng lối, thậm chí không có được đến cả một cái mộ bia đơn sơ ngoài vài dòng chữ viết vội trên một mảnh giấy học trò cho vào một vỏ chai cắm ngược đầu trước mộ giúp sau nầy có ai muốn tìm kiếm thân nhân. Nhưng với những trận mưa rừng cuồng bạo như trút nước hết ngày dài lại đến đêm thâu, liệu những cái vỏ chai đó có nằm yên vị như khi người ta vừa cắm nó xuống không? Rồi làm sao biết được nắm xương tàn bên dưới mô đất nhỏ đó là của ai?

Tôi xin nói lên cái điều đau đớn nhất ở đây. Trong cuộc chiến trước kia, những người lính tử trận sẽ được thông báo đến gia đình để tùy hoàn cảnh riêng có thể đem về quê nhà an táng cạnh dòng họ Ông Bà hay đơn vị Chung sự vụ sẽ chôn ở Nghĩa Trang Quân Đội. Riêng ở Trại, sự liên lạc với gia đình được cho phép mỗi tháng một lần thư, và 6 tháng hoặc lâu hơn nữa được thăm nuôi một lần tùy theo mức độ lao động tốt của mỗi người, Trại sẽ cấp Giấy phép thăm nuôi gởi về gia đình. Tuy nhiên nếu vi phạm kỷ luật, đặc ân nầy có thể bị truất bỏ. Những người Mẹ, người vợ, người chị, người em ở nhà cứ mong ngóng hoài mà không thấy tin tức gởi về, cứ nghĩ là con, chồng, em họ vi phạm kỹ luật trại nên không được hưởng đặc ân đó. Họ có hay đâu người thân của mình qua đời đã lâu mà không ai nhang khói cho ấm cái hương hồn ghẻ lạnh vật vờ đâu đó trên đầu cây ngọn cỏ giữa chốn rừng núi xa xôi heo hút.
Những người đưa tiễn họ vào lúc cuối đời đâu có mấy người? Anh nào “may mắn” gặp lúc có một toán đi làm rẫy gần đó sẽ tụ họp lại để tiễn đưa người bạn xấu số của mình trong nỗi ngậm ngùi cho thân phận bạc phước của mình.
Chúng tôi đứng quanh đó nhìn những ngôi mộ đất nhiều vô kể mà tưởng như hương hồn của những đồng đội lẫn khuất bay lượn chấp chới chung quanh vỗ tay reo mừng chào đón một người mới vừa nhập cuộc cùng họ.

Rụt rè giở những cái nón có vành được chằm khíu bằng những manh bao cát để đưa tiễn người vừa quá cố thoát khỏi nỗi điêu linh thống khổ của phận người, những muốn đưa tay lên ngang mày chào tiễn biệt như điều lệnh quân phong chúng tôi thuộc làu như cháo nhưng người nầy cứ liếc nhìn thái độ người kia. Bàn tay phải muốn cất lên lắm, nhưng nghĩ lại thân phận mình lúc bấy giờ xem chừng có vẻ lố bịch.

Đứng trong màn mưa bay lất phất, nhìn quang cảnh chung quanh xui tôi nhớ lại những ngày tháng cũ. Đã biết bao lần tôi đã đứng trên Đài Tử Sĩ Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa làm lễ truy điệu cho những đồng đội mình. Chiếc bê rê đỏ với hai dải lụa đen phất phới trên bộ quân phục hoa bèo đầy huyền thoại với giày botte de saut đánh bóng, tôi đứng nghiêm trang như tượng nhìn thẳng phía trước. Tôi nhớ một nhà văn quân đội có ví hai dải lụa đen ấy như băng tang dành cho những đồng đội đã ngã xuống của mình, càng dài thì con số ấy càng đông. Mới đọc thì nghe có vẻ hay hay, nhưng khi ngẫm nghĩ kỹ thì dường như có chút nghịch lý. Hai dải lụa đen ấy càng “phong trần” bao nhiêu thì nó càng ngắn bấy nhiêu, trong khi thời gian càng dài thì con số những đồng đội ngã xuống càng tăng lên theo phép toán cộng phải không?

Tưởng như ánh nến chập chờn trong cơn gió hòa lẫn với hương khói bay bay, trong tiếng kèn đồng vang vọng bài ca tưởng niệm những Chiến sĩ trận vong có bóng dáng những đồng đội của tôi đang lao lên phía trước. Tất cả sức mạnh tuổi trẻ dồn hết xuống đôi chân xốc tới, những bộ ngực thanh xuân cứ thản nhiên chờ những đầu đạn thù địch hay những mảnh đạn pháo găm vào. Khi tiếng súng trận nổ ra, tiếng nổ và khói súng như một liều thuốc kích thích. Có đi giữa chiến tranh người ta mới không sợ súng đạn! Họ lao về phía trước để chiếm lĩnh trận địa mà giành lấy chiến thắng như những đơn vị Tâm Lý Chiến hay ca tụng khi tàn trận chiến chăng? Không phải như vậy đâu! Chúng tôi chỉ như những con cờ trong bàn tay điều khiển của những người ngồi tại Bộ Tổng Tham Mưu vạch những đường viết chì mỡ xanh đỏ trên những bản đồ quân sự khổ lớn treo trên tường. Chúng tôi lao lên để nhận lấy một-cái-chết-có-chọn-lựa vì còn có cơ may thoát ra hơn là cứ nằm tại chỗ mà lãnh những trận pháo chắc chắn sẽ xảy ra không lâu sau đó để cam tâm chờ đợi cái chết như những con bò trong lò mổ. Những gian khổ, những nguy nan chỉ có chúng tôi biết với nhau. Và khi tàn một trận chiến trở về hậu cứ, những chiếc huy chương tưởng thưởng cho sự anh dũng trong giao tranh cũng chỉ chúng tôi biết với nhau. Những người được hưởng sự bình an cho bản thân và gia đình nhờ vào những hy sinh ấy họ nào có biết? Cho nên trải qua mấy mươi năm thăng trầm trong cuộc sống, đến bây giờ tôi rút ra được một điều: Giả như họ có bạc bẽo với tôi cũng là lẽ thường, bởi làm sao họ tường tận được sự đóng góp của từng cá nhân trong cuộc chiến tranh khốc liệt đã qua. Những cảm nhận của họ chỉ chung chung mà thôi.

Vì sao tôi gọi đó là một Nghĩa Trang Quân Đội? Vì tháng tháng trong bảng lý lịch trích ngang của mỗi người phải khai báo đều đều cho Trại, cấp bậc và số quân phải được nhắc đi nhắc lại nhiều lần vì chỉ những con số vô hồn ấy mới có giá trị thực sự liên quan đến nhân thân của một hàng binh giúp người ta có thể xác nhận sự thật về những lời khai báo. Họ chưa phải là một người dân bình thường thì tên gọi mà tôi đặt cho cái nghĩa trang trong nẻo âm u núi rừng đó thật sát nghĩa phải không?
Không biết bây giờ những ngôi mộ hắt hiu đó đã như thế nào?
Có còn ai đoái hoài đến số phận của họ mà thắp cho một nén nhang tưởng nhớ không?
HÙNG BI

 

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2013

Bài Mới Nhất
Search