T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Khánh Ly 60 Năm: Với Ai Tôi Hát, Vì Ai Tôi Hát Hoài.

Khánh Ly, Nguyễn Hoàng Hà, Phùng Quang, hát liên khúc Trịnh Công Sơn.
Hình: Nguyên Chưỡng

Doãn Hưng

(Nguồn: Việt Báo)

Vào chiều ngày Chủ Nhật 7 Tháng 8, 2022, khán phòng Rose Center gần như không còn chỗ trống. Giới yêu nhạc Việt Nam khắp nơi đến đây, chịu đựng cái nóng do hệ thống điều hòa không khí của nhà hát bị trục trặc, để cùng Khánh Ly đánh dấu chặn đường 60 năm ca hát. Một chặng đường dài gần như một đời người.
Đến với chiều nhạc 60 Năm Khánh Ly – Đời Cho Ta Thế là những người hâm mộ lâu đời của Khánh Ly. Có người muốn cùng người ca sĩ mà mình yêu mến kỷ niệm một cột mốc quan trọng trong đời. Có người chỉ mới nghe Khánh Ly hát “live” lần đầu, cho dù đã nghe qua băng đĩa từ nửa thế kỷ nay. Có người muốn xem Khánh Ly trong những năm tháng cuối sự nghiệp ca hát có gì giống và khác so với thời kỳ khởi đầu ở Quán Văn Sài Gòn thập niên 1960s, với thời mà Khánh Ly là ca sĩ thâu băng đĩa nhiều nhất tại Sài Gòn. Có những người là bằng hữu lâu đời của Khánh Ly, yêu quí người ca sĩ này vì nhiều lý do khác chứ không phải chỉ vì giọng hát.

Màn ảnh kéo ra, Khánh Ly, cùng tiếng đàn ghi-ta mộc của Nguyễn Hoàng Hà và Bùi Quang qua ba liên khúc gồm những bài nhạc Trịnh Công Sơn tiêu biểu mà bà đã hát trong 60 năm qua ngay lập tức đưa người nghe trở ngược về dòng thời gian trong sân trường Văn Khoa, Quán Văn, Sài Gòn, 1967, nơi mà từ đó tiếng hát của Khánh Ly đã bay cao.
Chiều hôm đó, Khánh Ly không chỉ hát một mình, mà hát với những người bạn.

Khánh Ly – Tuấn Ngọc hát Hãy Yêu Nhau Đi (nhạc Trịnh Công Sơn) 
Hình: Vinh Phan


Khánh Ly hát với Tuấn Ngọc, Chế Linh, những tên tuổi lớn của sân khấu ca nhạc Sài Gòn, cùng với Khánh Ly và một thế hệ ca nhạc sĩ đã tạo nên một nền văn hóa đa dạng, nhiều cá tính, nhân bản của Miền Nam trước 1975. Khánh Ly hát với Quang Thành, người bạn trẻ tuổi đồng hành hơn 10 năm qua trong những công tác từ thiện tại Việt Nam. Được biết số tiền thu được trong chiều nhạc Đời Cho Ta Thế sẽ được gởi về Việt Nam cho một công tác từ thiện mà Bà và Quang Thành đang ấp ủ thực hiện.

Jimmy hát với Khánh Ly – Bà Mẹ Ô Lý (TCS) 
Hình Vinh Phan


Khánh Ly hát với người bạn trẻ Jimmy Thái Nhựt và cũng là MC trên sân khấu cùng với Y Sa. Jimmy mở đầu phần sô-lô với bài hát Ngày Trở Về của Phạm Duy, là ca khúc mà Khánh Ly khi mới 14 tuổi đã trốn Mẹ theo xe rau về Sài Gòn để đi thi hát và đoạt giải nhì trong cuộc thi ca nhạc thiếu nhi ở Sài Gòn do đài phát thanh Pháp Á tổ chức.  Trong phần II của chương trình, Jimmy cùng với cô Khánh Ly hát để kể lại câu chuyện về Bà Mẹ Ô Lý, một bà mẹ chạy loạn chiến tranh, đi lên phố thị với gia tài chỉ là một trái bí sau vườn. Mẹ nhớ mái nhà, còn trái bí nhớ cái giàn đầy hoa. Chao ôi, thân phận của những người phụ nữ Việt Nam trong chiến tranh sao mà cơ cực đến thế!

Khánh Ly và ban hợp ca Cát Trắng – Lời Mẹ Ru (TCS)
Hình Nguyễn Lập Hậu


Khánh Ly hát với Ban Hợp Ca Cát Trắng, với những người bạn trẻ hát chỉ vì niềm say mê âm nhạc và niềm yêu mến dành cho Khánh Ly qua các bài hợp ca được soạn bè và tập luyện công phu. Khánh Ly hát cùng ban nhạc do nhạc sĩ Sỹ Dự hòa âm với phần nhạc đệm đặc sắc, dầy dặn, nhiều sắc màu, nhiều biến tấu, dầy thanh âm, nhưng nhẹ nhàng hòa theo tiếng hát đi vào lòng người. Điểm đáng chú ý của chương trình là phần hòa âm đa dạng, mỗi bài mỗi thay đổi từ thể loại, sắc thái đến nhạc cụ, có bài chỉ hát với tiếng dương cầm, có bài hát với ghi-ta và contrabass, hay chỉ tiếng dương cầm và tiếng kèn trumpet khiến người nghe nhạc tinh ý hài lòng.

Khánh Ly & Jimmy Nhựt hát Bà Mẹ Ô Lý (TCS) – Tranh Ann Phong – Hình: Việt Báo


Khánh Ly hát với những người bạn đã cùng bà biên soạn và dàn dựng chương trình công phu giúp đưa nghệ thuật hội họa Việt Nam đương đại vào từng bài hát. Người nghe nhạc đã cảm động nhận ra những nét vẽ của các họa sĩ Nguyễn Trung, Chóe, Đinh Cường, Cao Bá Minh, Ann Phong qua từng bài hát, như thể họ cũng đang có mặt cùng bà trên sân khấu.

Một trong những điểm son trong chương trình lôi cuốn sự say mê của khán thính giả là màn múa ballet của đạo diễn Thắng Đào, người bạn trẻ đã từng kể rằng thời thơ ấu được mẹ ru bằng những bài hát của Trịnh Công Sơn, cho nên tiếng hát Khánh Ly qua những Ca Khúc Da Vàng hình như đã ngấm sâu vào tiềm thức của anh. Năm 2008, Thắng Đào đã vinh dự nhận được học bổng từ Princess Grace Foundation để dàn dựng chương trình Vết Lăn Trầm, một chương trình múa ballet với nhạc nền  gồm 10 ca khúc của Trịnh Công Sơn với tiếng hát Khánh Ly. Năm 2010, anh cùng đoàn Ballet Austin đưa chương trình Vết Lăn Trầm lên sân khấu. Ba trong số này được trình diễn trong buổi chiều hôm đó là Cho Một Người Vừa Nằm Xuống, Ru Ta Ngậm Ngùi, Người Con Gái Việt Nam Da Vàng.

Vũ ballet Người Con Gái Việt Nam Da Vàng – Thắng Đào biên soạn. Hình: Vinh Phan. Vũ Ballet Ru Ta Ngậm Ngùi – Thắng Đào biên soạn – Hình: Vinh Phan

Những động tác, sự biểu cảm trên gương mặt và cơ thể, những bước chuyển động của những vũ công như khắc họa rõ nét hơn, tượng hình hơn những gì mà nhạc Trịnh, giọng hát Khánh Ly đã từng muốn gởi gấm đến khán giả chỉ qua thanh âm. Một khán giả nói rằng mình đã không thể cầm được nước mắt trước khi xem hết bài Người Con Gái Việt Nam Da Vàng. Bởi vì hình ảnh người con gái bất hạnh ấy dường như đang sống lại, cho dù chiến tranh Việt Nam đã đi qua gần nửa thế kỷ.

Chiều hôm đó, Khánh Ly không chỉ hát nhạc Trịnh Công Sơn, cho dù hai cái tên Khánh Ly – Trịnh Công Sơn đã trở thành một huyền thoại gắn liền với nhau trong nền âm nhạc Miền Nam trước 1975. Khánh Ly đã từng nói rằng nếu không có nhạc Trịnh Công Sơn thì sẽ không có một Khánh Ly được biết đến như ngày hôm nay. Và không phải Khánh Ly là người hát ca khúc Trịnh Công Sơn hay nhất. Một lời nói khiêm tốn, nhưng vẫn không thể phủ nhận được sự thật là tiếng hát Khánh Ly với những Ca Khúc Da Vàng là một sự kết hợp hoàn hảo, đúng thời nhất.  Ca Khúc Da Vàng diễn tả thân phận đất nước và con người Việt Nam trong cuộc nội chiến tương tàn. Những ai đã từng nghe giọng Khánh Ly hát Đại Bác Ru Đêm, Hát Trên Những Xác Người, Một Buổi Sáng Mùa Xuân… trước 1975 sẽ hiểu được tại sao giọng hát Khánh Ly là của Ca Khúc Da Vàng. Với chất giọng trầm nhưng trong sáng, Khánh Ly như một người kể chuyện về những đau thương mất mát của chiến tranh Việt Nam một cách bình thản. Không bi than, oán trách khi diễn tả hình ảnh một bà mẹ ôm xác con, hay một đứa bé ra đồng đạp mìn nổ chậm xác không còn đôi chân, tiếng hát Khánh Ly như lời kể của một nhân chứng trước những cảnh thương tâm hằng ngày, cho nên đã quen dần với cảm xúc, chỉ còn một chút mỏi mệt vì đã mong đợi quá lâu lương tri của con người. Khánh Ly hát Ca Khúc Da Vàng như là lời tâm tình của cả một thế hệ sinh viên học sinh Miền Nam trước 1975.

MC Y-sa và Jimmy Nhựt. Hình: Tâm Duy


Cả hai MC Y Sa và Jimmy đều nhắc lại rằng Khánh Ly là sự lựa chọn của nhiều nhạc sĩ cho những sáng tác mới của họ. Những người nhạc sĩ đó là Anh Bằng, Trầm Tử Thiêng, Từ Công Phụng, Ngô Thụy Miên. Trở lại sân khấu để hát liên tục các ca khúc của các nhạc sĩ khác nhau, Khánh Ly đã tự hỏi: “Chúng ta sẽ có gì nếu không có những ca khúc của những nhạc sĩ này?” Và rồi bà hát Khúc Thụy Du của Anh Bằng, Kinh Khổ của Trầm Tử Thiêng, Dấu Tình Sầu của Ngô Thụy Miên và Tuổi Xa Người của Từ Công Phụng… như để nhớ lại cả hàng ngàn ca khúc của nhiều tác giả mà mình đã từng hát, đã để lại những dấu ấn đậm nét đổi với cả khán giả lẫn tác giả.

Khánh Ly tâm sự với khán giả rằng vẫn muốn hát cho đến tuổi 80, hát cho đến khi không còn hát được nữa. Câu hỏi được một số khán giả đặt ra: vì sao Khánh Ly vẫn tiếp tục hát? Chắc chắc không phải là vì danh, và cũng chẳng phải vì cần tiền.  Theo dõi những chuyến Khánh Ly về lưu diễn ở Việt Nam trong những năm gần đây, người hâm mộ có thể tìm được phần nào câu trả lời đích thực. Từ Nam ra Bắc, những buổi trình diễn của Khánh Ly lúc nào cũng đông nghẹt khán giả, vé bán hết có khi trước cả tháng. Rất nhiều người đi xem là các bạn trẻ, đa số chưa ra đời khi Khánh Ly rời quê hương để sống đời lưu vong. Tình yêu mến của các bạn dành cho Khánh Ly thật khó diễn tả. Khán giả miền Nam thần tượng hóa Khánh Ly đã đành, nhưng khi các bạn trẻ Hà Nội nói với Khánh Ly rằng: “Bà ơi, bà là người của chúng con!” (bởi vì Khánh Ly cũng là người Hà Nội) thì quả thật là đặc biệt. Khánh Ly giống như một đại diện văn hóa, đi trao truyền lại một di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam thời cận đại: nền văn hóa nghệ thuật Miền Nam trước 1975.

Chế Linh hát Thành Phố Buồn, nhạc Lam Phương. Hình: Vinh Phan

Và những nghệ sĩ, những tác phẩm nghệ thuật miền Nam thời ấy đến bây giờ vẫn là những tên tuổi và những tác phẩm hàng đầu không thể thay thế.  Như khi Chế Linh cất lên tiếng hát “Thành Phố Buồn, nhớ không em…”, cả thính phòng đã im lặng chìm vào một quãng xa xăm để rồi người nghe nhạc thấy lòng mình trở về không gian của một “thành phố buồn lắm tơ vương…” chỉ trong một khúc nhạc. Một bài hát cũng được nhiều khán giả yêu mến và đưa “live” lên facebook là bài “Hãy Yêu Nhau Đi” do chính Khánh Ly hát cùng với Tuấn Ngọc. Khi hát bài này, Khánh Ly đã nhiều lần lập đi lập lại câu “Trái tim cho nhau nơi về nương náu” như thể bà đang muốn nhắn nhủ một điều gì với người, với mình.

Bích Liên hát Lệ Đá Xanh & Mắt Biếc, nhạc Cung Tiến,
với tiếng đàn dương cầm Đỗ Bằng Lăng và tiếng kèn trumpet James Sherry.
Hình: Vinh Phan.

Chương trình “Đời Cho Ta Thế” tuy gói gọn trong vòng 3 tiếng, nhưng là một chương trình đa dạng, gồm nhiều ca sĩ, nhạc sĩ, với nhiều thể loại nhạc mà suốt 60 năm qua Khánh Ly đã từng hát và khó có ai qua mặt được Bà. Trước khi bắt đầu hai bài hát của mình, Bích Liên đã nói: “Tiếng hát Khánh Ly qua bài Lệ Đá Xanh của Cung Tiến khi nghe lần đầu đã ăn sâu vào tâm trí khiến tôi yêu thích bài hát này.” Bích Liên trình bày liên tiếp hai ca khúc của người nhạc sĩ vừa từ giã chúng ta, Lệ Đá Xanh và Mắt Biếc với tiếng đàn của dương cầm thủ Đỗ Bằng Lăng và tiếng kèn Trumpet trầm bổng của James Sherry hay lạ lùng. Cả hai bài đều là một thể loại nhạc khác, được phối âm theo hòa âm của chính tác giả với chất nét bán cổ điển đem đến cho người nghe nhạc những bất ngờ lý thú. Khán thính giả cũng được biết trong thính phòng có sự hiện diện của bà Josée Cung, người vợ và cũng là hình bóng trong dòng nhạc “Tiếng ai còn âm ân, tóc ai còn thơm thơm, mắt ai còn xanh thắm trong tâm hồn…“

Khánh Ly, Ban Hợp Ca Hát Trắng, Ban Nhạc Sỹ Dự với ca khúc “Với Ai Tôi Hát” của Trần Dạ Từ.
Hình: Nguyễn Lập Hậu

Thính phòng chiều Chủ Nhật còn có sự hiện diện của rất nhiều ca sĩ, nhạc sĩ, nghệ sĩ và khán giả từ xa đến. Trước khi ra về, những người đến với chiều nhạc Khánh Ly 60 Năm hẳn phần nào cũng tìm được câu trả lời qua ca khúc cuối của chương trình, Với Ai Tôi Hát. Nhạc sĩ, thi sĩ Trần Dạ Từ đã viết tặng Khánh Ly ca khúc này vào khoảng năm 2014. Bài hát kể lại cuộc đời ca hát của Khánh Ly từ khi là nữ hoàng đi chân đất của Quán Văn Sài Gòn thập niên 1960s:

“…Đã có một thời tôi hát với quê hương

Khi ta bên nhau, tình yêu là có thật

Tôi đi chân đất, nghe đất ấm trong tim

Tôi lấy trái tim ra, chia hai, chia ba, tung lên theo tiếng hát…”

Rồi đến thời đất nước ly tan, người ca sĩ phải rời xa quê hương yêu dấu:

“… Đã có một thời khi đất nước ly tan

Cây non chết oan bên thây dòng suối cạn

Con sông hung hãn không nghe đất kêu van, mưa lũ cuốn ta trôi

Ôi anh, ôi em, đi đâu sao đi mãi…”

Nhưng người ca sĩ mà tiếng hát đã từng gắn bó với một quê hương điêu tàn khói lửa luôn mong có một ngày quê hương tươi sáng hơn, để được một lần về hát lại với quê hương, với đồng bào:

“Sẽ có một ngày, con én kia trở lại, con suối kia lại đầy…

…Một ngày để thương nhau, một ngày để có nhau

Rồi một ngày để sống… sống… ta sống cho nhau

Với ai, tôi hát, vì ai tôi hát hoài.

Với ai, tôi sống, vì ai tôi hát hoài…”

“Một thứ đáng trân trọng nhất mà cuộc đời đã cho mình
chính là sự yêu thương của khán giả” – Khánh Ly
Hình: Nguyễn Lập Hậu

Khánh Ly nói rằng một thứ đáng trân trọng nhất mà cuộc đời đã cho mình chính là sự yêu thương của khán giả. Có lẽ vì thế mà trong suốt 60 năm ca hát, Khánh Ly bao giờ cũng hát với một niềm say mê. Hát cho khán giả, mà cũng là cho chính mình. Khánh Ly cùng những người bạn thân quý đã kết thúc chương trình với lời ca hân hoan: 

“Hát hoài, hát hoài, hát hoài

Hát…. Hoài…Hát… Hoài…”

Và để đáp lại, khán giả cũng hòa giọng với Khánh Ly để cùng kết thúc chiều nhạc Khánh Ly 60 Năm với tinh thần yêu thương, kết nối nhịp cầu cảm thông bằng âm nhạc:

…Còn đây có bao ngày, Còn ta cứ vui chơi
Rồi mai sẽ ra đi, Dù nhớ thương con người
Còn đây những đêm này, Còn em hãy yêu tôi
Đời đốt nến chia phôi, Dù nhớ thương cũng hoài… ( Còn Có Bao Ngày, TCS)

Doãn Hưng – Việt Báo

Bài Mới Nhất
Search