T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Lê Mai Lĩnh: Thơ tình của tôi, người tình của tôi

Hình dáng thần thơ Tranh: Thanh Châu

Tôi dốt nát, ngu si và dại khờ, nên tôi, trí tưởng tượng rất kém cỏi, nghèo nàn.

Tôi có người yêu đơn phương, tôi không có người tình tưởng tượng.

Ngồi, tưởng tượng ra người tình để làm thơ, không có tôi.

Người tình, dẫu không đánh xáp lá cà hay tao ngộ chiến, nhưng, ít nhất cũng phải biết nhân dáng, hình hài và đôi khi, nghe hơi thở của nhau, qua điện thoại.

Anh nhớ mình ghê lắm. Ái Khanh nhớ Trẫm vô vàn. Nhớ nhớ làm thơ cho em đọc mỗi sáng mai, giờ cà phê, hỡi người yêu dấu. Đó không là, mật rót vào tai, là gì.

Như rứa, như tê, mới có nguồn thơ, hồn thơ và bài thơ ra lò, chào đời.

Thơ tôi, dẫu nghìn trùng xa cách, như Philadelphia, Texas, Washington state,

Washington DC, nhưng vẫn có hơi ấm của một cận kề, gần gũi, là hai, nhưng một, là ngái xa trong không gian, nhưng cận kề trong tâm tưởng.

Người tình trong thơ tôi, có số nhà, địa chỉ, có cả số điện thoại, dẫu tôi không biết, không cần biết, nhưng có. 

Có biết, điện thoại, số phone, vùng miền cư trú, chẳng giúp gì, chẳng trở ngại gì, cho thơ tôi cứ phom phom, như lời khuyên của ông Võ Phiến.

Có biết, điện thoại, số phone, vùng miền cư trú, thì tôi cũng chẳng đi tìm và nàng, cũng chẳng tìm về, mà nạp mạng. Nhưng thơ, vẫn phom phom, đều đặn mỗi ngày, có khi là dăm bảy bài một ngày, cứ phom phom, ra đời, từ và nhờ, nàng thơ/ người tình, ấm áp dẫu xa, mặn nồng dẫu không gần gũi.

Thơ tình của tôi là rứa, người tình của tôi, là vậy.

Có người phân biệt, vợ và người tình.

Tôi thì không.

Vợ là vợ, người tình là người tình.

Người vợ, không thể là người tình, vì đã qua thời người tình. Những gì tôi dành cho người tình hôm nay, tôi đã dành cho vợ, khi còn là người tình.

Người tình, có những thua thiệt hơn người vợ. Người tình, không nhất thiết phải làm công việc của một người  học trò, với cô giáo. Nhưng người vợ, thì có lúc, người chồng phải làm công việc của người học trò.

Trước khi là vợ, em, chẳng phải là người tình của anh, đó sao.

Vậy, phải biết, giới hạn nào, biên cương, lãnh thổ nào, trong trận địa tình ái.

Em, cũng đã từng hạnh phúc, khổ đau, hân hoan, bầm dập, đã từng lên bờ, xuống ruộng, đã từng hổn hển kêu la, im lặng tận hưởng…

Em, có thiếu chi mô nờ.

Em, thừa mứa nữa là đàng khác.

Em, có tờ hôn thú ,để vòi vĩnh, eo xèo, khiếu nại, chia chác, người tình không có chi mô nờ.

Em, người vợ, trong 24 giờ, bao giờ em cũng chiếm phần hơn.

Em, người vợ, bộ trưởng tài chánh, là thủ quỹ đồng lương, em quyết định mọi chi tiêu. Người tình có chi mô nờ.

Em, chủ động biết trước, ấm lạnh, lúc nào hùng hục như trâu, lúc nào mềm, như cọng bún. Người tình, biết chi mô nờ.

Là nhà thơ, người tình, là nguồn cảm hứng cho thơ tuôn trào. Nhờ người tình, và những mê đắm, chiêu thức, cho nguồn sáng tạo, không chán, không mệt mỏi.

Người tình, kẻ quyết định danh phận cho một nhà thơ, nhờ những bài thơ. Người tình, không nên quá hiền, u mê, nhà thơ không muốn người tình như thế.

Nhà thơ, cũng không muốn, nếu không muốn nói là sợ, những mụ tình nhân chanh chua, chì chiết, tru tréo, trong những phút lên trời hay xuống đất.

Người tình, những người tình, phải ranh ma, lươn lẹo chút chút thì hay lắm.

Nhưng không may cho em hay tại số trời xui khiến, em đã đụng vào anh, một gã làm thơ… em đã không may, lấy chồng là thi sĩ.

Là vợ, ăn cơm xì dầu

Là tình nhân

Buffet hay seafood

Là vợ, mặc hàng on sale, goodwill

Là tình nhân, 

Hàng hiệu, hàng độc

Là vợ, nhà thuê hay trả góp

Là tình nhân

Motel, hotel

Là vợ, đêm đêm là đà mặt đất

Là tình nhân

Lên đỉnh thiên thai, từng ngày.

Hắn, đứa ba lăng nhăng, tổ sư bồ đề, loạng quạng.

Hắn, hơi bị đểu, chút chút.

Em đến, hắn vui vẻ cầm tay, nhưng em muốn đi, hắn sẵn sàng phóng thích.

Em đến, thơ nó dâng trào, ào ào như thác đổ.  Nhưng em đi, thơ nó cũng thác đổ, ào ào.

Bạn tôi, khùng thi sĩ, có bài thơ ngồ ngộ, nói lên cái quyền năng của một nhà thơ:

EM ĐẾN, CẢM  ƠN. CHÚT CHÚT

EM ĐI, CẢM ƠN. NHIỀU NHIỀU. 

Tại răng rứa. 

Vì là răng,

Em đến, hắn hân hoan, như người trúng số. 

Còn như lô an ủi hay độc đắc là tuỳ hắn nghĩ về em, tuỳ em, ban trao, cái báu vật, em có.

Và em đi, tuỳ cách em đi. Và dù, em ra đi, nụ cười hay nước mắt, hắn vẫn có thơ, cho em, cho đời và cho kho thơ của hắn..

Ra đi nụ cười, có thơ nụ cười

Ra đi nước mắt, có thơ nước mắt

Nhà thơ, cũng là nhà phù thủy.

Vì rằng, thơ hắn làm, không phải của hắn làm, mà là, hắn chỉ là thằng thư ký, ghi chép thơ, Thần thơ, mai phục, nằm vùng, trong đầu nó, mách bảo, đọc cho nó chép, mà thôi. 

Hiện tượng thơ Nguyễn Bắc Sơn, cũng vậy. Hắn biết từ những ngày cùng cụng ly, cụng chén, nơi ngôi nhà số 1 Chu văn An, Phan Thiết.

Nguyễn Bắc Sơn, chỉ là tên thư ký, tà lọt của Thần thơ, Thánh thơ.

Bây giờ là hắn.

Kiểu cách nào, em đến và đi. Kiểu cách nào, trong 36 kiểu, em thực hiện với hắn, thì hắn cũng không một ngày thất nghiệp.

Việc làm nào, cũng có lúc, có thời, thất nghiệp. Việc làm thơ thì không.

Việc gì, cũng hạn định thời gian. Làm thơ thì không.

Hắn làm thơ, bất cứ lúc nào, trong ngày, trong đêm.

Hắn làm thơ, đến nỗi, có lúc, quên trả bài cho ai đó, ngay cả lúc, người đó, nằm bên, eo sèo, khiếu nại, nhắc nhở, thậm chí beo, năn nỉ “chiều em chút chút”  thôi mà.

Hắn cũng giả như không nghe, không biết.

Em chờ tí, mình chờ chút, ái Khanh làm phiền trẫm quá. 

Chờ đi. Ngày mai anh sẽ tăng ca, nạp thêm năng lượng. Em, có chịu thấu không. Đó là trả lời, của những trò không thuộc bài, không trả bài, với cô giáo, bà giáo. Thầy giáo không có mặt trong tình huống này.

Ấy là lúc, hắn bị thần thơ bắt ghi chép. 

Ấy là lúc, hắn lên đồng, khi thánh thơ nhập.

Ấy là lúc, hắn chọn làm thơ, không chọn làm ấy ấy.

Nhà thơ, người làm thơ, thi sĩ, là một đứa, trời ban cho tính ranh ma, chúa xạo, chúa đểu…

Nhà thơ, người làm thơ, thi sĩ, là một đứa, từ khùng tới điên.

Không có chút khùng điên, không thể làm thi sĩ

Vì thế, có thơ rằng:

“ Có lúc hiền, anh ăn nói văn chương bóng bẩy

Lúc giận hờn, anh ăn nói như một thằng điên, trong đầu có sạn

Giận anh ghê

Ghét anh ghê,

Anh giết em rồi”

Hãy nhớ, hỡi các ông nhà thơ/ thi sĩ, người tình là tên bạo chúa (vai trò trước đây, khi bà vợ còn giai đoạn người tình), nó chém, nó xử tội mình, bất cứ lúc nào. 

Khi NƯỜNG nói, anh giết em đi, cũng có nghĩa, nếu anh không giết em, em sẽ giết anh. Quý bà NƯƠNG, có nhiều lắm lắm, những vũ khí, chiêu trò, giết những kẻ khờ khạo.

Mắt sắc như lưỡi dao cạo, tóc dài như sợi dây thừng, móng tay,  như lưỡi kiếm, 

Nước mắt là đại thủy triều, ngập lụt. Và nhiều chiêu thức khác, các ông tự khám phá, mà giữ cho toàn thân.

Nghề làm thơ, công phu, cũng không ít, cũng không nhiều, chỉ là điều, liệu cơm gắp mắm, biết tiến, biết thối, tuỳ thời.

Ai không biết làm thơ, muốn biết làm thơ, suy nghĩ cho kỹ, khi đã nghĩ kỹ,  nhưng nhất quyết lao vào, đến đây gặp tôi, bất cứ lúc nào.

Lời kết.

Cảm ơn các em, những người tình vẹn toàn, viên mãn 

Cảm ơn, rất hung, các em đã cho thày,  nguồn thơ không cạn, mãi mãi tươi màu

Cảm ơn các trò, đã cho thày hồi Xuân, dẫu muộn, nhưng rất hung.

Dẫu có lúc, thầy bị các trò trừng trị, bằng mắt sắc, tóc dài, môi mọng, nước mắt mặn, những chiều rơi, hoàng hôn tím, bình minh xanh, một trời nhớ thương chất ngất, dạn dày mê tơi, không kém phần mê ly.

Tôi cũng đang bị thần thơ nhập. Viết hoài cũng được, viết thêm cũng không sao.

Đã tới lúc, tôi chạy trốn thần thơ. Tôi cho phép mình nghỉ ngơi.

Hoan hô người đàn bà,

Muôn năm người nữ

Vạn tuế những người tình

Lê Mai Lĩnh

(Phóng Bút)

Bài Mới Nhất
Search